25 tháng 6, 2024

VTM 149_Bóng tà huy_ Nguyễn Cang

 


Xướng:

Bóng tà huy

Chiều tàn  tóc xõa gió lay
Áo màu trinh nữ mây bay cuối trời
Lệ buồn nhỏ xuống tim côi
Trăng treo nửa mảnh chợt trôi bất thường
Mộng đời còn mãi tơ vương
Bóng người xa thẳm đoạn trường trong tôi
Biệt ly lòng những bồi hồi
Khung trời viễn mộng chia phôi khó về !
Nguyễn Cang  
June 17, 2024
Tà huy 斜暉 : bóng mặt trời ngã về phía tây

Đoạn trường 斷腸: cắt ruột 

Họa 1:

Hoài hương
Hàng cây đón gió lung lay,
Làn mây trắng mỏng nhẹ bay lưng trời.
Lạc đàn một cánh chim côi,
Năm dài tháng rộng đời trôi theo thường.
Tơ lòng mấy thuở còn vương
Con đò, bến nước, mái trường làng tôi.
Hè sang ngắm phượng bồi hồi,
Tâm tư nào dễ phai phôi lối về.
Minh Tâm

Họa 2:

Tình quê
Sương mờ gió nhẹ lung lay
Lam chiều khói quyện tung bay khắp trời
Nhà tranh nơi chốn đơn côi
Nắng vàng lơ lửng mây trôi bất thường
Tình quê phong cảnh vấn vương
Lam giang đoản khúc can trường tim tôi
Ra đi nhất quyết tái hồi
Chén thù chén tạc hàn phôi lúc về
PTL
June 17, 2024
Lam giang đoản khúc : 1 bài hát ngắn tên "Đoản khúc lam giang 短曲藍江" trong cổ nhạc do soạn giả Văn Giỏi sáng tác năm 1976. Bài ca diễn tả tâm trạng buồn, ngậm ngùi, nghe đứt ruột.
Can trường 肝腸: ruột gan
Tái hồi 再回: trở về lại
Chén thù: rượu chủ mời khách
Chén tạc: rượu khách mời chủ
Hàn phôi 寒醅: rượu lọc

Họa 3:

Giấc mơ chiều
Đầu hè cơn gió nhẹ lay
Lá khô một chiếc lững bay giữa Trời
Thương cho cái kiếp mồ côi
Trần gian lẽ bóng nổi trôi vô thường
Chiều nay lòng chợt vấn vương 
Nhớ về chốn cũ dặm trường quê tôi
Bên tai tiếng gọi liên hồi
Hồn thiêng sông núi pha phôi trở về
THT

Họa 4:

Mây Vương
Sóng yên gió lặng chẳng lay
Bao con én liệng tung bay giữa trời
Đôi khi cảm thấy đơn côi
Như dòng sông nhỏ nước trôi vô thường
Chiều tàn nhìn áng mây vương
Thương cha nhớ mẹ dặm trường quê tôi
Tâm tư thúc giục liên hồi
Ngăn sông cách núi pha phôi nẻo về
Hương Lệ Oanh VA
June 17, 2024

Họa 5:

Chiều buồn

Gió sông cành liễu nhẹ lay,
Cánh diều giỡn gió lượn bay lưng trời.
Chơi vơi tiếng sáo đơn côi,
Con thuyền buông lái êm trôi bình thường.
Tiếng hò tha thiết vấn vương,
Gợi sầu sâu thẳm tình trường của tôi.
Kêu sương tiếng vạc từng hồi,
Chiều buồn chậm bước phai phôi lối về.
Mỹ Ngọc
June 19, 2024.

Họa 6:

Tiếng chiều vang


Chiều vàng trước gió lắt lay
Em bên hiên ngắm nhạn bay lưng trời
Chạnh lòng nhớ cảnh đơn côi
Bao năm viển xứ nổi trôi vô thường
Nắng nghiêng bóng trải lòng vương
Nao nao dạ khắc miên trường riêng tôi
Vạc kêu sương giục từng hồi
Người ơi xin chớ pha phôi cùng về.
TQ
Jun 20, 2024


1.Tân nhạc
Chiều tàn
Sáng tác: Lam Phương
Ca sĩ: Thái Hiền

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=bHMFVgfg6Hs






2. Cổ nhạc:

Chiều Quê Mẹ
Tác Giả: Dũng Nhi
Nghệ sĩ: Tống Yến Nhi



Chiều Quê Mẹ
Tác Giả: Dũng Nhi
Nghệ sĩ: Tống Yến Nhi

Đoản khúlam giang:

Chiều từng chiều trôi qua
Nghe nhớ thương trông về nơi cố hương
Hàng tre thắm xanh một màu
Như sống lại những ngày thơ ấu.
Nhìn khói chiều tung bay
Như đắm say khung trời quê hương.
Xa rồi mới nghe lòng đau.
Những đêm đơn lạnh
Ngoài trời gió mưa thầm rơi.

Lòng ngậm ngùi buâng khuâng
Thương nhớ, nhớ quê hương.
Cho gởi mấy câu tâm tình
Rằng người ra đi, hãy thương về đây
Trời thẳm màu xanh
Mây ửng hồng bay lững lờ
Như giấc mộng, say đắm lòng.

Dẫu có đi xa cả một đời
Làm sao quên hết những ngày gian khó
Sống nơi quê mẹ ấm nồng yêu thương
Có đi xa rời nhưng mẹ là quê hương

Không thể nào quên


Vọng cổ:

Câu 1:

Chiều ở đây cảnh vật đìu hiu không bằng chiều quê mẹ. Từng cánh cò bay qua đồng ruộng lúa sông nước mênh mông sâu nặng mấy ân... tình. (-)(-)
Ráng đỏ màu thu sắp lặng cuối chân trời. Dù có đi trăm phương ngàn nẻo, xứ sở quê nhà khắc đậm trong tim. (SL) Ruộng lúa bờ sông cánh đồng xanh mượt, khói tỏa lam chiều bếp lửa nhà ai. Nhìn cánh chim chiều về muộn tung bay, nhắn gởi cho ai tình quê hương xứ sở.

Câu 2:

 Dù lớn trăm năm dù già trăm tuổi. Trong mỗi trái tim quê mẹ vẫn muôn đời.(-)(-) Con đã đi xa hơn mấy chục năm dài. Nay trở về đây trở về bên mẹ. Vóc dáng hiền hòa cũng bến nước dòng sông. (SL) Lũy tre đầu làng rợp bóng buổi nắng trưa, cây cầu khỉ bắc qua con mương nhỏ. Ai đã lớn lên giữa trời quê mẹ, mới thấy trong lòng ray rức một niềm thương.

Nói lối:
Mưa rơi đồng ruộng trắng ngà.
Mưa bao nhiêu hạt nhớ nhà bấy nhiêu

Câu5
:

Hai câu hát đơn sơ chứa đựng trong tim bao nỗi niềm thương cảm. Nhìn áng mây trôi lững lờ xa thăm thẳm bao nhiêu nhớ thương có tình mẹ bao la như biển rộng sông... dài. (-)(-)
Mòn gót bôn ba nơi xứ lạ quê người. Dù mắt có mờ chân run tay yếu, trong tim hình ảnh quê nhà sớm nắng chiều mưa. (SL) Cánh đồng hoang ngập trắng nước lên, đàn cá tung tăng chao mình đớp bóng. Dẫu có đi xa không bao giờ quên được, hình ảnh thân yêu sâu nặng bên lòng.

Câu
6:

 Chiều quê mẹ có mây trôi lờ lững, cò trắng từng đàn bay lượn buổi chiều mưa. Khói bếp nhà ai thơm mùi gạo mới, hương vị quê nhà ngây ngất kẻ đi xa. Hỡi những người con xa nơi chôn nhau cắt rúng mới thấy trong lòng se thắt từng đêm. Giọt lệ đắng môi chảy dài khóe mắt vì nhớ vì thương một góc quê nhà. (SL)
Con sẽ về với mẹ về với quê hương, dù có xa xôi ngàn trùng ngăn trở.
Chiều mưa chạnh nhớ quê nhà,
Nước mắt chan hòa theo tiếng mưa rơi.

20 tháng 6, 2024

ĐI KHÁM BỆNH _Đỗ Duy Ngọc

 

Ngày mới làm quen với môn triết học, hắn chỉ học luận lý và đạo đức học. 
Môn đạo đức học chán lắm,  hắn chỉ nhớ vỏn vẹn một câu "con người là sản phẩm của xã hội".
Đọc bài viết "Đi khám bịnh" của ông Đỗ duy Ngọc; khi ông vào nhà thương một mình khám bịnh thì nghe những lời xì xầm bàn tán là con cái đâu không đưa cha già đi, người ta trách con cái ông vô tình...cái xã hội nước mình như thế, đi khác lại như ông là bị dèm pha.
Còn đời sống Âu Mỹ lại khác, xã hội được tổ chức cũng khác, người hiểu biết là phải biết thông cảm với con cái, không nên tạo khó xử cho con cái và ngay bản thân mình cũng thoải mái hơn. Con cái có sợ ba mẹ già chưa quen với tổ chức mới của bịnh viện đòi đưa đi để hướng dẫn lần đầu thì cũng tốt.
Có lần vợ hắn mắng đứa con thứ hai là không chịu học hành lớn lên cầm đàn đi ăn xin ở cầu La Batte". Đứa con út ôm mẹ nó mếu máo bảo rằng "không muốn chị Ba đi ăn xin ở đó đâu, con sẽ học thật giỏi đi làm, mua nhà cho chụi Ba ở chung, nuôi chị Ba không cho chị Ba ăn xin", mẹ nó mới hỏi "thế con có nuôi ba mẹ không", cháu trả lời rõ ràng "dạ không; hết chỗ rồi, ba mẹ già ba mẹ phải vào maison de repos chứ, mà con hứa sẽ thăm ba mẹ mỗi tuần".
Cháu còn đang học mẫu giáo, đã được giáo dục như thế, ảnh hưởng tổ chức trong học đường và xã hội tây phương như vậy.
Nếu cha mẹ hiểu được "con người là sản phẩm xã hội" thì đâu lấy gì phiền lòng mà đừng đòi hỏi con cái phải báo hiếu kiểu xã hội mà chúng nó chưa hề sống.
Hắn cũng chủ trương là khi không còn khả năng tự lập thì hai vợ chồng dắt nhau vào một viện dưỡng lão sống . Chắc cũng không lâu lắm đâu và lúc đấy Ara hết linh tinh chuyện ngắn chuyện dài với bằng hữu.
Ara

ĐI KHÁM BỆNH
 Đỗ Duy Ngọc  tháng 6 07, 2022

Ở nước ngoài, Mỹ, Pháp hay Nhật chẳng hạn, người già tự đi khám bệnh một mình là chuyện bình thường, rất bình thường. Chẳng ai lưu tâm, hỏi han tọc mạch về chuyện đó cả. Bởi con cái có công ăn việc làm của chúng, có gia đình của chúng phải lo, có con cái còn nhỏ của chúng phải chăm sóc. Khi đi khám bệnh, nếu còn đi được, chưa phải nằm băng ca cấp cứu, người già có thể tự lo cho bản thân mình mà chẳng cần ai phải trợ giúp. Đến bệnh viện, làm thủ tục, bác sĩ khám bệnh rồi ra về, chuyện đơn giản thôi mà.

Người Việt ta thì khác, khi cha mẹ đi khám bệnh, con cái phải đi theo, nhiều khi cả mấy anh chị em và cả cháu. Nếu không làm thế sẽ bị người đời dè bỉu là không chăm sóc cha mẹ. Bởi vậy nên phải xin nghỉ việc, bán hàng thì tạm đóng cửa hoặc giao nhờ người khác, con cái phải gởi cho người quen, hàng xóm trông giúp. Mà thật ra bệnh cũng chưa phải trầm trọng chi lắm, có khi chỉ là bệnh thông thường của người có tuổi khi trái nắng trở trời, nhưng đến bệnh viện phải có người hộ tống. Trong khi người già có thể đi một mình bình thường nếu quãng đường không xa lắm, xe cộ thuận tiện, và làm thủ tục bình thường mà không làm phiền đến con cháu. Nhưng những người chung quanh, kể cả những người xa lạ khi thấy cảnh một người già lụm cụm đi khám bệnh một mình thì cứ xót xa, xuýt xoa thương cảm. Người Việt ta hay thương vay khóc mướn thế đấy!

Tôi thường tự đi bệnh viện một mình lúc có bệnh trong người, thường là những bệnh không nguy hiểm. Khớp đau, đầu gối nhức, trong người hơi mệt, cảm cúm theo mùa ...và hôm nay là đau nhức răng suốt đêm không ngủ được. Tôi bị thoái hoá khớp hành gần tháng nay nên phải chống gậy, mới gọi xe bảo đi bệnh viện, chưa kịp leo lên đã bị anh xe ôm hỏi con cháu đâu mà đi một mình khổ thế? Tôi bảo chúng bận trăm công ngàn việc, đi một mình cũng có sao đâu? Đến cổng bệnh viện vừa tập tễnh bước xuống đi vào thì có một cậu trung niên đến đỡ lại xuýt xoa, bác ơi con cái đâu mà để bác đi một mình thế? Tôi đi lại hơi khó khăn nhưng rất ghét ai dìu mình, chỉ muốn tự mình đi, không muốn ai nâng đỡ cả. Đi đâu mà người nào dìu là tôi phản ứng ngay. Vào làm hồ sơ, cô y tá cũng lại bảo sao chú đi một mình thế, con cháu đâu cả rồi. Đến lúc về cũng thế, leo lên taxi hơi khó, thế là anh tài xế trách móc con cái không theo giúp cha mẹ, anh cho vậy là bất hiếu.

Bực mình ghê chưa. Tôi còn sức đi mà, tôi còn minh mẫn để điền hồ sơ mà. Còn nhớ có một lần tôi bị đau chân, đi rất khó. Hẹn bác sĩ 9:00, tôi đến đúng giờ nhưng từ chỗ gởi xe vào phòng khám mất một đoạn khá xa. Tôi lê từng bước từng bước thầm. Hết người này đến người khác đến muốn dìu tôi đi nhưng tôi từ chối tất. Ai cũng bảo, khổ thân ông cụ, con cháu đâu mà tội nghiệp thế kia. Tôi muốn cãi mà thôi, mỗi người mỗi suy nghĩ, phản ứng làm gì.

Đó cũng là hai thái độ khác nhau giữa người Việt và người phương Tây. Người nước ngoài xem đó là chuyện thường tình, khi ta còn làm được thì tránh phiền cho người khác. Còn người Việt ta cho đó là việc hiếu, con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ. Suy cho cùng việc hiếu để nằm trong cách xử sự, trong hành vi, thái độ hàng ngày, trong lời ăn tiếng nói chứ nhiều khi không chỉ là sự chăm sóc đôi lúc không cần thiết. Khổng Tử đã từng nói: Nếu nuôi cha mẹ mà cho ăn lúc đói, đắp mảnh áo lúc rét thì có khác chi nuôi một con vật đâu. Cái chính là cái tâm của con cháu đối với cha mẹ chứ không chỉ là những chăm lo vặt vãnh hàng ngày khi người già còn tự mình làm được. Bởi thế, phương Tây cứ đến tuổi là vào viện dưỡng lão, có người chăm lo bữa ăn, giấc ngủ mà không làm phiền đến cháu con.

Theo tôi, tất cả tuỳ tâm, dung hoà giữa hai quan niệm, nếu con cái thấy có điều kiện để làm thì thuận theo chúng mà làm. Còn không, thì cứ việc ta ta làm, đường ta ta đi cho nó khoẻ, khỏi vướng bận đến ai.

Cấu trúc gia đình ngày xưa khác bây giờ, con cái, cháu chắt ở chung tam đại, tứ đại đồng đường. Làm nông là công việc chính nên việc chăm sóc, hiếu để với cha mẹ khác với thời nay. Bậc làm cha mẹ thời nay phải hiểu cho hoàn cảnh của con cái mà đừng bắt bẻ, yêu cầu chúng những việc không thuận cho sinh hoạt và công việc của chúng. Đó cũng là góp phần cho gia đình bớt xào xáo, phiền hà.

Khi con cái còn nhỏ, chỉ cần chúng húng hắng ho, chỉ cần chúng hơi sốt, hơi đau trong người, cha mẹ sẵn sàng đội nắng, đội mưa kiếm thuốc cho con. Bất chấp đêm hôm, sẵn sàng ôm con đến bác sĩ, đến nhà thương. Nhưng khi chúng lớn lên, trưởng thành, có gia đình sự nghiệp, cha mẹ muốn mở lời nhờ con đưa đi khám bệnh, nhờ mua viên thuốc, ổ bánh mì cũng ái ngại, rụt rè không dám mở lời, không muốn nhờ vả. Cuộc đời thế đấy, nước mắt chảy xuôi. Thôi thì cái gì ta tự làm được thì nên tự làm, sống như thế cho thanh thản, bình an trong tâm, khỏi phải phiền hà, trách móc thêm nặng lòng, tâm lại không vui.

6.6.2022

ĐỖ DUY NGỌC

12 tháng 6, 2024

VTM 148_ Một thời áo trắng_Hương Lệ Oanh VA

 


Xướng:


Một thời áo trắng

Tôi yêu áo trắng học trò
Yêu con đường nhỏ hoa nho quấn rào
Tan trường cười nói xôn xao
Ước mơ nhỏ bé nôn nao trong lòng
Một ngày vào sáng mùa đông
Ngây thơ dạo bước trên đồng cỏ xanh
Bổng dưng ai đó đồng hành
Như con chim nhạn lượn quanh suốt ngày
Ngây thơ tà áo tung bay
Chân chim bước nhỏ trãi dài lối đi
Thế rồi lại đến mùa thi
Phượng rơi ngập lối chia ly mái trường
Một thời áo trắng dễ thương
Bạn bè thơ dại vấn vương nỗi buồn
Chập chờn tháng bảy mưa tuôn
Hạt to hạt nhỏ trút nguồn tuổi thơ

Hương Lệ Oanh VA
Jun. 01, 2024

Họa 1:

Thương màu kỷ niệm

Mười năm xa cách thầy trò
Nhớ ngôi trường cũ giàn nho cạnh rào
Nắng vàng lá đổ lao xao
Tan trường bước nhỏ nao nao cõi lòng
Về thăm cố quận cuối đông
Mà sao chỉ thấy cánh đồng ruộng xanh
Ai người tâm sự đồng hành
Như đôi chiền chiện chạy quanh cả ngày
Khung trời kỷ niệm mây bay
Bước chân sỏi đá in dài dấu đi
Nhớ hoài trung học đi thi
Nghỉ hè ba tháng biệt ly mái trường
Phượng rơi từng cánh yêu thương
Tiếng ve nức nở cho vương vấn buồn
Bây chừ tháng sáu mưa tuôn
Mưa rơi ướt mắt cạn nguồn tuổi thơ.

Nguyễn Cang
Jun. 01, 2024

Họa 2:

Nguồn  thơ 

Cà phê cà pháo chuyện trò
Sân vườn nho nhỏ nằm co cạnh rào
Gió hè mơn lá lao xao
Chợt buồn kỳ niệm nôn nao trong lòng
Nhớ xưa một sáng mùa đông
Tôi quen cô bé môi hồng mắt xanh
Thời gian hai đứa đồng hành
Với bao hạnh phúc trôi nhanh tháng ngày
Thế rồi ước vọng cao bay
Lửa binh ngùn ngụt kéo dài đường đi
Bỏ trường,bỏ học, bỏ thi
Xa người bạn gái tôi đi chiến trường
Hậu phương bỏ lại em thương
Nhớ ngày tháng cũ vấn vương nỗi buồn
Nhớ em nước mắt chợt tuôn
Nhưng là động lực khơi nguồn hồn thơ

THT 

Họa 3:

Tuổi thơ

Tuổi thơ nghịch ngợm bày trò
Thò tay hái trộm trái nho bên rào
Ăn xong lại thấy xuyến xao
Nhớ lời mẹ dạy nao nao cõi lòng
Buổi chiều lành lạnh gió đông
Đôi ta đùa giỡn cạnh đồng rừng xanh
Tương lai cần phải học hành
Giã từ bạn nhỏ loanh quanh cả ngày
Nhìn đàn chim én cao bay
Văn ôn võ luyện dài dài tập đi
Tiếng chuông đã điểm giờ thi
Nếu không kim bảng biệt ly nhà trường
Tâm hồn trong trắng mến thương
Xa người bạn nhỏ tơ vương ngày buồn
Những ngày mưa đổ mây tuôn
Qua năm mười tám hết nguồn ngây thơ

PTL
June 01, 2024
Kim bảng quải danh thì 金榜掛名時: tên được ghi trên bảng vàng nghĩa là thi đậu

Họa 4:

Nhớ nghĩa tình xưa  

Mấy mươi năm nghĩa thầy trò
Nhớ lúc gió nhã, mưa nho rì rào
Ngày Hè phượng thắm lao xao
Chớm chia tay đã nao nao ngập lòng.
Sang thu rồi lại lập đông
Sân trường ngan ngát hương đồng lúa xanh
Trò vui chăm chỉ học hành
Thầy hoan hĩ giảng dạy quanh đêm ngày.
Thời gian đủ cánh chim bay
Tương lai muôn lối dặm dài ra đi
Về thành tham dự khoa thi
Cách thầy xa bạn phân ly đổi trường
Xa tình đầu lắm luyến thương
Dùng dằng tay níu lòng vương vấn buồn.
Em tôi mắt đẩm lệ tuôn
Mây ôm đỉnh núi khởi nguồn sông thơ

TQ
06.05, 2024

Họa 5:

Một thoáng bâng khuâng

Thuở xưa lắm bạn lắm trò,
Tuổi thơ nghịch ngợm vườn nho vén rào.
Chủ vườn hét chạy lao xao,
Hằn bao kỷ niệm nao nao tấc lòng…
Bốn mùa xuân hạ thu đông,
Chân trần đùa giỡn trên đồng thắm xanh.
Trò chơi không thể độc hành,
Tụm năm tụm bảy vui quanh tháng ngày.
Gió chiều nâng cánh diều bay,
Dòng đời theo tháng năm dài qua đi…
Ve sầu gợi nhớ mùa thi,
Lòng buồn man mác biệt ly sân trường.
Tuổi hồng trăm nhớ ngàn thương,
Nâng niu ký ức mãi vương vui buồn.
Trời chiều mưa nặng hạt tuôn,
Ngược dòng quá khứ khơi nguồn hồn thơ.

Minh Tâm

Họa 6:

Tuổi thơ

Nhớ xưa còn nhỏ lắm trò,
Hái hoa đuổi bướm lượm nho bên rào.
Trèo cây tắm suối lao xao,
Làm cho cha mẹ sợ nao cả lòng.
Cố nhân nay chẳng còn đông,
Về thăm quê cũ nhớ đồng lúa xanh.
Vườn rau ao cá luống hành,
Những con bướm trắng vờn quanh cả ngày.
Con đê diều sáo cao bay,
Đò ngang bến vắng sông dài thuyền đi.
Cánh hoa phượng đỏ ngày thi,
Nghỉ hè ba tháng phân ly sân trường.
Ngồi ôn kỷ niệm thân thương,
Biết bao hồi ức còn vương vấn buồn.
Dưng dưng mắt lệ trào tuôn,
Mỗi khi chớp biển mưa nguồn ngày thơ.

Mỹ Ngọc
June 9, 2024


 


Bài hát: Một thời áo trắng

 Sáng tác: Hà Sơn & Tuấn Sông Thu  

1. Tuổi nào mộng mơ áo trắng ngây [Em] thơ [C]
Tuổi nào ngẩn [D] ngơ ghép nhạc thương [G] nhớ [Em]
Tuổi nào đẹp những trang [Am] thơ tuổi [D] nào lối về mong [G] chờ
Ôi cuộc đời như giấc ngủ [B7] mơ.

2. Những dòng mực xanh lưu bút trao [Em] tay [C]
Nhặt cánh phượng [D] rơi ép vào trang [G] giấy [Em]
Ve sầu hòa khúc biệt [Am] ly giã [D] từ tháng ngày hoa [G] mộng
Mai xa [B7] trường lệ hoen bờ [Em] mi.

ĐK:
Bâng khuâng khi hè [C] về
Tìm đâu khung trời ước [Am] thề
Trường tan tà áo tung [G] bay [Em]
Từng vòng xe đạp [Am] quay
Cùng [D] bao nỗi niềm yêu [Bm] thương
Nghe êm [D] đềm mối tình học [Em] sinh.

3. Nẻo đời ngày mai muôn lối chia [Em] xa [C]
Mỗi lần hè sang bao lần thương [G] nhớ [Em]
Thương màu áo trắng ngày [Am] xưa nhớ [D] từng kỷ niệm ban [G] đầu
Ghi bên [B7] đời thời hoa mộng [Em] mơ.



Bài tân cổ: Áo Trắng Ngày Xưa

Tân nhạc: Song An

Cổ nhạc: Loan Thảo

Nghệ sĩ: Tấn Tài, Lệ Thủy

Nhạc
Nam: Đội nặng trên đầu nón sắt đá phen, mang trong chân mãi giày sâu đá mòn.
Nữ: Kể từ xa áo thư sinh, bỏ trường thân mến ra đi, năm năm có lẻ chưa ghé về thăm.
Cuộc đời xuôi ngược đây đó khắp nơi, đôi khi cũng nhớ trường xưa muốn về.
Nam: Ngại mình tay trắng tương lai, ngại tình ai đã quên ai, xa xôi cách mặt... cách cả... tấm... lòng.


Vọng Cổ

Câu 1:

Nữ: Từ độ anh đi đã bao mùa phượng nở, làng cũ trường xưa vẫn đợi buổi... anh..... về.
Mỗi buổi chiều buông còn dìu dặt sáo diều. Đàn em nhỏ vẫn ngày hai buổi cắp sách đến trường chân sẻ tung tăng. Còn vọng tiếng hò giã gạo đêm trăng, hò ơ... đêm về giã gạo ba trăng gởi người biên ải, gởi người biên ải đang ngăn bước thù. Quê cũ người xưa vẫn nhớ người xa vắng...


Câu 2:

Nam: Đã từ lâu quen cùng sương gió, cuộc đời chinh nhân xuôi ngược bốn phương trời. Đôi khi cũng muốn về lại quê mình. Thăm lại ngôi trường năm cũ, nghe ve sầu rên rỉ gọi hè sang. Để nhìn lại người em gái hiền ngoan tóc buông xõa đôi má hồng xinh xắn, có đợi anh về mân mê tà áo trắng, hay đã lượt là nhung gấm sang ngang...

Nhạc

Nữ: Giờ này nơi phương xa đó người xưa, có còn áo trắng ngóng chờ, hay là đã xuống thuyền hoa? Giờ nhìn hoa bay sắc máu lưng trời, có còn thương thuở xa xưa, hay là đã vội vàng quên?
Lòng người vô tình như gió thoáng qua, như con nước sớm chiều vơi sáng đầy.
Nam: Đời mình nay đó mai đây, tình người như gió mây xa, xa xôi cách trở... biết tình... có... bền.


Vọng Cổ 

Câu 5:
Nam: Đã mấy lần ve gọi hè sang mấy lượt hoa hồng sắc máu. Bước chinh nhân còn say đắm mộng... sông..... hồ.
Nhưng lòng thấy bâng khuâng mỗi độ hè về, thương biết mấy ngôi trường nãm cũ, nhớ làm sao tà áo trắng ngày xưa.
Nữ: Nhớ ngày nào cùng sánh bước bên nhau, em đã bảo anh là vầng mây phiêu lãng, mây theo gió bay đi tám hướng để cho em mỏi mắt đợi chờ.


Câu 6:

Nam: Chờ một ngày non nước hết binh đao, anh sẽ trở lại trường xưa xóm cũ.
Nữ: Em sẽ mặc lại màu áo trắng, ra cổng làng hớn hở đón chờ anh. Tay trong tay mình nói chuyện nhớ mong, chuyện năm tháng vắng xa chuyện bây giờ tái ngộ. Em sẽ chỉ anh cây phượng già đầu ngõ, đón chào anh bằng muôn cánh hoa hồng.
Nam: Anh nói em nghe chuyện cô dâu chú rể, chuyện cau trầu của đôi lứa xuân xanh.
Nữ: Cúi đầu em bước bên anh nghe trong nắng hạ có mùa xuân cuộc đời./.

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ao-trang-ngay-xua-tan-co-tan-tai-ft-le-thuy-nsnd.odD7d245z6Jd.html





08 tháng 6, 2024

Lá vàng khóc lá xanh

 





Em Kiểm (Đôn) là 1 học sinh khuyết tật lớp 10D2 Trung Học Cấp 3 Thống Nhất A ở Hố nai, Biên Hòa năm 1978. Tuy tật nguyền nhưng em có tài làm trọng tài (referee) cho các giải túc cầu của trường. 
Sau khi rời mái trường, em Kiểm đi làm security oficer cho 1 công ty ở Biên Hòa. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, em Kiểm bắt gặp 1 công nhân ăn cấp vật liệu. Công nhân này chận đường và giết chết em Kiểm.

Lá vàng khóc lá xanh

Em nằm đó mà thầy không hay biết
Những năm dài biền biệt cách xa nhau
Em ra đi trong nghịch cảnh đớn đau
Gây ra bởi hạng người vô nhân đạo
 
Sao tránh được dưới chân thời thô bạo
Của một nền giáo dục mất nhân tâm
Nhìn bề ngoài ai cũng phải hiểu lầm
Nhưng nó đã âm thầm giết chết Kiểm
 
 ai đó có phần vô trách nhiệm
Để lá vàng ngồi khóc lóc lá xanh
Nay em về nơi gọi chốn thiên thanh
Thương em lắm và nguyện cầu an lạc 

Virginia June 08, 2024

Trần-Văn Phét





06 tháng 6, 2024

Thơ tình tóan học- Tình hư ảo_ Toàn Phong

 

Thơ tình tóan học- Tình hư ảo



Tình hư ảo

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.

Bao mơ ước, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.

Anh chờ đợi một lời em giải thích,
Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.
Hệ số đo cường độ của tình thương,
Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.

Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,
Tính không ra phương chính của cấp thang.
Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,
Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm .

Toàn Phong
Nguyễn xuân Vinh , bút hiệu Toàn Phong, sinh tháng 1 năm 1930 ở Yên Bái
Từ khi còn nhỏ ông đã tỏ ra là một người có năng khiếu toán và tham gia viết sách từ rất sớm; trong thời gian còn là học sinh, ông đã cho xuất bản cuốn sách giáo khoa" Bài tập hình học không gian." Đây là quyển sách gối đầu giường của học sinh ban Toán trước 1975.
Năm 1951 ông nhập ngũ theo lệnh động viên và tham gia khóa I Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định và Thủ Đức.
1952-1955 theo học tại Học viện Không quân ở Salon-de-Provence, Pháp (École de l'Air) và sau đó lưu trú tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này ông đồng thời lấy bằng cử nhân toán ở Đại học Marseille.
1957 được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Không lực Việt Nam Cộng Hoà.
Tháng 2 năm 1958 được giao chức Tư lệnh Không quân.
Năm 1962, rời bỏ chức vụ Tư lệnh để đi du học ở Hoa Kỳ.
Năm 1965, là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về khoa học không gian tại Đại học Colorado.
Năm 1968, làm giảng sư (associate professor) tại Đại học Michigan.
Năm 1972, được phong chức giáo sư (professor) của viện đại học này.
Cũng trong năm 1972 trở thành tiến sĩ quốc gia toán học tại Đại học SorbonneParis, Pháp.
Năm 1982, là giáo sư (chair professor) của ngành toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (National Tsing Hua University) ở Đài Loan.
Năm 1984, là người Hoa Kỳ thứ ba và là người Á châu đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l'Air et de l'Espace).
Năm 1986 là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).
Năm 1998, khi về hưu, được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.
Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.
Ông mất ngày 23 tháng 7 năm 2022 tại Mỹ