Hoa thạch thảo – Ara Phat
Mỗi khi nhắc đến mùa thu, những bài hát về thu, hình như ai cũng nhớ đến một bài hát nổi tiếng của Phạm Duy, bài « Mùa thu chết », ông đã dịch và phổ nhạc từ bài thơ lừng danh, bài « L’adieu » của Guillaume Apollinaire :
L’adieu
Guillaume Apollinaire
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends
Guillaume Apollinaire, Alcools, 1913
Hắn thích bài dịch của Nhà thơ Bùi Giáng
Lời vĩnh biệt
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…
Một thể điệu khác hắn cũng thích khi ông viết bài « Lời vĩnh biệt » kiểu thứ hai và ông đã thêm chữ nghĩa thành 8 câu thơ lục bát dù bài « l’Adieu » chỉ có 5 câu
Ðã hái nhành kia một buổi nào
Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao
Thu còn sống sót đâu chăng nữa
Người sẽ xa nhau suốt điệu chào
Anh nhớ em quên và em cũng
Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh
Thời gian đất nhạt mờ năm tháng
Tuế nguyệt hoa đà nhị hoán tam. (Bài này ông có ghi trong quyển « Đường vào thi ca » của ông).
Loài hoa Thạch Thảo và bài thơ “ Lời vĩnh biệt “ đã dẫn chúng ta tới truyền thuyết về một chuyện tình thật buồn nhưng cũng thật lãng mạn .
“ Ngày xưa ở một ngôi làng nhỏ,có một đôi trai gái là Ami và Edible. Hai người này sống cạnh nhà nhau từ nhỏ và họ là một đôi bạn rất thân.
Khi Edible trưởng thành, trở thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, dáng người cao cao và trở thành tâm điểm của biết bao cô gái trong làng. Nhưng anh không để ý tới ai cả vì trong lòng anh đã có hình bóng của một người , người con gái mà anh yêu chính là cô bạn hồi còn bé, bây giờ cũng đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp được mô tả có làn da trắng, đôi môi nho nhỏ lôi cuốn những ai đã một lần gặp mặt, duyên dáng với mái tóc nâu bồng bềnh ôm lấy bờ vai nhỏ bé và khuôn mặt khả ái của Ami làm bao nhiêu chàng trai say đắm và mong ước có được trái tim nàng.
Không phải chỉ có cô gái làng Đình Bảng của Hoàng Cầm đòi có lá diêu bông mới lấy làm chồng, Ami chỉ đồng ý lấy ai đem về cho cô một loài hoa lạ mà nàng cảm thấy thích. Bao nhiêu chàng trai đem hoa tới nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu là không phải, mọi người đều bỏ cuộc. Ngay cả Edible cũng không tìm được cho dù là người hiểu rõ tính tình cô bạn nhất.
Một ngày mùa thu khi cả hai vào rừng hái nấm, săn thú. Trên đường về họ cùng nhau trò chuyện và ngắm cảnh rừng núi.
Bỗng Ami nói lớn, gọi Edible và chỉ cho anh một bụi hoa dại màu tim tím mọc trên vách núi cao: « Chính là nó, loài hoa ấy, Ami thích, rất thích «
Edible nhìn lên bụi hoa rồi nói với Ami:
– Ami đứng đây chờ anh, anh sẽ hái xuống cho Ami
– Không, không được. Edible ! vách núi cao và nguy hiểm lắm
– Nhưng đó là loài hoa Ami thích, Edible sẽ lấy xuống cho Ami.
– Không, Ami không cho Edible đi.
Edible nhìn Ami mỉm cười rồi nói ” đứng đây chờ anh, anh sẽ quay trở lại, sẽ mang nó xuống cho Ami, sẽ mang hạnh phúc đến cho em mãi mãi”.
Nói xong anh từ từ leo lên vách núi . Mặc cho Ami ngăn cản. Vách núi cao dựng đứng thật nguy hiểm không cẩn thận trượt chân là mất mạng ngay.
« Được rồi, cuối cùng thì Edible cũng làm được » – Edible nắm được bụi hoa trong tay quay xuống với Ami, nhưng tại sao tự nhiên anh lại cảm thấy chóng mặt quá.
Mà sao mặt đất bây giờ lại có nhiều Ami thế. Anh bình tĩnh lại, quay xuống nói với Ami: « Ami! Edible làm được rồi, anh làm được rồi nhé!”
Thả bụi hoa xuống cho Ami rồi sau đó tìm cách leo xuống. Lạ quá, đầu anh choáng váng không còn nhìn thấy gì nữa và chóng hết cả mặt. Đau quá, đã mất minh mẫn. Tay anh mỏi dần, chân không trụ vững trên vách núi nữa…
-…..không…..Ami hét lên khi thấy Edible đang rơi xuống, thả người trong không trung.
Anh quay mặt về phía Ami nói: » đừng quên anh nhé » rồi nở nụ cười mãn nguyện và anh đã đi xa, xa mãi.
Ami thẫn thờ bên bờ vực thẳm, như người mất hồn, không nói, không cười tay cầm bụi hoa tim tím ấy. Cô ngồi đó cho đến khi người trong làng tìm kiếm và đưa cô về.
Chỉ mình cô về được còn Edible đã quên đường về rồi. Đau đớn đến nỗi Ami không nhỏ được giọt nước mắt, không ăn uống gì cả, suốt ngày chỉ lặng lẽ ngồi trong vườn chăm sóc cho bụi hoa tim tím ấy, bụi hoa đã làm Edible không trở về được.
Thời gian không xóa được nỗi nhớ, cho đến một ngày cô đã chìm vào giấc ngủ dài, giấc ngủ ngàn thu, và chắc chắn một điều là trong giấc ngủ đó Ami và Edible mãi mãi bên nhau.
Có lần hắn đọc được trong 10 bài đạo ca của Phạm thiên Thư có bài « Pháp thân » làm hắn liên tưởng đến cuộc trùng phùng này dù là nơi cõi niết
Mai sau chờ nhau nhé
Đầu thai làm kiếp hoa
Chốn mây mù phiêu bạt
Chờ đợi chim hót ca.
Sau khi Ami chết đi loài hoa tim tím ấy được người dân trong làng chăm sóc cẩn thận. Ai ai cũng thương xót cho đôi tình nhân trẻ.
Đấy là chùm hoa thạch thảo. Sắp đến mùa lễ Các Thánh (toussaint) ngày thanh minh của Âu châu, những chậu hoa Bruyère (hoa thạch thảo) được đem đến những phần mộ cùng những loại cúc mà người Việt mình hay gọi là cúc họa mi.
cúc họa mi.
Hắn sống ở Bỉ gần 40 năm, năm nào đến mùa lễ Toussaint, nơi các cửa hàng hoa bán nhiều nhất vẫn là hoa « bruyère », cúc đại đóa và hoa cúc pomponnette chỉ dùng để đi tảo mộ,chứ những loại này không chưng trong nhà.
Hoa Thạch thảo (Bruyère – trong thơ của Apollinaire) không có thực ở Việt Nam . Rất nhiều người VN vẫn quen gọi cúc tím hay cúc cánh mối là hoa Thạch thảo.
Bruyère trong từ điển Pháp-Việt là Thạch thảo, không phải cúc và chỉ có mọc ở xứ ôn đới mà thôi (Nguồn gốc Châu Âu). Bruyère có màu tím mà cũng có màu khác nữa.
Hắn lại nghĩ, có lẽ theo truyền thuyết khi Ami gọi Edible và chỉ cho anh một bụi hoa dại màu tim tím mọc trên vách núi cao: « Chính là nó, loài hoa ấy, Ami thích, rất thích « nhìn thấy chùm hoa trên khe núi mà được dịch là « thạch thảo »(cỏ mọc trên đá) chăng.
Hoa Thạch thảo Âu châu là thuộc cây Bruyère (tiếng Pháp) hay Heather (tiếng Anh) còn gọi là Common Ling hay Briar, nhiều màu sắc khác nhau, người ta dùng để trang trí sân vườn
Truyền thuyết hoa Thạch Thảo gắn bó với mùa Thu . Bài thơ vĩnh biệt của Guillaume Apollinaire và dòng nhạc Phạm Duy đã giao duyên, hợp thành bản nhạc “Mùa Thu Chết” một ca khúc rất nổi tiếng trong thập niên 70 tại Sài Gòn :
« Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho!
Em nhớ cho,
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau…
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ….
Vẫn chờ… đợi em! »
(Mùa Thu Chết – Phạm Duy)
Thời tiết xoay vần đến xuân phân sang hạ chí, kế tiếp là thu phân và theo sau là đông chí. Mùa nào cũng luân lưu đến rồi đi làm gì có cái gọi là « mùa thu chết ».
Mùa Thu chẳng bao giờ chết, nó đi rồi lại trở về, có chết chăng là bao cuộc tình đã chết trong mùa Thu, tạo cảnh chia ly cho bao người tình yêu dấu đã chia tay và chẳng bao giờ trở lại theo mùa Thu… cho dù « Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ….
Vẫn chờ… đợi em! »
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/mua-thu-chet-quang-julie.mPMTqlpyDy.html
Đồi Delta Bruxelles mùa Toussaint
25/10/2022
Ara