12 tháng 6, 2023

ÁO DÀI ƠI !!! _Đông Ngọc Trần Mỹ Huệ

 

 


   ÁO DÀI ƠI !!!   

 

                       

Trời California mưa suốt mấy ngày nay do ảnh hưởng của cơn bão tuyết mùa đông. Mưa quá nhiều và lạnh hơn năm trước. 
Tôi nằm trùm mền để không bị cái lạnh ảnh hưởng đến da thịt. Lạnh gì mà như muốn giết người! Lại thêm việc tĩnh dưỡng cho đôi mắt già mới bị mổ để chữa cườm, nên không làm gì hơn là nằm ì trên giường, ngó cái tivi nhỏ để sát vách tường phía trước mặt. Nghe tin tức chán thì qua nghe nhạc xưa cho đỡ buồn. 
Có vài hôm tôi vô tình được xem những đoạn phim Việt Nam phát hình qua mạng youtube. Tôi mới biết xã hội Việt Nam bây giờ thay đổi nhiều quá, nhất là về mặt thời trang. Thay đổi từ ngoài đời tới phim ảnh.
Những đoạn phim mà tôi tình cờ xem, thường thấy những nữ diễn viên rất thích mặc áo đầm, mặc váy. Dài ngắn đủ kiểu và hiện diện ở đủ mọi phân cảnh.Trong phòng khách, phòng ăn, nhà bếp và phòng ngủ. Thiệt lạ lùng quá chừng!
Ở chỗ làm, các cô thư ký thích mặc váy ngắn lắm. Loại váy mà ngày xưa lúc tôi còn đi học, gọi là mini jupe. Trong các hàng quán, các cô bán hàng cũng khoác lên mình những cái váy cũn cỡn, cổ rộng, hở vai để khoe đùi, chìa ngực. Mà nếu các nàng diễn viên đó có thân hình đẹp, gợi cảm như minh tinh ngoại quốc thì không nói làm chi. Đằng này thì... 
Tôi thắc mắc lắm và tự hỏi mình - vì biết hỏi ai bây giờ? Những bộ đồng phục của nhân viên làm việc trong các cơ sở đâu rồi? Bộ quần tây và áo sơ mi trắng hay xanh của họ đã bị các ông đạo diễn và chuyên viên trang phục cho diễn viên đem liệng hết vào xó xỉnh nào đó rồi chăng?
Về đến nhà, các nàng trong vai bà chủ, tiểu thơ thì luôn diện đầm xoè, váy dạ hội, cùng với giày cao gót. Trời ơi! Ai đời, các vai nữ cứ mặc riết những bộ đồ không thích hợp trong khung cảnh họ đang diễn tuồng, kể cả lúc lên giường để đi ngủ. Hay là họ không có can đảm cởi những bộ y phục mà họ ưng ý vì cố tình khoe khoang sở thích chưng diện của mình theo thời thượng? 
Tôi sống ở xứ lạ quê người nhiều hơn thời gian tôi được sinh ra, lớn lên trên quê hương mình. Chung quanh tôi là người bản địa. Họ ăn mặc theo lối Âu Mỹ và tôi cũng phải theo cách của họ, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ đến bộ áo dài thời còn đi học. Tôi chỉ mặc áo dài trong ba ngày Tết Âm lịch hay trong những lần đi đám cưới, tiệc tùng do người Việt tổ chức tại nhà riêng. Tôi nhớ có một lần, vào dịp Tết Việt Nam, nếu tôi không nhớ lầm là Tết năm 1985, vì vừa ghiền, vừa nhớ những bộ áo dài đầy tình tự quê hương thuở nào tôi đã mặc lúc còn ở bên nhà, tôi đã nói trước với bà xếp trong hãng tôi đang làm việc, là tôi sẽ mặc áo dài 3 ngày Tết năm đó. Bà âý cười và nói với tôi rằng đây là xứ tự do, cô muốn mặc gì tuỳ ý, miễn là cô thoải mái để làm việc là được. Tôi vừa cảm động, vừa mừng đến muốn khóc. Thế là năm đó tôi đã mặc áo dài đi làm trong 3 ngày Tết. Sau này, mỗi lần nhớ và nghĩ đến bà ấy, tôi thầm cám ơn người đã cho tôi sống những ngày Tết đầy ý nghĩa, khi được mặc áo dài để mừng Xuân mới, trong lúc tâm tình của mình chưa ổn định nơi xứ người.
Hơn hai  mươi năm sau, trong dịp dự lễ tốt nghiệp của con gái tôi, một lần nữa tôi "diện" áo dài trong ánh mắt trầm trồ của những khách trong buổi tiệc. Một ông khách ngọai quốc bước đến nói với tôi: 
- Khi Bà vừa vào khán phòng, bà đã mang theo ánh sáng tuyệt vời cho buổi lễ hôm nay với bộ trang phục hết sức đẹp thuần tuý của người đàn bà Việt Nam. 
Tôi vừa mắc cỡ, vừa hãnh diện quá nên khi cám ơn ông ấy thì chỉ nói lí nhí trong miệng. 
Trong khi người ngoại quốc luôn nhìn ngắm và trầm trồ khen ngợi chiếc áo dài Việt Nam với những nét đẹp duyên dáng, kín đáo nhưng gợi cảm, lịch sự và đầy nét sang trọng... thì những diễn viên điện ảnh và sân khấu Việt đã từ bỏ hay muốn quên đi chiếc áo mang tính truyền thống Việt. 
Tại sao vậy? Phải chăng họ chê áo dài Việt Nam quê mùa, không xứng tầm hiện đại nên phải vận đầm xòe, váy ngắn mới đúng điệu? 
Ở đây tôi chưa bàn đến cái sự quái gở khác là, có những cô hoa hậu và người mẫu Thời Trang Áo Dài, đã mặc biểu diễn những bộ áo quần hoa hoè y như vác một khu vườn hoa, đi vòng quanh sân khấu, với hai tà áo cứng ngắc như hai tấm phông, bên trong là chiếc quần cùng màu dài thậm thượt. Ôi thôi! Nhìn các cô mà lòng tôi thấy ái ngại và thương hại quá chừng. Cái đẹp của trang phục Việt Nam ở xứ mình hôm nay đã thay đổi một cách thảm hại. Không biết lên tiếng khen ở chỗ nào? À, có lẽ những bộ áo dài thời thượng mà các bà các cô cho là đẹp, vì chúng giống xiêm y của Tàu đời xưa chăng? Hay là những nữ diễn viên phải mặc theo mắt thẩm mỹ của đạo diễn và chuyên viên y phục?
Theo các bài viết sưu tầm về nguồn cội của cái áo dài thì vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ 18, nước Việt Nam chia thành 2 xứ: Đàng Ngoài ở phía bắc sông Gianh, thuộc quyền cai trị của Vua Lê/Chúa Trịnh và Đàng Trong ở phía nam sông Gianh, do các Chúa Nguyễn nắm quyền.
Năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ra sắc dụ bắt quan dân xứ Đàng Trong từ nay phải mặc quần và áo choàng có nút cài phía trước. Y phục này khác với y phục của người Đàng Ngoài là áo giao lĩnh và váy dài. Kiểu áo nầy gần giống áo của người Tàu đời nhà Minh.
 

Đến thế kỷ thứ 19, áo dài được đặt tên là áo ngũ thân vì áo gồm có 5 mảnh: Hai mảnh trước may dính lại ở giữa, và hai mảnh sau cũng may như vậy. Một đường may ngắn hơn ở bên phía hông trái để ráp 2 tà vào với nhau. Phía hông phải có thêm 1 vạt nhỏ, may dính vào thân sau dùng để che phần hở của hông khi được cài nút đính hai thân lại với nhau. Khi mặc vào, áo ngũ thân không bó sát vào người và chiều dài áo cao hơn gót chân một chút.


Năm 1933, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, bút hiệu LeMur, là nhà thiết kế đầu tiên các kiểu áo dài mới, nhưng vẫn còn vài nét ảnh hưởng y phục của Tây phương, như cổ bẻ, còn gọi là cổ lá sen, tay áo rộng có viền rua. Sau đó, ông đã liên tục sửa đổi để áo dài gần giống kiểu áo dài hiện tại. 


Từ năm 1950, áo dài được chỉnh sửa bởi những nhà thiết kế Sài Gòn như ông Trần Kim, của nhà may Thiết lập, ông Dũng của nhà may Dũng. Chiếc áo dài mới bó sát vào thân người phụ nữ, thắt eo bằng một sợi dây nhỏ may kèm phía trong, quanh vòng bụng. Bằng hình thức mới, chiếc áo dài đã lột tả được những đường cong nét đẹp của thân hình người phụ nữ Việt Nam. 
Áo dài thời này được mặc cùng với quần sa-teng trắng hay đen, dài chấm gót chân, chớ không mặc với quần như thời chúa Nguyễn nữa. Ngoài ra, phụ nữ miền Nam luôn mặc bên trong áo dài một áo soutien và áo lót sát nách, màu trắng thay cho cái áo túi ngắn tay. 

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đổi mới kiểu áo dài không cổ hay còn gọi là áo cổ thuyền, áo bà Nhu...Lúc này thì dường như cái áo lót không còn phổ biến nữa, đi cặp với áo dài chỉ có chiếc áo ngực (soutien/ bra). 

Phụ nữ thời đó, ai thích cổ áo kiểu nào thì thợ may kiểu đó. Không có lệnh lạc bắt buộc nào hết.
Khoảng những năm 1963-1968, áo dài được đổi mới lần nữa với tên Áo Dài Raglan. Kiểu áo nầy, hai tay áo được may ráp từ cổ xuống tới nách áo, giúp cho hai thân trước và sau không bị xếp nhiều đường nhăn, trái lại nó được phẳng phiêu, cũng như thêm phần gợi cảm hơn.

Trong khoảng thời gian đầu thập niên 70, áo dài lại có thêm kiểu áo không eo và có chiều dài chỉ quá đầu gối một chút. Áo dài kiểu này không có 4 đường may để nhấn eo ở thân trước và thân sau nên vòng eo áo chỉ vừa sát vào bụng. Hai bên hông áo được nhấn cao hơn thắt lưng khoảng 3 phân. Các nữ sinh bấy giờ đã không còn thích mặc thêm áo lá bên trong, cho nên khoảng hông hai bên áo đã vô tình để lộ phần da thịt theo dạng một hình tam giác nhỏ. Ui chà! Một hình ảnh được coi là khá 'sexy'. Kiểu áo không eo nầy được giới nữ sinh và sinh viên ưa chuộng vì nó gọn gàng, dễ tung tăng hơn áo dài chấm gót trước đó. Phần quan trọng không kém của áo dài là cổ áo.
Cổ áo dài nguyên thủy có chiều cao từ 2 cm trở
lên, may vòng theo số đo chiều vòng của cổ. Chiều cao cổ áo thay đổi theo ý thích của mỗi khách hàng yêu cầu khi đo ni để may áo.

Thiếu nỡ  Saigon trước  năm 1975

Gia đình tôi gốc gác miệt vườn miền Nam, Má tôi lại thuộc lớp xưa nên những áo dài Má tôi may cho chị em tôi mặc, đều thuộc loại áo dài kiểu có cổ cao, thường là khoảng 3 - 4 cm, cổ tay áo hẹp và dài tới cổ tay, vòng eo vừa phải. Chỉ có chiều dài áo là có thể thay đổi tùy theo thời hay theo ý của chúng tôi.
Thói quen mặc áo dài từ lúc vào lớp Đệ Thất Trung Học cho đến hết thời học sinh, sinh viên, rồì đi làm cô giáo đã gây cho tôi chứng mê áo dài đến độ đâm ghiền luôn. 
Ôi, cái thời áo dài trắng học trò
sao mà dễ thương quá!     
Rồi tôi lớn lên, ra đời với áo dài màu, áo dài hoa in hoặc vẽ hình họa, hay thêu tay... Mỗi một chiếc áo dài đã ghi dấu biết bao kỷ niệm của đời tôi. Tôi không làm sao quên được những chiếc áo dài và cũng không thể nào xếp chúng vào xó được.
 
Sau năm 1975, tôi vẫn được tiếp tục nghề dạy học. Theo lệnh mới, tất cả thầy cô giáo, học sinh và nhân viên trường đều phải mặc áo sơ mi và quần đen. Vậy là những chiếc áo dài cũ thân thương phải xếp vào tủ. 
Tôi vừa thương áo, vừa giận cái lệnh vô duyên nầy nên tôi phản đối với người Hiệu trưởng mới, với lý do cô giáo dạy cấp ba, tức là Đệ nhị cấp, học trò trai gái đều lớn, có đứa đã có gia đình, mà chúng phải nhìn mông cô giáo đứng viết bảng thì di hợm quá. Tôi không đồng ý. Ông ta không nói gì nên tôi tiếp tục mặc áo dài vào lớp dạy như trước.  
Các bạn đồng nghiệp cũ của tôi nói rằng vì có những cô giáo mới từ A (Bắc) vào, họ chỉ mặc quần đen và áo sơ mi đến lớp, cho nên, để san bằng cách biệt trong cách ăn mặc hầu đạt chỉ tiêu bình đẳng, chúng ta mới nhận lệnh như vậy đó đa. Bạn tôi nói đúng quá. Tôi cũng có thân nhân đi tập kết về, họ cho biết ở ngoài Bắc, cán bộ nam nữ như nhau, chỉ có hai bộ quần áo mặc trong một năm theo đúng chỉ tiêu nhà nước đề ra. Tôi nghe mà vô cùng ái ngại và thương cảm cho họ.
Nhưng chỉ vài năm sau, trường học đã được trở về chế độ đồng phục cho học sinh Trung học: áo dài trắng cho nữ sinh và sơ mi trắng cho nam sinh. Mừng cho chiếc áo dài của phụ  nữ Việt Nam đã được hồi sinh sau cơn hấp hối kinh hoàng. Cái đẹp thật thì sẽ không bao giờ chết.
Mong rằng những người phụ nữ Việt Nam hãy đừng phụ bỏ chiếc áo dài mang nét đẹp của văn hóa dân Việt, và chiếc Áo Dài đã góp phần tạo nên những hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong khung trời nghệ thuật trang phục thế giới.
Thương quá Áo Dài của tôi ơi! 

     

Đông Ngọc Trần Mỹ Huệ

 San  Marcos, CA. Mùa Đông  2023