CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH
GIÁO KHOA MÔN VĂN BẬC TRUNG HỌC Ở MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975
1. Giới thiệu về chương trình khung môn Văn bậc trung học ở miền Nam trước 1975
1.1. Tên gọi môn học
Trong chương trình Trung học đệ nhất và đệ nhị
cấp (nay là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) ở miền Nam trước năm 1975
thì tên môn học là Quốc văn, nhưng các soạn giả khi biên
soạn sách giáo khoa thì ghi là Quốc văn hay Quốc
văn độc bản như bộ sách của Trần Trọng San; Việt văn như
bộ sách của Võ Thu Tịnh; Giảng văn như bộ sách của Đỗ
Văn Tú và bộ sách của Thậm Thệ Hà (một số quyển có sự cộng tác của Xuân Tước và
Bằng Giang); Việt Nam thi văn trích giảng như sách của
Tạ Ký.
Cần lưu ý là trước năm
1975 ở miền Nam, Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ ra Sắc lệnh hoặc Nghị định về chương
trình khung (nội dung giảng dạy, tác giả, tác phẩm, thời lượng cho từng tác giả
tác phẩm, v.v..) cho từng lớp của cấp học, chứ Bộ không độc quyền biên soạn hay
chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa mà việc này Bộ để cho các nhà giáo có khả
năng, có kinh nghiệm và uy tín đang giảng dạy cấp trung học trực tiếp biên
soạn, thông qua Ban Tu thư của một vài Nhà xuất bản như Sống Mới, Khai Trí, Văn
Hào v.v.. tổ chức in ấn. Dĩ nhiên những bộ sách giáo khoa này trước khi xuất
bản, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trung học toàn miền Nam thì chúng
phải được Hội đồng thẩm định thuộc Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục xét
duyệt, bỏ phiếu đồng ý tán thành. Hội đồng gồm một Chủ tịch và các thành viên,
mà các vị này đều là những học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo có kinh nghiệm và
uy tín. Còn các loại sách khác như biên khảo và dịch thuật thì do Hội đồng thẩm
duyệt của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá đảm nhận. Khi giảng dạy, các giáo
viên (hồi ấy gọi là giáo sư) bám vào chương trình khung mà soạn bài giảng, tự
chọn sách dạy và định hướng cho học sinh của mình nên mua sách giáo khoa của
soạn giả nào để học. Và dĩ nhiên, không loại trừ có học sinh cùng một môn học
mà lại mua vài ba bộ sách khác nhau để học tập và tham khảo nếu gia đình học
sinh đó có điều kiện về kinh tế. Riêng môn Văn như trên đã nêu, có nhiều bộ
sách giáo khoa của các soạn giả: Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà, Trần Trọng San, Võ Thu
Tịnh, Tạ Ký, v.v.. trong số đó hai bộ sách của hai soạn giả Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ
Hà là được dùng phổ biến rộng rãi trong nhà trường ở các tỉnh thành miền
Nam.
Ở đây, bài viết sẽ
giới thiệu khung chương trình môn Văn cập nhật hoá và sách giáo khoa được biên
soạn theo chương trình này được áp dụng từ niên khoá 1969-1970 trở đi ở miền
Nam, trên cơ sở đó nêu lên vài nhận xét về chương trình và các sách giáo khoa
đó.
1.2. Yêu cầu của môn
học
Theo tinh thần nội
dung của Sắc lệnh số 660/TT/SL ngày 01-12-1969 và Nghị định số 1152A GD/KHPC/ND
ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục, cùng Huấn
thị của Bộ về việc giảng dạy Quốc văn thì:
Mục đích: Mục đích của môn Giảng văn là làm cho
học sinh thấu hiểu giá trị về hình thức và nội dung của một tác phẩm hay một
đoạn văn, để nhờ đó hun đúc tính khí và tâm hồn, mở mang kiến thức về văn học
và thâu thái những điều bổ ích cho việc luyện văn.
Phần Kim văn: Hình thức và nội dung của những bài Giảng văn
phải phù hợp với chương trình Luận văn được giảng dạy: chẳng hạn, dạy những bài
Giảng văn có tính cách miêu tả trong giai đoạn dạy Luận văn về
loại miêu tả; những bài giảng văn có tính cách thuật sự trong
giai đoạn dạy Luận văn về loại thuật sự, v.v..
Phải lựa những bài văn
có giá trị để rồi bắt học sinh học thuộc lòng nhằn rèn luyện
ký ức văn khiếu.
Phần Cổ văn: Phải chọn những đoạn rất tiêu biểu,
nhiều hay ít, dài hay ngắn tuỳ theo lớp và cấp học (về điểm này, Bộ có những
chỉ thị rõ ràng để ấn định nên trích những đoạn nào có trong một tác phẩm,
giảng những bài nào của một tác giả).
Việc đọc sách: Giáo sư phải hướng dẫn học sinh đọc sách. Học
sinh phải có vở riêng để ghi chép những đoạn văn hay, tóm lược
cuốn sách đã đọc. Mỗi tháng giáo sư nên kiểm soát vở đó một lần để theo dõi sự
tự học của học sinh, khuyến khích sự đọc sách cho thành một sự ham mê để khi ra
đời, học sinh nhờ đó mà luôn luôn tiếp tục việc học hỏi.
Thuyết trình văn học: Bên cạnh việc đọc sách ở nhà, chương
trình còn yêu cầu học sinh Thuyết trìnhvăn học tại lớp (từ lớp 6
đến lớp 11) ít nhất mỗi tháng một lần (02 giờ) về một tác phẩm, một vấn đề văn
học nào đó có trong chương trình chính khoá, mà thường thuyết trình về các tác
phẩm thuộc Kim văn, tức văn học hiện đại, chẳng hạn như tìm hiểu về các tác
phẩm của Tự Lực văn đoàn như: Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Nửa
chừng xuân và Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Con
đường sáng và Mười điều tâm niệm (Hoàng Đạo), Anh
phải sống (Khái Hưng và Nhất Linh), Gió đầu mùa, Sợi
tóc, Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Hồn quê(Nguyễn
Khắc Mẫn), Quê mẹ (Thanh Tịnh), v.v..; hay thơ lãng mạn của
các tác giả: Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư
v.v.. Có khi thầy cô giáo cho thuyết trình các tác phẩm văn học đương đại của
các tác giả như: Võ Phiến, Võ Hồng, Duyên Anh, Nhã Ca, Mai Thảo, Dương Nghiễm
Mậu, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Bảo, Duy Lam, Thế Uyên v.v.. mà những giờ
thuyết trình trước lớp có thể nói là những giờ học đầy hứng thú, phấn khởi. Cả
nhóm hay tổ đọc tác phẩm, đọc tài liệu nghiên cứu rồi trao đổi, làm chung một
đề tài để trình bày trước lớp, sau đó cả lớp trao đổi, chất vấn, phản biện,
v.v.. mà thầy cô giáo dạy Văn là người chứng kiến và đóng vai trò chỉ đạo, nhận
xét đánh giá.
Việc thuyết trình văn
học trước lớp theo tôi là rất có ích, bởi rèn luyện cho học sinh kỹ năng tự
học, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, hình thành cho học sinh
tính mạnh dạn, tự tin khi tập nói chuyện, tập diễn giảng một vấn đề nào đó về
văn chương trước tập thể bạn bè, mà việc này, chương trình môn học đã có yêu
cầu ngay từ lớp Đệ Thất (lớp 6), tức rèn luyện cho học sinh khi mới ở độ 11 -
12 tuồi.
1.3. Về nội dung
chương trình khung của môn học
1.3.1. Chương trình
Trung học đệ nhất cấp
Trung học đệ nhất cấp
có bốn lớp: Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp
Sáu, lớp Bảy, lớp Tám, lớp Chín). Nội dung chương trình khung môn Văn cập nhật
hoá của cấp học này được quy định như sau:
+ Lớp Sáu
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn: chọn tác phẩm của các nhà văn hiện kim,
phù hợp với chương trình luận văn với các thể văn Miêu tả (tả động vật, tả thực
vật, tả đồ vật, tả người, tả cảnh), Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn: trích giảng Văn vần: Tục ngữ, Ca dao;
Văn xuôi: Truyện cổ tích Hưng Đạo đại vương truyện bản kể của
Phan Kế Bính và của Nguyễn Văn Ngọc; Nam Hải dị nhân bản kể
của Phan Kế Bính; Truyện cổ nước Nam bản kể của Nguyễn Văn
Ngọc.
Văn thể: Thơ Lục bát và biến thể.
Luận văn: Miêu tả (có tính cách cụ thể), Thuật sự
(những việc thông thường), Thư tín (thăm viếng, giao thiệp thông thường).
+ Lớp Bảy
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn cũng như ở lớp Sáu nhưng chọn nhiều bài
về văn Thuật sự và văn Miêu tả phối hợp Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn trích giảng cả văn vần và văn xuôi. Về
văn vần, chọn trích giảng Gia huấn ca của Nguyễn Trãi [1], Đại
Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Về văn xuôi,
chọn trích giảng Truyện cổ qua Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh
Ký, Chuyện giải buồn của Huình Tịnh Của.
Văn thể: Thơ Song thất lục bát và biến thể.
Luận văn: chủ yếu là làm văn Thuật sự và văn hỗn
hợp vừa Miêu tả vừa Thuật sự.
+ Lớp Tám
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Ở phần Kim văn,
chương trình yêu cầu hình thức và nội dung các bài Giảng văn phải phù hợp với
chương trình Luận văn, chẳng hạn đang học Luận văn về văn Miêu tả thì ở Giảng
văn phải chọn những bài văn Miêu tả để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận
văn; đang học Luận văn về văn Thuật sự thì ở Giảng văn phải chọn những bài văn
Thuật sự để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận văn. Phải chọn những bài
văn tiêu biểu, có giá trị, học sinh phải học thuộc lòng để luyện ký ức văn
khiếu. Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, và những
bài trích lục từ các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân,
Thanh Nghị, Tao Đàn.
Phần Cổ văn trích
giảng thơ Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Bà huyện
Thanh Quan, thơ Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên).
Văn thể: Thơ Đường luật.
Luận văn: làm các thể văn Miêu tả, Thuật sự, Đơn từ, Tờ
trình, Văn tự (có tính thực tế), Nghị luận luân lý (dạng thông thường).
+ Lớp Chín
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Phần Kim văn,
trích giảng văn Nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Chu Trinh, và
trích các bài nghị luận trên các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp
chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn của các tác giả khác.
Phần Cổ văn,
trích giảng thơ của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến,
Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
Văn thể: Hát nói.
Văn học sử: Đại cương văn học sử Việt Nam từ khởi
thuỷ đến hiện kim.
Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
1.3.2. Chương trình
Trung học đệ nhị cấp
Trung học đệ nhị cấp
gồm ba lớp: Đệ tam, Đệ nhị, đệ nhất (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp Mười,
lớp Mười một, lớp Mười hai).
Trung học đệ nhị cấp ở
miền Nam học theo chương trình phân ban. Ban A chuyên sâu về Hoá, Sinh; Ban B
chuyên sâu về Toán, Lý; Ban C chuyên sâu về Sinh ngữ (Anh, Pháp) và Văn chương,
Triết học (Triết học chỉ học ở lớp Đệ Nhất (tức lớp 12); Ban D chuyên sâu về Cổ
ngữ (Hán, Nôm) và Văn chương, Triết học (Triết học chỉ học ở lớp Đệ Nhất (tức
lớp 12). Ở đó, chương trình môn Văn ở hai ban A và B thì học gọn hơn, ít hơn so
với ban C và D. Do vậy, ở đây chỉ nêu lại chương trình môn Văn cập nhật hoá của
ban C, D là ban chuyên về Văn chương, Sinh ngữ, Cổ ngữ mà thôi.
+ Lớp Mười
Văn học sử: Văn chương truyền khẩu (Văn chương bình
dân); Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến Nguyễn Du; Giới thiệu
thơ chữ Hán và truyện cổ tích.
Văn thể: Đối, Phú, Văn tế.
Giảng văn: chỉ học phần Cổ văn, cụ thể là
trích giảng thơ Nôm thời Hồng Đức của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, thơ Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn
Thành, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa
tiên truyện, Đoạn trường tân thanh, vở tuồng Kim Thạch
kỳ duyên.
Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
+ Lớp Mười một
Văn học sử: Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du đến 1945,
gồm văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ.
Văn thể: thơ Đường luật, ôn lại Hát nói, học kỹ Thơ
Mới.
Đọc bổ túc: Giới thiệu tác phẩm Hán văn.
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Phần Cổ văn,
trích giảng thơ văn của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình
Chiểu (thơ và văn tế), Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu (thơ), đọc thêm: Cao Bá Nhạ, Dương Khuê.
Phần Kim văn:
Lược khảo Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính; Lược khảo Nam
Phong tạp chí, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật; Lược khảo Tự Lực văn đoàn; Nhất
Linh với tác phẩm Đoạn tuyệt; Khái Hưng với tác phẩm Nửa
chừng xuân; Hoàng Đạo với tác phẩm Mười điều tâm niệm.
Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương về các tác
phẩm của các tác giả đã học trong chương trình.
+ Lớp Mười hai
Từ sau năm 1954 đến
năm học 1973-1974, chương trình lớp 12 không học môn Văn, thay vào đó là môn
Triết học. Nhưng riêng năm học 1974-1975 chương trình có sự thay đổi lớn, ở lớp
12 bên cạnh môn Triết học, còn có học thêm môn Văn, cụ thể là phần Kim văn với
văn chương hiện thực 30 năm đầu thế kỷ XX (Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Vũ
Đình Long…); văn chương hiện thực phê phán 1932-1945 (Ngô Tất Tố, Vũ Trọng
Phụng, Nam Cao, Hồ Biểu Chánh…) và văn chương đương đại. Chương trình này chỉ
mới triển khai trong mấy tháng (từ tháng 9-1974 đến đầu tháng 3-1975), bởi từ
đầu tháng 3-1975 là thời điểm diễn ra chiến dịch Giải phóng miền Nam, nhà trường
buộc phải đóng cửa, học sinh nghỉ học.
2. Về sách giáo khoa
bậc Trung học môn Văn ở miền Nam trước 1975
Từ chương trình khung
như trên, các soạn giả sách giáo khoa đã căn cứ vào đó để biên soạn sách giáo
khoa môn Văn. Cụ thể như sau theo chương trình cập nhật hoá từ niên khoá
1970-1971 và 1971-1972 (xin lấy dẫn chứng từ bộ sách giáo khoa của Thẩm Thệ Hà,
có Xuân Tước và Bằng Giang tham gia biên soạn ở một số lớp):
2.1. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 6,
phần Kim văn, đã chọn giảng các bài học như sau:
Văn miêu tả với các
kiểu bài: Tả động vật (Con gà trống gi - Tô Hoài, Con mèo
mướp - Tô Hoài, Mèo hoang - Xuân Diệu); Tả thực vật (Cây
tre - Thạch Lam, Cây tràm và cây mắm - Bình Nguyên
Lộc, Hoa học trò - Xuân Diệu, Hoa sen - Thạch
Lam); tả đồ vật (Bức ảnh kỷ niệm - Tô Hoài, Con búp bê của
Phượng - Nhật Tiến); Tả người (Chị Doãn - Vũ Trọng
Phụng, Bà Phán - Tô Nguyệt Đình, Cụ Giáp -
Khái Hưng, Người bạn cũ - Tô Nguyệt Đình, Năm Cụt -
Nguyễn Văn Xuân, Lão lắc đầu - Phan Du); Tả cảnh (Ấp Đình
Trung - Tô Nguyệt Đình, Hòn non bộ - Nhất Linh, Trong
vườn dâu - Thẩm Thệ Hà, Trong thế giới bùn lầy - Bình
Nguyên Lộc, Sông Cửu Long - Dương Tự Quán, Cảnh đêm
trăng - Thạch Lam, Trong bóng hoàng hôn - Ngọc
Linh, Trưa hè ở thôn quê- Trần Tiêu, Làng Thanh Mai -
Lý Văn Sâm, Những kẻ không nhà - Lý Văn Sâm, Nhớ nhà -
Nguyễn Khắc Mẫn, Câu cá - Tchya, Trở rét -
Bàng Bá Lân, Sau một đêm mưa - Trang Thế Hy, Một đám
cháy - Tô Nguyệt Đình, Tiếng dế đêm khuya - Ngọc
Linh)
Văn thuật
sự: Khổ qua trái mập trái tròn - Truy Phong, Loài chim
hung dữ - Thẩm Thệ Hà, Tết - Đoàn văn Cừ, Thuỷ
tiên - Hoàng Đạo, Ngày xuân đi lễ đền - Nguyễn Thị
Vinh, Bẻ lộc - Nguyễn Thị Vinh.
Văn thuật sự phối hợp
với miêu tả: Bến My Lăng - Yến Lan, Khói trắng -
Kiên Giang, Tình bà cháu - Nguyễn Thị Vinh, Vẽ tranh -
Nhất Linh, Đi tìm cái đẹp - Nhất Linh, Đói -
Thạch Lam, Phút vĩnh biệt - Khái Hưng, Thế thì hoà -
Khái Hưng.
Thư tín: Đi
nghỉ mát viết thư cho bạn - Khái Hưng, Thư của một nhà văn gởi
cho anh - Đỗ Tốn, Bức thư vĩnh biệt - Suzuki.
Trích lục: Đá vọng
phu - Quách Tấn, Chiếc áo rách tay - Toan Ánh, Lịnh
cha - Nhượng Tống, Một cách rửa nhục sai lầm - Nguyên
Sa, Tháng đợi năm chờ - Truy Phong, Đá cá thia lia -
Sơn Nam, Lỡ đàng - Phan Du, Vượt thắng thiên nhiên -
Nguyễn Văn Xuân, Cảnh nhà nghèo ở thôn quê - Nguyễn Văn
Xuân, Bờ ao quê cũ - Đỗ Tốn, Tình quê hương -
Đỗ Tốn.
Phần Cổ văn, sách giáo
khoa đã chọn giảng các bài học như sau:
Văn thể: Thơ Lục bát,
Ca dao, Tục ngữ.
Trích lục Ca
dao: Thằng Bờm, Chê bai bóng gió, Ngát đượm tình quê, Tả cảnh dân quê,
Bên hiếu bên tình, Cảnh chồng đắm mê cờ bạc, Hò kéo gỗ, Buôn tảo bán tần.
Truyện Cổ tích:
- Hưng Đạo đại vương
truyện của Phan Kế Bính và Lê
Văn Phúc: Giới thiệu tiểu sử, tác phẩm; Trích đoạn: Trần Quốc Toản,
Trần Bình Trọng tử tiết, Trận Hàm Tử, Trận Tây Kết, Trận Bạch Đằng.
- Nam hải dị
nhân của Phan Kế Bính: Giới
thiệu bố cục, nội dung; Trích đoạn: Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hiền, Chử Đồng Tử, Tản Viên sơn thần, Từ Đạo Hạnh, Trần Lộc,
Tả Ao.
- Truyện cổ nước
Nam của Nguyễn Văn Ngọc:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm; Trích đoạn: Quyển I. Người ta: Cái cân
thuỷ ngân, Giả chết chờ quạ, Sinh con rồi mới sinh cha, Phượng hoàng đậu cây
khế, Đổi lòng lành, Người ăn mía và người chủ vườn, Người học trò với con rùa,
Có ai làm chứng, Vợ hai vợ cả, Mài dao dạy vợ, Giết chó khuyên chồng, Ăn mày
đánh đổ cầu ao, Tam đại con gà. Quyển II. Muông chim: Con cóc
là cậu ông Trời, Con chèo bẻo, Con tôm vàng, Quạ bắc cầu, Tu hú và quạ, Long
vương và con éch, Hai vợ chồng con chiền chiện và ông sư, Cô mèo cháu cọp, Con
cóc và con cọp.
2.2. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 7,
phần Kim văn, đã chọn giảng các bài học như sau:
Bài tham khảo: Con
đường sáng - Hoàng Đạo, Mòn mỏi - Thanh Tịnh.
Văn miêu tả với ba
kiểu bài (tả cảnh, tả người, tả tình): Thu về - Vita, Thu
cảm - Khái Hưng, Trăng thu - Khái Hưng, Đêm
trăng chơi Hồ Tây - Phan Kế Bính, Đêm trăng của người nghèo -
Trang Thế Hy, Đêm liên hoan- Thẩm Thệ Hà, Một đêm mưa bão -
Hàn Thế Du, Một đêm mưa - Thạch Lam, Cái đêm lịch sử đối
với dân làng Thuỵ - Đỗ Thúc Vịnh, Lời cuối cùng -
Thanh Tịnh, Đời sống dân quê - Nhất Linh, Vỡ đê -
Hoàng Đạo, Con thuyền ngược nước - Nhất Linh, Giữa
biển khơi - Nguyễn Trọng Thuật, Đẩy thuyền - Khái
Hưng, Xóm Vĩ Dạ - Trần Thanh Mại, Giờ đánh trâu về -
Trần Tiêu, Dân quê chạy loạn - Đỗ Thúc Vịnh.
Văn thuật sự với ba
kiểu bài (ký sự, tự thuật, hồi ký): Tình ông cháu - Nhượng
Tống, Một đứa bé mồ côi - Vũ Trọng Phụng, Ngày lên
đường - Hổ Dzếnh, Một người sung sướng - Khái
Hưng, Con người quả cảm - Tô Nguyệt Đình, Một cuộc
chia ly - Tô Nguyệt Đình.
Văn thuật sự phối hợp
với miêu tả: Nhớ cố hương - Vita, Một chuyến về quê -
Thạch Lam, Quảng đời niên thiếu - Nhượng Tống, Sống
lại tuổi thơ - Bình Nguyên Lộc, Hồn ma cũ - Bình
Nguyên Lộc, Ma - Trần Tiêu, Chợ Tết - Đoàn
Văn Cừ, Ông Đồ - Vũ Đình Liên, Đi hái lộc -
Hoàng Đạo, Đồng hào mới - Thạch Lam, Hộp kẹo -
Hoàng Đạo, Tết ly loạn - Đỗ Thúc Vịnh, Một bệnh viện
trên ngọn đồi - Vũ Trọng Phụng, Vườn hoa trong bệnh viện -
Thẩm Thệ Hà, Sợ chết - Đỗ Đức Thu, Nhạc sĩ giang hồ -
Xuân Tước, Anh phải sống - Khái Hưng, Tiếng địch véo
von - Khái Hưng, Sự tích chùa Long Giáng - Khái
Hưng, Tỉnh giấc cô miên - Truy Phong.
Thư tín: Thư
cho con - Hà Mai Anh (dịch), Thư cho em - Toàn
Phong, Thư cho bạn - Linh Bảo, Thư cho một nhà văn -
Thu Vân
Trích lục: Giã
gạo chày ba - Truy Phong, Trong thư viện - Hoàng
Đạo, Sơn Tinh Thuỷ Tinh - Nguyễn Nhược Pháp, Một trang
thiến niên - Lê Văn Trương, Hoa súng - Đinh Gia
Trinh, Qua trường cũ - Hoài Tân, Cái miếu cô hồn -
Hoài Tân, Sống cùng vạn vật - Khái Hưng, Ca khúc khải
hoàn - Lan Khai, Đêm ngày mùa - Hoàng Đạo, Buổi
chiều trên bờ sông - Xuân Tước, Tiếng trúc tuyệt vời -
Phan Du.
Phần Cổ văn, sách giáo
khoa Giảng văn lớp 7 đã chọn giảng các bài học như sau:
Văn thể: Thơ Song thất
lục bát, Thơ Song thất lục bát biến thể.
Tác phẩm Gia
huấn ca: Giới thiệu tác phẩm; Tiểu sử Nguyễn Trãi; Vụ án Lệ Chi viên. Trích
giảng: Dạy vợ con, Việc thờ cúng, Dạy con ở cho có đức, Dạy con gái,
Khuyên học trò chăm học, Dạy con phải có lòng nhân nghĩa, Khuyên con học văn
chương, Khuyên noi gương người xưa (Về tác giả của tác phẩm này, xin
xem chú thích ở trước).
Tác phẩm Đại
Nam quốc sử diễn ca: Nguồn gốc và nội dung tác phẩm; Tiểu sử Lê Ngô Cát;
Tiểu sử Phạm Đình Toái. Trích giảng: Phù Đồng Thiên vương, Hai Bà
Trưng, Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, Trần Hưng Đạo phá Mông Cổ, Lê Thái
Tổ phá giặc Minh, Bà Triệu Ầu đánh Ngô, Lý Nam Đế dựng nền độc lập, Quang Trung
đại phá quân Thanh, Cuộc lưu vong của Lê Chiêu Thống.
Truyện cổ: Chuyện
đời xưa: Tiểu sử Trương Vĩnh Ký; Giới thiệu tác phẩm Chuyện đời
xưa. Trích giảng: Hữu dõng vô mưu, Tích hang ông Từ Thức, Ông
Trạng Quỳnh, Ba anh dốt làm thơ, Bốn anh tài, Thằng chồng khờ ngồi ăn có dây
dụi, Chàng rễ bắt chước cha vợ. Chuyện giải buồn: Tiểu sử Huình Tịnh Của;
Giới thiệu tác phẩm Chuyện giải buồn. Trích giảng: Chí khí
cao, Truyện ông Tấn sĩ lưng mọc lông dê, Vẽ hình vay bạc, Quân tử khả khi dĩ kỳ
phương, Mua cua.
2.3. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 8,
phần Cổ văn đã chọn giảng các bài học sau:
Trích giảng thơ của Lê
Thánh Tông: loại thơ khẩu khí (Cái chổi. Đọc thêm: Con cóc, Dệt
vải, Bù nhìn, Thằng mõ); loại thơ tình cảm (Đề miếu nàng Trương. Đọc
thêm: Tiễn sứ giả, Hương Sơn phong cảnh); loại thơ miêu tả cảnh trí
(Đèo Ngang. Đọc thêm: Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân
Hương, Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan, Đèo Ba Dội -
Hồ Xuân Hương). Tổng kết về thơ của Lê Thánh Tông. Bài khảo sát: Cối
xay, Điếu Lê Khôi, Người nấu bếp, Hoa sen.
Trích giảng thơ của
Nguyễn Bỉnh Khiêm: loại thơ nhàn[2] (Thơ nhàn. Phụ tuyển: Vui cảnh nhàn, Mùa thu đi
chơi thuyền, Nhẹ đường danh lợi. Đọc thêm: Dại khôn - Trần
Tế Xương); loại thơ nhân tình thế thái (Thế thái nhân tình. Phụ
tuyển: Thói đời, Dĩ hoà vi quý); loại thơ sấm (Cảm hứng);
Tổng kết về thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài khảo sát: Đợi thời, Cuộc
điền viên, Xem thường công danh, Thú tiên khách.
Trích giảng Lục
Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu: Vân Tiên gặp Nguyệt Nga,
Thương ghét việc đời, Vương Tử Trực mắng cha con Võ Công, Tổng kết về Lục
Vân Tiên. Bài khảo sát: Lời tôn sư, Nguyệt Nga khóc Vân Tiên, Lời
ông câu, Ác lai ác báo.
Trích giảng thơ của Bà
huyện Thanh Quan: Qua đèo Ngang, Thăng Long thành hoài cổ. Bài khảo
sát: Chiều hôm nhớ nhà, Buổi chiều lữ thứ. Đọc thêm: Trấn
Bắc hành cung hoài cổ, Tức cảnh chiều thu. Tổng kết về thơ Bà huyện Thanh
Quan.
Văn thể: Thơ Đường
luật.
Phần Kim văn, sách đã
chọn giảng các bài học như sau:
Văn miêu tả hoạt cảnh
phức tạp: Ngày khai trường - Anatole France, Trong
phòng khách đợi - trích Giông tố của Vũ Trọng Phụng.
Đọc thêm: Tôi đi học - trích Quê mẹ của Thanh
Tịnh, Buổi học đầu tiên - trích Quê mẹ của
Thanh Tịnh, Con thuyền ngược nước - Nhất Linh (báo Văn hoá
Ngày nay).
Văn thuật sự thông
thường: Lòng mẹ hy sinh - Alfred de Musset, Tấm lòng
người chị - Thạch Lam, Đám cưới nhà quê - trích Đồng
quê của Phi Vân. Đọc thêm: Buổi học cuối cùng -Alphonse
Daudet, Mưu cụ Đốc - trích Đội mũ lệch của
Khái Hưng, Tết ở Sài Gòn - Trần Văn Lai (báo Ngày nay), Những
mơ ước của người xưa - trích Ngày xưa của Trần Văn
Lang (báo Tiểu thuyết thứ Bảy), Chài Mường - trích Truyện
đường rừng của Lan Khai, Cầu Chờ - trích Tiêu
Sơn tráng sĩ của Khái Hưng.
Văn thuật sự thể đối
thoại: Thách cưới - trích Thừa tự của Khái
Hưng, Cho áo - trích Gió lạnh đầu mùacủa Thạch
Lam. Đọc thêm: Lòng mẹ - trích Anh phải sống của
Khái Hưng, Xử kiện - trích Trước vành móng ngựa của
Hoàng Đạo, Lời trối - Thanh Tịnh, Làm mai -
trích Nhơn tình ấm lạnh của Hồ Biểu Chánh, Thần đồng
vấn Khổng Tử - Phan Kế Bính (dịch), Làm đèn trung thu -
Nhật Tiến (Đèn tháng tám).
Văn thuật sự thể tự
thuật tâm sự: Tâm sự - Khổng Dương, Tâm trạng một
người mắc bệnh lao - trích Hoa trinh nữ của Thẩm Thệ
Hà. Đọc thêm: Tâm trạng một thanh niên mắc bệnh lao -
trích Bướm trắng của Nhất Linh, Hạnh -
trích Hạnh của Khái Hưng, Tâm sự của cái giường
hư - trích Phấn thông vàng của Xuân Diệu, Một
đứa bé mồ côi - trích Giông tố của Vũ Trọng Phụng.
Văn thuật sự thể hồi
ký: Những ngày thơ ấu - trích Những vì sao lạc của
Nhật Tiến, Giã từ trường cũ - trích Đơn sơ của
Hường Hoa, Buổi học đầu tiên - trích tập Souvenirs của
Ernest Lavisse. Đọc thêm; Ông tôi - trích Tiết tháo
một thời của Toan Ánh, Sự học của tôi - B.
Franklin, Một giấc mơ xuân - Hoàng Đạo (báo Ngày nay).
Văn thuật sự thể cảm
tưởng: Nhặt lá bàng - trích Đôi bạn của Nhất
Linh, Con đường sáng - trích Con đường sáng của
Hoàng Đạo. Đọc thêm: Chuông vang - Đông Hồ, Trong thư
viện - trích Con đường sáng của Hoàng Đạo, Ý
thu - Anatole France, Đất mẹ - trích Đất mẹ của
Thu Vân, Hoa - Okakura Kakuzo (Khái Hưng dịch), Con tàu (báo
Ngày nay).
Văn nghị luận cổ
điển: Bảy tình người ta - trích Lữ trung tạp thuyết của
Bùi Huy Bích. Văn nghị luận của Phan Kế Bính: Luận về lý thú văn chương (Việt
Hán văn khảo), Am chúng sinh (Việt Nam phong tục);
Bài khảo sát: Nguyên lý văn chương - Phan Kế Bính (Việt Hán văn khảo), Lễ
xướng danh trong khoa thi Hội về bản triều– Phan Kế Bính (Việt Nam phong
tục). Văn nghị luận của Nguyễn Bá Học: Ở đời (Lời
khuyên học trò), Mạo hiểm(Lời khuyên học trò); Bài khảo
sát: Tự trọng, Hy vọng (đều trích từ Lời khuyên học
trò). Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh: Gì cũng cười (Xét
tật mình), Nghề hát bội của ta và nghề diễn kịch của Châu Âu (Nghề
diễn kịch bản Đại Pháp); Bài khảo sát: Phải xét tật mình (Xét
tật mình), Con cá nhỏ và người đánh cá (Thơ ngụ ngôn của
La Fontaine, Nguyễn Văn Vĩnh dịch).
Văn nghị luận
mới: Luyện lấy bộ óc khoa học - Hoàng Đạo (Mười điều tâm
niệm).
Giới thiệu tóm tắt về
các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, tạp chí Thanh Nghị, Tao Đàn
tạp chí, tạp chí Tri Tân.
Phụ tuyển văn nghị
luận: Văn chương (Phan Kế Bính), Nền luân lý cổ của
dân tộc Việt Nam (Phạm Quỳnh), Chức trách các văn sĩ trong xã
hội ta ngày nay (Tiếng gọi đàn - Dương Bá Trạc), Cái
chứa trong bụng người (Khối tình - Tản Đà), Lối
văn tả thực (Phê bình và khảo luận - Thiếu Sơn), Tình
cảnh dân quê Việt Nam dưới chế độ thực dân (Hoa Bằng Hoàng Thúc
Trâm), Thiên chức của văn sĩ Việt Nam (Lan Khai), Văn
nhân(Thiều Quang), Nghĩa gia tộc (Phạm Quỳnh), Nghị
lực (D.F. Frébault, Phạm Quỳnh dịch), Thanh niên đời xưa(Ứng
Hoè Nguyễn Văn Tố), Nghĩa vụ của thanh niên (Nguyễn Khắc Hiếu)
Phần luận văn: Các
luận đề thuộc loại văn thuật sự; Các luận đề thuộc loại văn nghị luận.
Văn đơn tín: Loại thư
tín, loại đơn từ
2.4. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 9, bài “Đại
cương Văn học sử Việt Nam” giới thiệu văn học Việt Nam từ khởi thuỷ đến
hiện đại qua cách phân kỳ như sau: Văn chương bình dân, Văn chương đời nhà Lý
và đời nhà Trần, Văn chương đời nhà Lê và đời nhà Mạc, Văn chương đời nhà Lê
trung hưng, Văn chương đời nhà Nguyễn, Văn chương hiện đại.
Phần Cổ văn, sách giáo
khoa đã chọn trích giảng các tác phẩm của các tác giả sau:
Nguyễn Công Trứ: Tiểu
sử, thân thế, thời đại, con người. Giảng văn: Loại thơ tự vịnh (Đi thi tự
vịnh; đọc thêm: Vịnh cành nghèo, Quân tử cố cùng, Hội gió mây, Thú
điền viên, Thú ẩn dật, tự thuật); Loại thơ vịnh vật (Vịnh cây cau;
đọc thêm: Vịnh cây thông, Vịnh cây vông, Vịnh trống đại cổ); Loại
thơ chí nam nhi (Luận kẻ sĩ; đọc thêm: Chí nam nhi, Nợ tang
bồng, Nợ công danh); Loại thơ nhân tình thế thái (Thế tình đen bạc;
đọc thêm: Khuyên người đời, Trò chơi, Vinh nhục); Loại thơ hưởng
nhàn (Cảm tưởng ngày tháng thanh nhàn; đọc thêm: Thoát vòng danh
lợi, Hành tàng, Thú thanh nhàn). Tổng kết về Nguyễn Công Trứ. Bài khảo
sát: Vịnh cảnh già, Vô cầu, Vịnh mùa đông, Chí làm trai, Cầm kỳ thi tửu.
Cao Bá Quát: Thân thế,
sự nghiệp và con người. Giảng văn: Uống rượu tiêu sầu; đọc
thêm: Tạm biệt, Đời người thấm thoát. Bài khảo sát: Cuộc
phong trần, Đi sứ Tân Gia Ba, Ngán đời.
Nguyễn Khuyến: Thời
đại, thân thế và sự nghiệp. Giảng văn: Loại thơ tả cảnh (Vào hè; đọc thêm: Cảnh
mùa hè, Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh); Loại thơ tả tình (Khóc Dương Khuê;
đọc thêm thơ tả tình: Dựng nhà tế đường, Tạ lại người cho hoa trà, Mùa
hạ); Loại thơ chống thực dân (Hội Tây; đọc thêm: Vịnh Lão
Ngưu, Lời gái goá); Loại thơ trào phúng (Tự trào; đọc thêm: Tặng
Hà Nam Tổng đốc, Tự đề, Hoả lò đun nước); Loại thơ yêu nước (Thị Mốc;
đọc thêm: Cáo quan về ở nhà, Về nghỉ nhà, Thoại cựu diễn âm). Tổng
kết về Nguyễn Khuyến. Bài khảo sát: Ngày xuân răn con cháu, Ông Nghè
tháng tám, Bạn đến chơi nhà, Cảnh Tết, Cối xay.
Trần Tế Xương: Thân
thế, sự nghiệp và con người. Giảng văn: Loại thơ mỉa mai thân thế (Tự thán;
đọc thêm; Than cùng, Thi hỏng); Loại thơ mỉa mai nhân thế (Thói
đời; đọc thêm: Đùa ông Phủ, Mừng Nghị viên, Hỏi ông Tiến sĩ mới,
Chế quan Đốc); Loại thơ mỉa cảnh mỉa đời (Tết đến; đọc thêm: Than
đạo học, Đại hạn, Trời hôm, Vịnh lên đồng). Tổng kết về Trần Tế Xương. Bài
khảo sát: Tự tự, Dại khôn, Đi thi, Mùa nực mặc áo bông, Lạc đường.
Tôn Thọ Tường: Tiểu
sử. Giảng văn: Từ Thứ quy Tào. Đọc thêm: Tôn phu nhân quy
Thục, Tự thuật, Thân thế nàng Kiều. Bài khảo sát: Vịnh chùa Cây
Mai, Lai kinh thọ tội, Tự thuật.
Phan văn Trị: Tiểu sử.
Giảng văn: Hoạ bài Tôn phu nhân quy Thục. Đọc thêm: Tự
thuật, Câu cá 2. Bài khảo sát: Cảm hoài, Câu cá 1, Tự thuật 5.
Cuộc bút chiến giữa
nhóm Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường. Một bài truyền thị tỏ rõ thái độ Tôn Thọ
Tường.
Phan Bội Châu: Thân
thế, sự nghiệp và con người. Giảng văn: Nghĩa vụ đối với quốc gia, Bài
thơ khẩu chiếm. Đọc thêm: Đồng hồ náo, Hồn gạch, Tiếng gọi đàn,
Vào thành. Bài khảo sát: Khát nước, Tự tình, Tuyệt mệnh.
Phan Chu Trinh: Chí
thành thông thánh, Bài thơ lưu giản. Đọc thêm: Côn Lôn tức cảnh,
Cảm hoài, Bài khảo sát: Cây đèn sáp, Đập đá Côn Lôn, Cảnh ngục tù.
Văn thể: Hát nói.
Ngữ hoa, Từ hoa, Ý
hoa.
Phần Kim văn, sách
giáo khoa đã chọn trích giảng các bài học như sau:
Kiểu bài nghị luận phê
bình.
Phạm Quỳnh: Tiểu sử.
Trích giảng: Bàn về tiểu thuyết, Triết lý của đạo Phật (Phật
giáo lược khảo). Bài khảo sát: Quốc hồn trong quốc văn (Thơ
tây thơ ta), Nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam (Công
cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam), Đạo
hiếu và đạo trung trong luân lý của Khổng giáo (Công cuộc chấn
chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam). Đọc thêm văn
nghị luận của Phạm Quỳnh: So sánh thế kỷ thứ XVII và thế kỷ thứ XVIII
trong văn học sử nước Pháp (Bàn về văn minh học thuật nước Pháp), Triết
học của đạo Khổng (Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo
Khổng), Nghĩa vụ của nhà trí thức (Nghĩa vụ là gì?), Tính
đôn đốc (Độc thư cứu quốc), Tâm lý của lối thơ Đường
luật (Thơ tây thơ ta), Tâm lý cô Kiều (Truyện
Kiều).
Trần Trọng Kim: Tiểu
sử. Trích giảng: Vì sao phương Tây phú cường mà phương Đông suy
nhược (Nho giáo), Luân lý của đạo giáo (Đạo
giáo). Bài khảo sát: Giá trị Truyện Kiều, Khoa học và tâm học.
Đọc thêm: Chính thống và nguỵ triều (Việt Nam sử lược), Cái
hại của sự duy tân cấp tốc mù quáng (Nho giáo), Tôn chỉ
luân lý của Khổng giáo (Nho giáo), Nghiệp báo ứng (Phật
giáo), Sự tiến hoá của người nước Nam (Việt Nam sử lược), Tương
lai Việt Nam (Việt Nam sử lược).
Phan Chu Trinh: Tiểu
sử. Trích giảng: Luận về một chính sách khai hoá (Thư gởi chính
phủ bảo hộ), Quốc gia luân lý (Đạo đức và luân lý Đông
Tây). Bài khảo sát: Đạo đức và luân lý, So sánh chủ nghĩa quân trị
và dân trị. Đọc thêm: Phan Chu trinh tuyên chiến với quân
quyền (Thư thất điều), Tôn bậy quân quyền (Thư
thất điều), Âm mưu chính trị (Thư thất điều), Quân
chủ chuyên chế xuyên tạc đạo Nho (Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ
nghĩa), Xã hội luân lý (Đạo đức và luân lý Đông Tây), Dân
trị chủ nghĩa (Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa).
Nghị luận trong các
tạp chí văn chương, khoa học: Văn chương - Nguyễn Bá
Học, Tự trọng - Nguyễn Bá Học, Công dụng của câu đối trong
xã hội ta - Nguyễn Văn Ngọc, Tư tưởng Lão, Trang trong những
bài hát nói(Đào nương ca) - Nguyễn văn Ngọc, Một phương thức
xây dựng văn hoá - Phan Kế Bính, Luận về phong tục -
Phan Kế Bính, Số mệnh - Dương Minh, Nghĩa xuất
xử - Phan Quân, Biết khó làm dễ - Phan Quân, Bàn
về nghị lực - Lương Khải Siêu (Trần Trọng Kim dịch), Khôn dại
sống chết - Phan Sào Nam, Canh bạc và cuộc đời -
Nguyễn Khắc Hiếu, Đức khiêm tốn của nhà văn - Hoa Bằng, Khoa
học - Thu Giang, Học vấn và thực nghiệm - Phan
Khôi, Thơ văn với thời đại - Chương Dân, Lối thơ khẩu
khí Trần Thanh Mại (Trông dòng sông Vị), Sự thực với
việc làm thơ - Chương Dân, Thơ ca có hại gì cho tâm hồn người
ta không - Dương Quảng Hàm, Ảnh hưởng thơ ca đối với tâm hồn
người ta - Dương Quảng Hàm, Bàn về Truyện Kiều (Chánh
học cùng tà thuyết) - Ngô Đức Kế, Tâm lý nhân vật trong Đoạn trường tân
thanh - Đinh Gia Trinh, Tâm lý nàng Kiều dưới ngòi bút Nguyễn
Du - Đinh Gia Trinh, Tính kiêu ngạo của Cao Bá Quát -
Trúc Khê Ngô Văn Triện, Điểm khởi hành của thơ tự do - Trần
Thanh Hiệp.
Phần bài bổ túc (có
câu hỏi gợi ý): Chịu khó - Nguyễn Bá Học, Khó dễ -
T.N, Tài đức - Thu Giang, Bình đẳng -
A.A.A, Tinh thần hy sinh - H.H.H., Người anh hùng -
Đàn Việt, Quan niệm đạo đức mới - Hữu Tuyết, Nhân sinh
quan - Nam Cường, Văn chương phê bình - NMT, Thế
nào là nội dung và hình thức một tác phẩm văn chương - Hoài
Thanh, Quốc học - Trần Thanh
Hiệp.
2.5. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 10 đã chọn trích
giảng các tác phẩm sau:
Phần Văn học sử: Văn
chương truyền khẩu, Văn Nôm từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Du, Giới thiệu những tác
phẩm Hán văn do người Việt sáng tác tương ứng với các thời kỳ của nền văn Nôm.
Phần Văn thể: Đối, Câu
đối, Phú (cổ thể, cận thể [Đường luật]), Văn tế.
Phần Trích giảng:
Ca dao: Bình
giảng: Buồn trông, Làng ta. Đọc thêm: Cái cò, Cầu duyên,
Công ơn cha mẹ, Thằng Bờm, Nụ tầm xuân, Cố chí canh nông, Việc làm ruộng, Bài
hát đố, Trấn thủ lưu đồn, Tiếng hờn vong quốc, Phê bình nhân vật lịch sử, Chỉ
trích quan liêu.
Thơ thời Hồng
Đức: Hồng Đức quốc âm thi tập. Bình giảng: Lăng Mẫu tống sứ
giả. Khảo sát: Thơ tứ thời(Ngô Chi Lan). Đọc thêm: Canh
một, Xuân, Hạ thử, Tàn xuân lữ xá, Mẫu đơn, Vịnh chùa Non nước, Thần Phù, Bạch
Đằng giang, Trưng Vương, Bà Triệu, Vịnh Hán Cao Tổ, Khổng Thánh.
Lê Thánh Tông: Thân
thế và sự nghiệp. Bình giảng: Người bù nhìn. Khảo sát: Đề
miếu vợ chàng Trương. Phê bình: Thơ khẩu khí (Phạm Văn
Diêu); Thơ khẩu khí Lê Thánh Tông (Trần Thanh Mại). Đọc
thêm: Qua Hoàng Giang điếu Vũ Nương, Vịnh làng Tam Chế, Hoa sen, Qua
đèo Ngang, Cái chổi, Cái xe điếu, Dệt vải, Thằng mõ, Người ăn mày, Con chó đá.
Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thân thế và văn nghiệp. Bình giảng: Cảnh nhàn. Khảo sát: Đợi
thời. Phê bình: Học thuật và tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thái
Bạch). Đọc thêm: Vui cảnh nhàn, Mùa thu đi chơi thuyền, Nhẹ đường danh
lợi, Xem thường công danh, Thu tiễn khách, Nhân tình thế thái, Thói đời, Dĩ hoà
vi quý, Ngẫm cơ xuất xử, Vô đề, Thơ sấm ký.
Lê Quý Đôn: Thân thế
và văn nghiệp. Bình giảng: Rắn đầu biếng học (thơ). Khảo
sát: Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng (Kinh nghĩa). Đọc
thêm: Lấy chồng cho đáng tấm chồng (Văn sách), Gái quá
thì (Phú).
Nguyễn Huy Lượng: Thân
thế và văn nghiệp. Bình giảng: Vịnh phong cảnh Hồ Tây. Khảo
sát: Tụng Tây Hồ phú (đoạn cuối). Đọc thêm: Tụng Tây
Hồ phú (toàn bài).
Phạm Thái: Thân thế và
văn nghiệp. Bình giảng: Khóc Trương Quỳnh Như. Khảo sát: Tự
thuật. Đọc thêm: Người đánh bạc, Anh nghiện rượu, Tự trào, Đề tặng
Quỳnh nương, Ngày xuân uống rượu, Gởi Quỳnh Như, Tình xuân, Chiến tụng Tây Hồ
phú.
Đặng Đức Siêu: Thân
thế và văn nghiệp. Bình giảng: Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Nguyễn văn Thành: Thân
thế và văn nghiệp. Bình giảng: Tế trận vong tướng sĩ. Phê
bình: Phê bình bài Tế tướng sĩ văn (Phạm Quỳnh).
Chinh phụ ngâm khúc: Thân thế và văn nghiệp Đặng Trần Côn. Thân
thế và văn nghiệp Đoàn Thị Điểm. Hoàn cảnh cấu tạo Chinh phụ ngâm khúc.
Bình giảng: Thời chinh chiến, Lúc tiễn đưa. Khảo sát: Trách
chồng sai hẹn, Buồn chờ đợi. Phê bình: Bà Đoàn Thị Điểm đã dịch Chinh
phụ ngâm khúc như thế nào? (Hà Như Chi). Đọc thêm: Nỗi ưu tư
của người chinh phụ, Lòng sầu muộn, Viễn ảnh khải hoàn.
Cung oán ngâm khúc: Thân thế và văn nghiệp Nguyễn Gia Thiều.
Hoàn cảnh cấu tạo Cung oán ngâm khúc. Bình giảng: Tài sắc
cung phi khi còn là khuê nữ, Khái luận về cuộc đời khổ sở. Khảo sát: Lúc
được nhà vua sủng ái, Khi bị nhà vua chán bỏ. Phê bình: Triết
lý Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Hoa). Đọc thêm: Tâm sự cung phi
khi bị thất sủng, Nỗi buồn cô đơn, Hy vọng cuối cùng.
Hoa tiên truyện: Thân thế và văn nghiệp Nguyễn Huy Tự. Tiểu
sử người nhuận sắc: Nguyễn Thiện. Nguồn gốc và lược truyện Hoa tiên.
Bình giảng: Lương Sinh và Dương Dao Tiên gặp nhau. Khảo
sát: Lương Sinh từ biệt Dao Tiên, Cảnh sông nước lúc Dao Tiên lên kinh
đô. Phê bình: Giá trị Hoa tiên. Đọc thêm: Lương Sinh về
thăm vườn cũ, Lương Sinh và Dương Dao Tiên tái ngộ.
Đoạn trường tân thanh: Thân thế và văn nghiệp Nguyễn Du. Đặc điểm
thời đại – Nguồn gốc – Các bài Tựa. Lược truyện Đoạn trường tân thanh.
Bình giảng: Tài sắc Thuý Vân và Thuý Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Những
đoạn Kiều nhớ nhà, Đoạn mở đầu và đoạn kết thúc Đoạn trường
tân thanh. Khảo sát: Kiều gặp Từ Hải, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng,
Kim Trọng trở lại vườn Thuý. Phê bình: Giá trị truyện Kiều (Trần
Trọng Kim), Bàn về Truyện Kiều (Ngô Đức Kế), Phê bình
Từ Hải (Nguyễn Bách Khoa). Thơ vịnh Kiều của các tác giả: Phạm Quý
Thích, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khắc Hiếu, Tôn
Thọ Tường. Đọc thêm: Kiều trước mộ Đạm Tiên, Thuý Kiều gặp Kim Trọng,
Kiều mộng thấy Đạm Tiên, Kiều nhờ Vân trả nghĩa Kim Trọng, Số phận Thuý Kiều,
Kim Kiều tái hợp.
2.6. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 11, phần Văn học
sử gồm: Văn chương chữ Hán, Văn chương chữ Nôm, Văn chương Quốc ngữ. Phần Văn
thể: Thơ Đường luật, Hát nói, Thơ mới.
Trích giảng phần Cổ
văn:
Nguyễn Công Trứ: Tiểu
sử - Văn nghiệp - Ý kiến phê bình về Nguyễn Công Trứ. Bình giảng: Vịnh
cảnh nghèo. Đọc thêm: Quân tử cố cùng, Hội gió mây, Thú điền viên.
Bình giảng: Thú ẩn dật. Đọc thêm: Muộn thành đạt, Hàn Nho
phong vị phú, Một vài Câu đối. Bình giảng: Chí làm trai, Chí nam
nhi, Nợ nam nhi, Luận kẻ sĩ. Đọc thêm: Nợ tang bồng, Nợ công
danh, Phận sự làm trai, Kiếp nhân sinh, Đường công danh, Đi thi tự vịnh, Tang
bồng là nợ. Bình giảng: Cầm kỳ thi tửu, Nợ phong lưu. Đọc
thêm: Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Lược giảng: Nhàn.Đọc
thêm: Thoát vòng danh lợi, Còn nhiều hưởng thụ, Hành tàng. Bình
giảng: Thế thái nhân tình, Thế tình đối với người nghèo. Lược
giảng: Thế tình đen bạc. Lược giảng: Cách ở đời. Đọc
thêm: Vinh nhục.
Cao Bá Quát: Thời đại
- Tiểu sử - Văn nghiệp - Ý kiến phê bình về Cao Bá Quát. Bình giảng: Cuộc
phong trần. Đọc thêm: Trải khắp đường đời, Tài tử đa cùng phú.
Bình giảng: Ngán đời, Đời người thấm thoát, Uống rượu tiêu sầu. Đọc
thêm: Hội ngộ, Hoài nhân, Tạm biệt, Đề sau khúc Yên đài anh ngữ của
quan Đô sát Bùi công, Giữa đường gặp người đói.
Nguyễn Đình Chiểu:
Tiểu sử - Văn nghiệp - Ý kiến phê bình về Nguyễn Đình Chiểu. Giới thiệu Lục
Vân Tiên; Trích giảng: Lời Tôn sư, Ác lai ác báo, Lời ông câu.
Đọc thêm: Nguyệt Nga khóc Vân Tiên, Vân Tiên Tử Trực đua tài. Bình
giảng: Tự thuật, Nước lụt. Bài khảo sát: Ai điếu Phan Thanh
Giản. Trích giảng: Văn tế Trương Công Định. Bài khảo
sát: Văn tế sĩ dân lục tỉnh (đoạn 2). Đọc thêm: Văn tế
nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế sĩ dân lục tỉnh (toàn bài).
Nguyễn Khuyến: Cuộc
đời – Văn nghiệp – Ý kiến phê bình về Nguyễn Khuyến. Bình giảng: Đồng
tiền hoẻn, Tự trào. Bài khảo sát: Kẻ trộm mất trộm, Hội Tây, Cảnh
Tết, Ông phỗng đá. Đọc thêm: Ông Nghè tháng tám, Châu chấu đá
voi, Cách giả điếc, Chợt hứng. Bình giảng: Khóc Dương Khuê. Bài
khảo sát: Vườn Bùi chốn cũ, Mừng con làm nhà. Đọc thêm: Gửi
bác Châu Cầu, Trường thành hoài cổ. Bình giảng: Cảnh mùa hè. Đọc
thêm: Chơi núi An Lão, Thu vịnh. Bình giảng: Thị Mốc.
Bài khảo sát: Tiệc hát, Cối xay, Cuốc kêu cảm hứng. Đọc thêm: Đêm
mùa hạ, Ngày xuân răn con cháu.
Trần Tế Xương: Tiểu sử
- Văn nghiệp – Ý kiến phê bình Trần Tế Xương. Bình giảng: Quan tại gia,
Than thân, Mùa nực mặc áo bông, Tết đến. Đọc thêm: Than cùng,
Than nghèo, Ốm và đau mắt. Bình giảng: Đi thi. Đọc
thêm: Hỏng thi 1, Hỏng thi 2, Hỏng thi 3, Phú hỏng thi. Bình
giảng: Cái thú cô đầu. Đọc thêm: Hỏi ông Trời, Mất tiền,
Khó chừa đàn bà, Tài ngón chầu, Tự trào. Bình giảng: Lạc đường, Đêm
buồn. Đọc thêm: Dại khôn, Chúc Tết. Bình giảng: Gởi ông
Thủ khoa Huân. Đọc thêm: Nhớ bạn. Bình giảng: Gởi ông
Cò. Đọc thêm: Mừng Nghị viên, Phường tuồng, Cô Tây đi tu, Vay tiền
không được, Lắm quan, Giễu ông Đốc, Đùa ông Phủ. Bình giảng: Than
đạo học. Đọc thêm: Than sự thi, Ông Cử Nhu, Khoa thi cảm tác, Đổi
thi, Tiễn người đi thi, Giễu người đi thi, Hỏi ông Tiến sĩ mới. Bình
giảng: Xuân nhật ngẫu hứng. Đọc thêm: Chúc Tết, Lên
đồng, Than nền đạo lý.
Dương Khuê: Tiểu sử.
Bình giảng: May rủi. Bài khảo sát: Ai ơi! Má đỏ. Đọc
thêm: Chơi hát ngẫu hứng, Nói hớt. Bình giảng: Động
Hương Tích. Bài khảo sát: Hỏi thăm bạn ở Hưng Hoá. Đọc
thêm: Nợ phong lưu, Chơi trăng.
Chu Mạnh Trinh: Tiểu
sử - Phê bình về Chu Mạnh Trinh. Bình giảng: Hương Sơn phong cảnh
ca. Bài khảo sát: Hương sơn nhật trình ca, Vịnh Truyện
Kiều (hồi thứ nhât), Tổng vịnh Truyện Kiều.
Cao Bá Nhạ: Tiểu sử -
Tóm lược Tự tình khúc. Trích giảng: Tình nhà. Bài
khảo sát: Lúc bị bắt. Đọc thêm:Hoa với người.
Tản Đà Nguyễn Khắc
Hiếu: Tiểu sử - Phê bình về Tản Đà. Bình giảng: Tống biệt. Bài khảo
sát: Thơ rượu, Gió thu, Thề non nước. Đọc thêm: Thông
giang cảm tưởng, Ngày xuân thơ rượu. Bình giảng: Sự nghèo.
Bài khảo sát: Kiếp con quay, Thơ thẩn. Đọc thêm: Tự trào,
Sự đời. Bình giảng: Thơ đề, Hoa rụng. Đọc thêm: Cảm
thu tiễn thu, Tân xuân cảm. Bình giảng: Tinh thần yêu nước. Bài
khảo sát: Con cuốc và con chẫu chuộc. Đọc thêm: Tháng ba
không mưa, Vịnh bức dư đồ rách.
Phần Kim văn, sách
giáo khoa đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Nguyễn Văn Vĩnh và
Đông Dương tạp chí: Tiểu sử - Giới thiệu tạp chí - Phê bình về Nguyễn Văn Vĩnh
và Phan Kế Bính. Bình giảng: Tính ỷ lại. Bài khảo sát: Nhận
xét tật mình, Nết người lớn. Đọc thêm: Thần chết và lão tiều
phu, Con quạ với con chồn, Con cá nhỏ và người đánh cá, Gì cũng cười, Nghề hát
bội ở nước ta, Phép xử thế của người phụ nữ.
Phan Kế Bính: Tiểu sử.
Bình giảng: Nguyên lý văn chương, Lý thú của văn chương, Tục ăn Tết,
Thương người đã mất. Đọc thêm: Quan niệm sai lầm, Thầy trò
ngày xưa, Cái hay của văn chương. Lễ xướng danh trong khoa thi Hội về bản triều,
Bài ghi trên chỗ ngồi (PKB dịch)
Nhóm Nam Phong tạp
chí: Giới thiệu Nam Phong tạp chí. Phạm Quỳnh: Tiểu sử - Văn nghiệp - Ý kiến
phê bình về Phạm Quỳnh. Bình giảng: Hai con đường, Nền luân lý cổ của
dân tộc Việt Nam, Tịch mịch. Đọc thêm: Nghĩa vụ là gì?, Danh
dự văn minh là gì?, Luận về lòng tín ngưỡng, Văn thuyết, Văn chương Truyện
Kiều. Bình giảng: Giá trị Truyện Kiều. Đọc
thêm: Tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết, Mỹ thuật là gì?, Thơ là gì?,
Nội dung ca dao, Tứ môn xuất du, Triết lý Phật giáo. Bình giảng: Tính
cách thực dụng của đạo Khổng.
Nguyễn Trọng Thuật:
Tiểu sử. Trích giảng: Tinh thần ái quốc của người Việt Nam. Đọc
thêm: Cần kiệm, Thần sông với thần bể, Con trai với con cò, Bình minh
ngoài biển khơi.
Nhóm Tự Lưc văn đoàn:
Giới thiệu Tự Lực văn đoàn.
Nhất Linh: Tiểu sử -
Phê bình về Nhất Linh. Tóm lược Đoạn tuyệt. Trích giảng: Buổi
chiều cuối năm, Xung đột cũ mới. Đọc thêm: Thoát ly gia đình,
Trên sông Đà.
Khái Hưng: Tiểu sử -
Phê bình về Khái Hưng. Tóm lược Nửa chừng xuân. Trích giảng: Cảnh
bên đường. Bài khảo sát: Đối thoại giữa bà Án và cô Mai, Vị
tha. Đọc thêm: Lời cuối cùng, Tấm lòng cô Mai.
Hoàng Đạo: Tiểu sử -
Phê bình về Hoàng Đạo. Tóm lược Mười điều tâm niệm. Trích
giảng: Văn hoá Đông Tây. Bài khảo sát: Luyện tính khí.
Đọc thêm: Luyện lấy bộ óc khoa học, Tin ở sự tiến bộ, Làm việc có
phương pháp.
3. Nhận xét chung
3.1. Có thể thấy chương trình khung môn Văn được
sắp xếp có hệ thống chặt chẽ, khoa học, hợp lý, theo trình tự từ dễ đến khó, từ
các bài trích giảng đến các bài giới thiệu văn thể, cho đến các kiểu bài làm
văn. Phần văn học sử được học có hệ thống, nếu ở lớp 9 học “Đại cương
văn học sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hiện kim”, thì sang lớp 10 học sâu
hơn, kiến thức được nâng cao hơn: “Văn chương truyền khẩu (Văn chương
bình dân)”; “Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến
Nguyễn Du”; “Giới thiệu thơ chữ Hán và truyện cổ tích”, để đến
lớp 11 sẽ học tiếp giai đoạn còn lại “Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du
đến 1945: văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ”. Phần văn thể cũng được
học một cách bài bản, có hệ thống về các thể loại: tục ngữ, ca dao, truyện cổ
tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, câu đố, thơ lục bát và biến thể, thơ song
thất lục bát và biến thể, câu đối, phú, văn tế, hát nói, thơ Mới. Riêng hai thể
loại ngâm khúc và truyện thơ Nôm tuy chương trình không có bài học riêng ở phần
văn thể nhưng lại được giới thiệu về thể loại ở bài học về thơ lục bát, thơ
song thất lục bát và ở bài trích giảng về tác phẩm Chinh phụ ngâm, Cung
oán ngâm, Hoa tiên, Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên.
3.2. Bài giảng văn quy định chương trình và
sách giáo khoa dù được biên soạn theo loại thể - kiểu bài (chủ yếu là ở trung
học đệ nhất cấp) nhưng vẫn đảm bảo theo tiến trình phát triển lịch sử văn học.
Để sau đó, học sinh sẽ được học nâng cao về văn học sử Việt Nam qua các bài học
trọng tâm ở lớp 9, lớp 10 và 11.
3.3. Qua các văn bản trích giảng, khi biên
soạn sách giáo khoa, các soạn giả đã có ý thức tích hợp giữa văn học (giảng
văn) với làm văn (qua các kiểu bài luận [làm văn]) và ngôn ngữ (qua việc chú
thích giải nghĩa các từ cổ, từ Hán Việt trong các văn bản được trích giảng, bài
học về các biện pháp tu từ: Ngữ hoa, Từ hoa, Ý hoa).
Đây là một đóng góp
không nhỏ của các nhà soạn sách, mà việc biên soạn sách giáo khoa theo phương
pháp tích hợp có tính hiện đại và khoa học này gần đây, từ năm 2000 Bộ Giáo dục
và Đào tạo mới có chủ trương, như thế là chương trình Ngữ văn hiện nay đã đi
chậm khoảng gần nửa thế kỷ nếu so với chương trình môn Văn của miền Nam trước
đây!
3.4. Các bài giảng văn đã kết hợp giữa thể loại
(Kiểu văn bản) với tiến trình lịch sử văn học, có sự tích hợp giảng văn với làm
văn (luận văn) xuyên suốt các lớp học trong toàn hai cấp. Những tác giả, tác
phẩm được học kỹ trong chương trình thì đó thường là những trọng tâm trọng điểm
để ra đề thi Trung học đệ nhất cấp và thi Tú tài bán phần.
3.5. Như trên đã nêu, ở đây xin được nói lại
để nhấn mạnh là trong chương trình môn Văn mỗi tháng có 2 giờ thuyết trình các
tác phẩm văn học hiện đại hay đương đại. Có thể nói đây là những giờ học đầy
hứng thú của cả lớp.
3.6. Từ chương trình khung, các soạn giả căn
cứ vào chương trình khung mà biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học,
các thầy cô giáo căn cứ vào chương trình khung và sách giáo khoa mà soạn giảng.
Cần lưu ý là, các bộ sách giáo khoa chỉ thống nhất chương trình khung, tức
thống nhất về tác gia, tác phẩm, chứ không thống nhất về các đoạn trích giảng,
khảo sát, đọc thêm, nhưng toàn miền Nam trước năm 1975 đều thống nhất thi chung
một đề thi cho mỗi môn học trong các kỳ thi: Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài bán
phần, Tú tài toàn phần, trong đó môn Văn chỉ thi trong kỳ thi Trung học Đệ nhất
cấp và Tú tài bán phần, mà hồi ấy, tôi chưa thấy có phụ huynh hay học sinh nào
phàn nàn về chương trình về sách giáo khoa là quá tải hay bất cập. Nếu tôi nhớ
không nhầm thì cứ khoảng ba đến dăm năm, Bộ Giáo dục có ra chỉ thị hay sắc
lệnh, nghị định về cập nhật hoá chương trình, các soạn giả căn cứ vào đó mà
biên soạn bổ sung, cập nhật, chứ không cần phải thay đổi toàn bộ sách giáo khoa
(bản thân tôi là người trong cuộc, từng học và thi theo chương trình trên trước
ngày giải phóng).
4. Đề xuất
4.1. Khi biên soạn chương trình và sách giáo
khoa Ngữ văn mới, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục, nên
tham khảo và học tập cách biên soạn chương trình và sách giáo khoa các nước
tiên tiến. Từ đó, định hướng chương trình khung và việc biên soạn sách giáo
khoa sao cho khoa học và hiện đại. Riêng môn Ngữ văn chương trình khung và sách
giáo khoa cần phải thể hiện vừa theo kiểu văn bản (thể loại), vừa theo tiến
trình phát triển của lịch sử văn học.
4.2. Thiết nghĩ, Bộ và Viện Khoa học Giáo dục
chỉ định hướng nội dung chương trình khung cho mỗi môn học ở từng lớp. Việc
biên soạn sách giáo khoa các môn học, Bộ nên để cho đội ngũ thầy cô giáo trực
tiếp giảng dạy đảm nhận, Bộ với tư cách là cơ quan chủ quản chỉ quản lý và định
hướng chứ không nên ôm cả biên soạn sách như từ trước đến nay. Cùng một chương
trình khung, nên có nhiều bộ sách giáo khoa để cho thầy và trò lựa chọn. Dĩ
nhiên, những bộ sách giáo khoa này cần phải được Hội đồng kiểm định chất lượng
chuyên môn do Bộ thành lập với sự tán thành và thống nhất cao, sau đó mới xuất
bản, sử dụng.
4.3. Cách đây bốn năm, tôi có dịp đọc kỹ sách
giáo khoa môn Văn trung học của bang California - Hoa Kỳ, tôi thấy các soạn giả
của bộ sách này biên soạn rất hiện đại, tất cả các kiến thức giảng văn, ngôn
ngữ và làm văn, kể cả lý thuyết (lý luận) văn học, văn học sử đều được tích hợp
trong một văn bản. Có văn bản chọn giảng trong sách giáo khoa được biên soạn từ
năm 1958, hiện vẫn còn dùng, có sự bổ sung câu hỏi qua các năm, mà việc bổ sung
định hướng này đều được sách ghi chú cụ thể. Có lẽ chúng ta cần nên tham khảo
bộ sách giáo khoa môn Văn này của bang California đề nghĩ suy về phương pháp,
cách thức khi biên soạn sách giáo khoa mới.
4.4. Các bộ sách giáo khoa Văn ở miền Nam
trước đây như bộ của soạn giả Đỗ Văn Tú hay bộ của Thẩm Thệ Hà là những bộ được
biên soạn theo phương pháp hiện đại, tích hợp, vừa theo thể loại lại vừa theo
tiến trình lịch sử. Nên chăng, các soạn giả khi biên soạn sách giáo khoa Ngữ
văn mới cần phải tham khảo thêm những bộ sách giáo khoa này.
Tp. HCM, 02-12-2012
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sắc lệnh số
660/TT/SL ngày 01-12-1969 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo
dục.
2. Nghị định số 1152A
GD/KHPC/ND ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo
dục.
3. Thẩm Thệ Hà, Giảng
văn lớp 6; Giảng văn lớp 7, Sống Mới xuất bản, SG,
1974.
4. Xuân Tước - Thẩm
Thệ Hà, Giảng văn lớp 8; Giảng văn lớp 9,
Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
5. Xuân Tước - Thẩm Thệ
Hà - Bằng Giang, Giảng văn lớp 10; Giảng văn lớp
10, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
6. Đỗ Văn Tú, Giảng
văn lớp 6; Giảng văn lớp 7; Giảng văn lớp
8; Giảng văn lớp 9; Giảng văn lớp Đệ tam;Giảng
văn lớp Đệ nhị, Văn Hào xuất bản, SG, 1970.
7. Võ Thu Tịnh, Việt
văn, Đệ nhị A B C D, 2 tập, in lần thứ 3, Hải Vân xuất bản, 1965.
8. Tạ Ký, Việt
Nam thi văn trích giảng, Nxb Khoa học, SG, 1961.
9. Vũ Ký, Luận
văn chương và giải đề thi Tú tài 1 A B C D, Trí Đăng xuất bản, SG, 1972.
10. Phạm Thế
Ngũ, Bài Việt văn kỳ thi Tú tài – Bài luận văn chương, 3 tập, Phạm
Thế xuất bản – Quốc học tùng thư, SG, 1970.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo
khoa học Quốc gia Dạy học Ngữ văn ở trường Phổ thông Việt Nam, Bộ
Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Huế ngày 5 và 6 tháng 1 năm 2013. Nxb ĐHSP HN,
2013, trang 335-356.
[1] Chỗ này trong chương trình khung của Bộ
Quốc gia Giáo dục và các sách giáo khoa, các công trình nghiên cứu ở miền Nam
trước 1975 đã nhầm khi khẳng định Nguyễn Trãi là tác giả của Gia huấn
ca. Bởi khi biên soạn tất cả các soạn giả đều dựa vào bộ sách Việt
Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Ở miền Bắc, khoảng đầu thập
niên 60 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên đã phát hiện tác giả
của Gia huấn ca là Tiên Điền Nguyễn tướng công (tức Tiến sĩ
Nguyễn Huệ, anh ruột của Tiến sĩ Tể tướng Nguyễn Nghiễm), ông là bác ruột của
thi hào Nguyễn Du.
[2] Các bài thơ trong tập thơ Nôm của Nguyễn
Bỉnh Khiêm: Bạch Vân quốc ngữ thi tập vốn không có đầu đề.
Những đầu đề này là do người biên soạn sách giáo khoa dựa vào nội dung từng bài
mà đặt ra.
Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4891%3Achng-trinh-va-sach-giao-khoa-mon-vn-bc-trung-hc-min-nam-trc-nm-1975&catid=115%3Agiao-dc&Itemid=189&lang=vi
CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH
GIÁO KHOA MÔN VĂN BẬC TRUNG HỌC Ở MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM
1.
Giới thiệu về chương trình khung môn Văn bậc trung học ở miền Nam trước 1975
1.1. Tên gọi môn học
Trong chương trình Trung học đệ nhất và đệ nhị
cấp (nay là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) ở miền Nam trước năm 1975
thì tên môn học là Quốc văn, nhưng các soạn giả khi biên
soạn sách giáo khoa thì ghi là Quốc văn hay Quốc
văn độc bản như bộ sách của Trần Trọng San; Việt văn như
bộ sách của Võ Thu Tịnh; Giảng văn như bộ sách của Đỗ
Văn Tú và bộ sách của Thậm Thệ Hà (một số quyển có sự cộng tác của Xuân Tước và
Bằng Giang); Việt Nam thi văn trích giảng như sách của
Tạ Ký.
Cần lưu ý là trước năm
1975 ở miền Nam, Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ ra Sắc lệnh hoặc Nghị định về chương
trình khung (nội dung giảng dạy, tác giả, tác phẩm, thời lượng cho từng tác giả
tác phẩm, v.v..) cho từng lớp của cấp học, chứ Bộ không độc quyền biên soạn hay
chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa mà việc này Bộ để cho các nhà giáo có khả
năng, có kinh nghiệm và uy tín đang giảng dạy cấp trung học trực tiếp biên
soạn, thông qua Ban Tu thư của một vài Nhà xuất bản như Sống Mới, Khai Trí, Văn
Hào v.v.. tổ chức in ấn. Dĩ nhiên những bộ sách giáo khoa này trước khi xuất
bản, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trung học toàn miền Nam thì chúng
phải được Hội đồng thẩm định thuộc Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục xét
duyệt, bỏ phiếu đồng ý tán thành. Hội đồng gồm một Chủ tịch và các thành viên,
mà các vị này đều là những học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo có kinh nghiệm và
uy tín. Còn các loại sách khác như biên khảo và dịch thuật thì do Hội đồng thẩm
duyệt của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá đảm nhận. Khi giảng dạy, các giáo
viên (hồi ấy gọi là giáo sư) bám vào chương trình khung mà soạn bài giảng, tự
chọn sách dạy và định hướng cho học sinh của mình nên mua sách giáo khoa của
soạn giả nào để học. Và dĩ nhiên, không loại trừ có học sinh cùng một môn học
mà lại mua vài ba bộ sách khác nhau để học tập và tham khảo nếu gia đình học
sinh đó có điều kiện về kinh tế. Riêng môn Văn như trên đã nêu, có nhiều bộ
sách giáo khoa của các soạn giả: Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà, Trần Trọng San, Võ Thu
Tịnh, Tạ Ký, v.v.. trong số đó hai bộ sách của hai soạn giả Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ
Hà là được dùng phổ biến rộng rãi trong nhà trường ở các tỉnh thành miền
Nam.
Ở đây, bài viết sẽ
giới thiệu khung chương trình môn Văn cập nhật hoá và sách giáo khoa được biên
soạn theo chương trình này được áp dụng từ niên khoá 1969-1970 trở đi ở miền
Nam, trên cơ sở đó nêu lên vài nhận xét về chương trình và các sách giáo khoa
đó.
1.2. Yêu cầu của môn
học
Theo tinh thần nội
dung của Sắc lệnh số 660/TT/SL ngày 01-12-1969 và Nghị định số 1152A GD/KHPC/ND
ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục, cùng Huấn
thị của Bộ về việc giảng dạy Quốc văn thì:
Mục đích: Mục đích của môn Giảng văn là làm cho
học sinh thấu hiểu giá trị về hình thức và nội dung của một tác phẩm hay một
đoạn văn, để nhờ đó hun đúc tính khí và tâm hồn, mở mang kiến thức về văn học
và thâu thái những điều bổ ích cho việc luyện văn.
Phần Kim văn: Hình thức và nội dung của những bài Giảng văn
phải phù hợp với chương trình Luận văn được giảng dạy: chẳng hạn, dạy những bài
Giảng văn có tính cách miêu tả trong giai đoạn dạy Luận văn về
loại miêu tả; những bài giảng văn có tính cách thuật sự trong
giai đoạn dạy Luận văn về loại thuật sự, v.v..
Phải lựa những bài văn
có giá trị để rồi bắt học sinh học thuộc lòng nhằn rèn luyện
ký ức văn khiếu.
Phần Cổ văn: Phải chọn những đoạn rất tiêu biểu,
nhiều hay ít, dài hay ngắn tuỳ theo lớp và cấp học (về điểm này, Bộ có những
chỉ thị rõ ràng để ấn định nên trích những đoạn nào có trong một tác phẩm,
giảng những bài nào của một tác giả).
Việc đọc sách: Giáo sư phải hướng dẫn học sinh đọc sách. Học
sinh phải có vở riêng để ghi chép những đoạn văn hay, tóm lược
cuốn sách đã đọc. Mỗi tháng giáo sư nên kiểm soát vở đó một lần để theo dõi sự
tự học của học sinh, khuyến khích sự đọc sách cho thành một sự ham mê để khi ra
đời, học sinh nhờ đó mà luôn luôn tiếp tục việc học hỏi.
Thuyết trình văn học: Bên cạnh việc đọc sách ở nhà, chương
trình còn yêu cầu học sinh Thuyết trìnhvăn học tại lớp (từ lớp 6
đến lớp 11) ít nhất mỗi tháng một lần (02 giờ) về một tác phẩm, một vấn đề văn
học nào đó có trong chương trình chính khoá, mà thường thuyết trình về các tác
phẩm thuộc Kim văn, tức văn học hiện đại, chẳng hạn như tìm hiểu về các tác
phẩm của Tự Lực văn đoàn như: Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Nửa
chừng xuân và Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Con
đường sáng và Mười điều tâm niệm (Hoàng Đạo), Anh
phải sống (Khái Hưng và Nhất Linh), Gió đầu mùa, Sợi
tóc, Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Hồn quê(Nguyễn
Khắc Mẫn), Quê mẹ (Thanh Tịnh), v.v..; hay thơ lãng mạn của
các tác giả: Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư
v.v.. Có khi thầy cô giáo cho thuyết trình các tác phẩm văn học đương đại của
các tác giả như: Võ Phiến, Võ Hồng, Duyên Anh, Nhã Ca, Mai Thảo, Dương Nghiễm
Mậu, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Bảo, Duy Lam, Thế Uyên v.v.. mà những giờ
thuyết trình trước lớp có thể nói là những giờ học đầy hứng thú, phấn khởi. Cả
nhóm hay tổ đọc tác phẩm, đọc tài liệu nghiên cứu rồi trao đổi, làm chung một
đề tài để trình bày trước lớp, sau đó cả lớp trao đổi, chất vấn, phản biện,
v.v.. mà thầy cô giáo dạy Văn là người chứng kiến và đóng vai trò chỉ đạo, nhận
xét đánh giá.
Việc thuyết trình văn
học trước lớp theo tôi là rất có ích, bởi rèn luyện cho học sinh kỹ năng tự
học, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, hình thành cho học sinh
tính mạnh dạn, tự tin khi tập nói chuyện, tập diễn giảng một vấn đề nào đó về
văn chương trước tập thể bạn bè, mà việc này, chương trình môn học đã có yêu
cầu ngay từ lớp Đệ Thất (lớp 6), tức rèn luyện cho học sinh khi mới ở độ 11 -
12 tuồi.
1.3. Về nội dung
chương trình khung của môn học
1.3.1. Chương trình
Trung học đệ nhất cấp
Trung học đệ nhất cấp
có bốn lớp: Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp
Sáu, lớp Bảy, lớp Tám, lớp Chín). Nội dung chương trình khung môn Văn cập nhật
hoá của cấp học này được quy định như sau:
+ Lớp Sáu
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn: chọn tác phẩm của các nhà văn hiện kim,
phù hợp với chương trình luận văn với các thể văn Miêu tả (tả động vật, tả thực
vật, tả đồ vật, tả người, tả cảnh), Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn: trích giảng Văn vần: Tục ngữ, Ca dao;
Văn xuôi: Truyện cổ tích Hưng Đạo đại vương truyện bản kể của
Phan Kế Bính và của Nguyễn Văn Ngọc; Nam Hải dị nhân bản kể
của Phan Kế Bính; Truyện cổ nước Nam bản kể của Nguyễn Văn
Ngọc.
Văn thể: Thơ Lục bát và biến thể.
Luận văn: Miêu tả (có tính cách cụ thể), Thuật sự
(những việc thông thường), Thư tín (thăm viếng, giao thiệp thông thường).
+ Lớp Bảy
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn cũng như ở lớp Sáu nhưng chọn nhiều bài
về văn Thuật sự và văn Miêu tả phối hợp Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn trích giảng cả văn vần và văn xuôi. Về
văn vần, chọn trích giảng Gia huấn ca của Nguyễn Trãi [1], Đại
Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Về văn xuôi,
chọn trích giảng Truyện cổ qua Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh
Ký, Chuyện giải buồn của Huình Tịnh Của.
Văn thể: Thơ Song thất lục bát và biến thể.
Luận văn: chủ yếu là làm văn Thuật sự và văn hỗn
hợp vừa Miêu tả vừa Thuật sự.
+ Lớp Tám
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Ở phần Kim văn,
chương trình yêu cầu hình thức và nội dung các bài Giảng văn phải phù hợp với
chương trình Luận văn, chẳng hạn đang học Luận văn về văn Miêu tả thì ở Giảng
văn phải chọn những bài văn Miêu tả để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận
văn; đang học Luận văn về văn Thuật sự thì ở Giảng văn phải chọn những bài văn
Thuật sự để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận văn. Phải chọn những bài
văn tiêu biểu, có giá trị, học sinh phải học thuộc lòng để luyện ký ức văn
khiếu. Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, và những
bài trích lục từ các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân,
Thanh Nghị, Tao Đàn.
Phần Cổ văn trích
giảng thơ Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Bà huyện
Thanh Quan, thơ Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên).
Văn thể: Thơ Đường luật.
Luận văn: làm các thể văn Miêu tả, Thuật sự, Đơn từ, Tờ
trình, Văn tự (có tính thực tế), Nghị luận luân lý (dạng thông thường).
+ Lớp Chín
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Phần Kim văn,
trích giảng văn Nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Chu Trinh, và
trích các bài nghị luận trên các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp
chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn của các tác giả khác.
Phần Cổ văn,
trích giảng thơ của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến,
Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
Văn thể: Hát nói.
Văn học sử: Đại cương văn học sử Việt Nam từ khởi
thuỷ đến hiện kim.
Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
1.3.2. Chương trình
Trung học đệ nhị cấp
Trung học đệ nhị cấp
gồm ba lớp: Đệ tam, Đệ nhị, đệ nhất (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp Mười,
lớp Mười một, lớp Mười hai).
Trung học đệ nhị cấp ở
miền Nam học theo chương trình phân ban. Ban A chuyên sâu về Hoá, Sinh; Ban B
chuyên sâu về Toán, Lý; Ban C chuyên sâu về Sinh ngữ (Anh, Pháp) và Văn chương,
Triết học (Triết học chỉ học ở lớp Đệ Nhất (tức lớp 12); Ban D chuyên sâu về Cổ
ngữ (Hán, Nôm) và Văn chương, Triết học (Triết học chỉ học ở lớp Đệ Nhất (tức
lớp 12). Ở đó, chương trình môn Văn ở hai ban A và B thì học gọn hơn, ít hơn so
với ban C và D. Do vậy, ở đây chỉ nêu lại chương trình môn Văn cập nhật hoá của
ban C, D là ban chuyên về Văn chương, Sinh ngữ, Cổ ngữ mà thôi.
+ Lớp Mười
Văn học sử: Văn chương truyền khẩu (Văn chương bình
dân); Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến Nguyễn Du; Giới thiệu
thơ chữ Hán và truyện cổ tích.
Văn thể: Đối, Phú, Văn tế.
Giảng văn: chỉ học phần Cổ văn, cụ thể là
trích giảng thơ Nôm thời Hồng Đức của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, thơ Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn
Thành, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa
tiên truyện, Đoạn trường tân thanh, vở tuồng Kim Thạch
kỳ duyên.
Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
+ Lớp Mười một
Văn học sử: Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du đến 1945,
gồm văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ.
Văn thể: thơ Đường luật, ôn lại Hát nói, học kỹ Thơ
Mới.
Đọc bổ túc: Giới thiệu tác phẩm Hán văn.
Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Phần Cổ văn,
trích giảng thơ văn của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình
Chiểu (thơ và văn tế), Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu (thơ), đọc thêm: Cao Bá Nhạ, Dương Khuê.
Phần Kim văn:
Lược khảo Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính; Lược khảo Nam
Phong tạp chí, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật; Lược khảo Tự Lực văn đoàn; Nhất
Linh với tác phẩm Đoạn tuyệt; Khái Hưng với tác phẩm Nửa
chừng xuân; Hoàng Đạo với tác phẩm Mười điều tâm niệm.
Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương về các tác
phẩm của các tác giả đã học trong chương trình.
+ Lớp Mười hai
Từ sau năm 1954 đến
năm học 1973-1974, chương trình lớp 12 không học môn Văn, thay vào đó là môn
Triết học. Nhưng riêng năm học 1974-1975 chương trình có sự thay đổi lớn, ở lớp
12 bên cạnh môn Triết học, còn có học thêm môn Văn, cụ thể là phần Kim văn với
văn chương hiện thực 30 năm đầu thế kỷ XX (Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Vũ
Đình Long…); văn chương hiện thực phê phán 1932-1945 (Ngô Tất Tố, Vũ Trọng
Phụng, Nam Cao, Hồ Biểu Chánh…) và văn chương đương đại. Chương trình này chỉ
mới triển khai trong mấy tháng (từ tháng 9-1974 đến đầu tháng 3-1975), bởi từ
đầu tháng 3-1975 là thời điểm diễn ra chiến dịch Giải phóng miền Nam, nhà trường
buộc phải đóng cửa, học sinh nghỉ học.
2. Về sách giáo khoa
bậc Trung học môn Văn ở miền Nam trước 1975
Từ chương trình khung
như trên, các soạn giả sách giáo khoa đã căn cứ vào đó để biên soạn sách giáo
khoa môn Văn. Cụ thể như sau theo chương trình cập nhật hoá từ niên khoá
1970-1971 và 1971-1972 (xin lấy dẫn chứng từ bộ sách giáo khoa của Thẩm Thệ Hà,
có Xuân Tước và Bằng Giang tham gia biên soạn ở một số lớp):
2.1. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 6,
phần Kim văn, đã chọn giảng các bài học như sau:
Văn miêu tả với các kiểu bài:
Tả động vật (Con gà trống gi - Tô Hoài, Con mèo mướp - Tô Hoài, Mèo hoang - Xuân Diệu);
Tả thực vật (Cây tre - Thạch Lam, Cây tràm và cây mắm - Bình Nguyên Lộc, Hoa học trò - Xuân Diệu, Hoa sen - Thạch Lam);
Tả đồ vật (Bức ảnh kỷ niệm - Tô Hoài, Con búp bê của Phượng - Nhật Tiến);
Tả người (Chị Doãn - Vũ Trọng Phụng, Bà Phán - Tô Nguyệt Đình, Cụ Giáp - Khái Hưng, Người bạn cũ - Tô Nguyệt Đình, Năm Cụt - Nguyễn Văn Xuân, Lão lắc đầu - Phan Du);
Tả cảnh (Ấp Đình
Trung - Tô Nguyệt Đình, Hòn non bộ - Nhất Linh, Trong
vườn dâu - Thẩm Thệ Hà, Trong thế giới bùn lầy - Bình
Nguyên Lộc, Sông Cửu Long - Dương Tự Quán, Cảnh đêm
trăng - Thạch Lam, Trong bóng hoàng hôn - Ngọc
Linh, Trưa hè ở thôn quê- Trần Tiêu, Làng Thanh Mai -
Lý Văn Sâm, Những kẻ không nhà - Lý Văn Sâm, Nhớ nhà -
Nguyễn Khắc Mẫn, Câu cá - Tchya, Trở rét -
Bàng Bá Lân, Sau một đêm mưa - Trang Thế Hy, Một đám
cháy - Tô Nguyệt Đình, Tiếng dế đêm khuya - Ngọc
Linh)
Văn thuật
sự: Khổ qua trái mập trái tròn - Truy Phong, Loài chim
hung dữ - Thẩm Thệ Hà, Tết - Đoàn văn Cừ, Thuỷ
tiên - Hoàng Đạo, Ngày xuân đi lễ đền - Nguyễn Thị
Vinh, Bẻ lộc - Nguyễn Thị Vinh.
Văn thuật sự phối hợp
với miêu tả: Bến My Lăng - Yến Lan, Khói trắng -
Kiên Giang, Tình bà cháu - Nguyễn Thị Vinh, Vẽ tranh -
Nhất Linh, Đi tìm cái đẹp - Nhất Linh, Đói -
Thạch Lam, Phút vĩnh biệt - Khái Hưng, Thế thì hoà -
Khái Hưng.
Thư tín: Đi
nghỉ mát viết thư cho bạn - Khái Hưng, Thư của một nhà văn gởi
cho anh - Đỗ Tốn, Bức thư vĩnh biệt - Suzuki.
Trích lục: Đá vọng
phu - Quách Tấn, Chiếc áo rách tay - Toan Ánh, Lịnh
cha - Nhượng Tống, Một cách rửa nhục sai lầm - Nguyên
Sa, Tháng đợi năm chờ - Truy Phong, Đá cá thia lia -
Sơn Nam, Lỡ đàng - Phan Du, Vượt thắng thiên nhiên -
Nguyễn Văn Xuân, Cảnh nhà nghèo ở thôn quê - Nguyễn Văn
Xuân, Bờ ao quê cũ - Đỗ Tốn, Tình quê hương -
Đỗ Tốn.
Phần Cổ văn, sách giáo
khoa đã chọn giảng các bài học như sau:
Văn thể: Thơ Lục bát,
Ca dao, Tục ngữ.
Trích lục Ca
dao: Thằng Bờm, Chê bai bóng gió, Ngát đượm tình quê, Tả cảnh dân quê,
Bên hiếu bên tình, Cảnh chồng đắm mê cờ bạc, Hò kéo gỗ, Buôn tảo bán tần.
Truyện Cổ tích:
- Hưng Đạo đại vương
truyện của Phan Kế Bính và Lê
Văn Phúc: Giới thiệu tiểu sử, tác phẩm; Trích đoạn: Trần Quốc Toản,
Trần Bình Trọng tử tiết, Trận Hàm Tử, Trận Tây Kết, Trận Bạch Đằng.
- Nam hải dị
nhân của Phan Kế Bính: Giới
thiệu bố cục, nội dung; Trích đoạn: Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hiền, Chử Đồng Tử, Tản Viên sơn thần, Từ Đạo Hạnh, Trần Lộc,
Tả Ao.
- Truyện cổ nước
Nam của Nguyễn Văn Ngọc:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm; Trích đoạn: Quyển I. Người ta: Cái cân
thuỷ ngân, Giả chết chờ quạ, Sinh con rồi mới sinh cha, Phượng hoàng đậu cây
khế, Đổi lòng lành, Người ăn mía và người chủ vườn, Người học trò với con rùa,
Có ai làm chứng, Vợ hai vợ cả, Mài dao dạy vợ, Giết chó khuyên chồng, Ăn mày
đánh đổ cầu ao, Tam đại con gà. Quyển II. Muông chim: Con cóc
là cậu ông Trời, Con chèo bẻo, Con tôm vàng, Quạ bắc cầu, Tu hú và quạ, Long
vương và con éch, Hai vợ chồng con chiền chiện và ông sư, Cô mèo cháu cọp, Con
cóc và con cọp.
2.2. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 7,
phần Kim văn, đã chọn giảng các bài học như sau:
Bài tham khảo: Con
đường sáng - Hoàng Đạo, Mòn mỏi - Thanh Tịnh.
Văn miêu tả với ba
kiểu bài (tả cảnh, tả người, tả tình): Thu về - Vita, Thu
cảm - Khái Hưng, Trăng thu - Khái Hưng, Đêm
trăng chơi Hồ Tây - Phan Kế Bính, Đêm trăng của người nghèo -
Trang Thế Hy, Đêm liên hoan- Thẩm Thệ Hà, Một đêm mưa bão -
Hàn Thế Du, Một đêm mưa - Thạch Lam, Cái đêm lịch sử đối
với dân làng Thuỵ - Đỗ Thúc Vịnh, Lời cuối cùng -
Thanh Tịnh, Đời sống dân quê - Nhất Linh, Vỡ đê -
Hoàng Đạo, Con thuyền ngược nước - Nhất Linh, Giữa
biển khơi - Nguyễn Trọng Thuật, Đẩy thuyền - Khái
Hưng, Xóm Vĩ Dạ - Trần Thanh Mại, Giờ đánh trâu về -
Trần Tiêu, Dân quê chạy loạn - Đỗ Thúc Vịnh.
Văn thuật sự với ba
kiểu bài (ký sự, tự thuật, hồi ký): Tình ông cháu - Nhượng
Tống, Một đứa bé mồ côi - Vũ Trọng Phụng, Ngày lên
đường - Hổ Dzếnh, Một người sung sướng - Khái
Hưng, Con người quả cảm - Tô Nguyệt Đình, Một cuộc
chia ly - Tô Nguyệt Đình.
Văn thuật sự phối hợp
với miêu tả: Nhớ cố hương - Vita, Một chuyến về quê -
Thạch Lam, Quảng đời niên thiếu - Nhượng Tống, Sống
lại tuổi thơ - Bình Nguyên Lộc, Hồn ma cũ - Bình
Nguyên Lộc, Ma - Trần Tiêu, Chợ Tết - Đoàn
Văn Cừ, Ông Đồ - Vũ Đình Liên, Đi hái lộc -
Hoàng Đạo, Đồng hào mới - Thạch Lam, Hộp kẹo -
Hoàng Đạo, Tết ly loạn - Đỗ Thúc Vịnh, Một bệnh viện
trên ngọn đồi - Vũ Trọng Phụng, Vườn hoa trong bệnh viện -
Thẩm Thệ Hà, Sợ chết - Đỗ Đức Thu, Nhạc sĩ giang hồ -
Xuân Tước, Anh phải sống - Khái Hưng, Tiếng địch véo
von - Khái Hưng, Sự tích chùa Long Giáng - Khái
Hưng, Tỉnh giấc cô miên - Truy Phong.
Thư tín: Thư
cho con - Hà Mai Anh (dịch), Thư cho em - Toàn
Phong, Thư cho bạn - Linh Bảo, Thư cho một nhà văn -
Thu Vân
Trích lục: Giã
gạo chày ba - Truy Phong, Trong thư viện - Hoàng
Đạo, Sơn Tinh Thuỷ Tinh - Nguyễn Nhược Pháp, Một trang
thiến niên - Lê Văn Trương, Hoa súng - Đinh Gia
Trinh, Qua trường cũ - Hoài Tân, Cái miếu cô hồn -
Hoài Tân, Sống cùng vạn vật - Khái Hưng, Ca khúc khải
hoàn - Lan Khai, Đêm ngày mùa - Hoàng Đạo, Buổi
chiều trên bờ sông - Xuân Tước, Tiếng trúc tuyệt vời -
Phan Du.
Phần Cổ văn, sách giáo
khoa Giảng văn lớp 7 đã chọn giảng các bài học như sau:
Văn thể: Thơ Song thất
lục bát, Thơ Song thất lục bát biến thể.
Tác phẩm Gia
huấn ca: Giới thiệu tác phẩm; Tiểu sử Nguyễn Trãi; Vụ án Lệ Chi viên. Trích
giảng: Dạy vợ con, Việc thờ cúng, Dạy con ở cho có đức, Dạy con gái,
Khuyên học trò chăm học, Dạy con phải có lòng nhân nghĩa, Khuyên con học văn
chương, Khuyên noi gương người xưa (Về tác giả của tác phẩm này, xin
xem chú thích ở trước).
Tác phẩm Đại
Nam quốc sử diễn ca: Nguồn gốc và nội dung tác phẩm; Tiểu sử Lê Ngô Cát;
Tiểu sử Phạm Đình Toái. Trích giảng: Phù Đồng Thiên vương, Hai Bà
Trưng, Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, Trần Hưng Đạo phá Mông Cổ, Lê Thái
Tổ phá giặc Minh, Bà Triệu Ầu đánh Ngô, Lý Nam Đế dựng nền độc lập, Quang Trung
đại phá quân Thanh, Cuộc lưu vong của Lê Chiêu Thống.
Truyện cổ: Chuyện
đời xưa: Tiểu sử Trương Vĩnh Ký; Giới thiệu tác phẩm Chuyện đời
xưa. Trích giảng: Hữu dõng vô mưu, Tích hang ông Từ Thức, Ông
Trạng Quỳnh, Ba anh dốt làm thơ, Bốn anh tài, Thằng chồng khờ ngồi ăn có dây
dụi, Chàng rễ bắt chước cha vợ. Chuyện giải buồn: Tiểu sử Huình Tịnh Của;
Giới thiệu tác phẩm Chuyện giải buồn. Trích giảng: Chí khí
cao, Truyện ông Tấn sĩ lưng mọc lông dê, Vẽ hình vay bạc, Quân tử khả khi dĩ kỳ
phương, Mua cua.
2.3. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 8,
phần Cổ văn đã chọn giảng các bài học sau:
Trích giảng thơ của Lê
Thánh Tông: loại thơ khẩu khí (Cái chổi. Đọc thêm: Con cóc, Dệt
vải, Bù nhìn, Thằng mõ); loại thơ tình cảm (Đề miếu nàng Trương. Đọc
thêm: Tiễn sứ giả, Hương Sơn phong cảnh); loại thơ miêu tả cảnh trí
(Đèo Ngang. Đọc thêm: Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân
Hương, Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan, Đèo Ba Dội -
Hồ Xuân Hương). Tổng kết về thơ của Lê Thánh Tông. Bài khảo sát: Cối
xay, Điếu Lê Khôi, Người nấu bếp, Hoa sen.
Trích giảng thơ của
Nguyễn Bỉnh Khiêm: loại thơ nhàn[2] (Thơ nhàn. Phụ tuyển: Vui cảnh nhàn, Mùa thu đi
chơi thuyền, Nhẹ đường danh lợi. Đọc thêm: Dại khôn - Trần
Tế Xương); loại thơ nhân tình thế thái (Thế thái nhân tình. Phụ
tuyển: Thói đời, Dĩ hoà vi quý); loại thơ sấm (Cảm hứng);
Tổng kết về thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài khảo sát: Đợi thời, Cuộc
điền viên, Xem thường công danh, Thú tiên khách.
Trích giảng Lục
Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu: Vân Tiên gặp Nguyệt Nga,
Thương ghét việc đời, Vương Tử Trực mắng cha con Võ Công, Tổng kết về Lục
Vân Tiên. Bài khảo sát: Lời tôn sư, Nguyệt Nga khóc Vân Tiên, Lời
ông câu, Ác lai ác báo.
Trích giảng thơ của Bà
huyện Thanh Quan: Qua đèo Ngang, Thăng Long thành hoài cổ. Bài khảo
sát: Chiều hôm nhớ nhà, Buổi chiều lữ thứ. Đọc thêm: Trấn
Bắc hành cung hoài cổ, Tức cảnh chiều thu. Tổng kết về thơ Bà huyện Thanh
Quan.
Văn thể: Thơ Đường
luật.
Phần Kim văn, sách đã
chọn giảng các bài học như sau:
Văn miêu tả hoạt cảnh
phức tạp: Ngày khai trường - Anatole France, Trong
phòng khách đợi - trích Giông tố của Vũ Trọng Phụng.
Đọc thêm: Tôi đi học - trích Quê mẹ của Thanh
Tịnh, Buổi học đầu tiên - trích Quê mẹ của
Thanh Tịnh, Con thuyền ngược nước - Nhất Linh (báo Văn hoá
Ngày nay).
Văn thuật sự thông
thường: Lòng mẹ hy sinh - Alfred de Musset, Tấm lòng
người chị - Thạch Lam, Đám cưới nhà quê - trích Đồng
quê của Phi Vân. Đọc thêm: Buổi học cuối cùng -Alphonse
Daudet, Mưu cụ Đốc - trích Đội mũ lệch của
Khái Hưng, Tết ở Sài Gòn - Trần Văn Lai (báo Ngày nay), Những
mơ ước của người xưa - trích Ngày xưa của Trần Văn
Lang (báo Tiểu thuyết thứ Bảy), Chài Mường - trích Truyện
đường rừng của Lan Khai, Cầu Chờ - trích Tiêu
Sơn tráng sĩ của Khái Hưng.
Văn thuật sự thể đối
thoại: Thách cưới - trích Thừa tự của Khái
Hưng, Cho áo - trích Gió lạnh đầu mùacủa Thạch
Lam. Đọc thêm: Lòng mẹ - trích Anh phải sống của
Khái Hưng, Xử kiện - trích Trước vành móng ngựa của
Hoàng Đạo, Lời trối - Thanh Tịnh, Làm mai -
trích Nhơn tình ấm lạnh của Hồ Biểu Chánh, Thần đồng
vấn Khổng Tử - Phan Kế Bính (dịch), Làm đèn trung thu -
Nhật Tiến (Đèn tháng tám).
Văn thuật sự thể tự
thuật tâm sự: Tâm sự - Khổng Dương, Tâm trạng một
người mắc bệnh lao - trích Hoa trinh nữ của Thẩm Thệ
Hà. Đọc thêm: Tâm trạng một thanh niên mắc bệnh lao -
trích Bướm trắng của Nhất Linh, Hạnh -
trích Hạnh của Khái Hưng, Tâm sự của cái giường
hư - trích Phấn thông vàng của Xuân Diệu, Một
đứa bé mồ côi - trích Giông tố của Vũ Trọng Phụng.
Văn thuật sự thể hồi
ký: Những ngày thơ ấu - trích Những vì sao lạc của
Nhật Tiến, Giã từ trường cũ - trích Đơn sơ của
Hường Hoa, Buổi học đầu tiên - trích tập Souvenirs của
Ernest Lavisse. Đọc thêm; Ông tôi - trích Tiết tháo
một thời của Toan Ánh, Sự học của tôi - B.
Franklin, Một giấc mơ xuân - Hoàng Đạo (báo Ngày nay).
Văn thuật sự thể cảm
tưởng: Nhặt lá bàng - trích Đôi bạn của Nhất
Linh, Con đường sáng - trích Con đường sáng của
Hoàng Đạo. Đọc thêm: Chuông vang - Đông Hồ, Trong thư
viện - trích Con đường sáng của Hoàng Đạo, Ý
thu - Anatole France, Đất mẹ - trích Đất mẹ của
Thu Vân, Hoa - Okakura Kakuzo (Khái Hưng dịch), Con tàu (báo
Ngày nay).
Văn nghị luận cổ
điển: Bảy tình người ta - trích Lữ trung tạp thuyết của
Bùi Huy Bích. Văn nghị luận của Phan Kế Bính: Luận về lý thú văn chương (Việt
Hán văn khảo), Am chúng sinh (Việt Nam phong tục);
Bài khảo sát: Nguyên lý văn chương - Phan Kế Bính (Việt Hán văn khảo), Lễ
xướng danh trong khoa thi Hội về bản triều– Phan Kế Bính (Việt Nam phong
tục). Văn nghị luận của Nguyễn Bá Học: Ở đời (Lời
khuyên học trò), Mạo hiểm(Lời khuyên học trò); Bài khảo
sát: Tự trọng, Hy vọng (đều trích từ Lời khuyên học
trò). Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh: Gì cũng cười (Xét
tật mình), Nghề hát bội của ta và nghề diễn kịch của Châu Âu (Nghề
diễn kịch bản Đại Pháp); Bài khảo sát: Phải xét tật mình (Xét
tật mình), Con cá nhỏ và người đánh cá (Thơ ngụ ngôn của
La Fontaine, Nguyễn Văn Vĩnh dịch).
Văn nghị luận
mới: Luyện lấy bộ óc khoa học - Hoàng Đạo (Mười điều tâm
niệm).
Giới thiệu tóm tắt về
các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, tạp chí Thanh Nghị, Tao Đàn
tạp chí, tạp chí Tri Tân.
Phụ tuyển văn nghị
luận: Văn chương (Phan Kế Bính), Nền luân lý cổ của
dân tộc Việt Nam (Phạm Quỳnh), Chức trách các văn sĩ trong xã
hội ta ngày nay (Tiếng gọi đàn - Dương Bá Trạc), Cái
chứa trong bụng người (Khối tình - Tản Đà), Lối
văn tả thực (Phê bình và khảo luận - Thiếu Sơn), Tình
cảnh dân quê Việt Nam dưới chế độ thực dân (Hoa Bằng Hoàng Thúc
Trâm), Thiên chức của văn sĩ Việt Nam (Lan Khai), Văn
nhân(Thiều Quang), Nghĩa gia tộc (Phạm Quỳnh), Nghị
lực (D.F. Frébault, Phạm Quỳnh dịch), Thanh niên đời xưa(Ứng
Hoè Nguyễn Văn Tố), Nghĩa vụ của thanh niên (Nguyễn Khắc Hiếu)
Phần luận văn: Các
luận đề thuộc loại văn thuật sự; Các luận đề thuộc loại văn nghị luận.
Văn đơn tín: Loại thư
tín, loại đơn từ
2.4. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 9, bài “Đại
cương Văn học sử Việt Nam” giới thiệu văn học Việt Nam từ khởi thuỷ đến
hiện đại qua cách phân kỳ như sau: Văn chương bình dân, Văn chương đời nhà Lý
và đời nhà Trần, Văn chương đời nhà Lê và đời nhà Mạc, Văn chương đời nhà Lê
trung hưng, Văn chương đời nhà Nguyễn, Văn chương hiện đại.
Phần Cổ văn, sách giáo
khoa đã chọn trích giảng các tác phẩm của các tác giả sau:
Nguyễn Công Trứ: Tiểu
sử, thân thế, thời đại, con người. Giảng văn: Loại thơ tự vịnh (Đi thi tự
vịnh; đọc thêm: Vịnh cành nghèo, Quân tử cố cùng, Hội gió mây, Thú
điền viên, Thú ẩn dật, tự thuật); Loại thơ vịnh vật (Vịnh cây cau;
đọc thêm: Vịnh cây thông, Vịnh cây vông, Vịnh trống đại cổ); Loại
thơ chí nam nhi (Luận kẻ sĩ; đọc thêm: Chí nam nhi, Nợ tang
bồng, Nợ công danh); Loại thơ nhân tình thế thái (Thế tình đen bạc;
đọc thêm: Khuyên người đời, Trò chơi, Vinh nhục); Loại thơ hưởng
nhàn (Cảm tưởng ngày tháng thanh nhàn; đọc thêm: Thoát vòng danh
lợi, Hành tàng, Thú thanh nhàn). Tổng kết về Nguyễn Công Trứ. Bài khảo
sát: Vịnh cảnh già, Vô cầu, Vịnh mùa đông, Chí làm trai, Cầm kỳ thi tửu.
Cao Bá Quát: Thân thế,
sự nghiệp và con người. Giảng văn: Uống rượu tiêu sầu; đọc
thêm: Tạm biệt, Đời người thấm thoát. Bài khảo sát: Cuộc
phong trần, Đi sứ Tân Gia Ba, Ngán đời.
Nguyễn Khuyến: Thời
đại, thân thế và sự nghiệp. Giảng văn: Loại thơ tả cảnh (Vào hè; đọc thêm: Cảnh
mùa hè, Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh); Loại thơ tả tình (Khóc Dương Khuê;
đọc thêm thơ tả tình: Dựng nhà tế đường, Tạ lại người cho hoa trà, Mùa
hạ); Loại thơ chống thực dân (Hội Tây; đọc thêm: Vịnh Lão
Ngưu, Lời gái goá); Loại thơ trào phúng (Tự trào; đọc thêm: Tặng
Hà Nam Tổng đốc, Tự đề, Hoả lò đun nước); Loại thơ yêu nước (Thị Mốc;
đọc thêm: Cáo quan về ở nhà, Về nghỉ nhà, Thoại cựu diễn âm). Tổng
kết về Nguyễn Khuyến. Bài khảo sát: Ngày xuân răn con cháu, Ông Nghè
tháng tám, Bạn đến chơi nhà, Cảnh Tết, Cối xay.
Trần Tế Xương: Thân
thế, sự nghiệp và con người. Giảng văn: Loại thơ mỉa mai thân thế (Tự thán;
đọc thêm; Than cùng, Thi hỏng); Loại thơ mỉa mai nhân thế (Thói
đời; đọc thêm: Đùa ông Phủ, Mừng Nghị viên, Hỏi ông Tiến sĩ mới,
Chế quan Đốc); Loại thơ mỉa cảnh mỉa đời (Tết đến; đọc thêm: Than
đạo học, Đại hạn, Trời hôm, Vịnh lên đồng). Tổng kết về Trần Tế Xương. Bài
khảo sát: Tự tự, Dại khôn, Đi thi, Mùa nực mặc áo bông, Lạc đường.
Tôn Thọ Tường: Tiểu
sử. Giảng văn: Từ Thứ quy Tào. Đọc thêm: Tôn phu nhân quy
Thục, Tự thuật, Thân thế nàng Kiều. Bài khảo sát: Vịnh chùa Cây
Mai, Lai kinh thọ tội, Tự thuật.
Phan văn Trị: Tiểu sử.
Giảng văn: Hoạ bài Tôn phu nhân quy Thục. Đọc thêm: Tự
thuật, Câu cá 2. Bài khảo sát: Cảm hoài, Câu cá 1, Tự thuật 5.
Cuộc bút chiến giữa
nhóm Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường. Một bài truyền thị tỏ rõ thái độ Tôn Thọ
Tường.
Phan Bội Châu: Thân
thế, sự nghiệp và con người. Giảng văn: Nghĩa vụ đối với quốc gia, Bài
thơ khẩu chiếm. Đọc thêm: Đồng hồ náo, Hồn gạch, Tiếng gọi đàn,
Vào thành. Bài khảo sát: Khát nước, Tự tình, Tuyệt mệnh.
Phan Chu Trinh: Chí
thành thông thánh, Bài thơ lưu giản. Đọc thêm: Côn Lôn tức cảnh,
Cảm hoài, Bài khảo sát: Cây đèn sáp, Đập đá Côn Lôn, Cảnh ngục tù.
Văn thể: Hát nói.
Ngữ hoa, Từ hoa, Ý
hoa.
Phần Kim văn, sách
giáo khoa đã chọn trích giảng các bài học như sau:
Kiểu bài nghị luận phê
bình.
Phạm Quỳnh: Tiểu sử.
Trích giảng: Bàn về tiểu thuyết, Triết lý của đạo Phật (Phật
giáo lược khảo). Bài khảo sát: Quốc hồn trong quốc văn (Thơ
tây thơ ta), Nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam (Công
cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam), Đạo
hiếu và đạo trung trong luân lý của Khổng giáo (Công cuộc chấn
chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam). Đọc thêm văn
nghị luận của Phạm Quỳnh: So sánh thế kỷ thứ XVII và thế kỷ thứ XVIII
trong văn học sử nước Pháp (Bàn về văn minh học thuật nước Pháp), Triết
học của đạo Khổng (Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo
Khổng), Nghĩa vụ của nhà trí thức (Nghĩa vụ là gì?), Tính
đôn đốc (Độc thư cứu quốc), Tâm lý của lối thơ Đường
luật (Thơ tây thơ ta), Tâm lý cô Kiều (Truyện
Kiều).
Trần Trọng Kim: Tiểu
sử. Trích giảng: Vì sao phương Tây phú cường mà phương Đông suy
nhược (Nho giáo), Luân lý của đạo giáo (Đạo
giáo). Bài khảo sát: Giá trị Truyện Kiều, Khoa học và tâm học.
Đọc thêm: Chính thống và nguỵ triều (Việt Nam sử lược), Cái
hại của sự duy tân cấp tốc mù quáng (Nho giáo), Tôn chỉ
luân lý của Khổng giáo (Nho giáo), Nghiệp báo ứng (Phật
giáo), Sự tiến hoá của người nước Nam (Việt Nam sử lược), Tương
lai Việt Nam (Việt Nam sử lược).
Phan Chu Trinh: Tiểu
sử. Trích giảng: Luận về một chính sách khai hoá (Thư gởi chính
phủ bảo hộ), Quốc gia luân lý (Đạo đức và luân lý Đông
Tây). Bài khảo sát: Đạo đức và luân lý, So sánh chủ nghĩa quân trị
và dân trị. Đọc thêm: Phan Chu trinh tuyên chiến với quân
quyền (Thư thất điều), Tôn bậy quân quyền (Thư
thất điều), Âm mưu chính trị (Thư thất điều), Quân
chủ chuyên chế xuyên tạc đạo Nho (Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ
nghĩa), Xã hội luân lý (Đạo đức và luân lý Đông Tây), Dân
trị chủ nghĩa (Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa).
Nghị luận trong các
tạp chí văn chương, khoa học: Văn chương - Nguyễn Bá
Học, Tự trọng - Nguyễn Bá Học, Công dụng của câu đối trong
xã hội ta - Nguyễn Văn Ngọc, Tư tưởng Lão, Trang trong những
bài hát nói(Đào nương ca) - Nguyễn văn Ngọc, Một phương thức
xây dựng văn hoá - Phan Kế Bính, Luận về phong tục -
Phan Kế Bính, Số mệnh - Dương Minh, Nghĩa xuất
xử - Phan Quân, Biết khó làm dễ - Phan Quân, Bàn
về nghị lực - Lương Khải Siêu (Trần Trọng Kim dịch), Khôn dại
sống chết - Phan Sào Nam, Canh bạc và cuộc đời -
Nguyễn Khắc Hiếu, Đức khiêm tốn của nhà văn - Hoa Bằng, Khoa
học - Thu Giang, Học vấn và thực nghiệm - Phan
Khôi, Thơ văn với thời đại - Chương Dân, Lối thơ khẩu
khí Trần Thanh Mại (Trông dòng sông Vị), Sự thực với
việc làm thơ - Chương Dân, Thơ ca có hại gì cho tâm hồn người
ta không - Dương Quảng Hàm, Ảnh hưởng thơ ca đối với tâm hồn
người ta - Dương Quảng Hàm, Bàn về Truyện Kiều (Chánh
học cùng tà thuyết) - Ngô Đức Kế, Tâm lý nhân vật trong Đoạn trường tân
thanh - Đinh Gia Trinh, Tâm lý nàng Kiều dưới ngòi bút Nguyễn
Du - Đinh Gia Trinh, Tính kiêu ngạo của Cao Bá Quát -
Trúc Khê Ngô Văn Triện, Điểm khởi hành của thơ tự do - Trần
Thanh Hiệp.
Phần bài bổ túc (có
câu hỏi gợi ý): Chịu khó - Nguyễn Bá Học, Khó dễ -
T.N, Tài đức - Thu Giang, Bình đẳng -
A.A.A, Tinh thần hy sinh - H.H.H., Người anh hùng -
Đàn Việt, Quan niệm đạo đức mới - Hữu Tuyết, Nhân sinh
quan - Nam Cường, Văn chương phê bình - NMT, Thế
nào là nội dung và hình thức một tác phẩm văn chương - Hoài
Thanh, Quốc học - Trần Thanh
Hiệp.
2.5. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 10 đã chọn trích
giảng các tác phẩm sau:
Phần Văn học sử: Văn
chương truyền khẩu, Văn Nôm từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Du, Giới thiệu những tác
phẩm Hán văn do người Việt sáng tác tương ứng với các thời kỳ của nền văn Nôm.
Phần Văn thể: Đối, Câu
đối, Phú (cổ thể, cận thể [Đường luật]), Văn tế.
Phần Trích giảng:
Ca dao: Bình
giảng: Buồn trông, Làng ta. Đọc thêm: Cái cò, Cầu duyên,
Công ơn cha mẹ, Thằng Bờm, Nụ tầm xuân, Cố chí canh nông, Việc làm ruộng, Bài
hát đố, Trấn thủ lưu đồn, Tiếng hờn vong quốc, Phê bình nhân vật lịch sử, Chỉ
trích quan liêu.
Thơ thời Hồng
Đức: Hồng Đức quốc âm thi tập. Bình giảng: Lăng Mẫu tống sứ
giả. Khảo sát: Thơ tứ thời(Ngô Chi Lan). Đọc thêm: Canh
một, Xuân, Hạ thử, Tàn xuân lữ xá, Mẫu đơn, Vịnh chùa Non nước, Thần Phù, Bạch
Đằng giang, Trưng Vương, Bà Triệu, Vịnh Hán Cao Tổ, Khổng Thánh.
Lê Thánh Tông: Thân
thế và sự nghiệp. Bình giảng: Người bù nhìn. Khảo sát: Đề
miếu vợ chàng Trương. Phê bình: Thơ khẩu khí (Phạm Văn
Diêu); Thơ khẩu khí Lê Thánh Tông (Trần Thanh Mại). Đọc
thêm: Qua Hoàng Giang điếu Vũ Nương, Vịnh làng Tam Chế, Hoa sen, Qua
đèo Ngang, Cái chổi, Cái xe điếu, Dệt vải, Thằng mõ, Người ăn mày, Con chó đá.
Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thân thế và văn nghiệp. Bình giảng: Cảnh nhàn. Khảo sát: Đợi
thời. Phê bình: Học thuật và tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thái
Bạch). Đọc thêm: Vui cảnh nhàn, Mùa thu đi chơi thuyền, Nhẹ đường danh
lợi, Xem thường công danh, Thu tiễn khách, Nhân tình thế thái, Thói đời, Dĩ hoà
vi quý, Ngẫm cơ xuất xử, Vô đề, Thơ sấm ký.
Lê Quý Đôn: Thân thế
và văn nghiệp. Bình giảng: Rắn đầu biếng học (thơ). Khảo
sát: Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng (Kinh nghĩa). Đọc
thêm: Lấy chồng cho đáng tấm chồng (Văn sách), Gái quá
thì (Phú).
Nguyễn Huy Lượng: Thân
thế và văn nghiệp. Bình giảng: Vịnh phong cảnh Hồ Tây. Khảo
sát: Tụng Tây Hồ phú (đoạn cuối). Đọc thêm: Tụng Tây
Hồ phú (toàn bài).
Phạm Thái: Thân thế và
văn nghiệp. Bình giảng: Khóc Trương Quỳnh Như. Khảo sát: Tự
thuật. Đọc thêm: Người đánh bạc, Anh nghiện rượu, Tự trào, Đề tặng
Quỳnh nương, Ngày xuân uống rượu, Gởi Quỳnh Như, Tình xuân, Chiến tụng Tây Hồ
phú.
Đặng Đức Siêu: Thân
thế và văn nghiệp. Bình giảng: Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Nguyễn văn Thành: Thân
thế và văn nghiệp. Bình giảng: Tế trận vong tướng sĩ. Phê
bình: Phê bình bài Tế tướng sĩ văn (Phạm Quỳnh).
Chinh phụ ngâm khúc: Thân thế và văn nghiệp Đặng Trần Côn. Thân
thế và văn nghiệp Đoàn Thị Điểm. Hoàn cảnh cấu tạo Chinh phụ ngâm khúc.
Bình giảng: Thời chinh chiến, Lúc tiễn đưa. Khảo sát: Trách
chồng sai hẹn, Buồn chờ đợi. Phê bình: Bà Đoàn Thị Điểm đã dịch Chinh
phụ ngâm khúc như thế nào? (Hà Như Chi). Đọc thêm: Nỗi ưu tư
của người chinh phụ, Lòng sầu muộn, Viễn ảnh khải hoàn.
Cung oán ngâm khúc: Thân thế và văn nghiệp Nguyễn Gia Thiều.
Hoàn cảnh cấu tạo Cung oán ngâm khúc. Bình giảng: Tài sắc
cung phi khi còn là khuê nữ, Khái luận về cuộc đời khổ sở. Khảo sát: Lúc
được nhà vua sủng ái, Khi bị nhà vua chán bỏ. Phê bình: Triết
lý Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Hoa). Đọc thêm: Tâm sự cung phi
khi bị thất sủng, Nỗi buồn cô đơn, Hy vọng cuối cùng.
Hoa tiên truyện: Thân thế và văn nghiệp Nguyễn Huy Tự. Tiểu
sử người nhuận sắc: Nguyễn Thiện. Nguồn gốc và lược truyện Hoa tiên.
Bình giảng: Lương Sinh và Dương Dao Tiên gặp nhau. Khảo
sát: Lương Sinh từ biệt Dao Tiên, Cảnh sông nước lúc Dao Tiên lên kinh
đô. Phê bình: Giá trị Hoa tiên. Đọc thêm: Lương Sinh về
thăm vườn cũ, Lương Sinh và Dương Dao Tiên tái ngộ.
Đoạn trường tân thanh: Thân thế và văn nghiệp Nguyễn Du. Đặc điểm
thời đại – Nguồn gốc – Các bài Tựa. Lược truyện Đoạn trường tân thanh.
Bình giảng: Tài sắc Thuý Vân và Thuý Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Những
đoạn Kiều nhớ nhà, Đoạn mở đầu và đoạn kết thúc Đoạn trường
tân thanh. Khảo sát: Kiều gặp Từ Hải, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng,
Kim Trọng trở lại vườn Thuý. Phê bình: Giá trị truyện Kiều (Trần
Trọng Kim), Bàn về Truyện Kiều (Ngô Đức Kế), Phê bình
Từ Hải (Nguyễn Bách Khoa). Thơ vịnh Kiều của các tác giả: Phạm Quý
Thích, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khắc Hiếu, Tôn
Thọ Tường. Đọc thêm: Kiều trước mộ Đạm Tiên, Thuý Kiều gặp Kim Trọng,
Kiều mộng thấy Đạm Tiên, Kiều nhờ Vân trả nghĩa Kim Trọng, Số phận Thuý Kiều,
Kim Kiều tái hợp.
2.6. Sách giáo khoa Giảng văn lớp 11, phần Văn học
sử gồm: Văn chương chữ Hán, Văn chương chữ Nôm, Văn chương Quốc ngữ. Phần Văn
thể: Thơ Đường luật, Hát nói, Thơ mới.
Trích giảng phần Cổ
văn:
Nguyễn Công Trứ: Tiểu
sử - Văn nghiệp - Ý kiến phê bình về Nguyễn Công Trứ. Bình giảng: Vịnh
cảnh nghèo. Đọc thêm: Quân tử cố cùng, Hội gió mây, Thú điền viên.
Bình giảng: Thú ẩn dật. Đọc thêm: Muộn thành đạt, Hàn Nho
phong vị phú, Một vài Câu đối. Bình giảng: Chí làm trai, Chí nam
nhi, Nợ nam nhi, Luận kẻ sĩ. Đọc thêm: Nợ tang bồng, Nợ công
danh, Phận sự làm trai, Kiếp nhân sinh, Đường công danh, Đi thi tự vịnh, Tang
bồng là nợ. Bình giảng: Cầm kỳ thi tửu, Nợ phong lưu. Đọc
thêm: Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Lược giảng: Nhàn.Đọc
thêm: Thoát vòng danh lợi, Còn nhiều hưởng thụ, Hành tàng. Bình
giảng: Thế thái nhân tình, Thế tình đối với người nghèo. Lược
giảng: Thế tình đen bạc. Lược giảng: Cách ở đời. Đọc
thêm: Vinh nhục.
Cao Bá Quát: Thời đại
- Tiểu sử - Văn nghiệp - Ý kiến phê bình về Cao Bá Quát. Bình giảng: Cuộc
phong trần. Đọc thêm: Trải khắp đường đời, Tài tử đa cùng phú.
Bình giảng: Ngán đời, Đời người thấm thoát, Uống rượu tiêu sầu. Đọc
thêm: Hội ngộ, Hoài nhân, Tạm biệt, Đề sau khúc Yên đài anh ngữ của
quan Đô sát Bùi công, Giữa đường gặp người đói.
Nguyễn Đình Chiểu:
Tiểu sử - Văn nghiệp - Ý kiến phê bình về Nguyễn Đình Chiểu. Giới thiệu Lục
Vân Tiên; Trích giảng: Lời Tôn sư, Ác lai ác báo, Lời ông câu.
Đọc thêm: Nguyệt Nga khóc Vân Tiên, Vân Tiên Tử Trực đua tài. Bình
giảng: Tự thuật, Nước lụt. Bài khảo sát: Ai điếu Phan Thanh
Giản. Trích giảng: Văn tế Trương Công Định. Bài khảo
sát: Văn tế sĩ dân lục tỉnh (đoạn 2). Đọc thêm: Văn tế
nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế sĩ dân lục tỉnh (toàn bài).
Nguyễn Khuyến: Cuộc
đời – Văn nghiệp – Ý kiến phê bình về Nguyễn Khuyến. Bình giảng: Đồng
tiền hoẻn, Tự trào. Bài khảo sát: Kẻ trộm mất trộm, Hội Tây, Cảnh
Tết, Ông phỗng đá. Đọc thêm: Ông Nghè tháng tám, Châu chấu đá
voi, Cách giả điếc, Chợt hứng. Bình giảng: Khóc Dương Khuê. Bài
khảo sát: Vườn Bùi chốn cũ, Mừng con làm nhà. Đọc thêm: Gửi
bác Châu Cầu, Trường thành hoài cổ. Bình giảng: Cảnh mùa hè. Đọc
thêm: Chơi núi An Lão, Thu vịnh. Bình giảng: Thị Mốc.
Bài khảo sát: Tiệc hát, Cối xay, Cuốc kêu cảm hứng. Đọc thêm: Đêm
mùa hạ, Ngày xuân răn con cháu.
Trần Tế Xương: Tiểu sử
- Văn nghiệp – Ý kiến phê bình Trần Tế Xương. Bình giảng: Quan tại gia,
Than thân, Mùa nực mặc áo bông, Tết đến. Đọc thêm: Than cùng,
Than nghèo, Ốm và đau mắt. Bình giảng: Đi thi. Đọc
thêm: Hỏng thi 1, Hỏng thi 2, Hỏng thi 3, Phú hỏng thi. Bình
giảng: Cái thú cô đầu. Đọc thêm: Hỏi ông Trời, Mất tiền,
Khó chừa đàn bà, Tài ngón chầu, Tự trào. Bình giảng: Lạc đường, Đêm
buồn. Đọc thêm: Dại khôn, Chúc Tết. Bình giảng: Gởi ông
Thủ khoa Huân. Đọc thêm: Nhớ bạn. Bình giảng: Gởi ông
Cò. Đọc thêm: Mừng Nghị viên, Phường tuồng, Cô Tây đi tu, Vay tiền
không được, Lắm quan, Giễu ông Đốc, Đùa ông Phủ. Bình giảng: Than
đạo học. Đọc thêm: Than sự thi, Ông Cử Nhu, Khoa thi cảm tác, Đổi
thi, Tiễn người đi thi, Giễu người đi thi, Hỏi ông Tiến sĩ mới. Bình
giảng: Xuân nhật ngẫu hứng. Đọc thêm: Chúc Tết, Lên
đồng, Than nền đạo lý.
Dương Khuê: Tiểu sử.
Bình giảng: May rủi. Bài khảo sát: Ai ơi! Má đỏ. Đọc
thêm: Chơi hát ngẫu hứng, Nói hớt. Bình giảng: Động
Hương Tích. Bài khảo sát: Hỏi thăm bạn ở Hưng Hoá. Đọc
thêm: Nợ phong lưu, Chơi trăng.
Chu Mạnh Trinh: Tiểu
sử - Phê bình về Chu Mạnh Trinh. Bình giảng: Hương Sơn phong cảnh
ca. Bài khảo sát: Hương sơn nhật trình ca, Vịnh Truyện
Kiều (hồi thứ nhât), Tổng vịnh Truyện Kiều.
Cao Bá Nhạ: Tiểu sử -
Tóm lược Tự tình khúc. Trích giảng: Tình nhà. Bài
khảo sát: Lúc bị bắt. Đọc thêm:Hoa với người.
Tản Đà Nguyễn Khắc
Hiếu: Tiểu sử - Phê bình về Tản Đà. Bình giảng: Tống biệt. Bài khảo
sát: Thơ rượu, Gió thu, Thề non nước. Đọc thêm: Thông
giang cảm tưởng, Ngày xuân thơ rượu. Bình giảng: Sự nghèo.
Bài khảo sát: Kiếp con quay, Thơ thẩn. Đọc thêm: Tự trào,
Sự đời. Bình giảng: Thơ đề, Hoa rụng. Đọc thêm: Cảm
thu tiễn thu, Tân xuân cảm. Bình giảng: Tinh thần yêu nước. Bài
khảo sát: Con cuốc và con chẫu chuộc. Đọc thêm: Tháng ba
không mưa, Vịnh bức dư đồ rách.
Phần Kim văn, sách
giáo khoa đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Nguyễn Văn Vĩnh và
Đông Dương tạp chí: Tiểu sử - Giới thiệu tạp chí - Phê bình về Nguyễn Văn Vĩnh
và Phan Kế Bính. Bình giảng: Tính ỷ lại. Bài khảo sát: Nhận
xét tật mình, Nết người lớn. Đọc thêm: Thần chết và lão tiều
phu, Con quạ với con chồn, Con cá nhỏ và người đánh cá, Gì cũng cười, Nghề hát
bội ở nước ta, Phép xử thế của người phụ nữ.
Phan Kế Bính: Tiểu sử.
Bình giảng: Nguyên lý văn chương, Lý thú của văn chương, Tục ăn Tết,
Thương người đã mất. Đọc thêm: Quan niệm sai lầm, Thầy trò
ngày xưa, Cái hay của văn chương. Lễ xướng danh trong khoa thi Hội về bản triều,
Bài ghi trên chỗ ngồi (PKB dịch)
Nhóm Nam Phong tạp
chí: Giới thiệu Nam Phong tạp chí. Phạm Quỳnh: Tiểu sử - Văn nghiệp - Ý kiến
phê bình về Phạm Quỳnh. Bình giảng: Hai con đường, Nền luân lý cổ của
dân tộc Việt Nam, Tịch mịch. Đọc thêm: Nghĩa vụ là gì?, Danh
dự văn minh là gì?, Luận về lòng tín ngưỡng, Văn thuyết, Văn chương Truyện
Kiều. Bình giảng: Giá trị Truyện Kiều. Đọc
thêm: Tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết, Mỹ thuật là gì?, Thơ là gì?,
Nội dung ca dao, Tứ môn xuất du, Triết lý Phật giáo. Bình giảng: Tính
cách thực dụng của đạo Khổng.
Nguyễn Trọng Thuật:
Tiểu sử. Trích giảng: Tinh thần ái quốc của người Việt Nam. Đọc
thêm: Cần kiệm, Thần sông với thần bể, Con trai với con cò, Bình minh
ngoài biển khơi.
Nhóm Tự Lưc văn đoàn:
Giới thiệu Tự Lực văn đoàn.
Nhất Linh: Tiểu sử -
Phê bình về Nhất Linh. Tóm lược Đoạn tuyệt. Trích giảng: Buổi
chiều cuối năm, Xung đột cũ mới. Đọc thêm: Thoát ly gia đình,
Trên sông Đà.
Khái Hưng: Tiểu sử -
Phê bình về Khái Hưng. Tóm lược Nửa chừng xuân. Trích giảng: Cảnh
bên đường. Bài khảo sát: Đối thoại giữa bà Án và cô Mai, Vị
tha. Đọc thêm: Lời cuối cùng, Tấm lòng cô Mai.
Hoàng Đạo: Tiểu sử -
Phê bình về Hoàng Đạo. Tóm lược Mười điều tâm niệm. Trích
giảng: Văn hoá Đông Tây. Bài khảo sát: Luyện tính khí.
Đọc thêm: Luyện lấy bộ óc khoa học, Tin ở sự tiến bộ, Làm việc có
phương pháp.
3. Nhận xét chung
3.1. Có thể thấy chương trình khung môn Văn được
sắp xếp có hệ thống chặt chẽ, khoa học, hợp lý, theo trình tự từ dễ đến khó, từ
các bài trích giảng đến các bài giới thiệu văn thể, cho đến các kiểu bài làm
văn. Phần văn học sử được học có hệ thống, nếu ở lớp 9 học “Đại cương
văn học sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hiện kim”, thì sang lớp 10 học sâu
hơn, kiến thức được nâng cao hơn: “Văn chương truyền khẩu (Văn chương
bình dân)”; “Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến
Nguyễn Du”; “Giới thiệu thơ chữ Hán và truyện cổ tích”, để đến
lớp 11 sẽ học tiếp giai đoạn còn lại “Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du
đến 1945: văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ”. Phần văn thể cũng được
học một cách bài bản, có hệ thống về các thể loại: tục ngữ, ca dao, truyện cổ
tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, câu đố, thơ lục bát và biến thể, thơ song
thất lục bát và biến thể, câu đối, phú, văn tế, hát nói, thơ Mới. Riêng hai thể
loại ngâm khúc và truyện thơ Nôm tuy chương trình không có bài học riêng ở phần
văn thể nhưng lại được giới thiệu về thể loại ở bài học về thơ lục bát, thơ
song thất lục bát và ở bài trích giảng về tác phẩm Chinh phụ ngâm, Cung
oán ngâm, Hoa tiên, Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên.
3.2. Bài giảng văn quy định chương trình và
sách giáo khoa dù được biên soạn theo loại thể - kiểu bài (chủ yếu là ở trung
học đệ nhất cấp) nhưng vẫn đảm bảo theo tiến trình phát triển lịch sử văn học.
Để sau đó, học sinh sẽ được học nâng cao về văn học sử Việt Nam qua các bài học
trọng tâm ở lớp 9, lớp 10 và 11.
3.3. Qua các văn bản trích giảng, khi biên
soạn sách giáo khoa, các soạn giả đã có ý thức tích hợp giữa văn học (giảng
văn) với làm văn (qua các kiểu bài luận [làm văn]) và ngôn ngữ (qua việc chú
thích giải nghĩa các từ cổ, từ Hán Việt trong các văn bản được trích giảng, bài
học về các biện pháp tu từ: Ngữ hoa, Từ hoa, Ý hoa).
Đây là một đóng góp
không nhỏ của các nhà soạn sách, mà việc biên soạn sách giáo khoa theo phương
pháp tích hợp có tính hiện đại và khoa học này gần đây, từ năm 2000 Bộ Giáo dục
và Đào tạo mới có chủ trương, như thế là chương trình Ngữ văn hiện nay đã đi
chậm khoảng gần nửa thế kỷ nếu so với chương trình môn Văn của miền Nam trước
đây!
3.4. Các bài giảng văn đã kết hợp giữa thể loại
(Kiểu văn bản) với tiến trình lịch sử văn học, có sự tích hợp giảng văn với làm
văn (luận văn) xuyên suốt các lớp học trong toàn hai cấp. Những tác giả, tác
phẩm được học kỹ trong chương trình thì đó thường là những trọng tâm trọng điểm
để ra đề thi Trung học đệ nhất cấp và thi Tú tài bán phần.
3.5. Như trên đã nêu, ở đây xin được nói lại
để nhấn mạnh là trong chương trình môn Văn mỗi tháng có 2 giờ thuyết trình các
tác phẩm văn học hiện đại hay đương đại. Có thể nói đây là những giờ học đầy
hứng thú của cả lớp.
3.6. Từ chương trình khung, các soạn giả căn
cứ vào chương trình khung mà biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học,
các thầy cô giáo căn cứ vào chương trình khung và sách giáo khoa mà soạn giảng.
Cần lưu ý là, các bộ sách giáo khoa chỉ thống nhất chương trình khung, tức
thống nhất về tác gia, tác phẩm, chứ không thống nhất về các đoạn trích giảng,
khảo sát, đọc thêm, nhưng toàn miền Nam trước năm 1975 đều thống nhất thi chung
một đề thi cho mỗi môn học trong các kỳ thi: Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài bán
phần, Tú tài toàn phần, trong đó môn Văn chỉ thi trong kỳ thi Trung học Đệ nhất
cấp và Tú tài bán phần, mà hồi ấy, tôi chưa thấy có phụ huynh hay học sinh nào
phàn nàn về chương trình về sách giáo khoa là quá tải hay bất cập. Nếu tôi nhớ
không nhầm thì cứ khoảng ba đến dăm năm, Bộ Giáo dục có ra chỉ thị hay sắc
lệnh, nghị định về cập nhật hoá chương trình, các soạn giả căn cứ vào đó mà
biên soạn bổ sung, cập nhật, chứ không cần phải thay đổi toàn bộ sách giáo khoa
(bản thân tôi là người trong cuộc, từng học và thi theo chương trình trên trước
ngày giải phóng).
4. Đề xuất
4.1. Khi biên soạn chương trình và sách giáo
khoa Ngữ văn mới, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục, nên
tham khảo và học tập cách biên soạn chương trình và sách giáo khoa các nước
tiên tiến. Từ đó, định hướng chương trình khung và việc biên soạn sách giáo
khoa sao cho khoa học và hiện đại. Riêng môn Ngữ văn chương trình khung và sách
giáo khoa cần phải thể hiện vừa theo kiểu văn bản (thể loại), vừa theo tiến
trình phát triển của lịch sử văn học.
4.2. Thiết nghĩ, Bộ và Viện Khoa học Giáo dục
chỉ định hướng nội dung chương trình khung cho mỗi môn học ở từng lớp. Việc
biên soạn sách giáo khoa các môn học, Bộ nên để cho đội ngũ thầy cô giáo trực
tiếp giảng dạy đảm nhận, Bộ với tư cách là cơ quan chủ quản chỉ quản lý và định
hướng chứ không nên ôm cả biên soạn sách như từ trước đến nay. Cùng một chương
trình khung, nên có nhiều bộ sách giáo khoa để cho thầy và trò lựa chọn. Dĩ
nhiên, những bộ sách giáo khoa này cần phải được Hội đồng kiểm định chất lượng
chuyên môn do Bộ thành lập với sự tán thành và thống nhất cao, sau đó mới xuất
bản, sử dụng.
4.3. Cách đây bốn năm, tôi có dịp đọc kỹ sách
giáo khoa môn Văn trung học của bang California - Hoa Kỳ, tôi thấy các soạn giả
của bộ sách này biên soạn rất hiện đại, tất cả các kiến thức giảng văn, ngôn
ngữ và làm văn, kể cả lý thuyết (lý luận) văn học, văn học sử đều được tích hợp
trong một văn bản. Có văn bản chọn giảng trong sách giáo khoa được biên soạn từ
năm 1958, hiện vẫn còn dùng, có sự bổ sung câu hỏi qua các năm, mà việc bổ sung
định hướng này đều được sách ghi chú cụ thể. Có lẽ chúng ta cần nên tham khảo
bộ sách giáo khoa môn Văn này của bang California đề nghĩ suy về phương pháp,
cách thức khi biên soạn sách giáo khoa mới.
4.4. Các bộ sách giáo khoa Văn ở miền Nam trước đây như bộ của soạn giả Đỗ Văn Tú hay bộ của Thẩm Thệ Hà là những bộ được biên soạn theo phương pháp hiện đại, tích hợp, vừa theo thể loại lại vừa theo tiến trình lịch sử. Nên chăng, các soạn giả khi biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn mới cần phải tham khảo thêm những bộ sách giáo khoa này.
02-12-2012
1. Sắc lệnh số
660/TT/SL ngày 01-12-1969 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo
dục.
2. Nghị định số 1152A
GD/KHPC/ND ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo
dục.
3. Thẩm Thệ Hà, Giảng
văn lớp 6; Giảng văn lớp 7, Sống Mới xuất bản, SG,
1974.
4. Xuân Tước - Thẩm
Thệ Hà, Giảng văn lớp 8; Giảng văn lớp 9,
Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
5. Xuân Tước - Thẩm Thệ
Hà - Bằng Giang, Giảng văn lớp 10; Giảng văn lớp
10, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
6. Đỗ Văn Tú, Giảng
văn lớp 6; Giảng văn lớp 7; Giảng văn lớp
8; Giảng văn lớp 9; Giảng văn lớp Đệ tam;Giảng
văn lớp Đệ nhị, Văn Hào xuất bản, SG, 1970.
7. Võ Thu Tịnh, Việt
văn, Đệ nhị A B C D, 2 tập, in lần thứ 3, Hải Vân xuất bản, 1965.
8. Tạ Ký, Việt
Nam thi văn trích giảng, Nxb Khoa học, SG, 1961.
9. Vũ Ký, Luận
văn chương và giải đề thi Tú tài 1 A B C D, Trí Đăng xuất bản, SG, 1972.
10. Phạm Thế
Ngũ, Bài Việt văn kỳ thi Tú tài – Bài luận văn chương, 3 tập, Phạm
Thế xuất bản – Quốc học tùng thư, SG, 1970.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo
khoa học Quốc gia Dạy học Ngữ văn ở trường Phổ thông Việt Nam, Bộ
Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Huế ngày 5 và 6 tháng 1 năm 2013. Nxb ĐHSP HN,
2013, trang 335-356.
[1] Chỗ này trong chương trình khung của Bộ
Quốc gia Giáo dục và các sách giáo khoa, các công trình nghiên cứu ở miền Nam
trước 1975 đã nhầm khi khẳng định Nguyễn Trãi là tác giả của Gia huấn
ca. Bởi khi biên soạn tất cả các soạn giả đều dựa vào bộ sách Việt
Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Ở miền Bắc, khoảng đầu thập
niên 60 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên đã phát hiện tác giả
của Gia huấn ca là Tiên Điền Nguyễn tướng công (tức Tiến sĩ
Nguyễn Huệ, anh ruột của Tiến sĩ Tể tướng Nguyễn Nghiễm), ông là bác ruột của
thi hào Nguyễn Du.
Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4891%3Achng-trinh-va-sach-giao-khoa-mon-vn-bc-trung-hc-min-nam-trc-nm-1975&catid=115%3Agiao-dc&Itemid=189&lang=vi