Vườn Thơ Tài Tử là nơi hội ngộ những người có tâm hồn thơ văn.
Đây là sân chơi phi chính trị, phi lợi nhuận của những người không chuyên nghiệp về thơ văn để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Tôn chỉ của VTTT là:
Cao nhân tất hữu cao nhân trị
高人 必有高人 治
( Luôn luôn có người giỏi hơn bạn; There is always somebody better than you )
Nhắn nhủ tri âm khắp bốn phương, Duyên thơ mong giữ đặng miên trường. Hồn vương trăng gió đầy mơ mộng, Tình trải sông hồ bao mến thương. Thế sự mặc tình cơn gió bụi, Tinh thần hãy đượm nét văn chương. Đường trần dẫu đắng cay bùi ngọt, Bút vẫn dâng đời thơm ngát hương. Minh Tâm
Họa 1:
Đợi người yêu dấu
Làm trai thỏa chí tại ngàn phương,
Từ thủa xa nhau vạn dặm trường.
Mỗi độ thu về thêm nỗi nhớ,
Bao mùa lá rụng ngập niềm thương.
Mưa Ngâu mở nhạc nghe vài khúc,
Nguyệt tỏ làm thơ thảo mấy chương.
Người dấu yêu giai kỳ đã tới,
Vàng trời cúc nở gió thơm hương.
Mỹ Ngọc
Oct. 17, 2024.
Họa 2:
Gương anh dũng
Gót giày lính trận khắp muôn phương Vùng vẩy hiên ngang mọi chiến trường Khiếp đảm giáng đòn cho bọn cướp Niềm tin tạo dựng dân yêu thương Hào hùng đậm nét trang sử Việt Rạng rỡ sáng ngời tấm biểu chương Chiến đấu dấn thân không mệt mỏi Liều mình tâm nguyện hiến quê hương THT
表彰 biểu chương: Tuyên dương, tưởng lệ.
Họa 3:
Tri âm cách biệt
Tri âm nhất định phải tha phương Bát phở chia tay cảnh đoạn trường Nhớ lại ngày xưa cùng cắp sách Hôm nay cách biệt vẫn thân thương
Tang điền xảy đến không lường được Về lại thôn xưa chẳng biện chương
Mượn bút thi ca quên dĩ vãng Mong ngày hội ngộ ở quê hương
PTL
Tang điền桑田: ruộng dâu
thương hải 倉海: biển xanh Thương hải biến vi tang điền: 倉海變為桑田 là biển xanh biến làm ruộng dâu.Ý nói: việc đời luôn luôn thay đổi
biện chương辨章 : trình bày
tha hương 他鄉: quê người
Họa 4:
Khoảnh khắc
Chiều thu lá đổ khắp muôn phương
Cảnh cũ người xưa luống đoạn trường
Tan tác lá vàng rơi lả tả
Dạt dào khoảnh khắc lúc đau thương
Băn khoăn tuân thủ nhiều quy luật
Tìm hiểu chấp hành bản hiến chương
Trang sử cuộc đời ghi nhớ mãi
Trời chiều thoang thoảng gió đưa hương
Hương Lệ Oanh VA
Sept, 16.2024
Họa 5:
Đáp lời bạn xa
Chiến chinh loạn lạc tỏa muôn phương Nay góp đôi lời luận hí trường Nam tử thất thời khôn nản chí Nữ hùng gặp vận nỏ nguôi thương Cờ lau tập tánh lưu ngàn tỏ Văn bút rèn tâm giữ vạn chương Thế sự vần xoay hằng biến đổi Hẹn ngày Xuân ấm ngát lừng hương TQ Oct 20, 2024 Họa 6:
Duyên thơ
Tao đàn vọng nguyệt khắp ngàn phương Tan tác từ khi mất chiến trường Kẻ ở cam đành yên phận số Người đi lỡ dở, nén sầu thương Bể dâu bát ngát xa tầm mắt Thư bút thăng trầm vắng thảo chương Hạnh phúc đâu ngờ còn gặp lại Anh em xướng họa ngát quỳnh hương Nguyễn Cang Oct. 14, 2024
1. Tân nhạc: Tình bạn
Sáng tác: Tường Khuê Ca sĩ: Tường Nguyên, Tường Khuê
2. Cổ nhạc: Thắm tình bạn thân
Soạn giả: Bùi Vương
Nghệ sĩ: Hoàng Việt Trang & Hoàng Khiết Đang
Trăng thu dạ khúc:
Lắng nhe tiếng nhạc vọng vào trong bóng đêm Bạn nơi quê người , cách xa phương trời Bao niềm thương nhớ khôn nguôi Nhớ quê nhớ bạn trong lòng tôi chẳng vơi Ân tình bạn thân, sáng trong vô ngần Mười năm cách biệt giữ trọn trong trái tim
Câu 1:
Nhớ ngày ấy anh rời quê hương về miền xa xứ lạ. Bỏ lại sau lưng dòng sông quê êm ả, dưới bóng hoàng hôn, tím cả nỗi mong.....chờ Dòng sông quê hương với một thời niên thiếu dại khờ. Sông vẫn đày vơi con nước ròng nước lớn, Những buổi trưa hè cùng lội giỡn tung tăng Sống ở quê người anh có nhớ tôi không Hay đã lãng quên chốn đồng bưng nước nổi Quên cây cầu dừa lắt lẻo khó đi Anh với tôi đi qua rồi trượt chân cùng té.
Câu 2:
Không làm sao tôi quên được cái tuổi ngây thơ hồn nhiên trong sáng Cùng cắt cỏ chăn trâu, cùng thổi sáo trên đồng Cùng học mái trường quê và xây ước mơ hồng Cùng nắm tay nhau vượt qua ngà gian khó Càng lớn lên rồi càng lắm mộng nhiều mơ Tốt nghiệp ra trường anh lên chốn thành đô Xa dòng sông thơ, xa khung trời kỷ niệm Nhớ lắm anh ơi cái ngày đưa tiển Chân bước xa rồi còn lưu luyến không thôi.
Lý bông dừa:
Bao ngày thầm khát khao mong chờ Mười năm xa xứ hôm nay trở về quê hương Gặp nhau lòng xiết bao vui mừng Đôi bạn chung trường chung lớp ngày xưa Tình thân gắn bó keo sơn Dù tháng năm xa vời Nhưng nghĩa tình không vơi
Câu 5:
Tôi trở về đây bên dòng sông kỷ niệm, sông lúa vàng mơ thơm mùi khói quyện, giây phút bình yên lắng đọng giữa tâm....hồn
Một góc quê hương không gợn chút ưu phiền Hội ngộ cùng nhau qua bao ngày xa vắng Tìng nghĩa mặn nồng năm tháng vẫn không phai Anh lên đường theo khát vọng tương lai Tôi ở lại nơi miền quê sông nước Dẫu cách xa nhau không cùng chung bước Nhưng tình thân mãi tha thiết đong đầy
Lý con sáo:
Đêm buông lơi, trăng tắm bên dòng sông xanh Trăng vàng soi bóng long lanh Ta vui say với bóng trăng ngà Tình quê hương tha thiết đậm đà Ký ức một thời nào đâu dễ quên Mãi khắc sâu ở trong buồn tim Tuổi học trò buồn vui sớt chia Anh kể tôi nghe bao ước mơ ngày xưa
Câu 6:
Tâm sự đêm nay cho thỏa lòng mong nhớ Sông nước hậu giang là xứ sở quê mình Đẹp tươi trong ánh bình minh Dòng sông uốn lượn dáng hình quê hương Dù cho đi khắp muôn phương, bạn hiền hai tiếng vấn vương ân tình.
ARA Phát là cựu giáo chức trước 1975. Ngoài ra ARA Phát còn là sĩ quan biệt động quân biên phòng ở Tây ninh và sau 30-4-1975 bị tù ở Tây ninh. Hiện ông đang ở Bỉ .
« Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu »- Ara Phat
Học sinh chuẩn bị nhập học vào đầu tháng 9, cũng là lúc báo hiệu mùa thu lấp ló, nơi đây không có cây ngô đồng để báo hiệu mùa thu như ở Huế hay phía bắc Việt Nam, để được nghe » ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu » mà báo hiệu mùa thu bằng những chiếc lá vàng của cây Maron, người Việt chúng ta thường gọi là cây hạt dẻ.
Hạt dẻ nướng ăn được không gọi là maron mà phải gọi là Chataigne, những cây maron trồng lấy bóng mát hạt không ăn được vì độc, chuyện này trẻ nhỏ đã được giáo dục từ 5 tuổi, lúc còn ở mẫu giáo. Vào lúc quả rụng, hạt rơi vương vãi khắp các con đường có bóng mát của maron cũng là lúc các cô giáo mẫu giáo dẫn học sinh từng đoàn đi nhặt hạt rồi hướng dẫn các cháu làm thủ công. Có lần đang nhặt những hạt maron dại này để phủ lên những chậu cảnh trong nhà, khi tưới nước không bị văng đất ra ngoài, một cháu bé chạy lại dặn là « Ông ơi, cô giáo dặn hạt này không ăn được , nguy hiểm »… thế đấy cũng là một lối giáo dục cộng đồng. ….
Loại hạt dẻ ăn được gọi là chataigne, cấu tạo từ vỏ đến hạt khác maron lấy bóng mát, gai nhọn xù xì đâm buốt tay, từ cuối tháng 9 bắt đầu rơi rụng, hắn đi dạo trong rừng nhặt về luộc ăn
Vào khoảng cuối tháng 4 có đọc được một tin » 37 học sinh khối lớp 6 và 7 tại một trường học ở Nghệ An đã bị ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng rụng xuống sân trường ». Bài báo còn đưa lên hình ảnh cây ngô đồng và cả hạt nữa. Nhìn những ảnh này tôi thấy như không phải là cây « ngô đồng » mà tôi biết và có lần nhìn được nơi Phú vân Lâu của kinh thành Huế, hơn nữa cũng biết tên gọi này qua những thi ca lúc học trung học. Hình như học sinh nào cũng biết câu thơ kinh điển: Ngô đồng nhất diệp lạc Thiên hạ cộng tri thu (Chiếc lá ngô đồng rụng, mọi ngượi biết mùa thu đến) .
Cũng có nghe trong ca dao qua điệu ru ngày còn thơ Đồng Đăng có phố Kỳ lừa, Có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh . … … … Chùa này có một ông thầy, Có hòn đá tảng có cây ngô đồng . Lại còn câu ca Cây ngô đồng không trồng mà mọc Quả ngô đồng không chọc mà rơi… Lúc đi làm giáo vụ ở Rạch Giá khi có giờ nghỉ hay nghe các học sinh hát hò, có nghe qua một điệu hát lý của dân ca nam bộ, là điệu hò điệu lý gì thì không biết nhưng nghe láy đi láy lại nên cũng vào đầu « Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, tây lầu tây Thấy cô tang tình gánh nước, Tưới cây, tưới cây ngô đồng trong lòng tôi thương, Thương cô tưới cây ngô đồng… » Cây ngô đồng thuộc dòng vương giả được trồng những nơi quyền quý cao sang, chỉ dành riêng cho loại chim Phượng Hoàng mới xứng tầm đậu trên cành bích. Tản Đà trong một bài hát ả đào cũng đề cập đến cây ngô đồng « Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng nó đậu cao Anh tiếc cho em phận gái má đào Tham đồng bạc trắng mà gán mình với chú tây đen…. » Nhánh ngô đồng đâu để cho quạ, cú đặt chân, chẳng khác nào « treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng » .
Nguyễn Du mượn bóng dáng cây ngô đồng: trong Văn tế thập loại chúng sinh Não người thay buổi chiều thu Ngàn lau dặm bạc lá ngô đồng vàng. Ngô đồng là thế đấy,hợp với mùa thu mang đầy những sang trọng quý phái của thiên nhiên toàn vàng lẫn bạc đẹp đến « não người » . Ngô đồng có tên khoa học là Firmiana, loài thực vật này vì có xuất xứ rất nhiều ở Trung Hoa và các vùng Đông Á lân cận, trong đó có Việt Nam nên cũng được gọi là Chinese parasol tree .
Còn cây mà báo chí chụp ảnh đưa lên tôi biết rất rõ, chúng tôi gọi là cây BÃ ĐẬU, hay MA ĐẬU cây do người Pháp đem sang trồng nơi các trại lính để lấy bóng mát. Cây bã đậu (hay mã đậu) trong các sách thực vật có tên tiếng Việt là vông đồng hay bã đậu tây . Sở dĩ có chữ « tây » trong tên gọi là vì lại có loài ba đậu bản địa (ba đậu ta), thuộc chi Croton cùng họ, còn được gọi là điệp tây và ngô đồng. Chính vì vậy mới có sự ngộ nhận cây ngô đồng là loại này và cũng vì lý do ngôn ngữ nghe vông đồng biến thành ngô đồng, ba đậu biến thành bã đậu hoặc mã (ma) đậu. Những ai có vào trại nhập ngũ ở trung tâm huấn luyện Quang Trung trước năm 1975, đều biết những hàng cây bã đậu trồng đầy nơi các doanh trại, khu vườn Tao Ngộ, bên các giao thông hào, đã được lưu ý là cây có độc chất, những lá bã đậu rơi vào những hồ chứa nước để tắm giặt mà vô tình uống phải là Tào Tháo đuổi chạy không kịp, phải vào bịnh xá xin thuốc.
Nói đến đây nhớ lại có lần tôi bị phạt dã chiến , lúc đó ở đại đội 45E, tiểu đoàn Đinh tiên Hoàng, chỉ vì cái tội mua bịch nước ở ngoài bãi tập, tối về phải thi hành hình phạt; ba lô , súng đạn đầy đủ chạy khắp 5 đại đội xin chữ ký các sĩ quan trực, chữ ký của các quan đâu dễ cho, trước khi ký là phải chạy, bò, lết…. có đại đội bắt lấy 100 gai bã đậu trong vòng 3 phút, cái dòng gai này mọc chi chít trên thân, to nhọn có thể dùng khêu ốc luộc ăn được, dùng lưỡi lê chưa biết làm sao cho nhanh, lấy nón sắt cào thử, gai rụng ào ào. Chỉ kéo vài nón sắt là được hơn 100 gai. Quả bã đậu lúc khô bung ra từng múi, nhìn có hình dạng như con cá heo(dauphin), trong quân trường nhiều người lúc rảnh rỗi hay khắc thêm vào hình dạng này cho sống động, lấy cira dánh giầy chùi bóng làm quà cho em gái hậu phương. Những quả khô này lúc còn học tiểu học khoảng cuối thập niên 50, tụi nhỏ chúng tôi hay chui hàng rào vào nhặt ở trại lính thành Ô Ma (Camps Aux Mares) . Đem về nạy lấy hột chơi nhưng đứa trẻ nào cũng biết là trái độc, thầy giáo còn hướng dẫn cho vẽ những múi được tách ra từ quả
Chuyện học sinh Nghệ An ngộ độc, tôi cho rằng nhà trường và thầy cô hoàn toàn chịu trách nhiệm, một tấm biển gắn vào thân cây ghi rõ » nguy hiểm, ăn chết người » có khó lắm không, nhà trường không làm, thầy cô trong những giờ sinh hoạt cũng không hướng dẫn, phổ biến, đâu có mất nhiều thời gian. Trốn tránh trách nhiệm bằng cách đốn bỏ hết tất cả trên địa bàn tỉnh Nghệ An là không phải cách, mình là thầy là đại diện cho giáo dục đâu thể phi giáo dục được, hay do cây đã lớn có thể khai thác gỗ mà thừa dịp học sinh ngộ độc, để trồng loại khác. Vài hôm nữa lại đấu thầu, lại quà cáp. Sở đúng là « được ăn, được nói, được gói mang về », chỉ tội nghiệp phụ huynh học sinh lại phải đóng góp trồng cây xanh lấy bóng mát. Xem trên mạng quảng cáo của các cửa hàng cây xanh đã « treo đầu dê, bán thịt chó », vông đồng, bã đậu đều được ghi là « NGÔ ĐỒNG » lại còn những bài báo ca ngợi lợi ích của ngô đồng tốt từ rễ đến hoa lá quả, chẳng trách có chuyện ngộ độc cho con trẻ !
Mùa Covid 19 năm nay, không nhìn thấy các cháu bé tung tăng đi nhặt hạt maron, thành phố vừa được tháo bỏ giới nghiêm, các quán xá mở cửa trở lại sau gần 3 tháng ngưng hoạt động. Khí hậu ôn đới cũng không thích hợp với cây ngô đồng, thay thế báo hiệu mùa thu là khi lá maron rơi rụng, không khí đã có mùi thu đến . Câu kinh điển ngày trước cũng được Ara thay đổi nửa tây nửa tàu « Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu »
Người ta biết đến các loại hạc quý như hoàng hạc, bạch hạc…còn lão hạc này mỗi năm lại trở về đây một thời gian vào cuối thu, tôi hay gọi là lão « hạc giang hồ » ,sắc lông sọc trắng sọc đen nhìn rõ khi thấy giang cánh trên bầu trời. Chờ mãi lão cũng không buồn di chuyển (photo Ara)Con sông này dành cho 1 club chèo thuyền (photo Ara)Mùa Covid 19, nhiều nơi đóng của, không đi làm ra bờ sông cho thú ăn, thành phố cấm cho loại điểu cầm ăn, nhưng cũng là một cái thú nên chẳng ai nghe(photo Ara)Bức tượng đồng này oằn lưng chuyên chở lá vàng có đến 100 mùa lá rụng, năm nay chắc oằn thêm vì Covid 19 đè nặng trên lưng. Liège được cho là có tỉ lệ người mắc bịnh nhièu nhất Âu châu (photo Ara)Giáo đường tại một quãng trường lớn cũng vắng vẻ tiêu điều, chỉ còn cầu mong mùa dịch qua đi trả lại sầm uất cho khu phố (photo Ara)
Gió mùa đông đã mang hơi lạnh về, phải trang bị áo ấm, khăn quàng mỗi lần ra khỏi nhà, thật lỉnh kỉnh, khí hậu này lại thích hợp cho cô nàng Covid 19, thôi thì cũng ngăn ngừa tối đa, chắc phải bỏ bớt chuyện lang thang. Liege ngày 2/12/2020 Ara Phát