29 tháng 4, 2023

VTM # 121_Tháng tư_PTL

Xướng:

Tháng tư

Mỗi năm vào cuối tháng tư

Nhớ về quê Mẹ tâm tư u sầu

Sài gòn qua cuộc bể dâu

Tan đàn xẻ nghé quặn đau từng giờ

Xuống thuyền bé nhỏ trốn chờ

Nửa đêm len lén tách bờ ra khơi

Ngược cơn sóng vỗ chơi vơi

Trong đầu náo loạn tơi bời tâm can

Trên trời dưới biển mênh mang

Thấy tàu hải tặc kinh hoàng kêu la

Mở trang lịch sử đã qua

Làm thơ xướng họa thi ca giải buồn

PTL

April 2023

Họa 1:

Suy Tư

Bao đêm trằn trọc suy tư

Tâm hồn khép kín trầm tư nỗi sầu

Bỗng nhiên bể hóa nương dâu

Đất trời thay đổi còn đau đến  giờ

Người đi kẻ ở đợi chờ

Hoàng hôn dần xuống trên bờ biển khơi

Thế rồi mộng ước chơi vơi

Trong cơn bão tố rối bời tâm can

Bên lòng nặng gánh đeo mang

Giấc mơ mộng tưởng huy hoàng bao la

Vầng mây u ám bay qua

Cho đời tươi đẹp khúc ca gợi buồn

Hương Lệ Oanh VA

Apr. 24, 2023 

Họa 2:

Nỗi Buồn Tháng Tư

Quê hương một gánh ưu tư

Lòng mang nặng trĩu tháng tư hận sầu

Một phen bể biến cồn dâu

Miền Nam thất thủ tim đau đến giờ

Di tản gấp rút chẳng  chờ

Thuyền bè chen chúc cách bờ biển khơi

Ngỗn ngang trăm mối đầy vơi

Tinh thần bấn loạn  rối bời tâm can

Mạng người như sợi chỉ mang

Vượt biển bàng hoàng trời đất bao la

Nửa vòng thế kỷ kinh qua

Nỗi đau còn đó khúc ca tinh buồn.

Nguyễn Cang

Apr 26, 2023

Họa 3:

Nỗi Buồn Tháng Tư

Nỗi buồn còn nặng tâm tư,

Gia vong quốc phá tháng tư thảm sầu.

Quê nhà một cuộc biển dâu,

Sai Gòn thất thủ còn đau tới giờ.

Dân lành chẳng phút chần chờ,

Kéo nhau bỏ chạy vượt bờ trùng khơi.

Người đông thuyền chở khó vơi,

Ai còn kẹt lại rối bời khôn can.

Bao quân cán chính khổ mang,

Đầu hàng buông súng bàng hoàng hét la.

Vào tù mạng sống khó qua,

Đi kinh tế mới xót xa phận buồn.

Mỹ Ngọc

Apr. 26, 2023.

Họa 4:

Giọt Lệ Xuân

Xuân nầy tràn mối ưu tư

Con tàu viễn xứ riêng tư giọt sầu

Nhớ ngày bên luống bờ dâu

Êm đềm hạnh phúc nào đau như giờ 

Sống trong khắc khoải đợi chờ

Mà sao ánh sáng che bờ mù khơi 

Niềm đau tràn ngập không vơi

Nhìn non, nhìn nước, rối bời tâm can

Tâm tư lạc lối mênh mang

Chìm trong ngõ tối bàng hoàng bao la

Tìm về ký ức ngày qua 

Cho tim ấm lại bài ca điệu buồn

THT

Họa 5:

Nỗi Buồn Tháng Tư

Mấy ai giữ được vô tư

Mỗi khi nghĩ đến tháng tư càng sầu

Từ khi biển xóa nương dâu

Tính nhân bản mất nỗi đau đến giờ

Sấm rền mây gọi gió chờ

Thuyền nan đợi nước thuận bờ về khơi

Độc tài  nhũng nhiểu, sao vơi

Mưu đồ hán hóa, rối bời tim gan.

Độc hơn cả rắn hổ mang

Triệt tiêu văn hóa huy hoàng, còn la

Nén lòng bốn tám năm qua

Nỗi đau chất ngất buồn ca thấm buồn.

Tâm Quã


Video này trích trong trang web năm 2014 của Trường Trung Học Đất đỏ, tỉnh Phước tuy 


                                                                Lẻ bạn

27 tháng 4, 2023

 


NHỚ SÀI GÒN

Sài Gòn ơi! Hết rồi ngày vui cũ
Như dòng sông nước cuốn chảy xa nguồn
Như dòng đời thác đổ lẫn mưa tuôn
Chưa sum họp đã có mầm ly biệt!
 
Sài Gòn ơi !  Những ngày xưa tha thiết
Đường phố tưng bừng chân bước lao xao
Mừng gặp nhau hớn hở vẫy tay chào
Nay còn lại những nghẹn ngào nuối tiếc!
 
Sài Gòn ơi ! Những hàng me xanh biếc
Công viên buồn ghế đá Thảo Cầm Viên
Chân bước mau qua hết cổng ưu phiền
Bàn tay nắm tung tăng miền hạnh phúc
 
Sài Gòn ơi! Những bước chân đại học
Em sinh viên rực rỡ nét thiên thần
Để đêm về nẳm thao thức bâng khuâng
Ươm  mộng đẹp ép vào trong tiềm thức
 
Sài Gòn ơi ! Ta mất em từ lúc
Đường phố thay tên nghiệt ngã dòng đời
Nuốt lệ ly tan vận nước nổi trôi
Tương lai đắm chìm tàn phai trước mắt
 
Sài Gòn ơi! Quê hương còn hay mất*?
Nhớ mái trường xưa, yêu tuổi ngọc ngà
Còn gì đâu xây mộng ước cao xa
Nghe nức nở con đò qua bến khác!
 
Sài Gòn ơi! Còn chăng là kỷ niệm!!!

Nguyễn Cang
Tháng Tư,  2023)\
*Mượn lời bài hát của nhạc sĩ Việt Khang.

22 tháng 4, 2023

Đường Trần_Hương Lệ Oanh VA

 

Đường Trần

Đời con lỡ bước đường trần
Nếu còn có thể đi lần theo sư
Bây giờ tội nghiệp có dư
Quay vào sám hối tiêu trừ nạn tai
 
Cho lòng nhẹ nhổm nguôi ngoai
Không đua danh lợi hằng ngày trói trăn
Thị phi tranh chấp băn khoăn
Mơ hình tưởng bóng bước lần bến mê
 
Gây bao tội nghiệp ê chề
Bao đời vô thỉ trăm bề rối ren
Từ sanh đến lão bao phen
Bấy nhiêu nghiệp chướng chẳng rèn tấm thân
 
Bây giờ cuối nẻo đường trần
Con xin giác ngộ ân cần đời sau
Nếu còn có được kiếp nào 
Làm sư làm sãi ra vào công phu
 
Kiếp nầy con vụng đường tu
Cho nên lẩn quẩn mịt mù khó ra
Lòng vòng trong cõi ta bà
Sớm trưa chiều tối thật là đáng thương
 
Làm sao tránh khỏi đoạn trường
Sanh lão, bệnh, tử vấn vương nợ trần
Nay con dừng lại bước lần
Quay về cõi tịnh tinh thần đặng an
Hương Lệ Oanh VA

Tháng Tư, Và Nỗi Nhớ_Song Lam

 Tháng Tư, Và Nỗi Nhớ

01/05/2020
Song Lam là cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài gòn

Song-Lam-rev
Tác giả Song Lam  

Song Lam.


Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.  
   

***


Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước.

Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào. Nếu ngày xưa thi hào Nguyễn Du, cụ đã viết “..Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” thì ngày nay ý nghĩa đó cũng chưa nói lên hết sự đông đúc, náo nhiệt của con người ở nơi này với hệ thống xe bus, subway chằng chịt, hoạt động ầm ầm ngày đêm.
 
Những ngày mới đến đây, chúng tôi như mán về rừng, bở ngỡ vì sự to lớn của thành phố, vì không khí tự do trên từng centimet của khoảng đất trời bao la. Chúng tôi ở Brigton Beach với những con đường mang số Brigton một đến Brigton mười, và những con đường này đều đổ ra biển. Brigton Beach trãi dài với sidewalk rộng thênh thang, trên cao với hàng ngàn loài chim Hải Âu bay lượn. Chúng tôi vẫn còn nhớ khu Coney Island, khu vui chơi trẻ nít, và hàng quán dành cho khách du lịch thương hồ mà nơi đây hàng trăm năm trước là vùng hoạt động náo nhiệt của các băng nhóm mafia đến từ nước Ý xa xôi.
 
Từ Brooklyn đi Manhattan, chúng ta phải qua những cây cầu như Brooklyn Bridge, và Manhattan BridgeNew York City là bán đảo nên có rất nhiều cây cầu nên thơ, nổi tiếng nối liền đôi bờ dọc theo dòng Hudson thơ mộng. Từ Brooklyn sang Staten Island chúng ta phải qua cây cầu, mà có tên đọc muốn trẹo bản họng là Verrazzano Narrow Bridge. Cây cầu này rất nổi tiếng, chiều dài cũng có hạng, về đêm hàng ngàn ánh đèn lung linh soi bóng eo biển Brigton mờ ảo.

New York City ở vào cực Đông nước Mỹ với hơn năm mươi triệu du khách hàng năm đến thăm, Những công trình vĩ đại ở đây như Time Square (Quảng trường Thời Đại), Statue of Liberty (Tượng Nữ Thần Tự Do), Central Park – còn gọi la khu vườn Châu Âu, hay Iron Plaza. Hồi đó, dân Việt đều gọi nơi đây là “cái bàn ủi” ở đường Hai Mươi Ba. Ở thành phố này, du khách ít thấy những căn nhà trệt với sân trước, vườn sau, mà chỉ thấy những building chọc trời hàng trăm tầng sừng sững như “..Đưa tay với thử trời cao thấp..” (Hồ Xuân Hương). Thành phố dành cho thương mại, và tiền tệ  quốc tế đúng nghĩa mà!
 
Điều đặc biệt ở đây bây giờ còn đọng lại trong tôi vẫn là tiếng subway chạy rầm rập trong đêm, và tiếng leng keng của chiếc xe kem qua lại trước nhà vào những chiều Hè tắt nắng. Nhịp thở của New York dồn dập không ngớt ngày đêm. Mọi người hối hả uống vội ly cà phê buổi sáng lật bật, tất tả chạy theo từng chuyến xe điện ngầm đêm. Mỗi ga, tàu chỉ dừng ít hơn một phút cho người rảo bước lên. Nếu không có chỗ ngồi, mọi người phải đứng chen chúc như cá mòi trong hộp để chờ ga tới. Các bạn cứ đảo mắt xem nha. Đủ mọi sắc dân, đủ mọi lứa tuổi, già trẻ bé lớn… trên những chuyến xe. Và người người cứ im lặng nhìn nhau. Họ có thể chợp mắt ngủ hờ, đọc báo, hay đọc tin nhắn trên phone, hay nghĩ ngợi về một điều gì đó vừa thoáng hiện trong đầu..

New York City có trên hai mươi tuyến đường xe điện ngầm như thế, xuôi ngược qua năm quận hạt của thành phố, Brooklyn, The Bronx, Queens, Manhattan, và Staten Island. Mỗi ngày có hàng triệu người đi lại không kể sáng tối, ngày đêm, mưa nắng...
New York City được xem là thành phố lớn của tiểu bang. Nếu từ New Jersey, hay Philadelphia (Pennsylvania) đi ngược về hướng Đông chọn highway 81, rồi qua 90, chúng ta sẽ gặp thành phố Syracuse, kế là thành phố Buffalo sẽ dẫn tới biên giới Mỹ-Canada nơi có thác nước Niaraga hùng vĩ, tuyệt đẹp nổi tiếng khắp thế giới.
 
Mặc dù rời xa New York City đã lâu, nhưng thỉnh thoảng gia đình chúng tôi cũng trở về thăm anh em con cháu còn lưu trú ở đây từ hơn bốn mươi năm qua. Tôi dùng chữ “về” vì đây là “điểm đến” đầu tiên của chúng tôi ở đất nước này. Tôi thấy mình thực sự may mắn vì được sinh ra, lớn lên ở Saigon, thành phố hoa lệ bật nhất Việt nam thân yêu. Và khi rời Saigon lại được đến New York, thành phố thương mại hạng A của thế giới. Tháng Mười năm ngoái chúng tôi đã về lại thành phố này, ghé thăm Ground Zero, một chứng tích lịch sử đau buốt của New York. Năm 2001, mà lúc 9:05 sáng ngày 11/9, Tòa tháp đôi – Twins Tower (mà dân Việt hay gọi Tòa nhà Hai chị em) đã bị khủng bố đánh, hoàn toàn đổ sập. Hiện nay, dấu tích của hai tòa tháp này là hai cái hồ vuông vức sâu hút, mỗi hồ với bốn cạnh tường hồ được thiết kế thành thác nước tuôn chảy, róc rách ngày đêm. Tên của 2,977 nạn nhân đã “đi xa” được khắc chạm đẹp đẽ trên nền thép của bề mặt thành hồ, tưởng niệm những người đã khuất. Và phải mất mười năm sau đó, 11/9/2011, chính quyền mới hoàn thành xong Đài tưởng niệm Quốc gia Oculus. Một ngọn tháp mới toanh đứng sừng sững mang tên One World Observatory, 104 tầng, ngay cạnh Westfield World Trade Center (còn gọi là Freedom Tower). Du khách sẽ được thang máy đưa lên tầng thứ 102 chỉ với 43 giây. Mọi người sẽ được nhìn toàn cảnh New York City tráng lệ, đẹp mắt xa tít đến tận chân trời.

Đài tưởng niệm Oculus mang dáng dấp của đôi cánh chim dang rộng, trắng toát nổi bật thanh tú trên nền trời xanh bao la với kết cấu kiến trúc sắc nét, uyển chuyển, mềm mại đến khó tin.  

New York City như là thành phố quê hương thứ hai của chúng tôi với bề dày lịch sử đau thương, nhưng kiêu hùng của nó. Sau cuộc khủng bố đẩm máu 2001, đi đâu chúng tôi cũng thấy khẩu hiệu “America Strong”. Cũng như thành phố Saigon của chúng ta, dù chỉ là ‘quê hương trong trí nhớ”, vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi hình ảnh con người, và sự việc tuy lắm đau thương, nhưng vẫn lẫm liệt, oai hùng!
 
Bây giờ là tháng Tư. Hoa Anh Đào ở Washington D.C vẫn nở, vẫn lung linh ẩn hiện soi bóng bên dòng Potomac hiền hòa, một cảnh quan tuyệt mỹ hoàn hảo, dù thiếu vắng bước chân của hàng triệu khách lãng du.

Mọi người chưa kịp hết thổn thức với bốn mươi lăm năm mất miền Nam Việt nam, thì lại bầm dập với đại dịch 19. Dịch bệnh lan nhanh khắp thế giới. Tỷ xuất người bệnh, người chết tăng cao từng ngày. Cả thế giới đang đối diện với nguy cơ con người bị hủy diệt trong tâm trạng lo sợ, thấm thỏm ngày đêm. Dịch bệnh như kẻ trộm nguy hiểm luôn rình rập con người. Chỉ cần sơ hở, mất cảnh giác là chúng ùa ập vào nhà, luồn lách qua khe cửa, ngỏ ngách..để gây chết chóc, tai họa.
 
Vẫn là tháng Tư. Cả thế giới như đang nín thở vì dịch bệnh. Mọi chỗ, mọi nơi đều vắng lặng, im lìm. Tôi có cảm tưởng như không còn tiếng chim chào sáng. Chỉ nghe thỉnh thoảng xa xa, đâu đó tiếng chuông nhà thờ ngân nga báo giờ - cứ ba tiếng đồng hồ một lần – tử sáng sớm đến giữa khuya… À! “Chuông Gọi Hồn Ai?” (For Whom The Bell Tolls – Ernest Hemingway - Huỳnh Phan Anh chuyển ngữ). Tôi bỗng chợt nhớ đến tác phẩm này tôi đã đọc rất lâu, từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, và chưa bao giờ thấm thía hết ý nghĩa của nó như lúc này, ngay lúc này!!!  Tôi cảm thấy sự sống, và cái chết rất gần ; sự tính toán, hơn thua giữa người, và người gần như vô nghĩa. Hãy sống chậm một chút. Hãy yêu thương nhau thêm, giúp đỡ nhau thêm khi còn có thể :
 
“Đã biết chốn này là  quán trọ.
Hơn thua, hờn oán để mà chi?
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo được những gì?”
(Trích Phật Pháp Việt Nam).
 
“Chuông gọi hồn ai”, ai biết được. Chỉ biết hàng ngày trên thế giới này đã, và đang có hàng ngàn người “ra đi” vội vã không kịp nói lời nào giã biệt người thân. Và cũng không được ai thăm, ai viếng. Sự cách ly xã hội (Social Distancing), -với tiêu chuẩn Mỹ 06 feets- vô tình làm cho toàn thể mọi người gặp nhau với ánh mắt ngờ vực, cảnh giác, đã dấy lên trong tôi nỗi buồn da diết, hụt hẩng!
 
Lại nói về New York City, thành phố lớn, hoa lệ nổi tiếng thế giới với dân số trên dưới mười một triệu người, là một trong những nơi tập trung, gặp gỡ của hàng trăm sắc dân. Dân New York hãnh diện mình là New- Yorker bây giờ hoảng loạn với cơn dịch bệnh đứng hàng đầu nước Mỹ, và cả toàn cầu, trở thành tuyến đầu đứng tiên phong về ca nhiễm, và số tử vong kỷ lục. Chẳng riêng về nước Mỹ, mà cả thế giới vẫn đang quan tâm, theo dõi tình hình diễn tiến từng giờ dịch bệnh New York với tâm trạng đồng cảm, xót thương.
 
Tôi muốn phát bệnh vì mỗi ngày dù chán nản cũng phải dán mắt vào TV nghe ngóng tin tức. Tôi nghĩ như thế này mãi, người ta cũng sẽ vướng bệnh tâm thần mất vì cách ly “Shelter in Place”. Ở nhà, ra vô, ăn, ngủ…giữa bốn bức tường vô tri. Tôi khó mà dững dưng trước đại nạn này. Tôi phải làm gì đây?.. Không, không làm được gì cả!!..khi out of work gần cả tháng, ở nhà ra vào mòn mỏi ...Chán!.. Sự sống, cái chết đi liền nhau, hầu như không có biên giới rõ rệt nữa, khi chính quyền New York phải trưng dụng 85 container lạnh dùng để chứa hàng hóa mà để chứa..người “không còn hơi thở” nữa..!!??
Nghe nói tàu bệnh viện SS Comfort đã cặp bến Brooklyn để kịp thời cứu chữa mọi người ở đây với các thiết bị y tế chuyên dụng, hiện đại. Bác sĩ, y tá, chuyên viên y tế đã về hưu của tiểu bang được trưng dụng, hay tự nguyện, cùng với đội ngũ y tế từ các tiểu bang khác được mời gọi đến cứu giúp New York trong giai đoạn tối khẩn cấp này. Tôi cũng có chút phấn chấn, vui sướng khi được biết tin này.
 
Tháng Tư…từng ngày đi qua. Mùa Xuân lại trở về miền Đông-Bắc với muôn ngàn sắc hoa rực rỡ, nhưng sao trong lòng chúng ta vẫn ảm đạm mùa Đông !!? Tôi nghĩ đến những cái chết vội vàng, âm thầm trong nursing home, bệnh viện, nhà riêng.. nào đó. ICU quá tải, nhà quàn hết chỗ, và toàn xã hội cũng đang đắm chìm trong suy sụp kinh tế tạm thời. Trong ba tuần lễ gần đây, đơn xin chính phủ Mỹ trợ cấp thất nghiệp cả nước chưa từng có trước đây lên tới con số trên dưới…mười sáu triệu. Thế giới, và nước Mỹ sẽ còn đương đầu với cơn dịch quái ác này bao lâu nữa..!! ??
 
Tôi đang nghĩ đến phận mình, những người thân, cũng như những người bạn vong niên của tôi trong hạn tuổi “thất thập cổ lai hy” trở về sau. Chúng tôi đang ở triền dốc xuống của cuộc đời. Điều này dễ cho sự lây nhiễm, và có tỉ lệ nguy cơ rất cao. Cái chuyện high risk không chừa một ai… Hên..xui…

Thêm một hồi chuông nhà thờ vọng lại. Ôi! Tiếng chuông ngân, buồn theo ánh nắng vàng đang tắt dần sau vườn nhà. Tôi lại nghe văng vẳng tiếng xe cứu thương ngoài xa lộ. Tôi sợ tiếng hú inh ỏi đó lắm, vì hay khiến tôi nghĩ đến chuyện sinh tử của một con người.

Cái im ắng lạ thường của đất trời mùa Covid19 này khiến lòng tôi quá đổi xót xa.Tôi thèm tiếng trẻ nít nô đùa, quang cảnh chúng chơi thả diều, đá banh..la hét inh ỏi thường ngày. Tôi thèm tiếng xe lao vun vút, chật cứng ngoài đường những giờ tan sở. Tôi thèm được trở lại làm việc với hàng trăm khách hàng thân thiết của tôi mỗi ngày. Cực nhọc lắm, mà cũng hạnh phúc lắm. Mấy ngày nay trời nắng ấm, tôi bỗng muốn đi dạo quanh công viên, hay ra bờ sông ngắm đàn vịt trời bơi lội tung tăng, vui đùa trong nước.
 
Qua cửa sổ phòng bếp, tôi giật mình thoáng thấy bóng trăng tròn vành vạnh giữa trời đêm. “Đêm nay rằm, đèn sẽ tắt vì trăng”. Trăng sáng lắm, nhưng trăng vẫn một mình, đơn côi như tôi, không có ai bầu bạn trong lúc này. Tôi nhốt trăng ngoài vườn, thay vì ngồi ngắm trăng hàng giờ, như cùng trò chuyện với nó đôi lần vào những ngày xa xưa.,lúc đó đã lâu lắm rồi

“…
Tìm đâu những ngày xinh như mộng.
Tìm đâu những ngày thơ.
Tìm đâu những chiều mơ.
Tìm đâu biết tìm đâu, đâu giờ…?”
(Hoàng Thi Thơ – Những Ngày Thơ Mộng).
 
Chúng tôi đang ở miền Nam New Jersey. Chỉ cần một giờ lái xe sẽ đến New Jersey City. Bên này bờ Hudson là New Jersey, bên kia bờ sông là địa phận New York City. Qua sông bằng phà, xe lửa Amtrack, hay subway. Đêm xuống, và nếu là đêm rằm như đêm nay, quý bạn sẽ thấy toàn cảnh New York City với hàng triệu ánh đèn đủ mầu, chỗ sang, chỗ tối, và trùng điệp building lớn, nhỏ cao ngất, hòa quyện nhau như  một bức tranh vô biên, khổng lồ, sinh động. Mầu sắc, đường nét, cảnh vật chìm, nổi của thành phố lồng lộng in bóng xuống dòng Hudson trong xanh. Bức tranh sống động, lung linh, mờ ảo với vẻ đẹp không thể tượng nổi, không bút mực nào tả nổi…Tuyệt đẹp… Vậy mà giờ nó đang tuyệt vọng, chìm đắm trong đại dịch.. Cô-Vi khủng khiếp. Thật đáng buồn thương.

Chúng ta đang im hơi, lặng tiếng chờ mong phép lạ, cộng theo thành quả qua nổ lực của con người để thế giới này trở lại với đời sống bình thường. Và tôi cũng không quên. Tôi không quên nghĩ về anh em, con cháu, đồng bào tôi bên kia bờ đại dương cũng cùng chung số phận với chúng ta.
 
Tháng Tư, tháng mà thế giới đang trong cao trào dịch bệnh. Tháng Tư của tôi xao xuyến, buồn lo. Tháng Tư của người Việt với trầm tích lắng đọng đau thương trong mỗi con người ngày mất miền Nam Việt nam yêu thương. Và nơi này, đồng bào tôi lại chất chồng thêm thương đau, sợ hãi, lo âu, vì dịch bệnh.
 
Ôi! Tháng Tư hãy qua mau, và…hãy mang theo dịch bệnh qua mau, để các con em chúng ta được đến trường vui học, để mọi người được trở lại làm việc vui sống, để mọi người cùng có được, cùng vui hưởng được mùa Hè vui thú của đất trời. Và xã hội con người khắp thế giới sẽ được hồi sinh.
Với người Việt lưu vong ở khắp năm Châu, chúng ta cũng hãy cùng nhau góp lời cầu nguyện cho thế giới con người được duyên lành, cuộc sống con người được bình an. Một thế giới không dịch bệnh.
 
Và chúng ta -những người Việt chân chính- trong tâm khảm bất an, tháng Tư năm nay không chỉ có ngày Ba Mươi.
  
Song Lam.
Cherry Hill, NJ
Tháng 4/2020.  

19 tháng 4, 2023

Duyên Phận _Nguyễn Cang

 Duyên Phận



(Cảm tác nhân đọc bài Tiền Kiếp của VĐT)

Tình nầy dang dở bởi vì đâu
Một phút chia tay vạn nỗi sầu
Ai cho tôi niềm đau cay đắng
Của ngày xanh mộng thắm ban đầu?
 
Hình bóng cũ thời gian níu lại
Trời mênh mang nỗi nhớ đong đầy
Bên kia sông tiếng con đò gọi
Lòng bâng khuâng qua lối nhỏ nầy
 
Dẫu biết ngày xưa tình chẳng trọn
Mà sao ray rức mãi trong tim
Càng ru giấc ngủ càng thao thức
Thủ Đức về đâu mãi kiếm tìm!
 
Thư gởi người xa xa vạn dặm
 Bài thơ ấp ủ mấy vần trao
Buồn vui những lúc ngồi đọc lại
Như có người, chia sẻ ngọt ngào
 
Chép vội niềm riêng vào nhật ký
Trải lòng tâm sự những chiều rơi
Có khi tìm chữ chưa vừa ý
Chỉ thấy thương ai giữa biển đời
 
Duyên tình trắc trở âu đành phận
Đưa tiễn người đi cát bụi mù
Kiếp sau nếu có còn gặp lại
Coi như tình đã chết thiên thu!

Nguyễn Cang
 Apr. 6, 2023

VTM #120_Nổi Buồn Nghiệt Ngã_Tâm Quã

 



Phần đốtThư 書: sáchKhanh 坑: chôn sống; Nho 儒: người có học thức
Tần Thủy Hoàng đốt sách và chôn sống Nho sĩ vào năm 213-212 trước Tây lịch

Xướng:

Nổi Buồn Nghiệt Ngã

Nỗi buồn nghiệt ngã tháng tư xưa!

Giận lũ siêu cường chúng đẩy đưa

Ứng xử ban đầu trân quý bạn

Đổi trao giờ chót buộc bằng thua

Người nam khốn khổ vòng lao ngục

Kẻ bắc rình rang giọng khó ưa.

Khổ nỗi thế thời ai thấu nhỉ

Nỗi buồn nghiệt ngã tháng tư xưa!

Tâm Quã

April 09,  2023

Họa 1:

Nhớ Chuyện Xưa

Nhìn lịch tháng tư nhớ chuyện xưa

Vào năm Ất Mão cảnh mèo đưa

Đồng minh phản bội lời giao kết

Vận hạn đến rồi phải chịu thua

Người bại lờ đờ như kẻ dại

Kiêu căng kẻ thắng chẳng ai ưa

Chôn Nho đốt sách[1] ngày buồn tủi

Nhìn lịch tháng tư nhớ chuyện xưa

PTL

April 10,  2023

(1) do chữ Phần Thư Khanh Nho 焚書坑儒

Tần Thủy Hoàng đốt sách và chôn sống Nho sĩ vào năm 213-212 trước Tây lịch

Họa 2:

Thân Cò

Lặn lội thân cò nhớ thuở xưa

Chồng đi biền biệt chẳng tin đưa

Con thơ nheo nhóc đành cam chịu

Xứ sở điêu tàn kẻ thắng thua

Cuộc sống lo toan vai gánh nặng

Địa phương rình rập khó mà ưa

Má hồng bạc phận đành cam chịu

Nhắc lại thêm buồn một thuở xưa

Hương Lệ Oanh VA

April 10, 2023

Họa 3:

Nổi Buồn Tháng Tư

Lại đến tháng Tư nhớ chuyện xưa

Miệng lằn lưỡi mối* tợ đò đưa

Cuộc cờ thế sự, siêu cường nắm

Mưu lược bàn tròn, nhược tiểu thua

Phòng tuyến tan hàng buông báng súng

Dân quân lớn lối giọng sao ưa

Bao năm khắc khoải sầu vong quốc

Lại đến tháng Tư nhớ chuyện xưa.

Nguyễn Cang

April 11, 2023

 *Miệng con thằn lằnlưỡi con rắn mối, nghĩa bóng chỉ lời ra tiếng vào, lời nói thêm  nói bớt của kẻ hạ tiện.

Họa 4:

Nỗi Niềm Xưa

Tháng tư khắc đậm nỗi niềm xưa,

Bỏ nước ra đi chẳng tiễn đưa.

Bẻ súng đau lòng bên chiến bại,

Buông gươm nát dạ phía hàng thua.

Nồi da xáo thịt nào ai thích,

Cõng rắn cắn gà ít kẻ ưa,

Vận nước suy vi dân khổ hận,

Tháng tư khắc đậm nỗi niềm xưa.

Mỹ Ngọc

April 11, 2023.

Họa 5:

Hoài  Niệm 

Vô tận nguồn vui của thuở xưa

In sâu tiềm thức lúc nôi đưa

Từ khi phía Bắc khoe khoang thắng

Lúc đó miền Nam ôm hận thua

Dã thú làm người cầm vận nước

Trò đời lên mặt chẳng ai ưa

Buồn nhìn kỷ niệm còn đâu nữa

Vô tận nguồn vui của thuở xưa

Trầm Hữu Tình

Họa 6:

Hoài Cảm

Thôi cũng qua rồi một thuở xưa

Sông đời sóng lớn ghẹo thuyền đưa

Ước ao tuổi trẻ tiêu tan mộng

Chen lấn trường đời xiểng liểng thua

Xếp áo thư sinh sao mãi tiếc

Theo nghề hạ bạc dẫu không ưa

Thế thời phải thế đành như thế

Thôi cũng qua rồi một thuở xưa

Minh Tâm






Đêm Chôn Dầu Vượt Biển