14 tháng 11, 2024

VTM 158_Thu Tận_Mỹ Ngọc

 




Xướng:

Thu Tận

Gió bấc đang về đã tận thu,
Cây trơ trụi lá ủ sương mù.
Công viên vắng vẻ không người tới,
Bãi biển im lìm thiếu khách du.
Cuối đất nắng hanh diều lả lướt,
Chân trời mây tím sáo êm ru.
Thương miền chiến sự, nơi dông bão,
Nhân họa thiên tai mũi súng thù.
Mỹ Ngọc
Oct. 28, 2024.

Họa 1:

Thu  
Mây ùn gió lạnh rõ ràng Thu
Khắp nẻo trần gian luống mịt mù
Bão nổi xoay vần lan khắp lối
Nhân tình đói khổ chiến tranh du
Thừa cơ kẻ ác xua lời biếm
Đục nước ông bầu trổ giọng ru
Ước nguyện tàn Thu cùng bớt khổ
An hòa thuận thảo xóa căm thù.
Oct. 31, 2024
TQ

Họa 2:

Tàn thu 

Tiết trời thay đổi lúc tàn thu
Rừng trống trông xa tận tít mù
Cây cối trơ cành theo giá lạnh
Lá lìa thân mẹ trãi chu du
Tiếng vang vi vút theo cơn gió
Âm điệu bổng trầm ngỡ tiếng ru
Ngắm cảnh ngậm ngùi cho thế sự
Thu ca đối ẩm chuyện ân thù
PTL
Ân thù 恩讎: thương và ghét
Tự điển tiếng Nhật:
恩讎 【おんしゅうonshuu】恩讐 
noun: love and hate 
https://tangorin.com/definition/%E6%81%A9%E8%AE%90
Họa 3:

Thu ảm đạm 

Lá vàng rơi rụng lúc tàn thu
Ảm đạm hơi sương toả mịt mù
Thánh thót chim kêu sầu não ruột
Dập dìu bướm lượn ngỡ nhàn du
Nhớ về quá khứ nhiều hy vọng
Thương nước hiện thời lạc điệu ru
Gói trọn tâm tình Thu viễn xứ
Muôn phương gửi bạn xoá tâm thù
THT 

Họa 4:

Thu cảm

Gió chiều dịu mát đượm hơi thu,
Trời phủ màn sương đất tối mù.
Ngọn núi trầm tư mây trải nhẹ,
Dòng sông cuồn cuộn nước phiêu du.
Bâng khuâng, thi sĩ chờ trăng hiện,
Hờ hững, ngô đồng ngại gió ru.
Lấp loáng khe trong nhìn cá lội,
Mở lòng rửa sạch trái tim thù.
Minh Tâm

Họa 5:

Tàn thu

Lặng nhìn màu lá sắp tàn thu
Chiều xuống rừng phong phủ mịt mù
Tiếng quốc mơ hồ nghe thảm thiết
Tâm tư não nuột bước vân du
Nỗi niềm tâm sự buồn da diết
Điệp khúc ngày xưa tiếng mẹ ru
Tuổi hạc bây giờ như chỉ mỏng
Trái tim nhân hậu chẳng tư thù
Hương Lệ Oanh VA
Nov. 02, 2024
 
Họa 6:

Thu bất diệt

Mưa trên phố cổ nắng tàn thu
Bát ngát trời cao cảnh biệt mù
Nắng quái tăng thêm người mệt mỏi
Mưa phùn chận bớt khách nhàn du
Trần ai bất trắc anh hùng tận
Thế sự u hoài tiếng mẹ ru
Sống chết trời cho đều có số
Mài gươm sát đát chống quân thù
Nguyễn Cang
Oct. 30, 2024

1.Tân nhạc:
Buồn tàn thu
Sáng tác: Văn Cao
Ca sĩ:Tuấn Nghĩa




2. Cổ nhạc:



Chiều Thu nhớ Mẹ
Soạn giả: Phạm phúc Toại
Nghệ Sĩ: Thoại Mỹ
Ngâm thơ:
Đêm qua con ngủ nằm mơ
Thương sao mái tóc bạc phơ Mẹ về!
Mẹ buồn con? Hỡi Mẹ ơi!
Sao Mẹ không nói một lời với con..?
Đoản khúc Lam giang:
Mẹ đừng buồn Mẹ ơi
Bao tháng năm mịt mờ xa xôi
Mẹ đi khuất nơi dương trần
Con ở lại ngậm ngùi thương tiếc
Nay Mẹ về trong mơ
Giửa đêm tàn canh vắng quạnh hiu
Sao con nhìn thấy Mẹ buồn thiu
Chắc con làm cho Mẹ giận hờn con
Cả một đời gieo neo
Mưa nắng sớm hôm
Năm tháng sức Mẹ hao mòn,
Không lời thở than.
Rồi từ ấy Mẹ ơi..
Trên cõi đời còn đâu bóng hình
Ơn mẫu từ con chưa đáp đền
Tỉnh giấc chiêm bao
Nghe nghẹn ngào
Buồn thương ray rứt con tim
Về bao ngày xưa ấy
Nay muốn đáp đền,
Cho tròn đạo con
Nhưng Mẹ đâu còn, chỉ còn màn đêm.
Cùng nỗi xót thương...
 
Câu 1:
Mẹ ơi, con yêu Mẹ bởi một đời tần tảo..
Như cánh cò nổi chìm trong giông bảo,
Nuôi nấng đàn con qua bao tháng... bao... ngày...
Cát bụi thời gian đã làm cho thân Mẹ hao gầy..
Một mái tranh nghèo, vách ngã cột xiêu.
Một bến sông chiều, bập bềnh sóng gió.
Mẹ vẫn âm thầm chịu thương chụi khó,
hôm sớm đi về dầu dãi nắng mưa.
Ôi tình Mẹ bao la biết nói mấy cho vừa.
Mà nghĩa nặng ơn sâu, con chưa đền đáp....
Ngâm dặm:
Dầu con đi suốt cuộc đời.
Vẫn không đi hết những lời Mẹ ru
Câu 2:
Lời Mẹ ru như gió mùa thu êm ả,
Theo con đi qua cả cuộc đời...
Nghĩa nặng ơn sâu như biển như trời....
Hết nuôi con rồi lo nuôi cháu.
Chưa qua buổi nhọc nhằn, đã đến tuổi ốm tuổi đau.
Thuở mới vào đời, con thiếu trước hụt sau.
Thương Mẹ nghèo nhưng con chẳng lo được gì cho Mẹ.
Giờ con muốn nghĩa đền ơn trả, nhưng Mẹ đâu còn.
Con có lỗi quá Mẹ ơi!...
 
Phi vân vỹ:
 
Nhớ....nhớ xưa Mẹ dành bao tình thương.
Gian nan một đời, vì đàn con
Nắng mưa dãi dầu chẳng lời than.
Trên đời có ai, như Mẹ không.
Hỡi Mẹ kính yêu.
Phận làm con, ơn này xin khắc ghi.
 
Câu 6:
Thu đến rồi, mùa Vu lan báo hiếu.
Nay Mẹ về như nhắc nhở cùng con.
Mẹ chẳng buồn, mà chỉ có tình thương.
Mẹ phù hộ cho con luôn an yên, hạnh phước.
Con tỉnh giấc nghe bàng hoàng xúc động,
Muốn Mẹ về Mẹ ở đừng đi.
Sao Mẹ đi rồi, Mẹ xa con vĩnh viễn.
Cho lệ con tôn hòa trong tiếng thu buồn.
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc.
Mẹ mất rồi, nuối tiếc được gì đâu?
Vu lan về, bông hồng cài lên ngực.
Niệm Di Đà, nghe mắt lệ con cay.

08 tháng 11, 2024

Thầy tôi, giáo sư Lê Hữu Mục

 Hôm nay là ngày giỗ của thầy Mục, xin mời quí vị xem lại bài viết về thầy của Chúc Thanh


Thầy tôi, giáo sư Lê Hữu Mục

29/05/2022
Hồi ức

lehuumuc
Giáo sư Lê Hữu Mục thăm Paris năm 2010.

 Nhớ tới thầy, con nhớ lời thầy dạy

Sống an lành nhẫn nại khiếp nhân sinh

Sống vị tha, dưỡng nuôi lòng trắc ẩn

Nhắn nhủ con, nhiều nhân ái chứa chan…

(Chúc Thanh)

 

Nếu thầy Hạo Nhiên Nghiêm Toản được ví như một người mẹ trìu mến, thân ái của chúng tôi, thì thầy Lê Hữu Mục là một người cha, khoan hòa, nhưng kỷ luật nghiêm minh, ông đúng là một “nghiêm đường” của lớp học chúng tôi.

 

Thầy Mục có nhiều giờ dậy về văn chương Hán-Nôm và Văn học Thiền tông cho lớp sư phạm Việt-Hán. Nói là Việt-Hán, chứ Việt nhiều hơn Hán, vì chúng tôi không giỏi giang nhiều về Hán văn. Đúng ra là học những bài thơ dịch thoát ra Việt văn. Thí dụ như bài Hoàng Hạc Lâu:

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư hoàng hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du…

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu

Mà nay hoàng hạc riêng lầu còn trơ

Hạc vàng đi mất từ xưa

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

(Tản Đà dịch)

 

Thầy tôi theo đạo Thiên Chúa nhưng ông lại rất say mê các bài kệ của các tổ Thiền, thầy có thể nói say mê về tổ Hoằng Nhẫn rồi đi tiếp luôn tới tổ Huệ Năng… thầy thích tổ Huệ Năng diễn đạt: « Tâm khi có, khi không, thì bụi bám vào đâu? » Nhiều khi, buổi chiều, hết một bài giảng, thầy nhắc chúng tôi ngồi yên, nghĩa là không được nói chuyện, không bàn luận… để tự nhẩm lại « Kệ Vô thường » trong đầu:

 

Ngày nay đã qua

Đời sống ngắn lại

Hãy nhìn cho kỹ

Ta đã làm gì?

 

Phải nói là nửa năm đầu niên khóa (1966-1967) học với thầy Lê Hữu Mục, tôi chới với, bơi không kịp, vì tôi dốt chữ Hán thành ra mù chữ Nôm luôn. Lúc nào lên bảng viết, tôi cũng lúng túng bị thầy chê vì bạn cười chế nhạo vì tôi viết trái cựa, chưa viết bộ, tôi đã ngoằn nghoèo viết nghĩa hay viết chữ, rồi tôi thú thiệt là lúc còn ở Văn khoa (nơi đường Nguyễn Trung Trực) tôi không học Hoa văn thực thành, mà học Pháp văn thực hành, đó là tôi phải theo ý cha tôi, cha tôi không chịu cho tôi học chứng chỉ Hoa văn, người bảo tôi, « Con học cái đó để vô Chợ Lớn đọc các bảng hiệu sao? »

 

Thầy Mục hiểu ý, bảo là con đi đường kiểu hơi zic-zắc, mà không sao, học thêm cái gì hay cái đó, bây giờ con học thêm ít vốn chữ Hán, nếu không, khó đi vào văn chương quốc âm và văn chương Hán-Nôm. Tôi vất vả lúc đầu, nhưng nhờ thầy, nhờ bạn chỉ dậy, rồi mọi bài vở cũng êm xuôi lần lần, con biết ơn thầy và bạn lắm!

 

Thầy tôi tận tình với từng đứa học trò. Lớp chỉ có 28 đứa như một gia đình, mỗi ngày, vẫn bằng ấy cái mặt, đến nỗi tụi tôi biết cả hoàn cảnh, tính nết, sức học của nhau. Điều thú vị đến buồn cười là chúng tôi dự thi tuyển vô trường với kết quả ra sao, thì khi ra trường, kết quả tốt nghiệp cũng gần suýt soát như khi thi vô! Vì chúng tôi ganh đua nhau học và lúc lên chọn nhiệm sở, thí sinh được chọn căn cứ vô bảng điểm mãn khóa.

 

Nói như vậy mà cũng có nghĩa là không cứng như cây cổ thụ. Mà trái lại, thầy Lê Hữu Mục đã nhiều lần khuyên chúng tôi vì tình đồng môn, vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, nên nhường nhịn nhau cho vui vẻ cả làng!

 

muc 1

Giáo sư Lê Hữu Mục đàn và hát Ly Rượu Mừng trong một lần văn nghệ mừng Xuân 1968 Sài Gòn. Bên cạnh giáo sư là anh Nguyễn Viết Sơn, ngồi dựa cửa sổ là giáo sư Trần Kim Nở, bên cạnh giáo sư Trần Kim Nở là anh Nguyễn Ngọc Phách.

 

Ngoài việc học kiến thức văn học trong giảng đường, thầy còn dạy bổ túc thêm giờ nghệ thuật giảng dậy, tâm lý sư phạm và người thích hướng dẫn chúng tôi đi thực tập ở các trường thực tập ở các trường trung học công lập ở Sài Gòn. Thầy tốt người, cao, to, bước chân chắc chắn và nhanh nhẹn, theo kịp thầy có lúc chúng tôi mệt là mệt.

 

Thầy luôn gọi học trò bằng tên, như Ngọc đã soạn bài giảng chưa? Trúc đã hoàn thành chủ đề thơ thầy bảo soạn trước cuối tuần rồi chưa? Thầy rất chu đáo, tỉ mỉ dạy chúng tôi cách đi, đứng, nói và đối diễn với học trò. Thầy gần gũi, quý mến và tận tâm với sinh viên. Tôi cứ nhớ mãi là mỗi lần dậy thử, thầy luôn nhắc mấy đứa con gái là: vô cửa lớp, phải bước ngay lên bục gỗ chạy dọc theo bảng đen, đi tới và bước lên bục gỗ kê bàn giáo sư, không được đi dưới sàn nhà, dù có rộng chỗ.

 

Chị Hương có một lần cắc cớ hỏi thầy: « Bộ thầy sợ dưới đất có con rắn con rết gì cắn chân nó sao? » Thầy chợt cười ồ lên: « Không phải sợ rắn rít cắn chân, mà tại nó vóc nhỏ hao gầy, chim chích quá đi, tôi không muốn thấy một cô giáo tí tẹo rơi lọt thỏm vô cái lớp học đông học trò nhốn nháo như vậy ». Mọi nguời bấm nhau cười.

 

Chị đó, chị ở gần dưỡng trí viện nên có lẽ hơi… tốc tốc. Lần nào thầy cũng dặn câu cuối, không nên gọi học sinh trả bài nhiều, chia thời gian hợp lý và không được để « chày » giáo án, có nghĩa là chuông reng mà chưa giảng bài xong.

 

Ở lớp thầy giảng, bất cứ loại bài nào, thầy không cho cours, sinh viên tự ghi, thầy rất trân trọng cách biên soạn đầy sáng tạo của học trò. Nhưng khi chúng tôi đi giảng, thầy và sinh viên thực tập đều phải hội ý bàn thảo. Vậy mà sau đó, thầy vẫn nhận ra đầy khuyết điểm: Anh S. có giọng nói khi cao khi thấp, hơi lại cái; cô Q. sử dụng bảng đen không hợp lý, không trật tự, chữ viết trên bảng xấu; anh Đ. truyền qua tay nọ tay kia cục phấn khi giảng bài, giống múa lèo, thiếu trang nghiêm; chị H. đi qua đi lại nhiều quá, thiếu phong độ uy nghi. Nhưng rồi thầy cũng cho 10 điểm, 11 điểm của thầy là hiếm và quý lắm. Thầy không ác ý, nhưng muốn tất cả phải toàn hảo, thầy nói được chừng nào hơn, tốt thêm chừng ấy.

 

Tôi nhớ, đã có lần, thầy bày tỏ quan điểm hơi khe khắt là làm thầy giáo cũng như làm ca sĩ, ca sĩ phải hát hay mà phải đẹp mới thành công! Có con chim sơn ca nào xấu đâu? Thầy giáo không cần đẹp như ca sĩ, nhưng không được xấu, phải có duyên phải ưa nhìn. Trời ạ, tôi về nhà hôm ấy, vội nhìn trong gương soi, cô bạn bên cạnh đến bên tôi ké nhìn mặt mình trong gương rồi thỏ thẻ: « Gương nhà Tần hai đứa soi chung » và những ngày sau đó, trước khi đi giảng, tôi và bạn tôi bảo nhau bắc ghế ngồi trước gương và trước mặt bạn, tự nói một lần trước cho quen.

 

Tựu chung, thầy bắt bẻ, cũng chỉ muốn mọi điều tốt lành cho sinh viên.

 

Giờ thì đã hơn một nửa thế kỷ qua đi, chúng tôi vẫn nhớ như in giáo sư Lê Hữu Mục, tuy có chút khó khăn, nhưng ông luôn cao giọng nhắc chừng sinh viên của ông: « Lòng tin trời, yêu đời, yêu cuộc sống, giữ tâm ý thanh sạch và luôn đem hết khả năng và nghị lực ra làm việc ». Đúng là vậy, thầy luôn làm gương, lúc nào cũng chăm chỉ làm việc, tháo vát mọi khó khăn, giải quyết nhiều vấn đề mau chóng đến thành công và không bỏ cuộc. Thầy tôi có những bản dịch, truyện ký ra văn vần: Lĩnh nam trích quái; Việt điện u linh tập.

 

Thầy có bằng Cử nhân năm 1950, sau đó thầy đậu thủ khoa kỳ thi Tiến sĩ quốc gia. Thầy là giáo sư các trường đại học ban Văn, Hán-Nôm ở Huế, Sài Gòn, Văn khoa và Sư phạm. Thầy là nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà văn và cũng là nhạc sĩ, thầy sáng tác nhạc trước khi 20 tuổi những ca khúc như: Chèo đi bơi đi; Trở về mái nhà xưa; Hẹn một ngày về vinh quang…

 

Nhà thầy có đầy sách, đủ loại sách, như một thư viện, trên đường Duy Tân, « cây dài bóng mát » đó, còn vang vang lên tiếng đàn guitare dìu dặt, tiếng kèn saxo giòn giã và cả tiếng dương cầm du dương trầm bổng. Dù quá cao tuổi, thầy tôi vẫn yêu văn học và văn nghệ, hồn người say mê mênh mang khi người diễn tả những: Sérénade của Franz Schubert; Danube bleu của Johann Strauss Jr.; Come Back to Sorriento của Ernesto de Curtis, v.v…

 

Không phải ở mỗi lúc, mỗi nơi mà có một nhà mô phạm sáng suốt tài ba đa năng như thầy tôi. Khi thầy tôi ở tù cộng sản, người nhà vô thăm, báo tin đến chỗ « Bố ơi, tủ sách của bố, họ tịch thu rồi!» Ông ôm mặt khóc nức nở. Tội nghiệp thầy lắm.

 

Năm 2010 thầy từ Canada có dịp sang Paris, vì là có tác giả Đặng Quốc Cơ và GS Nguyễn Thị Nhung mời ông sang chú giải rõ thêm Truyện Kiều cùng với họ. Thật may mắn và phước đức, tôi có dịp đi đón thầy về nhà tôi. Thầy trò trùng phùng hàn huyên, thầy cho tôi xem sách thầy viết sau 1975: « Hồ Chí Minh không phải là tác giả ngục trung nhật ký » ở Hà Nội, có tới 40 tác giả cộng sản họp lại phê phán. Tôi vội nói thầy bỏ chuyện đó qua một bên đi, thầy lớn tuổi rồi, để cho tâm trí thư giãn.

 

Thầy dùng với chúng tôi một bữa ăn, trong lúc ngồi chung, thầy nhắc lại nhiều lần: Hoàn cảnh ngửa nghiêng, vận nước điêu linh, cộng sản quái gở… mà phải bỏ nước ra đi chứ rời xa quê hương ở tuổi xế bóng quá chiều, thầy buồn và cô đơn lắm!

 

Người vào cởi áo, lau son phần

Trả cả vinh hoa, lẫn đoạn trường…

(Thơ Hoàng Như Mai)

 

Phút ngậm ngùi qua đi khi anh chị Long bước vào nhà,  hôm ấy chúng tôi có ý mời thêm anh Long qua gặp thầy, anh Long xưa là giám đốc Thư viện Quốc gia Sài Gòn, anh cũng tỏ ra tri kỷ lắm.

 

Rồi lúc chiều, khi thầy trò gần chia tay, thầy ra vườn ngó cây cảnh và nói với tôi:

 

« Tay này cứng đầu cứng cổ lắm đấy ». Tôi nhìn ra ý không hiểu. « Ông ấy cứ nuôi hy vọng rồi có một ngày kia cộng sản sẽ thay đổi, con phải giáo dục. » Thầy nói tiếp.

 

« Con làm sao nổi việc đó, họ lớn tuổi hơn con, vả lại chỉ là hàng xóm. » Tôi trả lời thầy.

 

« Hàng xóm… mà cũng là đồng hương, sao thế, con đã quên ông Tagore, ông ấy nói là ‘nhà giáo như một ngọn đuốc, phải thắp sáng mình luôn và mồi đuốc cho người kế bên’ à».

 

Tôi le lưỡi sợ hãi, thầy tôi lúc nào cũng kiên cường, trước sau như một. Rồi tôi thoắt nhớ lại câu nói cửa miệng của thầy: « Làm người, phải tin trời, yêu mình, yêu người, giữ lòng vui, giữ tâm hồn thanh tịnh và luôn phấn đấu đem hết nghị lực ra làm việc ».

 

Được tin thầy về trời mùa đông, tháng 11 năm 2017 ở Montréal, Canada. Tạ ơn Chúa, thầy tôi cao tuổi thọ với 92 năm. Ở trên ấy, chúng con mong thầy được an nghỉ, không còn loay hoay công này việc nọ nữa. Có thể ở nơi bình an của Chúa, thầy vẫn trông thấy tụi con còn ngổn ngang lang thang đây đó. Có thể đúng, vì thầy tôi là Lê Hữu Mục mà, vả lại cũng y như thầy giảng: « Thác là thể phách hồn là tinh anh… » (Kiều).

 

– Chúc Thanh

(Kính nhớ, 5/2022)

Nguốn: https://vietbao.com/a312255/thay-toi-giao-su-le-huu-muc



Tiểu sử Giáo sư Lê Hữu Mục

Giáo sư Lê Hữu Mục sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925 tại làng Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân sinh là nhà nho, ông là người thứ bẩy trong tất cả 11 anh em với tám trai và ba gái.
Giáo sư Lê Hữu Mục đã qua đời vào lúc 10:57 tối ngày 08 tháng 11, năm 2017, tại Montreal Canada, hưởng thọ 93 tuổi.


(Hình của cựu sinh viên Việt Hán ĐHSP 69-72 )

Học Vấn

Tiến Sĩ, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Sài Gòn, 1970.
Cao Học, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Đà Lạt, 1960.
Cử Nhân, Văn Chương Pháp, Đại Học Hà Nội, 1950.

Âm Nhạc

Chèo Đi, Bơi Đi (nhạc và lời, 1938)
Hẹn Một Ngày Về (nhạc và lời, 1953)

Dạy Học

Giáo Sư, Quốc Học, Huế, 1952-1957
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1957-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Viện Nghiên Cứu Nôm Học, 1958-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Khoa
Giáo Sư, Đại Học Sàigòn (Sài Gòn), Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm, chủ bút tập san Hán-Nôm.
Giảng Viên, Đại Học Đà Lạt (Đà Lạt),
Giảng Viên, Đại Học Hòa Hảo (Long Xuyên),
Giảng Viên, Đại Học Cao Đài (Tây Ninh),
Giảng Viên, Đại Học Phương Nam (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Vạn Hạnh (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Nha Trang (Nha Trang),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Mỹ Tho (Mỹ Tho), Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1964-1975

Nghiên cứu Nôm, 1981-1984

Pascale Baylon (Montréal) và nhiều trưòng trung học khác. Liên lạc viên giữa phụ huynh học sinh và PELO (Programme de l'Enseignement des Langues d'Origine), 1985-1990
Dạy Hè tại các trường Đại Học Âu Châu như Fribourg (Thụy Sĩ), Strasbourg, Nancy (Pháp), Frankfurt (Đức), Oslo (Na Uy), và Mỹ Châu như St Thomas (Houston), 1990-2005.

Nghiên Cứu Tiêu Biểu

"SONG VIẾT LÀ SÀNG VẠT", Lê Hữu Mục, Vietnamologica, số 2, 1996, Trung Tâm Việt Nam Học Canada.

Khóa Hè Tiêu Biểu

"VĂN HOÁ VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NÓ ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ VIỆT NAM SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC MỸ", Lê Hữu Mục, University of St Thomas, Houston, 1999.

Tác Phẩm

Thân Thế và Sự Nghiệp Nhất Linh (giáo khoa, 1955)
Nhận Định về Đoạn Tuyệt (biên khảo, 1955)
Luận Đề về Khái Hưng (giáo khoa,1956)
Luận Đề về Hoàng Đạo (giáo khoa,1956)
Chủ Nghĩa Duy Linh (biên khảo, 1957)
Văn Hóa và Nhân Vị (biên khảo, 1958, cùng Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê)
Thảm Trạng của Một Nền Dân Chủ Vô Thần (1958)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Nhị Khê Thi Tập (1962)
Băng Hồ Ngọc Báo Tập (1963)
Chúa Thao Cổ Truyện ( 1965)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, Tập 1 (biên khảo, 1968)
Khóa Hư Lục (1973)
Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả “Ngục Trung Nhật Ký” (1988)
Truyện Kiều và Tuổi Trẻ (1998, nxb Làng Văn, 1990)

Dịch Thuật

Huấn-Dịch Thập-Điều, Thánh Dụ của vua Dục Tông, Minh Mệnh, vua Việt Nam, 1791-1840, (Sàigòn : Ủy-ban dịch-thuật, Phủ Quốc-vụ-khanh đặc-trách Văn-hóa, 1971)

Bài Viết Tiêu Biểu

1/ Văn Hóa Việt Nam - Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam
2/ Văn Hóa Việt Nam - Thuyết Bất Vô
3/ Văn Hóa Việt Nam - Đối diện với Văn Hóa Mỹ
4/ Cụ Sáu đối diện với phong-trào Văn-thân
5/ Cụ Sáu đối phó với phong-trào Văn-thân
6/ Cụ Sáu đối lập với phong-trào Văn-thân

Tập San
1990-2005 : Vietnamlogica, sáng lập viên, chủ bút, cộng tác viên
(Biography do Lê Hữu Mạnh cung cấp)

Nguồn: https://dutule.com/a8508/giao-su-le-huu-muc-da-qua-doi-ngay-08-thang-11-nam-2017-

27 tháng 10, 2024

VTM 157_Nhắn bạn tri âm_Minh Tâm

 




Xướng:

Nhắn bạn tri âm

Nhắn nhủ tri âm khắp bốn phương,
Duyên thơ mong giữ đặng miên trường.
Hồn vương trăng gió đầy mơ mộng,
Tình trải sông hồ bao mến thương.
Thế sự mặc tình cơn gió bụi,
Tinh thần hãy đượm nét văn chương.
Đường trần dẫu đắng cay bùi ngọt,
Bút vẫn dâng đời thơm ngát hương.
Minh Tâm

Họa 1:

Đợi người yêu dấu

Làm trai thỏa chí tại ngàn phương,
Từ thủa xa nhau vạn dặm trường.
Mỗi độ thu về thêm nỗi nhớ,
Bao mùa lá rụng ngập niềm thương.
Mưa Ngâu mở nhạc nghe vài khúc,
Nguyệt tỏ làm thơ thảo mấy chương.
Người dấu yêu giai kỳ đã tới,
Vàng trời cúc nở gió thơm hương.
Mỹ Ngọc
Oct. 17, 2024.

Họa 2:

Gương anh dũng 

Gót giày lính trận khắp muôn phương
Vùng vẩy hiên ngang mọi chiến trường
Khiếp đảm giáng đòn cho bọn cướp
Niềm tin tạo dựng dân yêu thương
Hào hùng đậm nét trang sử Việt
Rạng rỡ sáng ngời tấm biểu chương
Chiến đấu dấn thân không mệt mỏi
Liều mình tâm nguyện hiến quê hương
THT

表彰 biểu chương: Tuyên dương, tưởng lệ.

Họa 3:

Tri âm cách biệt

Tri âm nhất định phải tha phương
Bát phở chia tay cảnh đoạn trường
Nhớ lại ngày xưa cùng cắp sách
Hôm nay cách biệt vẫn thân thương
Tang điền xảy đến không lường được
Về lại thôn xưa chẳng biện chương
Mượn bút thi ca quên dĩ vãng
Mong ngày hội ngộ ở quê hương
PTL
Tang điền 桑田: ruộng dâu
thương hải 倉海: biển xanh
Thương hải biến vi tang điền: 倉海變為桑田 là biển xanh biến làm ruộng dâu.Ý nói: việc đời luôn luôn thay đổi
biện chương辨章 : trình bày
 tha hương 他鄉: quê người

Họa 4:

Khoảnh khắc 

Chiều thu lá đổ khắp muôn phương 
Cảnh cũ người xưa luống đoạn trường 
Tan tác lá vàng rơi lả tả 
Dạt dào khoảnh khắc lúc đau thương 
Băn khoăn tuân thủ nhiều quy luật 
Tìm hiểu chấp hành bản hiến chương 
Trang sử cuộc đời ghi nhớ mãi 
Trời chiều thoang thoảng gió đưa hương 
Hương Lệ Oanh VA 
Sept, 16.2024


Họa 5:

Đáp lời bạn xa

Chiến chinh loạn lạc tỏa muôn phương
Nay góp đôi lời luận hí trường
Nam tử thất thời khôn nản chí
Nữ hùng gặp vận nỏ nguôi thương
Cờ lau tập tánh lưu ngàn tỏ
Văn bút rèn tâm giữ vạn chương
Thế sự vần xoay hằng biến đổi
Hẹn ngày Xuân ấm ngát lừng hương
TQ
Oct 20, 2024

Họa 6:

Duyên thơ

Tao đàn vọng nguyệt khắp ngàn phương
Tan tác từ khi mất chiến trường
Kẻ ở cam đành yên phận số
Người đi lỡ dở, nén sầu thương
Bể dâu bát ngát xa tầm mắt
Thư bút thăng trầm vắng thảo chương
Hạnh phúc đâu ngờ còn gặp lại
Anh em xướng họa ngát quỳnh hương
Nguyễn Cang 
Oct. 14, 2024



1. Tân nhạc: Tình bạn
Sáng tác: Tường Khuê
Ca sĩ: Tường Nguyên, Tường Khuê



2. Cổ nhạc: Thắm tình bạn thân

Soạn giả: Bùi Vương

Nghệ sĩ: Hoàng Việt Trang & Hoàng Khiết Đang



Trăng thu dạ khúc:

Lắng nhe tiếng nhạc vọng vào trong bóng đêm
Bạn nơi quê người , cách xa phương trời
Bao niềm thương nhớ khôn nguôi
Nhớ quê nhớ bạn trong lòng tôi chẳng vơi
Ân tình bạn thân, sáng trong vô ngần
Mười năm cách biệt giữ trọn trong trái tim

Câu 1:

Nhớ ngày ấy anh rời quê hương về miền xa xứ lạ.
Bỏ lại sau lưng dòng sông quê êm ả, dưới bóng hoàng hôn, tím cả nỗi mong.....chờ
Dòng sông quê hương với một thời niên thiếu dại khờ.
Sông vẫn đày vơi con nước ròng nước lớn,
Những buổi trưa hè cùng lội giỡn tung tăng
Sống ở quê người anh có nhớ tôi không
Hay đã lãng quên chốn đồng bưng nước nổi
Quên cây cầu dừa lắt lẻo khó đi
Anh với tôi đi qua rồi trượt chân cùng té.

Câu 2:

Không làm sao tôi quên được cái tuổi ngây thơ hồn nhiên trong sáng
Cùng cắt cỏ chăn trâu, cùng thổi sáo trên đồng
Cùng học mái trường quê và xây ước mơ hồng
Cùng nắm tay nhau vượt qua ngà gian khó
Càng lớn lên rồi càng lắm mộng nhiều mơ
Tốt nghiệp ra trường anh lên chốn thành đô
Xa dòng sông thơ, xa khung trời kỷ niệm
Nhớ lắm anh ơi cái ngày đưa tiển
Chân bước xa rồi còn lưu luyến không thôi.

Lý bông dừa:

Bao ngày thầm khát khao mong chờ
Mười năm xa xứ hôm nay trở về quê hương
Gặp nhau lòng xiết bao vui mừng
Đôi bạn chung trường chung lớp ngày xưa
Tình thân gắn bó keo sơn
Dù tháng năm xa vời
Nhưng nghĩa tình không vơi

Câu 5:

Tôi trở về đây bên dòng sông kỷ niệm, sông lúa vàng mơ thơm mùi khói quyện, giây phút bình yên lắng đọng giữa tâm....hồn
Một góc quê hương không gợn chút ưu phiền
Hội ngộ cùng nhau qua bao ngày xa vắng
Tìng nghĩa mặn nồng năm tháng vẫn không phai
Anh lên đường theo khát vọng tương lai
Tôi ở lại nơi miền quê sông nước
Dẫu cách xa nhau không cùng chung bước
Nhưng tình thân mãi tha thiết đong đầy

Lý con sáo:

Đêm buông lơi, trăng tắm bên dòng sông xanh
Trăng vàng soi bóng long lanh
Ta vui say với bóng trăng ngà
Tình quê hương tha thiết đậm đà
Ký ức một thời nào đâu dễ quên
Mãi khắc sâu ở trong buồn tim
Tuổi học trò buồn vui sớt chia
Anh kể tôi nghe bao ước mơ ngày xưa

Câu 6:

Tâm sự đêm nay cho thỏa lòng mong nhớ
Sông nước hậu giang là xứ sở quê mình
Đẹp tươi trong ánh bình minh
Dòng sông uốn lượn dáng hình quê hương
Dù cho đi khắp muôn phương, bạn hiền hai tiếng vấn vương ân tình.

25 tháng 10, 2024

Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu _Ara Phat

 Lời nói đầu:

ARA Phát là cựu giáo chức trước 1975. Ngoài ra ARA Phát còn là sĩ quan biệt động quân biên phòng ở Tây ninh và sau 30-4-1975 bị tù ở Tây ninh. Hiện ông đang ở Bỉ .

« Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu »- Ara Phat

Hạt dẻ nướng ăn được không gọi là maron mà phải gọi là Chataigne, những cây maron trồng lấy bóng mát hạt không ăn được vì độc, chuyện này trẻ nhỏ đã được giáo dục từ 5 tuổi, lúc còn ở mẫu giáo.
Vào lúc quả rụng, hạt rơi vương vãi khắp các con đường có bóng mát của maron cũng là lúc các cô giáo mẫu giáo dẫn học sinh từng đoàn đi nhặt hạt rồi hướng dẫn các cháu làm thủ công. Có lần đang nhặt những hạt maron dại này để phủ lên những chậu cảnh trong nhà, khi tưới nước không bị văng đất ra ngoài, một cháu bé chạy lại dặn là « Ông ơi, cô giáo dặn hạt này không ăn được , nguy hiểm »… thế đấy cũng là một lối giáo dục cộng đồng. ….

Đây là loại maron dại, hạt không ăn được, trồng để lấy bóng mát, khác từ lá, cách đơm hoa cho đến vỏ, hạt khác xa với loại Chataigne hay hạt dẻ ăn được.

Loại hạt dẻ ăn được gọi là chataigne, cấu tạo từ vỏ đến hạt khác maron lấy bóng mát, gai nhọn xù xì đâm buốt tay, từ cuối tháng 9 bắt đầu rơi rụng, hắn đi dạo trong rừng nhặt về luộc ăn

Vào khoảng cuối tháng 4 có đọc được một tin  » 37 học sinh khối lớp 6 và 7 tại một trường học ở Nghệ An đã bị ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng rụng xuống sân trường ».
Bài báo còn đưa lên hình ảnh cây ngô đồng và cả hạt nữa. Nhìn những ảnh này tôi thấy như không phải là cây « ngô đồng » mà tôi biết và có lần nhìn được nơi Phú vân Lâu của kinh thành Huế, hơn nữa cũng biết tên gọi này qua những thi ca lúc học trung học. Hình như học sinh nào cũng biết câu thơ kinh điển:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(Chiếc lá ngô đồng rụng, mọi ngượi biết mùa thu đến) .

Cũng có nghe trong ca dao qua điệu ru ngày còn thơ
Đồng Đăng có phố Kỳ lừa,
Có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh .
… … …
Chùa này có một ông thầy,
Có hòn đá tảng có cây ngô đồng .
Lại còn câu ca
Cây ngô đồng không trồng mà mọc
Quả ngô đồng không chọc mà rơi…
Lúc đi làm giáo vụ ở Rạch Giá khi có giờ nghỉ hay nghe các học sinh hát hò, có nghe qua một điệu hát lý của dân ca nam bộ, là điệu hò điệu lý gì thì không biết nhưng nghe láy đi láy lại nên cũng vào đầu
« Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, tây lầu tây
Thấy cô tang tình gánh nước,
Tưới cây, tưới cây ngô đồng
trong lòng tôi thương,
Thương cô tưới cây ngô đồng… »
Cây ngô đồng thuộc dòng vương giả được trồng những nơi quyền quý cao sang, chỉ dành riêng cho loại chim Phượng Hoàng mới xứng tầm đậu trên cành bích.
Tản Đà trong một bài hát ả đào cũng đề cập đến cây ngô đồng
« Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng
Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng nó đậu cao
Anh tiếc cho em phận gái má đào
Tham đồng bạc trắng mà gán mình với chú tây đen…. »
Nhánh ngô đồng đâu để cho quạ, cú đặt chân, chẳng khác nào « treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng » .

Nguyễn Du mượn bóng dáng cây ngô đồng: trong Văn tế thập loại chúng sinh
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau dặm bạc lá ngô đồng vàng.
Ngô đồng là thế đấy,hợp với mùa thu mang đầy những sang trọng quý phái của thiên nhiên toàn vàng lẫn bạc đẹp đến « não người » . Ngô đồng có tên khoa học là Firmiana, loài thực vật này vì có xuất xứ rất nhiều ở Trung Hoa và các vùng Đông Á lân cận, trong đó có Việt Nam nên cũng được gọi là Chinese parasol tree .

Lá cây ngô đồng có hình dáng như chân vịt khác hẳn với lá cây bã đậu(vông đồng)
(photo internet)

Hoa cây Ngô Đồng (photo inhternet)
Thân cây Ngô Đồng (photo inetrnet)

Còn cây mà báo chí chụp ảnh đưa lên tôi biết rất rõ, chúng tôi gọi là cây BÃ ĐẬU, hay MA ĐẬU cây do người Pháp đem sang trồng nơi các trại lính để lấy bóng mát.
Cây bã đậu (hay mã đậu) trong các sách thực vật có tên tiếng Việt là vông đồng hay bã đậu tây . Sở dĩ có chữ « tây » trong tên gọi là vì lại có loài ba đậu bản địa (ba đậu ta), thuộc chi Croton cùng họ, còn được gọi là điệp tây và ngô đồng. Chính vì vậy mới có sự ngộ nhận cây ngô đồng là loại này và cũng vì lý do ngôn ngữ nghe vông đồng biến thành ngô đồng, ba đậu biến thành bã đậu hoặc mã (ma) đậu.
Những ai có vào trại nhập ngũ ở trung tâm huấn luyện Quang Trung trước năm 1975, đều biết những hàng cây bã đậu trồng đầy nơi các doanh trại, khu vườn Tao Ngộ, bên các giao thông hào, đã được lưu ý là cây có độc chất, những lá bã đậu rơi vào những hồ chứa nước để tắm giặt mà vô tình uống phải là Tào Tháo đuổi chạy không kịp, phải vào bịnh xá xin thuốc.

Nói đến đây nhớ lại có lần tôi bị phạt dã chiến , lúc đó ở đại đội 45E, tiểu đoàn Đinh tiên Hoàng, chỉ vì cái tội mua bịch nước ở ngoài bãi tập, tối về phải thi hành hình phạt; ba lô , súng đạn đầy đủ chạy khắp 5 đại đội xin chữ ký các sĩ quan trực, chữ ký của các quan đâu dễ cho, trước khi ký là phải chạy, bò, lết…. có đại đội bắt lấy 100 gai bã đậu trong vòng 3 phút, cái dòng gai này mọc chi chít trên thân, to nhọn có thể dùng khêu ốc luộc ăn được, dùng lưỡi lê chưa biết làm sao cho nhanh, lấy nón sắt cào thử, gai rụng ào ào. Chỉ kéo vài nón sắt là được hơn 100 gai. Quả bã đậu lúc khô bung ra từng múi, nhìn có hình dạng như con cá heo(dauphin), trong quân trường nhiều người lúc rảnh rỗi hay khắc thêm vào hình dạng này cho sống động, lấy cira dánh giầy chùi bóng làm quà cho em gái hậu phương.
Những quả khô này lúc còn học tiểu học khoảng cuối thập niên 50, tụi nhỏ chúng tôi hay chui hàng rào vào nhặt ở trại lính thành Ô Ma (Camps Aux Mares) . Đem về nạy lấy hột chơi nhưng đứa trẻ nào cũng biết là trái độc, thầy giáo còn hướng dẫn cho vẽ những múi được tách ra từ quả

Tàn cây Bã Đậu( Vông Đồng) Lá hình quả tim (photo internet)
Hoa Bã Đậu( Vông Đồng) (photo internet)
Cây bã đậu hay Vông đồng có tên khoa học là Cây Hura crepitans nguồn gốc từ nước nhiệt đới ở châu Mỹ, nhưng
trồng phổ biến ở hầu hết nước nhiệt đới làm cây bóng mát ven đường và vườn hoa.(photo internet)

Chuyện học sinh Nghệ An ngộ độc, tôi cho rằng nhà trường và thầy cô hoàn toàn chịu trách nhiệm, một tấm biển gắn vào thân cây ghi rõ  » nguy hiểm, ăn chết người » có khó lắm không, nhà trường không làm, thầy cô trong những giờ sinh hoạt cũng không hướng dẫn, phổ biến, đâu có mất nhiều thời gian. Trốn tránh trách nhiệm bằng cách đốn bỏ hết tất cả trên địa bàn tỉnh Nghệ An là không phải cách, mình là thầy là đại diện cho giáo dục đâu thể phi giáo dục được, hay do cây đã lớn có thể khai thác gỗ mà thừa dịp học sinh ngộ độc, để trồng loại khác. Vài hôm nữa lại đấu thầu, lại quà cáp. Sở đúng là « được ăn, được nói, được gói mang về », chỉ tội nghiệp phụ huynh học sinh lại phải đóng góp trồng cây xanh lấy bóng mát.
Xem trên mạng quảng cáo của các cửa hàng cây xanh đã « treo đầu dê, bán thịt chó », vông đồng, bã đậu đều được ghi là « NGÔ ĐỒNG » lại còn những bài báo ca ngợi lợi ích của ngô đồng tốt từ rễ đến hoa lá quả, chẳng trách có chuyện ngộ độc cho con trẻ !

Quả bã đậu lúc còn tươi (photo internet)
Quả bã đậu khô có thể bung ra từng múi, nhìn có hình thù cá heo khắc thêm con mắt, dùi 1 lỗ xỏ sợi dây kèm theo tấm thẻ bài,sợi dây chuyền cũng thấy Hippy lắm (photo internet)


Mùa Covid 19 năm nay, không nhìn thấy các cháu bé tung tăng đi nhặt hạt maron, thành phố vừa được tháo bỏ giới nghiêm, các quán xá mở cửa trở lại sau gần 3 tháng ngưng hoạt động. Khí hậu ôn đới cũng không thích hợp với cây ngô đồng, thay thế báo hiệu mùa thu là khi lá maron rơi rụng, không khí đã có mùi thu đến . Câu kinh điển ngày trước cũng được Ara thay đổi nửa tây nửa tàu « Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu »

Cây maron đâm chồi mùa xuân sớm, nên lá vàng cũng đến trước những loại cây khác, chụp từ một quán nước bên đường vào cuối tháng 8 (photo Ara) .
Trên dòng sông một bên là hàng maron, còn bên kia trồng loại giống như cây Erasme, có lá hình chân vịt, maron lá vàng sớm hơn bên kia khoảng 2 tuần vì thế một bên lá vẫn còn xanh (photo Ara)
Nủa tháng sau có sự đổi chiều, hàng maron đã trơ cành (photo Ara)
Những tàn cây bị lực hấp dẫn của nước, lúc học vạn vật gọi hiện tượng này là thủy hướng động, không biết Ara còn nhớ chính xác không. Nhờ hiện tượng này đường đi như có 1 vòm lá mạ vàng bao phủ (photo Ara)
Quai Ardenne rộ vàng sắc thu rải rác trên con đường đi dạo (photo Ara)
Trên những chòm cây; chỉ có mùa thu mới rực rỡ muôn màu (photo Ara)
Một màu xanh xanh; chấm thêm màu vàng…một bức tranh hài hòa màu sắc của thiên nhiên (photo Ara)
Ngay cả đường đi, vệ cỏ cũng trải thảm sắc màu (photo Ara)
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau dặm bạc lá ngô đồng vàng. (photo Ara)
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc ….màu vàng bắt mắt quá Ara mua về tặng Ara vợ, sẵn ghi vào ống kính (photo Ara)
Cũng may, hôm nay không có cặp tình nhân nào trong nhà thủy tạ mới có thể thu vào ống kính cảnh êm đềm này(photo Ara)
Chỉ là hoa đồng cỏ nội ven bờ nước,không biết tên gọi là gì nhưng đúng thời điểm nở rộ, màu sắc đã lôi cuốn Ara cho vào tầm ngắm
Thích ngắm nhìn những dòng sông nhất là khúc quành của con sông, lại có cả chiếc cầu sắt lót ván có đến gần 100 năm cũng được tu bổ thường xuyên,nay chỉ dành cho khách bộ hành, cấm các phuong tiện giao thông khác trừ loại xe hai bánh (photo Ara)
Cặp thiên nga năm nay có 5 thiên nga con, lúc tôi chụp chỉ còn 2, đã 5 tháng tuổi, to xác bằng bố mẹ nhưng vẫn còn đầy những lông măng màu nâu ẩn hiện (photo Ara)
Bụi lá vàng nằm giữa hàng cây bạch dương bên kia sông soi mình dưới nước sông phẳng lặng, bóng như gương (photo Ara)
Cũng là những bụi hoa dại, lúc còn tươi màu sắc không có gì đặc biệt, đôi khi làm bực mình những người quét đường, vậy mà lại trổ mã, lộng lẫy lúc cuối thu (photo Ara)
.nằm ôm ấp bức tường như muốn bảo vệ nét rêu phong,… làm sao xô ngã được bức tường rêu (photo Ara) .
Nơi ngóc ngách của dòng sông (photo Ara)
Chỉ cần một cơn gió nhẹ, dòng sông phủ đầy lá vàng (photo Ara)
Bến cũ ngày xưa (photo Ara)
Người ta biết đến các loại hạc quý như hoàng hạc, bạch hạc…còn lão hạc này mỗi năm lại trở về đây một thời gian vào cuối thu, tôi hay gọi là lão « hạc giang hồ » ,sắc lông sọc trắng sọc đen nhìn rõ khi thấy giang cánh trên bầu trời. Chờ mãi lão cũng không buồn di chuyển (photo Ara)
Con sông này dành cho 1 club chèo thuyền (photo Ara)
Mùa Covid 19, nhiều nơi đóng của, không đi làm ra bờ sông cho thú ăn, thành phố cấm cho loại điểu cầm ăn, nhưng cũng là một cái thú nên chẳng ai nghe (photo Ara)
Bức tượng đồng này oằn lưng chuyên chở lá vàng có đến 100 mùa lá rụng, năm nay chắc oằn thêm vì Covid 19 đè nặng trên lưng. Liège được cho là có tỉ lệ người mắc bịnh nhièu nhất Âu châu (photo Ara)
Giáo đường tại một quãng trường lớn cũng vắng vẻ tiêu điều, chỉ còn cầu mong mùa dịch qua đi trả lại sầm uất cho khu phố (photo Ara)

Gió mùa đông đã mang hơi lạnh về, phải trang bị áo ấm, khăn quàng mỗi lần ra khỏi nhà, thật lỉnh kỉnh, khí hậu này lại thích hợp cho cô nàng Covid 19, thôi thì cũng ngăn ngừa tối đa, chắc phải bỏ bớt chuyện lang thang.
Liege ngày 2/12/2020
Ara Phát