11 tháng 1, 2025

‘Kim Long Xích Phượng,’ bản tuồng hát bội cổ chữ Nôm_Nguyễn Văn Sâm dịch

 


Giáo sư Nguyễn Văn Sâm:Tiến Sĩ, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Sài Gòn, 1970. Cựu giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài gòn.

‘Kim Long Xích Phượng,’ bản tuồng hát bội cổ chữ Nôm, ra mắt tại Little Saigon

Văn Lan

WESTMINSTER, California (NV) – “Kim Long Xích Phượng,” một tuồng hát bội cổ vô danh của miền Nam Việt Nam viết bằng chữ Nôm, được giới thiệu tại Viện Việt Học, Westminster, vào chiều Chủ Nhật, 1 Tháng Mười Hai.


Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và tác phẩm bản tuồng hát bội chữ Nôm “Kim Long Xích Phượng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).

Bản tuồng này do Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm quốc ngữ và sơ chú, Nguyễn Hiền Tâm hiệu đính, và Nguyễn Anh Tú biên tập. Bản tuồng này ra đời, lưu truyền trong dân gian cách nay khoảng hơn hai thế kỷ.

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm giải thích rằng vào thế kỷ 19 có sự cộng tác đặc biệt của một số người Minh Hương ở Chợ Lớn và các nhà khắc bản gỗ ở vùng Phật Trấn (Quảng Đông, Trung Hoa) thực hiện, in và phát hành sâu rộng những tác phẩm Việt Nam viết bằng chữ Nôm, kéo dài cả trăm năm. Đó là cả một gia tài văn hóa quý báu của người Việt nhưng đã chìm sâu trong lãng quên từ lâu, không ai biết đến.

Nói về “Kim Long Xích Phượng,” Giáo Sư Trần Huy Bích giới thiệu tuy nội dung xưng là “Tống Trào” (triều Tống), nhưng đây không phải là một vở tuồng lịch sử về đời Tống bên Trung Hoa, có vẻ không dựa trên một truyện Tàu nào, nhưng tác giả đã mô phỏng nhiều chỗ để viết nên.


Nghệ nhân hát bội Hiếu Đệ diễn tả một trích đoạn trong bản tuồng hát bội “Kim Long Xích Phượng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).

Trong bản chữ Nôm, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm đã chia “Kim Long Xích Phượng” làm ba hồi. Hồi 1: Thâm cung bí sử. Hồi 2: Long Phụng thành nhơn. Hồi 3: Chánh biến và binh biến. Trong mỗi hồi lại có những đoạn, những phân cảnh khác nhau.

Tuồng này kể chuyện Vua Tống Minh Quân từ lâu chưa có con, nhân lúc đất nước thanh bình đi du ngoạn, đến vùng Bạch Lãnh Sơn gặp con gái của Thọ Lão là nàng Minh Châu xinh đẹp bèn xin rước nàng vào cung, phong ngôi Thứ Hậu. Một hôm nàng mơ thấy có rồng bay phượng múa, nhập vào thân mình, vua vời quan Binh Bộ Thị Lang vào chầu, quan đoán rằng Thứ Hậu sẽ mang thai và sẽ sinh một trai một gái.

Chánh Cung Hoàng Hậu là Trịnh Xuân Nương đem lòng ghen ghét, nhân lúc Minh Châu sanh nở mê man bèn đem một con sói đen và một con thỏ trắng tráo vào, rồi tâu vua rằng Thứ Hậu sinh ra quái thai. Vua nổi giận truyền gia hình quan Thị Lang và đem Thứ Hậu dìm chết cùng quái thai. May nhờ em trai ruột của vua là Ngự Đệ khuyên can nên vua tha tội quan Thị Lang, giáng Thứ Hậu xuống làm cung nữ lo việc quét dọn vườn hoa, và đem hai quái thai quăng xuống sông.


Ông Võ Văn Thiệu, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, mong ước “Chữ Nôm sẽ được lưu truyền mãi đến thế hệ mai sau.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).

Hai trẻ sơ sinh bị thả trôi sông đến vùng Bạch Lãnh Sơn, may nhờ Thọ Lão (cha của Thứ Hậu, ông ngoại của hai hài nhi sơ sinh) tình cờ vớt được. Ông đem về nuôi dưỡng, đặt tên trai là Kim Long, gái là Xích Phượng. Thượng đế sai tiên ông giáng trần truyền dạy văn võ cho Kim Long. Sau khi thành tài, quay về truyền lại cho em gái là Xích Phượng.

Sau đó Thọ Lão đem di vật ngày xưa ra trao lại cho Long, Phượng, hai anh em lên đường đến Kinh đô, gặp được Ngự Đệ (em vua). Ngự Đệ đem Long, Phượng vào cung tâu, vua truyền tất cả mọi người ra đối chất rồi nhận lại con, khôi phục ngôi Thứ Hậu cho Minh Châu.

Trong lúc này anh trai của Chánh Cung là Trịnh Lân Hầu giữ chức Thái Sư mưu sự phản nghịch, câu kết quân nước Phiên để cướp đoạt ngôi vua khi Tống Minh Quân thọ bệnh thăng hà. Hoàng Tử Kim Long, Công Chúa Xích Phượng cùng mẹ được sự bảo vệ của các trung thần đoàn kết chống lại phản tặc. Kết quả quân của Hoàng Tử đại thắng, tru di toàn gia Trịnh tộc, ban thưởng cho các công thần.

Vở tuồng hát bội đề cao điều thiện, lòng trung nghĩa, và nêu triết lý nhân quả báo ứng, và đó cũng là luân lý phổ thông trong nhân gian.

Giáo Sư Ngự Thuyết thì cho rằng những khán giả bình dân, vì không hiểu hết ý nghĩa, chữ nghĩa hát bội, nên chỉ cần tuồng tích hay, điệu bộ diễn tả đẹp trên sân khấu là đủ thích rồi.


Các vị giáo sư và thân hữu trong buổi ra mắt bản tuồng cổ chữ Nôm “Kim Long Xích Phượng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt).

Ông Võ Văn Thiệu, thuộc Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, một trong những học trò chữ Nôm của Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, nói: “Ông bà mình ngày xưa vì không muốn bị nô lệ đồng hóa với Tàu, vì muốn giữ gìn bản sắc dân tộc Việt nên sáng chế ra chữ Nôm. Mong rằng văn hóa xưa và nay của Việt Nam được đưa vào chương trình học của các em, sẽ bảo tồn và phát triển thêm chữ Nôm cho thế hệ mai sau.”

Buổi ra mắt sách thêm phần sôi nổi khi ông Hiếu Đệ, một nghệ nhân hát bội, là học trò của cố Giáo Sư Dương Ngọc Bầy, lên đọc vài trích đoạn trong sách bằng lối diễn tuồng trên sân khấu, cùng các bạn trẻ hát những bản nhạc đậm tình quê hương.

Cô giáo Trương Minh Túy, dạy chương trình song ngữ Anh-Việt tại Học Viện Ngôn Ngữ DeMille (trước đây là trường tiểu học DeMille) ở Midway City, cho hay: “Tôi sẽ giới thiệu cho các em học sinh biết thêm về văn hóa, từ ngữ Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến qua những câu chuyện kể, bài thơ, tuồng tích. Đây là dịp giúp các em trẻ thấy lại mặt chữ xưa và sự tiến triển chữ quốc ngữ Việt Nam, qua đó biết được đời sống, văn hóa, từ xưa đến nay là như thế nào.”

Theo ban tổ chức, chữ Nôm rất phong phú ở miền Nam vào cuối thế kỷ 19, tuồng “Kim Long Xích Phượng” là một trong những tác phẩm có giá trị cao về văn chương chữ Nôm, một tài sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

10 tháng 1, 2025

Chú chim trả ơn người phụ nữ mắc ung thư

 

Được cứu sống, chú chim trả ơn người phụ nữ mắc ung thư theo cách đặc biệt: Đến bác sĩ cũng bất ngờ
Cuộc gặp tình cờ của người phụ nữ và chú chim hấp hối

Năm 2013, Tina, một người phụ nữ sinh sống ở Florida, Mỹ như thường lệ đi dạo trong vườn nhà mình thì bất ngờ nhìn thấy một con chim sắp chết nằm trên mặt đất. Nó cuộn tròn cơ thể thành một quả bóng và nằm đó bất động, thở rất yếu ớt.

Không chút do dự, cô mang chú chim về nhà chăm sóc và đặt tên là Gracie. Vốn đã quen với việc nuôi chó mèo, Tina nghĩ rằng việc chăm sóc một chú chim sẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn cô tưởng.


Chú chim được Tina tìm thấy trong vườn nhà không thể tự ăn thức ăn cứng. (Ảnh: Sohu)

Con chim không thể tự ăn. Sức của nó ngày càng yếu khiến Tina vô cùng lo lắng. Cô đã hỏi khắp nơi, đăng lên mạng xã hội về tình hình của chú chim.

May mắn thay, lời khuyên từ các chuyên gia về chim đã giúp Tina tìm ra cách chăm sóc Gracie. Cô kiên trì nghiền nhỏ thức ăn, chế biến chúng thành dạng lỏng để Gracie dễ dàng tiêu hóa. Dưới sự chăm sóc tận tình của Tina, Gracie dần hồi phục và mạnh khỏe. Nó dần thân thiết và trở thành thành viên mới trong gia đình.

Kể từ khi Gracie đến, ngôi nhà này dường như đột nhiên có thêm nhiều sức sống. Chồng và con gái cô đều rất yêu quý Gracie. Con gái cô thường chạy đến chỗ Gracie sau giờ học mỗi ngày để cho nó ăn hoặc kể cho nó nghe một số bí mật nhỏ của cô bé. Chồng Tina còn chia sẻ câu chuyện về Gracie trên blog cá nhân và nhận được sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng mạng. Hình ảnh đáng yêu của Gracie bên cạnh người chủ là một đô vật đã tạo nên sự đối lập thú vị, khiến chú chim nhỏ này nhanh chóng trở thành "ngôi sao" trên mạng xã hội.

Thời gian trôi qua nhanh chóng, Gracie từ một chú chim có màu lông xám đã dần mọc ra những bộ lông màu xanh và trở nên xinh đẹp.

Họ đã xác định Gracie là chim Blue Crown Jay – chim giẻ cùi lam, một loài chim thuộc họ Quạ, là loài bản địa của Bắc Mỹ.

Giẻ cùi lam thường có màu lam với ức và bụng màu trắng, và mào màu lam. Nó có vòng lông hình chữ U màu đen quanh cổ và viền đen sau mào. Không có sự khác biệt về kích thước và bộ lông giữa con đực và cái, và bộ lông không thay đổi trong năm.

Giẻ cùi lam ăn chủ yếu là các loại hạt, cây sồi, trái cây mềm, động vật chân đốt, và thỉnh thoảng ăn các loài động vật có xương sống nhỏ. Chúng đặc biệt nhặt thức ăn từ cây, cây bụi, và trên mặt đất, mặc dù đôi khi săn bắt côn trùng. Cả chim bố và mẹ cùng xây tổ hình chiếc cốc hở trên nhánh cây. Tổ có thể chứa 2 đến 7 trứng, các trứng có màu lam hoặc nâu nhạt với các đốm màu nâu. Chim mới nở được mẹ mớm mồi trong vòng 8-12 ngày. Chúng ở trong tổ cùng chim bố mẹ trong vòng 1 đến 2 tháng trước khi rời tổ.

Đây một loài chim có trí thông minh cao và khả năng thích nghi tốt. Chim giẻ cùi lam đã được đưa vào Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn Thế giới và là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ .

Sau khi năm được thông tin đó, Tina mới nhận ra Gracie quý giá biết bao.

Gracie sống rất hạnh phúc trong ngôi nhà của Tina. Tuy nhiên, Tina nhận ra rằng chim giẻ cùi lam là loài chim cần sống trong môi trường tự nhiên nên cô quyết định thả Gracie về với thiên nhiên.

Mặc dù đã được trả về tự nhiên, Gracie vẫn bay về thăm gia đình Tina mỗi ngày. Tina đã cố gắng giúp Gracie thích nghi với cuộc sống hoang dã. Nhưng Gracie vẫn kiên quyết lựa chọn trở về. Sau một cuộc họp gia đình, họ quyết định tôn trọng lựa chọn của Gracie và không ép buộc chú chim nhỏ phải rời đi nữa. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn với sự gắn bó và yêu thương giữa Gracie và gia đình Tina.

Tuy nhiên, biến cố bất ngờ ập đến. Tina được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng. Cả gia đình chìm trong tuyệt vọng. Nhưng đúng lúc này, sự xuất hiện của Gracie đã trở thành liều thuốc tinh thần kỳ diệu cho Tina.

Dường như linh tính được sự việc, Gracie không rời Tina. Chú chim luôn ở bên cạnh cô mỗi khi cô ở nhà. Tina cảm thấy những cơn đau của mình đã vơi đi rất nhiều. Gracie như một "dòng suối" trong veo, mang lại sự mát mẻ dễ chịu cho cô.

Tâm trạng của Tina ngày càng tốt hơn, cô ấy dường như ngày càng tràn đầy năng lượng, khuôn mặt ngày càng hồng hào và mọi thứ dường như đang phát triển theo hướng tích cực.

Sau một thời gian, Tina thậm chí còn có thể tự ra khỏi giường, sau đó cô có thể dựa vào nỗ lực của bản thân để đi bộ từ phòng ngủ ra khu vườn nhỏ mỗi ngày để tắm nắng và nghe tiếng ríu rít của Gracie. Điều này khiến chồng và con gái đều cảm thấy vui mừng. Sự đồng hành của Gracie như một phép màu đã giúp Tina dần hồi phục. Một điều kỳ diệu về y học đã xảy ra khiến các bác sĩ cũng cảm thấy bất ngờ.

Chồng của Tina đã viết câu chuyện cảm động này thành một cuốn sách mang tên "Cuộc phiêu lưu hoang dã của Gracie". Cuốn sách không chỉ được độc giả đón nhận nồng nhiệt mà còn mang đến một khoản tiền cho gia đình họ.

Câu chuyện về Gracie đã cho chúng ta biết rằng rằng, phép màu có thể tồn tại ở bất kỳ đâu trong cuộc sống. Và sợi dây liên kết giữa con người và động vật có thể sâu sắc hơn chúng ta tưởng.



VietBF@ Sưu tập

https://vietbf.com/forum/showthread.php?t=2001638

07 tháng 1, 2025

Karaoke_Song Thao

 

"Ca Ra Là OK" 

 

 Karaok 1


“Karaoke” là tiếng Việt, có nghĩa là cứ “ca ra là OK”. Vậy là dân ta thoải mái ca ra, dù nhiều khi chẳng OK chút nào. Trong mùa dịch cô Vi này, người người ở nhà, thiếu thú vui giải trí, người ta đâm ra thích “ca ra OK”. Tại Việt Nam, karaoke đã trở thành đại nạn, không biết có trầm trọng hơn dịch bệnh không, nhưng đủ để dân chúng la làng.


Người ta hát thoải mái bất kể giờ giấc, nửa đêm vẫn cứ đua nhau gào làm náo động khu phố. Tôi đọc được trên Facebook lời than của một bạn ở Sài Gòn: “Nó hát ngày, hát đêm, hát thêm Chủ Nhật, hát tràn cung mây, hát không cho ai ngủ. Nó chuyển sang “Vùng Lá Me Bay” mà giọng lúc thì ồm ồm, lúc thì rít sần sật lên như thế thì lá bay sao được, bay kiểu gì mà từ trưa tới tối vẫn chẳng hết lá!”.

Ngoài nước, phong trào karaokecủa người Việt hải ngoại rộ lên vào thập niên 1990 của thế kỷ trước. Hầu như nhà nào cũng có dàn máy. Có từ hai người trở lên là có thể gân cổ lên được rồi. Nhưng hát như vậy uổng. Giọng vàng phải được nhiều người thưởng thức.

Vậy là chia tua nhau, mỗi cuối tuần tới một nơi, ăn uống rồi karaoke. Càng đông càng hào hứng. Tự nhiên có nhiều người bỗng khám phá ra mình có tài ca hát. Tôi không có tài gân cổ nhưng vẫn không thoát được karaoke. Một lần, một anh bạn xưa từ Mỹ qua chơi, mời tôi tới nhà người em gặp gỡ một tối. Bắt buộc phải tới. Bạn cũ rích cũ rang từ thời thư sinh được coi như rượu lâu năm, càng …già càng quý. Dưới sous-sol tập họp khoảng dăm chục người.

Tới giờ hát mới thấy hầu hết những người có mặt đều là ca sĩ. Số người không biết hát hỏng chi như tôi chỉ dăm người. Vậy là màn giới thiệu mở đầu chương trình chỉ giới thiệu dăm vị khán giả. Các ca sĩ ngồi vỗ tay. Họ quý khán giả vì ít khi có người tới không hát mà chịu khó ngồi nghe. Nghe được vài bài, tôi khều anh bạn chẩu ra ngoài quán cà phê. Tự nghĩ mình có tội tình chi đâu mà phải chịu cực hình!

Thực ra karaoke là tiếng Nhật. Vì có sự trùng âm lại na ná có ý nghĩa theo tiếng Việt nên tôi “phán” là tiếng Việt cho vui. Phải trả lại người Nhật ngôn ngữ của họ. Tiếng Nhật, kara có nghĩa là “không”, oke là “dàn nhạc”. Karaoke là hát không cần dàn nhạc. Người bắt cả thế giới ngoác miệng ra là ông Daisuke Inoue.

Năm nay ông đúng 80 tuổi, đang sống tại Nishinomiya, phía đông thành phố Osaka, cùng vợ, một cô con gái, ba đứa cháu ngoại và bảy con chó. Ông nguyên là một tay trống trong các ban nhạc. Một bữa kia, một ông chủ tịch của một công ty nhỏ tới gặp ông. Công ty của ông sắp tổ chức một hội nghị khách hàng và chắc chắn ông phải lên sân khấu trình diễn một cái chi. Ông dự định sẽ lên hát.

Ông nhờ ông Inoue thu sẵn nhạc đệm vài bài hát ông yêu thích để ông tập ở nhà và lên trình diễn. Màn trình diễn của ông chủ tịch này thành công ngoài sự mong đợi. Từ việc này, ông Inoue nghĩ ra việc chế tạo một chiếc máy phát ra nhạc để người ta hát theo.

Chiếc máy đầu tiên ông hoàn thành rất đơn giản. Ông thu sẵn phần nhạc, kết nối với một chiếc micro, loa và bộ khuếch đại âm thanh. Ông tìm các linh kiện điện tử tại cửa hàng của một người bạn. Khách dùng chỉ việc bỏ tiền vào máy, chọn bài nhạc mình ưa thích và hát.

Chiếc máy đầu tiên ông hoàn thành vào năm 1971, có tên là Juke 8. Giá khoảng 425 đô Mỹ. Ông chế ra được mười máy, để tại các quán rượu. Chẳng ma nào thèm mó tới. Ế sưng ế sỉa!

Ông suy nghĩ và thuê một cô gái duyên dáng đẹp đẽ tới từng quán rượu có đặt máy, hát thử mỗi nơi vài bài. Trò quảng cáo của ông có ép-phê liền. Người ta đua nhau hát thử. Và nghiện! Không ai muốn rời khỏi chiếc micro. Chuyện chi cũng phải có mỹ nhân mới ra trò! Cuối năm đó, đã có trên hai trăm quán tại Kobe đặt máy karaoke. Hai quán rượu còn mở thêm chi nhánh tại Osaka, đặt máy Juke 8. Kobe là thành phố nhỏ, chỉ nổi danh với món thịt bò, ít người biết tới. Osaka là… kinh đô, to đùng, tấp nập dân chơi. Vậy là chẳng bao lâu sau, toàn thể nước Nhật inh ỏi hát karaoke. Tổng số máy ông Inoue sản xuất ra trong một năm là 25 ngàn chiếc! Chỉ trong vòng hai năm, công ty của Inoue đã có doanh thu lên tới 100 triệu đô Mỹ mỗi năm. Số tiền này có thể lên cao hơn nhiều nếu ông nạp bản quyền phát minh. Người ta tính ra là nếu ông giữ bản quyền thì mỗi năm ông ngồi không hưởng số tiền 100 triệu như chơi. Tại sao ông không nạp bản quyền phát minh, ông trả lời báo Post trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày máy karaokera đời: “Khi ấy tôi tưởng là bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh vĩ đại biến điều không thể thành có thể. Chiếc máykaraoke của tôi chỉ là tập hợp một số linh kiện điện tử sẵn có. Vì thế tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một phát minh thực sự”. Nhưng ông không tiếc. Ông nghĩ rằng nếu chiếc máy Juke 8 của ông được cấp bằng sáng chế, karaoke sẽ không được phổ biến như hiện nay. Ông tự mãn: “Ca hát là đam mê của phần lớn con người. Tôi tin rằng karaokeđã cho họ cơ hội được tự mình trở thành ngôi sao. Đó là những gì tôi nghĩ khi thấy mọi người ca hát”.


karaok 2

Ông Inoue nghĩ không sai. Phát minh của ông đã làm thay đổi cả nền âm nhạc thế giới. Những gì ông được hưởng về tinh thần lớn hơn số tiền bạc triệu trong túi. Năm 1999, tạp chí Time đã vinh danh ông là “một trong 20 nhân vật Châu Á của thế kỷ 20”. Tên ông đứng chung với tên của “thánh” Mahatma Gandhi! Năm 2004, Đại Học Harvard đã trao cho ông giải Ig Nobel vì “phát minh ra karaoke và tạo ra một phương pháp mới giúp con người học cách bao dung với nhau”.
Thị trường karaoke trên thế giới ngày nay được đánh giá là 10 tỷ đô! Những nước Á châu như Trung Quốc, Đài Loan, Thái, Việt Nam tưng bừng hát. Không chỉ thu hẹp tại các nước láng giềng, karaokebay tứ tung. Trong bài viết vào ngày 10/1/2020, “Karaoke – A Global Fusion Culture”, ký giả Zoe Lin đã tán tụng karaoke như sau: “Dân chúng từ Paris tới Toronto, từ Iceland tới Brazil, đều mê mệt karaoke. Những năm đầu thế kỷ 21 này, máy hát karaokelà thứ quà tặng nóng nhất; các cửa hàng luôn hết máy. Hiện tượng karaoke tràn qua nhiều nơi, trên nhiều bình diện; quan trọng nhất là trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Năm 2003, một cuộc tranh tài quốc tế karaokeđược tổ chức ở Phần Lan với sự tham dự của 30 quốc gia. Không còn nghi ngờ chi khi nói karaoke là nhịp cầu văn hóa dung hợp toàn cầu; nó được nhắc nhở liên tục trên phim ảnh, sân khấu và sách báo”.
Phần Lan có khoảng 10% dân số hát karaoke. Michael Yelvington, Giám Đốc Thương Vụ Quốc Tế của Singa, một công ty phần mềm tại Helsinki, cho biết: “Phần Lan là một quốc gia độc đáo. Dân số chỉ có 5 triệu rưởi người nhưng đó là nơi số một của karaokebên ngoài châu Á. Có nhiều nơi hát karaoke như nhà hàng, quán rượu, nếu theo tỷ lệ dân số thì nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Họ điên cuồng vì karaoke!”. Ngày 26/5/2011, Phần Lan đã giữ kỷ lục thế giới Guinness về số người cùng hát karaoke một lần với con số lên tới trên 80 ngàn người gân cổ. Biến cố này xảy ra tại thủ đô Helsinki. Bài hát bữa đó là bài “Hard Rock Hallelujah”.
Nhiều người cho rằng chính vì ý tưởng mang tới những niềm vui hòa đồng như kiểu phổ biến karaoke ở mọi nơi mọi lúc mà Phần Lan đã được bầu là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Không phải một lần mà nhiều lần. Năm nay, 2020, Phần Lan lại được Liên Hiệp Quốc xếp hạng số dách, nằm trên Đan Mạch và Thụy Sĩ. Kết quả được đánh giá trên các mặt sản lượng quốc gia, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, tự do chọn lựa lối sống, quảng đại, ít tham nhũng. Mỹ đứng hạng 18. Vậy là Phần Lan giữ ngôi vị đầu trong ba năm liền, từ 2018 đến 2020. Tôi muốn lui lại một chút: năm 2019, Canada chúng tôi đứng hạng 9, sau các nước Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Tân Tây Lan và Áo. 
Tôi có anh bạn văn Nguyễn Bá Trạc, trước sống ở San Jose, nay đã rời qua định cư vĩnh viễn ở Turku, Phần Lan. Nói là bạn nhưng chỉ biết nhau qua văn đàn, chưa bao giờ gặp nhau, dù tôi vẫn thường lui tới San Jose gặp Nguyễn Xuân Hoàng và Lê Hân. Trên Facebook những ngày gần đây, anh Trạc cho coi những tấm hình chụp khung cảnh thanh bình nơi anh đang sống. Cây rừng, chim trời, cá nước, tấm hình nào cũng toát ra vẻ thanh bình êm ả. Tôi coi hình thích quá, comment và được anh rủ qua chơi. Muốn bay lắm nhưng cô Vi giơ nanh vuốt ra dọa teo vòi luôn. Mợ này chẳng muốn thanh bình chút nào! Ông tác giả cuốn “Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải” nay đã tìm được chốn thanh bình nhất thế giới, bệnh nhức đầu chắc đã thối lui!
Trở lại quê hương của karaoke, tôi được đọc một bài viết của Nguyễn Loan, một người Việt sống ở Nhật, về chuyện hát karaoke nơi đất tổ của món giải trí vang danh này. Có vài điểm lạ. Các tiệm karaoke ở Nhật đều mở cửa suốt đêm, tới 6 giờ sáng mới phẹc mê bu tích. Chơi bạo như vậy là do thực tế xã hội Nhật. Dân Nhật là dân làm việc tới…bơ phờ. Họ thiếu ngủ triền miên. Trên những chuyến tàu về nhà, họ ngồi ngủ như chết. Làm việc nhiều mà nhà lại ở xa sở làm. Nhiều người ngủ qua đêm ngay trên tàu để sáng hôm sau cày tiếp. Có người lỡ chuyến tàu cuối về nhà nhưng không muốn ngủ vạ vật trên tàu, họ thuê phòng trọ qua đêm. Giá phòng trọ đắt hơn giá thuê phòng karaoke nên họ thuê thứ này để vừa hát vừa ngủ.Nhật còn có các tiệm karaokehát một mình, tiếng Nhật gọi là Hito-kara. Nghe đã thấy nản nhưng dân Nhật coi như chuyện thường. Một mình một micro, tha hồ rên rỉ, chẳng phiền tới ai. Nếu muốn còn có thể thu âm giọng ca…vàng của mình mang về làm kỷ niệm. Một biến thể của Hito-kara là những hộp hát karaoke trong các shopping center hay các siêu thị. Nhìn chúng giống như những phòng điện thoại công cộng. Bỏ tiền vào hộp, tha hồ rống, máy sẽ tự động quay phim mang về lấy le với bà con. Nếu thấy hát trong một không gian tĩnh như vậy chưa đủ phê, người ta có thể thuê taxi karaoke. Vừa di chuyển vừa hát. Trong xe có đủ bộ sậu. Tôi thấy chuyện này khá bất công. Khách hàng đã phải trả tiền taxi lại còn phải hát giúp vui cho tài xế, không được. Muốn được thì lại phải qua Phần Lan.
Tại Turku, nơi ông Nguyễn Bá Trạc đang an hưởng tuổi già, có dịch vụ trả tiền thuê xe bằng hát karaoke. Đó là loại xe taxi không có tài xế mang tên Fortum Singalong Shuttle do công ty năng lượng sạch Fortum điều hành. Tôi phải ghi nhớ cái tên này để lỡ có qua thăm ông bạn văn thì biết cách mà hưởng. Chỉ sợ tiếng hát của mình sẽ làm vỡ một dịch vụ dễ mến! Nếu vậy thì uổng cho mọi người. Vì xe họ dùng toàn là xe điện BMW! Loại thuê xe xịn trả tiền bằng cách cong người lên hát được ra mắt tại nhạc hội Ruisrock vào tháng 7/2018. Khách thuê xe cùng mọi người trong xe chỉ việc gân cổ lên hát. Nếu ngưng tiếng hát thì xe cũng ngưng chạy. Trên xe có màn hình cho khách chọn bài hát. Giám Đốc của Fortum, ông Jussi Malkia, giải thích: “Với singalong shuttle, chúng tôi muốn cho mọi người thấy một cách vui vẻ, thoải mái và dễ dàng như thế nào khi ngồi trên một chiếc xe điện không người lái”. Sau thời gian nhạc hội, dịch vụ này vẫn tiếp diễn liên tục trong những ngày cuối tuần.Hãng tin Independent cho biết dịch vụ taxi này có mục đích khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động “vì một thế giới sạch cho tương lai”. Công ty Fortum đã vin vào sự nồng nhiệt của dân Phần Lan vào karookeđể thực hiện loại taxi này. Chuyện gì chứ chuyện mê karaoke, dân Phần Lan là số dách. Năm 2016, đất nước này đã thành lập một thư viện karaoke, nằm trong hệ thống thư viện Tikkurila, ở thành phố Vantaa. Tại đây, mọi người có thể vào những hộp karaoke hát hò thả cửa. Ngoài ra, thư viện còn tổ chức các khóa học tâm lý cho người lớn, hướng dẫn họ cách xả stress khi cầm chiếc micro trong tay.


karaok 3

Hát karaoke trong xe taxi đã là một cuộc chu du đầy hứng thú, nhưng những ai có tham vọng cao hơn có thể hát karaoke trên trời!  Trong khu vui chơi Tokyo Dome City của Nhật có một chiếc vòng quay cao nhất thế giới. Đó là vòng quay Ferris Big-O, có đường kính 60 thước, được sách kỷ lục Guinness công nhận vào năm 2006 là bánh xe quay cao nhất thế giới. Bánh xe có tất cả 40 cabin, trong đó có 8 cabin có dịch vụ hát karaoke. Trong suốt 15 phút của chuyến…bay, khách có thể ca hát inh ỏi trong cabinvới những bài hát phổ thông nổi tiếng trên thế giới như “Let It Go” hoặc “Beauty and the Beast”. Tổng số có 50 bài. Giá mỗi cabin karaoke rẻ òm. Chỉ khoảng hơn 7 đô Mỹ. Mỗi cabin có thể chứa được bốn nhân mạng.Hát trong hộp karaoke, trong taxi karaoke hay trong cabin trên trời, hay dở chỉ mình mình biết, mình mình hay. Những thứ độc đáo này là hàng hiếm. Phải qua Nhật hoặc Phần Lan mới được hưởng. Không muốn chi tiền máy bay hoặc không đủ khả năng mua vé máy bay, chúng ta vẫn cứ rống karaoke trước lỗ tai của mọi người. Dù biết rằng hát hay không bằng hay hát nhưng quả thật nhiều người trong chúng ta rất rộng lượng với tiếng hát của mình. Đã ai cầm micro mà lại nhún nhường cho là mình hát không hay. Vậy nên chúng ta nhiệt tình phổ biến văn hóa ngày đêm làm phiền hàng xóm chung quanh. Ông người Nhật Inoue đã phát minh ra chiếc máy khiến điếc tai hàng xóm thì cũng một ông người Nhật khác, ông Seiji Nakazawa, sáng chế ra một dụng cụ cứu tai hàng xóm. Trong những ngày nằm nhà buồn bã vì đại dịch, Seiji cũng muốn hát cho lên tinh thần. Nhưng nhà ở Nhật thường liền kề nhau, vách bằng ván hoặc giấy, cất tiếng hát thì hàng xóm phải làm thính giả bất đắc dĩ. Không muốn làm phiền người bên cạnh, ông sáng chế ra một thiết bị mà ông đặt tên là Hitori de Karaoke DX. Muốn cho dễ đọc ông chơi thêm tên tiếng Anh: One-Person Karaoke Deluxe. Thiết bị này trông giống như một chiếc ly có microở trong. Khi hát thì bịt chiếc ly vô miệng. Trong… ly có một lớp bọt cách âm hạn chế âm thanh thoát ra ngoài. Kết nối với một bộ nghe bịt vô tai, người ta tha hồ hát mà chỉ mình mình nghe, hàng xóm vẫn bình an thoải mái. Theo ông Seiji thì One-Person Karaoke Deluxe hiện có bán trên Amazon với giá 73 đô! Tôi không dám khuyên mua vì sợ dân karaoke mắng không cho họ phổ biến tiếng hát vượt… không gian mà họ tự mến mộ. Hơi đâu vác vạ vào thân!
Song Thao
Nguồn:https://www.ngo-quyen.org/p3590a8358/30/song-thao-ca-ra-la-ok-


 

Song Thao

01 tháng 1, 2025

VTM 161_Thu tàn_PTL

 


Xướng:

Thu tàn

Thu tàn đông đến lá vàng tươi
Lũ lượt xa bay đến khắp trời
Mây xám lững lờ trên đỉnh núi
Lá khô đầy dẫy dưới chân đồi
Ngậm ngùi cổ thụ cành trơ trụi
Thương tiếc hành trình lá rụng rơi
Định luật tuần hoàn sao tránh được
Trầm tư khoắc khoải cảnh
đương thời

PTL

2023

Họa 1:

Thu về 
Mỗi độ thu về lá thắm tươi  
Người xưa xa thẳm cuối chân trời 
Chiều về nắng dọi pha màu úa 
Thu đến thu đi dưới ngọn đồi
Nuối tiếc mùa thu vừa mới chết 
Ngậm ngùi chiếc lá vạn lần rơi
Đời người đếm được bao mùa lá 
Lưu luyến xa xưa của một thời
Hương Lệ Oanh VA 
Dec. 15, 2024 

Họa 2:

Em mùa thu

Cảnh tượng rừng thu ửng sắc tươi
Hoàng hôn mây tím phủ lưng trời
Chim trời mỏi cánh bay ngang núi
Mây trắng xây thành tận đỉnh đồi
Khắc khoải chiều hôm ai đứng đợi
Đêm trường lạnh buốt lá vàng rơi
Người đi xa thẳm chiều thu ấy
Để lại sầu thương của một thời
Nguyễn Cang
Dec. 16, 2024

Họa 3:

Còn đâu

Ngày ấy quê tôi rợp thắm tươi 
Toả hương thơm ngát khắp phương trời 
Chim bay tha thiết bên sườn núi
Bướm lượn xôn xao lưng lửng đồi 
Cảnh cũ mến thương không thấy nữa
Ngắm nhìn thực tại lệ trào rơi
Ai làm đất nước tôi tan rã
phải do hồng quỷ hiện
thời
THT

Họa 4:

Giao mùa 

Giao thời thảo mộc thẫm xanh tươi
Cánh nhạn vờn bay giữa cảnh trời
Nắng tỏ soi đường mây lững núi
Sông dài cuộn dẫy nước quanh đồi
Giao mùa nóng lạnh tùy duyên khởi
Gặp lúc vàng xanh cũng thể rơi
Có phải thu tàn đông vội tới
Nhìn sao thấu được những cơ thời
Dec. 16, 2024 
TQ

Họa 5:

Cuối thu

Lá đổ, hoa tàn cảnh hết tươi,

Cuối thu ảm đạm tím bầu trời.
Mây giăng trắng bạc trên đầu núi,
Khói tỏa xanh lam dưới xóm đồi.
Bến vắng thuyền neo con nước chảy,
Bờ hoang liễu rủ giọt sương rơi..
Chỉ riêng dậu cúc đang đua nở,
Rực rỡ tung hương ngát một thời.
Mỹ Ngọc
Dec. 11, 2024.

Họa 6:

Vào đông
 
Đông đến, còn đâu hoa thắm tươi.
Sớm mai sương trắng xoá che trời.
Chén trà toả khói nồng hương vị,
Tơ nắng xuyên mây rạng núi đồi.
Gió lạnh lao xao khua tiếng rít,
Lá già hiu hắt đợi ngày rơi.
Nắng mưa ấm lạnh luôn dời đổi,
Quả đất vần xoay thuận chữ thời.
Minh Tâm

1. Tân nhạc: Mùa Thu chết

Sáng tác: Phạm Duy

Ca sĩ: Lệ Thu



















Buồn Tàn Thu (Vọng Cổ)
Tân Nhạc: Văn Cao
Nhạc:
Nữ: Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến, em bẽ bàng. Ôi vừa mới nghe em mơ ngày bước chân chàng.
Nam: Từ từ xa đường vắng.
Nữ: Em ngồi đan áo, lòng buồn vương vấn. Em thương nhớ chàng.
Nam: Đêm mùa thu chết. Nghe mùa thu đang rớt rơi theo lá vàng.

VỌNG CỔ:
Câu 1:
Nữ: Chàng ơi tuấn mã bôn ba khuất dần sau rặng liễu. Thiếp ẵm con thơ nhìn theo gió ngựa mắt rưng rưng dòng lệ đẫm khăn… hồng. (-)(-) Khói lửa đao binh làm vợ phải xa chồng. (+) Trống trường thành lung lay bóng nguyệt, khói cam tuyền mờ mịt lẫn ngàn mây. (SL) Tiễn đưa nhau chưa cạn chén men cay, chàng đã xa xôi ngoài mấy dặm trường đình. Bụi quan hà che khuất bóng người đi, gió ngựa biên cương qua mấy hàng liễu rũ.

Câu 2:
Nam: Gối tuyết màn sương anh đi ngoài vạn lý, mũi đạn lằn tên vẫn vẹn chí anh hùng. (-)(-) Gối chiếc chăn đơn xót dạ kẻ cô phòng. (+) Trăng biên cương mờ soi rừng lá thấp, khoác chiến bào đắp lạnh giữa trời khuya. (SL) Nhạn lạc đàn gọi bạn dưới màn đêm, nghe thê thiết như tiếng lòng người cô phụ. Nhặt lá vàng rơi chép bài thơ tâm sự, mượn gió mang về người muôn dặm trời xa.

Nhạc:
Nữ: Người ơi còn biết em nhớ mong. Tình xưa còn đó xa xôi lòng. Nhờ bóng chim quyên, nhờ gió đưa duyên. Chim với gió bay về, chàng quên hết lời thề. Áo đan hết rồi, cố quên dáng người. Chàng ngày nao tìm đến, còn nhớ đêm xưa, kề má say sưa như nắng thắm hoa rừng, mùa thu chết bao lần. Thôi tình em đấy, như mùa thu chết rơi theo lá vàng.

VỌNG CỔ:
Câu 5:
Nam: Em ơi mượn cánh chim khuya mang dòng thơ nhỏ anh gởi gắm niềm thương trên nét chữ ân… tình. (-)(-) Trăng khuất từ lâu sau rừng núi mịt mùng. (+) Lấp lánh sao khuya trên khung trời rét mướt. Mộng chập chờn về mái lá buổi đoàn viên. (SL)
Nữ: Cánh nhạn lạc loài lẫn khuất trong sương, đang gọi bạn não nùng thê thiết quá.
Nam: Lá chết rừng thu bay đầy trước gió, có phải thư hồi âm của kẻ chốn cô phòng.

Nhạc:

Nữ: Người ơi còn biết em nhớ mong. Tình xưa còn đó xa xôi lòng. Nhờ bóng chim quyên, nhờ gió đưa duyên. Chim với gió bay về, chàng quên hết lời thề.

Câu 6:
Nữ: Dấu chàng theo lớp mây đưa, thiếp nhìn dáng núi ngẩn ngơ nỗi nhà. (SL)
Nam: Gối chiến bào nằm bên rặng liễu, đêm biên thùy lạnh lẽo quá em ơi.
Nữ: Mưa thu nhỏ giọt liên hồi, vắng bóng anh rồi em đan áo cho ai.