28 tháng 2, 2024

VTM 141_Nét đẹp thời gian_Hương Lệ Oanh VA

 




Nét đẹp thời gian

Xứ sở nơi đây có bốn mùa
Đêm về trở giấc ngắm sao thưa
Trời Xuân hoa nở thơm ngào ngạt
Đất khách đêm nghe tiếng gió lùa
Nét đẹp thời gian trôi lặng lẽ
Chợt nhìn tuổi hạc giữa trăng khuya
Thì thầm nhắc nhở đời như mộng
Hoa tuyết bay giăng giấc ngủ thừa
 
Hương Lệ Oanh VA
Jan. 31, 2024

Họa 1:


Quê nhà
 
Quê nhà đậm nét rõ hai mùa
Nắng gắt mưa dầm cảnh chợ thưa
Sinh hoạt thâu đêm chày giã gạo
Trăng trong gió mát lọt khe lùa
Tiếng đàn rao bản trăng thu khúc
Giọng hát động lòng mãi tới khuya
Đời sống nơi này thơ mộng lắm
Tình làng nghĩa xóm quá dư thừa
 
PTL
Feb. 2024
 
Chú thích:
trăng thu khúc: điệu trăng thu dạ khúc do nghệ sĩ Xuân Phát sáng tác năm 1965. Năm 1970 Bảy Bá, Năm Cơ và Văn Vĩ thêm đoạn dạo đầu.
 
Họa 2:


Quê nghèo

 

Thời tiết giao thoa gặp giữa mùa

Quê nghèo giàn mướp mảnh trăng thưa

Chiều tàn lặng lẻ xuân về muộn

Mây trắng chập chùng gió thổi lùa

Mục tử gọi nhau về mái ấm

Anh hùng lỡ vận ngắm sao khuya

Quê tôi đã hết thời binh lửa

Trở lại vườn xưa giấc mộng thừa!

 

Nguyễn Cang

Feb. 13, 2024


Họa 3:

Đông tàn
 
Băng tan bớt lạnh đã sang mùa,
Cảnh vật hồi sinh cánh én thưa.
Lấp ló mai vàng cơn bấc thổi,
Đùa vui đào thắm gió đông lùa.
Ngàn hoa nở dại khi mai sớm,
Vạn đóa rơi tàn lúc tối khuya.
Mặc khách tao nhân vung tuyệt bút,
Lời hay ý đẹp có đâu thừa.
 
Mỹ Ngọc
Feb. 13, 2024.

Họa 4:

Xuân cảm

Tuần hoàn vũ trụ chuyển xoay mùa,
Sông núi tươi màu dưới nắng thưa.
Gió nhẹ mơn cây hoa chớm nở,
Trăng vàng giỡn nước sóng xô lùa.
Khơi dòng ký ức thời thơ ấu,
Tìm chút dư hương giấc mộng khuya.
Xuân đến xuân đi dường bất tận,
Chất chồng bao tuổi đếm chi thừa…

Minh Tâm

Họa 5:

Bóng  thời gian
 
Trời đất vần xoay đẹp tứ mùa
Chỉ buồn bạn hữu cứ dần thưa
Ngoái trông xót cảnh chim xa tổ
Ngẫm thấy thương bao lượt sóng lùa
Giữ chút hơi tàn xem thế sự
Níu vành trăng khuyết đếm sao khuya
Gió xuân thoảng gợi niềm nhung nhớ
Dáng cũ quê xưa nỗi luyến thừa
 
Tâm Quã

 

1. Gạo trắng trăng thanh

Nhạc sĩ: Hoàng Thi Thơ

Ca sĩ: Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết









2. Trăng thu dạ khúc






22 tháng 2, 2024

Ý thu_NVT

 Ý thu

Trên dòng trường giang Saint Laurent
Lai láng thơ và lai láng trăng…
Lớp lớp sóng xô, trời thu lạnh
Theo người, trăng giải ý mang mang…

Sá chi sông rộng cách đôi bờ
Qua lại giờ đây đã sẵn đò*
Bến xưa ai đã cùng nhau hẹn
Lồng lộng vầng trán vẫn đợi chờ.

Người đến, người đi như nước trôi
Phút giây tương ngộ thoáng qua qua rồi
Luyến lưu có thấy bàn tay vẫy
Sông dài vời vợi bóng trăng soi.

Cuối thu 2022
NVT ( Montreal)
* đò= phà            

21 tháng 2, 2024

Lời Tình ca_Hồng Thúy & Phạm Mạnh Cương

 Phạm Mạnh Cương là cựu giáo sư Triết ở Sài gòn. Ông còn là nhạc sĩ của bài Thu ca, Thương hoài ngàn năm, Loài hoa không vỡ, v.v.. Ông nổi tiếng với chương trình Tiếng Hát Hậu Phương  của đài phát thanh quân đội. Năm 1980 ông vượt biên từ Cà mau và định cư ở Canada;  thành lập ban nhạc Phạm Manh Cương và chủ trương nguyệt san Thẩm Mỹ

VTM giới thiệu bài hát Lời Tình ca  phổ nhạc từ bài thơ của Hồng Thúy:


Lời tình ca
 
Bài ca ấy còn mãi dư âm
Mắt nhung huyền gợi nhớ xa xăm
Tiếng hát nào trên môi xao xuyến
Câu ân tình dệt muôn bướm hoa
 
Ngày xưa đó ngời thắm thanh xuân
Nắng đan mềm từng cánh me bay
Thướt tha chiều lên ngôi sắc phố
Con đường quen hẹn ước mơ đầy
 
Chợt như khói … tình bỗng mong manh
Tựa cơn gió … mộng thoáng qua mau
Lời trăm năm chỉ còn dĩ vãng
Bến sang ngang … lạnh thấm vai sầu
 
Cuộc tình đó phai cõi thu vàng
Trả em hết những lối xưa về
Trời giăng lũ bạc trắng mây ngàn
Chờ ai nữa lá rơi ngoài hiên
 
Dòng nguyệt khúc…vụn vỡ đôi bờ
Đàn xao xác …lạnh lẽo phương trời
Bao cô đơn bẽ bàng cung phím
Hắt hiu xa…một bóng bên đời.
 
Hồng Thúy

14 tháng 2, 2024

Hẹn lại Tết sau_Lưu Nguyễn

 

Hẹn lại Tết sau

Vẫn những thói quen câu chào hạnh phúc
Cánh thiệp mừng xuân gửi đến bạn bè
Có chút dối mình trong từng lời chúc
Lòng vui không mà muốn san sẻ niềm vui
Ôi cay đắng cho nụ cười nở gượng
Nghe nhói đau như thể ruột gan bầm
Chẳng lẽ khóc mỗi lần say ngất ngưỡng
Là quên đi thân phận mất quê hương
Mai vẫn vàng một màu vàng rực rỡ
Nhưng hình như hoa vải phải không em?
Tay bắt mặt mừng đầu năm gặp gỡ
Cũng ngượng ngùng giả tạo vẻ thân quen
Vẫn những thói quen rượu trà bánh mứt
Cúng gia tiên ngay ở xứ người
Đời lưu lạc vẽ bày thêm phiền phức
Tiền nhân đâu có di tản chăng ngươi ?
Ta cũng muốn chúc lành cho ngày tết
Đến thân bằng quyến thuộc gần xa
Sao bỗng nghẹn, trí nhớ chừ đặc sệt
Đành hẹn tết sau mình gặp gỡ ở quê nhà.

Lưu Nguyễn

13 tháng 2, 2024

VTM # 140_ Cảm đông_PTL

 



Xướng:

Cảm đông

Tiết trời gió lạnh đón mùa đông
Trơ trụi cây cành cảnh trống không
U ám mây bay ngồi tưởng nhớ
Mịt mù tuyết phủ đứng cầu mong
Tuần hoàn thầm lặng theo quy luật
Giá buốt thê lương nát cõi lòng
Cảnh vật não nề thương cố quận
Mỏi mòn năm tháng vẫn chờ trông

PTL

2023

Chú thích:

cố quận  故郡: quê nhà

Cố quận trong thi ca:

Đồng lai cố quận duy quân tại
Quán xúc nguy cơ tiếu ngã cuồng
同來故郡唯君在
慣觸危機笑我狂
(Nguyễn Thông )

Cùng về quê cũ người càng khỏe
Chạm mãi cơn nguy tớ muốn cuồng
(Huỳnh Thúc Kháng dịch)

Em về xứ cũ một mai
Nhìn xem cố quận trúc mai hội hè
(Nàng Tiên Ôi_Bùi Giáng)

Họa 1: 

Thời gian

Tuyết phủ quanh nhà lạnh gió đông
Thoạt nhìn trống vắng khoảng hư không
Thời gian vùn vụt trôi đi măi
Khoảnh khắc dạt dào chẳng đợi mong
Cảnh vật thờ ơ buồn áo não
Tâm tư sâu lắng mối tơ lòng
Nhớ về dĩ vãng đời như mộng
Cứ mỗi đông về dạ ngóng trông

Hương Lệ Oanh VA

Họa 2:


Goá phụ cô phòng
 
Goá phụ cô phòng đã mấy đông
Ngày qua tháng lại vẫn nằm không
Nhìn về kỷ niệm bao thương nhớ
Hương cũ đâu còn nữa mà mong
Quấn quýt làm chi gây khổ ãi
Ghi tâm khắc cốt tự nhủ lòng
Một ngày may mắn về quê cũ
Nào biết có người vẫn ngóng trông
 
THT 

Họa 3:


Đồn vắng chiều xuân
 
Phòng tuyến đêm trường lạnh gió đông
Mắt trừng theo dõi chốn đồng không
Hỏa châu rực sáng buồn xa cách
Đại bác ru hời chạnh nhớ mong
Xuân đến nơi nầy không tiếng pháo
Hạ về bên ấy đẹp trong lòng
Lính xa nhà ngổn ngang tâm sự
Chinh chiến tàn cho hết đợi trông
 
Nguyễn Cang
Jan. 31, 2024

Họa 4:

Năm tàn
 
Bấc thổi đầy trời giá rét đông
Cây cành tuyết phủ trắng hư không
Than hồng ấm áp bao người ước
Bếp lửa thơm nồng lắm kẻ mong
Lá đổ muôn chiều xao xuyến dạ
Hoa rơi vạn nẻo sót sa lòng
Mây Tần lãng đãng đâu quê cũ
Đất khách năm tàn mỏi mắt trông
 
Mỹ Ngọc
Feb.04, 2024.

Họa 5:

Cảm đông

Cảnh vật lạnh lùng đón gió đông.
Hơi sương nhòe nhoẹt phủ tầng không.
Tuổi xuân mấy thuở tình lưu luyến,
Áo trắng một thời dạ nhớ mong.
Con suối cạn khô ngơ ngác đá,
Cung đàn vang vọng tái tê lòng.
Nỗi niềm hoài cảm mênh mang quá,
Mắt dõi trời xa mãi ngóng trông…

Minh Tâm
 


Họa 6:

Hết buồn đông lại nhớ xuân
 
Quy luật vần xoay đã hết Đông
Nắng mai sưởi ấm cả từng không
Ngoài hiên cúc nở mừng Xuân mới
Trước ngõ mai vàng thỏa ước mong
Chạnh nhớ bảy lăm ngày hết đạn
Ngậm ngùi một thủa đến nao lòng
Quê nhà xa cách, càng nhung nhớ
Mãi luyến lưu về... Mãi đợi trông.
 
Tâm Quã

 

 

1. Tân nhạc:

Sương lạnh chiều đông:
Tác giả: Mạnh Phát
Ca sĩ: Lưu Ánh Loan (cựu giáo chức tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Kiên Giang)



Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=1Jy8MiVb9pI

 

2. Tân cổ:

Nổi buồn đêm đông
Nhạc: Anh Minh
Cổ nhạc: Loan Thảo
Nghệ sĩ: Trà Thanh Nhàn & Võ Thành Khuê



Nguốn: https://youtu.be/sHxbpJOfieY


Nhạc:
Nữ:
Anh ở biên thùy có biết không
Đêm nay có người thương nhớ chồng.
Nhớ anh lệ thấm khăn tay ngắm con ngủ say giấc nồng.
Bẽ bàng mộng ước đêm đông.
Nam:
Ôi buổi ban đầu mới biết nhau,
Đêm trăng ước mộng hai mái đầu.
Ước mơ mình sống bên nhau
Dẫu cho gió mưa bão bùng.
Thề yêu nhau đến muôn ngàn sau
Nữ:
Ước mơ mình sống bên nhau
Dẫu cho gió mưa bão bùng
Thề yêu nhau đến muôn ngàn sau.

VỌNG CỔ:

Câu 1:

Nam:
Đêm nay gió miền xa thổi lạnh người viễn xứ nhớ ánh đèn khuya nhớ người vợ nhỏ cất giọng ầu ơ ru đứa con thơ say giấc nôi... hồng. (-)(-) Đôi bóng đèn khuya mỏi mắt đợi tin chồng. (+) Gió làm chi cho lạnh lòng người chinh phụ? Nửa đoạn đời là cả một mùa đông. (SL) Bao nhiêu xa vắng là bấy nhiêu thương nhớ, xa cách bao ngày là ngần ấy đợi mong. Đông này là mấy mùa đông tựa cửa chờ mong người ngoài vạn lý./-

Câu 2:

Nữ:
Gió mùa đông thổi từ đồng sâu núi thẳm, chở lạnh về đây cho héo hắt kẻ cô phòng. (-)(-) Bao võng nhẹ đưa cho con ngủ giấc say nồng. (+) Mà nghe lòng bẽ bàng duyên thắm, lỡ làng rồi mộng ước ngày xuân. (SL) Trăng mười sáu nghiêng nghiêng chếch bóng, gió lay cành lá rụng đầy sân. Mình em với nỗi chờ mong nghe đêm trở lạnh mà lòng nhớ ai./-

Nhạc:

Nữ:
Anh đi ải xa miệt mờ.
Phong ba bước chân đường dài

Nam:
Niềm thương hòa chung non nước.
Hẹn nhau ngày mai thái bình
 
Nữ:
Tình ta sẽ không lìa xa.
 
Nam:
Xuân sẽ không về lúc chiến chinh,
Mang theo cuối trời câu khấn nguyền.

Nữ:
Nhớ anh nhìn bóng con thơ,
Tiếng ru nét môi mỉm cười.
Niềm tin yêu xóa tan sầu thương.
 
Nam:
Nhớ anh nhìn bóng con thơ,
Tiếng ru nét môi mỉm cười.
Niềm tin yêu xóa tan sầu thương

VỌNG CỔ:

Câu 5:
Nữ:
Đời vẫn cách ngăn nên mùa xuân không hẹn đến, còn vắng còn xa thì mùa đông còn lạnh đến bao... giờ. (-)(-) Còn kẻ biền biệt trời xa thì còn người ngóng dạ đợi chờ. (+)
Nữ :
Em còn chắp tay đêm đêm khấn nguyện, ngước mắt nhìn thăm thẳm trời xa.(SL)

Nam :
 Bước sông hồ còn bôn ba lận đận, thì ngày về nào dám hẹn người ơi.
Nữ:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường./-

Câu 6:
Nam:
Trông tưởng trời cao vén màng sương mỏng, dõi bóng xẻ sông hồ như mắt của đêm sâu. Từng giọt sương buồn như giọt lệ vọng phu, gieo nhớ gieo thương vào lòng người ngoài muôn dặm. Đông không đến lòng cũng nghe thấm lạnh, buổi tao phùng còn biền biệt mù xa. Gió đông lạnh bóng trăng tà, nhớ thương lạnh kẻ vắng xa đợi chờ. (SL)

Nữ:
Gió mùa đông thương chồng ngoài muôn dặm, năm canh chày lệ thắm khăn tay. Con thơ đã ngủ giấc say, mình em một bóng lạc loài trong đêm./.


12 tháng 2, 2024

Bộ Âm lịch đang dùng

 

Bộ âm lịch đang dùng là do các giáo sĩ dòng Tên san định


Âm lịch truyền thống của Trung Hoa lần đầu được khắc trên các mảnh giáp cốt từ thời nhà Thương cách đây trên 3.000 năm. Sau đó, ra đời một số phiên bản âm lịch được nghiên cứu sao ngày càng chuẩn xác hơn.


Phiên bản cuối cùng, tức bộ Âm lịch đang dùng ở Trung Hoa và ở Việt Nam (giống nhau về căn bản), được thực hiện vào thế kỷ 17. Bộ lịch này do giáo sĩ dòng Tên (Jesuit) nghiên cứu.

Johann Adam Schall von Bell (1591-1666) là một giáo sĩ người Đức, đồng thời là một nhà thiên văn học uyên bác, có tên Trung Hoa là Thang Nhược Vọng (湯若望). Trước đó, một vị giáo sĩ khác tên là Johann Schreck, cũng thuộc dòng Tên (tên gọi trong Hán tự là 鄧玉函 Đặng Ngọc Hàm), nổi tiếng là một học giả đa tài, được ghi nhận là người đã giúp phát triển khoa học kỹ thuật trên đất Trung Hoa, từng bắt tay vào san định bộ Âm lịch (mới), nhưng đang làm dở dang thì qua đời (1576-1630). Giáo sĩ Schall von Bell tiếp nối công trình, hoàn tất. Bộ lịch (Âm lịch) cải cách này dựa trên nền tảng thiên văn học của phương Tây - với những nghiên cứu, tính toán chu kỳ của mặt trăng chính xác hơn. 

Ban đầu lịch được gọi là “lịch Sùng Trinh”, lấy tên hoàng đế nhà Minh Sùng Trinh (), ban hành vào năm 1644. Sau khi hoàng đế Sùng Trinh qua đời, và hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh là Thuận Trị (順治) bổ nhiệm giáo sĩ Schall von Bell làm quan phụ trách Đài thiên văn Hoàng gia.

Cộng tác với các vị giáo sĩ dòng Tên có vị đại quan Từ Quang Khải (徐光啓, 1562 -1633) là một nhà nông học, thiên văn học, toán học. Ông theo học đạo Công giáo với giáo sĩ người Ý Matteo Ricci, lấy tên thánh là Phaolô, nhiệt thành trong sứ vụ truyền giáo, đồng thời phổ biến kiến thức khoa học. Ông là người dịch cuốn Kỷ hà nguyên bản (Cơ sở hình học) của Euclid sang tiếng Trung Hoa, và viết một tác phẩm lớn về nông nghiệp là Nông chính toàn thư… Ngày 15 tháng 4 năm 2011, Phaolô Từ Quang Khải được Tòa thánh Vatican tuyên “Tôi tớ Chúa”, trong tiến trình làm hồ sơ tuyên Chân phước. 
 
 
Các giáo sĩ dòng Tên với công trạng to lớn trong ngành thiên văn học tại Trung Hoa
 
Tính từ năm 1644, thời điểm ban hành bộ Âm lịch được san định bởi giáo sĩ dòng Tên, “lịch Sùng Trinh” đã trải qua gần 380 năm áp dụng. Bất luận người Hoa, Việt, và cả người Hàn hiện nay, mỗi khi tính toán lễ giỗ, lễ Tết, họ đều áp dụng BỘ ÂM LỊCH này - là bộ lịch do chính giáo sĩ dòng Tên giúp san định chuẩn xác. 

Ở Đài Loan, vào năm 1992, đã phát hành con tem kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Schall von Bell, ghi rằng “vị trí của ông trong lịch sử của Trung Hoa mãi mãi vững chắc”. Còn tại Trung Quốc, năm 2013, đài Truyền hình Trung ương (CCTV) phát sóng bộ phim tài liệu về Schall von Bell, đánh giá bộ Âm lịch do Schall von Bell san định vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên đất nước rộng lớn và đông dân này. 

Nguồn: http://cuucshuehn.net/Do-day/bo-am-lich-dang-dung-la-do-cac-giao-si-dong-ten-san-dinh-12534.html

04 tháng 2, 2024

Nói với các em học sinh cũ_Trương Xuân Sơn

 Nói với các em học sinh cũ

 

Năm nay là năm thứ 4 cô không về họp lớp với các em lớp chủ nhiệm 12D2, Cô nhớ lắm những khuôn mặt thân thương.

    Mỗi lần họp lớp các em đều gởi ảnh cho cô, cô mừng vì đã trải qua bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống, các cô cậu học trò nhỏ của cô ngày xưa giờ có em tóc đã bạc, có em đã thành công, cũng có em còn nhiều vướng mắc , nhưng khi họp mặt cùng nhau vẫn vui đùa, vô tư, ca hát, kể chuyện râm rang. Mọi ưu tư đều gác lại một bên, chơi hết mình như thời thơ dại… 



    Còn nhớ cô lúc ấy ốm lắm có 36 kí thôi, mỗi lần đi lao động như trồng nấm rơm trong nhà Công, đi đò qua nhà Lo, Nhàn bên bến đò Xã 7 để ăn giỗ, các em đều chở cô đi bằng xe đạp. Có khi lại đến nhà cô lăn trên bộ ván để vẽ, trang trí hoặc viết bài cho tờ báo tường mỗi lần Tết đến hoặc hè về. Rồi cô phải chia xa ngôi trường có hơn 10 năm kỷ niệm để đi đến môi trường khác, gặp những học trò mới, cuộc sống mới, nhưng cô không thể nào quên những hình ảnh đã một thời in sâu trong miền ký ức của cô: nào Thật, Lộc rất chân tình, nào Hạnh Nhân, Sơn, Phương rất vui nhộn, nào Chênh hình ảnh thâm trầm của nhà giáo, Huỳnh Điệp phốp pháp, tướng tá của người giám đốc, Cúc luôn xinh đẹp rạng rỡ …

Ngày xưa Khổng Tủ có trên 3,000 môn đệ, nhưng cô trãi qua trên 40 năm giảng dạy, số học sinh qua cuộc đời cô quá đông, cô lại di chuyển qua nhiều vùng miền như Tây ninh, Cam ranh, Biên hòa, mới về lại quê hương Cần đước , cô xin lỗi vì không nhớ hết các em, nhưng tình cảm các em cô không làm sao quên được, cô cám ơn vì những lời thăm hỏi , những chào đón mong gặp mặt….. 

Những ngày này cô cũng có những niềm vui mới là gặp lại một số bạn bè, đồng nghiệp từ 50 năm trước, học sinh cũ trên vùng quê hương mới.







Nghề giáo là nghề nghèo nhất nhưng tình cảm thì không thiếu phải không các em .

Vì :

    Có một nghề bụi phấn lấm đầy tay ,

    Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất

    Có một nghề không trồng cây vào đất,

    Mà nở cho đời quả ngọt, hoa thơm …..

 

Trương Xuân Sơn

Ảnh hưởng Nghĩa sinh trong giáo dục

Bài này trong trang web của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ở Pháp 

Ảnh hưởng Nghĩa sinh trong giáo dục [1]

 

tranlamphat

Trần Lâm Phát

Sau khi mẫu thân vĩnh viễn từ giã anh em tôi vào tháng 4 năm Mậu thân (1968), cuộc đời tôi bắt đầu biến đổi lớn. Giữ lời hứa với mẹ, sau khi đổ tú tài 2, tôi thi và được tuyển vào trường Sư phạm Sài gòn ở đường Thành Thái. Sinh hoạt cộng đồng là một bộ môn mới cho các tân giáo sinh nhưng nó lại càng khó khăn với tôi vì tôi chưa hề học âm nhạc . Đọc trên báo Sài gòn thấy Nghĩa Sinh dạy miễn phí chương trình sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm Hùng Vương, tôi nộp đơn xin theo học để bổ túc nghề giáo viên của mình . Trong khi theo học, tôi thấy các em Nghĩa sinh vừa đi cứu trợ về, cùng nhau tụ tập và ca những bài tâm ca diền tả sự thương yêu, đòan kết và xoa dịu vết thương lòng đã thúc đẩy tôi tiến xa hơn trong sinh hoạt cộng đồng và phụng sự xã hội.

Sau khi mãn khóa tôi đến gặp riêng anh Nguyễn Đình Vinh và huynh trưởng Nguyễn Trung Hiếu bày tỏ tâm sự của mình rồi xin gia nhập Nghĩa sinh . Tôi cũng cổ vỏ các bạn Đinh quốc Hùng, Phạm thế Hùng, Nguyễn Ngọc Sơn gia nhập Nghĩa sinh. Huynh trưởng Hiếu thành lập tâm sinh viên đầu tiên gồm có anh Quí, bạn Thái, Trương tấn Trung, Đặng Ninh Phương và các bạn vừa nêu trên (Đinh quốc Hùng, Phạm thế Hùng, Nguyễn Ngọc Sơn).  Anh Hiếu và anh Vinh hướng dẫn anh em chúng tôi đến cắm trại ở Gò vấp, huấn luyện tâm sinh viên về tôn chỉ, mục đích và 10 điều tâm niệm  Nghĩa sinh. Trong 1 tuần lễ anh em chúng tôi học cách cắm lều, nấu ăn kiểu dã chiến, cách thức giáo dục thiếu nhi ,giúp đỡ trẻ em mồ côi, nâng đỡ những người tật nguyền, đơn côi, nghèo  khó. Sau đó để  thống nhất với các tâm khác, anh Hiếu đổi tên tâm sinh viên thành tâm X9 .  Tâm X9 là tấm gương cho các em nên mọi hành động của anh em chúng tôi đều được các em học sinh quan sát để noi theo. Tâm chúng tôi cùng những tâm khác đi giúp nạn nhân bị bịnh cùi ở Nha trang. Đoàn Nghĩa sinh trong bộ đồng phục bắt đầu bước lên xe GMC[2] của quân đội và di chuyển đến phi trường Tân sơn nhất. Từ Sài gòn đến Nha trang anh em Nghĩa sinh ngồi trong chiếc phi cơ C310[3] cùng nhau vui ca những bài tâm ca, quên đi thời gian đợi chờ. Khi đến trại cùi Nha trang, anh em Nghĩa sinh bắt tay vào việc chăm sóc và giúp đỡ những người kém may mắn. Riêng tôi, thầm tiếc thương Hàn Mạc Tử. Lúc đó tôi cảm thông những nhọc nhằn đau đớn của thi sĩ họ Hàn. Những tháng ngày tiếp xúc các em trong trại Tế bần ở Chánh hưng để lại cho tôi nhiều xao xuyến và âu lo cho các em. Năm 1969 khi tôi được trúng tuyển vào ban Việt Hán của trường Đại Học Sư Phạm Sài gòn, tôi vẫn tiếp tục tham gia công tác thiện nguyện với Nghĩa Sinh.

nghiasinhDưới sự dìu dắt và cổ động của anh Hiếu, tâm X9  mở lớp luyện thi Tú Tài miễn phí cho các em học sinh nghèo hay hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Nghĩa Sinh đường Hùng Vương . Anh Quí và Nguyễn Ngọc Sơn dạy Anh văn, Trương tấn Trung và Đặng Ninh Phương dạy Pháp văn, tôi và Đinh Quốc Hùng dạy Toán Lý Hóa. Có những em từ Thủ đức lên trung tâm để học, tôi nhớ nhất là em Lê đăng Quí. Từ Thủ đức em Quí hàng tuần ghé nhà Đinh Quốc Hùng để chúng tôi dạy thêm. Những em theo học ở trung tâm Nghĩa sinh đều đỗ tú tài.

Khoảng 1969-1970,  khi kiều bào ở Cao Miên hồi hương về Tây ninh, tâm X 9 của chúng tôi lại lên đường tham gia cứu trợ.

Năm  Canh Tý (1972), sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạn ,tôi tình nguyện về một vùng quê chưa phát triển, kém an ninh và ngôi trường bị bom đạn, thiêu huỷ sau cuộc giao chiến nặng nề; đó là trường Trung học công lập Đất đỏ, thuộc tỉnh Phước Tuy. Trương tấn Trung và tôi mang những kinh nghiệm từ Nghĩa sinh, dạy cho học sinh trung học công lập Đất đỏ: tổ chức sinh hoạt, ca cộng đồng, cắm lều và chẩn bị cho cuộc cắm trại.

Dưới sự lãnh đạo của ông Hiệu trưởng Trần Ba, anh chị em giáo sư thành lập ủy ban điều hành trại “Dấn thân”  và dìu dắt các em học sinh Đất đỏ đi cắm trại ở bải biển Long Hải . Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng các em học sinh Đất đỏ đi cắm trại trên bờ biển Việt Nam.

nghiasinhnghiasinh

nghiasinhnghiasinh

 

Những ngày sinh hoạt ở trại, các em tạm thời quên đi những nhọc nhằn trong lớp, cùng nhau vui đùa với bài hát  “đi tàu lửa”:

Nào mời anh lên tàu lửa chúng mình đi
Đi đi khắp nơi mà không tốn tiền …

nghiasinh

Khắp nơi trong trại, từ sáng đến tối vang lên bài ca “Họp đoàn” với những động tác  múa đồng bộ với lời ca rất ngoạn mục:

Nào về đây ta họp mặt cùng nhau
Cuộc đời vui thú có lúc nào thảnh thơi
Anh với em ta cùng sống chung một ngày
Rồi mai này chúng ta lại gặp nhau

nghiasinhnghiasinh

 

Khi màn đêm rơi xuống, nhìn những cánh tay mềm mại của các em múa và hát bài “Trong đêm rừng” của nhạc sĩ Hoàng Quí, không ai không cảm thấy ngậm ngùi khi tiếng hát vang lên dưới ánh lửa hồng:

Rừng muôn cây xanh cao
Âm u ngàn thác lá
Gió lắng xa mênh mông
Ngồi xung quanh phiến đá
Ta khơi lửa đào
Bập bùng, bập bùng trong đêm thâu …

nghiasinhnghiasinh

 

Những tháng ngày dạy học, những tâm niệm của Nghĩa sinh ảnh hưởng rất lớn trong môn sinh hoạt học đường . Tôi áp dụng những kinh nghiệm Nghĩa sinh, tạo cho các em có niềm tin, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và xoa dịu nổi đau thương của những học sinh bất hạnh, mồ côi và nghèo khó . Tôi không ngần ngại chi phí cho những học sinh cần giúp đỡ về tài chính . Những ngày nghỉ, tôi về lại Sài gòn và tiếp tục tình nguyện dạy cho nữ học sinh trường mù ở đường Minh mạng, ngã sáu Chợ lớn .

Tôi không những chịu ảnh hưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Thomas Jefferson, John Dewey, và Paulo Freire mà còn chịu ảnh hưởng của Nghĩa sinh trong những tháng ngày với phấn trắng, bảng đen và làm thiện nguyện.

Virginia, đầu năm Tân Mão 2011
Trần-Lâm Phát
(cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, khóa 1969-1972)


 

[1] Phong-trào Nghĩa-Sinh là một tổ-chức Thanh-Thiếu-Niên hoạt-động thuần-túy Văn-hóa, Xã-hội, Thanh-Niên, Thê-dục thể-thao và Công-nghệ. Gọi tắt là Nghĩa-Sinh, viết tắt là PNS.
- Tại mỗi Quốc-gia, PNS được thành-lập dưới cấp danh một Hiệp-Đoàn. Như tại Việt-Nam, có Hiệp-Đoàn NS Việt-Nam…
- Hiệp-Đoàn Nghĩa-Sinh, viết tắt bằng HNV, là một Hội-đoàn có tư-cách pháp-nhân do Nghị-Định 1195-GDTN/TN/NĐ ngày 31 tháng 7 năm 1968 của Ông Tổng-Trưởng Văn-Hóa Giáo-Dục và Thanh-Niên.
- Danh-từ Nghĩa-Sinh được thâu tóm trong câu: “Nghĩa-Sinh là một tổ-chức Thanh-thiếu-niên phụng sự đại-NGHĨA và SINH-hoạt về mọi lãnh-vực: Văn-hóa, Xã-hội, Thanh-niên, Thể-thao và Công-nghệ”.
- Vì thế, danh-từ Nghĩa-Sinh mang 2 ý-nghĩa:

. Một Hội-Đoàn: Nghĩa-Sinh (bao gồm lý-tưởng ‘Nghĩa’ và môi-trường hoạt-động ‘Sinh’.
. Một Đoàn-Viên: Nghĩa-Sinh (Sinh-viên, Học-sinh làm việc Nghĩa).

[2] Xe GMC do anh Hiếu mượn của trường công tác xã hội quốc gia để Nghĩa sinh đi công tác gần Sài gòn

[3] Máy bay C130 do anh Hiếu mượn từ cơ quan phát triển quốc tế để Nghiã sinh đi công tác xa sài gòn như Trại cùi Nha trang, giúp phục hồi bịnh viện Huế.

 

http://www.nghiasinh.org/?mode=new_nd&stt=259