14 tháng 11, 2024

VTM 158_Thu Tận_Mỹ Ngọc

 




Xướng:

Thu Tận

Gió bấc đang về đã tận thu,
Cây trơ trụi lá ủ sương mù.
Công viên vắng vẻ không người tới,
Bãi biển im lìm thiếu khách du.
Cuối đất nắng hanh diều lả lướt,
Chân trời mây tím sáo êm ru.
Thương miền chiến sự, nơi dông bão,
Nhân họa thiên tai mũi súng thù.
Mỹ Ngọc
Oct. 28, 2024.

Họa 1:

Thu  
Mây ùn gió lạnh rõ ràng Thu
Khắp nẻo trần gian luống mịt mù
Bão nổi xoay vần lan khắp lối
Nhân tình đói khổ chiến tranh du
Thừa cơ kẻ ác xua lời biếm
Đục nước ông bầu trổ giọng ru
Ước nguyện tàn Thu cùng bớt khổ
An hòa thuận thảo xóa căm thù.
Oct. 31, 2024
TQ

Họa 2:

Tàn thu 

Tiết trời thay đổi lúc tàn thu
Rừng trống trông xa tận tít mù
Cây cối trơ cành theo giá lạnh
Lá lìa thân mẹ trãi chu du
Tiếng vang vi vút theo cơn gió
Âm điệu bổng trầm ngỡ tiếng ru
Ngắm cảnh ngậm ngùi cho thế sự
Thu ca đối ẩm chuyện ân thù
PTL
Ân thù 恩讎: thương và ghét
Tự điển tiếng Nhật:
恩讎 【おんしゅうonshuu】恩讐 
noun: love and hate 
https://tangorin.com/definition/%E6%81%A9%E8%AE%90
Họa 3:

Thu ảm đạm 

Lá vàng rơi rụng lúc tàn thu
Ảm đạm hơi sương toả mịt mù
Thánh thót chim kêu sầu não ruột
Dập dìu bướm lượn ngỡ nhàn du
Nhớ về quá khứ nhiều hy vọng
Thương nước hiện thời lạc điệu ru
Gói trọn tâm tình Thu viễn xứ
Muôn phương gửi bạn xoá tâm thù
THT 

Họa 4:

Thu cảm

Gió chiều dịu mát đượm hơi thu,
Trời phủ màn sương đất tối mù.
Ngọn núi trầm tư mây trải nhẹ,
Dòng sông cuồn cuộn nước phiêu du.
Bâng khuâng, thi sĩ chờ trăng hiện,
Hờ hững, ngô đồng ngại gió ru.
Lấp loáng khe trong nhìn cá lội,
Mở lòng rửa sạch trái tim thù.
Minh Tâm

Họa 5:

Tàn thu

Lặng nhìn màu lá sắp tàn thu
Chiều xuống rừng phong phủ mịt mù
Tiếng quốc mơ hồ nghe thảm thiết
Tâm tư não nuột bước vân du
Nỗi niềm tâm sự buồn da diết
Điệp khúc ngày xưa tiếng mẹ ru
Tuổi hạc bây giờ như chỉ mỏng
Trái tim nhân hậu chẳng tư thù
Hương Lệ Oanh VA
Nov. 02, 2024
 
Họa 6:

Thu bất diệt

Mưa trên phố cổ nắng tàn thu
Bát ngát trời cao cảnh biệt mù
Nắng quái tăng thêm người mệt mỏi
Mưa phùn chận bớt khách nhàn du
Trần ai bất trắc anh hùng tận
Thế sự u hoài tiếng mẹ ru
Sống chết trời cho đều có số
Mài gươm sát đát chống quân thù
Nguyễn Cang
Oct. 30, 2024

1.Tân nhạc:
Buồn tàn thu
Sáng tác: Văn Cao
Ca sĩ:Tuấn Nghĩa




2. Cổ nhạc:



Chiều Thu nhớ Mẹ
Soạn giả: Phạm phúc Toại
Nghệ Sĩ: Thoại Mỹ
Ngâm thơ:
Đêm qua con ngủ nằm mơ
Thương sao mái tóc bạc phơ Mẹ về!
Mẹ buồn con? Hỡi Mẹ ơi!
Sao Mẹ không nói một lời với con..?
Đoản khúc Lam giang:
Mẹ đừng buồn Mẹ ơi
Bao tháng năm mịt mờ xa xôi
Mẹ đi khuất nơi dương trần
Con ở lại ngậm ngùi thương tiếc
Nay Mẹ về trong mơ
Giửa đêm tàn canh vắng quạnh hiu
Sao con nhìn thấy Mẹ buồn thiu
Chắc con làm cho Mẹ giận hờn con
Cả một đời gieo neo
Mưa nắng sớm hôm
Năm tháng sức Mẹ hao mòn,
Không lời thở than.
Rồi từ ấy Mẹ ơi..
Trên cõi đời còn đâu bóng hình
Ơn mẫu từ con chưa đáp đền
Tỉnh giấc chiêm bao
Nghe nghẹn ngào
Buồn thương ray rứt con tim
Về bao ngày xưa ấy
Nay muốn đáp đền,
Cho tròn đạo con
Nhưng Mẹ đâu còn, chỉ còn màn đêm.
Cùng nỗi xót thương...
 
Câu 1:
Mẹ ơi, con yêu Mẹ bởi một đời tần tảo..
Như cánh cò nổi chìm trong giông bảo,
Nuôi nấng đàn con qua bao tháng... bao... ngày...
Cát bụi thời gian đã làm cho thân Mẹ hao gầy..
Một mái tranh nghèo, vách ngã cột xiêu.
Một bến sông chiều, bập bềnh sóng gió.
Mẹ vẫn âm thầm chịu thương chụi khó,
hôm sớm đi về dầu dãi nắng mưa.
Ôi tình Mẹ bao la biết nói mấy cho vừa.
Mà nghĩa nặng ơn sâu, con chưa đền đáp....
Ngâm dặm:
Dầu con đi suốt cuộc đời.
Vẫn không đi hết những lời Mẹ ru
Câu 2:
Lời Mẹ ru như gió mùa thu êm ả,
Theo con đi qua cả cuộc đời...
Nghĩa nặng ơn sâu như biển như trời....
Hết nuôi con rồi lo nuôi cháu.
Chưa qua buổi nhọc nhằn, đã đến tuổi ốm tuổi đau.
Thuở mới vào đời, con thiếu trước hụt sau.
Thương Mẹ nghèo nhưng con chẳng lo được gì cho Mẹ.
Giờ con muốn nghĩa đền ơn trả, nhưng Mẹ đâu còn.
Con có lỗi quá Mẹ ơi!...
 
Phi vân vỹ:
 
Nhớ....nhớ xưa Mẹ dành bao tình thương.
Gian nan một đời, vì đàn con
Nắng mưa dãi dầu chẳng lời than.
Trên đời có ai, như Mẹ không.
Hỡi Mẹ kính yêu.
Phận làm con, ơn này xin khắc ghi.
 
Câu 6:
Thu đến rồi, mùa Vu lan báo hiếu.
Nay Mẹ về như nhắc nhở cùng con.
Mẹ chẳng buồn, mà chỉ có tình thương.
Mẹ phù hộ cho con luôn an yên, hạnh phước.
Con tỉnh giấc nghe bàng hoàng xúc động,
Muốn Mẹ về Mẹ ở đừng đi.
Sao Mẹ đi rồi, Mẹ xa con vĩnh viễn.
Cho lệ con tôn hòa trong tiếng thu buồn.
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc.
Mẹ mất rồi, nuối tiếc được gì đâu?
Vu lan về, bông hồng cài lên ngực.
Niệm Di Đà, nghe mắt lệ con cay.

08 tháng 11, 2024

Thầy tôi, giáo sư Lê Hữu Mục

 Hôm nay là ngày giỗ của thầy Mục, xin mời quí vị xem lại bài viết về thầy của Chúc Thanh


Thầy tôi, giáo sư Lê Hữu Mục

29/05/2022
Hồi ức

lehuumuc
Giáo sư Lê Hữu Mục thăm Paris năm 2010.

 Nhớ tới thầy, con nhớ lời thầy dạy

Sống an lành nhẫn nại khiếp nhân sinh

Sống vị tha, dưỡng nuôi lòng trắc ẩn

Nhắn nhủ con, nhiều nhân ái chứa chan…

(Chúc Thanh)

 

Nếu thầy Hạo Nhiên Nghiêm Toản được ví như một người mẹ trìu mến, thân ái của chúng tôi, thì thầy Lê Hữu Mục là một người cha, khoan hòa, nhưng kỷ luật nghiêm minh, ông đúng là một “nghiêm đường” của lớp học chúng tôi.

 

Thầy Mục có nhiều giờ dậy về văn chương Hán-Nôm và Văn học Thiền tông cho lớp sư phạm Việt-Hán. Nói là Việt-Hán, chứ Việt nhiều hơn Hán, vì chúng tôi không giỏi giang nhiều về Hán văn. Đúng ra là học những bài thơ dịch thoát ra Việt văn. Thí dụ như bài Hoàng Hạc Lâu:

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư hoàng hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du…

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu

Mà nay hoàng hạc riêng lầu còn trơ

Hạc vàng đi mất từ xưa

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

(Tản Đà dịch)

 

Thầy tôi theo đạo Thiên Chúa nhưng ông lại rất say mê các bài kệ của các tổ Thiền, thầy có thể nói say mê về tổ Hoằng Nhẫn rồi đi tiếp luôn tới tổ Huệ Năng… thầy thích tổ Huệ Năng diễn đạt: « Tâm khi có, khi không, thì bụi bám vào đâu? » Nhiều khi, buổi chiều, hết một bài giảng, thầy nhắc chúng tôi ngồi yên, nghĩa là không được nói chuyện, không bàn luận… để tự nhẩm lại « Kệ Vô thường » trong đầu:

 

Ngày nay đã qua

Đời sống ngắn lại

Hãy nhìn cho kỹ

Ta đã làm gì?

 

Phải nói là nửa năm đầu niên khóa (1966-1967) học với thầy Lê Hữu Mục, tôi chới với, bơi không kịp, vì tôi dốt chữ Hán thành ra mù chữ Nôm luôn. Lúc nào lên bảng viết, tôi cũng lúng túng bị thầy chê vì bạn cười chế nhạo vì tôi viết trái cựa, chưa viết bộ, tôi đã ngoằn nghoèo viết nghĩa hay viết chữ, rồi tôi thú thiệt là lúc còn ở Văn khoa (nơi đường Nguyễn Trung Trực) tôi không học Hoa văn thực thành, mà học Pháp văn thực hành, đó là tôi phải theo ý cha tôi, cha tôi không chịu cho tôi học chứng chỉ Hoa văn, người bảo tôi, « Con học cái đó để vô Chợ Lớn đọc các bảng hiệu sao? »

 

Thầy Mục hiểu ý, bảo là con đi đường kiểu hơi zic-zắc, mà không sao, học thêm cái gì hay cái đó, bây giờ con học thêm ít vốn chữ Hán, nếu không, khó đi vào văn chương quốc âm và văn chương Hán-Nôm. Tôi vất vả lúc đầu, nhưng nhờ thầy, nhờ bạn chỉ dậy, rồi mọi bài vở cũng êm xuôi lần lần, con biết ơn thầy và bạn lắm!

 

Thầy tôi tận tình với từng đứa học trò. Lớp chỉ có 28 đứa như một gia đình, mỗi ngày, vẫn bằng ấy cái mặt, đến nỗi tụi tôi biết cả hoàn cảnh, tính nết, sức học của nhau. Điều thú vị đến buồn cười là chúng tôi dự thi tuyển vô trường với kết quả ra sao, thì khi ra trường, kết quả tốt nghiệp cũng gần suýt soát như khi thi vô! Vì chúng tôi ganh đua nhau học và lúc lên chọn nhiệm sở, thí sinh được chọn căn cứ vô bảng điểm mãn khóa.

 

Nói như vậy mà cũng có nghĩa là không cứng như cây cổ thụ. Mà trái lại, thầy Lê Hữu Mục đã nhiều lần khuyên chúng tôi vì tình đồng môn, vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, nên nhường nhịn nhau cho vui vẻ cả làng!

 

muc 1

Giáo sư Lê Hữu Mục đàn và hát Ly Rượu Mừng trong một lần văn nghệ mừng Xuân 1968 Sài Gòn. Bên cạnh giáo sư là anh Nguyễn Viết Sơn, ngồi dựa cửa sổ là giáo sư Trần Kim Nở, bên cạnh giáo sư Trần Kim Nở là anh Nguyễn Ngọc Phách.

 

Ngoài việc học kiến thức văn học trong giảng đường, thầy còn dạy bổ túc thêm giờ nghệ thuật giảng dậy, tâm lý sư phạm và người thích hướng dẫn chúng tôi đi thực tập ở các trường thực tập ở các trường trung học công lập ở Sài Gòn. Thầy tốt người, cao, to, bước chân chắc chắn và nhanh nhẹn, theo kịp thầy có lúc chúng tôi mệt là mệt.

 

Thầy luôn gọi học trò bằng tên, như Ngọc đã soạn bài giảng chưa? Trúc đã hoàn thành chủ đề thơ thầy bảo soạn trước cuối tuần rồi chưa? Thầy rất chu đáo, tỉ mỉ dạy chúng tôi cách đi, đứng, nói và đối diễn với học trò. Thầy gần gũi, quý mến và tận tâm với sinh viên. Tôi cứ nhớ mãi là mỗi lần dậy thử, thầy luôn nhắc mấy đứa con gái là: vô cửa lớp, phải bước ngay lên bục gỗ chạy dọc theo bảng đen, đi tới và bước lên bục gỗ kê bàn giáo sư, không được đi dưới sàn nhà, dù có rộng chỗ.

 

Chị Hương có một lần cắc cớ hỏi thầy: « Bộ thầy sợ dưới đất có con rắn con rết gì cắn chân nó sao? » Thầy chợt cười ồ lên: « Không phải sợ rắn rít cắn chân, mà tại nó vóc nhỏ hao gầy, chim chích quá đi, tôi không muốn thấy một cô giáo tí tẹo rơi lọt thỏm vô cái lớp học đông học trò nhốn nháo như vậy ». Mọi nguời bấm nhau cười.

 

Chị đó, chị ở gần dưỡng trí viện nên có lẽ hơi… tốc tốc. Lần nào thầy cũng dặn câu cuối, không nên gọi học sinh trả bài nhiều, chia thời gian hợp lý và không được để « chày » giáo án, có nghĩa là chuông reng mà chưa giảng bài xong.

 

Ở lớp thầy giảng, bất cứ loại bài nào, thầy không cho cours, sinh viên tự ghi, thầy rất trân trọng cách biên soạn đầy sáng tạo của học trò. Nhưng khi chúng tôi đi giảng, thầy và sinh viên thực tập đều phải hội ý bàn thảo. Vậy mà sau đó, thầy vẫn nhận ra đầy khuyết điểm: Anh S. có giọng nói khi cao khi thấp, hơi lại cái; cô Q. sử dụng bảng đen không hợp lý, không trật tự, chữ viết trên bảng xấu; anh Đ. truyền qua tay nọ tay kia cục phấn khi giảng bài, giống múa lèo, thiếu trang nghiêm; chị H. đi qua đi lại nhiều quá, thiếu phong độ uy nghi. Nhưng rồi thầy cũng cho 10 điểm, 11 điểm của thầy là hiếm và quý lắm. Thầy không ác ý, nhưng muốn tất cả phải toàn hảo, thầy nói được chừng nào hơn, tốt thêm chừng ấy.

 

Tôi nhớ, đã có lần, thầy bày tỏ quan điểm hơi khe khắt là làm thầy giáo cũng như làm ca sĩ, ca sĩ phải hát hay mà phải đẹp mới thành công! Có con chim sơn ca nào xấu đâu? Thầy giáo không cần đẹp như ca sĩ, nhưng không được xấu, phải có duyên phải ưa nhìn. Trời ạ, tôi về nhà hôm ấy, vội nhìn trong gương soi, cô bạn bên cạnh đến bên tôi ké nhìn mặt mình trong gương rồi thỏ thẻ: « Gương nhà Tần hai đứa soi chung » và những ngày sau đó, trước khi đi giảng, tôi và bạn tôi bảo nhau bắc ghế ngồi trước gương và trước mặt bạn, tự nói một lần trước cho quen.

 

Tựu chung, thầy bắt bẻ, cũng chỉ muốn mọi điều tốt lành cho sinh viên.

 

Giờ thì đã hơn một nửa thế kỷ qua đi, chúng tôi vẫn nhớ như in giáo sư Lê Hữu Mục, tuy có chút khó khăn, nhưng ông luôn cao giọng nhắc chừng sinh viên của ông: « Lòng tin trời, yêu đời, yêu cuộc sống, giữ tâm ý thanh sạch và luôn đem hết khả năng và nghị lực ra làm việc ». Đúng là vậy, thầy luôn làm gương, lúc nào cũng chăm chỉ làm việc, tháo vát mọi khó khăn, giải quyết nhiều vấn đề mau chóng đến thành công và không bỏ cuộc. Thầy tôi có những bản dịch, truyện ký ra văn vần: Lĩnh nam trích quái; Việt điện u linh tập.

 

Thầy có bằng Cử nhân năm 1950, sau đó thầy đậu thủ khoa kỳ thi Tiến sĩ quốc gia. Thầy là giáo sư các trường đại học ban Văn, Hán-Nôm ở Huế, Sài Gòn, Văn khoa và Sư phạm. Thầy là nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà văn và cũng là nhạc sĩ, thầy sáng tác nhạc trước khi 20 tuổi những ca khúc như: Chèo đi bơi đi; Trở về mái nhà xưa; Hẹn một ngày về vinh quang…

 

Nhà thầy có đầy sách, đủ loại sách, như một thư viện, trên đường Duy Tân, « cây dài bóng mát » đó, còn vang vang lên tiếng đàn guitare dìu dặt, tiếng kèn saxo giòn giã và cả tiếng dương cầm du dương trầm bổng. Dù quá cao tuổi, thầy tôi vẫn yêu văn học và văn nghệ, hồn người say mê mênh mang khi người diễn tả những: Sérénade của Franz Schubert; Danube bleu của Johann Strauss Jr.; Come Back to Sorriento của Ernesto de Curtis, v.v…

 

Không phải ở mỗi lúc, mỗi nơi mà có một nhà mô phạm sáng suốt tài ba đa năng như thầy tôi. Khi thầy tôi ở tù cộng sản, người nhà vô thăm, báo tin đến chỗ « Bố ơi, tủ sách của bố, họ tịch thu rồi!» Ông ôm mặt khóc nức nở. Tội nghiệp thầy lắm.

 

Năm 2010 thầy từ Canada có dịp sang Paris, vì là có tác giả Đặng Quốc Cơ và GS Nguyễn Thị Nhung mời ông sang chú giải rõ thêm Truyện Kiều cùng với họ. Thật may mắn và phước đức, tôi có dịp đi đón thầy về nhà tôi. Thầy trò trùng phùng hàn huyên, thầy cho tôi xem sách thầy viết sau 1975: « Hồ Chí Minh không phải là tác giả ngục trung nhật ký » ở Hà Nội, có tới 40 tác giả cộng sản họp lại phê phán. Tôi vội nói thầy bỏ chuyện đó qua một bên đi, thầy lớn tuổi rồi, để cho tâm trí thư giãn.

 

Thầy dùng với chúng tôi một bữa ăn, trong lúc ngồi chung, thầy nhắc lại nhiều lần: Hoàn cảnh ngửa nghiêng, vận nước điêu linh, cộng sản quái gở… mà phải bỏ nước ra đi chứ rời xa quê hương ở tuổi xế bóng quá chiều, thầy buồn và cô đơn lắm!

 

Người vào cởi áo, lau son phần

Trả cả vinh hoa, lẫn đoạn trường…

(Thơ Hoàng Như Mai)

 

Phút ngậm ngùi qua đi khi anh chị Long bước vào nhà,  hôm ấy chúng tôi có ý mời thêm anh Long qua gặp thầy, anh Long xưa là giám đốc Thư viện Quốc gia Sài Gòn, anh cũng tỏ ra tri kỷ lắm.

 

Rồi lúc chiều, khi thầy trò gần chia tay, thầy ra vườn ngó cây cảnh và nói với tôi:

 

« Tay này cứng đầu cứng cổ lắm đấy ». Tôi nhìn ra ý không hiểu. « Ông ấy cứ nuôi hy vọng rồi có một ngày kia cộng sản sẽ thay đổi, con phải giáo dục. » Thầy nói tiếp.

 

« Con làm sao nổi việc đó, họ lớn tuổi hơn con, vả lại chỉ là hàng xóm. » Tôi trả lời thầy.

 

« Hàng xóm… mà cũng là đồng hương, sao thế, con đã quên ông Tagore, ông ấy nói là ‘nhà giáo như một ngọn đuốc, phải thắp sáng mình luôn và mồi đuốc cho người kế bên’ à».

 

Tôi le lưỡi sợ hãi, thầy tôi lúc nào cũng kiên cường, trước sau như một. Rồi tôi thoắt nhớ lại câu nói cửa miệng của thầy: « Làm người, phải tin trời, yêu mình, yêu người, giữ lòng vui, giữ tâm hồn thanh tịnh và luôn phấn đấu đem hết nghị lực ra làm việc ».

 

Được tin thầy về trời mùa đông, tháng 11 năm 2017 ở Montréal, Canada. Tạ ơn Chúa, thầy tôi cao tuổi thọ với 92 năm. Ở trên ấy, chúng con mong thầy được an nghỉ, không còn loay hoay công này việc nọ nữa. Có thể ở nơi bình an của Chúa, thầy vẫn trông thấy tụi con còn ngổn ngang lang thang đây đó. Có thể đúng, vì thầy tôi là Lê Hữu Mục mà, vả lại cũng y như thầy giảng: « Thác là thể phách hồn là tinh anh… » (Kiều).

 

– Chúc Thanh

(Kính nhớ, 5/2022)

Nguốn: https://vietbao.com/a312255/thay-toi-giao-su-le-huu-muc



Tiểu sử Giáo sư Lê Hữu Mục

Giáo sư Lê Hữu Mục sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925 tại làng Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân sinh là nhà nho, ông là người thứ bẩy trong tất cả 11 anh em với tám trai và ba gái.
Giáo sư Lê Hữu Mục đã qua đời vào lúc 10:57 tối ngày 08 tháng 11, năm 2017, tại Montreal Canada, hưởng thọ 93 tuổi.


(Hình của cựu sinh viên Việt Hán ĐHSP 69-72 )

Học Vấn

Tiến Sĩ, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Sài Gòn, 1970.
Cao Học, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Đà Lạt, 1960.
Cử Nhân, Văn Chương Pháp, Đại Học Hà Nội, 1950.

Âm Nhạc

Chèo Đi, Bơi Đi (nhạc và lời, 1938)
Hẹn Một Ngày Về (nhạc và lời, 1953)

Dạy Học

Giáo Sư, Quốc Học, Huế, 1952-1957
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1957-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Viện Nghiên Cứu Nôm Học, 1958-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Khoa
Giáo Sư, Đại Học Sàigòn (Sài Gòn), Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm, chủ bút tập san Hán-Nôm.
Giảng Viên, Đại Học Đà Lạt (Đà Lạt),
Giảng Viên, Đại Học Hòa Hảo (Long Xuyên),
Giảng Viên, Đại Học Cao Đài (Tây Ninh),
Giảng Viên, Đại Học Phương Nam (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Vạn Hạnh (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Nha Trang (Nha Trang),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Mỹ Tho (Mỹ Tho), Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1964-1975

Nghiên cứu Nôm, 1981-1984

Pascale Baylon (Montréal) và nhiều trưòng trung học khác. Liên lạc viên giữa phụ huynh học sinh và PELO (Programme de l'Enseignement des Langues d'Origine), 1985-1990
Dạy Hè tại các trường Đại Học Âu Châu như Fribourg (Thụy Sĩ), Strasbourg, Nancy (Pháp), Frankfurt (Đức), Oslo (Na Uy), và Mỹ Châu như St Thomas (Houston), 1990-2005.

Nghiên Cứu Tiêu Biểu

"SONG VIẾT LÀ SÀNG VẠT", Lê Hữu Mục, Vietnamologica, số 2, 1996, Trung Tâm Việt Nam Học Canada.

Khóa Hè Tiêu Biểu

"VĂN HOÁ VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NÓ ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ VIỆT NAM SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC MỸ", Lê Hữu Mục, University of St Thomas, Houston, 1999.

Tác Phẩm

Thân Thế và Sự Nghiệp Nhất Linh (giáo khoa, 1955)
Nhận Định về Đoạn Tuyệt (biên khảo, 1955)
Luận Đề về Khái Hưng (giáo khoa,1956)
Luận Đề về Hoàng Đạo (giáo khoa,1956)
Chủ Nghĩa Duy Linh (biên khảo, 1957)
Văn Hóa và Nhân Vị (biên khảo, 1958, cùng Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê)
Thảm Trạng của Một Nền Dân Chủ Vô Thần (1958)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Nhị Khê Thi Tập (1962)
Băng Hồ Ngọc Báo Tập (1963)
Chúa Thao Cổ Truyện ( 1965)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, Tập 1 (biên khảo, 1968)
Khóa Hư Lục (1973)
Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả “Ngục Trung Nhật Ký” (1988)
Truyện Kiều và Tuổi Trẻ (1998, nxb Làng Văn, 1990)

Dịch Thuật

Huấn-Dịch Thập-Điều, Thánh Dụ của vua Dục Tông, Minh Mệnh, vua Việt Nam, 1791-1840, (Sàigòn : Ủy-ban dịch-thuật, Phủ Quốc-vụ-khanh đặc-trách Văn-hóa, 1971)

Bài Viết Tiêu Biểu

1/ Văn Hóa Việt Nam - Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam
2/ Văn Hóa Việt Nam - Thuyết Bất Vô
3/ Văn Hóa Việt Nam - Đối diện với Văn Hóa Mỹ
4/ Cụ Sáu đối diện với phong-trào Văn-thân
5/ Cụ Sáu đối phó với phong-trào Văn-thân
6/ Cụ Sáu đối lập với phong-trào Văn-thân

Tập San
1990-2005 : Vietnamlogica, sáng lập viên, chủ bút, cộng tác viên
(Biography do Lê Hữu Mạnh cung cấp)

Nguồn: https://dutule.com/a8508/giao-su-le-huu-muc-da-qua-doi-ngay-08-thang-11-nam-2017-