29 tháng 6, 2023

VTM # 125_MùaThu Lỗi Hẹn_Nguyễn Cang

 




Xướng:

MùaThu Lỗi Hẹn
 
Hiu hắt vườn xưa gọi gió thu
Sớm mai mây trắng phủ sương mù
Hàng cây vàng lá cành xơ xác
Thành phố sương mờ cảnh tịch u
Mây tím hoàng hôn nghe buốt giá
Trời chiều hoàng hạc ngóng trăng lu
Thu về mấy độ ta ngồi đợi
Sao nỡ qua đò bỏ bến thu?!!
Nguyễn Cang
Apr. 26, 2023

Họa 1:

Nhớ

Gió se mây trắng lá vàng thu
Nhớ thưở hàn vi giữa sóng mù
Khoan nhặt mái chèo lo đắp đủ
Vơi đầy xóm nhỏ nén sầu u
Chia xa thuở ấy trăng vừa nhú
Xót dạ giờ này phiến mắt lu
Lỗi hẹn chưa về thăm chốn cũ
Lòng nao nức mãi luyến tình thu
Tâm Quã
 

Họa 2:

Thu xưa  

Sương rơi lành lạnh giữa đêm thu
Xóm nhỏ không tên tối mịt mù
Tiềm thức thu xưa giờ chẳng nhớ
Nỗi niềm xuân trước nhánh mù u
Thời gian tuổi trẻ ngây thơ quá
Nhật ký bây giờ nhạt chữ lu
Dĩ vãng trôi dần xa kỷ niệm 
Còn chăng cảm giác lúc sang thu 
Hương Lệ Oanh VA

Họa 3:

Vào thu

Tiết trời lành lạnh báo mùa thu
Sương trắng xa xa trải tít
Cành lá rụng rơi cây trọi lõi
Hàng cây biểu hiện cảnh sầu u
Tứ thời bát tiết luôn luân chuyển
Cảnh vật ban chiều tỏa sáng lu
Tiếng gọi đàn chim rời phía bắc
Ráng vàng rực rỡ chiếu rừng thu 

PTL

Họa 4:

Ũ  Rủ  Đêm Thu 

Đến thăm Phú Sĩ giữa mùa thu
Đối ẩm nâng ly hiệp sĩ mù
Nâng chén cụng ly bình rượu cạn
Nhào đầu say xĩn ngã sưng u
Tim gan nhức nhối lòng se giá
Mờ nhạt sắc vàng ánh sáng lu 
Kỷ niệm khó quên nơi đất khách
Khắc ghi mãi mãi tận nghìn thu 
THT

Họa 5:

Gọi Tình Thu
 
Vườn hồng thổn thức gọi tình thu
Giăng lối bờ tre gió bụi mù
Cánh nhạn mịt mùng hương tẻ nhạt
Đài vân quạnh quẻ bóng âm u
Trào dâng tâm sự cùng ai tỏ
Chôn kín niềm mơ tĩnh giấc lu
Ước thệ phôi pha lòng trải nhẹ
Trách tình chi nữa gợn hồ thu
Kim Trân

Họa 6:

Vào thu

Khí trời lành lạnh chớm hơi thu
Thâm thấp mây giăng đất tối mù
Bến nước rộn ràng người hối hả
Khu vườn nặng trĩu cảnh thâm u
Phủ màn sương mỏng dòng sông vắng
Soi mái tranh nghèo ngọn nến lu
Sầm sập mưa tuôn rền tiếng sấm
Xoay vần vũ trụ hạ sang thu
Minh Tâm

Mùa thu cho em 
Tác giả: Ngô Thụy Miên
Anh ngữ: Kyo York
Ca sĩ: Kyo York









25 tháng 6, 2023

Rồi … Tình Yêu Đã Đến_Phạm Doanh Môn Mai Khánh Thư

 Phạm Doanh Môn, cựu học sinh Trung Học Kiến Tường, tốt nghiệp ban Toán ĐHSP Sài gòn năm 1973. Hiện ở Úc .

Truyện do Thục Đoan và Huy Tâm đọc. Truyện  dài 47:30 phút .





Rồi … Tình Yêu Đã Đến

 

Cách đây khoảng tám tháng, tôi gặp Linh trong một tiệm bán thực phẩm Việt Nam ở Canberra. Hôm đó tôi ghé tiệm này mua cái phone card để gọi cho con tôi đang ở Việt Nam. Còn đang phân vân chưa biết chọn loại nào trước vô số loại trên bảng quảng cáo dán trên tường, tôi bèn nhờ cô bán hàng chọn cho tôi một cái card nào tốt nhất. Cô bán hàng cười nhìn tôi và chỉ một phụ nữ đứng gần bên nói : ...

- Chị muốn biết loại phone card nào gọi về Việt Nam tốt nhất thì chị cứ hỏi chị này.

Tôi liếc nhìn sang người phụ nữ nhỏ nhắn đứng gần bên mà cô bán hàng vừa giới thiệu. Tôi đoán chị khoảng hơn bốn chục tuổi. Chị đang cầm trên tay mấy cái phone card hiệu Good Morning Viet Nam. Như hiểu ý định của tôi, người phụ nữ nhìn, đưa mấy cái phone card mà chị đang giữ trong tay và mỉm cười nhỏ nhẹ nói:

- Em dùng loại phone card này để gọi về Việt Nam thấy tốt lắm. Nói chuyện nghe rất rõ. Cũng nói được khoảng hơn một trăm phút chị ạ.

Tôi cám ơn chị rồi mua hai chiếc phone card loại đó và gợi chuyện thêm:

- Cám ơn chị nhiều nghe. Tôi tên Đoan. Xin lỗi chị tên gì ? Chắc chị thường hay gọi về Việt Nam ?

Người phụ nữ bẽn lẽn trả lời :

- Dạ em tên Linh. Em mới qua Úc được hai tháng. Cũng hơi buồn. Em nhớ Việt Nam quá. Nhớ những người thân ở Việt Nam nên cũng hay gọi điện thoại về. Em ở vùng Florey, còn chị ở vùng nào ?

Tôi mừng rỡ:

- A, vậy chị cũng là hàng xóm của tôi rồi! Tôi ở vùng Melba, kế bên Florey đó.

Linh nhỏ nhẹ:

- Em mới qua Úc nên cũng chưa rành các vùng ở đây. Em mới chỉ biết tên chỗ em ở và Belconnen thôi!

Chúng tôi trở nên thân tình hơn. Linh kém tôi sáu tuổi nên gọi tôi bằng chị. Tôi có cảm tình với Linh và sau đó chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau qua điện thoại. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi được biết trước đây gia đình tôi và gia đình Linh cùng sống ở quận Mười Một Sàigòn và tôi tin chắc cũng có lần tôi và Linh đã gặp nhau trong khu vui chơi Đầm Sen.

***

Linh sang Úc theo diện hôn nhân. Nhìn Linh - một phụ nữ nhỏ nhắn và thường hay e thẹn mỗi khi tiếp xúc với người lạ, kể cả người đồng phái. Tôi không thể tin rằng cuộc đời Linh đã trải qua nhiều đau khổ ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Gần đây nhất là sóng gió nghiệt ngã của cuộc hôn nhân đầu đời.

Gia đình Linh chỉ đến tạm cư ở gần chợ Bình Thới, quận Muời Một sau khi miền Nam bị rơi tay Cộng Sản vài tháng. Quê của Linh ở mãi tận Bến Tre. Linh kể lại với tôi:

- Sự thực em cũng chưa hề đuợc biết đến quê em. Theo lời mẹ em kể thì em sinh năm 1960 ở làng Định Thủy, quận Mỏ Cày, tỉnh Kiến Hòa. Hình như làng em ở cạnh con sông Hàm Luông. Em sinh ra trong thời đất nước bắt đầu loạn lạc và quê em là một trong những nơi phát động phong trào Đồng Khởi. Mẹ em nói vào thời gian đó, ngày nào cũng nhìn thấy sự khủng bố, cũng nhìn thấy những xác người, những đầu người, phần lớn đó là những viên chức làm việc cho chính quyền quốc gia hoặc những người chống lại phong trào Đồng Khởi bị Việt Cộng giết. Mỗi xác chết hoặc đầu lâu người đều có kèm theo một bản án tử hình là một tờ giấy học trò ghi tội ác của những người đó. Nghe nói cậu của em cũng là một trong những nạn nhân đó vì thời gian này cậu đang là một viên chức hộ tịch của xã Định Thủy. Không khí khủng bố bao trùm cả quận Mỏ Cày và dần lan rộng ra cả tỉnh Kiến Hòa. Ba em trước đây theo kháng chiến chống Pháp, lúc đầu cũng có tham gia phong trào Đồng Khởi nhưng sau hai năm, khi nhận thấy sự dã man của những người lãnh đạo phong trào nên đã tìm cách về tỉnh lỵ Bến Tre chiêu hồi. Mẹ em cũng vội vã bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn bồng bế em - khi đó mới chưa đầy hai tuổi - về tỉnh lỵ sinh sống vì sợ bị trả thù. Sinh sống ở tỉnh lỵ chưa được nửa năm thì ba em qua đời trong một tai nạn mà sau này em nghi ngờ đó chỉ là một sự dàn cảnh. Một buổi sáng như mọi ngày, ba em và ba nguời bạn đuợc trung tâm cải huấn Bến Tre thông báo được trả tự do về sinh sống với gia đình. Mọi người vui sướng thu dọn đồ đạc và chờ giờ về sum họp với vợ con sau hơn nửa năm sống trong trại cải huấn. Khi bốn nguời vừa ra khỏi cổng trại được khoảng hơn một trăm thước thì nghe một tiếng súng nổ. Mọi người không hiểu chuyện gì nên bỏ chạy và tiếp theo một loạt đạn liên thanh nổ dòn bắn vào bốn người này. Ba người bị chết trong đó có ba em. Chính quyền giải thích đó là một sự hiểu lầm của lính trong chòi canh gác vì họ lầm tưởng bốn người này trốn trại cải huấn. Chính quyền xin lỗi các nạn nhân, bồi thuờng một số tiền và tổ chức mai táng chu đáo. Nhưng mãi tới thời gian gần đây khi em có dịp đọc một số tài liệu cũng như nghe một số người sinh sống ở Bến Tre thời gian đó kể lại, em mới được biết là vào thời gian đó, tỉnh trưởng Kiến Hòa là thiếu tá Phạm Ngọc Thảo. Ông này là một sĩ quan Việt Cộng trá hàng, vẫn tiếp tục hoạt động cho Việt Cộng nhưng vì khéo léo che đậy và nhất là lại được đức cha Ngô Đình Thục giới thiệu nên tổng thống Ngô Đình Diệm rất tin dùng. Ông này đã lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng để âm thầm giúp đỡ phong trào Đồng Khởi và ngấm ngầm tìm cách tiêu diệt những người bỏ hàng ngũ Việt Cộng để cho những người còn lại sợ không dám về chiêu hồi nữa. Có nhiều người rời bỏ hàng ngũ Việt Cộng trở về vùng an ninh làm ăn sinh sống trong thời gian thiếu tá Phạm Ngọc Thảo làm tỉnh trưởng cũng bị chết một cách mờ ám như vậy. Sau ngày 30/4/1975 em có nghe nói bà Nguyễn Thị Định - người đứng đầu phong trào Đồng Khởi – đã khen ngợi và cám ơn nhờ có Phạm Ngọc Thảo giúp đỡ mà phong trào không bị chính quyền Ngô Đình Diệm tiêu diệt. Hình như ông này sau đó cũng được chính quyền Cộng Sản phong là liệt sĩ nữa.

Sau khi chôn cất ba em xong, mẹ em cảm thấy có cái gì không yên ổn cũng như thấy lo sợ khi phải sống ở Bến Tre nên lại đưa em về quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường sống cùng một người bà con bên ngoại. Ở Bến Tranh, mẹ em sang được một sạp nhỏ bán trái cây sống qua ngày và em theo học bậc tiểu học tại trường tiểu học Bến Tranh.

Năm 1971, em thi đậu vào lớp sáu trường nữ trung học Lê Ngọc Hân. Để thuân tiện cho việc học của em cũng như tình hình an ninh ở Bến Tranh cũng bắt đầu bất ổn, một lần nữa mẹ em lại dời nhà lên thành phố Mỹ Tho và mua một căn nhà gỗ nhỏ gần trại lính Nguyễn Văn Muôn và tiếp tục bán trái cây ở một chợ nhỏ gần đó.


Trường Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho

Sau 30/4/1975 vài tháng, lúc đó em cũng vừa học xong lớp chín thì mẹ em và em lại di chuyển về Bình Thới, quận Mười Một theo sự khuyên bảo và giúp đỡ của một người chú họ đi tập kết mới trở về và đang làm ở công an quận đó. Em bỏ dở một năm học và ở nhà phụ giúp mẹ em buôn bán ở chợ Bình Thới . Năm sau em vào học lớp mười ở trường trung học Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Học xong lớp mười một thì em nghỉ học vì khi đó mẹ em bị bịnh lao phổi, rất yếu không còn tự ra chợ buôn bán một mình được nữa. Năm 1985 thì mẹ em qua đời vì bịnh này. Khi đó mẹ em mới 45 tuổi. Em thì vừa tròn 25 tuổi mà đã phải chịu hai cái tang lớn nhất trong đời. Em đã mồ côi cha và bây giờ lại thêm mồ côi mẹ nữa. Cũng may nhờ có những người hàng xóm tốt bụng. Họ đã đứng ra lo tang ma và sau đó còn giúp đỡ, bảo trợ em rồi đề nghị với anh công an khu vực xin cho em vào thực tập may rồi trở thành công nhân của công ty may mặc quận Mười Một. Bốn năm sau em lấy Hoàng, một sĩ quan công an đang tùng sự tại đội an ninh kinh tế quận - do chú em giới thiệu. Em lấy chồng vì nghe theo lời khuyên của chú em chứ em cũng chưa yêu Hoàng. Sự thực, sau khi mất mẹ, em cũng cảm thấy lo sợ vì phải sống một mình. Hoàng cũng đã từng giúp đỡ và theo đuổi em một thời gian khá lâu nên khi Hoàng ngỏ ý thì em nhận lời.

***

Như vậy, Linh lấy chồng năm hai mươi chín tuổi. Ba năm sau đứa con trai đầu lòng – Huy – chào đời. Hai năm sau nữa, vợ chồng Linh lại có thêm một cháu gái – Hương. Gia đình Linh bây giờ trở nên vui vẻ vì có thêm tiếng khóc, tiếng cười của Huy và Hương. Linh cũng bận rộn hơn vì ngoài công việc may ở sở, Linh còn phải chăm sóc hai con. Nhưng … sau mười mấy năm chung sống, Linh và chồng đã ly dị sau nhiều cố gắng nhẫn nhục chịu đựng của Linh. Chồng Linh – Hoàng – đã công khai ngoại tình với một nữ đồng nghiệp và sau đó cả hai đã bị sa thải khỏi ngành công an.

Sau khi đứa con gái thứ hai ra đời được vài năm. Hoàng đã bỏ mặc ba mẹ con Linh và gần như công khai sống chung với người nữ đồng nghiệp đó. Thỉnh thoảng Hoàng có về nhà là để tra khảo số tiền mà Linh đã dành dụm cất giữ trước khi sinh con. Nhiều lần Linh đã bị Hoàng chửi mắng thậm tệ. Có một lần giận quá, Linh có nói vài lời phê bình nhẹ nhàng về người nữ đồng nghiệp và cũng là nhân tình của Hoàng. Hoàng đã đánh đập Linh trước mặt hai đứa con. Không chịu đựng nổi sự nhẫn tâm của Hoàng. Linh đã xin ra tòa ly dị và nhận lãnh trách nhiệm nuôi hai đứa con.

Thoát được cảnh địa ngục khi phải sống chung với Hoàng thì Linh lại bắt đầu gặp khó khăn với cuộc sống càng ngày càng đắt đỏ của đất Saigòn. Số tiền bồi thường khi Linh bị tai nạn trong thời gian làm công nhân may mặc cũng đã cạn dần. Linh quay lại xưởng cũ xin việc nhưng bị từ chối. Hai đứa con của Linh lớn dần. Huy nay đã mười hai tuổi và Hương thì đã gần mười tuổi. May mắn, Linh được Lan - một người chị họ của Linh - ở bên Úc thấy hoàn cảnh của Linh quá tội nghiệp nên có gửi về giúp Linh một số tiền. Linh dùng số tiền đó mở một quán bán tạp hóa và giải khát cạnh nhà. Cuộc sống tạm đủ cho ba mẹ con ăn, mặc đơn giản nhưng vẫn không đủ cho những nhu cầu sinh hoạt khác, nhất là tiền học cho các con. Huy đã có ý định nghỉ học để đi bỏ mối hàng kiếm thêm tiền phụ cho mẹ nhưng Linh nhất quyết không chịu.

Năm vừa qua, trong một lần về thăm Việt Nam, chị Lan đã dẫn về một người bạn Úc. Mặc dù đã được chị Lan cho biết trước cũng như đã có những hình ảnh và một số ít thư từ qua lại cho có hình thức với người đàn ông Úc này nhưng Linh cũng cảm thấy rất e thẹn khi lần đầu gặp mặt Andrew, người bạn Úc mà chị Lan muốn giới thiệu cho Linh.

Andrew là manager trông coi một bộ phận trong xưởng đúc tiền của Úc ở Canberra. 



Andrew hơn Linh mười tuổi, có một người con trai lớn đã lập gia đình và ở riêng. Vợ của Andrew đã mất cách đây sáu năm trong một tai nạn xe hơi. Trong phân xưởng nơi Andrew phụ trách có rất nhiều công nhân người Việt làm việc và chị Lan cũng là một trong những công nhân đó. Khác với những công nhân người Úc, công nhân người Việt làm việc rất siêng năng, chăm chỉ mà thường rất ít đòi hỏi quyền lợi nên Andrew rất có thiện cảm với những công nhân người Việt. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn, chịu đựng, đảm đang chăm lo cho chồng, cho con đã gây một ấn tượng tốt nơi Andrew. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của Linh, Lan đã có ý giới thiệu Linh cho Andrew vì thấy Andrew là một người tốt. Vả lại nếu thành công thì đây cũng là cơ hội tốt cho Linh và hai đứa con của Linh sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Mới đầu Linh nhất định không chịu vì không muốn rời xa Việt Nam. Phần khác, Linh chưa hề nghĩ đến chuyện tái giá sau sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên. Có thể Linh sợ. Linh không muốn tình cảm của Linh dành cho hai đứa con bị chia sẻ cho một người khác và nhất là càng không thể tưởng tượng được việc mình sẽ lấy một người Tây Phương làm chồng. Lan phải thuyết phục Linh mấy tháng để rồi sau đó mới đưa Andrew về Việt Nam gặp Linh được.

Khi kể chuyện này với tôi, Linh vẫn còn có vẻ e thẹn :

- Chị Đoan biết không, lần đầu tiên gặp Andrew, nhìn thấy Andrew râu ria xồm xoàm và cao lớn quá, em sợ lắm. Tuy vậy, ít ngày sau thì em cũng đã thấy đỡ hơn. Cũng may mà trong mấy ngày đầu lúc nào chị Lan cũng cùng đi với ba mẹ con em. Sự thực em cũng chẳng nghĩ là em sẽ yêu Andrew nhưng em chỉ nghĩ đây là cơ hội tốt cho các con của em. Chúng được có cơ hội sang Úc học hành, coi như là được đi du học mà biết bao nhiêu người Việt Nam hằng mong ước, có khi phải tốn rất nhiều tiền mà cũng không có cơ hội. Em cứ nghĩ đến tương lai các con nên em lại cố gắng.

Sau đó Andrew lại tiếp tục xin đưa ba mẹ con em đi chơi vài lần nữa và lần nào thì em cũng đòi có chị Lan và vài người bạn của chi Lan cùng đi. Andrew đều vui vẻ đồng ý. Em thấy Andrew cũng rất tế nhị trong cách đối xử với ba mẹ con em. Dần dần hai đứa con của em – Huy và Hương – đã thân mật chuyện trò, đùa giỡn cùng Andrew. Riêng em thì vẫn giữ một khoảng cách vì như em đã nói, tuy quý mến Andrew nhưng em chưa thực sự yêu Andrew. Huy và Hoàng nhận xét Andrew giao tiếp rất thật tình. Andrew luôn tạo một không khí thân mật, pha chút khôi hài để cho mọi người luôn được vui vẻ trong những lần đi chơi đó.

Khi trở về Úc, Andrew lo làm thủ tục và khoảng sáu tháng sau thì gia đình em được qua Úc theo diện hôn nhân và chung sống cùng Andrew.

Con trai của Andrew cũng đến thăm và chúc mừng chúng em. Thời gian mới sang Úc, em buồn quá. Tiếng Anh thì không biết nhiều nên rất ngại đi ra ngoài. Thỉnh thoảng Andrew có chở ba mẹ con em ra vài cửa hàng bán thực phẩm Á Đông để mua thực phẩm hoặc thức ăn Việt Nam. Vào cuối tuần chúng em thường đi ăn tối tại các nhà hàng Việt Nam.

Cứ mỗi lần gặp được một người Việt Nam thì em mừng lắm. Em hỏi họ nhiều chuyện. Cũng có người vui vẻ trả lời và nói chuyện. Cũng có người lạnh nhạt. Trong lúc chờ đợi đi học một lớp Anh Văn, để giết thì giờ, em nghe băng tiếng Anh và xem một vài video ca nhạc Việt Nam mà em mua ở shop Việt Nam.

Phải nói Andrew rất tốt. Biết em buồn nên Andrew luôn cố gắng về sớm để nói chuyện với em và Huy, Hương. Thời gian đầu khi em mới sang Úc, Andrew đều đưa Huy và Hương đến trường rồi mới đi làm. Mấy tháng sau, khi đã quen thì các con em có thể tự đón xe bus tới trường được. Nói chung thì Andrew luôn tìm cách làm cho ba mẹ con em vui vẻ để sớm thích nghi với cuộc sống mới nhưng sao em vẫn cảm thấy buồn và nhớ những thân nhân ở Việt Nam quá. Đôi lúc thấy Andrew quá tốt, em có cảm tưởng như là mình đã mắc Andrew một món nợ lớn vậy.

Dù rất bận nhưng Andrew đã nghỉ hai tuần để lo các thủ tục giấy tờ cũng như đưa ba mẹ con em đi thăm các thắng cảnh ở Canberra và Sydney. Chúng em cũng đã tới các chợ Việt Nam ở Cabramatta và Bansktown. Nhớ lại lần Adrew đưa chúng em đi chơi Aquarium ở Sydney, Huy va Hương đã reo lớn lên vì ngạc nhiên khi nhìn thấy những con cá mập bơi lội ngay trên đầu của chúng. Có một lần, Andrew đưa ba mẹ con em vào thăm sở đúc tiền (Royal Australian Mint). Khi vào tới phân xưởng nơi Adrew phụ trách. Em thấy có rất nhiều người Việt Nam làm việc ở đây - nhất là phụ nữ. Mọi người ai cũng tươi cười chào hỏi, chúc mừng Andrew và ba mẹ con em. Em thấy các chị người Việt làm ở đây đôi lúc nói chuyện nhỏ với nhau bằng tiếng Việt trong khi làm. Em thích quá và uớc mong có ngày sẽ được vào làm việc tại đây. Đoán được ý nghĩ đó của em, Andrew cười nói:

- Để em nghỉ ngơi một thời gian cho quen với cuộc sống ở Úc cũng như học xong một số giờ Anh Văn rồi anh sẽ xin cho em vào làm việc tại đây.

Linh kể tiếp:

- Em thấy Andrew lúc nào cũng nói nhẹ nhàng với mẹ con em. Em có cảm tưởng anh ấy thương Huy và Hương như chính con của anh ấy vậy.

Tôi cười nói:

- Đúng đấy Linh ạ! Đàn ông Việt Nam thì họ rất ngại lập gia đình với những phụ nữ đã có con và nếu có thì … nhưng đàn ông Tây Phương hình như họ không quan tâm đến điều này. Nếu họ thương mình thì họ thương cả các con của mình nữa. Có khi họ còn thấy vui, thấy hạnh phúc khi có thêm các con nữa đó Linh ạ.

- Thiệt không chị ? Linh cười.

***

Bẵng đi một thời gian khá lâu, vì bận đi công tác ở một tiểu bang khác, tôi đã không có dịp gặp Linh cũng như nói chuyện với Linh qua đìện thoại.

Cách đây một tháng, khi trở về Canberra, tôi đến thăm gia đình Linh. Hôm đó Andrew đi công tác ở Sydney chưa về. Tôi rủ ba mẹ con Linh đi shop Việt Nam và sau đó ghé ăn tối tại nhà hàng Tự Do. Linh và hai cháu Huy, Hương mừng quá ôm chặt lấy tôi. Trong lúc ăn, tôi đã thăm hỏi về cuộc sống của ba mẹ con Linh bây giờ ra sao. Linh vui vẻ kể :

- Em đã học xong một số giờ Anh Văn. Andrew đề nghị em ghi danh học về computer ở trường TAFE vì thấy có nhiều người Việt học ở đó nhưng em thì thích đi làm hơn. Andrew cũng chiều ý và đã xin cho em vào làm tập sự ở xưởng đúc tiền cũng gần phân xưởng của Andrew. Huy và Hương thì đã học xong các lớp Anh Văn ở trường SIEC - trường dạy Anh Văn dành riêng cho di dân mới đến Úc - và nay hai cháu đã vào học ở một high school gần nhà. Em cũng đã quen dần với cuộc sống ở Úc. Thỉnh thoảng em cũng rủ Andrew đi chùa và anh cũng rất happy theo em đến đó.

Andrew cũng rất thích ăn những món ăn Việt Nam, đặc biệt là chả giò. Em thấy Andrew là một người đàn ông rất dễ mến. Dần dần chúng em cảm thấy gần gũi và yêu nhau hơn. Giờ đây em không còn cảm thấy khó khăn về ngôn ngữ giữa mọi người trong gia đình nữa. Chị ạ! Andrew còn muốn em đưa anh đến trường Việt Ngữ Canberra để học thêm tiếng Việt nữa đó. Em còn chần chừ không biết có nên đưa Andrew đến đó không vì em cũng ngại quá! Bây giờ sao em cảm thấy hơi ngại gặp người Việt chị ạ !

Tôi cười:

- Andrew đâu cần phải đến trường Việt Ngữ. Ở nhà đã có một cô giáo giỏi và dễ thương dạy tiếng Việt cho anh ta rồi!

Hai đứa con của Linh cũng lên tiếng:

- Chúng cháu cũng hay nói chuyện với Andrew bằng tiếng Việt nữa .

Lan mắc cở và đấm nhẹ vào vai tôi nói:

- Chị Đoan kỳ quá!!!!

Tôi dò hỏi:

- Từ khi rời xa quê đến nay, Linh có hay về thăm lại Bến Tre không?

Linh trả lời ngay:

- Có chứ chị, hàng năm em vẫn về Bến Tre thăm mộ ba em nhưng em chưa về Định Thủy lần nào. Không hiểu sao em hơi sờ sợ khi nghĩ về vùng đất đó mặc dù bây giờ chiến tranh đã chấm dứt rồi.

- Còn ngôi trường trung học Lê Ngọc Hân, nơi mà Linh đã theo học bốn năm tại đó. Tôi hỏi thêm

Linh rất vui trả lời:

- Lần nào về Bến Tre, em cũng dành thời gian đi ngang ngôi trường này và dừng lại mươi phút như cố gắng tìm lại những bóng hình thầy cô, bè bạn và cả chính em ngày xưa. Ngôi trường nay đã có cái tên hơi xa lạ: trường trung học cơ sở Lê Ngọc Hân. Em vẫn thích cái tên “Nữ trung học” ngày xưa hơn chị ạ !

Tôi cười:

- Linh cũng lãng mạn quá chứ ! Có những hình ảnh nào của quê hương Bến Tre mà Linh còn lưu giữ không?

Linh ngập ngừng:

- Em xa quê lúc còn nhỏ quá nên không giữ được những hình ảnh của quê em nhưng em vẫn đọc qua sách vở và biết rằng quê em là xứ dừa thơ mộng ! Em còn nhớ vài câu thơ nói về quê hương Bến Tre nhưng không nhớ tác giả. Trước 30/4/1975, mỗi khi theo mẹ về Bến Tre thăm mộ ba. Khi vừa qua chuyến phà Rạch Miểu từ Mỹ Tho nối với địa phận tỉnh Bến Tre, em đều thấy một tấm bảng lớn sơn hai câu thơ:

“Kiến Hòa cảnh đẹp nên thơ,

Trăng thanh gió mát đón chờ khách du! “

Hai câu thơ mộc mạc, trữ tình như mời mọc, chào đón và giới thìệu du khách đến thăm Bến Tre quê hương em. Như chị Đoan biết đó, Bến Tre quê em còn nổi tiếng là xứ dừa. Đã có không biết bao nhiêu là đặc sản được làm ra từ dừa. Đi đến đâu ở Bến Tre cũng thấy dừa. Những hàng dừa xanh tươi, mượt mà … Có một thi sĩ đã cảm xúc:

“Dừa ơi dừa, người bao nhiêu tuổi?

Mà lá tươi xanh mãi đến giờ! “

- Nghe Linh tả tôi cũng thấy mê Bến Tre rồi đó. Lần tới về thăm Việt Nam thế nào tôi cũng phải đi thăm Bến Tre cho biết.

Chợt nhớ ra một chuyện tôi vội hỏi Linh:

- Linh à, mải lo nói chuyện mà quên nhắc Linh một chuyện: Linh biết ở Úc có hội ái hữu cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân không? Hội sinh hoạt cũng vui lắm! Hay là Linh tham gia hội để sinh hoạt với các bạn nhé. Mình sẽ giới thiệu và chắc mọi người sẽ welcome Linh đó. Biết đâu Linh có thể gặp lại một số bạn ngày xưa ở trường Lê Ngọc Hân và có khi gặp cả một vài cậu ở trường Nguyễn Đình Chiểu năm xưa nữa không chừng!

Giọng Linh trầm xuống có vẻ buồn:

- Em cám ơn chị nhiều lắm! Em có nghe nói về hội này … nhưng em thưa thật với chị: Xin chị để cho em thư thả vài năm nữa. Bây giờ em cũng còn buồn và nhất là cũng còn mặc cảm với hoàn cảnh cuộc đời của em. Cuộc đời em đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Tới nay em nghĩ mới tạm ổn định. Em không có anh chị và em quý mến chị như chị ruột của em vậy nhưng em xin chị đừng nói với ai về cuộc đời của em nghe chị . Bây giờ thì em lại cảm thấy rất ngại khi gặp gỡ người Việt. Em muốn được sống cho riêng mình một thời gian nữa. Thôi tạm thời chị đừng nói với ai và cũng khoan giới thiệu em với các bạn chị nhé. Em tin chị.

Tôi thầm nghĩ phải chăng Linh vẫn còn mặc cảm về sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên với Hoàng – một sĩ quan công an - cũng như một chút ái ngại khi kết hôn với người Tây Phương. Có phải vì vậy mà bây giờ Linh ngại gặp các đồng hương chăng? Chắc hẳn Linh cũng đã gặp phải những ánh mắt không thiện cảm, nghe những lời nói không tế nhị - có thể cố ý hoặc cũng có thể chỉ là vô tình của một số người Việt – nhưng tôi biết Linh là một người rất nhạy cảm. Tôi hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của Linh vì tôi cũng đã trải qua nhũng tâm trạng này. Tôi an ủi Linh:

- Linh đừng để ý nhiều đến những chuyện đó. Ở đâu thì cũng có người tốt, người xấu. Hãy cố gắng sống hội nhập vào xã hội mới. Hãy quên đi những chuyện đã qua. Hãy sống cho hiện tại và tương lai. Hãy vun xới hạnh phúc mà gia đình Linh đang có. Tôi sẽ làm theo lời Linh và chờ đợi khi nào Linh cảm thấy thuận tiện, thoải mái thì sẽ giới thiệu Linh với các bạn .

Để cắt ngang những ý nghĩ tiêu cực của Linh, tôi hỏi qua chuyện khác:

- À mà bây giờ Linh có còn mua nhiều phone card để gọi về Việt Nam nữa không?

Linh nhỏ nhẹ :

- Ít thôi chị ạ ! Bây giờ em thấy vui hơn hồi mới sang Úc rất nhiều. Em muốn dành nhiều thời giờ cho hạnh phúc mới, gia đình mới của em.

Tôi nhìn Linh cười:

- Rất đúng đó Linh ạ. À như vậy là … Rồi … TÌNH YÊU ĐÃ ĐẾN … phải không Linh ?

Mọi người cùng cười .Chúng tôi chia tay.

Tôi rất mừng cho ba mẹ con Linh - đăc biệt cho Linh - người đàn bà Việt Nam đã trải qua quá nhiều đau khổ và nay đã tìm được hạnh phúc cho mình, cho các con của mình trên vùng đất mới .

Canberra July 07

MAI KHÁNH THƯ - PHẠM DOANH MÔN


22 tháng 6, 2023

Kiểm tra sự rò rĩ của microwave_Trần-Lâm Phát

 Bài này trich trong trang Trường TH Đất đỏ

CHỦ NHẬT, 22 THÁNG 9, 2013

Kiểm tra sự rò rĩ của microwave


Kiểm tra sự rò rĩ của microwave
1.      Mục đích:

Bài hướng dẫn này đi từng bước để kiểm tra sự rò rĩ của microwave bằng cách sử dụng laptop có wireless adaptor (bộ điều hợp không dây).
Wireless adaptor của laptop truyền thông trên tầng số 2,4 GHZ for 802,11G (wireless G) and 5,4 GHZ for 802,11N (wireless N) và microwave dùng tần số 2.0 – 2.45 GHZ.  Do đó; laptop là phương cách hữu hiệu nhất để kiểm tra sự rò rĩ của microwave.

Ghi chú: Cell phone dùng tần số 800 -1900 MHZ, không cùng tần sóng với Microwave.Cho nên; microwave không thể chận sóng của cell phone và đó là sự sai lầm dùng cell phone để kiểm tra sự rò rĩ của microwave. 

  2.  Điều kiện bắt buộc:
·         Laptop có wireless adaptor và 1 cái computer thứ 2 đều hoạt động tốt.
·         1 cái router có wireless đang s dụng trong nhà.

3.      Hướng dẫn:
3.1  Tìm địa chỉ  IP của wireless adaptor trong laptop:

Nơi laptop, click start rồi click all programs và click Command prompt (Hình của Windows7):

Windows sẽ pop up hộp command prompt:

Sau dấu >, đánh IPconfig /all (có khoảng cách giữa chữ g và /) rồi nhấn Return:
Nhìn vào chỗ Wireless LAN adaptor và ghi chú địa chỉ của IP.
Trường họp này địa chỉ  IP là 192.168.1.5


3.2 Thí nghiệm:


3.2.1 Dùng computer #2, làm lại bước 3.2 để vô hộp command prompt:


3.2.2 Để laptop gần computer #2, sau dấu >, đánh vào: ping 192.168.1.5 và nhấn  return. Bước này chứng minh computer #2 liên lạc được với laptop hay không:
Cái wireless adaptor trong laptop trả lời hiệu lịnh ping.
Dòng chữ Reply from 192.168.1.5 chứng tỏ computer #2 nối kết  được với laptop

3.2.3 Rút sợi dây cấm điện của microwave

3.2.4 Đặt laptop vào đĩa của microwave và đóng cửa lại:
3.2.5 Dùng computer #2: sau dấu>, đánh vào: ping 192.168.1.5 và nhấn return:
Dòng chữ "Destination host unreachable" chứng minh computer #2 không thể nối kết với  laptop vì seal của microwave chận sóng.

3.2.6 Lấy laptop ra khỏi microwave:

3.2.7 Dùng computer #2: sau dấu>, đánh vào: ping 192.168.1.5 và nhấn return:
Dòng chữ Reply from 192.168.1.5 chứng tỏ computer #2 nối kết  được với laptop

3.2.8 Cấm điện lại cho microwave.

4. Kết luận:
Bước 3.2.5 chứng minh microwave không bị rò rĩ!


San Jose 20-9-2013
Trần-Lâm Phát

13 tháng 6, 2023

Mẹ_Trần-Lâm Phát

 

Mẹ tôi
 
Năm sáu tám mẹ tôi đã mất
Để con thơ chật vật với đời
Mặc dù cho có lệ rơi
Tôi luôn ghi nhớ những lời mẹ tôi
 
Khi giặc giã lôi thôi lết thết
Bom đạn rơi giết chết tuổi son
Cho dù con hãy còn non
Mẹ tôi cương quyết Sài gòn kinh đô
 
Rời cha mẹ mười ba tuổi độ
Theo anh tôi để xuống thủ đô
Ước mong xây dựng cơ đồ
Chỉ cần theo đúng hoạ đồ mẹ tôi
 
Trần-Lâm Phát

14-4-Âm lịch 2018



 

Đã hơn 30 năm rồi tôi không có cơ hội để đọc lại bài thơ “Mất mẹ” và nhìn những hàng lệ chảy dài trên đôi má với cặp mắt đỏ ngầu của những nữ sinh và những khuôn mặt buồn hiu của các cậu trai lớp 10  khi nghe tôi giảng nghĩa từng lời thơ và vai trò cao quí của người mẹ, nhất là bà Mẹ Việt Nam.  Đây chỉ là những nét sơ lược những nổi khốn cùng của thân phận mồ côi và những dòng văn thơ ca ngợi bà mẹ của chúng ta.

Mất mẹ
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Hoàng hôn phũ trên mộ
Chuông chùa nhè nhẹ rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời
Vô Danh

 Tác giả đã ghi lại nỗi lòng của một đứa bé mồ côi:

        Năm xưa tôi còn nhỏ
        Mẹ tôi đã qua đời
        Lần đầu tiên tôi hiểu
        Thân phận kẻ mồ côi

Lời thơ rất đơn sơ, gọn gàn, diễn tả nổi đau thương của người bất hạnh.

Người xưa cũng không ngần ngại giáo dục kẻ hậu sinh sự diễm phúc của người có cha có mẹ:

          Có cha có mẹ thì hơn
          Không cha không mẹ như đờn đứt giây
          Đờn đứt giây còn xoay còn nối
          Cha mẹ mất rồi con chịu mồ côi!

Thiệt thòi hơn nữa cho sự mất mát của cha mẹ vì

          Mồ côi khổ lắm ai ơi!
          Đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân

Mẹ là ai ? Ai cũng một lần có mẹ nhưng có người may mắn còn mẹ, có người bất hạnh đã mất mẹ vừa lúc lọt lòng. Dù thế nào chăng nữa mẹ cũng cưu mang đứa con của mình chín tháng mười ngày. Biết bao nổi nhọc nhằn mà người mẹ đã gánh chịu từ lúc đứa bé tượng hình cho đến khi trưởng thành.

Ca dao ta cũng truyền bá từ đời này qua đời khác tấm lòng của mẹ:

          Mẹ già như chuối ba hương
          Như xôi nếp một[1] như đường mía lau

Dưới ách thống trị của nền phong kiến thực dân, dân ta bị thất học cho nên dân gian dùng những hình ảnh cụ thể trong cuộc sống mà so sánh công lao của người mẹ. Ai cũng biết  sự ngọt ngào của chuối ba hương, sự dẻo dai và thơm tho của nếp  và sự uyển chuyển thanh tao, nhỏ nhắn, ngọt ngào, hiên ngang của cây mía lau. Tất cả những đặc tính của người mẹ được diễn tả rất cụ thể và rõ ràng qua hai câu thơ lục bát này.

Người mẹ luôn luôn bảo vệ cho đứa con của mình; cho nên mất mẹ là “Mất cả một bầu trời!”:

           Mồ côi cha ăn cơm với cá
           Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường

Rồi em bé mồ côi không thể khóc, nén thương đau trong lòng khi thấy mọi dứa trẻ xung quanh đều oà lên nức nở:

            Quanh tôi ai cũng khóc
            Im lặng tôi sầu thôi

Cái im lặng đó là một mũi tên độc đã bay vào tim của em bé, không thốt nên lời.

Thế rồi giọt nước mắt nhạt nhòe trên đôi má. Thì ra em bé đã khóc tự lúc nào, cái khóc im lìm chứa chan nỗi khổ đau.  Có lẻ em bé thầm ao ước được nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền:

             Để dòng nước mắt chảy
             Là bớt khổ đi rồi

Cái khổ đau này kéo dài trong cuộc đời của em bé. Mỗi ngày khi hoàng hôn bắt đầu chĩu xuống, ánh nắng chiều lướt qua mồ mẹ cùng với tiếng ngân nga của chuông chùa, đã nhắc nhở em bé là mình đã mất mẹ và vết thương lại quặng lên:

              Hoàng hôn phũ trên mộ
              Chuông chùa nhè nhẹ rơi
              Tôi thấy tôi mất mẹ
              Mất cả một bầu trời

Tác giả đã cho ta cái nhìn về tầm quan trọng của mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Trong bài “triết lý giáo dục”, Trần-Lâm Phát đã viết:

“Mẹ là người thầy đầu tiên; khi đứa bé vừa lọt lòng, mẹ đã dạy con uống sữa; khi đứa bé lớn lên, mẹ dạy con học ăn, học nói, học gói và học mở[2]. Sau cùng mẹ dạy con phong tục, lễ nghi, nhân cách và phẩm độ của con người”

Xã hội ta đã giao cho bà mẹ một trọng trách nặng nề:

               Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà 

Năm 2002 nhà thơ Mỹ Huệ cũng không khác gì với chúng ta, chỉ còn cách duy nhất là ước ao cho mẹ theo cha về cỏi niết bàn:

            Mẹ đã theo cha về cỏi Phật,         
            Con còn ngơ ngẩn bước trần ai.
            Áo con nay kết hoa hồng trắng[3]
            Thắp nến hương trầm khóc mẹ yêu.
            Cầu mẹ phiêu diêu miền cực lạc
            Nước nhược non bồng ấm gót chân.
            Thôi nhé mẹ ơi con tiển mẹ,
            Ơn nghĩa sinh thành dạ khắc ghi

Năm 1962 Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã vinh danh người Mẹ qua tác phẩm ‘Bông Hồng Cài Áo” và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc:

         Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
         Như đóa hoa không mặt trời
         Như trẻ thơ không nụ cười
         Và đời mình không lớn khôn thêm
         Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ lúc nào cũng sát cánh bên con, lo sợ con phải mũi lòng khi tạm xa mẹ mặc dù chỉ trong khoảnh khắc đến trường. Năm 1941 nhà văn Thanh Tịnh ghi lại sự yêu thương cao cả của bà mẹ đưa con đi đến trường lần đầu tiên:

  “ Tôi quên thế nào được buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp…”

  “…Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ ….

…… Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thúc thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi .”

Những cử chỉ âu yếm đó của mẹ hiền làm sao đứa bé mồ côi có giây phút để tận hưởng.

Bên cạnh vai trò của người thầy, mẹ còn là một lương y. Người mẹ luôn luôn biết được những nguyên nhân đã làm cho con mình bị ấm đầu hay sổ mũi trong lúc trở trời và mẹ đã tìm được biện pháp để ngăn ngừa những bịnh tật ấy. Chỉ nhìn vào sắc mặt hay giọng nói của con, người mẹ đã biết ngay con mình mạnh khỏe hay không và đương nhiên mẹ sẽ tìm cho con liều thuốc để vượt qua những lúc không may ấy:

           Con đau rên siết mẹ sầu lo!
           Bán đôi bông cưới, mua thang thuốc
           Múa bánh tai heo, giấy học trò
             (Khói trắng_Kiên Giang, 1961)

Mẹ là người phụng sự cho các con, cho chồng còn hơn người giúp việc. Người dân da đỏ của Mỹ đã và đang nói: “ Người đàn ông làm việc từ lúc bình minh cho đến hoàng hôn nhưng công việc của đàn bà thì không bao giờ kết thúc”

Công việc của mẹ chẳng khác gì như người ở không công.

Nhà thơ Trần tế Xương (1870-1907) đã ghi lại sự cần cù nhẫn nại và hy sinh cao cả của bà mẹ Vệt-Nam trong bài thơ “Thương vợ”:

            Quanh năm buôn bán ở mom sông[4],
            Nuôi đủ năm con với một chồng.
            Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
            Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
            Một duyên hai nợ, âu đành phận,
            Năm nắng mười mưa, dám quản công.

Sống trong hoàn cảnh thống trị của Nho giáo và phong kiến chủ nghĩa “trai năm thê bảy thiếp; gái chín chuyên một chồng”, bà mẹ Việt-nam chịu cảnh ức hiếp của chồng:

            Gió đưa buội chuối sau hè
            Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
            Con thơ tay ẳm tay bồng
            Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông

Thậm chí hơn nữa là mấy cô em chồng ức hiếp chị dâu, gây sự khinh hoàng trong cuộc sống hàng ngày:

  “Giặc bên Ngô[5] không bằng mấy bà cô bên chồng”

Nước ta là một nước có chiến tranh lâu dài nhất trên thế giới, cho nên bà mẹ Việt-nam ngoài bổn phận dâu hiền con thảo, còn phải đảm dang trách nhiệm của chồng.Trong tác phẩm “Chinh Phụ ngâm khúc”, bà Đoàn Thị Điểm dịch (?):

            Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
            Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
            Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
            Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân

Biết bao thơ, văn, nhạc, kịch đã ghi lại tấm lòng sắc son cao cả của bà mẹ Việt-Nam.

Hương Giang  thuộc giáo phận Thái bình trong phần mở đầu bài “Mẹ ơi! Con không thể nói”[6] đã viết:

Từ bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thơ văn cũng như trong cuộc sống đời thường thật đẹp biết bao. Đó là hình ảnh những người mẹ, người chị tảo tần một nắng hai sương hy sinh cho hạnh phúc của chồng con.”

Ngày 30 tháng mười năm 1994, trong lề vinh danh tuổi thọ bát tuần cho bà Đặng Thị Bạch Tuyết[7], nhà khảo cứu Hồ Thiếu Bảo đã nhắc nhở kẻ hậu sinh: “ Hình ảnh của mẹ mãi mãi là một hình ảnh diệu kỳ, cho dù thế kỷ này với tất cả những tân tiến nhất, như bay lên vũ trụ những con tàu, kỳ diệu sao bằng mẹ gánh rau

Tình mẫu tử là một mối tình thiên liêng bất tận. Mặc dù ngôn ngữ bất dồng trên thế giới nhưng em bé đều bắt đầu gọi mẹ với vần “M”. Em bé Việt-nam ta gọi Mẹ hay Má, những người nói tiếng Anh gọi Mother, Mommy, những người nói tiếng Pháp thì gọi Mère, Maman, người Trung Quốc thì gọi  Mǔ shẽn (母親) etc.


Mía lau











                                                                
                                                                                                                                         Mía thường

[1] Có sách ghi nếp mật

[2] Tục ngữ

[3] Hoa hồng trắng cho ai đã mất mẹ

Hoa hồng đỏ cho ai còn mẹ

[4] Sông Vị ở Nam định

[5] Nhà Ngô bên Trung quốc rất tàn nhẫn với dân ta

[7] Mẹ của Đinh Quốc Hùng, và là chị ruột của nhạc sĩ Đặng Thế Phong