01 tháng 10, 2023

Cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng họp mặt tại Little Saigon

 

Cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng họp mặt ‘Về Mái Trường Xưa’ tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

STANTON, California (NV) – Đông đảo thầy cô, quan khách, cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng cùng gia đình đến dự Đại Hội Trung Học Nguyễn Bá Tòng lần thứ 8, qua chủ đề “Về Mái Trường Xưa,” vào trưa Thứ Bảy, 26 Tháng Tám, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 1, thành phố Stanton.

Các giáo sư và cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ngoài những người từ các tiểu bang tại Hoa Kỳ về dự, còn có những người từ những quốc gia khác như Canada, Úc và Việt Nam cũng về chung vui.

Cựu học sinh Nguyễn Xuân Thúy, trưởng ban tổ chức, phát biểu: “Thưa các anh chị đồng môn, ‘Không thầy đố trò làm nên.’ Trong tuổi học trò, chúng ta đã học hỏi và nghe theo lời chỉ dạy của thầy cô, họ đã ban cho chúng ta một hành trang kiến thức để bước vào đời. Kính thưa quý thầy cô, ơn thầy chưa trả xong, mà hôm nay, chúng em có đến hơn 30 thầy cô về tham dự. Vì thế, chúng em rất là cảm động, vì khi thấy quý thầy cô đều cao tuổi, nhưng vẫn cố gắng đến gặp những học trò cũ của mình. Từ những ân tình đó, buổi họp mặt hôm nay mới có chủ đề ‘Về Mái Trường Xưa.’ Nơi xưa ấy, có thầy xưa, bạn cũ và những kỷ niệm êm đềm trong tuổi học trò mà chúng ta không thể nào quên được.”

Cựu học sinh Kim Chức, thành viên ban tổ chức, cho hay: “Trong không khí của mùa Hè nắng ấm tại Little Saigon, ban tổ chức một lần nữa lại được chào đón quý thầy cô thân thương từ khắp nơi trở về, như một chuyến trở về với mái trường Nguyễn Bá Tòng xưa yêu dấu. Trong tinh thần ‘Tôn sư trọng đạo,’ một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy, chúng em xin kính tặng quý thầy cô một món quà nho nhỏ để làm kỷ niệm cho ngày họp mặt cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng lần thứ 8.”

Các thành viên trong ban tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số giáo sư về từ phương xa, cựu Giáo Sư Nguyễn Trọng Dương, từ Úc sang, nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Nguyễn Bá Tòng là trung học tư thục Công Giáo nổi tiếng tại Sài Gòn trước 1975, do các linh mục điều hành, nên các học trò rất ngoan hiền, lễ phép và hiếu học. Bây giờ, dù Sài Gòn và trường Nguyễn Bá Tòng đã bị mất tên, nhưng tên thành phố Sài Gòn và trường Nguyễn Bá Tòng vẫn luôn mãi trong tâm thức của chúng tôi như ngày xưa ấy.”

Cựu Giáo Sư Vũ Khắc Tế, từ Dallas, Texas về, nói: “Theo tôi, ngày xưa tại Sài Gòn có rất nhiều trường trung học tư thục, nhưng các nữ sinh đã sáng suốt chọn ngôi trường Nguyễn Bá Tòng, không phải là ngôi trường có nhiều cao ốc và sân trường lộng lẫy những cây hoa đào, hoa phượng, mà điểm chính là các nữ sinh đã chọn được ngôi trường giáo dục tốt, từ ban giám hiệu là những vị linh mục rất chăm chú về vấn đề đạo đức của các học sinh, và quý soeur chăm lo về kỷ luật rất nghiêm khắc.”

Nhà văn Trần Phong Vũ, cựu giáo sư Nguyễn Bá Tòng, tâm tình: “Mỗi lần họp mặt như thế này, đối với tôi là một kỷ niệm rất lớn. Sau ba năm đại dịch COVID-19, bây giờ các cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng mới tái họp mặt. Vì thế, mặc dù gần bước vào lứa tuổi 92, nhưng tôi vẫn cố gắng đến dự để được gặp lại những người bạn đồng môn, và gặp lại các em cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng.”

Ban tổ chức tặng quà cho các giáo sư. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cựu Giáo Sư Lê Trần Đức gần 90 tuổi, hơn 18 năm qua đều “Về Mái Trường Xưa” mỗi khi cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng tổ chức họp mặt.

Ông Đức kể lại: “Tôi cũng là cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng từ năm 1956, lúc đó trường mới thành lập đầu tiên, tôi là học sinh lớp Đệ Tam B2. Kỷ niệm ngôi trường Nguyễn Bá Tòng đối với tôi rất dồi dào nên có rất nhiều kỷ niệm. Tôi còn nhớ thầy dạy Pháp Văn của tôi là Giáo Sư Trần Bích Lan (thi sĩ Nguyên Sa) thường nói với nhóm học sinh chúng tôi là, ‘Học đàng hoàng, rồi thầy cho nghe thơ.’”

Cựu học sinh từ Việt Nam sang, bà Vũ Thị Linh Anh, kể lại: “Tôi học Nguyễn Bá Tòng từ năm 1970, và đã đến California được bốn lần nhưng chưa được tham dự đại hội Nguyễn Bá Tòng. Vì thế lần này tôi nhất định phải đến dự, để gặp lại những vị thầy cô và bè bạn cũ sau gần 50 năm xa cách. Cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng ngày xưa tóc còn xanh chung vui dưới mái trường, bây giờ gặp lại nhau thì có nhiều người tóc đã bạc màu. Nhưng còn được gặp nhau là niềm vui vô cùng quý giá.”

Cựu học sinh Phạm Thị Thanh Hương, từ Boston, Massachusetts, nói: “Tôi học Nguyễn Bá Tòng từ những năm 1970-1977. Trong thời học sinh của chúng tôi rất hồn nhiên và vui vẻ, và cũng có nhiều thầy cô rất thương mến mình. Vì thế, chúng tôi không thể nào quên đi những kỷ niệm đẹp và êm đềm dưới mái trường thân yêu Nguyễn Bá Tòng.”

Từ trái, các Giáo Sư Trần Huy Bích, Vũ Thị Sâm và Nguyễn Trọng Dương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chương trình văn nghệ đặc biệt do ban văn nghệ cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng khắp nơi về trình diễn khiến ai nấy đều xao xuyến nhớ lại thời học sinh.

Trường  Nguyễn Bá Tòng được thành lập từ năm 1955, với sự hỗ trợ của cơ quan Caritas Germanica (Đức) và cơ quan NCWC của Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngôi trường này được đặt tên của Giám Mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) là linh mục người Việt đầu tiên được tấn phong giám mục vào năm 1933, và chính thức làm giám mục giáo phận Phát Diệm từ năm 1935.

Ngày xưa, ngôi trường này nằm tại số 73-75 đường Bùi Thị Xuân, ngay giao lộ với đường Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng). Dãy nhà đầu tiên của trường gồm ba tầng nhà dài 80 mét, rộng 10 mét, gồm 25 phòng học, hai phòng giáo sư, một thư viện, và một số phòng nhỏ dành cho ban giám thị.

Từ năm 1966 đến 1968, để đáp ứng số lượng học sinh càng ngày càng tăng và cũng để tăng phẩm chất giảng dạy, trường Nguyễn Bá Tòng đã xây thêm hai dãy nhà bốn tầng dài 50 mét, rộng 10 mét. Trường có nhiều cấp lớp từ Đệ Thất (lớp Sáu) đến Đệ Nhất (lớp Mười Hai) và có đủ các ban A (Lý Hóa), B (Toán) và C (Văn Chương).

Cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng (San Jose) và hình Trung Học Nguyễn Bá Tòng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tuy là một ngôi trường trung học tư thục nhưng trường được đánh giá cao trong việc giáo dục và uy tín tại Sài Gòn. Nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng đã từng theo học trường Nguyễn Bá Tòng như Mai Hương, Khánh Ly, Ý Lan, Quỳnh Hương… Nhạc sĩ Thu Hồ cũng từng dạy nhạc ở trường này.

Mặc dù là trường của giáo hội Công Giáo thành lập, do các linh mục quản lý, nhưng trường cũng nhận học sinh ngoại đạo.

Từ 1971 trường Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi Thị Xuân được chia làm hai, trường cũ dành cho nữ sinh, và trường nam sinh được tọa lạc ở số 4 Hoàng Hoa Thám, Gia Định (thường được gọi là Nguyễn Bá Tòng Gia Định). [qd]