30 tháng 8, 2023

VTM #129 Tan Tác_Hương Lệ Oanh VA

 




Xướng:

Tan Tác
 
Thuở ấy ra đi chẳng hẹn về
Bao năm biền biệt mãi lê thê
Nhớ thương tan tác sầu nhân thế
Man mác nỗi niềm nhớ đến quê
Thầm kín chơi vơi nghe biển khóc
Bơ vơ lặng lẽ ngắm trăng thề
Quê hương để lại buồn muôn thuở
Thoát khỏi ngông cuồng ngọn sóng mê
 
HƯƠNG LỆ OANH VA

 Họa 1:

Duyên Quê

Gió lòng bỗng chạnh chẳng sao về
Xa vắng dạ chàng mãi hiểu thê
Kẻ ở người đi sầu vận thế
Tình xưa lối mộng nhớ duyên quê
Thầm thì thu vọng nghe đời khóc
Lác đác mưa sa ngắm bóng thề
Ngẫm lại không chi buồn vạn thuở
Tương phùng hát khúc ngọn tình mê

 Kim Trân 

Họa 2:

Ra đi

Ra đi chẳng biết lúc nào về

Hiện tại cuộc đời quá thiết thê
Cơ cực thăng trầm trong cuộc sống
Gian truân vất vả phải lìa quê
Đối đầu nghịch cảnh nhiều trăn trở
Gìn giữ lòng son với nguyện thề
Xứ lạ phồn hoa nhiều cám dỗ
Can trường vững dạ với đam mê 

PTL 

Thiết thê: đảo ngữ chữ thê thiết. Đây là từ xưa trong văn chương, nghĩa là thê lương và thảm thiết

Chuyện Hai anh em trong tác phẩm Chân trời cũ, (NXB Nguyễn Hà, Hà nội năm 1942), Hồ Dzếnh viết:
Tôi nhớ nhất cái dáng điệu vừa quỳ vừa khóc của chị dâu tôi, và tôi thấy buồn một nỗi buồn thê thiết quá 

Họa 3:

Sầu Ly Hương

Tâm tư nặng trĩu lúc chiều về 

Xa xứ người đi buồn thảm thê
Nào phải ta đây thằng yếm thế 
Ai ơi chỉ bởi nặng tình quê
Bao năm dồn nén mà chưa khóc
Hé mở vành môi nhớ ước thề 
Giặc cướp gieo đau sầu vạn thuở 
Chôn vùi đất Mẹ chốn u mê

THT

Họa 4:

Buồn Xa Xứ

Chia tay ngày ấy mất đường về
Đất khách quê người buồn thảm thê
Nhớ mẹ thân gầy rầu thắt ruột
Thương cha tuổi hạc hận xa quê
Bao mùa xuân đến không còn biết
Mấy độ thu sang chẳng trọn thề
Mây trắng xây thành ôi biệt xứ
Chốn quê nhà, giận kẻ u mê !

Nguyễn Cang

Họa 5:

Hoài Hương

Làng xưa yêu dấu mãi mong về
Bao thuở đổi dời quá thảm thê
Sóng nước cuốn trôi bờ bến cũ
Phù sa vun đắp ruộng vườn quê
Thoáng nghe tiếng sáo khơi hoài cảm
Dường nhắc lòng ai giữ ước thề
Năm tháng dần trôi đầu nhuốm bạc
Niềm thương nỗi nhớ thấm cơn mê

Minh Tâm

Họa 6:

Quốc Quốc Ngoài Song


Ngày ấy người đi kẻ trở về
Ngược xuôi tan tác cảnh phu thê
Ra đi nhớ mẹ buồn thân phận
Ở lại thương mình tủi nghiệp quê
Trí giả hiền tài khôn tế thế
Thương gia tỷ phú cũng buông thề
Chỉ ông quốc quốc ngoài song cửa
Dằng dặc từng đêm tĩnh đến mê

Tâm Quã


29 tháng 8, 2023

Hai Anh Em_Hồ Dzếnh

 



Nếu cứ bình tĩnh vất hết những thành kiến trong óc đi, nếu xóa bỏ những sự bất bình nhỏ nhặt đi, cái người tôi thương nhất không ai ngoài anh Cả tôi.

Chúng tôi xung khắc nhau như chưa từng hai anh em nào xung khắc đến thế. Tuy nhỏ, nhưng bao giờ tôi cũng giữ phần thắng, không phải vì tôi át được anh tôi, mà vì quanh tôi vô số là người bênh vực. Vững vàng trong sự che chở của mẹ và các anh chị, tôi bĩu môi nhìn cái nắm đấm hằn học của anh đưa lăm lăm ra trước mặt tôi, nắm đấm mà anh thường hà hơi cho nóng hôi hổi lên để dọa.

Đó là chuyện ngày nhỏ. Tôi không muốn nhớ lại những cái gì vặt vãnh nữa. Tôi chỉ viết ra đây vì sao trước kia giữa hai anh em tôi vẫn ngấm ngầm một sự hằn học.

Anh tôi sướng từ trong bụng sướng ra. Ba tôi nưng niu anh hơn nưng trứng, ngỡ rằng mẹ tôi chỉ sinh có một mình anh là hết. Bất ngờ, bảy năm sau, anh Hai tôi ra đời. Ba, mẹ tôi thu dần cái tình thương ban quá nhiều cho anh để bắt đầu nghiêng lòng xuống người con thứ. Sau đấy ít lâu, tự nhiên lại có tôi. Đến tôi thì tình thương đã vợi. Mẹ tôi thu nhặt những cái gì là âu yếm đắp điếm vào tôi, đắp điếm một cách vội vàng nhưng tha thiết vô cùng. Đó là thứ tình thương dồn dập bất chấp cả lời kháng nghị của trời đất, bất chấp cả những nết xấu của thằng con.

Anh tôi thường bị người mắng, mỗi lần có chuyện kèn cựa với tôi:

- Mày thì ăn như vẹm ấy, sung sướng bao lâu nay chưa chán hay sao mà còn bắt nạt nó?

Anh Cả tôi lùi lũi bước lại sau lưng mẹ tôi, giơ nắm đấm lên ngấm ngầm bảo tôi:

- Mày cứ ra đây với ông!

Nhưng có bao giờ tôi lại ra dại như thế. Tôi bảo mẹ:

- Mẹ kìa! Anh Cả anh ấy dọa đánh con, kia kìa!

Mẹ tôi quay lại nhìn anh, thì tinh ý, anh đã xòe bàn tay ra, phụng phịu:

- Nó nói điêu mà mẹ cũng nghe!

Mỗi lần ba anh em chúng tôi ngủ chung với nhau là một dịp tốt cho anh Cả tôi báo thù. Anh cấm tôi ngáy, tôi đạp, mà hễ ngáy và đạp thì “đừng trách”. Tôi nằm ở giữa hai người anh, một cây tre con nằm ở giữa hai cây cột. Cây cột thứ nhất bảo cây cột thứ nhì:

- Này, Hai tương cho nó mấy cú, mày!

- Tội nghiệp nó, anh ạ. Nhỡ nó be lên thì nguy đấy!

Tôi vin ngay vào câu nói hòa giải của anh tôi mà mếu máo:

- Được, cứ chạm vào em mà chơi. Em khóc lên cho mà xem.

Đêm nằm, tôi không dám thở, không dám co và duỗi. Những đêm như thế, tôi thấy kiếp sống là khổ sở, anh em là những đồ tồi.

Ngoài những tính nóng nảy, bạ miệng, anh Cả tôi còn được một cái tính thứ ba rất đáng chú ý: tính mê gái.

Văn thơ của các báo Thực Nghiệp, Nam Phong, Nông Công Thương hồi ấy được anh trân trọng chép ra và thuộc lòng như cháo. Anh mê hơn điếu đổ một người con gái bên cạnh nhà, và người này cũng như anh, cũng thích thơ một cách nông nổi. Không một bức thư nào anh tôi không đặt lên ngay đầu một bài vè để phá đề.

Đại khái đều là:

“... Đường lên ga lắm cát mát chân,

Cô em bóng bẩy làm chi.

Để cho quân tử sớm đi, tối về.”

Người con gái cũng đáp lại bằng một điệu như thế:

“Bắc thang lên hái hoa vàng.

Vì ai cho thiếp với chàng quen nhau.”

Năm ấy, anh tôi ngoài hai mươi tuổi, mới bập bẹ biết viết và tập đọc quốc ngữ Việt Nam. Cuộc tình duyên vụng trộm kia, chỉ có tôi biết rõ hơn ai hết, vì tôi được anh giao cho cái trọng trách là đưa thư, với số tiền thuê ba hào một chuyến. Cứ mười bức thư, tôi chỉ giao có bốn, còn bao nhiêu đưa cả cho anh Hai tôi để đọc chung với nhau cho vui. Với cách chuyền tay ấy, không bao lâu mẹ tôi biết chuyện, cả nhà người con gái biết chuyện. Mẹ cô ta cong cớn:

- Con tôi có phải lá ngọc cành vàng đâu mà thằng con bà cứ nay trêu, mai ghẹo. Có lấy được thì cứ hỏi, việc gì mà hẹn hò cho mang tiếng.

Mẹ tôi phải xin lỗi mãi mới êm chuyện, rồi gọi anh tôi vào trị tội. Không bao giờ tôi quên được cái thùng nước đặt trên đầu anh tôi, mà cứ mỗi giọt rơi ra ngoài là một roi phết quắn đít. Mẹ tôi bắt anh lạy, bắt thề từ nay không được vượt lễ nghi như thế nữa. Anh tôi vâng dạ luôn miệng và sau khi được mẹ tôi cho phép đứng dậy đi chơi, anh nắm ngay quả đấm, đi sướt ngang mặt tôi, hằm hằm:

- Hừ! Mày làm hại ông, liệu!

Tôi biết lỗi nên im lặng. Bắt đầu từ đấy, tôi tránh anh tôi như tránh tà. Giữa chúng tôi, không có một cuộc hội kiến nào, nếu không có mẹ tôi dự thính. Những hôm mẹ tôi đi đâu, tôi xem ý anh có vẻ xun xoe lắm. Anh liếc tôi, lườm tôi, vừa dận gót giầy vừa cười khẩy. Hai tháng qua, tôi chưa bị anh đánh lần nào, bởi tôi trốn rất giỏi. Hai tháng qua và một hôm, đột nhiên bước vào buồng riêng, tôi giật mình thấy anh bưng mặt khóc. Anh đưa cặp mắt đỏ ngầu nhìn tôi, như người nhìn một kẻ thù địch. Tôi toan rú lên, lui ra, thì anh tôi nức nở:

- Em làm hại anh! Em làm anh chết mất! Liệu hồn mày!

Tâm thần xúc động, tôi tiến lại gần anh, quên cả sự đề phòng, dịu ngọt:

- Em trót dại, anh tha lỗi cho nhé. Để bắt đầu từ ngày mai, em lại đưa thư cho anh. Anh nín đi, anh ạ.

Anh tôi mếu máo:

- Đưa cái đầu mày nữa. Nó đi... lấy chồng mất rồi!

Tôi bàng hoàng như chính mình là vai chính trong truyện, chính mình vừa thấy vỡ cái hạnh phúc tốt đẹp nhất đời. Bây giờ, những cuộc chia rẽ giữa các người con gái khác và tôi càng khiến tôi nhớ đến cái đau khổ ngày nào của anh tôi. Với một chút hối hận ấy, tôi cũng đã sẵn lòng tha thứ những hành vi ngông dại của anh tôi đối với tôi rồi.

Như trên kia tôi đã nói, chúng tôi xung khắc nhau như chưa từng hai anh em nào xung khắc đến thế. Anh Cả tôi chỉ chơi với anh Hai tôi, và mỗi khi phải đem tôi đi đâu, anh cho là một sự bực bội nhất. Anh thường bảo:

- Nó nhác, nó tồi thế mà ba mẹ cũng yêu được.

Ngày nhỏ, anh Cả tôi có tính lấy vắng mặt tiền, ta gọi nôm là ăn cắp. Một lần, anh tiện tay thủ một bánh thuốc lào bỏ túi áo, ra ngoài bán cho các trẻ khác để đánh đáo. Mẹ tôi biết chuyện, trói anh vào cây cột, lấy roi đánh túi bụi.

Anh Hai tôi cuống cuồng lên, chạy vòng quanh người anh vừa đỡ hộ roi, vừa khóc:

- Lạy mẹ! Mẹ đừng đánh anh con nữa. Con biết chỗ anh giấu thuốc lào rồi, để con lấy đưa mẹ.

Nói xong, anh ôm quần chạy ra vườn lấy cái tang vật giấu dưới hai tàu lá chuối phủ kín lại.

Câu chuyện trên kia làm tôi cảm động lắm. Tôi ân hận mãi sao mình không hào hiệp, che chở cho anh Cả tôi như thế. Nhưng từ đấy, anh tôi không thèm lấy vặt vãnh nữa. Đôi khi, tôi định làm thân với anh tôi, thì anh trợn mắt:

- Cút! Ai chơi với mày!

Sau chuyện thất tình tôi kể trên kia được vài tháng, anh tôi sang Tàu học rồi lấy vợ. Mấy hôm trước ngày lên đường, hai anh tôi bàn với nhau những chuyện rất thân mật và rất kín đáo. Tôi có tò mò ghé lại nghe thì họ lại:

- Kín nhá! Chỉ có ta biết với nhau thôi nhá!

Anh Hai tôi gật gù cúi đầu trông có dáng thích lắm. Tôi muốn nói với người anh sắp xa tôi một câu gì thật buồn bã, nhưng tôi không thể nói được. Đôi mắt anh luôn luôn nhìn tôi, mà sự giận dữ để lộ ra hình như bảo: “Tao với mày không anh em gì nữa đâu, đừng có chuyện!”

Ức quá, tôi chạy đến khóc với mẹ tôi:

- Mẹ ạ, các anh ấy không chơi với con.

- Chúng nó không chơi thì thôi, thèm vào! Đã có mẹ!

Tôi nũng nịu:

- Nhưng mẹ không biết nói chuyện.

Sáng hôm sau, anh Hai tôi ở đâu chạy lại bảo tôi:

- Anh Cả bằng lòng chơi với em đấy.

Sung sướng quá, tôi toan chạy lại ôm lấy anh, thì ngạc nhiên tôi thấy anh nức nở khóc. Tuy không biểu nỗi buồn gì đã làm anh xúc động đến thế, tôi cũng cảm thấy một sự tiêu điều hoang vắng xâm chiếm linh hồn. Chúng tôi cùng quên hết thù cũ, cùng ngồi xúm lại với nhau, và ba tấm lòng cùng thông công trong một sự buồn bã tương tự. Chúng tôi nói chuyện bên Tàu, nhắc đến những người xa lạ. Tôi hỏi anh:

- Anh có biết bao giờ về không?

Anh tôi ngoảnh mặt nhìn lên trời, rồi bậm miệng lại, khó khăn lắm mới thốt được ra:

- Hàng năm ấy!

Trùng dương bật ra trong óc tôi, với cảnh dậm trường xa cách. Tôi chớp mi cho nước mắt mắt chảy xuống, rồi cầm lấy tay anh:

- Bao giờ ở bên Tàu về, anh cũng cứ chơi với em nhé!

Anh Cả tôi gật đầu. Tối hôm ấy, chúng tôi cùng ăn cơm và đi chơi với nhau. Tôi hối hận lắm, khi nghĩ đến cách đây mấy tháng, tôi làm cho anh tôi thất vọng. Tôi không hiểu làm sao chỉ ở lúc sắp xa cách, lòng người mới bấu víu lấy nhau, mà lại không là lúc đang sum họp? Hay vì đi là “hơn” chết một ít, đi là “gần như” không trở về?

Tôi còn thấy cả sắc trời hôm đưa chân anh tôi lên tàu, một sắc trời xanh ngắt, bao la, đem vọng lên nền cao những tiếng còi lanh lảnh. Anh tôi mặc bộ quần áo sọc mới, ở túi bên trái dắt một chiếc “mùi xoa”. Tất cả người nhà tôi xúm lại bên anh, mỗi người dặn một câu, tỏ một sự âu yếm.

Lúc tàu chuyển bánh, tôi thấy lòng thắt lại, và mếu máo bảo mẹ tôi:

- Sao mẹ không giữ anh Cả lại cho con?

- Mẹ giữ làm sao được. Anh con phải về đi học chứ!

Từ đấy, ngày sống của tôi trở nên bơ vơ, trong lúc thanh xuân, với tôi, còn là một kho tàng vô tận...

*

* *

Sau bốn năm trời xa cách, anh Cả tôi đã lại trở về. Nhưng những sự vui vẻ tôi hằng đợi ở anh, đã không còn nữa! Anh tôi lớn lắm rồi, gia dĩ lại cồng kềnh một người vợ mới. Kỷ niệm xưa kia, anh tôi không nhắc lại một lần nào nữa. Tình thân ái xưa cũ dần dần bỏ tôi đi, như bóng mây một buổi chiều lửng lơ kéo sang nơi khác. Anh tôi đâm ra cau có, ghen tị với chúng tôi:

- Các chú tây học rồi lo gì mà chả kiếm được nơi no ấm. Còn tôi với ngọn bút lông, chết lúc nào không biết.

Cuộc đời sung sướng của anh tôi đến đấy là hết. Và cũng đến đấy là hết mối tình thân thiết trong buổi ngây thơ giữa ba chúng tôi. Ngày xưa không bao giờ về, vì hỡi ôi! ngày xưa đi là mất. Trong lòng tôi, vết thương mà sự phản bội của thế nhân gây ra tuy lớn, nhưng chưa thấm thía bằng vết thương khơi ra vì sự lãnh đạm của các người nhà.

Xa anh, tôi bắt đầu gần lại chị dâu tôi, một linh hồn Trung Hoa lưu lạc. Cũng vì sự thân cận ấy mà có câu chuyện này, câu chuyện mà tôi nhắc lại với một giọng buồn bã, như người nhắc lại một đoạn đường thiếu êm đẹp trong đời.

Khi sinh hạ thằng cháu đầu lòng, chị tôi phải bệnh căng sữa. Trong nhà không còn ai tiện cho việc vắt cho cái sữa thừa kia vào chén bằng tôi. Tôi vui vẻ, vô tội làm cái việc ấy, và khoe với anh Hai tôi:

- Anh ạ, vú chị ấy đến to!

Bất ngờ, anh Cả tôi đi qua, nhằm lúc tôi hớ hênh nói lên như thế. Anh đứng lại, và không nói, không rằng, tát tôi một cái té xỉu. Câu chuyện ấy đến tai ba tôi. Tôi được người cho gọi lại bên khay tĩnh để dạy nốt cách làm người; ba tôi bảo:

- Đại phàm là em chồng, thì nhất thiết không được vào buồng chị dâu.

- Ơ! Nhưng con vào vắt sữa kia mà!

Ba tôi vớ lấy cái dọc tẩu, khiến tôi mất vía, im lặng. Ba tôi hớp một ngụm nước trà rồi tiếp:

- Tao cấm mày không được bước chân vào buồng chị ấy nữa. Mày không biết chứ luật Tàu cấm ngặt cả em chồng không được nói chuyện với chị dâu. Vừa rồi, mày là một thằng mất dạy.

Tôi xấu hổ quá, lùi lũi bước ra ngoài, thề từ nay không thèm chơi với anh chị tôi nữa.

Ròng rã trong hai ngày sau, tôi đoán biết một sự xung đột nhỏ nổi lên giữa anh chị tôi, và khi ghé mắt qua khe cửa phòng học nhìn sang bên cạnh, tôi thấy chị dâu tôi đương quỳ trước mặt chồng khóc lóc...

*

* *

Chị dâu tôi bây giờ đã sinh được nhiều cháu, và vẫn tận tụy với cảnh dâu con. Không một vết nhơ nào, trong mười sáu năm trời, có thể làm mờ được danh tiết của người đàn bà lìa quê hương kia. Mười sáu năm qua trong một thoáng gió. Anh Cả tôi đã già, chị dâu tôi giữa hai thứ tuổi. Riêng tôi vẫn còn xuân sắc, lòng vui giữa cảnh sa mạc của đời. Tôi vẫn cảm thấy cái rát, cái nóng, gieo mạnh do một bàn tay xương xương lên má tôi, mỗi lần tôi nghiêng xuống thổi bớt những làn bụi vương trên bức họa ngày xưa. Tôi nhớ nhất cái dáng điệu vừa quỳ vừa khóc của chị dâu tôi, và tôi thấy buồn một nỗi buồn thê thiết quá.

Nhưng ngày nay anh Cả tôi đã hiểu và thương tôi rồi. Như thế đã là đủ lắm.

6 - 1940

Chân trời cũ,

NXB Nguyễn Hà, Hà Nội, 1942.

26 tháng 8, 2023

Mùa báo hiếu

 

Nhân mùa báo hiếu, ban biên tập xin kính gởi đến quí đọc giả:


1. Mùa Báo hiếu video do Ngọc Đan Thanh và Chí Tâm trình bày
2. Lời cuối cùng của Thanh Tịnh, phỏng tác từ bài thơ Et s’il revenait un jour của Mauice Meaterlinck
3. Nhưng Sao Mẹ Tôi Cũng Nói Dối _ Mai Khánh Thư & Phạm Doanh Môn

4. Bài cổ nhạc Dòng sông tình Mẹ do Hữu Lộc sáng tác và nghệ sĩ Phương Thúy trình bày.

5. Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ do người Mỹ Kyo York trình bày

Ban biên tập chân thành cám ơn các tác giả đã bỏ công làm video và post trên youtube

1.  Mùa báo hiếu
 


2. Lời cuối cùng


Lời Cuối Cùng

Tác giả: Thanh Tịnh


Rồi một hôm, nếu về, cha hỏi:
Mẹ ở đâu? con biết nói sao?
Con hãy bảo: trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau.
Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ?
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao ?
Con lặng chỉ bình hương khói rẽ .
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao !
Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng ?
Con sẽ chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng, rồi đứng lặng yên .
 Còn mồ mẹ, nếu cha muốn biết ,
Phải hướng nào, con nói cùng cha ?
Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc
Và bên trời chỉ nội cỏ xa !

(Hà nội báo số 5 ngày 5-2-1936
)

 


Et s’il revenait un jour

Tác giả: Mauice Meaterlinck

 

Et s’il revenait un jour
Que faut-il lui dire ?
Dites-lui qu’on l’attendit
Jusqu’à s’en mourir...
Et s’il m’interroge encore
Sans me reconnaître ?
Parlez-lui comme une sœur,
Il souffre peut-être...
Et s’il demande où vous êtes
Que faut-il répondre ?
Donnez-lui mon anneau d’or
Sans rien lui répondre...
Et s’il veut savoir pourquoi
La salle est déserte ?
Montrez-lui la lampe éteinte
Et la porte ouverte...
Et s’il m’interroge alors
Sur la dernière heure ?
Dites-lui que j’ai souri
De peur qu’il ne pleure...
Vous avez aimé cette œuvre, partagez-la !

Maurice Maeterlinck

 



3. Nhưng Sao Mẹ Tôi Cũng Nói Dối! - Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn
Phạm Danh Môn là cựu sinh viên ban Toán Đại Học Sư Phạm Sài gòn 1970-1973

Hình minh họa

Tôi còn nhớ năm tôi học lớp ba, gia đình tôi mới chuyển tới ở khu dinh điền Gò Chuối thuộc quận Kiến Bình, tỉnh Kiến Tường. Mồi buổi chiều tôi thường xin phép bố Mẹ ra một bãi đất trống để cùng các bạn chơi khăng, trốn tìm và những trò chơi khác. Lần đó, có khá đông, chúng tôi chơi trò “Cờ Lau tập trận”. Cũng chia hai phe rõ ràng, vũ khí là những cành cây được bẻ vội gần đó. Không may trong lúc nhập trận, một bạn, tôi nhớ hình như là Tuân (là cháu họ gọi tôi là cậu), có lẽ vì quá hăng say đã làm tôi bị nhiều vết trầy trên mặt, trên cánh tay. Bực mình quá, tôi lấy ngay cành cây đang cầm quất vào đầu Tuân làm Tuân bị chảy máu… Khi về nhà, sợ bị đòn tôi đã nói dối bố tôi là tôi bị trượt chân ngã khi đi ngang một cây cầu khỉ. Bố tôi không để ý và chỉ kêu tôi lấy thuốc sát trùng rửa những chỗ bị trầy. Mẹ tôi đã giúp tôi làm những chuyện này một cách chu đáo… Hôm sau Mẹ gọi tôi và dịu dàng nói: ”Hôm qua con nói dối bố Mẹ. Tuân nói với Mẹ là con chơi tập trận và gây sự đánh nhau với Tuân. Con nói dối bố Mẹ. Nói dối là không tốt con ạ. Từ nay về sau con không được nói dối nữa nghe Môn”. Tôi xin lỗi Mẹ và hứa từ nay sẽ không nói dối nữạ. Kể từ đó, mỗi lần xảy ra chuyện gì tôi thường nói thật với Mẹ và Mẹ tôi rất vui khi thấy tôi làm như vậy 

….Nhưng sao Mẹ tôi cũng nói dối!!!

Mẹ tôi cũng nói dối!!! Vâng đúng vậy, Mẹ tôi đã nói dối ba anh em tôi nhiều lần. Tôi vẫn còn nhớ bốn lần Mẹ đã nói dối tôi và anh em tôị.

Khi anh em chúng tôi còn nhỏ, nhà tôi nghèo nhưng mỗi ngày đi chơ Mẹ đều mua chút quà về cho chúng tôi, khi thì vài cái kẹọ khi thì vài trái cây. Đặc biệt, biết chúng tôi thích ăn mía nên cũng Mẹ hay mua. Về nhà Mẹ tự dùng dao róc mía và tiện ra từng khúc nhỏ và bổ ra cho chúng tôi ăn. Ba anh em chúng tôi ngồi cạnh Mẹ chờ đợi. Khi tớí đầu mặt của cây mía thì thay vì bỏ đi thì Mẹ lại ăn khúc đó! Em Huệ ngây thơ hỏi Mẹ: “Sao Mẹ không ăn khúc kia, khúc đầu mặt cứng và không ngọt, sao Mẹ không bỏ đi?”. Mẹ từ tốn: “ Răng Mẹ còn tốt. Mẹ thích ăn khúc này các con ạ vì càng nhai lâu càng thấy vị ngọt của mía!”. Có thể em Huệ còn bé nên tin điều Mẹ nói nhưng tôi hơi nghi ngờ. Tôi nghĩ Mẹ tôi đã nói dối!

Năm 1966, tôi học lớp đệ tứ (lớp chín bây giờ) ở trường trung học Kiến Tường. Năm đó nước lụt lớn làm ngập các con đường trong tỉnh. Mỗi lần đi học, Mẹ chèo thuyền chở tôi đi và đến giờ tan học lại ra đón tôi về. Có một lần Mẹ chèo thuyền chở tôi đi học. Hôm đó trời mưa lất phất và gió thổi nhè nhẹ. Khi gần tới trường, một chiếc ca nô quân đội chạy băng qua với tốc độ khá nhanh để lại những gợn sóng to làm chiếc thuyền bé nhỏ bị chòng chành. Tôi bị mất thăng bằng và làm rơi chiếc cặp xuống dòng nước. Tôi chới với chồm qua thành chiếc thuyền nhỏ để níu lại chiếc cặp. Chiếc thuyền nhỏ ba lá mất thăng bằng và bị lật.

Mẹ buông chèo và nhảy vội tới để bế tôi vào chỗ mô đất cao. Người tôi run lên vì lạnh. Mẹ vội phủ chiếc áo mưa quanh người tôi và ấp tôi vào lòng để truyền hơi ấm cho tôi. Tôi hỏi Mẹ có lạnh không? Me trả lời rất nhanh: “Không, Mẹ không saọ, Mẹ không lạnh!”. Hôm đó tôi bị trễ một giờ học và Mẹ thì bị cảm lạnh mấy ngày sau đó. Như vậy khi đó chắc Mẹ lạnh lắm nhưng… Mẹ đã nói dối!

Thời gian đó, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt. Điều này đã làm cho đời sống khó khăn thêm. Số lương công chức ít ỏi của cha tôi đã không còn đủ để trang trải cho cuộc sống của gia đình. Mẹ tôi đã phải vất vả đi vào những vùng sâu, nguy hiểm (hình như vùng Long Khốt) để mua hàng mang về chợ Kiến Tường bán thêm kiếm lời. Vất vả lắm nhưng Mẹ vẫn vui khi chúng tôi có thêm được cuốn vở mới hay một bữa ăn ngon hơn. Có lần thấy Mẹ hơi buồn sau một chuyến đi mua hàng. Hình như Mẹ bị mất hàng trong chuyến đi đó. Tôi gạn hỏi, Mẹ chỉ nói qua loa cho qua chuyện: “Mẹ không bị mất hàng, nhưng lần này không mua được hàng rẻ nên không có lời. Đi buôn thì cũng có lẫn này, lần khác con ạ!”. Sau lần đó, tôi không thấy Mẹ tiếp tục đi mua hàng nữa và tôi ngờ ngợ... Mẹ đã nói dối tôi!

Khi tôi lên trọ học ở thành phố Mỹ Tho vì đường xá đi lại khó khăn nên Mẹ khuyên tôi cứ lo học đừng lo chuyện ở nhà. Thỉnh thoảng tôi cũng về thăm gia đình. Lúc này Me tôi hơi yếu và bi chứng huyết áp cao, chú y tá Tánh thường hay đến nhà đo huyết áp và cho thuốc Mẹ tôi uống. Có một lần, Phạm Văn Tuyên, bạn tôi, về Kiến Tường ghé thăm Mẹ tôi và cho tôi biết lúc này Mẹ tôi có vẻ yếu và mệt nhiều. Tôi vội viết thư về thăm Mẹ. Mươi ngày sau Mẹ hồi âm ít dòng cho biết Mẹ chỉ bị cảm nhẹ do thời tiết thay đổi và nay thì Mẹ đã khỏe rồi, huyết áp của Mẹ cũng trở lại bình thường. Tôi yên tâm và tiếp tục chăm chú học nhưng… chỉ hơn một tuần sau, vào một ngày cách đây hơn bốn chục năm. Tôi được tin Mẹ tôi bị đứt mạch máu và qua đời! Vâng, Mẹ lại nói dối tôi và đây cũng là lần nói dối cuối cùng của Mẹ !!!

Đây chỉ là những lần nói dối của Mẹ mà tôi còn nhớ được. Tôi nghĩ, Mẹ còn nói dối anh em chúng tôi nhiều lần nữa.

Để tạm ngưng bài tùy bút này, tôi xin mượn lời hát trong bài “Lòng Mẹ” của cố nhạc si Y Vân. Bài này chắc hẳn ai cũng có thể hát một đôi câu. Tình Mẹ, hai chữ đó càng suy nghĩ tới thì càng không thể ngăn nổi đôi dòng lệ.

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào,

Tình Mẹ tha thiết như dòng suốt hiền ngọt ngào

Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào,

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu …

 

Thương con thao thức bao đêm dài,

Con đã yên giấc, Mẹ hiền vui sướng biết bao

Thương con khuya sớm bao tháng ngày,

Lặn lội gieo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn...

 

Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2021/05/nhung-sao-me-toi-cung-noi-doi-mai-khanh.html

4. Cổ nhạc:

Dòng sông tình Mẹ

Soạn giả: Hữu Lộc

Nghệ sĩ: Phương Thúy 


Đoạn khúc lam giang:

Lòng ngậm ngùi thương  quê .
Bước lãng du con chưa về nơi cố hương.
Dòng sông bến xưa nương chờ
Thương đôi mắt mẹ rưng mờ lệ ứa
Thời gian mòn tuổi xuân
Thương tóc bay, tóc phai dần theo tháng năm
Thời gian mòn tuổi xuân
Nghĩa báo ân con chưa tròn mẹ ơi….


Câu 1:
Lất phất mưa khuya phố thị đèn đêm xa mờ trong lụa trắng.
Con chim vịt từ đâu gọi đàn trong đêm vắng nghe quặn thắt lòng con bao nổi nhớ... quê… nhà.
Chốn quê xưa chắc mẹ cũng đang thao thức đợi chờ.
Đứa con xa trên bước đường phiêu lãng, sự nghiệp chưa thành để mẹ mỏi mòn trông.

Ơn Mẹ sanh thành như biển lớn mênh mông, con tủi phận chưa báo đền câu hiếu thảo.
Mẹ đã vì con rụng mất tuổi xuân rồi, thương tóc bay bay nên tóc buồn điểm trắng.


Câu 2:

Mấy mươi năm mẹ sống đời cô phụ, nuôi dạy đàn con mẹ lặn lội thân cò.
Những đứa con tuổi còn thơ ấu dại khờ.
Nhớ ngày ấy trên bến sông buồn lặng lẽ, mẹ tiển con đi nuôi chí lập thân
.
Bóng chiều nghiêng dáng mẹ cũng nghiêng nghiêng, đôi dòng lệ thay cho lời đưa tiễn .
Con mang theo thiêng liêng tình mẹ đó, có cả nụ cười nước mắt lời ru.


Đoạn khúc lam giang: 

Nhớ lúc con đi ngậm ngùi
Buồn thương mẹ đứng trông theo hoàng hôn dần buông trôi
Tiếng con chim vịt kêu chiều quặn đau
Ngỡ như lời mẹ não nùng gọi con
Đừng quên nơi cố hương.

Câu 5:

Mẹ ơi! con đã về đây sau bao năm dài cách xa thương nhớ.
Lòng mang theo niềm vui hớn hở rằng đứa con xa đã khôn lớn .... nên ...người.
Mẹ đã cho lời ru vững bước vào đời

Chiêu quân: 

Cánh võng không mòn lời ru xưa của mẹ.
Con đi rồi mẹ buồn mẹ đợi
Dòng sông
hiu quanh
Não nùng rơi tiếng chim vịt kêu chiều.

Sao nghẹn ngào Mẹ không nói được thành câu

Có phải mừng vui sum họp

Nước mắt lời ru chan chứa thâm tình


Lý Sâm thương:

Bao tháng năm con đi
Dòng sông chở đầy nổi nhớ.
Xuân đến xuân qua mau,
Sơi tóc buồn
thương tóc mẹ bay
Tình mẹ dành cho con
Lời ru xưa cánh võng vẫn không mòn
Lời Mẹ ru xưa không mòn cách võng
Vững bước vào đời con đã thành nhân
Mẹ mừng nước mắt rưng rưng
Dòng sông tình mẹ có lời ru thâm tình.

5. Tân nhạc:

Bông Hồng Cài Áo

Tác giả: gs Phạm Thế Mỹ

Ca sĩ: Kyo York