22 tháng 12, 2022

VTM 111: Thu đi_PTL

 



Bài xướng:


Thu đi
 
Thu đi lá rụng đầy sân
Nhìn cây trơ trọi bâng khuâng nhớ nhà
Trãi qua bao lớp phong ba
Cuộc đời còn lại có là bao lâu
Suốt đêm trăn trở buồn rầu
Trải qua mấy lượt bể dâu trong đời
Ánh trăng vằng vặc sáng ngời
Làm thơ xướng họa cho vơi nỗi niềm
Lá rơi lã chã trước thềm
Nhớ về quê mẹ êm đềm năm xưa
Ngòai hiên tí tách giọt mưa
Gió thu lành lạnh đong đưa cơn sầu
 
PTL
Virginia 18-10-2022


Họa 1:

Thu Tàn
 
Thu tàn xác lá ngập sân,
Hoa rơi cánh rụng luâng khuâng vườn nhà.
Gió thu xào xạc hàng ba,
Mưa thu dai dẳng lơ là dài lâu.
Nhìn hoa lá rụng lòng rầu,
Bỗng nhiên khơi chuyện biển dâu trong đời.
Sương thu bàng bạc trắng ngời,
Hương thu hiu hắt đầy vơi bao niềm.
Mây thu tán tụ trước thềm,
Cuộc tình mang nặng êm đềm ngày xưa.
Trăng thu quyện với mây mưa,
Vần thơ ngâm vọng tiễn đưa tình sầu.


Mỹ Ngọc
Dec.132022

Họa 2:

Cuối Thu 


Lá vàng rơi rụng ngoài sân
Tâm tư chợt thấy bâng khuâng nỗi nhà
Nhớ từng làn sóng thu ba
Ngày xưa đôi tám thế là đã lâu
Bây giờ nhắc lại thêm rầu
Bao lần bể hóa nương dâu cuộc đời
Mặt hoa điểm nét rạng ngời
Bây giờ tiếc nuối chơi vơi mọi niềm
Cuối thu lá rụng bên thềm
Những thời thơ ấu êm đềm thuở xưa
Vào thu có những chiều mưa
Mây thu bàng bạc tiễn đưa giọt sầu
 
Hương Lệ Oanh VA 
Dec. 13, 2022

Họa 3:

Thu Biệt Ly

Thu tàn lá chết ngoài sân
Có người lữ khách lần khân hỏi nhà
Kinh thành gợn sóng âm ba
Anh em ly tán biết là dài lâu
Nhiều đêm thao thức lo rầu
Tấm thân trần thế biển dâu tình đời
Đêm nay trăng sáng ngời ngời
Trà thơm một chén mong vơi mọi niềm
Sương rơi ướt đẫm bậc thềm
Nhớ về quê cũ êm đềm ngày xưa
Bên song rả rich tiếng mưa
Giọt rơi trên lá giọt ru tình sầu!

Nguyễn Cang
Nov.13, 2023

Họa 4:

Bài Thơ Hồi Ức 

Chiều vàng đếm lá ngoài sân
Tiếng chim  réo rắc lòng khuâng nỗi nhà
Lặng thầm trở giấc canh ba
Vỡ oà sóng phủ - ngỡ là đã lâu
Vang lên từng khúc thương rầu
Bấy lần lặn hụp nương dâu biển đời
Trời cao toả sắc tinh ngời
Tình yêu quê Mẹ lòng vơi bao niềm
Bình minh trải nắng qua thềm
Khơi dòng cảm xúc êm đềm thuở xưa
Yêu sao dáng Mẹ trong mưa
Bài thơ hồi ức ve đưa tiễn sầu.
 
Kim Trân

Họa 5:

Gió Thu
 
Chiều thu gió lướt qua sân
Thổi tung vàng lá, phân vân nỗi nhà
Thân chim di trú bôn ba
Đường dài xoải cánh biết là còn lâu
Trở trăn, trăn trở thêm rầu
Ngày qua tháng lại nương dâu biển đời
Thời gian tia chớp xanh ngời
Quê hương biền biệt không vơi bao niềm
Gió đưa lá rụng bên thềm
Càng khơi nỗi nhớ u huyền xa xưa
Nước mắt người hòa nước mưa
Làm sao gió lạnh tiển đưa nỗi sầu?


Tâm Quã        
Dec. 14, 2022

Họa 6:

 Thu Buồn 

Lá vàng rơi ngập trước sân,
Chạnh lòng lữ khách tủi thân xa nhà.
Đường đời xuôi ngược bôn ba,
Trời quê xa khuất đã là rất lâu.
Càng khơi ký ức càng rầu,
Thuyền xa bến cũ xuyến xao một đời.
Đêm đêm ngắm ánh trăng ngời,
Nghe lòng thổn thức, chơi vơi nỗi niềm.
Gió lay trăng rụng bên thềm,
Tìm đâu những phút êm đềm thuở xưa?
Rì rào trời đổ cơn mưa,
Không gian mờ mịt khéo đưa thêm sầu…


Minh Tâm


 



Nhìn những mùa Thu đi
Nhạc sĩ: Trinh Công Sơn
Ca sĩ: Hà Thanh
Video: Youtube của  Thúy Vy  Trầnkiem Boston


18 tháng 12, 2022

Thầy Doãn Quốc Sỹ – “Khu Rừng Lau” đã trăm tuổi_Nguyễn Công Khanh

 



Nhà văn Doãn Quốc Sỹ  là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không  gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”.

Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng tiểu sử của thầy trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường Chu Văn An có một năm 1952-1953, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 1951-1952. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 1954, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Sài Gòn năm 1953-1960. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Sài Gòn trước năm 1954. Không hiểu niên học 1953-1954, trước khi di cư thầy dậy ở đâu. Chắc phải kiểm chứng lại mạng này, và đó là một câu hỏi tôi cần tìm hiểu.

Trường Chu Văn An là hậu thân của trường Bưởi. Trường Bưởi ở khu Hồ Tây, bên cạnh đường tầu điện từ bờ Hồ Hoàn Kiếm qua Thụy Khuê đến trạm cuối là chợ làng Bưởi. Tôi chưa được vào xem trường này, chỉ ngồi nhìn từ trên xe điện. Nhất là sau này trường bị chiếm và là hậu cứ của lính nhẩy dù Pháp.

Trường Bưởi không còn nữa, và để thay thế, trường Chu Văn An được thành lập sau khi thành phố Hà Nội được vãn hồi an ninh. Trong đời, tôi chưa thấy một trường trung học nào như thế. Bây giờ muốn kể lại chuyện mà đầu óc ngày càng rỗng, thiếu chữ nghĩa để nói về ngôi trường đó, về cơ sở, về tổ chức, về những vị thầy cũng như cung cách về nền giáo dục và bọn học trò như chúng tôi.

Trường tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, trước cổng thành Thăng Long, Cửa Bắc mà tôi đã có vài lần đến xoa tay vào mấy vết đại bác do quân Pháp bắn vào chân tường thành trong thế kỷ trước mà hai vị tướng trấn thủ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã phải tuẫn tiết theo thành.

Nhà tôi ở khu Hàng Bún, ngôi nhà hai tầng ở góc đường Yên Ninh và Phạm Hồng Thái, phía bên kia là khu Nhà Đèn, tức là nhà máy điện lớn của thành phố. Nhiều hôm, nhà máy nhả khói. Bụi than bay khắp vùng, phủ đen dưới đáy các chậu nước. Lần về thăm căn nhà cũ năm 1994, thấy cảnh nhà máy này bị bom san bằng, chính xác đến nỗi mà các khu phố xung quanh không bị xuy chuyển. Hồi đi học, tôi thường đi bộ ngang qua phố hàng Bún, ngang qua đường Quan Thánh, tới đường Đỗ Hữu Vị quẹo trái là tới ngay trường.

Trường là một cơ sở đồ sộ đã được xây từ lâu thời Pháp thuộc, nghe nói trước là trường Bách Nghệ, huấn luyện các thợ chuyên nghiệp. Qua cổng chính của trường là một nhà “gác gian”. Sân trường rộng mênh mông, có cả sân  bóng đá, sân bóng rổ, sân bóng truyền và các lối đi rộng rãi, hai bên trồng hai hàng cây lim, cây sấu cổ thụ.

Mùa hè, ve kêu inh ỏi. Đi vào phía bên trái, là khu “nhà chơi”, mà chúng tôi thường gọi tên tiếng Pháp là “Préau”. Nhà chơi đặt nhiều bàn pingpong, và có một vài hàng bán quà ăn vặt. Mùa mưa, giờ ra chơi, chúng tôi thường tụ tập ở đó. Nhớ nhất là những buổi sáng mùa Đông lạnh cóng,  tôi thường mua bánh mì nóng hổi với nhân chả bò rắc thêm muối tiêu, ngon đến nhớ đời.

Tòa nhà lớn ba tầng chạy dài, phải dùng đến ba cầu thang. Cầu thang chính ở giữa tòa nhà và hai cầu thang ở hai đầu, mà cầu thang nào cũng bằng gỗ trắc, bóng nhẵn như ở các dinh thự. Hành lang trên các tầng rộng rãi, nhìn xuống sân. Các phòng học thì khỏi nói. Trường lại có một phòng thí nghệm trang bị những chai lọ hóa chất, ống nghiệm và một phòng hội họa mà mỗi học trò đều có một giá vẽ như một họa sĩ thứ thiệt. Nhưng phải nói đến cái cung cách của học đường ngày đó, cái cung cách được phối hợp của nền giáo dục Đông Phương và Âu Tây của người Pháp mang đến. Không có cái tình trạng bát nháo như ngày nay.

Giáo Sư/Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ trong Lễ Mừng Thọ 100 tuổi được tổ chức tại Westminster, California ngày 10 Tháng Mười Hai 2022 (ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Cụ Doãn Quốc Sỹ cùng GS Trần Huy BíchCựu học sinh Nguyễn Khuyến, Nam Định lên chúc mừng sinh nhật cụ Doãn Quốc SỹHội ái hữu Viện đại học Vạn Hạnh chúc mừng sinh nhật cụ Doãn Quốc Sỹ

Tôi còn nhớ rõ, ngày thầy Sỹ xuất hiện tại trường, thầy khác hẳn với các thầy khác. Thầy Xán hiệu trưởng, thầy Thận giám học, thầy Phụng tổng giám thị, các thầy dậy khác, suốt niên học đều mặc đồ bộ, complet cà-vạt, giầy bóng , đi đứng nghiêm trang. Học trò hầu hết đều ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, nhưng vẫn có những bọn quỷ quái.

Đặc điểm của mỗi thầy làm tôi còn nhớ mãi từng thầy. Thầy Hải dậy Cổ văn, tóc đen trải brillantine bóng nhẫy, học trò thường bảo nhau ruồi mà lỡ đậu xuống cũng phải té nhào. Thầy Sửu, ở Anh mới về, thầy trông giống hệt Mr. Pickwick trong sách, bụng thầy hơi mập và đeo giây lưng choàng qua vai, nói giọng đặc “Ăng Lê”.

Thầy Loan dậy Pháp văn, trông rất dữ, thầy thấp người, lông mày dài quặp xuống, trông như tướng cọp. Mùa Đông lạnh, thầy mặc hai quần, nhiều khi quần trong thò ra khỏi quần ngoài, không có một đứa học trò nào dám hó hé, buồn cười mà không dám nhúc nhích, ngồi im thin thít. Tội nghiệp cho mấy trò nhỏ ngồi bàn trên, có đứa sợ ướt cả ra quần. Cụ Cử Tiếp, cụ mặc áo dài the đen, đội khăn xếp, hình ảnh của thời tàn Nho.

Cụ dậy Hán Văn là môn phụ lại khó học, khó nhớ từng nét chữ, mỗi lần cụ gọi đứa nào lên bảng trả bài bằng cách viết trên bảng những chữ cụ dậy, hầu hết cứ đứng ngớ ra, phải chờ bọn ở dưới viết chữ đằng sau cái cặp da, khi cụ ngoảnh đi thì giơ lên để nó chép vội lên bảng. Có vài đứa khờ chép mãi không nổi, khiến bọn ở dưới cứ phải giơ cặp lên, kéo cặp xuống nhiều lần như một trò chơi “Đi dấu đi tìm” với cụ mà cụ không biết.

Thầy Tấn dậy bài “Nhật thực Nguyệt thực”, mà ra đề thi đúng bài này, mấy đứa vẽ họa đồ không được, bèn tìm cách trả thù thầy. Mùa Đông thầy mặc quần dạ đen, có thằng quỷ quái, cạo phấn trắng rắc trên ghế trước giờ học, thầy không để ý, phấn dính vào quần thầy, thầy thản nhiên đi từ lớp này đến lớp khác. Thằng quỷ đi rêu rao, quần thầy dính cứt cò… Nhiều lúc thấy chúng chơi ác, tôi thấy thật tức định gây sự, nhưng bọn chúng có mấy đứa, nên tôi phải nhịn.

Ai cũng biết, học trò quỷ quái thường sinh ra trong những năm rỗi rãi không lo việc thi cử, nhất là trong các trường công lập. Đệ Thất thì còn non, đó là hai năm Đệ Lục và Ngũ, tôi ở trong các lớp đó, xin các thầy tha tội cho chúng nó. Thầy Hùng Lân dậy Nhạc, cũng là môn phụ, nhưng không một học trò nào dám rỡn với thầy.

Thầy rất nghiêm, đứa nào lờn mặt là thầy bắt ngửa tay lấy thước đánh như học trò tiểu học, thầy gọi là cho mấy hèo và còn phạt giam “consigne” ngày cuối tuần. Nhưng thầy là một người dậy nhạc rất giỏi, thầy soạn ra mấy quyển sách giáo khoa về nhạc rất sư phạm cho bậc trung học. Tôi còn nhớ một số bài, thầy chỉ cần ba note chính mà thành một bản nhạc đầy đủ, tình tự, như bài sau đây dùng ba note cung trầm đồ, mi sol:

“Chiều tà sương lam lắng xuống thôn
Tiếng sáo xa đưa hiu hiu buồn
Trăng lên dần nhấp nhô đầu núi
Trên đê mờ đàn trâu bước dồn.”

Tôi học thầy hai năm, tuy ít giờ, nhưng tôi có được căn bản nhạc lý khá vững. Tôi được thầy chọn vào ca đoàn của trường, có lần thầy dậy chúng tôi hát bè bài “Hè Về, Hè Về” và đã được lên trình diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Thầy là một nhạc sĩ nổi tiếng từ hồi 1945, với hai bài tôi thường hát hàng ngày với toán nhi đồng cứu quốc trong phố là “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”, và bài  “Khỏe Vì Nước”.

Bài Việt Nam Minh Châu Trời Đông là một trong ba bài, bài “Này Công Dân Ơi”, bài “Chào Mừng Việt Nam”, không phải bài “Việt Nam, Việt Nam” như mọi người thường hát, được đưa ra để chọn làm Quốc ca khi miền Nam mới được thành lập chế độ Cộng Hòa năm 1956. Tiếc rằng ban tuyển lựa đã không có lập trường quốc gia vững chắc và dứt khoát với quá khứ nên đã giữ bản quốc ca cũ. Bản Việt Nam Minh Châu Trời Đông của thầy lời uy nghiêm, thấy cả một đất nước lừng lẫy bên biển Thái Bình… Tôi cho đó là một điều đáng trách.

Thầy Doãn Quốc Sỹ thì khác hẳn, ngày đầu đứng trên bục gỗ dáng cao và gầy, tóc hơi quăn tự nhiên, nét mặt xương xương, người hãy còn đượm nhiều nét phong sương của những năm dài theo kháng chiến. Thầy giản dị, thường mặc y phục mầu nhạt, nếp không thẳng và hình như ít thấy thầy mặc complet cà-vạt như các thầy khác.

Thầy dậy Việt Văn, và thêm môn Công Dân Giáo Dục. Cách thầy dậy môn này khá hấp dẫn,  khác hẳn với các lời giảng khuôn mẫu cổ điển của luân lý mà  các thầy khác dậy trong những năm học trước. Tôi còn nhớ, khi thầy giảng về Tình Nhân Loại, thầy lấy một thí dụ trích từ một truyện của ngoại quốc:

Trong một trận chiến khốc liệt, hai bên cùng tràn lên, lẫn lộn đánh cận chiến, bỗng hai người lính của hai bên cùng nhẩy xuống chung một cái hố để tránh đạn. Khi cả hai cùng bừng tỉnh, họ mới nhận ra là kẻ thù của nhau, đáng lẽ họ phải tìm cách giết nhau, không hiểu sao họ lại cùng ngồi yên và sau này thành bạn của nhau. Cái nguyên cớ đó từ đâu, có phải đó là tình nhân loại đã bật dậy trong lúc đó không?

Những năm thầy Sỹ đi theo kháng chíến thì tôi cũng bị cuốn đi như thầy. Tôi mất bốn năm theo cha tôi, cha tôi theo bên nội, tất cả bên nội tôi đi theo Việt Minh. Tôi làm liên lạc viên cho một cơ quan Kinh Tài của Liên Khu 3, còn cha tôi vì biết tiếng Pháp nên làm cho cơ quan Địch Vận thường phải ở sát vùng tề, vùng địch.

Họ ngoại tôi thì theo Quốc Gia, về thành, tức là về Hà Nội rất sớm. Người em út của mẹ tôi, cậu tôi Ngô Kim Cương, đỗ “diplome” tại trường Bưởi, xin vào làm thông phán Phủ Toàn Quyền đã lâu hồi còn Pháp đô hộ, theo Quốc Dân Đảng bị bắt ngay sau ngày Việt Minh cướp chính quyền. Sau đó được giải cứu và lên chiến khu Yên Bái, chỉ sau một tháng, Việt Minh đem quân bao vây san bằng chiến khu. Cậu tôi biệt tin từ đó.

Cha tôi là cán bộ xa nhà, không nuôi nổi gia đình. Mẹ tôi qua những năm vất vả tại hậu phương, lại phải một mình lặn lội tìm đường về Hà Nội trước, sau đó mới ra đón cha con tôi về. Nhờ thế tôi đã bỏ được “Bác”, nếu không thì sẽ trở thành một tên thất học, và rồi chắc cũng khó tránh được cảnh “Sinh Bắc Tử Nam”.

Tôi thuộc loại học trò lớn tuổi trong lớp vì hồi cư trễ, lại phải trải qua những năm loạn lạc vừa qua. Tôi lớn hơn 3, 4 tuổi so với các trò khác và thường phải ngồi ở bàn cuối lớp. Tôi học dễ dàng, và cũng chưa bao giờ chuyên chú thật sự vào việc học, nhất là cũng chẳng bao giờ muốn đứng đầu nhất nhì lớp. Tôi lại có nhiều bạn. Các bạn cùng lớp còn lại sau này, có Nguyễn Thượng Hiệp, Hiệp tài hoa, có một thời làm báo tại Cali và đã mất.

Đỗ Hữu Tước thành bác sĩ, ở cùng thành phố với tôi và thỉnh thoảng vẫn gặp nhau tại chùa. Nguyễn Ngọc Giao, học khá giỏi, thường đứng đầu lớp. Tôi nhớ hồi đó hay cùng Giao, Hiệp và Ngô Quang Vỹ thường họp nhau tại Vườn Bách Thảo để làm bích báo cho lớp. Vào Sài Gòn, Giao được học bổng du học Pháp năm 1958, thân Cộng rồi theo Cộng làm tờ Diễn Đàn ở Paris.

Sau khi khối Liên Xô tan rã và Hà Nội không cho Giao về nước, bạn tôi Hà Dương Dực nhân dịp sang Pháp có mang một câu hỏi của người anh Giao, một sĩ quan cao cấp Hải Quân muốn hỏi Giao là “Hỏi nó còn theo Cộng Sản không?”. Trong một bài viết, Giao có thuật lại chuyện này và trả lời thẳng thắn là vẫn theo chủ nghĩa Cộng Sản, bài này tôi đọc được trên báo Diễn Đàn của Giao. Khi Dực mất, tôi có viết một bài về Dực và cũng nhắc lại chuyện đó.

Bài này có đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ và tôi cũng gửi cho Giao, Giao không đăng trên Diễn Đàn nhưng lại trả lời tôi bằng email thông thường như những người bạn cũ được tin nhau. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối chúng tôi liên lạc với nhau. Thấy thật ghê sợ, cái chất độc, độc hơn ma túy, tiêm vào một số người khiến không tỉnh được, và đã làm cho đất nước ngày càng có nhiều chuyện quái đản. Nhưng những tháng vừa qua, tôi theo dõi tờ Diễn Đàn, thấy trang mạng của Giao đã đổi chiều với nhiều góc độ lớn.

Một người bạn khác là Nguyễn Đắc Điều cùng thời, anh không học cùng lớp với tôi, anh học B3, tôi B4, nhưng khi vào trường Hành Chánh và Đồng Đế, anh cùng khóa với tôi trong một thời gian dài. Anh có một trí nhớ rất tốt, tôi thường gọi nói chuyện với anh, những chuyện bạn bè ngày nay, ngày xưa, mỗi lần hỏi  anh đều trả lời cặn kẽ, ít khi sai. Hiện nay vợ chồng anh ở San Diego.

Hồi đó, nhờ thầy Hùng Lân tôi rất thích âm nhạc, bao nhiêu bài nhạc xuất bản hồi đó, tôi đi mượn nắn nót chép lại thành 5, 6 quyển sách dầy cộm. Tôi chơi đàn mandoline, manjo và Hạ Uy Di, những thứ đàn có thể tự học lấy, ngày nay còn rất ít người chơi. Tiếng đàn của tôi văng vẳng trong khu phố với những bài  như Dư Âm, Trăng Mờ Bên Suối, Nụ Cười Sơn Cước... cùng những bản của hồi đầu kháng chiến như Bên Cầu Biên Giới, Tình Kỹ Nữ… trữ tình ướt át làm một cô học trò hàng xóm xấp xỉ tuổi tôi, để ý đến tôi. Cô thường đi qua và dừng lại chỗ cửa sổ nghe tôi đánh đàn. Chắc cô mê tiếng đàn của tôi. Nhưng tôi đã không trở thành nhạc sĩ nên duyên nợ chẳng đi đến đâu. Tôi nghĩ vậy.

Về Việt văn, thầy Sỹ dậy chúng  tôi về văn mới, những ý tưởng mới, khác hẳn với cổ văn như “Nhị Thập Tứ Hiếu”, “Lục Súc Tranh Công”… Thầy trích những đoạn văn hay, tiêu biểu của các nhà văn thời Tiền Chiến, khiến tôi rất thích và tìm đọc tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, của nhóm Hàn Thuyên và các nhà văn khác như Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Trần Tiêu… và sau này là Đỗ Tốn. Tôi ghiền đến nỗi, đọc không còn một quyển nào của tiệm cho thuê sách ở góc chợ Đồng Xuân. Khác với các bạn tôi thường hí hoáy chép các vần thơ của các thi sĩ nổi tiếng, tôi lại tìm chép những đoạn văn hay thành một quyển như tôi đã từng chép những bài nhạc.

Tôi không được sống trong thời kỳ văn thơ lãng mạn tiền chiến, nhưng nhớ lại những năm Hà Nội đó, dù là trong chinh chiến văng vẳng ở núi rừng xa, vẫn là một thành phố yên bình với những bài nhạc tôi đã chép, những tiểu thuyết xưa tôi đã đọc, những hình ảnh của các thành quách, phố cổ rêu phong… trở thành những tình tự lãng mạn của một thời tiền chiến còn sót lại khó quên…

Những bài luận văn thầy Sỹ đưa ra trong những năm đó hình như đều là văn tả cảnh, chứ không tả tình. Thí dụ như thầy ra một đầu đề là “Tả một đêm trăng sáng tại đồng quê”, đó là cái “tủ” của tôi rồi. Tôi không đến nỗi láu cá đưa vào bài những câu mình đã chép lại, thế nào thầy cũng biết. Tôi viết bằng một giọng văn mới lớn và nhớ lại những ngày loạn lạc ở vùng quê. Hồi đó tôi nghĩ thầy chưa vào nghiệp văn, nhưng chắc thầy thấy lạ, nên bài của tôi thường được thầy bảo một trò khác đọc cho cả lớp nghe.

Nhiều năm sau, năm đậu xong Tú tài I, tự nhiên cảm thấy chán học, tôi nộp đơn xin vào Không Quân, Hải Quân đều bị người nhà ngăn chặn. Nhân dịp Việt Tấn Xã tuyển phóng viên, tôi nghĩ mình cũng có chút tài viết lách, lại thích lang thang như mấy ông làm báo,  khi vào phỏng vấn, ông chủ sự thấy tôi ở năm cuối Trung Học, ông khuyên tôi trở về học nốt. Nghiệp viết văn chớm nở của tôi đã tiêu tan.

Trong những năm đầu ở Sài Gòn, tôi hay tìm đọc các tạp chí văn học thì thấy tên của thầy Doãn Quốc Sỹ đã thành một nhà văn chính thống được nhiều người biết tiếng. Thầy cho xuất bản nhiều tác phẩm, tôi đọc gần hết nhưng không hiểu sao tôi lại thích truyện “U Hoài” và nhân vật “Miên” trong trường thiên “Khu Rừng Lau” của thầy. Mấy năm sau, tôi thi được vào trường Hành Chánh, một cái nghề “Sáng vác ô đi, tối vác về”, khác hắn với bản tính của tôi, chắc có lẽ là học bổng của trường quá hậu đãi.

Sau khi  tốt nghiệp, tưởng được kéo cái đời ký cóp ở Sài Gòn, không ngờ Tổng thống Diệm đổi chính sách khiến một nửa khóa được đưa vào Trung Ương Tình Báo, còn một nửa khóa trong đó có tôi phải ra Đồng Đế để huấn luyện thành Chuẩn Úy, sau đó, tôi lại được chuyển ra làm phó đảo Phú Quốc. Lúc đó đảo còn hoang vu và bất an, tôi ở đó ba năm không  xin đổi. Tôi đã mất cả một thời gian dài quên đọc truyện, mất cả một thời tuổi trẻ lãng mạn nghe nhạc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng… Mãi sau ra hải ngoại mới bắt kịp lại thì đã nửa đời rồi.

Bao nhiêu thầy dậy tôi trong thời mới lên trung học đó, hầu hết tôi không còn được tin tức về thầy nào, tôi thấy thương tất cả các thầy. Chỉ có nghe tin thầy Sỹ bị Cộng Sản bắt giam đến hai lần, mà lần nào cũng dài đằng đẵng. Cuối cùng thầy cũng đến được Mỹ và ở Houston, nay rời đến Cali. Mấy năm trước dịch Covid, tôi bay xuống Cali, được người bạn thân Trần Huy Bích dẫn đến tham dự một buổi trình diễn văn nghệ tại Hội Việt Học.

Tình cờ tôi gặp lại thầy Sỹ, thầy ngồi ở hàng ghế trên, tôi lên chào thầy, tôi thấy thầy không thay đổi mấy so với  thời mà thầy dậy tôi, trông vẫn an nhiên chỉ có già thêm thôi. Trong cái ồn ào của phòng hội, tôi chắc thầy không nghe được tôi nói gì và cũng khó nhận ra biết tôi là ai. Tôi bèn nói với cô con gái đi theo thầy, tôi là học trò cũ của thầy từ Hà Nội, thầy thường cho đọc những bài luận văn tôi viết cho cả lớp nghe.

Tháng vừa rồi, tôi xuống thăm Cali, lại được bạn Trần Huy Bích cho biết đã đi họp để tổ chức sinh nhật thứ 100 của thầy: “Khu Rừng Lau” đã trăm tuổi. Tôi càng nhớ thầy, nhớ đến những năm học xưa, nhớ đến những lần thầy cho đọc bài của tôi, được thầy khuyến khích như thế mà tôi đã lơ là bỏ mất nghiệp văn, nếu không tôi đã trở thành một “nhà văn nhớn”.

Tôi ở Seattle, không tham dự được buổi lễ chúc mừng thầy. Xin kính chúc thầy được luôn luôn vui mạnh.

Nguốn: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/thay-doan-quoc-sy-khu-rung-lau-da-tram-tuoi/


17 tháng 12, 2022

Rượu và thơ – Ara

 Ara là Nguyễn Hữu Phát, tốt nghiệp khóa 7 SPSG, cựu Trung Úy Biệt Động Quân biên phòng vùng Tây Ninh. Nay ở Bỉ quốc .

Ara quên ghi lại mấy câu hò trong lúc bạn bè về phép:

Con chim khôn lựa cành mà đậu

Con gái khôn kiếm chồng nhậu mà nhờ

...... Để mai sau chết bụi chết bờ .....khỏi chôn 

PTL



Rượu và thơ – Ara

Lúc hắn còn độc thân, lang thang khắp nơi, đến nơi nào dù chỉ dăm ba bữa cũng cà kê với các đồng nghiệp và cũng không thoát được với đám Lưu Linh.

Tửu lượng của hắn lúc chưa mổ bao tử cũng chỉ thuộc loại làng nhàng, nhưng tuần chay nào cũng có nước mắt, bạn bè thích kéo hắn ra bàn rượu ngồi, hắn xỉn dìu hắn về nhà trọ . Hắn cũng biết vào bàn thì nhập gia tùy tục,ai sao hắn vậy, cứ làm cạn ly đầy kế là rót đầy ly cạn, tránh tình trạng « đắp mô » mà bàn rượu cũng chẳng ai muốn ép hắn nhiều vì hắn say thì chẳng ai kể chuyện tiếu lâm mặn, chuyện thi ca tục, không những bạn nhậu cười hả hê mà các cô bán rượu cũng ôm bụng, chảy nước mắt. Sau này bị thủng bao tử rồi, chảy máu bao tử, chậm vào nhà thương là lên bàn thờ nhìn gà khỏa thân, bác sĩ cấm vận rượu, hắn bớt uống vậy mà cũng lách luật lai rai chút đỉnh, làm vài ba ly rượu đỏ thì được, nhưng bia hay rượu mạnh hắn cũng e dè.

Phải nói là trong bàn nhậu cũng vui lắm, lúc cao trào, mạnh ai nấy nói, có người còn vừa gõ nhịp vừa hát

Hiu hiu gió thổi đầu non

Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng

Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai vàng

Nhìn con uống rượu hai hàng lệ rơi.

Có lần cô bán rượu phụ họa theo với đám nhậu

Uống rượu không phải để say

Uống rượu để biết đắng cay là gì

Uống rượu không phải để sầu

Uống rượụ đề biết trong đầu nhớ ai.

Cô ả bán rượu này chắc nhại lại câu trả lời khi thắc mắc hàm râu của hắn

Để râu chưa hẳn đã già

Để râu để biết đâu là đàn ông

Để râu phải để cho phong

Nếu không lại tưởng chiếc lông đàn bà

Hắn gom nhặt lại những giai điệu của thi ca hay dân ca trong ca dao còn vương vấn trong đầu hay một số ở trong net về « rượu » gởi lại cho những người đồng điệu.

Cũng sắp cuối năm, bao nhiêu lễ tết đang chờ đón, các siêu thị giới thiệu các mặt hàng, dĩ nhiên không thể nào thiếu rượu, nhà nào cũng chứa sẵn rượu bia để thết đãi bạn bè, không hẳn nơi trời Âu nơi hắn đang sống mà ngay ở quê nhà, món này cũng không thể thiếu trong nhà.

Hắn cũng có một quầy rượu be bé, thấy chai rượu ngon mua về, những chai rượu mạnh chai nào hắn cũng « bẻ cổ » thử, có uống, ai muốn uống không ngại khi thấy chai rượu không còn nguyên xi.

Đừng kết luận vội vàng cho rằng chứa làm gì cái thứ đó, thứ được mang danh “rượu vào lời ra”.Chưa hẳn câu này dành cho kẻ « nát rượu » mà là nói chuyện vui cười trong bàn rượu.

 Ngồi vào bàn nhậu đẩy đưa vài ba câu chuyện cho »nóng máy », sau đó bắt đầu « lời ra », mời chào lẫn nhau

Một li nhâm nhi tình bạn

Hai li uống cạn lòng sầu

Ba li mũi chảy tới râu

Bốn li ngồi đâu gục đó

Năm li cho chó ăn chè

Sáu li vợ đè cạo gió.

Chỉ còn là kỷ niệm, khi cơn lụt đi qua tất cả đổ nhào, những chai rượu ở dưới hầm, ly rượu trên quầy. rơi vỡ, chỉ còn một ít để trên cao không bị ảnh hưởng.
Quầy rượu đã cho người khác

Cái vụ đè ra cạo gió đối với hắn không phải là không có, mà phải công nhận lúc cạo xong tỉnh hẳn người.

Thực ra khi có chút men vào, con người thấy nhẹ nhàng hơn, phóng khoáng hơn, bặt thiệp hơn, câu chuyện cũng trở nên dễ dãi, duyên dáng, dí dỏm với nhau hơn và nhất là được mở lòng với mọi người chung quanh, có những chuyện bình thường không nói được, nhưng khi có chút men trong người sẽ thoải mái hơn, bá vai bá cổ nhỏ to với nhau nhiều khi mạnh ai nấy nói cũng chẳng cần biết là ai nghe được điều mình nói… cứ loáng thoáng câu « nam vô tửu như kỳ vô phong ».

Rượu quan trọng trong đời sống như vậy đã được thể hiện qua hàng ngàn câu ca dao, ngay từ lúc mới bước chân vào trung học hắn đã được học câu

… Giúp em một thúng xôi vò

Một con lợn béo một vò rượu tăm

Giúp em đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo…

(Chắc là ta cùng đắp chung)

Cũng còn câu ca khác như

Mẹ em tham thúng xôi vò

Tham con lợn béo tham vò rượu tăm

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho vừa

Mà « rượu tăm » là rượu ra làm sao; đấy là phần tinh túy của rượu cất bằng phương pháp thủ công nghiệp, có nồng độ cao, được nhiều người sành rượu ưa chuộng, là loại rượu nước đầu tiên lúc chưng cất, nếu cất được 10 lít rượu chỉ được 1 lít rượu tăm, loại rượu này đóng vào chai, đừng đong đầy, bịt kín miệng, rồi lắc mạnh chai cho rượu sủi tăm phát ra âm thanh reo vui. Khi để chai đứng yên, tăm sẽ biến mất… uống một lần là ghiền là nhớ mãi .

Đố ai nằm võng không đưa

Ru em không hát, anh chừa « rượu tăm ».

Như vậy đã quên hết những lời gia huấn lúc biết chơi biết chạy của cụ Nguyễn Trãi trong gia huấn ca

“Đua chi chén rượu câu thơ

Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao”

Vậy mà, nhiều bà nhiều cô chiều chồng hay mua rượu cho chồng uống cho dù có phải

Trời mưa sắn ống cao quần

Em đi mua rượu cho chồng em xơi

Chồng hư mang tiếng mang tai

Tiếng tai em chịu hơn ai không chồng

mà chồng uống rượu, vợ lại khen hay, thế mới có chuyện cả hai cùng có lợi.

Thứ nhất là rượu ngà ngà

Thứ nhì là ở đường xa mới về

Hắn đưa lên một số câu hát trong dân gian câu chuyện về rượu hay chuyện uống rượu

và cả đến người uống rượu.

Anh có thương em thì lo một buồng cau cho tốt, một hũ rượu cho đầy,

Đặt lên bàn thượng, hạ xuống bàn xây,

Chàng đứng đó, thiếp đứng đây,

Lẽ mô thầy với mẹ lại không kết nghĩa sum vầy cho con?

Rượu và thơ là một cặp bài trùng, một bài cổ thi nói đến rượu nhiều người biết đến như bài Lương Châu từ  của Vương Hàn hay được ngâm nga lúc còn trong quân đội mỗi lần dừng quân

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tì bà mã thượng thôi

(Bồ đào uống chén Dạ quang, Muốn say trên ngựa tiếng đàn giục đi). Nên biết rằng Bồ đào mỹ tửu có màu đỏ thắm, bọn tu mi nam tử chúng ta uống vào thì chưa đủ hào khí. Khi Bồ đào mỹ tửu được rót vào chén Dạ quang, màu rượu chẳng khác nào màu máu tươi, uống rượu cũng giống như uống máu quân thù) Rượu Bồ Đào là vậy .

Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

(Có say trên sa trường cũng đừng cười, vì xưa nay chinh chiến mấy ai trở về)

Cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm cũng vài ba ly nhưng với phong thái phóng khoáng ẩn dật

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp 

Nhìn xem phú-quý tựa chiêm bao.

Ai dám nói phụ nữ không biết uống rượu, xem cô quý phi của Nguyễn gia Thiều trong « cung oán ngâm khúc »

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý

Nét đan thanh bậc chị chàng Vương

Cờ tiên, rượu thánh ai đang

Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm …

Ca dao, cổ thi đã vậy, còn các nhà thơ mà hắn biết đến lúc học trung học không ông nào không làm bạn với Lưu Linh, từ ông Tú Vị Xuyên

Một trà một rượu một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…

Trong thi ca còn có Phạm Thái (Phạm đan-Phượng)  được nhà văn Khái Hưng vết thành câu chuyện « Tiêu Sơn tráng sĩ », thất tình với Trương quỳnh Như tìm quên trong men rượu, có làm một bài thơ « yết hậu » để đời

Sống ở dương-gian đánh chén nhè 

Thác về âm-phủ cắp kè-kè 

Diêm-vương phán hỏi mang gì đó,

Be

 Nhà thơ núi Tản sông Đà cũng là một lưu linh có hạng

Thương ai cho bận lòng đây

Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ

Cảnh đời gió gió, mưa mưa

Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn

Rượu say, thơ lại khơi nguồn

Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình

Rượu, thơ, mình lại với mình

Khi vui quên cả cái hình phù du

Trăm năm thơ túi, rượu vò

Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai?

Còn thơ còn rượu còn xuân mãi

Còn mãi xuân còn rượu với thơ

Nhìn em như chén rượu đào

Bỏ qua thì tiếc uống vào sợ say.

Nguyễn công Trứ cũng hết mình với bốn món ăn chơi

Cầm, kỳ thi, tửu

Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay

Đàn ngang cung réo rắt tính tình đây

Cờ đôi nước rập rình xe pháo mã

Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ

Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà

Trót đà khuya sớm với ma men, 

Mặc kệ người chê, mặc kệ khen. 

Ngó lại hàng rào hương cúc lộn, 

Trông ra cửa sổ bóng trăng chen. 

Vào vòng cương-tỏa chân không vướng, 

Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen. 

Cứ những ai hay tình thú ấy, 

Có chăng Bành-Trạch với Thanh-Liên 

(Bài « Uống rượu tự vịnh » của Nguyễn công Trứ)

Đứng đắn như cụ Tam nguyên Yên Đổ mà cũng thót lên câu

Những lúc say sưa cũng muốn chừa, 

Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa. 

Hay ưa nên nỗi không chừa được. 

Chừa được nhưng thôi cũng chẳng chừa. 

(Bài « Chừa rượu » của Nguyễn-Khuyến)

Trong thi ca hiện đại cũng nhiều bài nói đến rượu, hắn cũng cảm khái với Yên Lăng trong bài

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,

Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.

Trăng thì vàng rơi đầy trên mặt chiếu,

Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Vô tình hắn đọc thêm được một bài của Xuân Mai

Uống cạn chén này thêm chén nữa

Cùng nhau quên hết chuyện ngày qua

Quên hết đau thương mùa binh lửa

Đừng nhắc làm chi thêm xót xa

 Xuân Diệu nhiều bài viết cho rằng ông bất lực mà cũng say bên kỹ nữ

Tay em đây mời khách ngả đầu say

Đây rượu nồng và hồn của em đây

Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.

Người đời biết đến nhà thơ Quang Dũng qua bài »Đôi bờ »

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

 hay « đôi mắt người Sơn Tây », vì được phổ thành nhạc, ông còn nhiều bài khác nữa, hắn lại thích bài « Lính râu ria »

….

Cô ơi ly rượu nhỏ

Rượu nhỏ một ly thôi

Đời lính đã kham rồi

Một ly cho đỏ mặt

Cho lên hương cuộc đời….

Ngày hắn còn đi làm ở Phước Long, hôm nào thèm cái « cay cay nồng nồng » cũng đến cửa hàng thuốc « Quảng sanh đường » nơi bến xe « lì một lam »  dăm ba câu chuyện với cô hàng rượu thuốc, hắn nhớ bài này là vậy.

Nhà thơ Vũ hoàng Chương còn độc đáo với tập thơ « Say »

Say đi em! Say đi em! 

Say cho lơi-lả ánh đèn 

Cho cung-bực ngả-nghiêng, điên rồ xác-thịt. 

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết! 

Ta quá say rồi 

Sắc ngả màu trôi 

Gian phòng không đứng vững 

Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi. 

Chân rã rời 

Quay cuồng chi được nữa 

Gối mỏi gần rơi 

Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa 

Say không còn biết chi đời 

Nhưng em ơi, 

Đất trời nghiêng-ngửa 

Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ; 

Đất trời nghiêng ngửa 

Thành Sầu không sụp đổ, em ơi! 

(Trong bài « Say đi em » của Vũ hoàng Chương)

Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai phai dần

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi chân,

Riết đôi tay, ngả đôi thân,….

Câu mà nhiều thanh niên thích và hay ngâm nga

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai

Môt câu cổ thi mang nghĩa « chỉ có rượu mới phá được sầu muộn »

« Sầu thành dục phá tửu vi binh »

 Trong dân gian bàn về rượu nhiều lắm , bao nhiêu thi ca được tuôn ra trên chiếu nhậu lâu dần trở thành dân ca

Trong các lễ hội đình đám ở làng quê, không đám nào có thể thiếu rượu được dù biết rằng rượu có thể dem lại những thói hư tật xấu trong dân gian, ai cũng biết là

Say sưa nghĩ cũng hư đời,

Hư thì hư vậy, say thì cứ say.

Đất say đất cũng lăn quay

Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười ?

Khi có chút rượu vào trai gái mới có can đảm thốt lên những hện hò thề ước lứa đôi.

Cũng với những hình ảnh rượu được đưa vào những điệu hát câu hò cũng bày ra trước mắt những thói hư tật xấu cũng vì ma men dẫn lối đưa đường, những cô hàng rượu yếm thắm liếc mắt đưa tình

Còn trời, còn nước còn non.

Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.

Rượu sen càng nhắp càng say,

Càng yêu vì nết, càng say vì tình

Đầy vơi chúc một chén quỳnh.

Nhậu say có nhiều người tốt tính về nhà ca hát đùa giỡn với vợ con

Có chồng say như trong chay ngoài bội,

Ngó vô nhà như hội Tần Vương!

Cững không phải người uống rượu nào cũng tốt tính

Thế gian ba sự khôn chừa

Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.

Say thời, say ngãi say tình,

Say chi chén rượu mà mình nói say!

Nghe câu này mới thấy anh chàng mồm mép giẻo quẹo tán tỉnh cô hàng rượu đã có chồng

Rượu ngon cái cặn cũng ngon

Thương em chẳng luận chồng con mấy đờị.

Rượu lưu li chân quỳ tay rót,

Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.

Như thế này thì trách sao dù trời mưa em cũng đội mưa mua rượu cho anh, cả hai bên cùng có lợi mà

Con tằm bối rối vì tơ;

Anh say sưa vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình.

Anh chàng này làm một cuộc so sánh thật có duyên, khen rượu hay khen lựu , lan đây

Rượu ngon chưa uống đã say,

Lựu, lan chưa bẻ đã bay mùi nồng.

Rượu say, mê cô bán rượu cũng là chuyện bình thường, như thế vợ ghen mới mắng cho

Rượu men tẩn mẩn tê mê

Mảng theo con đĩ bỏ bê việc nhà.

Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo

Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh.

Ăn một miếng trầu, năm ba lời dặn,

Uống một chén rượu, năm bảy lời giao,

Anh chớ nghe ai sóng bổ ba đào,

Em đây quyết giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng xao em buồn.

Nem và rượu là một cặp tuyệt vời, anh với em đâu có kém, mình là một cặp, qua chờ em bên thuyền vắng đó, đố các bạn nem và rượu có nằm bên nhau không.

Rượu nằm trong nhạo chờ nem

Qua nằm thuyền vắng chờ em một mình.

Đã chịu mua rượu cho chồng « xơi » mỗi chiều, làm sao chịu được cảnh chồng đi » khám điền thổ » chỗ khác, ghen là cái chắc

Rượu nào là rượu chẳng nồng

Gái nào là gái (chẳng) vì chồng hay ghen?

Rượu là vậy, người uống rượu cũng muốn thưởng thức men nồng cũng phải có chút bản lãnh mới hài hòa trong cuộc sống

Rượu ngon bởi vị men nồng

Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn.

Rượu cúc sánh với trà lan,

Khi xem hoa nở, khi than Thúy Kiều.

Đốt than nướng cá cho vàng,

Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.

Chung nhau mấy chén rượu đầy

Không say men rượu lại say men tình

.

Rượu nào là rượu chẳng nồng

Trai nào chẳng khoái Lan, Hồng, Cúc, Mai

Rượu chè cờ bạc lu bù

Hết tiền có mẹ thằng cu bán hàng.

Trong đời sống, rượu cũng giữ một vai trò chính trong phong tục tập quán và dân tộc tính không chỉ của người Việt mà hầu như quốc gia nào cũng dính dáng đến cái cay cay nồng nồng này, quan, hôn, tang, tế thiếu rượu là thiếu tất cả, cái quan trọng là đừng để rượu làm chủ bản thân mà sinh ra nhiều điều sằng bậy.

Lúc hắn đi làm ở Phước Long, lúc đó gọi là cao nguyên nam trung phần, nơi đây có giống dân Stieng, một số ít Bana, được gọi là sắc tộc, được nhiều ưu đãi, những người dân tộc này có họ là họ Điểu, họ Y, gọi chung là người Thượng, mỗi sắc tộc có một ngôn ngữ riêng.

Những người Thượng vùng Ban mê Thuột có thổ ngữ khác với những người Stieng, họ có nếp sống văn minh hơn và những chóe rượu cần cũng có phần khác nhau, rượu của thổ dân Phước Long cũng làm bằng những ngũ cốc, tùy theo mùa thu hoạch và được ủ bằng những lá rừng khi thành rượu trong chóe họ gọi là « rượu ịt », hắn một lần được trưởng thôn sóc « Bù roai »(chữ Bù giống như là buôn làng, bản làng) người Thượng nơi dây sống trong những « Bù » . Vì vấn đề tránh không cho họ tiếp xúc với Thượng cộng nên chính quyền lúc đó thành lập những yếu điểm, nơi hắn hay ra vào cùng các cán bộ sơn thôn dựng trường học, nhà hộ sinh, cho học sinh ăn những bữa cơm trưa do cán bộ sơn thôn và ty xã hội đảm trách.

Những lúc xong mùa màng hắn hay được mời ăn uống nơi sóc Thượng này, họ có cách chế biến món ăn riêng, nhất là gà; gà một số nuôi trong ống tre, từ lúc mới nở, khoét một lỗ đủ cho thò mỏ ra ăn, con gà chỉ dài ra theo ống tre, đi đâu cũng bỏ vào gùi đeo trên lưng, nên xương gà cũng mềm như sụn .  Heo cũng được nuôi trong bội , con heo chỉ lớn khoảng 3 kg là tối đa được gọi là « heo mọi » . Lúc làm món ăn họ chẻ ống tre và làm thịt, thịt gà được bằm vụn, vo tròn rồi nấu, món hắn được ăn hôm đó gọi là « canh thụt », món ăn này chắc đã bị mai một rồi, và xoay quanh một chóe sành rượu, có các ống hút gọi là rượu cần. Loại rượu này nước đầu còn nồng độ cao, cứ sau một vòng lại được đổ thêm nước vào chóe, rượu nhạt lần.

Ngồi uống rượu cần với họ hắn học được một câu trong thổ ngữ đến bay giờ vẫn nhớ là « hăn xế tầm bồ xào »; chữ « hăn » có nghĩa là đi như « hăn chợ  » là đi chợ « hăn rừng » là vào rừng « hăn xế » là về nhà ; nguyên câu có nghĩa là « về nhà ôm vợ ngủ » vài tháng sau vợ vào nhà hộ sinh .

Hắn đọc trong các báo và những bài viết bây giờ khác hẳn những gì hắn đã được sống vào năm 1970.

Còn ít chai mỗi lần đi du lịch mua kỷ niệm đặc sản của từng địa phương, hai vợ chồng cũng chỉ uống chút rượu vin đỏ khi ăn cơm chiều

Nhờ những người Thượng làm sạch cỏ sân trường, họ đồng ý là 500 đồng, nếu đưa tờ 500, họ ngơ ngác ngờ vực mình ăn gian, nhưng đưa 25 tờ 20 đồng họ hí hửng, tặng thêm chai rượu Rhum Hiệp Hòa ngày đó, họ mừng lắm. Tiếc là hắn không tìm thấy câu ca nào hợp tình hợp cảnh để đưa vào .

Như vậy có phải như cụ Thượng Trứ nói « nghề chơi cũng lắm công phu » đúng không quý vị.

Delta, Auderghem 17/12/2022

Ara

14 tháng 12, 2022

Lời Sám Hối_Trần Bát Nhã

 

Xướng:

 

Lời sám hối

 

Đau đớn nuốt lời thề như cắn lưỡi

Bỏ rơi em tôi thành kẻ tội đồ

Rời xứ sở trốn đời đi biệt tích

Xin thánh thần tha thứ tội ngây ngô

 

Lỡ lầm tin kẻ tội đồ dối trá

Em cho tôi trái chín ngọt trên cành

Tôi hối hả nở lời ru ủy mị

Em động tình hoa bướm gã chơi rong

 

Tim em đã nhờ tôi cất giữ

Trao cho nhau hơi ấm thuở xuân thì

Hoa tươi thắm nụ xuân tròn tuổi ngọc

Nợ ân tình chung lối bước chung đôi

 

Đường ta đi thảm cỏ xanh mầu nhiệm

Gió linh thiêng nhè nhẹ lướt qua hồn

Say giấc ngủ mê man miền lạc giới

Men rượu nồng đắm đuối nụ môi hôn

 

Náo ai biết đát trời cơn bão dữ

Thuyền trôi xa sóng vỗ dạt đôi bờ

Tôi yếu đuối sợ mưa gầm thác lũ

Đành buông tay, tình hận đến thiên thu

 

Tôi trả lại tim em, từ dạo ấy

Nhưng lòng tôi cũng xám tợ mây chiều

Thôi em nhé hoàng hôn đang lịm chết

Rừng cây khô lá đắp huyệt đìu hiu

 

Tôi ân hận giải sầu men rượu đắng

Tàn canh khuya tỉnh giấc, hận vô cùng

Một câu nói hay một lời bội bạc

Cũng còn hơn là đánh mất lương tâm

 

Tôi lặng lẽ trốn đời đi xứ khác

Buồn tha hương đối bóng chỉ riêng mình

Căn phòng nhỏ kéo dài thêm sự sống

Nhưng hồn tôi đã chết lúc sang sông

 

Em hỡi em, tôi chân thành sám hối

Lời thề xưa nghẹn đắng cuối đời nhau

Tôi xin lỗi, tôi là tên phản bội

Phút này đây, tôi im lặng cuối đầu

 

Trần Bát Nhã

(Cựu Biên Tập Viên CSQG)

(Trich từ Thi tập Mơ Khúc 40 Năm, trang 80)

 

 

Họa:

 

Ăn năn

 

Đau khổ lắm ngậm ngùi mà líu lưỡi

Bỏ quê hương tôi giống kẻ vong đồ

Rời đất mẹ xuống tàu xa mất tích

Xin đất trời chứng giám kẻ nghê ngô

 

Lỡ vấn bước thấy họ phường man trá

Em đến đây như chiếc lá che cành

Tôi lo lắng vì em nhiều mộng mị

Em dặn dò anh cẩn thận ruổi rong

 

Tim của anh em vẫn còn gìn giữ

Trao yêu thương với giọng nói thầm thì

Hoa chướm nở em nâng niu ngà ngọc

Nợ duyên tình ta chẳng nở lìa đôi

 

Đường rộng mở có nhiều nơi tín nhiệm

Gió hay hay nhè nhẹ mát tâm hồn

Say giấc mộng em mơ miền tiên giới

Men rượu tình tỉnh ngộ lúc hòang hôn

 

Nào ai biết nổi lên cơn sóng dữ

Thuyền bấp bênh trôi dạt lại vô bờ

Tôi lo ngại số phần như nước lũ

Đành nghiến răng chịu trận đến ngàn thu

 

Tôi đã mất em,  đêm buồn năm ấy

Nhưng tim tôi như tiếng vạc kêu chiều

Thôi đừng trách và coi như đã chết

Rừng trơ cành làm nặng cảnh quạnh hiu

 

Tôi nâng chén một mình sao thấy đắng

Tàn đông rồi mà nó quá khốn cùng

Một lời hứa thôi sao đành bội bạc

Cũng khác chi là những kẻ vô tâm

 

Tôi ủ rủ lìa quê sang nơi khác

Buồn ly hương thui thủi có một mình

Căn nhà lạ tập quen dần nếp sống

Nhưng tâm tư như kẻ đuối trên sông

 

Em tha thứ một lần xin sám hối

Lời hẹn thề xin giữ đẹp cho nhau

Tôi hối hận mình là người vong bội

Phút ăn năn tôi chẳng dám ngẩng đầu

 

Trần-Lâm Phát

Nov. 2022