29 tháng 11, 2023

VTM # 135 _ Sương Thu _Hương Lệ Oanh VA

 





Xướng:

Sương Thu
 
Lành lạnh sương thu phủ đất trời
Quê người xứ lạ nỗi sầu vơi
Không gian biền biệt xa nguồn cội
Lắng đọng tâm tư mọi thứ rồi
Vạn vật con người như đổi mới
Dư âm tình cảm cũng buông trôi
Niềm vui tận hưởng thiên nhiên đẹp
Mỗi độ thu về đếm lá rơi
 
Hương Lệ Oanh VA
Nov. 15, 2023

Họa 1:


Nỗi lòng

Ở đây chốn lạ khuất chân trời
Đất khách xa nguồn lệ chẳng vơi
Xứ lạnh tuyết rơi , còn lận đận
Quê nghèo bụng đói cũng qua rồi
Biệt  ly năm tháng mờ tầm với
Bè bạn tâm giao cũng bỏ trôi
Trần thế dối gian đầy mộng ảo
Trà sen độc ẩm ngắm chiều rơi 

Nguyễn Cang
Nov. 17, 2023 

Họa 2: 


Cảm Thu
 
Mây bay lơ lửng ở chân trời
Tri kỷ vui mừng đọ chén vơi
Thưởng ngoạn mùa thu vừa mới đến
Nhắc về dĩ vãng đã qua rồi
Quê nhà sự nghiệp vừa thành đạt
Thân phận xứ người phải nổi trôi
Lẫn lộn vui buồn khi đối ẩm
Ngậm ngùi nhìn thấy lá vàng rơi
 
PTL
Nov. 2023 

Họa 3: 


Mùa lá rụng

Sương sa tím ngắt cả bầu trời,
Lá rụng hoa tàn suối cạn vơi.
Chuyển sắc rừng cây thu đã tới,
Giao mùa mưa nắng hạ qua rồi.
Lòng sông sóng nhỏ lăn tăn nổi,
Đỉnh núi mây sầu lãng đãng trôi.
Hiu hắt heo may trên đất khách,
Quê nhà nhớ quá lệ thầm rơi.

Mỹ Ngọc
Nov.17, 2023.

 Họa 4:

Hoài hương

Màn đêm buồn bả nhạt sương trời,
Gió rít lạnh lùng mãi chửa vơi.
Quê cũ, ngàn mây che mất hướng,
Trường xưa, dăm bạn khuất xa rồi.
Xót thân lữ thứ mơ màng nhớ,
Thương cánh lục bình ngơ ngác trôi.
Xuân hạ dần qua, đầu điểm bạc,
Thẩn thờ ngồi ngắm lá thu rơi…

Minh Tâm

Họa 5:

Niềm thu

Mỗi lần mây trắng rợp lưng trời
Xao xuyến lòng ngân ngấn khó vơi
Muốn khóc mà khô đôi tuyến lệ
Ngại cười lạc giọng tiếng khan rồi
Bao thu trăn trở, bao thu mới
Một thoáng lá rơi, một thoáng trôi
Thương nhớ quê xa thương nhớ nỗi
Niềm chung riêng đượm ngấn sương rơi

Tâm Quã

1. Sương Thu:


2. Thu ca:

Nhạc sĩ: Phạm Mạnh Cương

Ca sĩ: Thu Phương


https://youtu.be/YBYKzcLfw3E


18 tháng 11, 2023

Thầy Dạy Công Dân_Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

 

Ara Phat Chuyển

Ngày hắn đi dạy học, hắn không biết là có ngày vinh danh thầy cô, ngay cả các quốc gia tiên tiến mà chỉ có nơi các quốc gia theo chế độ cọng sản . Không cần lý giải ai cũng hiểu thầy cô dạy dỗ học sinh với cái tâm đâu phải cần cái ngày vinh danh để nhận hoa nhận quà . Vinh danh mấy mươi năm mà càng ngày càng nhiều nhà giáo phải bỏ nghề.
Hắn học tiểu học ở trường tư thục đầu ngõ, ngày nào học sinh lớp nhì, lớp nhất trước khi vào lớp đều xếp hàng chào cờ, anh Bảy lao công nhà trường nhận việc kéo cờ vì đến tối anh hạ cờ.
Ngày nào cũng thế, khi học sinh xếp hàng nghe ông đốc hô "nghiêm" cũng là vừa đúng lúc chiếc Jeep chở thiếu tá Mười đi làm ngang qua và hôm nào thiếu tá và người tài xế cũng xuống xe nghiêm chỉnh, chào tay hướng về quốc kỳ cho đến khi chấm dứt.
Những ông thầy của tôi tận tụy với đám trẻ đâu cần phải có ngày vinh danh trong 1 năm.
Ngày ấy ông đốc sau mỗi lần chào cờ đều để ít phút đọc một mẩu chuyện của Edmond De Amicis trong tác phẩm Grands coeurs do nhà giáo Hà Mai Anh dịch với tựa đề "Tâm hồn cao thượng" cho học sinh nghe, có đoạn kể lại lòng yêu nước của một cậu bé khi nghe những người chung quanh miệt thị tổ quốc bằng cách ném tất cả những đồng tiền các vị khách này vừa cho.
Hắn có một lần đi lên Phước Long, trước sau chỉ có mình chiếc xe đò mà hắn ngồi bên trong, xe đi ngang một đồn nghĩa quân ở Nhơn Cơ, nhìn lá cờ vàng bay trên đồn đem lại cho hắn những ấm cúng được bảo vệ.
Học sinh ngày nay, sẽ mất đi hai chữ "tổ quốc" nếu không đem môn công dân giáo dục vào học đường.
Lần thứ hai hắn xúc động khi nghe lại bản quốc ca là vào một ngày hội tết lúc tôi mới sang đây, đánh mất bao nhiêu năm, ngày hôm đó hắn đã chảy nước mắt, cũng vì hắn đã được giáo dục công dân trong 12 năm học.

Ara

Thầy Dạy Công Dân

Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

Thầy Văn bước vào lớp. Như một thông lệ, cả lớp đứng dậy. Thầy đứng thẳng, yên lặng một giây, mặc nhiên là một hành động chào lại. Thầy trò lớp này vẫn là như thế.

Thầy ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, rồi bước đến bên bàn của Thầy, đặt chiếc cặp da lên đó, và nhìn một lượt khắp lớp. Đôi mắt Thầy dừng lại ở bàn cuối. Bốn đứa con trai chột dạ, không dám ngó Thầy.

Thầy bảo cả lớp mở vở ra chép bài. Mọi người nhìn nhau ngạc nhiên. Thường thì Thầy gọi học trò lên trả bài trước rồi mới cho chép bài mới sau. Ngạc nhiên, nhưng không ai dám hỏi Thầy một câu. Thầy đọc, giọng chậm rãi, rõ ràng. Thầy khác với cô Loan dạy Việt văn ở điểm là cô Loan thường nhờ một trò viết chữ đẹp lên bảng viết bài cho cả lớp chép theo. Còn Thầy, với giọng cứng rắn, sang sảng, Thầy như người thầy bậc tiểu học đọc chính tả. Đó, cái nề nếp của lớp này là vậy.

Lớp Chín A. Cái lớp học "anh cả" trong một ngôi trường tư thục nhỏ chỉ dạy bậc trung học đệ nhất cấp. Còn có một lớp Chín nữa, lớp Chín B, buổi chiều. Nhưng hình như trong cả trường chỉ có lớp Chín A này là sinh động hơn cả, theo nhận xét của các thầy cô. Sinh động là bởi vì hầu hết các học sinh đều học khá, hăng hái tham gia các sinh hoạt do trường đề ra: làm bích báo, làm văn nghệ, đi công tác xã hội... Sinh động là bởi có vài trò rất giỏi được cử đi dự thi toán, thi vẽ, thi văn chương toàn thủ đô Sài Gòn. A! còn nữa, mặc dù môn Anh văn chưa có trò nào được vinh dự đi thi nhưng học trò lớp Chín A cũng đã lập nên một "English speaking club" để trau giồi tiếng Anh và được Thầy hướng dẫn là giáo sư Anh văn dìu dắt. Có một môn học, vâng, có một môn, chưa bao giờ nghe nói đến đi dự thi hay thành lập câu lạc bộ gì cả. Đó là môn Công dân giáo dục. Đối với học sinh, không riêng gì học sinh lớp này đâu, học môn Công dân là một điều hiển nhiên, bởi vì chương trình đã là như vậy từ thuở nào rồi. Và đi học là phải học đều tất cả các môn, là bổn phận của học sinh.

Thế nhưng tuần rồi đã có một điều bất thường đối với Thầy: đó là sự vắng mặt của bốn nam sinh ngồi ở bàn cuối lớp. Họ là những học sinh học rất khá nhưng đã tình nguyện xin ngồi ở bàn cuối để các thầy cô đỡ phải cực khổ. Nhưng giờ Công dân tuần rồi, họ đã "cúp cua". "Cúp cua"! Nghỉ không có lý do ốm đau hay bận việc quan trọng được người nhà xin phép... thì gọi là "cúp cua". Thầy định tuần này sẽ hỏi tội họ ngay khi vào lớp, nhưng rồi hôm nay Thầy không làm. Cả lớp như cũng chờ đợi chuyện đó xảy ra. Vài nữ sinh len lén nói chuyện thật nhỏ trong khi chép bài, Thầy nghe được nhưng lờ đi.

Và rồi bài cũng đã được chép xong. Thầy giở sổ điểm ra. Học trò chờ đợi Thầy sẽ gọi một ai đó lên trả bài. Nhưng cũng không. Ôi! Nếu có điều gì khó chịu nhất đời thì chắc là đây rồi! Cái im lặng thật đáng nể!

Bốn anh con trai ngồi ở bàn cuối lớp, dãy nam sinh, đưa mắt nhìn nhau. Và rồi một trò đứng dậy. Trò Bảo. Gương mặt sáng sủa, dáng người nhanh nhẹn, Bảo là nam sinh học giỏi nhất lớp. Bảo tiến đến bàn Thầy, đi ngang bao nhiêu dãy bàn trước sự ngạc nhiên dò xét của các bạn. Bảo nói với Thầy:

- Thưa Thầy, em xin được trả bài ạ!

Thầy hơi nghiêng đầu, nhìn Bảo, hỏi:

- Em muốn trả bài? Bài nào?
- Thưa Thầy, bài Công dân kỳ trước ạ!
- Kỳ trước?
- Dạ, bài " Quốc kỳ và Quốc ca" ạ!
- Em có bài đó sao?

Bảo đỏ mặt, giọng hơi ấp úng:
- Dạ, em đã mượn vở của bạn để chép ạ!

Nét mặt của Thầy có hơi tươi lên một chút, nhưng Thầy vẫn nghiêm giọng:
- Còn các em kia?

Ba nam sinh còn lại của bàn cuối đồng đứng dậy, nói:
- Thưa Thầy, chúng em cũng đã có chép bài rồi ạ!

Có vài tiếng xì xào trong số nữ sinh. Thầy giơ tay lên:
- Các em giữ im lặng. Thầy không có ý định gọi các em trả bài hôm nay.

Như không hẹn mà cùng có chung phản ứng, ba anh con trai tiến lên phía Thầy. Bảo nói thay cho cả bọn:
- Thưa Thầy, chúng em xin lỗi Thầy, tuần trước vì... ham coi "xi-nê" nên chúng em đã.. "cúp cua" giờ của Thầy. Chúng em đã biết lỗi. Xin Thầy ...

Thầy nói thật nhẹ:
- Không phải giờ của Thầy đâu! Giờ của các em đó chứ! Học là học cho các em mà! Thầy chỉ là người dẫn dắt.

Nhật, lớn tuổi nhất, nói khẽ:
- Thưa Thầy, chúng em hiểu.
- Các em về chỗ đi! Thầy không có ý định khảo bài các em. Hôm nay Thầy có một việc quan trọng để nói với cả lớp.

Cả lớp thở phào trong khi bốn nam sinh về chỗ, nhưng rồi một sự chờ đợi khác lại đến.

Thầy đứng trên bục giảng, nói như đang giảng bài:

- Hôm nay là buổi dạy cuối của Thầy. Thầy muốn nói ngắn gọn rằng Thầy sẽ tạm xa mái trường để nhập ngũ. Chắc chắn các em sẽ có một thầy hay một cô giáo mới phụ trách môn này. Nói chung, sẽ không có gì khó khăn cho các em cả đâu! Điều mà Thầy muốn nhắn nhủ các em hôm nay...

Đám học trò như nín thở. Thầy dừng lại một tích tắc vì nghe có tiếng than nho nhỏ từ dãy nữ sinh. Thầy nói tiếp:

- ... đó là hãy cố gắng học hành. Điều này nói ra có vẻ hơi thừa, nhất là đối với lớp này là một lớp khá ngoan, mà Thầy rất ưng ý. Thầy đã dạy ở nhiều trường công lập cũng như tư thục. Tính ý của học trò, Thầy đều hiểu hết. Học trò trường công phát triển đều nhau, không chênh lệch nhiều. Trái lại, học trò trường tư đa dạng hơn, do không có tuyển chọn qua những kỳ thi. Nhưng thú thật, Thầy quan tâm nhiều đến học trò trường tư. Tại sao vậy? Vì đó là bức tranh sống thật nhất của xã hội. Có những học sinh thật giỏi, thật ngoan, nhưng cũng có những trò thật kém, có những trò nổi loạn. Đúng không? Rất tiếc là Thầy phải rời bỏ cái khung đời này để bước vào một xã hội khác, sẽ rất khác: đó là quân ngũ. Thầy chỉ mong rằng, với những bài giảng về Công dân giáo dục mà Thầy đã gửi đến các em trong gần một niên học qua, các em sẽ không xem đó là những bài học bắt buộc, những bài chỉ nhớ để trả bài rồi sau đó quên đi, những câu chuyện qua loa không ăn nhập chút nào với cuộc sống. Mà các em hãy đem chúng vào đời như một hành trang quý báu. Thôi! Ý của Thầy chỉ có thế. Mai sau, mong rằng, có duyên, Thầy sẽ gặp lại các em.

Lần đầu tiên học sinh nghe Thầy nói những câu có vẻ văn hoa khác với cách nói bình dị của Thầy thường ngày. Sự im lặng như đã đến hết sức của nó, khi Thầy ngưng câu nói. Bình thường, nếu người ta chịu khó để ý, sẽ thấy mỗi khi xung quanh mình quá im lặng, có một thứ "âm thanh" nghe muốn vỡ tai, đó là tiếng rít "o... o" rất khó chịu. Thế nhưng, lần này, thầy và trò đã nghe được tiếng của một con ve bên ngoài cửa lớp. Thật sự là tiếng ve! Tiếng ve đầu mùa hạ! Con ve đậu trên một cái cây to trong sân trường rợp bóng mát hay chăng? Con ve cất tiếng hát, một lúc sau đã có tiếng của cả một bầy ve. Không hẹn mà cả thầy và trò đều nghe dâng lên một niềm cảm động.

*

Như thế đó, buổi dạy cuối cùng của Thầy Văn, thầy dạy môn Công dân giáo dục của lớp Chín A! Thầy rời mái trường vào đầu mùa hạ. Vắng thầy Văn, học với một cô giáo mới, cả lớp rồi cũng quen dần. Đám học trò, sau mùa hạ đó, cùng lên lớp Mười, lớn thêm được một chút, vì đã vào trung học đệ nhị cấp. Bốn đứa con trai, Bảo, Đăng, Nhật, Vũ, vẫn chơi với nhau khắng khít như trước. Nhưng không bao giờ họ dám lập lại một việc, mà đối với họ là một lỗi lầm. Đó là "cúp cua". Nhật, lớn nhất bọn vì gia cảnh nghèo phải bỏ học một năm, luôn tự nhận lỗi về mình vì đã "xúi dại" mấy đứa nhỏ hơn. Cả bọn bảo nhau nếu gặp lúc khác thì chắc chắn đã bị khiển trách và ăn mấy cái "trứng vịt" rồi!

Thầy rời mái trường vào đầu mùa hạ. Trong tâm luôn có tiếng ve làm Thầy nghe luyến nhớ. Những lần về phép Thầy thường đi ngang ngôi trường tư thục mà Thầy đã rất yêu mến này, đứng lại một lúc lâu, nhưng không vào. Thầy đã đi qua một khung đời rất khác. Bên đó là đỏ lửa. Ở đây là xanh trời. Thầy không muốn làm xao động không gian bình yên này.

Mấy mùa hạ đi qua. Học trò của lớp Chín A năm nào nay đã đến tuổi vào đại học. Lên đại học, không còn có môn Công dân giáo dục nữa. "Môn phụ" đã biến mất!

Thầy không có dịp về lại trường cũ, vì chiến trận đã đến hồi khốc liệt. Một ngày nắng lửa trên đồng hoang, Thầy gặp lại Bảo, người học trò trắng trẻo khôi ngô học giỏi ngày nào. Bảo tình nguyện vào lính, đã đi đánh trận nhiều nơi và mới được thuyên chuyển về đơn vị của Thầy. Bây giờ thầy trò cùng chia xớt với nhau từng bịch gạo sấy, mời nhau từng điếu thuốc. Tâm tình cũng dễ dàng bộc lộ. Bảo chân thành nói:

- Thầy ơi! Lúc em còn nhỏ, đi học tiểu học, nhìn người thầy như một người cha vì tuổi đời chênh lệch nhiều. Học bậc cao hơn thì khoảng cách tuổi tác giữa thầy và trò ngắn hơn; nhiều thầy mới ra trường, quá trẻ, chúng em có cảm giác như đó là người anh. Nhưng thái độ e dè đối với các thầy vẫn luôn có. Người thầy đứng trên bục giảng thật khác với người thầy trên chiến trường. Bây giờ, em mới thật sự học được bài học sống ở thầy. Thầy sống những gì thầy đã dạy.

Thầy giật mình:
- Em nghĩ như thế?
- Vâng, đúng là như thế, thưa thầy. Bọn chúng em, bốn đứa chơi thân với nhau, vẫn thường nói với nhau rằng sao chúng em lại làm ra một điều khó tha thứ. Sao chúng em lại "cúp cua" giờ Công dân? Chúng em ỷ mình học giỏi ư?.. Thầy ơi! Thầy có buồn chúng em không? Thầy có tha thứ chúng em không?

Thầy cười xòa:
- Bỏ đi! Thầy chẳng giận chẳng buồn ai bao giờ. Nói cho thầy nghe, mấy anh cùng "cúp cua" đó, ra sao rồi?
- Anh Nhật lớn nhất, đi lính trước em một năm. Sau đó đến em. Còn Vũ và Đăng đã vào đại học.
- Tại sao em không vào đại học?
- Thưa thầy, em muốn đi lính. Sau khi giải ngũ về em sẽ đi học tiếp ạ! Tuổi trẻ còn dài...
- Bây giờ thầy trò gặp nhau ở đây cũng là một trường học lớn. Thầy trò ta cùng học môn Công dân giáo dục phải không?
- Dạ.

Hai thầy trò cùng im lặng, lắng nghe tiếng đại bác vọng về từ xa...

Đêm đó, sau chuyến hành quân, Thầy bị thương nhẹ ở chân. Thầy ôm Bảo trong tay. Thầy vuốt mắt Bảo. Bảo đã làm được cái việc trả bài cho thầy. Một bài học sống.

*

Hết xuân đến hạ. Thu tàn, đông đến. Thầy đã trải cuộc đời trên chiến trường biết bao năm! Bị thương nặng, nhẹ cũng nhiều. Trong người của Thầy đầy những vết sẹo chiến tích. Nằm quân y viện to, nhỏ, hay dã chiến, cũng đã biết bao lần. Cả cái kinh nghiệm được đục khí quản để gắn ống thở tạm, hay đeo lủng lẳng một cái túi đi từ ruột ra ngoài, chờ chữa lành bên trong, Thầy cũng đã có nốt. Gia đình khuyên Thầy giải ngũ. Thầy không chịu. Thầy giã từ nghề dạy học luôn rồi! Gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, học trò... đến, đi, nhìn họ thành công, thất bại, sống, chết. Nhìn thấy đời mình cũng đã già dặn đi theo ngày tháng. Thầy cũng thèm trở lại bục giảng lắm chứ! Nhưng cứ mỗi một câu, Thầy nói với mọi người: "Chờ khi đất nước thanh bình..."

Và Thầy phải ngưng cầm súng. Thầy đi vào trại tù cải tạo, như hàng vạn quân nhân khác. Ước mộng của Thầy đã sụp đổ. Thôi thì cùng chia xớt với anh em đồng đội nỗi đau nhục này! Bài học Công dân giáo dục "Quốc kỳ và Quốc ca" nhức nhối trong lòng. Mỗi buổi sáng trước giờ đi lao động, Thầy và các bạn tù phải tập trung để chào cờ. Thầy nhắm mắt lại chặt đến nỗi nghe như dao đâm để thấy màu cờ vàng chan chứa. Thầy bấm vào tay mình bật máu để hát trong óc, hát không bằng lời: "Này công dân ơi!!!!..."

Thầy ra trại. Thân thể lại mang thêm một số thương tích vì "lao động". Cảnh sống đã thay đổi... Thầy tìm đến thăm một vài đồng nghiệp cũ, ngạc nhiên khi thấy họ đến trường dạy học trong những bộ quần áo quá dễ dãi. Ngày xưa các thầy cô đứng trên bục giảng ăn mặc nghiêm chỉnh, bây giờ các thầy đi giép hoặc "xăng-đan", các cô thì mặc quần đen áo cộc. Thầy cô dạy học xong, ra về, trước xe lủng lẳng mấy bịch cá, thịt, rau đậu mắm muối "tiêu chuẩn". Thầy lắc đầu ngao ngán. Thầy không thể làm gì hơn là chọn nghề mộc, một nghề có thể giúp kiếm sống qua ngày và không vướng bận tâm trí. Cái nghề của Chúa Giê-su khi còn nhỏ đây mà! Cái nghề Thầy đã học được ở trong trại tù. Cái nghề trong những nghề dạy cho con người ta tính kiên nhẫn và lương thiện.

Hết thời "thắt lưng buộc bụng", đến lúc "mở cửa", thành thị chen chúc người và xe. Nhiều khi Thầy ngơ ngác đứng nơi ngả tư đường, mấy mươi phút chưa băng qua được. Không có ai tôn trọng luật lệ giao thông. Đèn xanh đèn đỏ mọi người lờ đi như không thấy. Có khi Thầy não lòng khi một đám tang đi qua, không có ai nhường đường, hiếm có người ngả mũ chào người chết. Những gì gọi là bài học Công dân giáo dục đâu cả rồi? Người ta sống với "văn hóa phong bì", "thủ tục đầu tiên là tiền đâu", "mạnh được yếu thua"...

*

Thầy ra khỏi nước, như hàng trăm ngàn người khác. Thầy vào trường, làm học trò. Thầy hân hoan thấy lại màu cờ vàng một thời rực rỡ trong tuổi trẻ của Thầy. Thầy được tự do hát bài Quốc ca "Này công dân ơi..." mà không phải mím môi. Nhưng một thời Thầy rơi vào sự trầm cảm tột độ vì nghĩ đến quê hương đã khuất bóng. Thầy mang tâm trạng như những thầy đồ của một thời mất nước. Thầy đã không còn chỗ để trở lại bục giảng. Thầy nhận nơi này làm quê hương thứ hai. Thầy luôn tự an ủi mình: "Quê hương không chỉ là mảnh đất, mà còn có cả tình người". Và... như thế, Thầy đã sống được. Thầy chọn làm việc trong ngành truyền thông và đã đến gần được với tâm tình người Việt xa xứ.

Vào một ngày, Memorial Day, Thầy cùng gia đình đi lên thủ đô. "Lên thủ đô!" Thầy nói rất tự nhiên như vậy rồi nghẹn lời vì nghĩ đến thủ đô của Thầy ngày nào. Thầy đứng bên bức tường trên đó ghi tên những người lính Hoa Kỳ bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, trong trí Thầy hiện lên tên của những người bạn bè đồng đội. Họ đã không có một bức tường để ghi tên! Thầy đặt một bó hoa xuống nơi chân tường. Một gương mặt rạng rỡ chợt sáng lên như được phát ra từ mặt đá hoa bóng loáng. Gương mặt của Bảo. Thầy lạnh người. Thầy muốn khóc.

- Thưa Thầy!

Thầy giật mình quay về hướng tiếng nói sau lưng. Thầy nhận ra ngay. Ôi! Là Vũ, cậu học trò liến thoắng, đã có lần "cúp cua" giờ Công dân.

- Thưa Thầy, gặp lại Thầy, em mừng quá! Thầy có khỏe không ạ?
- Thầy khỏe. Thầy cứ ngỡ... là trò Bảo.
- Bảo đã mất rồi, thưa Thầy, Thầy là người ở bên cạnh Bảo lúc ấy...

Thầy bùi ngùi:
- Phải... Gặp lại em, Thầy càng nhớ Bảo. Thế những người bạn thân của em ra sao?
- Anh Nhật ở lại trong nước. Anh ấy trở thành thương phế binh, hiện nay sống rất khổ cực. Đăng thì đi với gia đình sang Úc, cũng đã có việc làm tử tế.
- Còn em, em làm nghề gì?
- Dạ, em theo nghề giáo.

Thầy nói như reo:
- A! Vậy sao?

Vũ vui vẻ:
- Dạ, em dạy môn Civics.
- Môn Civics?
- Dạ, môn Công dân giáo dục, thưa Thầy!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

15 tháng 11, 2023

Mùa thu trên biển Bắc – Nguyễn Hữu Phát

 

Mùa thu trên biển Bắc – Ara Phat

Hắn hôm nay chuyện trò sơ qua về đất nước thứ hai của hắn, hiện hắn sống ở trung tâm đất nước, đi về phía tây bắc là vùng duyên hải còn tạt sang vùng đông nam thuộc về cao nguyên Ardenne, nơi xảy ra những trận chiến ác liệt, vẫn còn di tích chiếc thiết giáp ở Bastogne cũng không xa Liege bao nhiêu, Bastogne là mặt trận để đời của danh tướng Patton.
Biển Bỉ chỉ cách Bruxelles hơn trăm cây số, chỉ mất 1 tiếng 15′ trên xe lửa là đến ngay bãi biển Oostende của Bỉ; có đến 15 bãi biển nằm dài ở đây, tất cả những bãi biển này thuộc về Biển Bắc, hay Bắc hải(mer du Nord), trước thế chiến thứ 1, Mỹ gọi đây là German Ocean(đại dương Đức) nằm ở vị trí đông bắc của Đại tây Dương.
Về phía đông, Biển Bắc giáp Na Uy và Đan Mạch , về phía tây giáp Scotland và Anh , về phía nam Đức, Hà Lan, Bỉ và Pháp .
Biển này có một nhánh là Skagerrak, nằm giữa Đan Mạch, Na Uy, và Thụy Điển, nối với biển Baltic qua Kattegat, Öresund, Belt Lớn và Belt Nhỏ. Biển Bắc thông với phần còn lại của Đại Tây Dương qua eo biển Dover vào eo biển Manche về phía nam, và qua biển Na Uy về phía bắc.

Những năm qua vợ chồng hắn hay đi về vùng núi rừng vào mùa thu để có những bức ảnh về mùa thu, để có những hình ảnh lộng lẫy vàng đỏ nâu đua chen sắc màu, mùa thu năm nay hắn ra biển hai lần tìm những thứ trừu tượng hơn, những không khí thu, gió thu .

Vợ chồng hắn thỉnh thoảng hay ra biển Ostende vì không xa lắm hơn nữa vợ chồng đứa con lớn có nhà ngoài này chỉ vài trăm mét đã ra đến bãi, nên nghỉ ngơi thoải mái hơn.
Nằm trên bờ biển phía Tây của Bỉ trong vùng lân cận của thành phố cùng tên và là một trong những bãi biển tốt nhất trong 15 bãi biển trên cả nước.
Hắn cũng hay thả bộ từ nhà ga xe lửa dọc theo bãi biển chỉ khoảng 10′ là đến nhà, từ xa một đài tưởng niệm các chiến sĩ hải quân hoàng gia Bỉ hy sinh trong hai trận thế chiến

Đi dọc theo bãi biển có đến vài chục cửa hàng hải sản phục vụ du khách, mùi tanh hải sản bốc lên nguyên một đoạn đường, chui vào mũi « nghe » hấp dẫn lạ . Những tôm, cua, cá những nồi soupe « độc vật » của biển bốc khói thơm lừng, ai thích những loại ốc, sò, nghêu được nấu theo dân miền biển Âu châu chịu lắm, thứ này vợ hắn thích hơn hắn, hắn chỉ nhấm nháp chút đỉnh ; lạ nhỉ! người đời thường nghĩ đàn ông thích mùi tanh loại nghêu sò hơn chứ.

Thêm vài bước chân, đậu bên đường là chiếc xe ngựa đưa du khách vòng quanh thành phố, cũng có nhiều nữ « xà ích » tóc vàng, xinh đẹp cầm cương ngựa, một vòng quanh thành phố với giá biểu là 20 Euro.
Để bảo đảm vệ sinh phố phường, ngựa cũng được mang tã lót; một miếng da uốn quanh bệ phóng, làm khéo lắm, vậy là mấy cô chú ngựa này cứ viêc « vô tư ».

xe ngựa đưa du khách vòng quanh thành phố (photo Ara)

Trên đường cho du khách dạo bước,thật sạch sẽ, rộng rãi, con trẻ tha hồ đạp xe , chạy những chiếc xe điện…chó phải có người dắt và chủ nhân phải chịu trách nhiệm vệ sinh mỗi khi có « sự cố » xảy ra, phạt vạ cũng nặng, cộng với tinh thần trách nhiệm của du khách, đường đi dạo lúc nào cũng sạch sẽ, phong quang.

Đoàn xe lửa mini chạy quanh thành phố phục vụ du khách (photo Ara)

Một dịch vụ phục vụ khác cho du khách thăm viếng thành phố là chiếc xe điện kéo theo vài ba toa chở khách. Thành phố biển Ostende là thành phố phục vụ du lịch nên những tháng hè tất cả những công trình sửa chữa đều cấm hoạt động, ngay cả muốn mắc một đường dây điện thoại hay internet trong nhà cũng phải chờ đến hết thời cao điểm, luật lệ ban hành như vậy, mọi người phải chấp nhận không để cản trở bước dạo chơi của du khách.

Chim mouette hay chim hải âu (photo Ara)

Loài chim Mouette mà chúng ta hay gọi là chim hải âu, bãi biển Ostende nhiều lắm, chúng bay trên đầu những chiếc thuyền đánh cá, xà xuống mặt nước để săn bắt cá tôm. Lúc đói chúng còn lùng sục các bao rác chưa kịp vứt trên bãi biển để moi móc thức ăn, thích hợp với hoàn cảnh nên to lớn lắm, chẳng thua những con vịt… chạy được, bay được lại còn bồng bềnh trên sóng nước.
Hải âu cũng là nỗi kinh hoàng của những người phục vụ cửa hàng ăn nơi bãi biển, khách đôi lúc vừa ăn vừa đuổi, chúng có thể hớt miếng thịt trên đĩa như dân cướp cạn nếu có dịp.
Loại này mà về bãi biển nước ta sống, bảo đảm chỉ một thời gian là nhà hàng có món « hải âu roti » hay « cary hải âu » lai rai với bánh mì… vô phúc có ông ký giả nào đó được xúi khôn xúi dại đưa lên báo bài viết »thịt hải âu bổ dương » là tiêu đời mấy chú chim này, lúc đó trở nên khan hiếm mà lùng sục được chỉ có các bà « bao nhiêu cũng mua » đem về hầm thuốc bắc cho đức lang quân để rồi kháo nhau là « ông nhậu bà khen hay ».
Các bác có nghe câu chuyện những con chim sâm cầm sống ở hồ Tây Hà Nội chưa, hắn quên tên tác giả bài viết này rồi, đại khái chuyện được kể là loại chim sâm cầm chuyên ăn rễ cây có nhiều loại rễ ăn « nên thuốc » như sâm chẳng hạn, vì thế mới được mang tên là « sâm cầm », thuốc tích tụ trong thịt chim nên ăn vào có tính « bổ dương » hơn nữa lại được hầm với thuốc bắc như « dâm dương hoắc » gì đó… thế là chỉ một thời gian sau hồ Tây vắng bóng chim sâm cầm.

Đầu đoạn đường cho du khách dạo bước là những phiến đá được dựng lên bằng kim loại trong một cuộc triển lãm điêu khắc những nghệ thuật đương đại.
Trên đường dành cho du khách dạo bước được lót pavé một con đường dài dọc theo bờ biển từ bãi này sang bãi khác rộng rãi, sạch sẽ. Phía dưới con đường là bãi cát mênh mông, cát thật mịn trắng hay vàng… bãi cát nơi đây là bãi cát đẹp, hắn đã đi qua nhiều bãi cát ở Tây ban Nha, Hy Lạp, Bồ đào Nha, Thổ nhĩ Kỳ, Nice chưa thấy bãi cát nào đẹp hơn tuy nước biển trong,xanh biếc, đẹp, khí hậu ấm áp nhưng bãi cát thì không bằng, cát vướng nhiều sạn, đá dăm đi chân trần bị đâm đau, xuống đến Ténérif của Tây ban Nha ở tận Bắc Phi, đường đi dạo đẹp, bên đường những cây cối vùng nhiệt đới như chà là, phượng vĩ đỏ rực, bãi cát cũng trứ danh tuy nhiên có màu đen do ảnh hưởng của bụi than do núi lửa phun trào , hơn nữa xa quá từ Bruxelles bay mất 5 tiếng mới đến.
Ngày trước ở Nha Trang bãi cát trắng, mịn được xếp loại đẹp nhưng bây giờ hàng quán tràn lan, nhếch nhác không còn được gọi là bãi cát đẹp nữa.
Bãi cát ở Mũi Né hắn đi qua còn bao la bát ngát, nhưng tiêu điều chẳng ai chăm sóc, hắn nhớ lại ngày xưa nơi đây là điểm hấp dẫn bao nhiêu là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, mũi Né lôi cuốn họ, bãi cát là đề tài cho những nhiếp ảnh gia đoạt huy chương vàng thế giới nhu Cao Đàm, Cao Lĩnh, Đỗ anh Tài, Khưu từ Chấn, Nguyễn ngọc Hạnh…
Bước vào đầu bãi, một nhà diêu khắc nghệ sĩ dựng lên một tác phẩm thần Poseidon, chúa tể đại dương, vị thần biển cả được dựng lên với những vật liệu nhẹ như plastic, những tấm lưới cá… đứng giữa bãi cát thật có hồn.

Bản tango trên biển lúc hoàng hôn (photo Ara)

Một tác phẩm điêu khắc đương đại khác bằng thép / Ostend THÀNH PHỐ BÊN BIỂN ĐÁ của PATRICK(1961)
Tác phẩm nghệ thuật đã được câu lạc bộ dịch vụ Fifty-One Club Oostende tặng cho Thành phố sau một cuộc thi.
Trong ảnh người ta có thể nhận ra hình bóng của con người và sóng biển. Có một làn sóng nam và một nữ. Nó tượng trưng cho sự gặp gỡ giữa sóng, biển và hình ảnh « khiêu vũ cùng sóng« 

Tấm plaque « Dansande Golven » viết bằng tiếng Hòa Lan có nghĩa là  » sóng khiêu vũ » (photo Ara)

Vào tháng 10, mặt trời bắt đầu lười, chỉ chực đi ngủ sớm, mới hơn 6 giờ chiều đă muốn ôm ấp đại dương, hắn bắt vội vài bức ảnh hoàng hôn trên biển (photo Ara)

Bãi cát mịn, mênh mông, nơi này vào mùa hè đầy diều được thả trên không trung (photo Ara)

cỏ biển (photo Ara)

Mùa thu trên bãi biển thiếu những cây lá vàng lá đỏ rơi trên vỉa hè, là nơi bãi biển mà trang trí cảnh sắc như vậy không phải điệu, chứ thành phố Ostende cũng có những công viên, khu rừng tràn ngập sắc vàng.
Nơi bãi biển có một loại cỏ biển sức chịu đựng mạnh trước những phong ba bão tố, dọc theo bờ biển trên những con đường có trồng nhiều .

DSC04364

cỏ biển (photo Ara)

Cỏ biển cũng có lúc biến màu thu vàng theo thiên nhiên (photo internet)

Cát trắng, vàng ở biển Ostende mịn, trữ lượng lớn cũng có dùng trong việc xây dựng (photo Ara)

DSC04383 (2)

Đất nước giao hòa những lúc thủy triều lên hay xuống(photo Ara)

DSC04381

Gió thu ngoài biển cũng có khác những ngọn thu phong nơi thành thị, ruộng đồng(photo Ara)

DSC04359

Những sinh hoạt trên bãi biển lúc sáng sớm (photo Ara)

150 tác phẩm của 30 nghệ sĩ điêu khắc trên 10 quốc gia từ khắp nơi thế giới đã cùng nhau tạo nên những tác phẩm điêu khắc trên cát độc đáo trong lễ hội Điêu khắc Cát tại Ostende .Lễ hội Điêu khắc Cát mang tên “Frozen Summer Fun” được tổ chức tại Ostend ngày 12.6.2015.

Điêu khắc cát là một loại hình nghệ thuật đang được nhiều người thích, lôi cuốn những tò mò các du khách dạo chơi trên bãi biển Ostende. Các tác phẩm điêu khắc độc đáo và lạ mắt.

Tử Cấm Thành

Hắn đem những tấm ảnh vợ chồng hắn nằm chơi trên bãi biển Ostende vào tháng 10, đã vào thời điểm trọng thu, gió biển cũng đã mang hơi lạnh từ biển bắc thổi vào, chỉ còn ra bãi nằm chơi được khó mà dám xuống nước ở nhiệt độ 13 độ C. Tháng sau hắn chịu không dám phong phanh đâu.

Dọc theo đường đi dạo là những khách sạn, café, nhà hàng, không biết là bao nhiêu nữa nhưng lúc nào cũng complet nếu không đặt trước, họ xây dựng có quy hoạch không có chuyện cái xây sau cao hơn cái trước trông mất thẩm mĩ. Hắn cũng hay lang thang trên bãi biển, mỏi chân vào một quán nước(hàng quán nơi đây mở cửa sau 12 giờ trưa) còn không chung quanh khu vực, lúc nào cũng tiếp khách .

DSC00035

Hắn chụp lại bức ảnh triển lãm nhiếp ảnh tại một quán café nơi biển Bắc ngày cuối thu , bức ảnh nằm trong top những hình chụp đẹp, ngay bãi biển đông người qua lại mà vẫn sống cô đơn, tay cầm tách café nóng cũng không sưởi ấm được lòng .

Trong 15 bãi biển nằm ở Bỉ, hắn chỉ có mặt 3 bãi là Ostende, như hắn vừa kể, bãi thứ nhì Blankenberg có nhiều khu nghỉ mát, có công viên hải dương Sea Life là một trong những thủy cung lớn nhất ở Bỉ, nơi có nhiều môn thể thao nước và cũng đã khá lâu hắn đến bãi La Panne hay (DePanne), bãi này chỉ cách Ostende hơn 20km, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên, bãi biển có khắc tượng vua Leopold I, khi nhà vua đặt bước chân đầu tiên lên vương quốc Bỉ. Lần đó hắn đưa vợ con qua Pháp và đến bãi biển lịch sử Normandie trong thế chiến thứ hai.

Bãi biển Blankenberg lúc mới qua Bỉ có đến đây vài lần, lúc đó nơi này không cấm mặc « zérokini », họ nằm phơi nắng thoải mái « vô tư », đi ngang qua ai nhìn đui mắt ráng chịu . Nay không còn nữa, cũng phí (photo internet)

bãi La Panne (photo internet)

Vương quốc Bỉ bé tí xíu chỉ hơn 30 ngàn cây số vuông, nhỏ chưa bằng một phần mười của tiểu bang California hay cũng còn nhỏ hơn đồng bằng sông Cửu Long(hơn 40 ngàn) nhưng thứ gì cần thiết cho người dân đều lo đầy đủ.

Đồi Delta/ Auderghem
Bruxelles ngày fête du roi
15/11/2023
Ara Phat