24 tháng 11, 2022

VTM 109: Hoa Trinh Nữ_Kim Trân

 




Hoa Trinh Nữ
Nhạc sĩ: Trần Thiện Thanh
Ca sĩ: Quang Lê





Bài xướng:


Hoa Trinh Nữ


Bởi em thân ở giữa đồng
Nắng mưa cam chịu nhưng lòng không nao
Bên em muôn vẻ muôn màu
Cùng chung số phận lao xao vệ đường
Đã mang một kiếp má hường
Làm duyên e thẹn,nhịn nhường- bản năng
Quân dân vua chúa đều bằng
Giữ lòng sau trước ngọc đăng sáng ngời
Nhiều gai pháp dưỡng tinh khôi
Hoa đang tươi sắc- gọi mời đáng yêu
Biết bao quân tử dập dìu
Tỏ lòng ngưỡng mộ tên thêu tặng nàng
Loài hoa Trinh Nữ đăng quang
Ngàn đời chung thuỷ Nguyệt Hằng còn ghen


Kim Trân


Họa 1:


Hoa Trinh Nữ
 
Hòa cùng cỏ dại trên đồng,
Gọi tên trinh nữ nghe lòng nao nao…
Hoa khoe trắng đỏ nhạt màu,
Vươn hàng lá kép thấp cao bên đường.
Phải đâu má phấn môi hường,
Phải đâu đài các, phố phường quý nâng.
So cùng hồng cúc đâu bằng,
Quả cầu nhung thắm đầy sân sáng ngời.
Hoa cười khoe dáng tinh khôi,
Khép mi e thẹn khi người ấp yêu,
Khuyên đừng dại dột nâng niu
Cành gai sắc nhọn xuyên thêu tặng nàng.
Sớm trưa nắng ấm trời quang,
Rợp màu trinh nữ chẳng màng kẻ ghen…
 
Minh Tâm

 
Họa 2:


Hoa mắc cỡ


Cây gai hoa dại ngoài đồng
Mảnh mai lá nhỏ mà lòng chẳng nao
Loài hoa mắc cỡ một màu
Rung rinh đón gió xuyến xao bên đường
Lá xanh ẩn dưới hoa hường
Nhìn qua cảm tưởng khiêm nhường tài năng
Mặc dù sống ở đồng bằng
Nhỏ nhen nhưng lại hoa đăng rạng ngời
Có người lầm tưởng cây khôi
Hoa màu nhạt sắc chào mời dễ yêu
Ngày ngày gió thổi dặt dìu
Lung linh vẻ đẹp dệt thêu cho nàng
Những ngày mây tạnh trời quang
Trăng rằm rọi sáng chị Hằng cũng ghen

 PTL

Nov.15, 2022
Cây khôi: thuộc họ sú, mặt dưới lá màu tím


Họa 3:


Bông Mắc Cỡ
 
Lẻ loi hoa dại bên đồng
Giông mưa bão tố tỏ lòng chẳng nao
Quanh đây hoa dại muôn màu
Mỗi mùa xuân đến lao xao bên đường
Cánh hoa chi chít nhụy hường
Thân đầy gai bén chẳng nhường tài năng
Cho rằng truyền thuyết công bằng
Có tên trinh nữ hoa đăng rạng ngời
Thoạt nhìn dáng vẻ tinh khôi
Giọt sương lấp lánh ghẹo mời dễ yêu
Gió mùa thổi nhẹ nâng dìu
Đẩy đưa trân quý dệt thêu tên nàng
Hoa dại nào có hào quang
Đêm trăng mi khép chị hằng dám ghen


Hương Lệ Oanh VA
Nov. 15, 2022


Họa 4:


Hoa Trinh Nữ

 

Em hoa trinh nữ trên  đồng

Phong ba bão tố mà  lòng chẳng nao

Nhẹ nâng lá xếp  xanh màu

Vướng chân gai xước xác xao bên đường

Cũng thời má thắm môi hường

Đơn sơ mộc mạc phải nhường tài năng

Nhiều khi hoa mọc đất bằng

Ngây thơ duyên dáng hoa đăng rạng ngời

Hoa chưa đoạt giải nguyên khôi

Theo chân quấn quýt chào mời mến yêu

Yêu hoa người ngắm dập dìu

Sắc màu tím nhạt khăn thêu gởi nàng

Mở đôi lá nhỏ thiều quang

Trăm năm Trinh nữ chị Hằng phải ghen!

 

Nguyễn Cang


Họa 5:


Thu Cúc
 
Sớm mai đi hóng gió đồng,
Heo may hiu hắt thấy lòng  nôn nao.
Thu về cây lá chuyển màu,
Đàn chim rời tổ xôn xao bên đường.
Hoa tàn cánh rã phai hường,
Lá khô gió cuốn nhiễu nhường vô năng.
Giòng sông gió lặng sóng bằng ,
Đôi bờ lau sậy hoa đăng trắng ngời.
Điểm vàng màu cúc nguyên khôi,
Trăm bông cúc nở sắc mời hương yêu.
Bướm bay đôi cánh vẫy dìu,
Thướt tha như vạt áo thêu của nàng.
Đến mùa trăng tỏ thu quang,
Cuội già ấp ủ bóng Hằng hờn ghen.


Mỹ Ngọc

Nov. 16, 2022.


Họa 6:

Thân Cỏ Chỉ

 Em đây cũng ở ruộng đồng

Bao phen mưa lũ ngập lòng chẵng nao
Hạn khô vẫn giữ xanh màu
Bò ngang sát đất bờ cao mép đường
Có khi chạm góc gai hường
Cho trinh nữ thẹn, lòng nhường thiểu năng
Ngước lên tùng bách sao bằng
Tủi thân cỏ dại trông trăng rạng ngời
Dẻo dai bền chí dường khôi
Lắm loài dẫm đạp, để rồi tin yêu
Bao lần hò hẹn dắt dìu
Bức em dệt Nguyệt Quế thêu biếu nàng
Đời thường đắm chuộng hào quang
Em thân cỏ chỉ khẽ khàng ai ghen.
               
Tâm Quã

 
 









20 tháng 11, 2022

Thu Viết Cho Người_Nhạc Lê Hữu Nghĩa

 


THU VIẾT CHO NGƯỜI

Người ơi! Tình đã chết rồi sao?
Vai mới kề vai có lẽ nào!
Môi ấm còn nồng hương trái cấm
Dạ sầu đã vỡ giấc chiêm bao
Tuyết sương thầm lặng phai mày trúc
Son phấn xanh xao nhạt má đào
Gió bão cuồng xoay...đêm nguyệt tận
Hoang tàn để lại những hư hao!
 
Hoang tàn để lại những hư hao!
Rướm máu hồn thu...lá đổi màu
Sóng nước chôn sâu dòng lệ tiễn
Cung đàn khuấy động mảng lòng đau
Tự tình đã lỡ nghìn năm trước
Hội ngộ còn chăng một kiếp nào?
Ai mượn Tràng Khanh *gieo khúc Phượng
Cho nàng họ Trác **nhớ ngàn sau !

Thy Lệ Trang Nguyễn Thị Cúc
*Tràng Khanh: Tư Mã Tương Như
**Trác Văn Quân

Họa 1:

THU VIẾT CHO NGƯỜI
 

Vì sao ? Ai hiểu tại vì sao
Rạn vỡ người chưa biết cớ nào
Yêu lắm sông thương sao sánh được   
Nhớ nhiều biển ái có là bao
Hương thơ chưa nhạt trên mùi tóc
Điệu nhạc còn vang dưới cội đào
Thu đến làm chi cho sắc lá
Úa vàng tình ấy cũng vàng hao .

Úa vàng tình ấy cũng vàng hao
Ước mãi thu ơi chớ biến màu
Xa cội cỏ cây còn nhớ tiếc           
Lìa nguồn gỗ đá cũng buồn đau  
Thơ sầu bởi nhạc , đâu là đúng ?      
Người lỗi do ta , có phải nào ?
Nàng Mỵ* khóc tuyền đài ngọc vỡ
Chàng Trương* ôm hận vạn đời sau .

LHN
* Trương Chi,Mỵ Nương 

Họa 2:

             THU LY BIỆT

Đêm tàn sương lạnh mấy vì sao
Lặng lẽ người đi đến chốn nào?
Hương tóc vấn vương, thương biết mấy
Môi hồng nũng nịu  đẹp dường bao!
Trăng thề mộng ảo trôi theo gió
Lời hẹn hư không giạt cội đào
Giông bão cuốn trôi đời bất tận
Xác thân còn lại những hanh hao!
 
Xác  thân còn  lại những hanh hao!
Thu đến rừng phong sắc nhạt màu
Thương tiếc hoa tàn dòng lệ đổ
Ngậm ngùi nước chảy nỗi niềm đau
Mối tình tan vỡ làm sao biết?
Sự thế dần xoay tự thuở nào!
Công chúa Huyền Trân* ai  dám xử?
Khắc Chung* tình hận mãi nghìn sau !

Nguyễn Cang
Chú thích:
*Huyền Trân công chúa là cháu ngoại
Trần Hưng  Đạo đại vương, đồi nhà Trần ( 1226-1400).
*Trần Khắc Chung là lão tướng đời nhà Trần, được lệnh đi cứu HT công chúa khi vua Chiêm mất.

Họa 3:

  NGƯỜI ĐI TÌNH CHẾT

Người đi tình chết biết làm sao,
Còn lại dư âm đẹp thủa nào.
Ánh mắt nồng nàn thương quá đỗi,
Vòng tay êm ái ấm dường bao.
Hè sang sóng bước bờ sông biếc,
Xuân đến kề vai dưới nắng đào.
Bếp lửa mùa đông ngồi nép sưởi,
Thu về cảnh đẹp nắng hanh hao.
 
Thu về cảnh đẹp nắng hanh hao,
Hoa héo cành khô lá chuyển màu.
Thánh thót giọt Ngâu khơi nỗi nhớ,́
Mênh mang hoa tuyết gợi niềm đau.
Ân tình một thủa tìm đâu thấy,
Mộng ước ba sinh ở cõi nào?
Giòng lệ tương tư dai dẳng lắm,
Đêm ngày lã chã tới mai sau.

Mỹ Ngọc 

Họa 4:

            THU VIẾT CHO NGƯỜI

Đàn khải tơ lòng bỗng đoạn sao?
Phượng loan giao cánh ngỡ đâu nào!
Nhẹ nhàng cảnh sắc đang nồng ấm
Ồ ạt màn giông lạnh xiết bao
Đôi ngã canh tàn chao lối hạnh
Nửa vầng trăng khuyết lạc vườn đào
Bên song nhắn khách xa ngàn dặm
Gãy nhịp cầu tình bóng hắt hao!
 
Gãy nhịp cầu tình bóng hắt hao!
Tranh xuân sóng lượn đã thay màu
Gió đông hiu hắt khơi niềm nhớ
Khúc điệp mơ màng dậy nỗi đau
Tim nhói thôi đành câu lỗi hẹn
Mắt nhoà cố giấu lệ hoen nào?
Trách chàng Tư Mã trao lời ước
Trác nguyện lòng nàng - giải trước sau.

 Kim Trân

Họa 5:

GIỌT MƯA THU
 
Mấy thuở mặn nồng lại thế sao!
Sợi tơ mầu nhiệm đứt khi nào?
Nợ duyên ràng buộc thương còn lắm,
Tình nghĩa đong đầy quý biết bao.
Trăm nỗi điêu tàn do núi lở,
Đôi bờ ngăn cách bởi sông đào.
Trời buồn trăng lặn mây thâm thấp,
Từng giọt thu sầu ngọn nến hao…
 
Từng giọt thu sầu ngọn nến hao,
Lá hoa rơi rụng cảnh trơ màu.
Ầm ào sấm động trời bung vỡ,
Vi vút gió gào dạ buốt đau.
 Mãi đợi thanh âm hòa khúc nhạc,
Lắng nghe tơ phím lạc cung nào?
Văn Quân mê đắm đàn Tư Mã,
Cầm sắt còn lưu vạn thuở sau.
 
Minh Tâm 


18 tháng 11, 2022

Thu Nhớ Người_Đông Ngọc Trần Mỹ Huệ

 

Xướng:

 

Thu nhớ người

 

Mỗi lần nhìn lá mùa Thu,

Tim lao xao tiếng tình ru gọi mời.

Nhẹ nhàng từng chiếc lá rơi,

Nghe như tiếng khóc thương đời khổ đau.

Gặp nhau tóc đã phai u,

Nhớ chăng thu cũ, câu chào năm xưa.

Bao lần tháng nắng ngày mưa,

Vẫn ôm ấp mộng cho vừa nhớ nhung.

 

Đông Ngọc Trần Mỹ Huệ

2011

(Tuyển Tập Thơ Văn của tác giả, trang49)

Họa :

 

Tình Thu

 

Mỗi khi trời trở sangThu,

Tim sao xao xuyến giọng ru lời mời.

Nhẹ bay chiếc lá vàng rơi,

Nghe như tiếng gọi cho đời bớt đau.

Gặp chi khi lá đổi màu,

Nhớ về dĩ vãng, hỏi chào thuở xưa.

Bao năm sánh bước dưới mưa,

Vẫn còn đẫm lệ chưa vừa nhớ nhung.

 

Trần-Lâm Phát

2022

 

Chú thích:

Cách họa thơ lục bát:

https://vtttus.blogspot.com/2022/09/luc-bat-1_19.html

 

15 tháng 11, 2022

Qua với Bậu_Nguyễn Thị Cỏ May

 

Qua với Bậu



Cụ Trần văn Hương



Hôm qua, qua hứa qua qua….

Nhơn ngày Tết, ông Nguyễn văn Tương (*) tới thăm và mừng tuổi Cụ Trần văn Hương tại tư thất của Cụ. Bắt tay khách, Cụ Trần văn Hương vui vẻ nói:

-Em còn trẻ quá, chắc em không có học với qua. Mà nay, qua không còn làm việc chánh quyền nữa, được em tới thăm như vầy, thật cảm động. Qua mời em ở lại ăn cơm với qua. An cơm cá kho, canh chua, …(*)

Chữ “qua” còn được thông dụng với Cụ Trần văn Hương, người gốc Nam kỳ ở lớp tuổi 60, năm 1965 tại Sài gòn.

Cụ Trần văn Hương xưng “qua” nhưng lại gọi ông Nguyễn văn Tương bằng “em” chớ không phải “bậu” như trong ngôn ngữ giao tiếp rất phô thông ở Nam kỳ trước kia.

Hai chữ «qua» và «bậu» được người có địa vị cao và có học trong xã hội dùng trong sanh hoạt hằng ngày chớ không riêng gì chỉ giới bình dân. Nhưng có lẽ tới thời Cụ Trần văn Hương, người ta không dùng “bậu” nữa mà dùng tiếng «em» để chỉ người đối thoại nhỏ tuổi hơn.

Chữ “bậu” có nghĩa là “bạn, là em” cả khi nói với người con trai, và cũng có nghĩa “em” trong nghĩa “vợ”, trong quan hệ vợ chồng.

Như trong Truyện Lục Vân Tiên, Lý Thông nói với Thạch Sanh khi gặp nhau lần đầu tiên, thấy Thạch Sanh trẻ tuổi hơn mình:

“Chẳng hay chú bậu (chú em) ở đâu,

Áo quần chẳng có dãi dầu khá thương?

Thường thì người ta vẫn hiểu lầm là tiếng bậu chỉ dùng để chỉ người con gái, người phụ nữ. Như trong bài hát dân gian châm biếm, trêu chọc người con gái lớn tuổi mà còn ế chồng:

Ống tre khô người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây

……

Bậu lỡ thời như muốn người ta
Muốn người ta người ta không muốn
Xách cây dù đi xuống đi lên.

Ghi chú thêm – Theo Gíao sư Âm nhạc học Trần văn Khê, bài hát trên đây là bài “rap”, một thể loại hát dân gian ở Việt nam xưa, như một cách nói chuyện nhanh, lời tiếp nối nhau nên không có chấm câu, ngụ ý chọc ghẹo một đối tượng nào đó trong xóm, trong làng. Rất dễ hát nên trẻ con nghe qua là có thể hát theo. Nhờ đó, dễ phổ biến rộng rải và chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng có thể nghe được. Ngày nay, “rap”, thanh niên phi châu thường hát, nhứt là hát để khiêu khích cảnh sát.

Cũng tiếng «bậu” còn lưu hành ngày nay nhưng chỉ trong thi ca (Luân Hoán và Phan NiTấn, Phải lòng người con gái Bến Tre ):

«Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre
Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là, Về Sơn Đốc, Ba Tri?
Guốc bậu rụng tiếng lá (ơ hơ), thoang thoảng mùi làm duyên
Thoáng mùi thương quá đỗi; mùi tình Lục Vân Tiên”.

“Qua» và «Bậu»

Theo Giáo sư Hán nôm Nguyễn văn Sâm (Đại Học Văn Khoa Sài gòn), chữ qua là tiếng biến âm từ tiếng quá (hóa) giọng Triều Châu của chữ ngã  (tôi). Dùng tiếng «tôi, anh» bình thường, người ta thấy không sang, không thân mật, và quan trọng nhứt là hơi mất tự nhiên nên người ta dùng tiếng qua. Chuyện nầy cũng tương tợ như người Việt Nam thời còn nặng mùi Tây hay dùng toi, moi (tutoyer) khi nói với bạn hay với cả người mình yêu khi mới bắt đầu tấn công ái tình. Ngày nay, ở Mỹ, tuổi trẻ Việt Nam có một chút học vấn khi bắt đầu tán tỉnh cũng thích dùng hai từ me, you hơn là anh em, em anh vì quá quen thuộc.

Chữ qua với nghĩa tôi, anh thân mật cũng thấy trong văn chương thế kỷ 19, như Lý Thông nói chuyện với Thạch Sanh (Truyện Thạch Sanh Lý Thông).:.

“Lý Thông thấy nói, sầu bi:

Qua xin kết nghĩa vậy thì đệ huynh”

…Qua thời vốn có một mình,
Mẹ thời già cả kết chưng bạn mày».

Điều đáng để ý, qua lời của Lý Thông nói với Thạch Sanh, người ta hiểu tiếng qua của Lý Thông dùng có nghĩa là anh, là ta, là kẻ lớn hơn, vai vế là bực đàn anh của Thạch Sanh và tiếp theo, đã không ngại gọi Thạch Sanh bằng mày.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn văn Sâm, chữ bậu có nghĩa là em, dùng trong cách nói thân mật. Người Nùng có tiếng bậu nghĩa là em. Người Thái có tiếng phậu cũng có nghĩa tương tợ (Tự điển Nguồn Gốc Tiếng Việt của BS Nguyễn Hy Vọng).
Người Nam kỳ nói bậu bạn, trong cách nói thân mật. Nên khi nói nó «làm bạn với…» có nghĩa là cưới vợ lấy chồng. Văn thơ Nam Kỳ dùng chữ bậu chỉ người mình thương khi nói trực diện.

Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào,
Mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay?

Nguồn gốc qua và bậu

Theo Giáo sư Nguyyễn văn Sâm, như trên đây, hai tiếng qua và bậu có nguồn gốc từ tiếng Triều châu và Nùng, Thái, Miên. Có người lại quả quyết một cách chắc nịch hai tiếng qua và bậu hoàn toàn là sản phẩm trong ngôn ngữ đặc sệt của dân Nam kỳ Lục tỉnh và cà cách sử dụng hai tiếng đó trong nói chuyện hằng ngày.

Nhưng có người khác (Trang “Ngày Ngày viết văn”, internet) lại dẩn chứng Từ điển Lê Ngọc Trụ để tìm về nguồn gốc của chữ qua và bậu và cho rằng cách lý giải của Học giả Lê Ngọc Trụ là dễ hiểu, logic, có cơ sở hơn hết. Theo đó, xin trích:

– Qua là cách phát âm của người Triều Châu của chữ “ngã” mà âm đọc phổ thông là “wǒ“. Người Triều Châu đọc chữ này là “wá“. Người ta giải thích thêm là khi xưa, ở miền Nam, nhất là khu vực Bạc Liêu, người Triều Châu di dân đến sanh sống rất đông. Cái tên Bạc Liêu cũng được cho là từ gốc Triều Châu mà ra.

– Tuy Từ điển Lê Ngọc Trụ không giải thích chữ “bậu” nhưng nếu “qua” là gốc Triều Châu thì cũng có thể suy ra “bậu” cũng từ gốc ấy mà ra. Người Triều Châu gọi vợ hay em bằng “pau”, “bấu” hoặc “bô” tùy theo từng vùng.

Nếu đúng “qua” và “bậu” đều là gốc Triều Châu, thì người ta có thể nghĩ rằng trong ngôn ngữ gốc, hai tiếng này không nặng tính chất tình cảm, không có ý nghĩa thân mật chi hết, cũng bình thường như tôi với anh hay như tao với mày vậy thôi. Trái lại trong tiếng việt, 2 tiếng ấy lại chứa chan tình cảm mỗi khi nghe nói, tuy ngày nay không còn dùng trong giao tiếp, chỉ còn thấy trong thơ ca, trong văn chương mà thôi. Hai tiếng qua và bậu luôn thắm đượm nghĩa tình. Có ai mà không cảm thấy thắt lòng khi đọc những câu ca dao này:

“Trách mẹ với cha chứ qua không trách bậu,
Cha mẹ ham giàu gả bậu đi xa”

“Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt,
Kẻo anh lầm tội nghiệp cho anh”

Hay đau khổ, trách hờn người yêu:

“Trách lòng bậu cứ đẩy đưa,
Gạt anh dãi nắng, dầm mưa nhọc nhằn”

Hoặc thể hiện nỗi da diết, nhớ mong:

“Bướm xa hoa, bướm dật, bướm dờ,
Anh đây xa bậu, đêm chờ ngày trông”

Và có đứt ruột không khi xa nhà, bổng nghe văng vẳng tiếng hát “Ầu ơ ….” ( không phài giọng “À ơi …” của Bắc kỳ):

….” Chim chiều lẻ bạn ngoài song
Em còn mong đợi người dưng.
Qua không thương bậu, bậu còn buồn ai!”.

Có người (trên báo Tuổi Trẻ gần đây) giải thích một cách quả quyết: “Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam Bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi”.

Có thật đó “là một từ địa phương Nam Bộ”?

Năm 1602, Nguyễn Hoàng sai lập dinh trấn, xây kho tàng chứa lương thực, vũ khí rồi sai con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) trấn giữ. Ban đầu dinh trấn được dựng ở Cần Húc, huyện Duy Xuyên, ít lâu sau dời sang Thanh Chiêm, rồi năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam qua làng La Qua,Điện Bàn. Từ đó, ca dao địa phương có câu:

“Tỉnh thành đóng tại La Qua,
Hội An tòa sứ vốn là việc quan”.

Và La Qua đã đi vào câu đối với cách chơi chữ tuyệt vời, lấy chữ qua với chữ đồng âm:

“Con gái La Qua,
qua hôn,
qua hít,
qua vít,
qua véo,
qua chọc,
qua ghẹo,

qua biểu em đừng có la qua” (la nghĩa là rầy mắn, qua là anh, tôi).

Có câu đối lại cũng sát sàn sạt về chữ nghĩa, ý tứ:

“Đàn bà Phước Chỉ,
chỉ xấu,
chỉ xa, chỉ lười,
chỉ nhác,
chỉ bài,
chỉ bạc,
chỉ có chồng là may phước chỉ” (chỉ là chị ấy)

Không riêng gì Quảng Nam, vượt qua đèo Hải Vân ngược ra Bắc, nếu dừng chân tại Quảng Bình, người ta còn nghe câu hát huê tình đầy tiếng qua:

“Răng chừ đá nổi lắc lư
Lạch Ròn kia cạn, qua mới từ nghĩa em”. (Theo Lê Minh Quốc)

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi từ Quảng Nam đi xuôi về phương Nam, người ta sẽ nghe nói thường hơn 2 tiếng qua và bậu:

“Xa xôi chưa kịp nói năng
Từ qua với bậu như trăng xế chiều”

Và khi tới xứ Nam kỳ Lục tỉnh, 2 tiếng qua và bậu dường như cũng dừng bước và đóng đô luôn ở miền đất lành chim đậu này:

“Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng:
Chữ đề tên bậu, không chồng có con”

Khi qua và bậu đã bén rể ở đất Nam kỳ, thì cách nói năng cũng bộc trực, nghĩ sao, nói vậy như dân Nam kỳ:

«Bậu đừng lên xuống đèo bồng
Chồng con hay đặng sanh lòng nghi nan”.

Nguồn gốc qua, bậu là Nam kỳ, là từ tiếng Triều châu, tiếng Nùng, Thái…?

Nói 2 tiếng qua và bậu là tiếng của địa phương xứ Nam kỳ hay do bắt chước theo cách phát âm của tiếng triều châu vì người triều châu sanh sống ở vùng đất mới này khá đông đảo, lẩn lộn với người việt nam nên ảnh hưởng qua lại là bình thường.

Nhưng người ta bắt gặp rất phổ biến 2 tiếng qua và bậu trong nói chuyện, trong câu hát của người dân miền Trung, từ Quảng Nam trở ra tới Quảng Bình và từ thời Chúa Nguyễn (1602), nghĩa là trước khi người Triều châu từ bên Tàu qua và xuống Bạc liêu lập nghiệp, làm rẩy, “dưới sông cá chốt, trên bờ Triều châu”. Như câu ca dao sau đây mang rất đậm nét địa phương và thời điểm:

“Ngó lên hòn Kẽm, đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi…
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng !”

Hòn Kẽm, đá Dừng là hai địa danh đèo heo, hút gió tận thượng nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam. Ngày trước, để ngược dòng lên đây, từ Hội An là nơi đô thị trên bến, dưới thuyền, nếu đi thuyền, người ta phải mất cả tháng trời chèo chống. Và người Quảng Nam có lẽ ít có ai mà không biết vùng đất hẻo lánh kia cùng câu ca dao buồn tênh này (Theo Lê Minh Quốc).

Như vậy, nếu nói 2 tiếng qua và bậu là 2 tiếng địa phương của Nam kỳ Lục tỉnh có thể đúng trong sự chấp nhận 2 tiếng đó từ Miền Trung đi theo người Miền Trung vào đất Nam kỳ. Trong trường hợp này thì 2 tiếng qua và bậu hoàn toàn không có liên hệ họ hàng xa gần gì với chú ba triều châu hết cả.

Còn do ảnh hưởng tiếng nùng, thái, miên? Người ta có thể hiểu được cũng từ miền Cao nguyên theo bước di dân mà vào Nam và ở lại trở thành tiếng địa phương chăng?

Nhưng theo cách diển giải, suy diển thế nào đi nữa thì 2 tiếng qua và bậu, tuy xưa, nhưng khi thốt lên, vẫn dễ làm rung động lòng người vì sức nặng ý nghĩa thân thương, đạc tính nam kỳ của nó:

«Hôm qua qua hứa qua qua mà qua không qua. Nay qua không nói qua qua mà qua qua !»

(*) Hồi ký của Nguyễn văn Tương, Paris. Ông Nguyễn văn Tương làm Tổng Thư ký Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giáo sư Công pháp Trường Luật và Học Viện Quốc gia Hành chánh. Tỵ nạn ở Pháp, ông dạy ở Đại học Brest, Poitiers, …Nay huu trí, ở ngoại ô Paris (91).


Nguyễn thị Cỏ May (Việt Báo, Cal, Huê kỳ)

10 tháng 11, 2022

VTM 108: Hồn Quê_Nguyễn Cang

 



Xướng:

Hồn Quê

Bờ ruộng nhấp nhô nắng ấm lành
Đàn cò bay lả, cánh đồng xanh
Trẻ chơi diều giấy, dây căng gió
Mẹ nấu cơm chiều nhóm lửa tranh
Nắng đổ trưa hè xuyên tán lá
Chiều nghiêng bóng xế chiếu qua mành
Tuổi thơ đi mất tìm đâu thấy
Kỷ niệm xa rồi,  trôi quá nhanh!

Nguyễn Cang 
Oct.30,2022

 Họa 1:

 Về Miền Ký Ức

Nông dân cuộc sống thật yên lành
Êm ả ruộng đồng trải thảm xanh
Bến nước bờ tre vui nhạc gió
Tình Cha nghĩa Mẹ đẹp hồn tranh
Bếp chiều lan toả mờ sương khói
Đàn nghé khua vang động kẻ mành
Khắc mãi trong lòng thời trẻ dại
Trở về ký ức - cuộn phim nhanh

Kim Trân

 Họa 2:

Quê nhà


Quê nhà đầm ấm rất yên lành
Rừng rậm sông sâu lúa tốt xanh
Đánh trỏng thả diều nơi xóm vắng
Sương mù khói phủ túp lều tranh
Mưa dầm lác đác vào đêm tối
Gió bấc vi vu lọt thấu mành
Kỷ niệm ghi vào trong ký ức
Thời gian thấm thoắt vụt qua nhanh

PTL
Oct.10, 2022

 Họa 3:

Quê Tôi


Quê tôi nắng đẹp đất yên lành
Gió nhẹ chao nghiêng đám lúa xanh
Cha đấp bờ đê ngoài ruộng nước
Mẹ thổi cơm chiều dưới lều tranh
Thanh bình một thuở thời thơ ấu
Loạn lạc trăng khuya bóng xế mành
Mới đó đầu xanh nay đã bạc
Thời gian vùn vụt thật trôi nhanh

Hương Lệ Oanh VA
Nov. 01, 2022

Họa 4:

Hoài hương

Làng quê bao thuở rất yên lành,
Sông chảy hiền hòa, lúa thắm xanh.
Sương sớm ảo huyền nhòe bến nước,
Khói chiều bảng lảng ấm nhà tranh.
Nhớ sao tiếng dế vang đồng cỏ,
Thương lắm nắng trưa rọi bóng mành.
Một thoáng hương xưa hồn mãi mộng,
Trách thời gian cứ vút qua nhanh.

Minh Tâm

Họa 5:

Quê Tôi 

Hương đồng gió nội thật trong lành,
Ruộng lúa vươn dài lá mướt xanh.
Mục tử buông diều trên thảm cỏ,
Ông chài thả lưới cạnh bờ tranh.
Sông xa lau lách thuyền neo bến,
Suối nhỏ thùy dương gió phất mành.
Cảnh đẹp quê nhà bao luyến tiếc,
Thanh bình một thủa đã qua nhanh.

Mỹ Ngọc
Nov. 02, 2022

Họa 6:

NHỚ QUÊ

Quê tôi từ ấy hết an lành
Khăn trắng phủ trùm mái tóc xanh
Đại Lộ Kinh Hoàng luôn ám ảnh
Cổ Thành Quãng Trị* nát trong tranh. 
Đạn bom ập xuống đầy thâm ý
Dân chết phơi thây chẵng chiếu mành
Thảm cảnh địa đầu vùng giới tuyến
Nỗi này ai thấu, khó quên nhanh.

Tâm Quã

Cổ thành Quãng Trị*: Thành Quảng trị được xây vào đầu đời vua Gia Long ở phường Tiền kiên. Năm 1809 vua Gia Long dời đến xã Thạch Hãn. Ban đầu thành xây bằng đất. Năm 1837 Vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch.



07 tháng 11, 2022

Tình Làng Nghĩa Xóm ở Trảng Bàng, Tây Ninh

Quê tôi ở miệt Trảng bàng
Có đồng ruộng lúa có hàng cây trăm
Mỗi năm vào cuối tháng năm
Theo chân ba mẹ ra thăm ruộng vườn
(Từ quê ra tỉnh, Trần-Lâm Phát, 2009)



Cây trăm:  Một cây hoang rất cao lớn, cành nhánh sum sê, che nắng trên đường như cổng chào; trái  trăm lớn bằng  móng tay út và từng chùm như dây nho, khi chín màu tím sẩm như trái nho và ăn rất ngon. Cây này được trồng hai bên lề đường từ cầu nhà cô năm Thoài  chạy đến ấp An thành, xã An Tịnh.
 Học sinh thường rủ nhau trèo lên hái trái trăm. Khoảng năm 1963, 1964 hàng trăm bị cắt trụi






Nguồn:
https://www.youtube.com/watch?v=YIlqrivxwTA


 

06 tháng 11, 2022

Thất Thập Cổ Lai Hy_Nguyễn Xuân Quang

 

Thất Thập Cổ Lai Hy


Theo Phương Đông thất thập cổ lai hy là một cái mốc quan trọng của đời người. Thất thập cổ lai hy có nghĩa là sống tới bẩy mươi tuổi thật là hi hữu. Nhà thơ Đỗ Phủ thời Đường trong bài thơ Khúc Giang II (Khúc Sông II) có hai câu:

酒債尋常行處有,

人生七十古來稀。

Tửu trái tầm thường hà hữu xứ
Nhân sinh thất thập cổ lai hy


 

Ông tự bào chữa vì vào tuổi đó ông thường hay uống rượu “ghi sổ nợ” và rất tự hào là mình đã sống được tới tuổi ít người thời ấy sống được:

 Nợ tiền uống rượu là chuyện tầm thường, ở đâu chả có.

Đời người sống được đến bẩy mươi tuổi mới là hi hữu.

 Thi sĩ Tản Đà đã dịch:


Dĩ nhiên ngày nay tuổi thọ cao hơn tuổi 70 rất nhiều.

 Thật ra, bước vào tuổi bẩy mươi mới chỉ là bước vào tuổi Thọ, mới chỉ là Tiểu Thọ, sống tới tám mươi là Trung Thọ, tới chín mươi là Thượng Thọ và tới một trăm tuổi là Bách Niên Giai Lão.

Có nhiều người thắc mắc hỏi tại sao lại lấy tuổi 70 làm cái mốc bước vào tuổi thọ? Thật ra một người sống giáp được một vòng 60 năm rồi trở lại chu kỳ mới gọi là Đáo Tuế ngày xưa đã được coi là lão làng, đã được lên hàng kỳ lão, đã được ngồi vào hội đồng kỳ mục để chăm lo việc làng.

 Theo tôi, đây là dựa vào Dịch lý.

 Dịch có 8 quẻ nếu đánh số thì từ 0 tới 7. Trong tám quẻ có 4 quẻ dương ứng với bốn số dương là số lẻ 1,3,5, 7 và bốn quẻ âm là số chẵn ứng với bốn số chẵn 0, 2,4, 6. Như thế về phái nam, con số 1 là  giai đoạn từ lúc mới sanh cho tới 10 tuổi là tuổi ấu thơ, chưa tới tuổi dậy thì. Số 3 là con số trưởng thành ứng với tuổi 30. Vì thế Khổng Tử (rất uyên thâm về Dịch lý) đã nói: “tam thập nhi lập”, tuổi ba mươi là tuổi tự lập, lập thân. Số 5 là số đứng tuổi (số năm là số trục, trong ma phương 5/15, số 5 là số trục nằm ở giữa tâm ma phương) ứng với tuổi 50.

 Khổng Tử nói: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Tuổi 50 mới hiểu rõ trời đất, vũ trụ, thiên mệnh.

 Số 7 là số dương lớn nhất gọi là lão dương. Vì thế 70 tuổi được coi là tuổi lão, tuổi thọ. Khổng Tử nói: “Thất thập nhi tòng tâm...”. Tuổi 70 là tuổi “theo ý mình”, làm theo và làm được những việc theo ý mình  (dĩ nhiên trong vòng lễ giáo của Khổng giáo). Đây là lý do tại sao 70 được coi là một cái mốc trọng đại của một đời người.

 Tương tự về phái nữ, số 0 ứng với tuổi thơ,  số 2 ứng 20 tuổi tuổi bước vào trưởng thành, số 4 ứng với tuổi đứng tuổi và số 6 là số lão âm ứng với tuổi bước vào tuổi thọ. Vì thế mà chúng ta thường nghe bài hát có câu “Em ơi, 60 mươi năm cuộc đời...”.

 Ngày nay phái nữ sống thọ hơn phái nam.

 Bước vào tuổi Thất Thập Cổ Lai hy là buớc vào tuổi thọ, con người sống theo một chu kỳ sống xuất tục, xuất thế, sống với vũ trụ, trời đất, với nhân quần, đất nước, không còn vướng vào tục lụy, vào vòng danh lợi nữa.

 Cũng trong bài thơ Khúc Giang II, nhà thơ Đỗ Phủ đã viết hai câu tả cảnh đời thoát tục lúc tuổi Thất Thập Cổ Lai hy:

 


Thi sĩ Tản Đà dịch:



 

Nguyễn Xuân Quang/baomai

 

Chú thích của ban biên tập:

 

曲江其二 

Khúc giang kỳ nhị

朝回日日典春衣,

Triêu hồi nhạt nhật điểm xuân y,

每日江頭盡醉歸。

Mỗi nhật giang đầu tận túy quy.

酒債尋常行處有,

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,

人生七十古來稀。

Nhân sinh thát thập cổ lai hy.

穿花蛺蝶深深見,

Xuyên qua kiệp điệp thâm thâm kiến,

點水蜻蜓款款飛。

Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi.

傳語風光共流轉,

Truyện ngữ phong quang cộng lưu chuyển,

暫時相賞莫相違。

Tạm thới tương thưởng mạc tương vi.

杜甫

Đỗ Phủ

Tản Đà dich:

Khỏi bệ vua ra cố áo hoài
Bến sông say khướt, tối lần mai
Nợ tiền mua rượu đâu không thế?
Sống bảy mươi năm đã mấy người?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn
Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi
Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi
Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

https://baike.baidu.com/item/%E6%9B%B2%E6%B1%9F%E4%BA%8C%E9%A6%96/6449248#1

05 tháng 11, 2022

Nhớ_Nguyễn Cang








 

Xướng:

 

Nhớ

 

Chim bay về núi tối rồi

Dòng sông nước chảy nửa đời trôi xa

Rong rêu phủ kín đời ta

Thời gian níu kéo phong ba não nề

Xa rồi lũng địa sơn khê

Tấm thân cát bụi đi về nơi đâu

Nhớ con sông nhỏ rì rào

Khói lam chiều xuống bếp nghèo thổi cơm

Mẹ già vất vả sớm hôm

Mồ hôi nhỏ giọt rách bươm cánh cò

Chiều tàn chim chích líu lo

Kêu gào bụng đói sóng xô tràn bờ

Xót xa lòng những bơ thờ

Ưu tư tâm sự một thời chiến chinh

Ngậm ngùi cúi mặt cầu kinh

Phong ba bão táp cho mình xót thêm

Ngày dài đêm lại qua đêm

Ngày rơi đáy nước đêm chìm hư không!

 

Nguyễn Cang

Oct. 26, 2022

 

Họa:

 

Hồi tưởng

 

Nhìn qua đã bảy mươi rồi

Lên voi xuống ngựa cả đời đi xa

Ai ngờ dong duỗi theo ta

Ngọt bùi ấm lạnh bôn ba nặng nề

Trãi qua bao lớp nhiêu khê

Thân này không biết trôi về tới đâu

Những đêm gió bấc mưa rào

Đèn soi ngoài ruộng nghẹn ngào kiếm cơm

Tinh sương cho đến đầu hôm

Áo quần lấm đất lươm bươm thân cò

Ngày nào cũng phải âu lo

Mong cho con tạo đừng xô vô bờ

Lúc còn trẻ dại ơ thờ

Tâm tư chỉ biết ẩm ờ viễn chinh

Băng rừng vượt suối lội kinh

Mong sao mơ ước của mình tăng thêm

Thời gian hồi tưởng ngày đêm

Bao nhiêu công sức đắm chìm tay không!

 

PTL

   Nov.03, 2022