28 tháng 7, 2023

Hãy giữ màu xanh_Huỳnh Văn Hạnh

Đọc giả cảm tác sau khi đọc bài Tâm sự người thợ rừng của VTM # 127

Hãy giữ màu xanh

Tôi khoan khoái giữa rừng cây tươi mát
Vươn mầm xanh trong nắng sớm ban mai
Giọt mồ hôi những ngày đầu vỡ đất
Quyện thành phân tăng sức sống hôm nay
 
Anh có biết trên đất hoang sơ ấy
Những chàng trai từ bỏ chốn phồn hoa
Ra sức trẻ vun bồi nên thế đấy
Tạo màu xanh cho đất thoảng hương xa
 
Cây vụt lớn đẩy con người vụt lớn
Ai đang tâm ruồng phá những cành xanh
Ngăn chúng sống tức ngăn mầm đang chớm
Cản màu xanh tức cản khí trong lành
 
Nếu mai đây rời bỏ quảng rừng xanh
Thật lưu luyến vùng đất nhiều thương nhớ
Rừng ơi ! Hãy vươn lên thêm cành nhánh
Ráng vụt cao vì đất mẹ trông chờ.
 
Huỳnh Văn Hạnh
Khóa 6 Thủy Lâm

VTM #127 Tâm Sự Người Thợ Rừng_THT

 

Rừng bời lời ở Tây ninh bị phá hủy

Xướng:

Tâm Sự Người Thợ Rừng
Từ khi ngàn dặm ra đi
Quê hương bỏ lại còn gì mang theo
Đêm về nhớ suối nhớ đèo
Nhớ đồi thơ mộng thông reo bạt ngàn
Nước ta biển bạc rừng vàng
Cháu con gìn giữ kho tàng cha ông
Gây Rừng cả nước một lòng
Bảo tồn sinh thái cây trồng nơi nơi
Lâm viên xinh đẹp vui chơi
Màu xanh bao phủ khắp trời tự do
Bây giờ quân cướp trâu bò
Phá rừng đốn gỗ reo hò chặt cây
Công lao khó nhọc đắp xây
Tài nguyên Tổ Quốc giờ đây điêu tàn
Thương rừng chỉ biết thở than
Cầu mong phép lạ Trời ban dân mình
Tiên bọn cướp chết sình…
THT 

Họa 1:

Tâm Sự Người Lìa Xứ

Đau lòng lìa xứ mà đi
Trắng tay chân đất chẳng gì đem theo
Vượt sông băng suối lên đèo
Đến nơi ẩn náo mừng reo vô ngàn
Cây to gỗ quí như vàng
Thiên nhiên tự tạo thu tàng ngô ông
Nhìn quanh trắc ẩn trong lòng
Rừng thiêng hẻo lánh ai trồng khắp nơi
Bây giờ thử dạo quanh chơi
Tha hồ hít thở k trời tự do
Xung quanh không có đàn 
Chim bay vượn hú khỉ hò trên cây
Căn nhà mái lá đã xây
Bây giờ không thấy ở đây hoang tàn
Đau thương xứ sở lầm than
Nguyện cầu phép lạ ai ban cho mình
Rời xa nơi chốn vũng sình…
PTL
Chú thích:
thu tàng 收藏 : cất giữ
ngô ông吾翁 : cha tôi

Họa 2:

Rừng Xưa
Từ khi người đã bỏ đi
Rừng xưa xơ xác còn gì mang theo
Đôi khi vượt mấy đường đèo
Thong dong đây đó gió reo trên ngàn
Tài nguyên phong phú tựa vàng
Trồng nhiều gỗ quý tiềm tàng đời ông
Khi xưa cả nước một lòng
Cùng nhau bảo vệ vun trồng mọi nơi
Rừng thiêng thám hiểm vui chơi
Thiên nhiên hòa hợp một trời tự do
Đồng xanh ngơ ngác đàn bò
Non cao nước biếc tiếng hò vang cây
Tổ tiên gầy dựng đắp xây
Trách ai chặt phá rừng cây điêu tàn
Gây nên lũ lụt lầm than
Khiến cho đồ thán hoang mang dân mình
Chớ nên vấy bẩn mùi sình 

Hương Lệ Oanh VA

Họa 3:

Hỏi Ông Trời 

Ai hay núi đứng sông đi
Nổi chìm cuồn cuộn những gì cuốn theo
Quyện quanh hốc núi triền đèo
Thác ghềnh bồi lở, gió reo trên ngàn
Phù sa lẫn lộn đá vàng
Trôi về đâu hết tiềm tàng này ông?
Trăm sông về biển mấy lòng
Rừng nguyên sinh đó ai trồng khắp nơi
Giang sơn đâu phải đồ chơi
Sao đem cầm bán hỏi trời nguyên do
Đỉnh cao trí tuệ, óc bò?
Tay quơ miệng lại hát hò trồng cây
Nhà lầu ai mặc sức xây
Ruông nương quy hoạch đó đây rụi tàn
Có ai thấu nỗi thở than
Sao còn im lặng không ban ý mình
Tính người, luật pháp: hóa sình!

Tâm Quã
7/23

Họa 4:

Từ Biệt Quê Hương

Thôi đành từ biệt mà đi
Cửa nhà cũng bỏ còn gì đem theo
Từng đêm nhớ núi cùng đèo
Những lần dã ngoại gió reo ngút ngàn
Dòng sông trải lụa nắng vàng
Hậu sinh gìn giữ bảo tàng cha ông
Toàn dân cả nước chung lòng
Môi trường sinh thái rừng trồng mọi nơi
Công viên cảnh đẹp dạo chơi
Tấm lòng nhân ái một trời tự do
Ngày nay quan cướp dê bò
Phá rừng bán đảo hát hò đốn cây
Công trình gầy dựng gắng xây
Giang sơn một dải rày đây úa tàn
Tiếc công chỉ biết kêu than
Cầu mong Thượng Đế, Chúa ban giúp mình
Giữ thân chớ để lấm  sình !!!

Nguyễn Cang
Jul. 19, 2023

Họa 5:

Nhớ Quê

Lìa quê thuở ấy ra đi,
Bao nhiêu ký ức còn gì giữ theo?
Đường đời lên núi xuống đèo,
Làm sao quên được suối reo mây ngàn
Đồi xanh cỏ biếc hoa vàng
Bù nhìn ruộng lúa ẩn tàng mấy ông.
Lắng nghe tiếng dế trải lòng
Nồng nàn hương bưởi ai trồng vài nơi.
Chân trần dẫm cỏ rong chơi,
Cánh diều no gió vui trời tự do.
Trẻ ngồi đủng đỉnh lưng bò,
Ngắm tìm trái chín reo hò trèo cây…
Bao đời kẻ đắp người xây
Quê xưa giờ chỉ còn đây úa tàn.
Nước non mấy thuở lầm than
Cớ sao cay đắng mãi ban cho mình
Trời sinh sen nở đất sình

Minh Tâm


 



27 tháng 7, 2023

BA CÁI THIẾU KINH NIÊN CỦA NGƯỜI GIÀ_BS. Đỗ Hồng Ngọc

 BA CÁI THIẾU KINH NIÊN CỦA NGƯỜI GIÀ

- BS. Đỗ Hồng Ngọc –

 

Tu là phải tập, học là phải hành. Đừng share facebook rồi chẳng làm gì cả. Phải sống thích nghi trong những năm bình thường mới và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Đây là giai đoạn bắt đầu nở rộ sinh hoạt nhóm, cộng đồng trong thế giới phẳng.

 

Chính quyền chỉ tồn tại để duy trì an ninh, trật tự. Con người chỉ phải lo kiếm cơm để sống và 50% còn lại sẽ sống trong thế giới ảo (?).

 

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao!

 

Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây.

 

Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

 

Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không ngờ nhanh vậy!

Thực tế con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình sướng thì không khéo người ta nghi ngờ là có vấn đề về tâm thần!

 

Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

 

* MỘT LÀ THIẾU BẠN!

Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình!.

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

 

Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thỏang tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau.

 

Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandoster one), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!…

 

Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm văn nghệ!

 

* CÁI THIẾU THỨ HAI LÀ THIẾU ĂN!

Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi?

 

Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!

 

Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử.

 

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó!

 

Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là đựơc.

 

Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!

 

Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn.. Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

 

* CÁI THIẾU THỨ BA LÀ THIẾU VẬN ĐỘNG!

Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy!

Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trong bốn bức tường trước TV!.

 

Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

 

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!

 

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…!

 

Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…

Tóm lại, giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng!

 

Bs ĐỖ HỒNG NGỌC

25 tháng 7, 2023

Áo dài trắng cùng với Gió và Mưa _Ara

 Nói đến y phục của phụ nữ Việt Nam luôn dính liền với chiếc áo dài, áo dài đã làm đảo diên bao nhà thơ, nhà soạn nhạc mà tha thướt nhất phải nói đến những chiéc áo dài lụa, là "áo lụa Hà Đông" của nhà thơ Nguyên Sa, bài đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Độc đáo một bài khác ông nói về nét đẹp phát phơ của chiéc áo dài

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay…
(Nguyên Sa)
Lúc Phạm Duy phổ nhạc bài "Ngày xưa Hoàng Thị" của Phạm thiên Thư, ông đã khéo léo khi sửa " Ôm nghiêng cặp sách,Vai nhỏ tóc dài" thành "Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay" làm nổi bật cái đẹp của tà áo dài.
Phạm thiên Thư cũng có viết thêm trong "động hoa vàng" là
Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ.
Nguyễn tất Nhiên là hiện tượng thi ca một thời, những bài thơ của ông hay được những nhạc sĩ phổ nhạc, cũng có lần ông diễn tả chiếc áo dài
Đài các chân ngà ai bước khẽ,
Quyện theo tà lụa cả phương đông .
(Nguyễn Tất Nhiên)
Lần khác hắn được đọc một bài thơ khác của nhà thơ Quảng Nam Đinh vũ Ngọc, ông đã làm tăng vẻ gợi cảm trong bài"Chiếc áo dài Việt Nam"
    Chiếc áo quê hương dáng thướt tha
    Non sông gấm vóc mở đôi tà
    Tà bên Đông Hải lung linh sóng
    Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa
    Vạt rộng Nam phần chao cánh gió
    Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà
    Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực
    Hương lúa ba miền thơm thịt da

Lúc bắt đầu học về thơ mới về thi ca lãng mạn, học sinh nào cũng biết đến, cũng thuộc vài ba câu của Huy Cận khi ông say mê áo dài trắng.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng, em đi đến.
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.
Trong lãnh vực âm nhạc, một thời những ca khúc tiền chiến được học sinh, sinh viên ái mộ, thích những bài ca ngợi áo dài như bài "Tà áo xanh" của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. 
Ngày hắn còn ở trong quân trường Thủ Đức, tối hay vào quán café nghe nhạc, lần nào vào quán cũng được nghe bài hát của Hoàng Trọng (Ngàn thu áo tím) nên cũng có nhiều cảm xúc .....
    Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
    Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
    Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
    Tháng năm càng lướt mau
    Biết bao giờ trông thấy nhau..
Chiếc áo dài trắng phối hợp cùng với Gió và Mưa là vũ khí "Giết người trong mộng" êm ái và ngọt ngào nhất.
Hắn thích bài thơ của Trần trung Đạo khi nói đến chiếc áo dài ướt mưa
Em về phố Hội chiều mưa lớn,
Dáng ngọc ngà phơi dưới lụa hồng
Đọc hai câu này chỉ thấy cái đẹp, cái hình ảnh lãng mạn hơn là gợi cảm như nhiều hình ảnh khác trên fb .
Ara


Áo dài trắng và Gió


Đài các chân ngà ai bước khẽ
Quyện theo tà lụa cả phương đông
(Nguyễn Tất Nhiên)



Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay…
(Nguyên Sa)







14 tháng 7, 2023

VTM # 126_Kỷ Niệm Buồn_Tâm Quả

 


Sông Tương bên Trung quốc

Xướng:

Kỷ Niệm Buồn

Dầm mưa thuở ấy một ngày
Trong tôi hình bóng đến nay hãy còn
In sâu trong trái tim buồn
Nhớ từng khoảnh khắc tỏ tường bên nhau
Nõn nà vóc ngọc mắt nâu
Tuổi xuân chưa tỏ mộng đầu ươm mơ
Cơn mưa cuốn đứt đường tơ
Em đi biền biệt bỏ bờ sông Tương
Bỏ bằng hữu bỏ lớp trường
Bỏ anh giây phút yêu thương để rồi
Cả đời vương lệ mây trời
Buồn dòng nước xoáy thân người hồn ta
Ngước trông cánh nhạn bay xa
Nhớ em chợt giọt nước nhòa đôi mi.
Tâm Quã

Họa 1:

Đường Tu

Dầm sương giải nắng bao ngày

Lênh đênh mệnh bạc đến nay hãy còn
Dang tay chấp nhận chẳng buồn
Nghiệp căn nhân quả am tường với nhau 
Hằn sâu trong ánh mắt nâu
Niềm tin Đạo Pháp ngẩng đầu không mơ
Dù ai rót mật đường tơ
Thiền sinh chánh định đến bờ Tiêu Tương
Đường tu như bãi thao trường 
Đớn đau vấp ngã vết thương qua rồi 
Sinh ra đứng dưới bầu trời 
Gian truân sướng khổ có người có ta
Tri âm bè bạn gần xa 
Tịnh tâm lắng đọng nhạt nhoà ướt mi
THT

Họa 2:

Số Phận

Thời gian luân chuyển mỗi ngày

Biết bao lưu luyến đến nay vẫn còn
Trải qua sóng gió chẳng buồn
Chung lưng đấu cật am tường cùng nhau
Nhìn đời không chút gợn nâu
Quyết tâm kết tóc bạc đầu mộng mơ
Tưởng đâu nguyệt lão xe tơ
Ai ngờ bỏ ngõ bên bờ mạch Tương
Lao đao lận đận tình trường
Thời gian mộng mị yêu thương hết rồi
Đừng than oán trách ông trời
Đó là số phận kiếp người của ta
Hết duyên nên phải lìa xa
Hoàng hôn ảo não nhạt nhòa bờ mi
PTL
Chú thích:
Mạch Tương: nước sông tương chảy không dứt. Ý nói nước mắt tuôn chảy không ngừng.
Theo truyền thuyết thì vua Thuấn 
(Đế Thuấn 帝舜), cũng gọi Ngu Thuấn 虞舜) có 2 bà phi: Nga Hoàng 娥皇và Nữ Anh 女英.
Khi nghe vua Thuấn mất ở sông Tương, hai bà đến đó khóc rồi tự vận.
Câu 237 và 238 trong truyện Kiều:
Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã đào mạch Tương

Họa 3:

Chánh Niệm

Quay về chánh niệm mỗi ngày
Nguyện cầu nghiệp lực tiêu tai chẳng còn
Thân người ai cũng vui buồn
Giữ tâm thanh tịnh tỏ tường cùng nhau
Mặc vào chiếc áo màu nâu
Trang nghiêm giới luật không sầu mộng mơ
Nhủ lòng cắt đứt dây tơ
Hướng tâm tu niệm xa bờ sông Tương
Hồng trần như bãi chiến trường
Đắm trong lục dục sắc hương phai rồi
Có thân trong cõi đất trời
Con đường đạo lý mọi người cùng ta
Sống chung pháp hội không xa
Đi vào thiền định khép hờ đôi mi
Hương Lệ Oanh VA
July 5th 2023

Họa 4:

Tình Nhớ

Mưa bay nắng dệt tháng ngày
Sông tình chưa cạn bến nay vẫn còn
Bằng lăng hoa rủ tím buồn
Vườn xưa lối cũ chưa tường hỏi nhau
Bồng bềnh vai xoả tóc nâu
Gió đưa trăng lượn bên đầu suối mơ
Vì đâu phím lỗi chùng tơ
Vòng tay dang dở dỗi bờ cung tương
Anh say về chốn sa trường
Quên bao kỷ niệm nhạt thương lỡ rồi
Chiều đan mây xám giăng trời
Quay cuồng biển nhớ hỡi người trong ta
Núi xanh rừng thẳm trong xa
Trái tim cô quạnh lệ nhoà hoen mi
Kim Trân 

Họa 5:

Mưa Buồn

Mưa sao suốt cả đêm ngày
Vầng dương rạng rỡ xưa nay mất còn
Đã buồn lại cứ thêm buồn
Chỉ ta và bóng bên tường có nhau
Không gian nhoè nhoẹt sắc nâu
Trời giăng ánh chớp ngẫng đầu tỉnh mơ
Thân tằm mòn mỏi buông tơ
Hồn xưa dẫn lối đến bờ tiêu tương
Ngẩn ngơ trăm nỗi đoạn truòng
Trào dâng hoài cảm tiếc thương cũng rồi
Ước gì vẹt ngút mây trời
Để trăng lấp loáng soi người rọi ta
Nước mang bong bóng trôi xa
Hạt mưa hoà lệ nhạt nhoà bờ mi

Minh Tâm

Họa 6:

Một Thời Để Nhớ
Năm xưa đau khổ từng ngày
Ngậm ngùi cay đắng tới nay vẫn còn
Lặng nghe khúc hát tình buồn
Hẹn mai tâm sự tỏ tường nhìn nhau
Em thơ tuổi ngọc tóc nâu
Tình yêu chưa trải tình đầu chưa mơ
Ai làm cho đứt đường tơ
Em ngồi hong nắng bên bờ Tiêu Tương*
Xa bạn hữu bỏ ngôi trường
Xa vùng kỷ niệm người yêu đâu rồi
Tàn binh cải tạo Cổng Trời**
Vùi thây mộ lạnh có người bạn ta
Rừng chiều hoàng hạc xa xa
Trông về quê mẹ lệ nhòa ướt mi!
Nguyễn Cang
Jul. 04, 2023
*Tiêu Tương: Một hình ảnh ước lệ trong văn chương.
“Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương, Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng”.
( “Chinh Phụ Ngâm”, Đặng Trần Côn)
**Cổng Trời: một trại cải tạo thuộc tỉnh Hà Giang ( Bắc Việt), sát biên giới Trung Quốc.


Tân nhạc: Ai về sông Tương
Tác giả: Thông Đạt
Ca sĩ: Hùng Cường








13 tháng 7, 2023

Sinh Nhật Tám Mươi_Xuân Sơn

 

Sinh Nhật Tám Mươi
 
Năm mươi tình nghĩa vợ chồng
Ngọt bùi cay đắng tình nồng ba sinh.
Nhớ xưa lìa xứ lên kinh
Chung lưng đấu cật mưu sinh vượt nghèo
Thoát qua số phận eo sèo
Gắng nuôi con dại lái lèo khổ đau
Thời gian thấm thoát qua mau
Cầu mong được sống thanh cao an nhàn
Thân tâm an lạc vẹn toàn
Nhìn anh vui vẻ an khang tâm hồn
Quây quần bên trẻ tiếng ồn
Bỏ qua tất cả giận hờn vu vơ
Trông ba cháu ngoại ngây thơ
Chúc mừng sinh nhật tám mươi tuổi đời
Xuân Sơn
July 07, 2023

06 tháng 7, 2023

LỖI NHỊP_Nguyễn Cang

 


LỖI NHỊP
Nửa đời một kiếp long đong
Như chòm mây trắng mênh mông giữa trời
Con tàu vượt biển trùng khơi
Tìm em cho hết một đời hư không
  phê ngọt đắng cõi lòng
Niềm vui chưa trọn sầu đông héo tàn
Người đi ngàn dặm quan san
Chim trời mỏi cánh kêu vang tìm về
Tà huy đánh thức cơn mê
Hanh hao ngày cũ còn tê tái lòng
Uống say quên hết chờ mong
Cho đời bớt khổ, cho xong kiếp người
Rừng khuya lạc bước chơi vơi
Chuông chùa vọng tiếng một trời héo hon
Mười năm xa cách mỏi mòn
Bàn tay ngón nhỏ có còn đón đưa?
Đêm tàn trăng khuyết sao thưa
Đàn khua nỗi nhớ người xưa đâu rồi ?!!
Nguyễn Cang
July 05, 2023


02 tháng 7, 2023

Chiều Thu Nhìn Núi Brindabella_Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn

 

Chiều Thu Nhìn Núi Brindabella - Chạnh Nhớ Quê Nhà! - Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn





Chiều nhìn núi Brindabella (*),
Nắng chiều vương nhẹ phía ngàn xa,
Quê Mẹ xa rời bao cách trở,
Nhưng vẫn trong tim chẳng nhạt nhòa!
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Mây bay sườn núi vẫn là đà,
Gợi nhớ quê ta bao rặng núi,
Liên Sơn hùng vĩ thoáng chợt qua.
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Mưa chiều hiu hắt nhẹ xa xa,
Quê hương cảnh cũ vương niềm nhớ,
Thương maĩ Trường Sơn bóng chiều tà,
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Gió về se lạnh nỗi niềm xa,
Chứa Chan sương phủ trên sườn núi,
Khỏi chiều vương tỏa mái tranh xa.
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Sương chiều thấm lạnh ướt lòng ta,
Bà Đen núi đó lòng vương vấn,
Nhang khói nguyện lòng tháng ngày qua.
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Lá rơi phủ kín buổi chiều tà,
Thoáng hiện Vũng Tàu vùng biển nhớ,
Nha Trang yêu dấu nét đẹp thơ!
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Nhớ hoàng hôn đẹp đất quê ta,
Đà Lạt vẫn buồn chưa trở giấc,
Chiều buông sương phủ kín mái nhà.
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Nhớ chiều sánh bước dạo Mỹ Tho,
Trường Nguyễn, trường Lê còn nhộn nhịp,
Sông Tiền nước vẫn đục phù sa?
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Nhớ về Mộc Hoá thoáng ngày xưa,
Kiến Tường trường cũ, thầy, cô, bạn?
Núi Đất còn ghi dấu chân ta?
Chiều nhìn núi Brindabella,
Bóng đêm buông xuống tím màu ngà,
Nhớ đêm sương lạnh sông Vàm cỏ,
Gió ơi! Xin gửi nỗi lòng ta!
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Khí lạnh lòng ta vẫn mặn mà,
Vẫn còn vương vấn niềm u uẩn,
Chạnh nghĩ ngay về cũng còn xa!
 
Chiều nhìn núi Brindabella,
Trời xanh, may trang thật bao la!
Chim bay về to tìm hơi ấm,
Riêng ta vẫn lạnh chon phương xa!
 
Xa quê đã hai mươi năm lẻ,
Xin gửi quê nhà nỗi xót xa,
Những mong hôn vào lòng đất Mẹ,
Cho thỏa bao phen nỗi nhớ nhà! 

MAI KHÁNH THƯ - PHẠM DOANH MÔN
(Canberra - Australia, cuối thu 2021)

* Ghi chú:

- Brindabella là tên một rặng nui dài bao bọc chung quanh thủ đô Canberra - Australia.

- Liên Sơn là tên gọi tắt của dãy núi Hoàng Liên Sơn ở miền Bắc - Việt Nam, trong đó có ngọn núi Phăng-Xi-Păng cao nhất Việt Nam.

- Trường Sơn là tên rặng núi dài dọc theo miền Trung Việt Nam.

- Chứa Chan là tên một ngọn núi thấp ở vùng Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai.

- Ba Đen là tên một ngọn núi thuộc tỉnh Tây Ninh, trên đó có ngôi chùa linh thiêng, hàng năm có nhiều thiện nam, tín nữ đến kính viếng.

- trường Nguyễn, trường Lê: tên tắt trường trung học Nguyễn Đình Chiểu và nữ trung học Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho.