28 tháng 12, 2023

VTM #137 _ Chiều quê_Minh Tâm

 



Xướng:

Chiều quê

Đầm sen lặng sóng cảnh bình yên,
Thấp thoáng mây phơi lụa trắng hiền
Sườn núi nhạt nhòa tia nắng muộn,
Mặt hồ lấp loáng mái chèo nghiêng.
Sáo vương hơi gió lay sương mỏng,
Trăng nhú hàng tre nhuộm khói huyền.
Thi hứng trào dâng ngâm mấy vận,
Thả hồn phiêu lãng cõi thần tiên.

Minh Tâm

Họa 1:

Thủa thanh bình

 
Mặt nước sen hồ phẳng lặng yên,
Hàng tre ruộng lúa mái tranh hiền.
Chiều mây thảm cỏ sương mờ mịt,
Đêm gió cây vườn bóng ngả nghiêng.
Nguyệt tỏ hương cau trời mộng ảo,
Sao khuya nhạc dế cõi mơ huyền.
Thanh bình một thủa đâu còn nữa,
Đất khách trông vời bái tổ tiên.
 
Mỹ Ngọc.
Dec. 15, 2023.

Họa 2:

Phù du

Mặt nước ao hồ vẫn lặng yên

Ai người đạo đức tiếng tâm hiền
Băn khoăn cánh nhạn bay ngang nước
Mất hút không gian bóng ngả nghiêng
Phút chốc nhạt nhòa không hiện hữu
Trăng treo lơ lửng ngắm tuần huyền
Phù du khoảnh khắc mây trôi mãi
Thanh tịnh tâm hồn lạc cảnh tiên
 
Hương Lệ Oanh VA
Dec. 17, 2023
tuần huyền: Lúc trăng non khoảng mùng 7, mùng 8, mới lên nửa hình như cái cung

Họa 3:

Về quê cũ


Thôn xóm nơi này rất lặng yên
Đường xa vời vợi ảnh quê hiền
Bao năm rảo bước về thăm lại
Khóm trúc la đà gió đẩy nghiêng
Đứng trước hàng ba trời đã tối
Vẳng nghe cuối xóm tiếng tam huyền
Tâm hồn sảng khoái đầy thơ mộng
Cứ ngỡ lọt vào chốn cảnh tiên

PTL
tam huyền 三絃 : Một thứ đàn thời cổ, có ba dây.
Họa 4:

Phương xa

Nắng tắt hàng cây đứng lặng yên
Xóm nghèo quê cũ mái tranh hiền
Chiến tranh tang tóc anh về muộn
Khói lửa điêu tàn nước ngả nghiêng
Vợ khổ mỏi mòn chiều bảng lảng
Con ngoan khờ dại mắt đen huyền
Đã xa rồi tháng Tư ngày ấy
Ta sống đây như ở cõi tiên !
 
Nguyễn Cang
Dec. 17, 2023

Họa 5:

Sơ nguyện
 
Nhủ lòng buông xả sống an yên
Chia sớt buồn vui với bạn hiền
Thế sự thăng trầm thôi gác lại
Công phu miên mật gối trăng nghiêng
Sương khuya thấm lạnh quàng thêm áo
Nắng sớm chưa lên  giữ lửa huyền
Chuông gió ngày đêm luôn nhắc nhở
Như nhiên đạm bạc ước gì tiên.
                 
Tâm Quã

1. Lối về xóm nhỏ:

Tác giả: Trịnh Hưng

Ca sĩ: Minh Dung $ Thái Ngân






2. Chiều Quê Mẹ

Soạn giả: Dũng Nhi

Nghệ sĩ: Tống Yến Nhi



https://youtu.be/6u5dCqPvBhc


 

Đoản Khúc Lam Giang:

Ϲhiều từng chiều trôi qua
Nghe nhớ thương trong νề nơi cố hương
Hàng tre thắm xanh một màu
Như sống lại những ngàу thơ ấu
Nhìn khói chiều tung baу
Như đắm saу khung trời quê hương
Xa rồi mới nghe lòng đau
Những đêm đơn lạnh, ngoài trời gió mưɑ thầm rơi
Lòng ngậm ngùi bâng khâng
Ƭhương nhớ nhớ quê hương
Ϲho gởi mấу câu tâm tình rằng người ra đi
Hãу thương νề đâу
Ƭrời thắm màu xanh
Mâу ửng hồng baу lững lờ
Như giấc mộng saу đắm lòng
........
Dẫu có đi xa cả một đời
Làm sao quên hết những ngàу gian khó
Ѕống nơi quê mẹ ấm nồng уêu thương
Ϲó đi xa rời nhưng mẹ là quê hương
Không thể nào quên

Vọng cổ

Câu 1:

Ϲhiều ở nơi đâу cảnh νật đìu hiu không bằng chiều quê mẹ. Từng cánh cò baу qua đồng ruộng lúa sông nước mênh mong sâu nặng mấу ân .......tình...
Ráng đỏ màu thu sắρ lặn cuối chân trời
Dù có đi trăm ρhương ngàn nẽo
Xứ sở quê nhà khắc đậm trong tim
Ruộng lúa bờ sông cánh đồng xanh mượt
Khói tỏa lam chiều bếρ lửa nhà ai
Nhìn cánh chim chiều νề muộn tung baу
Nhắn gởi cho ai tình quê hương xứ sở.....

Câu 2:

Dù lớn trăm năm dù già trăm tuổi
Ƭrong mỗi trái tim quê mẹ νẫn muôn đời
Ϲon đã đi xa hơn mấу chục năm dài
Naу trở νề đâу trở νề bên mẹ
Dóc dáng hiền hòa cũng bến nước dòng sông
Lũу tre đầu làng rợp bóng buổi nắng trưa
Ϲâу cầu khỉ bắt qua con mương nhỏ
Ai đã lớn lên giữa trời quê mẹ
Mới thấу trong lòng raу rức một niềm thương.......

Nói lối:
Mưa rơi đồng ruộng trắng ngà
Mưa bao nhiêu hạt nhớ nhà bấу nhiêu

Vọng cổ

Câu 5:

Hai câu hát đơn sơ chứa đựng trong tim bao nỗi niềm thương cảm. Nhìn áng mâу trôi lững lờ xa thẳm bao nhiêu nhớ thương có tình mẹ bao la như biển rộng sông .......dài......
Mòn gót bôn ba nơi xứ lạ quê người
Dù mắt có mờ chân rung taу уếu
Trong tim hình ảnh quê nhà sớm nắng chiều mưɑ
Cánh đồng hoang ngậρ trắng nước mưa
Đàn cá tung tăng chao mình đốρ móng
Dẫu có đi xa không bao giờ quên được
Hình ảnh thân yêu sâu nặng bên lòng....

Câu 6:

Chiều quê mẹ có mâу trôi lờ lững, cò trắng từng đàn baу lượn buổi chiều mưɑ.
Khói bếρ nhà ai thơm mùi gạo mới, hương νị quê nhà ngâу ngất kẻ đi xa
Hỡi những người con xa nơi chôn nhau cắt rúng
Mới thấy trong lòng se thắt từng đêm
Giọt lệ đắng môi chảу dài khóe mắt
Vì nhớ νì thương một góc quê nhà....
Ta sẽ νề νới mẹ νới quê hương
Dù có xa xôi ngàn trùng ngăn trở
Ϲhiều mưa chạnh nhớ quê nhà
Nước mắt chan hòa theo tiếng mưa rơi./.


3. Hòa tấu đàn 3 dây:




23 tháng 12, 2023

“Xmas” thay vì “Christmas”

 Rất ít thứ có thể châm ngòi cho các “cuộc chiến tranh văn hóa” như từ viết tắt “Merry Xmas” tưởng chừng như vô hại và vô thưởng vô phạt. Nhiều người, đặc biệt những tín đồ Cơ đốc giáo sùng đạo, tin rằng “XMas” là một nỗ lực nhằm “phi Cơ đốc giáo hóa” (de-Christianize) một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của Cơ đốc giáo.

Lập luận này nêu rằng, bằng việc dùng “Xmas” thay vì “Christmas”, người ta đã xóa bỏ “Chúa Kitô” (“Christ”) ra khỏi ngày lễ thánh kỷ niệm sinh nhật của Người.

Ảnh: pexels-ekaterina-bolovtsova

Tuy nhiên, như Daniel Payne viết trên Catholic News ngày 22 Tháng Mười Hai 2023, trên thực tế, thực chất vấn đề gần như hoàn toàn ngược lại: “XMas” là một sự đổi mới hoàn toàn của Cơ đốc giáo, nhằm bảo tồn hình ảnh Chúa Kitô là trung tâm của lễ Giáng sinh dưới hình thức viết tắt. Vậy làm thế nào từ “Christ” lại biến thành “X?”

Câu trả lời được tìm thấy trong từ nguyên học. Tiếng Hy Lạp dành cho Chúa Giêsu (Jesus) – Χριστός – đã được La Mã hóa là “Khristós”, rồi từ đó trở thành “Christ” trong tiếng Anh hiện đại. Chữ cái đầu tiên của Χριστός – “Chi” – được viết bằng tiếng Hy Lạp là X. Từ đó, dưới dạng viết tắt, chữ X thay thế cho Jesus Christ dưới nhiều hình thức, bao gồm cả trong “labarum” hoặc Chi Rho, một tiêu chuẩn quân sự được Constantine Đại đế sử dụng kết hợp hai chữ cái đầu tiên của tên Christ trong tiếng Hy Lạp: Chi (X) và Rho (p).

Đáng chú ý, X cũng được đưa vào những gì mà các nhà sử học cho là dấu hiệu nhận biết về Cơ đốc nhân (Christians) thời kỳ đầu. Viết vào cuối thế kỷ 19, Giám mục người Ireland John Healy lưu ý rằng “trong thời kỳ đầu của Giáo hội, con cá là một biểu tượng rất thiêng liêng”. Từ Hy Lạp có nghĩa là cá – ἰχθΰς – được “coi là biểu tượng của chính Đấng Cứu Rỗi của chúng ta,” vị giám mục viết, “bởi vì các chữ cái của từ này là chữ cái đầu của năm từ Hy Lạp có nghĩa là Jesus Christ.”

Từ dấu hiệu cổ xưa này và truyền thống đi kèm, thế giới hiện đại có cái gọi là “Jesus Fish”, một dấu hiệu phổ biến về đức tin Cơ đốc giáo thường thấy trên các miếng dán và cửa trước.

Ảnh: markus-spiske-unsplash

Do được sử dụng thuận tiện để thay thế cho tên của Chúa Kitô (Christ), không có gì đáng ngạc nhiên khi “X” được sử dụng liên quan đến lễ Giáng sinh trong nhiều thế kỷ. Christophe Rico, nhà ngôn ngữ học và hiệu trưởng Viện Polis có trụ sở tại Jerusalem, nói với Catholic News rằng:

“Trong chữ viết tắt của Lễ Giáng sinh, X là viết tắt của chữ cái Hy Lạp “chi”, là chữ cái đầu tiên của Χριστός, tức ‘Christ’ trong tiếng Hy Lạp. Rico cho biết thêm “kể từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Cơ đốc giáo”, Chrismon hay Christogram “đều có liên quan chữ ‘chi’ và chữ ‘rho’ trong tiếng Hy Lạp như một biểu tượng của Đấng Christ”. Ông nói: “Vì vậy, từ viết tắt ‘Xmas’ chỉ là cách rút ngắn tên của Chúa Kitô bằng chữ cái đầu tiên của Chúa Kitô trong tiếng Hy Lạp.”

Ảnh: markus-spiske-unsplash

Cách sử dụng sớm nhất của từ viết tắt này được tìm thấy trong Anglo-Saxon Chronicle hồi thế kỷ 11, trong đó tác giả vô danh đã đề cập đến “Xp̄es mæsse uhtan,” hay “buổi sáng Giáng sinh”. Một ví dụ khác có thể được tìm thấy trong bức thư của Vua Edward VI, người vào những năm 1500 đã đề cập đến “Lễ Giáng sinh tiếp theo” (“X’temmas next following”). Cuối những năm 1700, nhà thơ Samual Taylor Coleridge gọi bài thơ Giáng sinh của ông là “my Xstmas Carol”. Vài năm sau đó, Coleridge lại nhắc đến “Xmas day”. Nói cách khác, bất kể các biến thể hậu tố của thuật ngữ này là gì, chữ “X” luôn đóng vai trò thay thế cho “Christ”.

Vậy nên, nói Xmas không có gì sai, bạn cứ thoải mái Merry Xmas đến bạn bè và người thân. Chúc mọi người và mọi gia đình mùa Xmas ấm áp và hạnh phúc.

: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/viet-xmas-thay-vi-christmas-la-dung-hay-sai/


13 tháng 12, 2023

VTM # 136_Mưa trên phố cũ_Nguyễn Cang

 




Xướng:

Mưa trên phố cũ
 
Mưa trên phố cũ lá vàng bay
Ngơ ngác rừng thông nhạn lạc bầy
Phố nhỏ quạnh hiu đời cách biệt
Quê nghèo lạnh lẽo phận an bày
Mấy năm lận đận không về nữa
Một phút suy tư chẳng được khuây
Mưa vẫn bay trên đường phố cũ
Ta cô đơn ngắm mảnh trăng gầy!
 
Nguyễn Cang
Nov.16, 2023

Họa 1:


 Hoài cảm


Nắng nhạt chiều thu, ngắm lá bay.
Nghe chim ríu rít gọi kêu bầy.
Vi vu gió lạnh trăng vừa hé,
Nằng nặng mây xa mưa sắp bày.
Mơ dáng trường xưa tình vẫn đượm,
Nhớ dòng sông cũ dạ khôn khuây.
Nỗi niềm hoài cảm dâng triều sóng,
Mượn tiếng đàn ngân, những ngón gầy…


Minh Tâm

Họa 2:


Nắng Vàng
  
Chiều xuống nắng vàng bụi cát bay 
Đàn chim ríu rít gọi xa bầy 
Đơn sơ thanh thoát như tranh họa 
Lơ lửng mênh mông  khó tỏ bày 
Xa cách nghìn trùng mong gặp lại 
Hàn ôn tâm sự kể cho khuây 
Đời người xuôi ngược theo con tạo 
Hình ảnh chưa  bóng dáng gầy 
 
Hương Lệ Oanh VA 
Dec. 3, 2023

Họa 3:


 Ngày xưa


Bất chợt đàn chim vỗ cánh bay
Nhớ ngày xẻ nghé cảnh tan bầy
Mái trường giã biệt đầy u ẩn
Hoàn cảnh chia ly chẳng giãi bày
Năm tháng trôi qua như gió thổi
Mái đầu đã điểm vẫn chưa  khuây
Ngậm ngùi nuối tiếc đầy thương nhớ
Khoắc khoải ngày xưa chốn đất gầy


PTL

Họa 4:

Trắng trời sáu tám

 Khắp trời mây trắng lững lờ bay
Cánh nhạn đơn côi khéo lẻ bầy
Chuông đổ chùa xa nao bến mộng
Suối tuôn tí tếch nỗi đau bày
Bao năm em đã cùng sông núi
Nay phố đông người sao chẳng khuây
Mây trắng rợp trời hay khăn trắng
Phím đàn chợt lệch ngón tay gầy

Tâm Quã

Họa 5:

Mùa ngâu
 
Tháng bảy mùa Ngâu lất phất bay,
Ngân Hà ô thước kết từng bầy.
Đôi bờ sông Hán nơi hò hẹn,
Hai bến Tương giang chốn tỏ bày.
Lối cũ mưa rơi buồn khó giải,
Đường xưa lá rụng nhớ nào khuây.
Sài gòn thủa ấy trời mưa nắng,
Tà áo tung tăng dáng liễu gầy.
 
Mỹ Ngọc
Dec. 08, 2023.


1.Tân Nhạc Mưa trên Phố Huế

Tác giả: Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương
Ca sĩ: Lê Minh Trung


https://youtu.be/P-H0HkIPQRI






2. Cổ nhac Mưa Trên phố Huế

Soạn giả: Viễn Châu
Nghệ sĩ: Phương Thúy và Hồ Thanh Cường


https://youtu.be/jwzVCi2M2eU

MƯA TRÊN PHỐ HUẾ
Nhạc: Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương.
Vọng cổ: Viễn Châu.
 
Nhạc:
Nam:
Chiều nay mưa trên phố Huế,
kiếp giang hồ không bến đợi,
Mà mưa rơi vẫn rơi rơi hoài,
cho lòng nhớ ai.
 
Nữ:
Ngày chia tay, hôm nao còn đây,
Nước trên sông Hương còn đầy,
tình đã xa,
Gió mưa u hoài mắt lệ ngấn dài.
 
Nam:
Chiều mưa trên kinh đô Huế,
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm,
ngày quen nhau,
dưới chân Thiên Mụ em còn nhớ không?
 
Nữ:
Chợ Đông Ba khi mình qua,
Lá me bay bay là đà, chiều thiết tha,
Có anh bên mình, mà ngỡ hôm ... qua...

Vọng Cổ:
 
Câu1.
Nam:
Hò hơ...hơ.. mưa chợ Đông Ba mưa qua Gia Hội,
ai về thành nội ai đợi Vân Lâu, giọt mưa còn nặng nỗi sầu,
sông Hương muôn thuở còn sâu ân ...tình.
Thượng Tứ chiều nay ai có đợi mình.
Chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng che mặt
mái tóc thề theo gió bay bay
Em e thẹn như ngày mình mới gặp,
e ấp cuối đầu má đỏ hây hây .
Mai mốt này nếu phải chia tay,
chắc nước sông Hương đong đầy thương nhớ.
[ nghỉ 12 nhịp ]
 
Câu 2.
Nữ:
Những chiều hò hẹn cùng nhau sánh bước,
mưa lá me theo gió la đà.
Ngày mình chia tay mưa bụi hắt hiu buồn.
trên phố cũ một mình em đếm bước,
cầu Trường Tiền như dài nỗi bơ vơ .
Những buổi đi về chẳng đón không đưa,
nghe câu mái đẩy mà chạnh lòng thương nhớ.
À ơi, mưa bụi gió bay trời đày hai đứa,
à ơi, lạc loài hai phương.
Nhạc:
Nam:  Hò ơi, ơi hò, chiều mưa, phố buồn.
Chiều mưa, phố xưa u buồn,
có ai mong đợi,
một người biền biệt nơi mô,
để nhớ, để thương một người.
 
Nữ:
Chiều nay mưa trên phố Huế,
Khiến ai đã quên ai rồi,
Hạt mưa  rơi vẫn rơi rơi đều,
cho lòng u hoài
 
Nam:
Ngày xưa mưa rơi thì sao,
bây chừ, nghe mưa lại buồn,
vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng,
làm mình cô … đơn…
 
Vọng cổ:
Câu 5.
Nữ:
Chiều nay mưa rơi dài trên phố Huế,
hàng cây sầu đông ngã nghiêng trong gió như cũng xót xa oằn nặng nỗi thương…sầu.
Từng giọt mưa rơi như dòng lệ nghẹn ngàọ
Tiếng ai hát à ơi trong gió,
nghe não nùng bi thiết làm sao.
Nam:
Hò ơi, chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,
người xa người rồi tội lắm người ơi,
Thà rằng không biết thì thôi,
biết rồi mỗi đứa một nơi, à ơi thêm buồn.
[ nghỉ 4 nhịp ]
 
Câu 6.
Nam:
Phố cũ mưa bay cho dài cách trở,
xa vắng nhau rồi thương nhớ khôn nguôi .
Mùa mưa nào hai đứa vẫn chung đôi,
gió thổi mạnh nhưng đôi lòng vẫn ấm.
Mà giờ đây người xa thăm thẳm,
kẻ âm thầm đếm từng giọt mưa rơi.
Nữ:
Bây chừ hai đứa hai nơi,
mình em hiu quạnh những ngày mưa rơi.
Người đi biền biệt phương mô,
để thương để nhớ sầu cho một ngườị.
 
Nam:
Chiều chiều dạo bến Phú Văn Lâu,
ai ngồi, ai câu ai sầu ai thảm,
ai thương ai cảm thuyền ai lơ lửng trên sông,
đưa câu mái đẩy mà chạnh lòng nhớ thương.



29 tháng 11, 2023

VTM # 135 _ Sương Thu _Hương Lệ Oanh VA

 





Xướng:

Sương Thu
 
Lành lạnh sương thu phủ đất trời
Quê người xứ lạ nỗi sầu vơi
Không gian biền biệt xa nguồn cội
Lắng đọng tâm tư mọi thứ rồi
Vạn vật con người như đổi mới
Dư âm tình cảm cũng buông trôi
Niềm vui tận hưởng thiên nhiên đẹp
Mỗi độ thu về đếm lá rơi
 
Hương Lệ Oanh VA
Nov. 15, 2023

Họa 1:


Nỗi lòng

Ở đây chốn lạ khuất chân trời
Đất khách xa nguồn lệ chẳng vơi
Xứ lạnh tuyết rơi , còn lận đận
Quê nghèo bụng đói cũng qua rồi
Biệt  ly năm tháng mờ tầm với
Bè bạn tâm giao cũng bỏ trôi
Trần thế dối gian đầy mộng ảo
Trà sen độc ẩm ngắm chiều rơi 

Nguyễn Cang
Nov. 17, 2023 

Họa 2: 


Cảm Thu
 
Mây bay lơ lửng ở chân trời
Tri kỷ vui mừng đọ chén vơi
Thưởng ngoạn mùa thu vừa mới đến
Nhắc về dĩ vãng đã qua rồi
Quê nhà sự nghiệp vừa thành đạt
Thân phận xứ người phải nổi trôi
Lẫn lộn vui buồn khi đối ẩm
Ngậm ngùi nhìn thấy lá vàng rơi
 
PTL
Nov. 2023 

Họa 3: 


Mùa lá rụng

Sương sa tím ngắt cả bầu trời,
Lá rụng hoa tàn suối cạn vơi.
Chuyển sắc rừng cây thu đã tới,
Giao mùa mưa nắng hạ qua rồi.
Lòng sông sóng nhỏ lăn tăn nổi,
Đỉnh núi mây sầu lãng đãng trôi.
Hiu hắt heo may trên đất khách,
Quê nhà nhớ quá lệ thầm rơi.

Mỹ Ngọc
Nov.17, 2023.

 Họa 4:

Hoài hương

Màn đêm buồn bả nhạt sương trời,
Gió rít lạnh lùng mãi chửa vơi.
Quê cũ, ngàn mây che mất hướng,
Trường xưa, dăm bạn khuất xa rồi.
Xót thân lữ thứ mơ màng nhớ,
Thương cánh lục bình ngơ ngác trôi.
Xuân hạ dần qua, đầu điểm bạc,
Thẩn thờ ngồi ngắm lá thu rơi…

Minh Tâm

Họa 5:

Niềm thu

Mỗi lần mây trắng rợp lưng trời
Xao xuyến lòng ngân ngấn khó vơi
Muốn khóc mà khô đôi tuyến lệ
Ngại cười lạc giọng tiếng khan rồi
Bao thu trăn trở, bao thu mới
Một thoáng lá rơi, một thoáng trôi
Thương nhớ quê xa thương nhớ nỗi
Niềm chung riêng đượm ngấn sương rơi

Tâm Quã

1. Sương Thu:


2. Thu ca:

Nhạc sĩ: Phạm Mạnh Cương

Ca sĩ: Thu Phương


https://youtu.be/YBYKzcLfw3E


18 tháng 11, 2023

Thầy Dạy Công Dân_Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

 

Ara Phat Chuyển

Ngày hắn đi dạy học, hắn không biết là có ngày vinh danh thầy cô, ngay cả các quốc gia tiên tiến mà chỉ có nơi các quốc gia theo chế độ cọng sản . Không cần lý giải ai cũng hiểu thầy cô dạy dỗ học sinh với cái tâm đâu phải cần cái ngày vinh danh để nhận hoa nhận quà . Vinh danh mấy mươi năm mà càng ngày càng nhiều nhà giáo phải bỏ nghề.
Hắn học tiểu học ở trường tư thục đầu ngõ, ngày nào học sinh lớp nhì, lớp nhất trước khi vào lớp đều xếp hàng chào cờ, anh Bảy lao công nhà trường nhận việc kéo cờ vì đến tối anh hạ cờ.
Ngày nào cũng thế, khi học sinh xếp hàng nghe ông đốc hô "nghiêm" cũng là vừa đúng lúc chiếc Jeep chở thiếu tá Mười đi làm ngang qua và hôm nào thiếu tá và người tài xế cũng xuống xe nghiêm chỉnh, chào tay hướng về quốc kỳ cho đến khi chấm dứt.
Những ông thầy của tôi tận tụy với đám trẻ đâu cần phải có ngày vinh danh trong 1 năm.
Ngày ấy ông đốc sau mỗi lần chào cờ đều để ít phút đọc một mẩu chuyện của Edmond De Amicis trong tác phẩm Grands coeurs do nhà giáo Hà Mai Anh dịch với tựa đề "Tâm hồn cao thượng" cho học sinh nghe, có đoạn kể lại lòng yêu nước của một cậu bé khi nghe những người chung quanh miệt thị tổ quốc bằng cách ném tất cả những đồng tiền các vị khách này vừa cho.
Hắn có một lần đi lên Phước Long, trước sau chỉ có mình chiếc xe đò mà hắn ngồi bên trong, xe đi ngang một đồn nghĩa quân ở Nhơn Cơ, nhìn lá cờ vàng bay trên đồn đem lại cho hắn những ấm cúng được bảo vệ.
Học sinh ngày nay, sẽ mất đi hai chữ "tổ quốc" nếu không đem môn công dân giáo dục vào học đường.
Lần thứ hai hắn xúc động khi nghe lại bản quốc ca là vào một ngày hội tết lúc tôi mới sang đây, đánh mất bao nhiêu năm, ngày hôm đó hắn đã chảy nước mắt, cũng vì hắn đã được giáo dục công dân trong 12 năm học.

Ara

Thầy Dạy Công Dân

Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

Thầy Văn bước vào lớp. Như một thông lệ, cả lớp đứng dậy. Thầy đứng thẳng, yên lặng một giây, mặc nhiên là một hành động chào lại. Thầy trò lớp này vẫn là như thế.

Thầy ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, rồi bước đến bên bàn của Thầy, đặt chiếc cặp da lên đó, và nhìn một lượt khắp lớp. Đôi mắt Thầy dừng lại ở bàn cuối. Bốn đứa con trai chột dạ, không dám ngó Thầy.

Thầy bảo cả lớp mở vở ra chép bài. Mọi người nhìn nhau ngạc nhiên. Thường thì Thầy gọi học trò lên trả bài trước rồi mới cho chép bài mới sau. Ngạc nhiên, nhưng không ai dám hỏi Thầy một câu. Thầy đọc, giọng chậm rãi, rõ ràng. Thầy khác với cô Loan dạy Việt văn ở điểm là cô Loan thường nhờ một trò viết chữ đẹp lên bảng viết bài cho cả lớp chép theo. Còn Thầy, với giọng cứng rắn, sang sảng, Thầy như người thầy bậc tiểu học đọc chính tả. Đó, cái nề nếp của lớp này là vậy.

Lớp Chín A. Cái lớp học "anh cả" trong một ngôi trường tư thục nhỏ chỉ dạy bậc trung học đệ nhất cấp. Còn có một lớp Chín nữa, lớp Chín B, buổi chiều. Nhưng hình như trong cả trường chỉ có lớp Chín A này là sinh động hơn cả, theo nhận xét của các thầy cô. Sinh động là bởi vì hầu hết các học sinh đều học khá, hăng hái tham gia các sinh hoạt do trường đề ra: làm bích báo, làm văn nghệ, đi công tác xã hội... Sinh động là bởi có vài trò rất giỏi được cử đi dự thi toán, thi vẽ, thi văn chương toàn thủ đô Sài Gòn. A! còn nữa, mặc dù môn Anh văn chưa có trò nào được vinh dự đi thi nhưng học trò lớp Chín A cũng đã lập nên một "English speaking club" để trau giồi tiếng Anh và được Thầy hướng dẫn là giáo sư Anh văn dìu dắt. Có một môn học, vâng, có một môn, chưa bao giờ nghe nói đến đi dự thi hay thành lập câu lạc bộ gì cả. Đó là môn Công dân giáo dục. Đối với học sinh, không riêng gì học sinh lớp này đâu, học môn Công dân là một điều hiển nhiên, bởi vì chương trình đã là như vậy từ thuở nào rồi. Và đi học là phải học đều tất cả các môn, là bổn phận của học sinh.

Thế nhưng tuần rồi đã có một điều bất thường đối với Thầy: đó là sự vắng mặt của bốn nam sinh ngồi ở bàn cuối lớp. Họ là những học sinh học rất khá nhưng đã tình nguyện xin ngồi ở bàn cuối để các thầy cô đỡ phải cực khổ. Nhưng giờ Công dân tuần rồi, họ đã "cúp cua". "Cúp cua"! Nghỉ không có lý do ốm đau hay bận việc quan trọng được người nhà xin phép... thì gọi là "cúp cua". Thầy định tuần này sẽ hỏi tội họ ngay khi vào lớp, nhưng rồi hôm nay Thầy không làm. Cả lớp như cũng chờ đợi chuyện đó xảy ra. Vài nữ sinh len lén nói chuyện thật nhỏ trong khi chép bài, Thầy nghe được nhưng lờ đi.

Và rồi bài cũng đã được chép xong. Thầy giở sổ điểm ra. Học trò chờ đợi Thầy sẽ gọi một ai đó lên trả bài. Nhưng cũng không. Ôi! Nếu có điều gì khó chịu nhất đời thì chắc là đây rồi! Cái im lặng thật đáng nể!

Bốn anh con trai ngồi ở bàn cuối lớp, dãy nam sinh, đưa mắt nhìn nhau. Và rồi một trò đứng dậy. Trò Bảo. Gương mặt sáng sủa, dáng người nhanh nhẹn, Bảo là nam sinh học giỏi nhất lớp. Bảo tiến đến bàn Thầy, đi ngang bao nhiêu dãy bàn trước sự ngạc nhiên dò xét của các bạn. Bảo nói với Thầy:

- Thưa Thầy, em xin được trả bài ạ!

Thầy hơi nghiêng đầu, nhìn Bảo, hỏi:

- Em muốn trả bài? Bài nào?
- Thưa Thầy, bài Công dân kỳ trước ạ!
- Kỳ trước?
- Dạ, bài " Quốc kỳ và Quốc ca" ạ!
- Em có bài đó sao?

Bảo đỏ mặt, giọng hơi ấp úng:
- Dạ, em đã mượn vở của bạn để chép ạ!

Nét mặt của Thầy có hơi tươi lên một chút, nhưng Thầy vẫn nghiêm giọng:
- Còn các em kia?

Ba nam sinh còn lại của bàn cuối đồng đứng dậy, nói:
- Thưa Thầy, chúng em cũng đã có chép bài rồi ạ!

Có vài tiếng xì xào trong số nữ sinh. Thầy giơ tay lên:
- Các em giữ im lặng. Thầy không có ý định gọi các em trả bài hôm nay.

Như không hẹn mà cùng có chung phản ứng, ba anh con trai tiến lên phía Thầy. Bảo nói thay cho cả bọn:
- Thưa Thầy, chúng em xin lỗi Thầy, tuần trước vì... ham coi "xi-nê" nên chúng em đã.. "cúp cua" giờ của Thầy. Chúng em đã biết lỗi. Xin Thầy ...

Thầy nói thật nhẹ:
- Không phải giờ của Thầy đâu! Giờ của các em đó chứ! Học là học cho các em mà! Thầy chỉ là người dẫn dắt.

Nhật, lớn tuổi nhất, nói khẽ:
- Thưa Thầy, chúng em hiểu.
- Các em về chỗ đi! Thầy không có ý định khảo bài các em. Hôm nay Thầy có một việc quan trọng để nói với cả lớp.

Cả lớp thở phào trong khi bốn nam sinh về chỗ, nhưng rồi một sự chờ đợi khác lại đến.

Thầy đứng trên bục giảng, nói như đang giảng bài:

- Hôm nay là buổi dạy cuối của Thầy. Thầy muốn nói ngắn gọn rằng Thầy sẽ tạm xa mái trường để nhập ngũ. Chắc chắn các em sẽ có một thầy hay một cô giáo mới phụ trách môn này. Nói chung, sẽ không có gì khó khăn cho các em cả đâu! Điều mà Thầy muốn nhắn nhủ các em hôm nay...

Đám học trò như nín thở. Thầy dừng lại một tích tắc vì nghe có tiếng than nho nhỏ từ dãy nữ sinh. Thầy nói tiếp:

- ... đó là hãy cố gắng học hành. Điều này nói ra có vẻ hơi thừa, nhất là đối với lớp này là một lớp khá ngoan, mà Thầy rất ưng ý. Thầy đã dạy ở nhiều trường công lập cũng như tư thục. Tính ý của học trò, Thầy đều hiểu hết. Học trò trường công phát triển đều nhau, không chênh lệch nhiều. Trái lại, học trò trường tư đa dạng hơn, do không có tuyển chọn qua những kỳ thi. Nhưng thú thật, Thầy quan tâm nhiều đến học trò trường tư. Tại sao vậy? Vì đó là bức tranh sống thật nhất của xã hội. Có những học sinh thật giỏi, thật ngoan, nhưng cũng có những trò thật kém, có những trò nổi loạn. Đúng không? Rất tiếc là Thầy phải rời bỏ cái khung đời này để bước vào một xã hội khác, sẽ rất khác: đó là quân ngũ. Thầy chỉ mong rằng, với những bài giảng về Công dân giáo dục mà Thầy đã gửi đến các em trong gần một niên học qua, các em sẽ không xem đó là những bài học bắt buộc, những bài chỉ nhớ để trả bài rồi sau đó quên đi, những câu chuyện qua loa không ăn nhập chút nào với cuộc sống. Mà các em hãy đem chúng vào đời như một hành trang quý báu. Thôi! Ý của Thầy chỉ có thế. Mai sau, mong rằng, có duyên, Thầy sẽ gặp lại các em.

Lần đầu tiên học sinh nghe Thầy nói những câu có vẻ văn hoa khác với cách nói bình dị của Thầy thường ngày. Sự im lặng như đã đến hết sức của nó, khi Thầy ngưng câu nói. Bình thường, nếu người ta chịu khó để ý, sẽ thấy mỗi khi xung quanh mình quá im lặng, có một thứ "âm thanh" nghe muốn vỡ tai, đó là tiếng rít "o... o" rất khó chịu. Thế nhưng, lần này, thầy và trò đã nghe được tiếng của một con ve bên ngoài cửa lớp. Thật sự là tiếng ve! Tiếng ve đầu mùa hạ! Con ve đậu trên một cái cây to trong sân trường rợp bóng mát hay chăng? Con ve cất tiếng hát, một lúc sau đã có tiếng của cả một bầy ve. Không hẹn mà cả thầy và trò đều nghe dâng lên một niềm cảm động.

*

Như thế đó, buổi dạy cuối cùng của Thầy Văn, thầy dạy môn Công dân giáo dục của lớp Chín A! Thầy rời mái trường vào đầu mùa hạ. Vắng thầy Văn, học với một cô giáo mới, cả lớp rồi cũng quen dần. Đám học trò, sau mùa hạ đó, cùng lên lớp Mười, lớn thêm được một chút, vì đã vào trung học đệ nhị cấp. Bốn đứa con trai, Bảo, Đăng, Nhật, Vũ, vẫn chơi với nhau khắng khít như trước. Nhưng không bao giờ họ dám lập lại một việc, mà đối với họ là một lỗi lầm. Đó là "cúp cua". Nhật, lớn nhất bọn vì gia cảnh nghèo phải bỏ học một năm, luôn tự nhận lỗi về mình vì đã "xúi dại" mấy đứa nhỏ hơn. Cả bọn bảo nhau nếu gặp lúc khác thì chắc chắn đã bị khiển trách và ăn mấy cái "trứng vịt" rồi!

Thầy rời mái trường vào đầu mùa hạ. Trong tâm luôn có tiếng ve làm Thầy nghe luyến nhớ. Những lần về phép Thầy thường đi ngang ngôi trường tư thục mà Thầy đã rất yêu mến này, đứng lại một lúc lâu, nhưng không vào. Thầy đã đi qua một khung đời rất khác. Bên đó là đỏ lửa. Ở đây là xanh trời. Thầy không muốn làm xao động không gian bình yên này.

Mấy mùa hạ đi qua. Học trò của lớp Chín A năm nào nay đã đến tuổi vào đại học. Lên đại học, không còn có môn Công dân giáo dục nữa. "Môn phụ" đã biến mất!

Thầy không có dịp về lại trường cũ, vì chiến trận đã đến hồi khốc liệt. Một ngày nắng lửa trên đồng hoang, Thầy gặp lại Bảo, người học trò trắng trẻo khôi ngô học giỏi ngày nào. Bảo tình nguyện vào lính, đã đi đánh trận nhiều nơi và mới được thuyên chuyển về đơn vị của Thầy. Bây giờ thầy trò cùng chia xớt với nhau từng bịch gạo sấy, mời nhau từng điếu thuốc. Tâm tình cũng dễ dàng bộc lộ. Bảo chân thành nói:

- Thầy ơi! Lúc em còn nhỏ, đi học tiểu học, nhìn người thầy như một người cha vì tuổi đời chênh lệch nhiều. Học bậc cao hơn thì khoảng cách tuổi tác giữa thầy và trò ngắn hơn; nhiều thầy mới ra trường, quá trẻ, chúng em có cảm giác như đó là người anh. Nhưng thái độ e dè đối với các thầy vẫn luôn có. Người thầy đứng trên bục giảng thật khác với người thầy trên chiến trường. Bây giờ, em mới thật sự học được bài học sống ở thầy. Thầy sống những gì thầy đã dạy.

Thầy giật mình:
- Em nghĩ như thế?
- Vâng, đúng là như thế, thưa thầy. Bọn chúng em, bốn đứa chơi thân với nhau, vẫn thường nói với nhau rằng sao chúng em lại làm ra một điều khó tha thứ. Sao chúng em lại "cúp cua" giờ Công dân? Chúng em ỷ mình học giỏi ư?.. Thầy ơi! Thầy có buồn chúng em không? Thầy có tha thứ chúng em không?

Thầy cười xòa:
- Bỏ đi! Thầy chẳng giận chẳng buồn ai bao giờ. Nói cho thầy nghe, mấy anh cùng "cúp cua" đó, ra sao rồi?
- Anh Nhật lớn nhất, đi lính trước em một năm. Sau đó đến em. Còn Vũ và Đăng đã vào đại học.
- Tại sao em không vào đại học?
- Thưa thầy, em muốn đi lính. Sau khi giải ngũ về em sẽ đi học tiếp ạ! Tuổi trẻ còn dài...
- Bây giờ thầy trò gặp nhau ở đây cũng là một trường học lớn. Thầy trò ta cùng học môn Công dân giáo dục phải không?
- Dạ.

Hai thầy trò cùng im lặng, lắng nghe tiếng đại bác vọng về từ xa...

Đêm đó, sau chuyến hành quân, Thầy bị thương nhẹ ở chân. Thầy ôm Bảo trong tay. Thầy vuốt mắt Bảo. Bảo đã làm được cái việc trả bài cho thầy. Một bài học sống.

*

Hết xuân đến hạ. Thu tàn, đông đến. Thầy đã trải cuộc đời trên chiến trường biết bao năm! Bị thương nặng, nhẹ cũng nhiều. Trong người của Thầy đầy những vết sẹo chiến tích. Nằm quân y viện to, nhỏ, hay dã chiến, cũng đã biết bao lần. Cả cái kinh nghiệm được đục khí quản để gắn ống thở tạm, hay đeo lủng lẳng một cái túi đi từ ruột ra ngoài, chờ chữa lành bên trong, Thầy cũng đã có nốt. Gia đình khuyên Thầy giải ngũ. Thầy không chịu. Thầy giã từ nghề dạy học luôn rồi! Gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, học trò... đến, đi, nhìn họ thành công, thất bại, sống, chết. Nhìn thấy đời mình cũng đã già dặn đi theo ngày tháng. Thầy cũng thèm trở lại bục giảng lắm chứ! Nhưng cứ mỗi một câu, Thầy nói với mọi người: "Chờ khi đất nước thanh bình..."

Và Thầy phải ngưng cầm súng. Thầy đi vào trại tù cải tạo, như hàng vạn quân nhân khác. Ước mộng của Thầy đã sụp đổ. Thôi thì cùng chia xớt với anh em đồng đội nỗi đau nhục này! Bài học Công dân giáo dục "Quốc kỳ và Quốc ca" nhức nhối trong lòng. Mỗi buổi sáng trước giờ đi lao động, Thầy và các bạn tù phải tập trung để chào cờ. Thầy nhắm mắt lại chặt đến nỗi nghe như dao đâm để thấy màu cờ vàng chan chứa. Thầy bấm vào tay mình bật máu để hát trong óc, hát không bằng lời: "Này công dân ơi!!!!..."

Thầy ra trại. Thân thể lại mang thêm một số thương tích vì "lao động". Cảnh sống đã thay đổi... Thầy tìm đến thăm một vài đồng nghiệp cũ, ngạc nhiên khi thấy họ đến trường dạy học trong những bộ quần áo quá dễ dãi. Ngày xưa các thầy cô đứng trên bục giảng ăn mặc nghiêm chỉnh, bây giờ các thầy đi giép hoặc "xăng-đan", các cô thì mặc quần đen áo cộc. Thầy cô dạy học xong, ra về, trước xe lủng lẳng mấy bịch cá, thịt, rau đậu mắm muối "tiêu chuẩn". Thầy lắc đầu ngao ngán. Thầy không thể làm gì hơn là chọn nghề mộc, một nghề có thể giúp kiếm sống qua ngày và không vướng bận tâm trí. Cái nghề của Chúa Giê-su khi còn nhỏ đây mà! Cái nghề Thầy đã học được ở trong trại tù. Cái nghề trong những nghề dạy cho con người ta tính kiên nhẫn và lương thiện.

Hết thời "thắt lưng buộc bụng", đến lúc "mở cửa", thành thị chen chúc người và xe. Nhiều khi Thầy ngơ ngác đứng nơi ngả tư đường, mấy mươi phút chưa băng qua được. Không có ai tôn trọng luật lệ giao thông. Đèn xanh đèn đỏ mọi người lờ đi như không thấy. Có khi Thầy não lòng khi một đám tang đi qua, không có ai nhường đường, hiếm có người ngả mũ chào người chết. Những gì gọi là bài học Công dân giáo dục đâu cả rồi? Người ta sống với "văn hóa phong bì", "thủ tục đầu tiên là tiền đâu", "mạnh được yếu thua"...

*

Thầy ra khỏi nước, như hàng trăm ngàn người khác. Thầy vào trường, làm học trò. Thầy hân hoan thấy lại màu cờ vàng một thời rực rỡ trong tuổi trẻ của Thầy. Thầy được tự do hát bài Quốc ca "Này công dân ơi..." mà không phải mím môi. Nhưng một thời Thầy rơi vào sự trầm cảm tột độ vì nghĩ đến quê hương đã khuất bóng. Thầy mang tâm trạng như những thầy đồ của một thời mất nước. Thầy đã không còn chỗ để trở lại bục giảng. Thầy nhận nơi này làm quê hương thứ hai. Thầy luôn tự an ủi mình: "Quê hương không chỉ là mảnh đất, mà còn có cả tình người". Và... như thế, Thầy đã sống được. Thầy chọn làm việc trong ngành truyền thông và đã đến gần được với tâm tình người Việt xa xứ.

Vào một ngày, Memorial Day, Thầy cùng gia đình đi lên thủ đô. "Lên thủ đô!" Thầy nói rất tự nhiên như vậy rồi nghẹn lời vì nghĩ đến thủ đô của Thầy ngày nào. Thầy đứng bên bức tường trên đó ghi tên những người lính Hoa Kỳ bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, trong trí Thầy hiện lên tên của những người bạn bè đồng đội. Họ đã không có một bức tường để ghi tên! Thầy đặt một bó hoa xuống nơi chân tường. Một gương mặt rạng rỡ chợt sáng lên như được phát ra từ mặt đá hoa bóng loáng. Gương mặt của Bảo. Thầy lạnh người. Thầy muốn khóc.

- Thưa Thầy!

Thầy giật mình quay về hướng tiếng nói sau lưng. Thầy nhận ra ngay. Ôi! Là Vũ, cậu học trò liến thoắng, đã có lần "cúp cua" giờ Công dân.

- Thưa Thầy, gặp lại Thầy, em mừng quá! Thầy có khỏe không ạ?
- Thầy khỏe. Thầy cứ ngỡ... là trò Bảo.
- Bảo đã mất rồi, thưa Thầy, Thầy là người ở bên cạnh Bảo lúc ấy...

Thầy bùi ngùi:
- Phải... Gặp lại em, Thầy càng nhớ Bảo. Thế những người bạn thân của em ra sao?
- Anh Nhật ở lại trong nước. Anh ấy trở thành thương phế binh, hiện nay sống rất khổ cực. Đăng thì đi với gia đình sang Úc, cũng đã có việc làm tử tế.
- Còn em, em làm nghề gì?
- Dạ, em theo nghề giáo.

Thầy nói như reo:
- A! Vậy sao?

Vũ vui vẻ:
- Dạ, em dạy môn Civics.
- Môn Civics?
- Dạ, môn Công dân giáo dục, thưa Thầy!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh