Văn Lan
WESTMINSTER, California (NV) – “Kim Long Xích Phượng,” một tuồng hát bội cổ vô danh của miền Nam Việt Nam viết bằng chữ Nôm, được giới thiệu tại Viện Việt Học, Westminster, vào chiều Chủ Nhật, 1 Tháng Mười Hai.
Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và tác phẩm bản tuồng hát bội chữ Nôm “Kim Long Xích Phượng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).
Bản tuồng này do Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm quốc ngữ và sơ chú, Nguyễn Hiền Tâm hiệu đính, và Nguyễn Anh Tú biên tập. Bản tuồng này ra đời, lưu truyền trong dân gian cách nay khoảng hơn hai thế kỷ.
Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm giải thích rằng vào thế kỷ 19 có sự cộng tác đặc biệt của một số người Minh Hương ở Chợ Lớn và các nhà khắc bản gỗ ở vùng Phật Trấn (Quảng Đông, Trung Hoa) thực hiện, in và phát hành sâu rộng những tác phẩm Việt Nam viết bằng chữ Nôm, kéo dài cả trăm năm. Đó là cả một gia tài văn hóa quý báu của người Việt nhưng đã chìm sâu trong lãng quên từ lâu, không ai biết đến.
Nói về “Kim Long Xích Phượng,” Giáo Sư Trần Huy Bích giới thiệu tuy nội dung xưng là “Tống Trào” (triều Tống), nhưng đây không phải là một vở tuồng lịch sử về đời Tống bên Trung Hoa, có vẻ không dựa trên một truyện Tàu nào, nhưng tác giả đã mô phỏng nhiều chỗ để viết nên.
Nghệ nhân hát bội Hiếu Đệ diễn tả một trích đoạn trong bản tuồng hát bội “Kim Long Xích Phượng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).
Trong bản chữ Nôm, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm đã chia “Kim Long Xích Phượng” làm ba hồi. Hồi 1: Thâm cung bí sử. Hồi 2: Long Phụng thành nhơn. Hồi 3: Chánh biến và binh biến. Trong mỗi hồi lại có những đoạn, những phân cảnh khác nhau.
Tuồng này kể chuyện Vua Tống Minh Quân từ lâu chưa có con, nhân lúc đất nước thanh bình đi du ngoạn, đến vùng Bạch Lãnh Sơn gặp con gái của Thọ Lão là nàng Minh Châu xinh đẹp bèn xin rước nàng vào cung, phong ngôi Thứ Hậu. Một hôm nàng mơ thấy có rồng bay phượng múa, nhập vào thân mình, vua vời quan Binh Bộ Thị Lang vào chầu, quan đoán rằng Thứ Hậu sẽ mang thai và sẽ sinh một trai một gái.
Chánh Cung Hoàng Hậu là Trịnh Xuân Nương đem lòng ghen ghét, nhân lúc Minh Châu sanh nở mê man bèn đem một con sói đen và một con thỏ trắng tráo vào, rồi tâu vua rằng Thứ Hậu sinh ra quái thai. Vua nổi giận truyền gia hình quan Thị Lang và đem Thứ Hậu dìm chết cùng quái thai. May nhờ em trai ruột của vua là Ngự Đệ khuyên can nên vua tha tội quan Thị Lang, giáng Thứ Hậu xuống làm cung nữ lo việc quét dọn vườn hoa, và đem hai quái thai quăng xuống sông.
Ông Võ Văn Thiệu, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, mong ước “Chữ Nôm sẽ được lưu truyền mãi đến thế hệ mai sau.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).
Hai trẻ sơ sinh bị thả trôi sông đến vùng Bạch Lãnh Sơn, may nhờ Thọ Lão (cha của Thứ Hậu, ông ngoại của hai hài nhi sơ sinh) tình cờ vớt được. Ông đem về nuôi dưỡng, đặt tên trai là Kim Long, gái là Xích Phượng. Thượng đế sai tiên ông giáng trần truyền dạy văn võ cho Kim Long. Sau khi thành tài, quay về truyền lại cho em gái là Xích Phượng.
Sau đó Thọ Lão đem di vật ngày xưa ra trao lại cho Long, Phượng, hai anh em lên đường đến Kinh đô, gặp được Ngự Đệ (em vua). Ngự Đệ đem Long, Phượng vào cung tâu, vua truyền tất cả mọi người ra đối chất rồi nhận lại con, khôi phục ngôi Thứ Hậu cho Minh Châu.
Trong lúc này anh trai của Chánh Cung là Trịnh Lân Hầu giữ chức Thái Sư mưu sự phản nghịch, câu kết quân nước Phiên để cướp đoạt ngôi vua khi Tống Minh Quân thọ bệnh thăng hà. Hoàng Tử Kim Long, Công Chúa Xích Phượng cùng mẹ được sự bảo vệ của các trung thần đoàn kết chống lại phản tặc. Kết quả quân của Hoàng Tử đại thắng, tru di toàn gia Trịnh tộc, ban thưởng cho các công thần.
Vở tuồng hát bội đề cao điều thiện, lòng trung nghĩa, và nêu triết lý nhân quả báo ứng, và đó cũng là luân lý phổ thông trong nhân gian.
Giáo Sư Ngự Thuyết thì cho rằng những khán giả bình dân, vì không hiểu hết ý nghĩa, chữ nghĩa hát bội, nên chỉ cần tuồng tích hay, điệu bộ diễn tả đẹp trên sân khấu là đủ thích rồi.
Các vị giáo sư và thân hữu trong buổi ra mắt bản tuồng cổ chữ Nôm “Kim Long Xích Phượng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).
Ông Võ Văn Thiệu, thuộc Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, một trong những học trò chữ Nôm của Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, nói: “Ông bà mình ngày xưa vì không muốn bị nô lệ đồng hóa với Tàu, vì muốn giữ gìn bản sắc dân tộc Việt nên sáng chế ra chữ Nôm. Mong rằng văn hóa xưa và nay của Việt Nam được đưa vào chương trình học của các em, sẽ bảo tồn và phát triển thêm chữ Nôm cho thế hệ mai sau.”
Buổi ra mắt sách thêm phần sôi nổi khi ông Hiếu Đệ, một nghệ nhân hát bội, là học trò của cố Giáo Sư Dương Ngọc Bầy, lên đọc vài trích đoạn trong sách bằng lối diễn tuồng trên sân khấu, cùng các bạn trẻ hát những bản nhạc đậm tình quê hương.
Cô giáo Trương Minh Túy, dạy chương trình song ngữ Anh-Việt tại Học Viện Ngôn Ngữ DeMille (trước đây là trường tiểu học DeMille) ở Midway City, cho hay: “Tôi sẽ giới thiệu cho các em học sinh biết thêm về văn hóa, từ ngữ Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến qua những câu chuyện kể, bài thơ, tuồng tích. Đây là dịp giúp các em trẻ thấy lại mặt chữ xưa và sự tiến triển chữ quốc ngữ Việt Nam, qua đó biết được đời sống, văn hóa, từ xưa đến nay là như thế nào.”
Theo ban tổ chức, chữ Nôm rất phong phú ở miền Nam vào cuối thế kỷ 19, tuồng “Kim Long Xích Phượng” là một trong những tác phẩm có giá trị cao về văn chương chữ Nôm, một tài sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.