Ara là Nguyễn Hữu Phát, tốt nghiệp khóa 7 SPSG, cựu Trung Úy Biệt Động Quân biên phòng vùng Tây Ninh. Nay ở Bỉ quốc .
Ara quên ghi lại mấy câu hò trong lúc bạn bè về phép:
Con chim khôn lựa cành mà đậu
Con gái khôn kiếm chồng nhậu mà nhờ
...... Để mai sau chết bụi chết bờ .....khỏi chôn
PTL
Rượu và thơ – Ara
Lúc hắn còn độc thân, lang thang khắp nơi, đến nơi nào dù chỉ dăm ba bữa cũng cà kê với các đồng nghiệp và cũng không thoát được với đám Lưu Linh.
Tửu lượng của hắn lúc chưa mổ bao tử cũng chỉ thuộc loại làng nhàng, nhưng tuần chay nào cũng có nước mắt, bạn bè thích kéo hắn ra bàn rượu ngồi, hắn xỉn dìu hắn về nhà trọ . Hắn cũng biết vào bàn thì nhập gia tùy tục,ai sao hắn vậy, cứ làm cạn ly đầy kế là rót đầy ly cạn, tránh tình trạng « đắp mô » mà bàn rượu cũng chẳng ai muốn ép hắn nhiều vì hắn say thì chẳng ai kể chuyện tiếu lâm mặn, chuyện thi ca tục, không những bạn nhậu cười hả hê mà các cô bán rượu cũng ôm bụng, chảy nước mắt. Sau này bị thủng bao tử rồi, chảy máu bao tử, chậm vào nhà thương là lên bàn thờ nhìn gà khỏa thân, bác sĩ cấm vận rượu, hắn bớt uống vậy mà cũng lách luật lai rai chút đỉnh, làm vài ba ly rượu đỏ thì được, nhưng bia hay rượu mạnh hắn cũng e dè.
Phải nói là trong bàn nhậu cũng vui lắm, lúc cao trào, mạnh ai nấy nói, có người còn vừa gõ nhịp vừa hát
Hiu hiu gió thổi đầu non
Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng
Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai vàng
Nhìn con uống rượu hai hàng lệ rơi.
Có lần cô bán rượu phụ họa theo với đám nhậu
Uống rượu không phải để say
Uống rượu để biết đắng cay là gì
Uống rượu không phải để sầu
Uống rượụ đề biết trong đầu nhớ ai.
Cô ả bán rượu này chắc nhại lại câu trả lời khi thắc mắc hàm râu của hắn
Để râu chưa hẳn đã già
Để râu để biết đâu là đàn ông
Để râu phải để cho phong
Nếu không lại tưởng chiếc lông đàn bà
Hắn gom nhặt lại những giai điệu của thi ca hay dân ca trong ca dao còn vương vấn trong đầu hay một số ở trong net về « rượu » gởi lại cho những người đồng điệu.
Cũng sắp cuối năm, bao nhiêu lễ tết đang chờ đón, các siêu thị giới thiệu các mặt hàng, dĩ nhiên không thể nào thiếu rượu, nhà nào cũng chứa sẵn rượu bia để thết đãi bạn bè, không hẳn nơi trời Âu nơi hắn đang sống mà ngay ở quê nhà, món này cũng không thể thiếu trong nhà.
Hắn cũng có một quầy rượu be bé, thấy chai rượu ngon mua về, những chai rượu mạnh chai nào hắn cũng « bẻ cổ » thử, có uống, ai muốn uống không ngại khi thấy chai rượu không còn nguyên xi.
Đừng kết luận vội vàng cho rằng chứa làm gì cái thứ đó, thứ được mang danh “rượu vào lời ra”.Chưa hẳn câu này dành cho kẻ « nát rượu » mà là nói chuyện vui cười trong bàn rượu.
Ngồi vào bàn nhậu đẩy đưa vài ba câu chuyện cho »nóng máy », sau đó bắt đầu « lời ra », mời chào lẫn nhau
Một li nhâm nhi tình bạn
Hai li uống cạn lòng sầu
Ba li mũi chảy tới râu
Bốn li ngồi đâu gục đó
Năm li cho chó ăn chè
Sáu li vợ đè cạo gió.
Chỉ còn là kỷ niệm, khi cơn lụt đi qua tất cả đổ nhào,
những chai rượu ở dưới hầm, ly rượu trên quầy. rơi vỡ, chỉ còn một ít để
trên cao không bị ảnh hưởng.
Quầy rượu đã cho người khác
Cái vụ đè ra cạo gió đối với hắn không phải là không có, mà phải công nhận lúc cạo xong tỉnh hẳn người.
Thực ra khi có chút men vào, con người thấy nhẹ nhàng hơn, phóng khoáng hơn, bặt thiệp hơn, câu chuyện cũng trở nên dễ dãi, duyên dáng, dí dỏm với nhau hơn và nhất là được mở lòng với mọi người chung quanh, có những chuyện bình thường không nói được, nhưng khi có chút men trong người sẽ thoải mái hơn, bá vai bá cổ nhỏ to với nhau nhiều khi mạnh ai nấy nói cũng chẳng cần biết là ai nghe được điều mình nói… cứ loáng thoáng câu « nam vô tửu như kỳ vô phong ».
Rượu quan trọng trong đời sống như vậy đã được thể hiện qua hàng ngàn câu ca dao, ngay từ lúc mới bước chân vào trung học hắn đã được học câu
… Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo…
(Chắc là ta cùng đắp chung)
Cũng còn câu ca khác như
Mẹ em tham thúng xôi vò
Tham con lợn béo tham vò rượu tăm
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa
Mà « rượu tăm » là rượu ra làm sao; đấy là phần tinh túy của rượu cất bằng phương pháp thủ công nghiệp, có nồng độ cao, được nhiều người sành rượu ưa chuộng, là loại rượu nước đầu tiên lúc chưng cất, nếu cất được 10 lít rượu chỉ được 1 lít rượu tăm, loại rượu này đóng vào chai, đừng đong đầy, bịt kín miệng, rồi lắc mạnh chai cho rượu sủi tăm phát ra âm thanh reo vui. Khi để chai đứng yên, tăm sẽ biến mất… uống một lần là ghiền là nhớ mãi .
Đố ai nằm võng không đưa
Ru em không hát, anh chừa « rượu tăm ».
Như vậy đã quên hết những lời gia huấn lúc biết chơi biết chạy của cụ Nguyễn Trãi trong gia huấn ca
“Đua chi chén rượu câu thơ
Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao”
Vậy mà, nhiều bà nhiều cô chiều chồng hay mua rượu cho chồng uống cho dù có phải
Trời mưa sắn ống cao quần
Em đi mua rượu cho chồng em xơi
Chồng hư mang tiếng mang tai
Tiếng tai em chịu hơn ai không chồng
mà chồng uống rượu, vợ lại khen hay, thế mới có chuyện cả hai cùng có lợi.
Thứ nhất là rượu ngà ngà
Thứ nhì là ở đường xa mới về
Hắn đưa lên một số câu hát trong dân gian câu chuyện về rượu hay chuyện uống rượu
và cả đến người uống rượu.
Anh có thương em thì lo một buồng cau cho tốt, một hũ rượu cho đầy,
Đặt lên bàn thượng, hạ xuống bàn xây,
Chàng đứng đó, thiếp đứng đây,
Lẽ mô thầy với mẹ lại không kết nghĩa sum vầy cho con?
Rượu và thơ là một cặp bài trùng, một bài cổ thi nói đến rượu nhiều người biết đến như bài Lương Châu từ của Vương Hàn hay được ngâm nga lúc còn trong quân đội mỗi lần dừng quân
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
(Bồ đào uống chén Dạ quang, Muốn say trên ngựa tiếng đàn giục đi). Nên biết rằng Bồ đào mỹ tửu có màu đỏ thắm, bọn tu mi nam tử chúng ta uống vào thì chưa đủ hào khí. Khi Bồ đào mỹ tửu được rót vào chén Dạ quang, màu rượu chẳng khác nào màu máu tươi, uống rượu cũng giống như uống máu quân thù) Rượu Bồ Đào là vậy .
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
(Có say trên sa trường cũng đừng cười, vì xưa nay chinh chiến mấy ai trở về)
Cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm cũng vài ba ly nhưng với phong thái phóng khoáng ẩn dật
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú-quý tựa chiêm bao.
Ai dám nói phụ nữ không biết uống rượu, xem cô quý phi của Nguyễn gia Thiều trong « cung oán ngâm khúc »
Câu cẩm tú đàn anh họ Lý
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
Cờ tiên, rượu thánh ai đang
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm …
Ca dao, cổ thi đã vậy, còn các nhà thơ mà hắn biết đến lúc học trung học không ông nào không làm bạn với Lưu Linh, từ ông Tú Vị Xuyên
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…
Trong thi ca còn có Phạm Thái (Phạm đan-Phượng) được nhà văn Khái Hưng vết thành câu chuyện « Tiêu Sơn tráng sĩ », thất tình với Trương quỳnh Như tìm quên trong men rượu, có làm một bài thơ « yết hậu » để đời
Sống ở dương-gian đánh chén nhè
Thác về âm-phủ cắp kè-kè
Diêm-vương phán hỏi mang gì đó,
Be
Nhà thơ núi Tản sông Đà cũng là một lưu linh có hạng
Thương ai cho bận lòng đây
Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ
Cảnh đời gió gió, mưa mưa
Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say, thơ lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu, thơ, mình lại với mình
Khi vui quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi, rượu vò
Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai?
Còn thơ còn rượu còn xuân mãi
Còn mãi xuân còn rượu với thơ
Nhìn em như chén rượu đào
Bỏ qua thì tiếc uống vào sợ say.
Nguyễn công Trứ cũng hết mình với bốn món ăn chơi
Cầm, kỳ thi, tửu
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay
Đàn ngang cung réo rắt tính tình đây
Cờ đôi nước rập rình xe pháo mã
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà
Trót đà khuya sớm với ma men,
Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.
Ngó lại hàng rào hương cúc lộn,
Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.
Vào vòng cương-tỏa chân không vướng,
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.
Cứ những ai hay tình thú ấy,
Có chăng Bành-Trạch với Thanh-Liên
(Bài « Uống rượu tự vịnh » của Nguyễn công Trứ)
Đứng đắn như cụ Tam nguyên Yên Đổ mà cũng thót lên câu
Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được.
Chừa được nhưng thôi cũng chẳng chừa.
(Bài « Chừa rượu » của Nguyễn-Khuyến)
Trong thi ca hiện đại cũng nhiều bài nói đến rượu, hắn cũng cảm khái với Yên Lăng trong bài
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì vàng rơi đầy trên mặt chiếu,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Vô tình hắn đọc thêm được một bài của Xuân Mai
Uống cạn chén này thêm chén nữa
Cùng nhau quên hết chuyện ngày qua
Quên hết đau thương mùa binh lửa
Đừng nhắc làm chi thêm xót xa
Xuân Diệu nhiều bài viết cho rằng ông bất lực mà cũng say bên kỹ nữ
…
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
Người đời biết đến nhà thơ Quang Dũng qua bài »Đôi bờ »
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
hay « đôi mắt người Sơn Tây », vì được phổ thành nhạc, ông còn nhiều bài khác nữa, hắn lại thích bài « Lính râu ria »
….
Cô ơi ly rượu nhỏ
Rượu nhỏ một ly thôi
Đời lính đã kham rồi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời….
Ngày hắn còn đi làm ở Phước Long, hôm nào thèm cái « cay cay nồng nồng » cũng đến cửa hàng thuốc « Quảng sanh đường » nơi bến xe « lì một lam » dăm ba câu chuyện với cô hàng rượu thuốc, hắn nhớ bài này là vậy.
Nhà thơ Vũ hoàng Chương còn độc đáo với tập thơ « Say »
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi-lả ánh đèn
Cho cung-bực ngả-nghiêng, điên rồ xác-thịt.
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi.
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng-ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
(Trong bài « Say đi em » của Vũ hoàng Chương)
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Riết đôi tay, ngả đôi thân,….
Câu mà nhiều thanh niên thích và hay ngâm nga
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai
Môt câu cổ thi mang nghĩa « chỉ có rượu mới phá được sầu muộn »
« Sầu thành dục phá tửu vi binh »
Trong dân gian bàn về rượu nhiều lắm , bao nhiêu thi ca được tuôn ra trên chiếu nhậu lâu dần trở thành dân ca
Trong các lễ hội đình đám ở làng quê, không đám nào có thể thiếu rượu được dù biết rằng rượu có thể dem lại những thói hư tật xấu trong dân gian, ai cũng biết là
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thì hư vậy, say thì cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười ?
Khi có chút rượu vào trai gái mới có can đảm thốt lên những hện hò thề ước lứa đôi.
Cũng với những hình ảnh rượu được đưa vào những điệu hát câu hò cũng bày ra trước mắt những thói hư tật xấu cũng vì ma men dẫn lối đưa đường, những cô hàng rượu yếm thắm liếc mắt đưa tình
Còn trời, còn nước còn non.
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.
Rượu sen càng nhắp càng say,
Càng yêu vì nết, càng say vì tình
Đầy vơi chúc một chén quỳnh.
Nhậu say có nhiều người tốt tính về nhà ca hát đùa giỡn với vợ con
Có chồng say như trong chay ngoài bội,
Ngó vô nhà như hội Tần Vương!
Cững không phải người uống rượu nào cũng tốt tính
Thế gian ba sự khôn chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.
Say thời, say ngãi say tình,
Say chi chén rượu mà mình nói say!
Nghe câu này mới thấy anh chàng mồm mép giẻo quẹo tán tỉnh cô hàng rượu đã có chồng
Rượu ngon cái cặn cũng ngon
Thương em chẳng luận chồng con mấy đờị.
Rượu lưu li chân quỳ tay rót,
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.
Như thế này thì trách sao dù trời mưa em cũng đội mưa mua rượu cho anh, cả hai bên cùng có lợi mà
Con tằm bối rối vì tơ;
Anh say sưa vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình.
Anh chàng này làm một cuộc so sánh thật có duyên, khen rượu hay khen lựu , lan đây
Rượu ngon chưa uống đã say,
Lựu, lan chưa bẻ đã bay mùi nồng.
Rượu say, mê cô bán rượu cũng là chuyện bình thường, như thế vợ ghen mới mắng cho
Rượu men tẩn mẩn tê mê
Mảng theo con đĩ bỏ bê việc nhà.
Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo
Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh.
Ăn một miếng trầu, năm ba lời dặn,
Uống một chén rượu, năm bảy lời giao,
Anh chớ nghe ai sóng bổ ba đào,
Em đây quyết giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng xao em buồn.
Nem và rượu là một cặp tuyệt vời, anh với em đâu có kém, mình là một cặp, qua chờ em bên thuyền vắng đó, đố các bạn nem và rượu có nằm bên nhau không.
Rượu nằm trong nhạo chờ nem
Qua nằm thuyền vắng chờ em một mình.
Đã chịu mua rượu cho chồng « xơi » mỗi chiều, làm sao chịu được cảnh chồng đi » khám điền thổ » chỗ khác, ghen là cái chắc
Rượu nào là rượu chẳng nồng
Gái nào là gái (chẳng) vì chồng hay ghen?
Rượu là vậy, người uống rượu cũng muốn thưởng thức men nồng cũng phải có chút bản lãnh mới hài hòa trong cuộc sống
Rượu ngon bởi vị men nồng
Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn.
Rượu cúc sánh với trà lan,
Khi xem hoa nở, khi than Thúy Kiều.
Đốt than nướng cá cho vàng,
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
Chung nhau mấy chén rượu đầy
Không say men rượu lại say men tình
.
Rượu nào là rượu chẳng nồng
Trai nào chẳng khoái Lan, Hồng, Cúc, Mai
Rượu chè cờ bạc lu bù
Hết tiền có mẹ thằng cu bán hàng.
Trong đời sống, rượu cũng giữ một vai trò chính trong phong tục tập quán và dân tộc tính không chỉ của người Việt mà hầu như quốc gia nào cũng dính dáng đến cái cay cay nồng nồng này, quan, hôn, tang, tế thiếu rượu là thiếu tất cả, cái quan trọng là đừng để rượu làm chủ bản thân mà sinh ra nhiều điều sằng bậy.
Lúc hắn đi làm ở Phước Long, lúc đó gọi là cao nguyên nam trung phần, nơi đây có giống dân Stieng, một số ít Bana, được gọi là sắc tộc, được nhiều ưu đãi, những người dân tộc này có họ là họ Điểu, họ Y, gọi chung là người Thượng, mỗi sắc tộc có một ngôn ngữ riêng.
Những người Thượng vùng Ban mê Thuột có thổ ngữ khác với những người Stieng, họ có nếp sống văn minh hơn và những chóe rượu cần cũng có phần khác nhau, rượu của thổ dân Phước Long cũng làm bằng những ngũ cốc, tùy theo mùa thu hoạch và được ủ bằng những lá rừng khi thành rượu trong chóe họ gọi là « rượu ịt », hắn một lần được trưởng thôn sóc « Bù roai »(chữ Bù giống như là buôn làng, bản làng) người Thượng nơi dây sống trong những « Bù » . Vì vấn đề tránh không cho họ tiếp xúc với Thượng cộng nên chính quyền lúc đó thành lập những yếu điểm, nơi hắn hay ra vào cùng các cán bộ sơn thôn dựng trường học, nhà hộ sinh, cho học sinh ăn những bữa cơm trưa do cán bộ sơn thôn và ty xã hội đảm trách.
Những lúc xong mùa màng hắn hay được mời ăn uống nơi sóc Thượng này, họ có cách chế biến món ăn riêng, nhất là gà; gà một số nuôi trong ống tre, từ lúc mới nở, khoét một lỗ đủ cho thò mỏ ra ăn, con gà chỉ dài ra theo ống tre, đi đâu cũng bỏ vào gùi đeo trên lưng, nên xương gà cũng mềm như sụn . Heo cũng được nuôi trong bội , con heo chỉ lớn khoảng 3 kg là tối đa được gọi là « heo mọi » . Lúc làm món ăn họ chẻ ống tre và làm thịt, thịt gà được bằm vụn, vo tròn rồi nấu, món hắn được ăn hôm đó gọi là « canh thụt », món ăn này chắc đã bị mai một rồi, và xoay quanh một chóe sành rượu, có các ống hút gọi là rượu cần. Loại rượu này nước đầu còn nồng độ cao, cứ sau một vòng lại được đổ thêm nước vào chóe, rượu nhạt lần.
Ngồi uống rượu cần với họ hắn học được một câu trong thổ ngữ đến bay giờ vẫn nhớ là « hăn xế tầm bồ xào »; chữ « hăn » có nghĩa là đi như « hăn chợ » là đi chợ « hăn rừng » là vào rừng « hăn xế » là về nhà ; nguyên câu có nghĩa là « về nhà ôm vợ ngủ » vài tháng sau vợ vào nhà hộ sinh .
Hắn đọc trong các báo và những bài viết bây giờ khác hẳn những gì hắn đã được sống vào năm 1970.
Còn ít chai mỗi lần đi du lịch mua kỷ niệm đặc sản của từng địa phương, hai vợ chồng cũng chỉ uống chút rượu vin đỏ khi ăn cơm chiều
Nhờ những người Thượng làm sạch cỏ sân trường, họ đồng ý là 500 đồng, nếu đưa tờ 500, họ ngơ ngác ngờ vực mình ăn gian, nhưng đưa 25 tờ 20 đồng họ hí hửng, tặng thêm chai rượu Rhum Hiệp Hòa ngày đó, họ mừng lắm. Tiếc là hắn không tìm thấy câu ca nào hợp tình hợp cảnh để đưa vào .
Như vậy có phải như cụ Thượng Trứ nói « nghề chơi cũng lắm công phu » đúng không quý vị.
Delta, Auderghem 17/12/2022
Ara