29 tháng 4, 2024

Lẻ bạn_Trần-Lâm Phát



Video này trích từ trang web Trường Trung Học Đất đỏ tỉnh Phước Tuy
ngày 9 tháng 8 năm 2014.
Hình ảnh nơi sông James ở tiểu bang Virginia





VTM 145_Không tên_Tâm quã

Xướng: 

Không tên
 
Trúc xinh đứng đầu đình trước gió
Thời hoàng kim giữ khó thân ngay
Ngoại giao bẩy nợ cho vay
Chực chờ bắt chẹt một ngày không xa
 
Ngoài sức trả, xe nhà chúng lấy
Thế lực mềm, nhìn thấy mà đau
Chiến tranh lạnh vốn muôn màu
Khổ thân nhược tiểu, cơ cầu khúc nôi.
 
Đặt vào thế đã rồi, lệ thuộc
Như trâu kia bị cột mủi thôi
Lặng nghe một chiếc lá rơi
Trúc xinh kia hởi... Đến hồi... Đắng cay!

TQ

Họa 1:

Kiếp  đoạ  đày
 
Tên cướp nước như thằng phải gió
Dân chúng mình chịu khó tránh ngay
Cuộc đời có trả có vay
Rồi ra quân đó đến ngày chạy xa
 
Chàng cán ngố cái nhà cũng lấy
Bà con ta nhìn thấy mà đau
Mong cho sắc máu thay màu 
Thế gian bớt khổ, địa cầu an nôi

Đám lãnh đạo xong rồi Bắc thuộc
Đưa nước nhà trói cột mãi thôi
Giang san gấm vóc rụng rơi
Chừng nào mới đặng đến hồi thái lai ?!.
 
THT

Họa 2: 

Sa cơ thất thế
 
Người thất thế như mành chắn  gió
Sa cơ rồi cũng khó đứng ngay
Đời người có trả có vay
Huống chi địa vị có ngày cũng  xa
 
Nghề yêu thích để rồi bị lấy
Bỏ ra đi sao thấy nhói  đau
Trên trời dưới đất sậm màu
Trước cơn giông bảo nguyện cầu nắng nôi.
 
Nghĩ số phận thôi rồi phụ thuộc
Tấm thân này dựa cột thôi
Hạn lâu rồi cũng mưa rơi
Qua cơn lận đận vãn hồi chua cay!
 
PTL
April 2024

Họa 3: 

Thế sự
 
Lăn tăn sóng nước theo ngọn gió
Trong bùn sen mọc đứng thẳng ngay
Đời người vay trả trả vay
Làm sao biết trước được ngày đi xa
 
Thăng trầm thế sự thời chiếm lấy
Lẫn lộn vàng thau thấy đớn đau
Đổi thay thời cuộc biến đủ màu
Khai sinh đất tổ thuở còn nằm nôi
 
Đọa đày tư tưởng nên lệ thuộc
Thế sự thăng trầm dựa cột thôi
Nên thà như giọt mưa rơi
Bay qua song cửa quên hồi đắng cay  

HLO


Họa 4: 

Giữ trọn tình quê 

Ta đứng ngắm hoàng hôn lặng gió
Mái tranh nghèo khốn khó về ngay
Cuộc đời vay trả trả vay
Phải lo tính trước chọn ngày phòng xa
 
Bỏ công sức cửa nhà giữ lấy
Chớ ngại ngùng cảm thấy lòng đau
Thế gian cảnh sắc trăm màu
Thờ cha kính mẹ mượn cầu nối nôi
 
Thân lữ thứ gặp rồi quyến thuộc
Tình dồng hương trói cột chẳng thôi
Thu tàn chiếc lá rụng rơi
Thương người chốn cũ tới hồi mắt cay !
 
Nguyễn Cang
Apr. 17, 2024

Họa 5: 

Cháy nhà
 
Mỗi năm đến mùa khô lộng gió,
Nạn cháy rừng thật khó dập ngay.
Căn nhà tiền nợ còn vay,
Bỗng dưng cháy rụi một ngày xót xa.
 
Đành phải chịu căn nhà lửa lấy,
Ai nhìn vào cũng thấy sầu đau.
Thiên tai giáng xuống nhiệm màu,
Lại thêm nhân họa gẫy cầu nước nôi.
 
Nơi đất khách đâu rồi thân thuộc,
Tình đồng hương như cột nhau rồi.
Bầu ơi thương bí rụng rơi,
Ra tay giúp đỡ những hồi chua cay.
 
Mỹ Ngọc
Apr. 27, 2024


23 tháng 4, 2024

Nhớ về Thầy_Tuyết Liên

 

Nhớ về Thầy 

Dáng Thầy em vẫn không quên

Môn Văn em học nhớ tên rành rành

Công Thầy như đấng sinh thành

Lời thơ có lỗi xin đành nhận sai

Không quên Thầy dạy những ngày

Giữ gìn tiếng Mẹ chớ rày bỏ quên

Chúc Thầy sức khỏe bình yên

Sống vui sống khỏe hàn huyên với trò 

Tuyết Liên

IOWA April 21, 2024

10 D1 Trung Học Thống Nhất A, Hố nai, 1978

15 tháng 4, 2024

Tình thầy trò

1. Nguyễn Huân

Sau gần 30 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, tôi bất ngờ nhận được email của người tên lạ vào cuối hè 2009. Vỏn vẹn trong email chỉ hỏi " làm sao mà bò qua Mỹ được". Tôi nặn mãi trí óc nhưng không tài nào nhận được người ấy là ai. Tôi loay hoay cứ đoán từ người này đến người khác mà vẫn không biết đích thực người gởi điện thư. Đột nhiên tôi nhận được cú điện thoại và người gọi vẫn không nói danh tánh. Tôi đoán có lẻ là thầy củ nhưng vẫn đoán sai, từ tên thầy này đến thầy khác. Sau đó người đọc câu "Tha hương ngộ cố tri". Đúng rồi! chỉ có thầy Phét mới dùng Hán tự. Thầy trò vui mừng khôn xiết. Tôi không thể tưởng tượng được gặp người thầy đã dẫn dắt tôi từ lúc vị thành niên ở bên kia bờ Thái bình dương. Ai cũng ngỡ thầy đã mất tích hay lưu vong ở Hồng kông. Hơn 35 thất lạc thầy trò tôi nối lại nhịp cầu. Nhìn tấm ảnh thầy làm nơi nhà máy phát điện hạt nhân, tôi ngậm ngùi, thương cho thân phận người thầy năm tháng cũ.
Thầy tôi tóc đã bạc đầu
Còn tôi thì cũng ngã màu muối tiêu
Từ San Jose ở California đến Sandston ở Virginia cách xa 8 giờ máy bay phản lực, không biết bao giờ mới gặp được thầy xưa. Cho nên tôi gọi điện thoại thăm hỏi thầy hàng tuần. Tôi biết đó là niềm vui, nguồn an ủi của thầy giáo trong tuổi về chiều. Tôi thường kể chuyện bên nhà, đời sống của cựu học sinh Đất đỏ để thầy mừng cho những em thành đạt, có em trở thành quan lớn nơi Bà rịa Vũng tàu.
Thầy tôi vốn dạy văn chương nhưng nay lại điêu luyện về thông tin kỷ thuật, điều mà tôi và các học sinh hay giáo chức ngỡ ngàng, không biết có nghe lầm hay không. Thầy Phét đã dùng Internet tìm kiếm được những thầy cô cũ như thầy Tô, thầy Nghiệp, thầy Sửu, cô Hương.
Bây giờ tôi rất vui mừng khi biết các thầy cô cũ vẫn còn khỏe mạnh nhưng không sao có thể thăm viếng các thầy cô: người chân trời, người góc bể.
Đã hơn 35 năm vật đổi sao dời, với cuộc sống quay cuồng vànổi buồn nhiều hơn niềm vui in hằn trên đôi mắt mỗi thầy cô và ngay cả học sinh. Ngôi trường cũ thân yêu ngày nào đã không còn nữa, nhưng hình ảnh Trường trung học công lập Đất Đỏ đã in sâu trong trí nhớ tôi. Chỉ có vài năm ngắn ngủi tôi theo học ở đệ nhị cấp nhưng nó cho tôi đầy niềm tin và hành trang vào đời sống mới.Thầy Cô đã trao cho tôi bao nhiêu kiến thức và ước mơ. Tuy nó ít oi nhưng là ngọn đèn cho tôi bước vào đời và căn bản cho dòng suy tư và thiết thực.Với hành trang nầy, tôi dùng văn để diển tả cảm nghĩ, triết học để suy tư, khoa học để chọn sự chính xác , sinh ngữ để tiếp xúc với người không đồng ngôn ngữ, sử ký để yêu BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, địa lý để biết quê hương VIỆT NAM , .Thuở ấy sao mà đẹp vui , buồn lạ kỳ. Tôi không thể nào quên được những ánh mắt Thầy Cô, nó tuy nghiêm khắc nhưng trìu mến và bao dung. Thầy Cô đã cho tôi không ít niềm tự hào .Theo năm tháng dần trôi đời tôi trôi nổi lưu lạc sang xứ người và tưởng chừng như nghìn trùng xa cách. Trên vai tôi luôn luôn mang theo hành trang của quê nhà. Rồi cũng không biết bao nhiêu tháng năm đã đi qua, tôi lầm lũi kiếm tìm những gì đã mất Nào ngờ " tha hương ngộ cố tri" tôi liên lạc được Thầy Cô .Thế là ngoài hạnh phúc gia đình, tôi có thêm diểm phúc mới …
Hơn một phần ba thế kỷ trôi qua, không hẳn chỉ một mình tôi mà tất cả các bạn cùng cắp sách đến trường đều nghĩ giống tôi. Ngày nay tôi có một mái ấm gia đình, có địa vị trong xã hội nhưng tôi luôn luôn sung sướng và tự hào mình là học sinh của trường trung học công lập Đất đỏ và là học trò của Thầy Cô mặc dù:
Thầy tôi tóc đã bạc đầu,
Còn tôi thì cũng ngã màu muối tiêu.
Hôm nay, mở lại hành trang, nhìn lại quá khứ, tôi bùi ngùi và ước mong tình thầy trò mãi mãi không quên.

NGUYỄN HUÂN
Mùng 3 Tết Canh Dần 2010


 

2. Học sinh Nhơn Trạch chúc Tết thầy Phét

Li chúc Tết
 Chúc thy năm mi an khang
Gia 
đình sum hp liên hoan vui mng
M
c dù không pháo tưng bng
Nh
ưng lòng rn rã chúc xuân cũng va.
Mong Th
y tr li quê xưa
C
ùng trò chàđón giao tha Thơi!
Nh
 quê chc cũng không ngơi
N
ng mưm lnh mt thi vàng son!

Hc trò thân yêu ca Thy
Nguy
n Th Kiên
Lớp 10D, Cấp 3 Nhơn Trạch 1977

3. Thư thăm thầy

Trần Thị Ngọc
To: psimulator@yahoo.com
Sent: Tue, April 6, 2010 11:21:11 AM
Subject: Thăm Thầy

Thưa Thầy, biết tin thầy vẫn mạnh khỏe em rất mừng.Em là ai dù có nói ra chắc thấy cũng không nhớ nổi trong hàng ngàn đứa học sinh ở ngôi trường Đất Đỏ ngày xưa ấy. Lúc xưa và bây giờ cũng vậy em rất nhút nhát, thụ động , năng lực học chỉ mức trung bình. Nhưng được học môn Văn với thầy, thầy để lại một ấn tượng thật sâu đậm trong lòng những đứa học sinh lớp 9P nói chung và bản thân em nói riêng.Thầy biết không, mỗi khi có dịp họp mặt bạn, tụi em thường nhắc lại những mẫu chuyện vụn ngày xưa trong giờ học của thầy, thật vui. Chị Giàu -trưởng lớp,Thanh Nữ học giỏi, Trang,Mai, Tuyết,Sen..dễ thương-nghịch- thầy còn nhớ không? Bài "Cảm Thu'', một số bài thơ mới...đến giờ tụi em cũng còn thuộc...chút chút.
Thưa Thầy, giờ đây tụi em đã "chớm già" mà còn có cơ hội nói lên lời tri ân đến người thầy mà em luôn nhớ và ngưỡng mộ, em rất vui .Em chúc Thầy cùng gia đình luôn mạnh khỏe.
Thư sau em sẽ viết cho Thầy nhiều hơn. Em tạm biệt Thầy.
Em- Trần Thị Ngọc.
Lớp 9P năm 1972

4. Vũ Thị Bé

CHỦ NHẬT, 31 THÁNG 3, 2013


Thư thăm thầy
Thầy ơi! em thấy xúc động và thương thầy quá ! Mở máy ra xem thư thầy mà đến nay em mới viết thư cho thầy được. Thầy thông cảm cho em: mấy ngày qua, em đi đám tang liên tục. Hơn nữa, nay là mùa làm bảo hiểm cho học sinh, em bận rộn suốt ; có ngày hình như em chẳng được ăn uống gì mà cũng không biết đói ! Thầy ráng giữ gìn sức khoẻ nha thầy. em có cảm giác và sợ không biết thầy có bị bệnh gì không đây ! Thầy ơi ! Thầy nói rất đúng: chị N với chị L rất là dễ thương, sống thật lòng có đạo nghĩa lắm. Việc lập cựu học sinh này, nhờ có sự nhiệt tình của 2 chị mà mỗi năm mới được đôn đốc, nhắc nhở đi họp, đi tìm thầy cô cũ. Khi tìm được ai rồi thì mừng lắm. Từ xưa đến nay, hai chị ấy đối với em rất tình cảm. Cứ mỗi lần họp, em cùng chị N đi mua quà cho thầy cô và chị em cũng thường qua lại với nhau. Ngày chị N được tin thầy, chị N liền điện thoại cho em. Em nói chị N gọi em qua máy vì nghe điện thoại trên lúc đi đường tối không tốt! Thầy yên tâm. Em có tâm sự gì em sẽ gởi hết cho thầy vì bây giờ em rất hạnh phúc tìm lại được người dạy dỗ và an ủi mình mà người đó là 1 người thầy em tôn thờ mãi mãi trong đời. Mong rằng trong thời gian ngắn, thầy trò mình găp lại nhau. Dù có bao nhiêu tuổi mà vẫn đươc có thầy nhắc nhở, dạy bảo và quan tâm đến mình là có phước lắm rồi ! Em mong thầy cùng gia đình khoẻ mạnh.

Vũ Thị Bé
Khóa 5, lớp 9P năm 1972


5. Ông lái đò
Bùi Thị Sen

Thưa Thầy cô và các bạn quý mến!
Em rất vui khi biết thầy đã lâp trang Blogs nói về trường Đất Đỏ. Mặc dù trường xưa đã không còn nữa,nhưng kỷ niêm về những ngày còn cắp sách vẫn còn mãi trong lòng chúng em.
Để tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ chúng em lúc còn tuổi nhỏ và những tình cảm thân thương của những người bạn chung một mái trường,em xin gởi bài viết này. Hy vọng nó sẽ làm phong phú thêm cho trang blogs. Bài viết tuy mộc mạc nhưng nó gói gém tấm chân tình của một học trò cũ.
Kính chúc thầy cô nhiều sức khỏe và các bạn được nhiều niềm tin trong cuộc sống.
Còn một chút gì để nhớ...
Cứ mỗi lần nghe bản nhạc “Ông lái đò”, lòng tôi lại dâng lên một nỗi buồn man mác. Không biết có phải vì điệu nhạc hay vì nội dung bài hát này đã cho tôi một cảm xúc về hình ảnh của những người thầy cô đã dạy tôi học lúc tuổi thơ. Thầy Cô như những người lái đò, cả cuộc đời, sự nghiệp chỉ biết đưa người sang sông và cứ nối tiếp như thế.
Lúc nhỏ khi còn đi học, tôi rất sợ thầy cô. Tôi luôn nghĩ rằng thầy cô là một người lớn lao lắm. Sự ngăn cách rất rõ trong tôi. Mỗi khi thầy gọi để kiểm tra bài hay hỏi chuyện thì tôi sợ và run lên. Có một lần thầy cho hoc sinh trình bày về ước muốn của mỗi em trong tương lai thì tôi chỉ ước khi lớn lên tôi cũng muốn làm cô giáo, tôi thích làm cô giáo lắm!
Trong cuộc sống, đâu phải sự ước muốn nào cũng thành sự thật; thế là tôi không đươc làm cô giáo. Tình hình đất nước lúc bấy giờ đang có sự thay đổi lớn, tôi đành chấp nhận sống với sự an bày của xã hội.
Hôm nay dù tôi không có môt địa vị cao sang trong xã hội nhưng tôi tự tin rằng mình cũng có đươc những kiến thức văn hóa mà ngày xưa thầy cô tôi đã truyền đạt. Đó là hành trang tạo cho tôi một cuộc sống tốt như hôm nay.
"Nghề giáo không phải là một cái nghề mà là một thiên chức và đam mê" đó là lời mà thầy tôi đã nói cho chúng tôi nghe lúc còn đi học. Tôi vẫn nhớ mãi và ấn tượng với câu nói này. Đã 38 năm trôi qua rồi vậy mà khi nhớ lại tôi ngỡ như moi chuyện đã xảy ra ngày hôm qua. Tôi còn nhớ cả câu văn trong bài Cảm thu của Đinh Hùng mà thầy Phét đã nói trong lớp"Chao ôi! buồn lại nhiều rồi nhưng chỉ buồn như năm trước". Khi thầy nói xong thì lại mĩm cười như có vẽ tâm đắc. Chỉ một câu nói này thôi mà bây giờ mỗi lần có chuyện gì buồn, tôi lại đem nó ra đọc và thấy thú vị cái nỗi buồn của mình. Có lẽ tôi cũng lãng mạn như thầy ngày xưa vậy.
Ngày xưa lớp của tôi đươc mệnh danh là có nhiều người đẹp và là một lớp nữ đông hơn nam, nên những bạn nam lớp tôi thì lép vế. Các anh bạn lớp lớn hơn không bỏ lở cơ hội, mặc tình ghẹo chọc. Tôi thì không có một ấn tượng gì trong mắt các anh nhưng bạn tôi thì ngày nào cũng đươc các anh tỏ tình len lén: nào là viết thư tình rồi bỏ vào hộc bàn, nào là trồng cây si ngoài cửa lớp...vui lắm!!! Có lần bạn tôi cho tôi xem một lá thư tỏ tình bỏ trong hộc bàn với nội dung như sau:
"Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
gởi cho em kèm với một lá thư,
em không nhận tức là tình anh mất
tình mất đi ai lấy lại bao giờ"
Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi cũng biết đó là tình yêu và tôi xúi bạn tôi viết lại:
"Em khờ khạo quá, ngu ngơ quá,
chỉ biết yêu thôi, chả hiểu gì!"
Vui quá! cứ thế mà ngày nào vô lớp việc đầu tiên là bạn tôi xem trong hộc bàn có thư tình hay không. Nếu có thì đưa tôi xem rồi cả 2 đứa cùng cười. Không hiểu tại sao lúc đó tôi lại vô duyên như vậy, có lẽ tôi chưa biết yêu là gì. Việc làm đó làm cho bạn tôi lười học và kết quả thì bị thầy phát hiện, bạn tôi bị ăn đòn. Bây giờ gặp lại thì chắc con mắt còn có đuôi.
Đó là sự thật chuyện vui của lớp tôi. Nếu anh bạn nào ngày xưa đã mượn câu thơ này tỏ tình thì lộ diện đi; hy vọng anh bạn đó sẽ không bị đuổi ra khỏi trường mà sẽ bị đuổi ra khỏi nhà: hi! hi ! hi!
Các bạn ơi! kỷ niệm thì vẫn đong đầy sao tình bạn bây giờ lại xa cách quá?
Có một lúc nào các bạn chợt nghĩ về trường mình, thầy cô năm xưa và bạn bè cũ không?
Dù bạn đang ngồi trên ghế cao hay bạn đang ngồi dưới đất, chúng ta là những con người được sinh ra trong đất nước Việt, được nghe lời mẹ ru và khi lớn lên được đến trường có thầy cô dạy dỗ.
Hôm nay chúng ta đã thành người lớn, đã qua sông, chúng ta hãy nhìn lại dòng sông cũ, người lái đò năm nào vẫn còn đó, vẫn luôn mỏi mắt nhìn trông chúng ta, dù không mong một lần chúng ta quay lại.
Hãy cho nhau một chút tình, dù nó còn rất ít các bạn ạ.!
Bùi thị Sen
khóa5

6. Thư chúc Tết năm 2010


Năm 2010, ngày Tết về tưng bừng ở quê nhà, tôi vẫn phải đi làm như những người Mỹ. Tuy nhiên, khi về nhà nhận được email chúc Tết của em Sen, học sinh lớp 9P năm 1972 ; cái giá lạnh mùa Đông ở Mỹ dường nhự bị nóng chảy khi tôi ngồi đọc những dòng chữ viết bằng mực xanh trên giấy học trò. Tôi không ngờ đã hơn 38 năm, học sinh Đất Đỏ vẫn còn nhớ đến thầy xưa và giữ được tập tục cổ truyền. Đây là món quà vô giá cho tôi trong những ngày tôi bắt đầu đi trên đại lộ Hoàng Hôn!
Virginia , Tết Canh Dần 2010
Trần-Văn Phét






Đất Đỏ ngày 19-12-2010
Kính gởi thầy
Thưa thầy! Chỉ còn vài ngày nữa là Tết lại đến rồi. Một năm lại qua đi, thầy và các em lại thêm một tuổi. Đó là con đường mà thầy và chúng em phải đi tới không bao giờ quay lại được thầy ạ!
Năm mới em kính chúc thầy, thầy Sửu, thầy Tô, thầy Nghiệp được nhiều sự an lành và mạnh khỏe.
Thưa thầy! Dù chúng em ở trong lứa tuổi nào, đang ở trong hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy năm xưa vẫn ở trong lòng chúng em bất di bất diệt . Nhớ ngày nào chúng em là những học trò bé nhỏ của các thầy cô rất ngây ngô và khờdại. Nay chúng em đã lớn khôn, kẻ thì được thành danh, người thì cũng thành nhân. Tất cả đều nhờ công lao dạy dỗ và truyền đạt kiến thức của thầy cô cho chúng em thành người hữu dụng .
Quý thầy như một dòng sông đã chảy qua vùng đất quê em, mang bao phù sa cho đời chúng em được tươi tốt. Dù hôm nay chúng em đã nhiều tuổi rồi, nhưng dòng sông ấy chúng em vẫn cảm nhận nhận rằng nó vẫn chảy và chảy mãi . Chúng em vẫn còn có quý thầy cô, vẫn thấy ấm áp mỗi khi nhận được thông tin thầy cô; vẫn muốn chia sẽ cùng quý thầy vì quỹ thời gian sự sống của chúng ta không còn dài nữa thầy ạ!
Hãy cố lên thầy nhé! Hãy vượt qua bệnh tật và phiền não. Xung quanh thầy vẫn còn chúng em .
Mỗi buổi sáng thức dậy là một ngày mới đầy yêu thương nhé thầy .
Một lần nữa em chúc quý thầy trẻ mãi, không già .
Học trò thầy
Sen Đất Đỏ

Thói đời

 


Hạm trưởng Lê Bá Hùng tàu khu trục USS Lassen năm 2009 cặp bến Đà nẳng

 

1. Thói đời

 Năm bảy lăm bị anh xua đuổi
Nay trở về anh trổi hoan ca
Anh nào quý mến dân ta
Chỉ hòng bòn xén đô la của người
 
Hãy bình tâm nhịn cười nhìn kỹ
Anh thật lòng hoan hỉ vô cùng
Nào anh có điếc có khùng
Nhưng anh mở miệng “anh hùng của tôi”
 
Nếu tôi vẫn tả tơi khố rách
Anh đi tìm ngõ ngách bỏ tù
Anh nào có dại có ngu
Mà anh chỉ biết cái lu đồng tiền
 
Tháng 11 năm 2009

PTL 

2. Người ở lại

Chiều tàn đồi núi hoang vu
Hoàng hôn buông xuống  khói mù hắt hiu
Chim  bay mỏi cánh đường chiều
Chạnh lòng nghe thấy ít nhiều hư vô
Rừng thưa rải rác nấm mồ
Nghe chừng thác đổ trận đồ năm xưa
Anh nằm gió lạnh đong đưa
Bốn lăm năm lẻ chưa về gặp nhau
Người đi bỏ áo chiến bào
Trần gian cát bụi bay vào hư không
Dọc bờ sóng biển mông mênh
Thuận An* thân xác lênh đênh giữa dòng
Gọi hồn cuối bãi ngoài sông
Vùi thây biển mặn long đong tháng ngày
Thương người góa phụ bi ai
Trăm năm cổ mộ khóc hoài nghìn thu . 

Nguyễn Cang

26/4/21

*Thuận An: cửa biển chết người trong cuộc di tản 1975.

 



3. Xuân nguyện cầu 

Biết ai hèn hạ biết ai sang
Lẫn lộn vàng thau đứng ngổn ngang
Đất nước sản sinh loài quỷ đỏ 
Nhân dân xuất hiện tấm lòng vàng
Chóp bu lãnh đạo đầu mù tịt
Quần chúng ngu đen óc rõ ràng
Cầu mong Thượng Đế ban ơn Phước
Cho Việt Nam mình được mở mang

THT 


12 tháng 4, 2024

Dòng Chuyển Của Âm Thanh" (A Legacy of Sounds)

 1

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa
 
Những tràng pháo tay kéo dài sau mỗi màn trình diễn của các nghệ sĩ, cả khán phòng gần một ngàn khán giả im lặng, thả cảm xúc vào từng mỗi bản nhạc. Khó có thể diễn tả hết những cảm xúc lẫn lộn của mỗi khán giả đã theo dõi trọn vẹn một chương trình nhạc thính phòng dài hơn ba tiếng đồng hồ cho đến tận phút chót, mà theo lời Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã phát biểu trên sân khấu là "lần đầu tiên trên thế giới" có một chương trình âm nhạc Việt Nam như vậy.
 
Đó là không khí chung của đêm nhạc thính phòng "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" (A Legacy of Sounds) được tổ chức tại trung tâm nghệ thuật Allen HS Performing Art Center vào tối thứ Bảy ngày 6 tháng Tư năm 2024 vừa qua, với sự trình diễn của những nghệ sĩ tài năng gốc Việt cùng dàn đại hoà tấu và hợp xướng The Allen Philharmonic Orchestra & Symphony Chorus của thành phố Allen thuộc khu vực Dallas, Texas.

2
Các nghệ sĩ gốc Việt trình diễn nhạc cụ cổ truyền  Việt Nam cùng dàn giao hưởng Mỹ
 
Theo lời Ban Tổ  Chức, "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" là sự kết hợp Đông-Tây độc đáo, mang những thang âm mới mẻ, chưa từng được công diễn bất cứ nơi nào qua những tiếng đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh, đàn T'rưng hoà quyện cùng dàn nhạc giao hưởng và ban hợp xướng Tây phương. Từ vọng cổ Cao Văn Lầu cho đến opera, từ nhạc sĩ Lê Văn Khoa cùng các nhạc sĩ qua nhiều thế hệ như Lê Thương, Phạm Duy, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn. Từ những tài danh Việt- Mỹ từng đoạt giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá cho đến các nhà soạn nhạc trẻ tài năng gốc Việt đang tạo tiếng vang tại hải ngoại, chương trình là câu chuyện kể về chiến tranh và ước vọng hoà bình, về những mất mát trong hành trình tìm tự do.
 
Thật vậy, "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" là cuộc hội ngộ văn hóa hiếm hoi tại Mỹ, không chỉ giới thiệu nhạc Việt và những tài năng trình diễn và sáng tác nhạc cổ điển gốc Việt đến các khán giả Mỹ mà còn mang đến cho khán giả Việt một hành trình âm nhạc Việt Nam, những hoài niệm về lễ hội trăng rằm, những ngày quê hương thanh bình, cùng niềm tự hào và hy vọng về một thế hệ trẻ gốc Việt đang bước vào lãnh vực nghệ thuật chưa mấy được phổ biến trong cộng đồng.

3
Các ngh sĩ cùng ban hp xướng hp ca bn Vit Nam, Vit Nam ca Phm Duy
 
Có thể xem đây như một chương trình nhạc Lê Văn Khoa với phần lớn các tác phẩm được trình diễn là do ông soạn nhạc. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa sinh năm 1933, có thiên khiếu âm nhạc từ rất trẻ. Là một nhạc sĩ đa tài, ông sáng tác ca khúc, viết đại hợp ca-hoà tấu, được một số dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Mỹ và thế giới trình diễn. Nhạc của ông khoan thai, trữ tình, thấm đượm tình quê hương. Niềm đam mê về âm nhạc của ông từng được ông diễn bày rằng, "Âm nhạc là tấu khúc của vũ trụ, nhà soạn nhạc chỉ có khả năng nghe và ghi lại một vài điểm nhỏ của tấu khúc vĩ đại ấy để chia sẻ với đồng loại". Ông còn là một nhiếp ảnh gia có giải thưởng, tác phẩm được trưng bày tại vài quốc gia trên thế giới và có mang sang triển lãm tại Dallas trong lần này.
 
Với gần 20 tiết mục, mỗi tiết mục đều mang một sắc thái và phong cách riêng biệt, đã mang lại sự bất ngờ, thú vị lẫn cảm kích cho khán giả hiện diện, trong đó có không ít khán giả đã đến từ các thành phố trong và ngoài Texas.
 
Mở màn chương trình là tiết mục Dạ Cổ Hoài Lang rất độc đáo của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua giọng ca và tiếng đàn kìm của nghệ sĩ Chí Tâm, tiếng đàn bầu Hải Yến, ngón đàn tranh Lily Nguyễn và tiếng trống Ian Bùi.
 
Đó là giọng nam cao Tenor cuồn cuộn, âm vang của nghệ sĩ Phạm Hà trong các ca khúc Ca Ngợi Tự Do, Mơ Về Quê Tôi của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Đó là tiếng hát thánh thót của nghệ sĩ Ngọc Hà, phu nhân của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng qua các ca khúc của ông như Chiều Thu và Sài Gòn Của Tôi của nhạc sĩ Ian Bùi.
 
Đó là ca khúc rất cảm động Đừng Đứng Bên Mộ Tôi Mà Khóc (Do Not Stand at My Grave and Weep) của thi sĩ Clare Harner, được nhạc sĩ Patrick Vũ soạn nhạc và ban hợp xướng Dallas Chamber Choir trình diễn dưới sự điều khiển của nhạc trưởng gốc Việt Jon Lê Culpepper để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng tại Allen. 
 
Đó là ngón đàn guitar điêu luyện của nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt hay tiếng cello sâu lắng của Sumo, tức Liaminh Bùi và tiếng đàn tranh réo rắt, vui nhộn diễn đạt trong tác phẩm Trăng Rằm của nghệ sĩ Hải Yến cùng dàn giao hưởng.
 
Và chắc chắn là các tiết mục độc đáo trong giọng hát lẫn diễn xuất tuyệt vời của hai nghệ sĩ giọng nữ cao Soprano là Teresa Mai và Hila Plitmann trong ca khúc Diễm Xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhạc sĩ Duy Trần hòa âm và đệm dương cầm. Ca sĩ tài sắc Teresa Mai với nghệ danh Sangeeta Kaur, mang ý nghĩa là "Nàng công chúa âm nhạc và khúc thanh âm" là người Việt đầu tiên giành giải Grammy vào năm 2022 và ca sĩ Hila Plitmann gốc Do Thái đã hai lần được trao giải Grammy.
 
Cả hai còn trình diễn thêm chung bản opera cổ điển Andromeda trong album nhạc chuẩn bị được phát hành là Mythologies II, do nhà soạn nhạc cũng từng nhận giải Grammy và cùng xuất hiện trên sân khấu là Danaë Xanthe Vlasse. Khúc opera này được Robert Thies, một dương cầm thủ lừng danh, từng trình diễn chung các dàn đại hòa tấu các quốc gia và cho các nhà sản xuất phim, soạn nhạc tại Mỹ đệm nhạc.
 
Ba ca khúc trong trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương được ban hợp xướng Allen trình bày dưới sự phụ họa các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam từ các nghệ sĩ Chí Tâm, Hải Yến và các giọng ca Ngọc Hà, Phạm Hà là một tiết mục thật xuất sắc, vang vọng và hào hùng, cũng như bài hát kết thúc chương trình Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy đã được khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay hát theo các nghệ sĩ, có lẽ là giây phút xúc động nhất với những người tham dự.
 
Trên trang facebook cá nhân của mình, nhạc trưởng Jon Lê Culpepper có viết rằng, anh lớn lên và theo đuổi đam mê trong môi trường không có nhiều nhạc sĩ cổ điển người Việt thì chương trình "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" có lẽ đã mang lại cho anh và khán giả người Việt một cơ hội được gặp gỡ không chỉ nhạc sĩ Lê Văn Khoa mà cả những tài năng gốc Việt còn rất trẻ trong lãnh vực âm nhạc cổ điển này.
 
Đó là nhạc sĩ Patrick Vũ, sẽ tốt nghiệp cao học âm nhạc trong năm nay nhưng tác phẩm của anh đã được các dàn hợp xướng Mỹ trình diễn nhiều nơi và đã được National Concerts mời sáng tác một bản hợp xướng sẽ được trình diễn tại Carnegie Hall tại New York, là một trong những trung tâm trình diễn âm nhạc cổ điển uy tín và danh giá nhất thế giới. Đó là Dylan Trần từ Lousiana, nhà soạn nhạc và từng được nhiều giải thưởng sáng tác và có tác phẩm được trình diễn ra ngoài nước Mỹ, như tại Úc, Anh, Pháp, Áo, Phần Lan... Đó là Duy Trần, một cựu sinh viên cao học về nhạc phim tại USC và là nhà soạn nhạc có những khách hàng như Sony, Samsung...,  các tác phẩm của anh từng xuất hiện trong các liên hoan phim như Sundance, Hollyshorts... 
 
Nhạc sĩ Duy Trần cũng là nhà sản xuất chương trình "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" này, người đã bỏ rất nhiều công sức để phân lại các tác phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho từng nhạc cụ trong dàn giao hưởng, phối hợp cùng nhóm kỹ sư âm thanh và cùng với cô Diễm Tú để viết và đọc các mẩu giới thiệu Anh-Việt cho từng mỗi bản nhạc, mà đã nhận được khá nhiều lời khen ngợi.

4
Ca sĩ Teresa Mai và Hila Plitmann trong ca khúc Diễm Xưa bằng tiếng Việt
 
Được chuẩn bị từ tháng Hai năm nay, có sự chấp thuận và ủng hộ của Chủ Tịch Kathy Litinas cùng ban quản trị The Allen Philharmonic tại thành phố Allen, Texas cùng các nhạc trưởng, giám đốc âm nhạc như Ryan Ross, Rusty King ..., anh Ian Bùi và cô Diễm Tú cũng là hai thành viên thuộc ban giám đốc của tổ chức này, đã dành rất nhiều công sức và thời gian để thực hiện cho chương trình công phu và quy mô này trong vai trò là các giám đốc chương trình. Từ việc mời các nghệ sĩ tham dự, tổ chức, quảng bá, tìm bảo trợ tài chính cho đến việc chuyển ngữ Anh-Việt, Việt-Anh lời các ca khúc được trình bày và phóng lên màn ảnh trong đêm diễn. Cũng nói thêm, Ian Bùi là dịch giả sang Anh ngữ cuốn hồi ký Kieu Chinh, An Artist in Exile của nữ tài tử Kiều Chinh .  
 
Trên các trang facebook cá nhân sau đêm diễn hay khi được phỏng vấn, không ít khán giả đã bày tỏ sự cảm ơn của họ gởi đến BTC, những nhạc trưởng, các nhạc công dàn giao hưởng cùng các ca sĩ ban hợp xướng, các nhân viên hậu trường và những nhà bảo trợ Việt Nam như Studio Hill, Cindi's Restaurant, SuTi Craft Distillery, Saigon Block ... cùng các cơ quan truyền thông Việt ngữ đã góp phần mang đến cho họ một chương trình vô cùng đặc sắc và ý nghĩa này, tạo cho người xem nhiều cảm xúc đến như vậy. 

5
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt cùng dàn giao hưởng
 
Nhưng không chỉ với khán giả mà hầu hết các nghệ sĩ, nhạc sĩ Mỹ-Việt trình diễn trong chương trình cũng đều đăng tải hình ảnh và cảm xúc của mình về chương trình quá đặc biệt, hội tụ nhiều tài năng hai nền văn hóa trên cùng một sân khấu. Trên trang facebook của mình, nhạc sĩ Patrick Vũ bày tỏ rằng, một trong những ít dịp tôn vinh âm nhạc, văn hóa và cộng đồng Việt Nam như vậy đã giúp anh nhận thức được nguồn cội của mình và cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam mà có đôi khi anh không cảm thấy như vậy.

6
Nghệ sĩ Ngọc Hà
Khi được hỏi cảm nghĩ về chương trình, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã trả lời rằng, điều ông vui nhất là chúng ta đã đưa nhạc Việt âm vang, hoà vào với nhạc giao hưởng Tây Phương và khán giả Việt lần đầu được nghe ban hợp ca Mỹ trình bày một số ca khúc Việt quen thuộc. Ông cũng nói thêm rằng, các nhạc sĩ Mỹ trong chương trình đều bày tỏ sự thích thú và cảm ơn ông đã biên soạn những tấu khúc Việt Nam mà lần đầu tiên họ trình diễn.
 
Còn với ca sĩ Teresa Mai, cô cho biết không chỉ rất vui đã tham gia trình diễn trong chương trình mang lại những cảm xúc lạc quan cho khán giả mà còn vui hơn khi lần đầu gặp được những nhạc sĩ, nhạc trưởng thuộc thế hệ gốc Việt thứ nhì đầy hứa hẹn và hy vọng, mang tài năng và đam mê ở một cung bậc cao hơn đến với âm nhạc Hoa Kỳ và thế giới.

 
Dallas 04/2024
ĐYT

VTM 144_Xuân sang_Mỹ Ngọc

 





Xuân sang

Mai đào nở rộ đón xuân sang,
Thấp thoáng lưng trời cánh én ngang.
Mặt lá sương tan viên ngọc bích,
Lòng sông nắng chiếu sợi tơ vàng.
Bên hoa thoảng gió hương thơm ngát,
Dưới liễu nghe chim hót rộn ràng.
Thảm cỏ đơm bông như bức họa,
Thiên nhiên tỉnh giấc đẹp mơ màng.

Mỹ Ngọc

Mar. 27, 2024. 

Tình chung

Đất khách bao xuân lặng lẽ sang
Đớn đau dằng dặc khó nguôi ngang
Bảy lăm ôm hận tình dang dở
Bốn chín năm qua xót nghĩa vàng
Khăn đỏ trùm đầu em nuốt lệ
Tai bèo úp mặt nó giăng ràng
Tình ta đôi ngã sắc son giữ
Dẫu đợi chờ bao chẳng muộn màng.

Tâm Quã

Họa 1:

Mùa xuân không đến

Thời gian lặng lẽ tháng Tư sang
Thời thế nhiễu nhương thật trái ngang
Ông xuống làm thằng đi hốt rác
Đốc tờ cầm cuốc nát tay vàng
Giáo sư chặt nứa khiêng từng bó
Bác vật cắt tranh buộc cọng ràng
Bốn chín năm qua đời nghiệt ngã
Đến nay nhắc lại mấy ai màng ?!!

Nguyễn Cang
Mar. 29, 2024

Họa 2:

Tội đồ vô vọng

Trưởng giả vi xi cố học sang
Quần là áo lụa bước nghênh ngang
Vẫn không dấu được chưn phèn mốc
Quanh cổ khoe khoang lắm chuổi vàng
Đức hạnh người khôn chìm quá tối
Gian manh kẻ dại hiện ràng ràng
Ăn năn sửa đổi dù sao nữa
Sám hối đi tu chẳng muộn màng

THT

Họa 3:

Lễ hội hoa anh đào DC

Một dãy hoa đào trông rất sang
Dòng Potomac vẫn nằm ngang
Lăn tăn mặt nước theo cơn gió
Lác đác trên sông gợn sóng vàng
Ong bướm tới lui vờn hút mật
Vo ve khoảnh khắc thấy chàng ràng
DC nổi tiếng hoa đào đẹp
Du khách đến xem dẫu muộn màng

Hương Lệ Oanh VA
Mar. 30, 2024
 

Họa 4:

Cảnh xuân

Đào nở rợp trời trông rất sang
Hướng theo chiều dọc lẫn bề ngang
Hoàng hôn lững thững quanh bờ suối
Cảnh vật lung linh dưới nắng vàng
Lữ khách về đây xem thắng cảnh
Người đông rảo bước đứng chàng ràng
Nơi này nhộn nhịp khi xuân đến
Chờ đợi bao lâu cũng chẳng màng

PTL

Mar. 2024

Họa 5:

Xuân của ngày xưa

Vũ trụ tưng bừng đón tết sang.
Trời xanh đầy nắng én xuyên ngang,
Chào xuân đào nở muôn hoa thắm,
Thuận tiết mai khoe vạn cánh vàng.
Sân dựng cây nêu cao chót vót,
Nhà treo liễn đối đỏ ràng ràng.
Nhớ về nếp cũ trăm năm trước,
Nay đã nhòa phai mấy kẻ màng?

Minh Tâm

1. Xuân Tha Hương:

Sáng tác: Lâm Hùng

Ca sĩ: Như Hoa

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=e5rziJWYsXM

2. Tân cổ

Xuân Tha Hương

Sáng tác: Hoài Duy & Thanh Đông

Nghệ sĩ: Nguyễn Văn Khởi & Kim Luận



Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=s8f2nK7Gsfw