25 tháng 10, 2024

Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu _Ara Phat

 Lời nói đầu:

ARA Phát là cựu giáo chức trước 1975. Ngoài ra ARA Phát còn là sĩ quan biệt động quân biên phòng ở Tây ninh và sau 30-4-1975 bị tù ở Tây ninh. Hiện ông đang ở Bỉ .

« Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu »- Ara Phat

Hạt dẻ nướng ăn được không gọi là maron mà phải gọi là Chataigne, những cây maron trồng lấy bóng mát hạt không ăn được vì độc, chuyện này trẻ nhỏ đã được giáo dục từ 5 tuổi, lúc còn ở mẫu giáo.
Vào lúc quả rụng, hạt rơi vương vãi khắp các con đường có bóng mát của maron cũng là lúc các cô giáo mẫu giáo dẫn học sinh từng đoàn đi nhặt hạt rồi hướng dẫn các cháu làm thủ công. Có lần đang nhặt những hạt maron dại này để phủ lên những chậu cảnh trong nhà, khi tưới nước không bị văng đất ra ngoài, một cháu bé chạy lại dặn là « Ông ơi, cô giáo dặn hạt này không ăn được , nguy hiểm »… thế đấy cũng là một lối giáo dục cộng đồng. ….

Đây là loại maron dại, hạt không ăn được, trồng để lấy bóng mát, khác từ lá, cách đơm hoa cho đến vỏ, hạt khác xa với loại Chataigne hay hạt dẻ ăn được.

Loại hạt dẻ ăn được gọi là chataigne, cấu tạo từ vỏ đến hạt khác maron lấy bóng mát, gai nhọn xù xì đâm buốt tay, từ cuối tháng 9 bắt đầu rơi rụng, hắn đi dạo trong rừng nhặt về luộc ăn

Vào khoảng cuối tháng 4 có đọc được một tin  » 37 học sinh khối lớp 6 và 7 tại một trường học ở Nghệ An đã bị ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng rụng xuống sân trường ».
Bài báo còn đưa lên hình ảnh cây ngô đồng và cả hạt nữa. Nhìn những ảnh này tôi thấy như không phải là cây « ngô đồng » mà tôi biết và có lần nhìn được nơi Phú vân Lâu của kinh thành Huế, hơn nữa cũng biết tên gọi này qua những thi ca lúc học trung học. Hình như học sinh nào cũng biết câu thơ kinh điển:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(Chiếc lá ngô đồng rụng, mọi ngượi biết mùa thu đến) .

Cũng có nghe trong ca dao qua điệu ru ngày còn thơ
Đồng Đăng có phố Kỳ lừa,
Có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh .
… … …
Chùa này có một ông thầy,
Có hòn đá tảng có cây ngô đồng .
Lại còn câu ca
Cây ngô đồng không trồng mà mọc
Quả ngô đồng không chọc mà rơi…
Lúc đi làm giáo vụ ở Rạch Giá khi có giờ nghỉ hay nghe các học sinh hát hò, có nghe qua một điệu hát lý của dân ca nam bộ, là điệu hò điệu lý gì thì không biết nhưng nghe láy đi láy lại nên cũng vào đầu
« Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, tây lầu tây
Thấy cô tang tình gánh nước,
Tưới cây, tưới cây ngô đồng
trong lòng tôi thương,
Thương cô tưới cây ngô đồng… »
Cây ngô đồng thuộc dòng vương giả được trồng những nơi quyền quý cao sang, chỉ dành riêng cho loại chim Phượng Hoàng mới xứng tầm đậu trên cành bích.
Tản Đà trong một bài hát ả đào cũng đề cập đến cây ngô đồng
« Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng
Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng nó đậu cao
Anh tiếc cho em phận gái má đào
Tham đồng bạc trắng mà gán mình với chú tây đen…. »
Nhánh ngô đồng đâu để cho quạ, cú đặt chân, chẳng khác nào « treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng » .

Nguyễn Du mượn bóng dáng cây ngô đồng: trong Văn tế thập loại chúng sinh
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau dặm bạc lá ngô đồng vàng.
Ngô đồng là thế đấy,hợp với mùa thu mang đầy những sang trọng quý phái của thiên nhiên toàn vàng lẫn bạc đẹp đến « não người » . Ngô đồng có tên khoa học là Firmiana, loài thực vật này vì có xuất xứ rất nhiều ở Trung Hoa và các vùng Đông Á lân cận, trong đó có Việt Nam nên cũng được gọi là Chinese parasol tree .

Lá cây ngô đồng có hình dáng như chân vịt khác hẳn với lá cây bã đậu(vông đồng)
(photo internet)

Hoa cây Ngô Đồng (photo inhternet)
Thân cây Ngô Đồng (photo inetrnet)

Còn cây mà báo chí chụp ảnh đưa lên tôi biết rất rõ, chúng tôi gọi là cây BÃ ĐẬU, hay MA ĐẬU cây do người Pháp đem sang trồng nơi các trại lính để lấy bóng mát.
Cây bã đậu (hay mã đậu) trong các sách thực vật có tên tiếng Việt là vông đồng hay bã đậu tây . Sở dĩ có chữ « tây » trong tên gọi là vì lại có loài ba đậu bản địa (ba đậu ta), thuộc chi Croton cùng họ, còn được gọi là điệp tây và ngô đồng. Chính vì vậy mới có sự ngộ nhận cây ngô đồng là loại này và cũng vì lý do ngôn ngữ nghe vông đồng biến thành ngô đồng, ba đậu biến thành bã đậu hoặc mã (ma) đậu.
Những ai có vào trại nhập ngũ ở trung tâm huấn luyện Quang Trung trước năm 1975, đều biết những hàng cây bã đậu trồng đầy nơi các doanh trại, khu vườn Tao Ngộ, bên các giao thông hào, đã được lưu ý là cây có độc chất, những lá bã đậu rơi vào những hồ chứa nước để tắm giặt mà vô tình uống phải là Tào Tháo đuổi chạy không kịp, phải vào bịnh xá xin thuốc.

Nói đến đây nhớ lại có lần tôi bị phạt dã chiến , lúc đó ở đại đội 45E, tiểu đoàn Đinh tiên Hoàng, chỉ vì cái tội mua bịch nước ở ngoài bãi tập, tối về phải thi hành hình phạt; ba lô , súng đạn đầy đủ chạy khắp 5 đại đội xin chữ ký các sĩ quan trực, chữ ký của các quan đâu dễ cho, trước khi ký là phải chạy, bò, lết…. có đại đội bắt lấy 100 gai bã đậu trong vòng 3 phút, cái dòng gai này mọc chi chít trên thân, to nhọn có thể dùng khêu ốc luộc ăn được, dùng lưỡi lê chưa biết làm sao cho nhanh, lấy nón sắt cào thử, gai rụng ào ào. Chỉ kéo vài nón sắt là được hơn 100 gai. Quả bã đậu lúc khô bung ra từng múi, nhìn có hình dạng như con cá heo(dauphin), trong quân trường nhiều người lúc rảnh rỗi hay khắc thêm vào hình dạng này cho sống động, lấy cira dánh giầy chùi bóng làm quà cho em gái hậu phương.
Những quả khô này lúc còn học tiểu học khoảng cuối thập niên 50, tụi nhỏ chúng tôi hay chui hàng rào vào nhặt ở trại lính thành Ô Ma (Camps Aux Mares) . Đem về nạy lấy hột chơi nhưng đứa trẻ nào cũng biết là trái độc, thầy giáo còn hướng dẫn cho vẽ những múi được tách ra từ quả

Tàn cây Bã Đậu( Vông Đồng) Lá hình quả tim (photo internet)
Hoa Bã Đậu( Vông Đồng) (photo internet)
Cây bã đậu hay Vông đồng có tên khoa học là Cây Hura crepitans nguồn gốc từ nước nhiệt đới ở châu Mỹ, nhưng
trồng phổ biến ở hầu hết nước nhiệt đới làm cây bóng mát ven đường và vườn hoa.(photo internet)

Chuyện học sinh Nghệ An ngộ độc, tôi cho rằng nhà trường và thầy cô hoàn toàn chịu trách nhiệm, một tấm biển gắn vào thân cây ghi rõ  » nguy hiểm, ăn chết người » có khó lắm không, nhà trường không làm, thầy cô trong những giờ sinh hoạt cũng không hướng dẫn, phổ biến, đâu có mất nhiều thời gian. Trốn tránh trách nhiệm bằng cách đốn bỏ hết tất cả trên địa bàn tỉnh Nghệ An là không phải cách, mình là thầy là đại diện cho giáo dục đâu thể phi giáo dục được, hay do cây đã lớn có thể khai thác gỗ mà thừa dịp học sinh ngộ độc, để trồng loại khác. Vài hôm nữa lại đấu thầu, lại quà cáp. Sở đúng là « được ăn, được nói, được gói mang về », chỉ tội nghiệp phụ huynh học sinh lại phải đóng góp trồng cây xanh lấy bóng mát.
Xem trên mạng quảng cáo của các cửa hàng cây xanh đã « treo đầu dê, bán thịt chó », vông đồng, bã đậu đều được ghi là « NGÔ ĐỒNG » lại còn những bài báo ca ngợi lợi ích của ngô đồng tốt từ rễ đến hoa lá quả, chẳng trách có chuyện ngộ độc cho con trẻ !

Quả bã đậu lúc còn tươi (photo internet)
Quả bã đậu khô có thể bung ra từng múi, nhìn có hình thù cá heo khắc thêm con mắt, dùi 1 lỗ xỏ sợi dây kèm theo tấm thẻ bài,sợi dây chuyền cũng thấy Hippy lắm (photo internet)


Mùa Covid 19 năm nay, không nhìn thấy các cháu bé tung tăng đi nhặt hạt maron, thành phố vừa được tháo bỏ giới nghiêm, các quán xá mở cửa trở lại sau gần 3 tháng ngưng hoạt động. Khí hậu ôn đới cũng không thích hợp với cây ngô đồng, thay thế báo hiệu mùa thu là khi lá maron rơi rụng, không khí đã có mùi thu đến . Câu kinh điển ngày trước cũng được Ara thay đổi nửa tây nửa tàu « Maron nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu »

Cây maron đâm chồi mùa xuân sớm, nên lá vàng cũng đến trước những loại cây khác, chụp từ một quán nước bên đường vào cuối tháng 8 (photo Ara) .
Trên dòng sông một bên là hàng maron, còn bên kia trồng loại giống như cây Erasme, có lá hình chân vịt, maron lá vàng sớm hơn bên kia khoảng 2 tuần vì thế một bên lá vẫn còn xanh (photo Ara)
Nủa tháng sau có sự đổi chiều, hàng maron đã trơ cành (photo Ara)
Những tàn cây bị lực hấp dẫn của nước, lúc học vạn vật gọi hiện tượng này là thủy hướng động, không biết Ara còn nhớ chính xác không. Nhờ hiện tượng này đường đi như có 1 vòm lá mạ vàng bao phủ (photo Ara)
Quai Ardenne rộ vàng sắc thu rải rác trên con đường đi dạo (photo Ara)
Trên những chòm cây; chỉ có mùa thu mới rực rỡ muôn màu (photo Ara)
Một màu xanh xanh; chấm thêm màu vàng…một bức tranh hài hòa màu sắc của thiên nhiên (photo Ara)
Ngay cả đường đi, vệ cỏ cũng trải thảm sắc màu (photo Ara)
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau dặm bạc lá ngô đồng vàng. (photo Ara)
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc ….màu vàng bắt mắt quá Ara mua về tặng Ara vợ, sẵn ghi vào ống kính (photo Ara)
Cũng may, hôm nay không có cặp tình nhân nào trong nhà thủy tạ mới có thể thu vào ống kính cảnh êm đềm này(photo Ara)
Chỉ là hoa đồng cỏ nội ven bờ nước,không biết tên gọi là gì nhưng đúng thời điểm nở rộ, màu sắc đã lôi cuốn Ara cho vào tầm ngắm
Thích ngắm nhìn những dòng sông nhất là khúc quành của con sông, lại có cả chiếc cầu sắt lót ván có đến gần 100 năm cũng được tu bổ thường xuyên,nay chỉ dành cho khách bộ hành, cấm các phuong tiện giao thông khác trừ loại xe hai bánh (photo Ara)
Cặp thiên nga năm nay có 5 thiên nga con, lúc tôi chụp chỉ còn 2, đã 5 tháng tuổi, to xác bằng bố mẹ nhưng vẫn còn đầy những lông măng màu nâu ẩn hiện (photo Ara)
Bụi lá vàng nằm giữa hàng cây bạch dương bên kia sông soi mình dưới nước sông phẳng lặng, bóng như gương (photo Ara)
Cũng là những bụi hoa dại, lúc còn tươi màu sắc không có gì đặc biệt, đôi khi làm bực mình những người quét đường, vậy mà lại trổ mã, lộng lẫy lúc cuối thu (photo Ara)
.nằm ôm ấp bức tường như muốn bảo vệ nét rêu phong,… làm sao xô ngã được bức tường rêu (photo Ara) .
Nơi ngóc ngách của dòng sông (photo Ara)
Chỉ cần một cơn gió nhẹ, dòng sông phủ đầy lá vàng (photo Ara)
Bến cũ ngày xưa (photo Ara)
Người ta biết đến các loại hạc quý như hoàng hạc, bạch hạc…còn lão hạc này mỗi năm lại trở về đây một thời gian vào cuối thu, tôi hay gọi là lão « hạc giang hồ » ,sắc lông sọc trắng sọc đen nhìn rõ khi thấy giang cánh trên bầu trời. Chờ mãi lão cũng không buồn di chuyển (photo Ara)
Con sông này dành cho 1 club chèo thuyền (photo Ara)
Mùa Covid 19, nhiều nơi đóng của, không đi làm ra bờ sông cho thú ăn, thành phố cấm cho loại điểu cầm ăn, nhưng cũng là một cái thú nên chẳng ai nghe (photo Ara)
Bức tượng đồng này oằn lưng chuyên chở lá vàng có đến 100 mùa lá rụng, năm nay chắc oằn thêm vì Covid 19 đè nặng trên lưng. Liège được cho là có tỉ lệ người mắc bịnh nhièu nhất Âu châu (photo Ara)
Giáo đường tại một quãng trường lớn cũng vắng vẻ tiêu điều, chỉ còn cầu mong mùa dịch qua đi trả lại sầm uất cho khu phố (photo Ara)

Gió mùa đông đã mang hơi lạnh về, phải trang bị áo ấm, khăn quàng mỗi lần ra khỏi nhà, thật lỉnh kỉnh, khí hậu này lại thích hợp cho cô nàng Covid 19, thôi thì cũng ngăn ngừa tối đa, chắc phải bỏ bớt chuyện lang thang.
Liege ngày 2/12/2020
Ara Phát