CHA TÔI
( Hình chụp song thân lúc tuổi 70)
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ở cái
tuổi gần đất xa trời, tôi mới viết về
người cha yêu quý của mình cũng nhân ngày Father’s day, như nén hương lòng kính
dâng lên người quá cố đã hy sinh cả đời cho tôi. Tuổi thơ của tôi không may mắn
như những đứa trẻ khác , có thể nói là một bất hạnh ngay từ lúc tôi mang tiếng
khóc chào đời !
Lúc 6 tuổi sống chung với cha mẹ ở
vùng bất an ninh , tánh mạng của ba tôi bị đe dọa thường xuyên do hai thế lực
kình chống nhau quyết liệt là Cao Đài và Việt Minh. Việc nầy lại đe dọa tới
sinh mạng của tôi thế mới gọi là oan khiên địa tạng !Họ (?) tìm cách giết ba
tôi nhưng may mắn đêm đó ba tôi vắng nhà, họ kề súng vào đầu tôi bảo : “ba mầy
trốn thì mầy phải thế mạng “ . Trong tích tắc cận kề cái chết bỗng tên cầm đèn
pin gạt khẩu súng tên kia qua một bên, chúng lùng sục một hồi rồi biến mất
trong màn đêm đen kịt. Như vậy là Trời đã cứu tôi !Từ đó cứ chiều đến là má tôi
dẫn tôi vào rừng để trốn chạy kẻ săn người . Vào rừng không mền chiếu, không
mùng che muỗi nên chưa đầy 2 tháng tôi bị muỗi đốt , bị sốt rét trầm trọng tưởng
chết. Thấy vậy má tôi không vào rừng trốn nữa mà gởi tôi ở đậu nhà bà con làng kế bên, hơn một năm sau tôi lưu lạc xuống
Trảng Bàng. Chắc có bạn thắc mắc: Làng gì mà ghê gớm như vậy? Xin thưa đó là
làng Rừng Da, xã Lợi Thuận, quận Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh ( sát biên giới
Campuchia) thời điểm 1945-1954 . Ở Trảng Bàng ông dượng ( Thầy Lý) xin cho tôi
vào học lớp tư ( lớp 2 bây giờ), được gần 1 năm thì tôi bị bịnh “ban cua” tưởng
chết, bà cô lật đật nhắn về quê bảo má tôi xuống Trảng Bàng gấp để chở tôi về
quê chôn vì đêm qua tôi bất tỉnh không cục
cựa. Chưa đầy 1 ngày mà má tôi đã xuống tới Trảng Bàng chở tôi về quê chôn. Một
lần nữa ông Trời lại ra tay cứu tôi. Tôi không chết, má tôi vào xóm trong hốt
thuốc nam cho tôi uống, được 10 thang thì tôi hết bịnh ! Sau khi hết bịnh tôi trở
lại Trảng Bàng học tiếp, cũng nhằm lúc bãi trường, sang năm học mới, cô Chi
chuyển tôi sang lớp tư do thầy Cón phụ trách. Tôi học lớp tư 2 năm, sau đó tôi
chuyển về Tỉnh Tây Ninh nhờ ba tìm được
việc làm ở Nhà Đèn tỉnh lỵ. Ba má cương quyết bỏ lại nhà cửa ruộng vườn,
ra đi tìm vùng đất hứa xây dựng lại cuộc mới ở tỉnh lỵ Tây Ninh. Cuộc sống
bây giờ tương đối dễ chịu, cha mẹ anh em sum hợp một nhà!
Nhưng cũng từ đây tôi cảm thấy lo sợ vì ba tôi thường đánh tôi liên tục do bất
cứ lỗi lầm lớn nhỏ gì cũng không tha. Ba tôi đánh tôi bằng roi mây mua ở chợ, mỗi
lần má tôi mua 4,5 cây. Ba tôi chỉ đánh mình tôi thôi vì tôi là con trai cả,
các chị và em ít khi bị đòn. Khi nào roi gãy hết thì mua cây khác. Mỗi lần bị
đòn tôi la hét kinh khủng vì đau đớn, những lằn roi hằn những vết máu , tôi
cong người chịu đựng hết 15 roi còn giam
lại 5 roi.Lúc ấy tôi thương má tôi vô cùng, bà lúc nào cũng thủ sẵn chai cù là
Mac -Shu, khi dứt trận đòn, bà kéo quần
tôi xuống thoa thật nhanh vào những vết thương đau điếng !Tôi không hiểu tại
sao ba tôi lại đánh tôi dữ dội như vậy ? Không biết có người nào khác bị đòn
như tôi hôn? Có 2 trận đòn mà tôi nhớ mãi không quên. Lần nhứt tôi leo xuống hồ
cạn công cộng bằng xi măng của nhà máy nước, bắt cá thia thia,tôi tưởng đây là
cá thiên nhiên, ai ngời có người nuôi cá
trong đó, họ mắng vốn ba tôi, tôi bị một
trận đòn nhừ tử , má tôi xức gần hết
chai cù là mà tôi vẵn không đứng dậy nổi ! ( lúc nầy tôi đang học lóp nhứt, lớp
5 bây giờ). Lần thứ nhì là lúc ba tôi chuyển sang làm thơ ký ở Tòa Hành Chánh
Tây Ninh. Chánh phủ cấp cho một căn nhà , phía sau có một khoảng đất trống, tôi
dọn đất trồng đu đủ, rau cải nhưng con ông trưởng ban kinh tế ( Trần Văn X.)
nhà gần đó ra can ngăn không cho , anh ta nói phần đất đó của anh ta xí trước rồi
, tôi cãi lại , anh ta vào méc ba tôi, tôi bị một trận đòn sanh tử ! Ba tôi
đánh tôi bằng bàn tay cứng ngắt vào đầu, tôi ngã ngữa ra sau, té nhào !Chị tôi sợ
hãi bảo tôi xin lỗi ba, tôi tức giận : “Em không có lỗi gì hết, con cái nghèo khổ thiếu thốn như thế nầy không phải lỗi tại con mà do cha mẹ!” Ba tôi
nhảy tới đánh tiếp, tôi lăn ra ngoài, bỏ bữa cơm chiều ( lúc nầy tôi đang học lớp
sáu, gia đình có 7 người con, ba tôi làm việc vất vã mà đồng lương thì thấp nên
thiếu thốn mọi bề.Ngoài ra còn bị sai vặt,
chèn ép đủ điều khiến ba tôi buồn bực sinh quạu với con cái ! ).Ba tôi bị mặc cảm thua kém bà con họ hàng,
bè bạn, về nhiều phương diện, nên thường xử ép con cái. Hiểu được trạng thái tâm lý nầy, tôi không còn giận ba nữa, đồng thời rút ra được
bài học kinh nghiệm : Muốn sống vinh quang phải tự mình phấn đấu vươn lên…
Đến đầu năm đệ ngũ, tôi không còn bị
đòn. Tuy vậy vẫn có khoảng cách giữa cha con trong nhà .Ba rất nghiêm khắc với
con cái, chúng tôi rất sợ ba nên có việc
gì nan giải cũng không dám hỏi ý ba hay tâm sự điều chi . Thằng em kế tôi đang
học đệ nhất công lập Tây Ninh bỗng dưng bỏ học, đi lính mà không báo cho ba tôi biết, tôi thấy
ba trầm tư, buồn bã không nói ra lời .Ông trở nên đăm
chiêu, sống lặng lẽ, không còn tiếp xúc với bạn bè. Tôi thấy thương ba tôi nhiều
hơn, ông rất cô đơn trong những năm tháng cuối đời.
Năm 1959 tôi thi rớt THĐIC, ba tôi
sợ tôi bị bắt quân dịch ra chiến trường Miền Trung nguy hiểm nên cho tôi xuống
SG học luyện thi THĐIC và TT. Gia đình lúc nầy đã nghèo khổ lắm rồi , chưa có đứa
con nào đi làm để giúp thêm tài chánh. Nay ba phải trích ra một số tiền lớn cho
tôi ăn học, thật là một hy sinh cao cả, tôi nhớ ơn ba và cảm động vô cùng.Năm
1963 tôi thi đỗ vào trường SPSG, phải học trong 2 năm, tôi rất ái ngại vì làm sao ba tôi có đủ tiền nuôi tôi trong 2 năm?
Vậy mà ba tôi làm được nhờ đóng góp tiền bạc của người chị thứ ba ( chị mới đi
dạy, chưa lập gia đình) . Rồi thời gian qua mau tôi ra trường về dạy học tại Gò
Công, sau đó đổi về SG , tôi vừa dạy học vừa cắp sách tới trường, kết quả khả
quan: tôi đậu liên tiếp các văn bằng tú tài II ban Toán, Khả Năng SP trung cấp SG,
và cử nhân Đại học Văn Khoa SG cũ, đồng
thời chuyển ngạch giáo sư. Được tin tôi thi đậu ba mừng lắm .Ba mãn nguyện vì
thấy đứa con trai khù khờ năm xưa nay đã thành công trong cuộc sống, và mặc dù nhiều
khó khăn chồng chất nó vẫn kiên trì dùi mài kinh sử, làm gương tốt cho những đứa
em sau nầy tiến lên ! Năm 1972 ba về hưu lại mang bệnh nặng phải mỗ
sóng mũi vì bị nghi ung thư.Giữa thành phố SG bao la biết nơi nào mà trị bệnh?
Tôi đưa ba vào bệnh viện Nguyễn Văn Học ( Gia Định), may mắn gặp lại người bạn
cũ thuở còn đi học ở trọ nhà Bà Thầy đường Cống Quỳnh ( SG) là bác sĩ Phan Văn
Tường, hiện là Giám đốc Bịnh Viện NVH, kiêm giáo sư đại học y khoa SG, giúp đở tận tình. Dầu xa nhau hơn 15 năm nhưng anh rất
tử tế nhận mỗ ngay sóng mũi cho ba tôi mà không qua thủ tục chờ đợi. Cám ơn bạn
PVT nhé ! Hết bịnh ba tôi rất vui, ba thường hỏi tôi về chuyện nầy chuyện nọ,
tôi cũng vui lây niềm vui của ba.
Sau 1975, gia đình ly tán, tôi ít khi
về lại Tây Ninh thăm cha mẹ. Ba tôi mất trong hoàn cảnh cực kỳ đen tối của thời bao cấp: bàn tủ ghế bán sạch
cũng không đủ tiền mua gạo, con cái tơi tả không đứa nào có khả năng mua cho ba
một viên thuốc bao tử, ba phải uống diêm sinh ( sulfur) để trấn thống cơn đau,
kết quả ba bị xuất huyết bao tử mà chết! Một cái chết vô lý, tức tửi, khi ấy tôi cũng vừa đậu phỏng vấn đi Mỹ theo
diện HO ( 1992), một cuộc phỏng vấn đầy cam go, nghẹt thở do chính Trưởng Phái
Đoàn Mỹ trực tiếp hỏi. Ba không còn dịp
đưa tiễn đứa con ra sân bay cũng không
còn cơ hội nhận những thùng quà từ Mỹ gởi về. Ba ơi! Sao ba không ráng thêm vài
tháng nữa để con sang Mỹ rồi, sẽ mua thuốc
gởi về cho ba uống? Riêng má, tôi cũng không gặp bà trong chuyến đi nầy vì sợ
bà đau buồn sinh bịnh, khi vĩnh viễn xa tôi, nên các chị em tôi không cho bà ra
sân bay tiễn tôi . Bà mất sau khi tôi tới
Mỹ được 5 năm .
Mới đó mà hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày tôi rời bỏ đất
nước. Hôm nay tôi yên vị nơi xứ người, trong tuổi già bóng xế, chợt nhớ cha mẹ
anh em thuở hàn vi mà chạnh lòng. Công ơn cha mẹ như trời biển làm sao tôi đền
đáp cho được? Bây giờ còn lại là niềm vui và
hạnh phúc quanh con cháu. Cuộc sống đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần
cũng không thay thế được niềm nhớ khôn nguôi về cha mẹ trong những ngày bần hàn
nơi quê nhà. Con báo tin vui cho ba má biết, những đứa con của Thanh, Trung, Điệp
đã vào đại học cả rồi, hứa hẹn tương lai tươi sáng trước mắt. Thanh, Trung còn
nhắc : lúc ở Rừng Da nó theo má vào rừng xắn măng, gặp mấy trái đạn chưa nổ nằm
gần một hố bom tổ bố mà hết hồn ! Nó nói tiếp : “Phải chi ông bà nội còn sống
nó sẽ chở ba má đi chơi, vào nhà hàng ăn
uống thả giàn cho bỏ những ngày đói rét năm xưa” . Riêng con không thể nào quên
được, lúc nhỏ, nhà mình nghèo đói cực độ, có khi chan cơm bằng nước mắt…
Một nén hương lòng kính dâng Ba Má
nhân ngày lễ Father’s Day! Ba Má ơi! Con thương nhớ Ba Má vô cùng Ba Má biết
không?
Nguyễn Cang