27 tháng 1, 2023

Nỗi Nhớ Đầu Đông_Trầm Hữu Tình

 


Tác giả là 1 đọc giả của VTTT, nguyên là kỷ sư Thủy Lâm năm 1968 trường kỷ sư Nông Lâm Sùc Sài gòn. Nhân dộc bài Đêm đông của HLO, tác giả bùi ngùi về nổi lòng tha hương nên họa ra bài Nổi Nhớ đầu đông



Họa:

 Nỗi Nhớ Đầu Đông

 
Sống thú vị gặp nhiều trăng gió
Thú đau thương phân phó cho đời
Mực sông nước biển đầy vơi
Tình yêu tồn tại với đời không phai
 
Đêm đông lạnh sương bay dày đặc
Viễn khách buồn tê cắt tâm hồn
Ngồi buồn nhớ chuyện hàn ôn
Gợi tâm tơ tưởng nén dồn đã lâu
 
Cái giá  rét khơi màu nỗi nhớ
Nhớ quê nhà nhớ thuở thôn xưa
Thương quê, thương mấy cho vừa
Xa xôi viễn xứ dong đưa giọt sầu
 
Trầm Hữu Tình

Xướng:

Đêm đông

Thân lữ khách trãi bao sóng gió
Biết tìm đâu hay phó mặc đời
Những điều phiền lụy chơi vơi
Làm cho cuộc sống đổi dời khó phai

Nơi hiện hữu tuyết bay dầy đặc
Gió rít lên như cắt cả hồn
Biết ai kể nỗi hàn ôn
Cho vơi tâm sự dập dồn bấy lâu

Đêm đông tuyết trắng màu nhung nhớ
Chạnh lòng hồi tưởng thuở xa xưa
Bao nhiêu mộng ước chưa vừa
Thôi đành khép lại đong đưa giọt sầu

Hương Lệ Oanh VA

 

26 tháng 1, 2023

VTM114_Đêm đông_Hương Lệ Oanh VA

 


Xướng:

Đêm đông

Thân lữ khách trãi bao sóng gió
Biết tìm đâu hay phó mặc đời
Những điều phiền lụy chơi vơi
Làm cho cuộc sống đổi dời khó phai

Nơi hiện hữu tuyết bay dầy đặc
Gió rít lên như cắt cả hồn
Biết ai kể nỗi hàn ôn
Cho vơi tâm sự dập dồn bấy lâu

Đêm đông tuyết trắng màu nhung nhớ
Chạnh lòng hồi tưởng thuở xa xưa
Bao nhiêu mộng ước chưa vừa
Thôi đành khép lại đong đưa giọt sầu

Hương Lệ Oanh VA

Hàn ôn : hàn là lạnh, ôn là ấm. Hàn ôn là lạnh và ấm, dùng để hỏi thăm, tâm tình lúc gặp lại nhau sau 1 thời gian xa cách. Nó cùng ý với hàn huyên

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

(Chiều hôm nhớ nhà, Huyện Thanh Quan)

Họa 1:

Trời đông

Nhìn cơn nước bập bềnh theo gió 
Kiếp tha phương phải phó cho đời 
Nổi trôi như nước đầy vơi 
Mang vào cái nghiệp khó dời không phai

Đông sắp đến lá bay dầy đặc
Lạnh tái tê như cắt tâm hồn 
Không sao biết được thể ôn 
Buốt tay chân lạnh nén dồn rất lâu 

Trời ảm đạm gây màu thương nhớ
Tạo nổi buồn về thuở ngày xưa 
Bao nhiêu lo lắng cho vừa
Tháng ngày chấm dứt đẩy đưa cơn sầu

 PTL

thể ôn  體溫:thân nhiệt

Họa 2:

Đông Chưa Tận

Đông chưa tận tuyết rơi giông gió,
Gieo đau thương giao phó cho đời.
Bao nhiêu khổ lụy đầy vơi,
Chiến tranh, dịch bệnh rã rời phôi phai.

Tảo mai nở gió bay rơi đặc,
Cơn bấc phà lạnh cắt tâm hồn.
Bên song bóng lẻ ngồi ôn,
Bao nhiều kỷ niệm lưu dồn từ lâu.

Nhìn mây trắng một màu thương nhớ,
Tết quê nhà cái thuở năm xưa,
Mai vàng bánh mứt đủ vừa,
Rượu nồng bạn quý đẩy đưa giải sầu.

Mỹ Ngọc

Jan. 23, 2023.

Họa 3:

Ngắm Cảnh Chạnh Lòng

Thuyền lãng tử trùng khơi bão gió

Kẻ độc hành chỉ phó cho đời
Đêm buồn ngắm cảnh trăng vơi
Tàn canh lặng lẻ sao dời nhạt phai

Mùa thu tiễn mây bay thổn thức
Tiếng vạc kêu quặn cắt tâm hồn
Đông về buốt cảnh hoài ôn
Du dương nhạc sáo thổi dồn- bước lâu

Nhìn sắc cảnh nhuộm màu thương nhớ
Chốn quê nghèo cái thuở ngày xưa
Gió hương gợi khúc tình vừa
Mộng xuân chớm nở- Én đưa Nhạn sầu

Kim Trân

Họa 4:

Hoài Hương

Chiều nhạt nắng, vi vu tiếng gió,
Dế nỉ non bụi cỏ ru đời,
Nỗi buồn chất chứa đầy vơi,
Sương giăng lành lạnh, sắc trời phôi phai.

Đêm dần đến trăng gầy hiu hắt,
Tiếng đàn ai réo rắt ru hồn,
Mênh mang bao nỗi hàn ôn,
Khơi niềm hoài cảm thương buồn đã lâu.

Thuyền xa bến đậm sâu nỗi nhớ,
Mãi hướng về một thuở quê xưa,
Ngày mơ đêm mộng cho vừa
Tình riêng xin gởi gió mưa vơi sầu…

Minh Tâm 

Họa 5:

Bất Phùng Thời

Phù Dung nở gặp thời mưa gió
Tả tơi thân đành phó cho đời
Nỗi nhà niềm nước tìm vơi
Mà bao Xuân cố chuyển dời khôn phai

Tiếng sáo trúc đêm dài réo rắt
Du dương buồn dằng dặc xoáy hồn
Xót xa khép phận an ôn
Thời gian tia chớp khéo dồn bao lâu

Hoa thời loạn nát nhàu nổi nhớ
Nhục vinh thân một thủa ngày xưa
Nhủ lòng đền đắp sao vừa
Hương Xuân mới tỏa, gió đưa điệu sầu.

Tâm Quã



Đêm đông

Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương

Ca sĩ: Lệ Thu, Diễm Liên




20 tháng 1, 2023

Câu đối Tết_Quên Đi


Tác giả là 1 cựu giáo chức trước 1975 , hiện ở Vĩnh Long
 

19 tháng 1, 2023

VTM113_Nhớ Như Quên_Tâm Quã

 


Xướng:

Nhớ Như Quên

Nhớ nghĩa, nhớ tình, nhớ suốt đời
Thâu đêm trăn trở ngấn sương rơi
Nhà không, thân trống, hồn lưu lạc
Viễn xứ đơn phương, ý rã rời
Nhớ chẳng ích gì, khi chẳng nhớ
Hơi tàn giữ lấy chút tàn hơi
Quặn lòng đối diện mùa xuân mới
Thẹn với non sông lạnh ngút trời.

Tâm Quã

Jan.10, 2023

Họa 1:

Nỗi Nhớ 

Bao nhiêu nỗi nhớ suốt trong đời 
Nhớ cảnh nhớ người giọt lệ rơi 
Xứ lạ thương cha lòng hối tiếc 
Xa nhà nhớ mẹ dạ không rời 
Xa xôi đất khách  nhiều hy vọng
Biền biệt quê nhà khó đánh hơi
Viễn xứ mênh mông lòng trống vắng
Thương về quê cũ cuối chân trời 
 
Hương Lệ Oanh VA 

Jan. 10, 2023 

Họa 2:

Thân phận

Thăng trầm biến chuyển cả cuộc đời
Thân phận con người tựa lá rơi
Loạn lạc nhà tan đành bỏ xứ
Tha hương lập nghiệp quyết không rời
Ra đi cảm thấy đầy cam khổ
Phấn đấu vươn mình muốn hụt hơi
hội chuyển đời nơi đất mới
Tương lai rộng mở tận chân trời.

PTL
Jan. 11, 2023

Họa 3:

Dòng Đời

Nắng chiều hiu hắt nhuộm sông đời,
Theo sóng, phiêu bồng chiếc lá rơi.
Quê cũ, hồn còn lưu luyến mãi,
Bến xưa, thuyền đã tách xa rời.
Bao mùa mưa nắng, bao năm tuổi,
Một kiếp phù sinh, một tấc hơi.
Tóc nhuộm màu mây, chân chớm mỏi,
Ngoái nhìn xa thẳm phía chân trời.

Minh Tâm

Họa 4:

Nhớ Tết Quê Hương

Bao đông đã tận đến trong đời,

Hoa tuyết trắng ngần lạnh lẽo rơi.
Đón Tết mai vàng còn ủ kín,
Mừng xuân nắng ngọc vẫn xa rời.
Vị nồng rượu nếp ngon nồng vị,
Hơi ngát trà sen thơm ngát hơi.
Nhớ quá bây giờ nơi cố lý,
Đào hồng pháo đỏ đã đầy trời.

Mỹ Ngọc
Jan. 12, 2023

 Họa 5:

Tâm Nhiên Tĩnh Lặng

Nàng xuân tô điểm đẹp hương đời
Lộng sắc mai vàng,lá nhạt rơi
Một thoáng suy tư càng quặn nhớ
Bao người yêu dấu đã xa rời
Sống vui tình nghĩa an vui sống
Hơi tựa tinh thần nhẹ tựa hơi
Nhẫm đếm thời gian- sương pha tóc
Tâm nhiên tĩnh lặng ngắm xuân trời

Kim Trân




17 tháng 1, 2023

Tảo Mộ Ông Bà_ Huỳnh văn Hạnh

Lời giới thiệu:

Tác giả Huỳnh văn Hạnh nguyên là kỷ sư canh nông trước 75, nay định cư ở Hoa kỳ hơn 6 năm.

Ban biên tập giới thiệu bài viết về tập tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam


Tảo Mộ Ông Bà

Trong chúng ta dù độ tuổi nào, cuộc sống có  khác nhau nhưng tất cả vẫn còn ghi lại trong ký ức kỷ niệm của những ngày Tết. Hôm nay cũng gần đưa ông Táo 23 tháng chạp.


Những ngày này khi tôi còn học cấp 2 cứ hằng năm thường cùng hai cháu trai con chị thứ hai cùng tảo mộ chung ông bà hai bên. Chúng tôi cùng lứa tuổi. Từ bửa trước cả ba cùng chuẩn bị: hai cây chổi mới, cuốc, dao, ấm đựng nước để hôm sau ra đi sớm vì những ngôi mộ nằm rải rác. Những ngôi chỉ được tảo
mộ (dọn sạch) mỗi năm một lần nên cây cối mọc đầy và có nhiều sâu lức lên làm tổ, loại sâu này có nhiều lông khi bám vào người rất ngứa. Công việc được chia nhau, hai cháu mạnh hơn nên chặc cây còn mình nhỏ con nên thu gôm, chất đống và đốt. Thường ngày xưa ông bà chôn cất gần nhau và chôn chung khu vực. Có những mộ nằm giữa ruộng bị sạt lở phải bồi đáp lại, những ngôi mộ này hàng năm bị mưa gió nên ngôi mộ bị thay đổi vị trí mà ngày xưa gọi mộ bị dời, con cháu sau này nếu khá lên, xây sửa mộ chắc chắn và đẹp hơn, trước khi xây phải dùng cây xâm đất để tìm vị trí ngôi mộ.

Những năm sau này, đời sống thay đổi nhiều nên mồ mã được con cháu chuẩn bị từ trước và khi ông bà cha mẹ ra đi an táng xong mã được hoàn chỉnh sau đó. Theo thông lệ ngày nay, ngày tảo mộ được thực hiện vào ngày 25 tháng chạp. Con cháu đi tảo mộ gọn gàng hơn chỉ quét dọn và sơn phết cho mới .Sau đó don thức ăn, bia rượu trước cúng ông bà, sau đó vui chơi cùng thân nhân của các chủ mộ chung quanh.

Tảo mộ khi xưa cực nhọc hơn nhưng giúp con cháu biết được mồ mả ông bà và mọi đứa trẻ cũng thích thú với cực nhọc này và đây cũng là kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu. Ngày nay dù đi lại dễ dàng, phương tiện cá nhân sẵn có nhưng thường những trẻ như tuổi chúng tôi ngày xưa ít thích thăm viếng mồ mã ông bà vi ngại nắng gió.

Huỳnh văn Hạnh

07 tháng 1, 2023

Những tấm lòng quả cảm trong mùa bão tuyết_Duy Lê

 Những tấm lòng quả cảm trong mùa bão tuyết 12/2022



Một bãi đậu xe Tops dọc Đại lộ South Park vào ngày 28 Tháng Mười Hai, 2022 ở Buffalo, New York. Cơn bão mùa đông lịch sử Elliott đổ một lớp tuyết dày tới 4 feet xuống khu vực khiến hàng nghìn người mất điện và 30 người được xác nhận đã chết ở thành phố Buffalo và các vùng ngoại ô xung quanh. (ảnh: John Normile/Getty Images)

Trong những ngày kinh hoàng của trận bão tuyết khắc nghiệt mùa Đông, nhiều người thể hiện sự dũng cảm cứu người, bất chấp nguy hiểm.

“Chúng tôi đã bị mắc kẹt tại Target từ 12 giờ đêm hôm qua,” Jessica Sypniewski đăng lên Facebook sau khi trú ẩn bên trong cửa hàng cùng với hơn 20 người khác. “Chưa bao giờ tôi thấy sợ như vậy, nhưng được cái, tất cả chúng tôi đều an toàn và ấm áp.”

Cơn bão tạo ra một lớp tuyết dày, ước tính khoảng bốn feet và có sức gió 70 dặm/giờ, tràn ngập khu vực, khiến ít nhất 39 người chết và hàng trăm người lái xe bị mắc kẹt, bao gồm cả Sypniewski và bạn trai cô, hai con nhỏ, bảy và 11 tuổi, cùng hai thành viên khác trong gia đình. “Chúng tôi đi đón em gái bạn trai tôi và bạn của em,” Sypniewski nói với TODAY.com. “Trên đường trở về nhà, chúng tôi bị mắc kẹt trong bão tuyết.” Sau khi nhận ra rằng họ không thể ở lại qua đêm trong xe của mình, cả nhóm đập cửa Target kêu cứu, và may mắn được các nhân viên của Target mở cửa cho vào rồi cung cấp mọi thứ cần thiết. Sypniewski gọi những người cứu mình là “người hùng”.



Một người đàn ông ở gần ngôi nhà bị băng bao phủ hoàn toàn sau khi tuyết rơi khiến số người chết lên tới 26 người ở Buffalo, New York, hôm 26 Tháng Mười Hai năm 2022. (ảnh: Fatih Aktas/Cơ quan Anadolu/Getty Images)

Ở một địa điểm khác, cũng có nhiều người mắc kẹt trong trận bão tuyết kinh hoàng. Đó là đêm ngày 24 Tháng Mười Hai, người thợ máy Jay Withey đang ở xưởng tại thị trấn Cheektowaga, hạt Erie, tiểu bang New York, nhận được cuộc gọi cầu cứu từ một người bạn. “Anh là người duy nhất tôi biết sẽ tới cứu”, người bạn nói, cho biết mình đang mắc kẹt khi trận “bão tuyết thế kỷ” Elliott đổ bộ. Withey lập tức lái xe tải đến chỗ bạn kêu cứu, giữa bão tuyết mịt mù để đến đoạn trên đường Preston, thị trấn Cheektowaga, thành phố Buffalo. Len lỏi giữa những chiếc xe mắc kẹt trên đường, anh phát hiện một thanh niên tên Mike, đi giày thể thao và chỉ mặc một chiếc áo mỏng, đang tuyệt vọng tìm nơi trú ẩn. Withey đã mời Mike lên xe mình, tránh nguy cơ chết cóng giữa bão tuyết.

Nhưng một lúc sau, khi tuyết trút xuống dày hơn một mét, chiếc xe tải của Withey mắc kẹt. Lần này vô vọng. Khi trời tối hẳn và nhận ra mình đang gặp nguy hiểm, Withey gõ cửa khoảng 15 ngôi nhà để xin tá túc cho đến khi cơn bão đi qua. Withey nói rằng mỗi lần gõ cửa, anh đều đề nghị trả cho chủ nhà $500 còn lại trong ví, nhưng ai cũng trả lời ‘Xin lỗi, tôi không thể'”.

Tuyệt vọng, nhưng Withey vẫn tìm đường quay lại xe tải. Lớp tuyết dày trắng xóa dưới chân, anh bị mất phương hướng giữa những đợt gió dữ dội, nhưng cuối cùng, Withey nhìn thấy ánh đèn khẩn cấp nhấp nháy từ một chiếc xe hơi đằng xa. Anh nhớ đã đậu xe tải của mình cạnh chiếc xe như vậy, nên đã tìm được đường trở về xe, gọi cho cảnh sát, nhưng được trả lời rằng họ không thể đến giải cứu giữa điều kiện thời tiết nguy hiểm như vậy. Anh bắt đầu lo sợ, nhưng anh lập tức nhận ra rằng mình không đơn độc, mà có tới mấy chục người đang bị kẹt trong tuyết.

Trên chiếc điện thoại của mình, anh nhận thấy nơi bị kẹt rất gần một trường học. Anh và hai người khác lê từng bước qua lớp tuyết dày tới thắt lưng để tiếp cận ngôi trường. Sử dụng bộ dụng cụ trên xe, Withey đập vỡ cửa sổ và cả hai trèo vào trong, mở cánh cửa dẫn đến một tòa nhà được sưởi ấm ở Đại lộ East Delavan, trong khi chuông báo động kêu inh ỏi. Sau đó, họ quay lại đón những người khác đang bị kẹt trên xe hơi ngoài đường. “Có rất nhiều người lớn tuổi mắc kẹt trong xe,” Withey nói. Trong 24 giờ tiếp theo, cả nhóm quây quần bên nhau trong ngôi trường trong tiếng bão tuyết gầm thét. Nhân viên bảo vệ trường Pine Hill cho biết ông đã nhận được tín hiệu báo động về vụ đột nhập vào tối 23 Tháng Mười Hai, nhưng cảnh sát thị trấn Cheektowaga lúc đó nói rằng họ không thể làm gì được vì thời tiết xấu.



Một bức ảnh chụp màn hình từ camera an ninh ở New York, hôm 30 Tháng Mười Hai 2022, Withey (ảnh) “đột nhập” vào trường học để cứu người. (ảnh: Sở cảnh sát Cheektowaga/Getty Images)

“Anh ấy đáng khâm phục, một người hùng trong tâm trí tôi,” Robert Holzman, 48 tuổi, nhân viên giám thị tại Trung tâm Cải huấn Orlens, người được Withey giúp đỡ, nói. Còn Witney thì coi toàn bộ thử thách là một phúc lành. “Nếu chỉ một nhà mở cửa cho tôi tá túc đêm đó, tôi sẽ không cứu được một ai”, anh nói. Vì bị từ chối nên anh mới có cơ hội cứu sống hàng chục người khác.

Hôm sau, khi tuyết tan, cả nhóm rời đi sau khi bịt lại cửa sổ mà Withey đã phá vỡ, đồng thời dọn dẹp bát đĩa, dụng cụ nấu ăn và bàn ăn. “Tôi muốn đảm bảo mọi thứ trở lại như cũ, rằng chúng tôi tôn trọng mọi thứ trong tòa nhà”, anh nói. “Tôi không muốn lạm dụng bất cứ thứ gì, cũng không muốn nấu những món không cần thiết”. Withey cũng để lại một mảnh giấy, xin lỗi vì đã đột nhập và sử dụng tài sản của trường.



Một bức ảnh chụp màn hình từ camera an ninh ở New York, hôm 30 Tháng Mười Hai 2022, những người đập cửa vào trường học lánh nạn chỉ sử dụng vài vật dụng, chứ không làm hư hại ngồi trường . (ảnh: Sở cảnh sát Cheektowaga/Getty Images)

“Khi kiểm tra camera an ninh, chúng tôi bị sốc khi thấy cảnh hơn 20 người chăm sóc nhau cùng hai chú chó”, Sở cảnh sát Cheektowaga cho biết. “Có một tủ đông đầy thức ăn, nhưng không ai động đến. Họ chỉ ăn những gì cần thiết để duy trì sự sống. Họ giữ gìn và dọn dẹp mọi thứ đến mức không thể biết được ở đó từng có người trú ẩn”. Sở cảnh sát đang lên kế hoạch tôn vinh hành động của Withey, gọi anh là người hùng và là tấm gương về ý thức cộng đồng trong khu vực.



Jay Witney (thứ tự từ trái sang, hàng sau) cùng những người được anh giúp đỡ bên trú bên trong trường tiểu học Pine Hill. (ảnh: Facebook/Sở Cảnh sát Cheektogawa)

Trận bão tuyết dữ dội nhất càn quét phía Tây New York trong 45 năm đã khiến chính quyền thành phố Buffalo và quận hạt Erie gặp nhiều lúng túng trong ứng phó, khiến số nạn nhân thiệt mạng tăng cao. Nhiều thi thể được tìm thấy trong xe hơi, bị tuyết chôn vùi hoặc nhiều người tử vong vì lên cơn đau tim trong lúc xúc tuyết.


06 tháng 1, 2023

Câu đối ngày Tết_Trần-Lâm Phát

 

Câu đối ngày Tết

 



 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

…………………………..

(Ông đồ già, Vũ đình Liên, 1936)

Thời Hán học, nếu đàn ông không thi đậu được làm quan thì làm nghề dạy học mà người ta nôm na gọi là thầy đồ, ông đồ. Mỗi năm Tết đến ông đồ ngồi viết câu đối ở nơi đông người.

Câu đối là phong tục của người Bách Việt (百越), lãnh thổ ở phía Nam Trung quốc và phía Bắc Việt Nam. Họ treo hai bùa gỗ có hình vị Thần Đồ và thần Uất Luỹ ở hai bên cửa ngõ . Theo truyền thuyết, hai vị thần này sống dưới gốc đào lớn của núi Độ sóc và cai quản đàn quỷ. Về sau người ta thay thế bùa gỗ bằng hai câu đối và treo trong nhà, ngoài cửa .

Theo Tống sử Thục thế gia (宋史蜀世家) thì câu đối đầu tiên của Chương Tôn viết vào năm 959 theo lệnh của Mạnh Sưởng 孟昶chính chúa nhà Hậu Thục (934-965):

新年納餘慶
嘉節號長春

 

Tân niên nạp dư khánh

Gia tiết hiệu trường xuân

 

Nghĩa là:

 Năm mới thừa phúc lành

 Tết đẹp mãi trường xuân

Hàng năm khi Tết gần kề, người ta có thú chơi câu đốị.

Người thâm nho thì viết câu có ý nghĩa sâu sắc, người bình dân thì viết câu đơn giản. 

Trên bàn thờ thì viết câu nhớ công lao tổ tiên, cha mẹ .

Xưa thì câu đối viết bằng chữ Hán. Câu tận cùng bằng vần trắc thì treo bên phải (đứng đối diện câu đối) và câu tận cùng bằng vần bằng thì treo bên trái

 

 

 

 

Phiên âm:

Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ

Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên

Nghĩa là:

Năm có 4 mùa, mùa xuân đứng đầu

Con người có trăm đức hạnh, hiếu hạnh trên hết

Sau đó người ta thay chữ Hán bằng chữ Nôm và cũng viết theo hình thức chữ Hán:

 

 𨔽

𡀷

 

 𠿯

 

 

 Phiên âm:

Xuân tha hương ngậm ngùi nơi đất khách

Tết quê nhà rộn rã chốn mai vàng

Ngày nay ít người biết chữ Hán hay chữ Nôm nên thế hệ trẻ dùng thư pháp viết chữ quốc ngữ và đọc từ trái sang phải (câu vần trắc bên trái và câu vần  bằng bên phải)



Xuân Quý Mão
 2023
Trần-Lâm Phát













05 tháng 1, 2023

Nursing Home - Viện Dưỡng Lão _Bs Trần Công Bảo

 

 
Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”. 
Anh bạn thân của tôi, Bs. TNT từ lâu có đề nghị tôi viết một bài về "Viện Dưỡng Lão" (VDL) để giúp bà con mình có thêm một chút khái niệm về VDL vì anh biết trong suốt 27 năm qua tôi đã liên tục săn sóc cho các cụ già tại các viện dưỡng lão, và cũng đã là "Giám Đốc Y Tế" (Medical Director) của nhiều VDL trong vùng. Nay tôi muốn chia sẻ cùng qúy bạn một số kinh nghiệm và hiểu biết về VDL. 
  
Trong Việt ngữ chúng ta thường dùng từ Viện Dưỡng Lão, nhưng trong Anh ngữ thì có nhiều từ khác nhau như Nursing home, Convalescent home, Rehabilitation and Nursing center, Skilled nursing facility (SNF), Rest home... Nói chung, VDL là một nơi cho những người bị yếu kém về thể xác không thể tự săn sóc cho mình được trong cuộc sống hàng ngày. Thí dụ như không thể nấu nướng, giặt giũ, đi chợ...  nặng hơn nữa như không đủ sức để làm những việc tối cần thiết cho cuộc sống như ăn uống, đi tiêu, đi tiểu... hoặc cần phải có thuốc men đúng lúc mà không thể tự làm được. 
  
Khi nói tới VDL người ta thường chỉ nghĩ tới những người già mà thôi. Thật ra có nhiều người "trẻ" nhưng vì tật bệnh không thể tự lo cho mình được cần phải có sự giúp đỡ của SNF (skilled nursing facility). Vậy thế nào là VDL?

VDL là nơi cung cấp những dịch vụ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày cho những người không đủ khả năng lo cho chính mình. Tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh tật mà có những VDL khác nhau: 

1- Skilled Nursing Facility (SKF): là nơi cung cấp những dịch vụ cho những người bị khuyết tật nặng như tai biến mạch máu não gây nên bán thân bất toại, hôn mê lâu dài, hoàn toàn không còn khả năng ngay cả trong việc ăn, nuốt, tiêu, tiểu... Thường thường tại SNF có hai phần: phục hồi (rehabilitation) và săn sóc sức khỏe (nursing care). Có những người sau khi được giải phẫu thay xương khớp háng (hip replacement), thay đầu gối (knee replacement), hay mổ tim (bypass, thay valve tim) … cần thời gian tập dượt để phục hồi (rehabilitation). Sau đó họ có thể về nhà sinh hoạt bình thường cùng gia đình. 
  
2- Intermediate care facility (ICF) : cung cấp dịch vụ cho những người bệnh như tật nguyền, già cả nhưng không cần săn sóc cao cấp (intensive care). Thường thường những người này không có thân nhân để lo cho mình nên phải vào đây ở cho đến ngày cuối cùng (custody care). 
  
3- Assisted living facility (ALF): Thường thường những người vào ALF vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản như tắm rửa, thay quần áo, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Họ chỉ cần giúp đỡ trong việc bếp núc, theo dõi thuốc men và chuyên chở đi thăm bác sĩ, nhà thờ, chùa chiền hay mua sắm lặt vặt. Họ vẫn còn phần nào "độc lập". 
  
4-  VDL cho những người quá lú lẫn (Alzheimer facility):có những bệnh nhân bị lú lẫn nặng, đến nỗi không nhận ra người thân như vợ, chồng, con cháu nữa. Không biết tự đi vào buồng tắm, phòng vệ sinh để làm những công việc tối thiểu. Họ không biết họ ở đâu, dễ đi lang thang và lạc đường. Nếu ở nhà thì phải có người lo cho 24/24. Những VDL dành riêng cho những bệnh nhân này, thường là "locked facilty", cửa ra vào được khóa lại để bệnh nhân không thể đi lạc ra ngoài... Cách đây khá lâu đã có trường hợp một bệnh nhân đi ra khỏi viện, lạc đường, bị xe lửa cán chết! Từ đó có locked facilty. Đôi khi cũng có những viện bệnh nhân được gắn alarm vào cổ chân. Nếu bệnh nhân đi qua cửa thì alarm sẽ báo động và nhân viên sẽ kịp thời mang về lại.
  
NHỮNG DỊCH VỤ ĐƯỢC CUNG CẤP TẠI VDL : Điều này tùy theo từng viện. Tuy nhiên những dịch vụ sau đây là cần thiết: 
  
         1- Phòng ngủ. 
         2- Ăn uống 
         3 - Theo dõi thuốc men 
         4- Những điều tối thiểu hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân... 
          5- 24/24 lo cho những trường hợp bệnh khẩn cấp. 
          6- Sinh hoạt hàng ngày như giải trí, tôn giáo... 
         7- Vật lý trị liệu. Dịch vụ này rất quan trọng để giúp người bệnh có thể phục hồi càng nhiều càng tốt. Trong vật lý trị liệu có nhiều dịch vụ khác nhau: 
                 a- Tập dượt (physical therapy): như tập đi, tập lên xuống cầu thang, tập tự vào giường ngủ hay ra khỏi giường một cách an toàn, không vấp ngã... 
                  b- Speech therapy: tập nói, tập nuốt khi ăn uống... Có những bệnh nhân bị stroke, không thể nói hay ăn được, cần được tập để phục hồi chức năng này. 
                 c- Occupational therapy: Tập mang giầy, bí tất (vớ)... Tập sử dụng bếp gaz, bếp điện cho an toàn để tránh bị tai nạn. 
  
AI TRẢ TIỀN CHO VDL? 
Có nhiều nguồn tài trợ khác nhau: 
  
        1- Medicare 
        2- Medicaid (ở California là Medi-Cal). 
        3- Bảo hiểm tư, có nhiều người mua sẵn bảo hiểm cho VDL. 
        4- Tiền để dành của người bệnh (personal funds).
  
MEDICARE là do qũy liên bang, chỉ trả tối đa 100 ngày cho những bệnh nhân cần tập dượt để phục hồi chức năng tại một skilled nursing facility (SNF). Thường những bệnh nhân bị stroke, gãy xương...  cần dịch vụ này. Medicare KHÔNG TRẢ cho custody care. 
  
MEDICAID là do qũy liên bang và tiểu bang. Qũy này trả nhiều hay ít là tùy từng tiểu bang.  Medicaid trả cho dịch vụ y tế và custody care. 
  
BẢO HIỂM TƯ  thì tuy theo từng trường hợp sẽ có những quyền lợi khác nhau, nhưng thường rất hạn chế. 
  
Hiện nay người ta ước lượng trên nước Mỹ có khoảng 1.4 triệu người sống trong 15,800 VDL.  Các VDL này đặt dưới sự kiểm soát của bộ y tế, đặc biệt là do Centers for Medicare & Medicaid Services (CMS) giám sát. Hàng năm các VDL đều phải trải qua một cuộc kiểm tra rất gắt gao (survey) của CMS. VDL nào không đúng tiêu chuẩn thì có thể bị đóng cửa! Mục đích kiểm tra của CMS là để bảo đảm cho các bệnh nhân tại VDL được săn sóc an toàn, đầy đủ với chất lượng cao. Đồng thời tránh những trường hợp bị bỏ bê (negligence) hay bạo hành (abuse) về thể xác lẫn tinh thần. Tại mỗi VDL đều có lưu trữ hồ sơ kiểm tra cho công chúng xem. Bất cứ ai cũng có thể xem kết quả của các cuộc kiểm tra này. Tất cả các VDL đều phải có các biện pháp để bảo đảm sự săn sóc cho bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không sẽ bị phạt tiền, và có những trường hợp bị đóng cửa. 
  
Trên đây tôi đã trình bày sơ qua về những điểm chính của VDL. Tuy nhiên, như quý bạn đã từng nghe và biết, có nhiều khác biệt giữa những VDL... Theo tôi nhận xét thì quan niệm chung của mọi người là "không muốn vào VDL". Chúng ta từng nghe những chuyện không tốt thì nhiều, mà những chuyện tốt thì ít. "Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", là câu ngạn ngữ người mình vẫn nói từ xa xưa đến nay. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu là bài viết về việc con cái "bất hiếu", bỏ bố mẹ, ông bà vào VDL rồi không đoái hoài tới. Tôi cũng thấy nhiều trường hợp các cụ vào VDL một thời gian rồi không muốn về nhà với con cháu nữa!  Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả, trong cái hay có cái dở, và trong cái dở lại có thể tìm ra cái hay. Vậy chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm gì trong vấn đề này? Tôi chỉ xin nêu lên những nhận xét chủ quan của riêng tôi mà thôi. Có thể quý vị không đồng ý hết, nhưng nếu rút tỉa được ít nhiều ý kiến xây dựng thì "cũng tốt thôi". 
 
NHỮNG "BỆNH" CÓ THỂ DO VDL GÂY RA:
  
        1- Lo lắng (anxiety): Trong tháng 9/2011 những nhà nghiên cứu hỏi ý kiến của 378 bệnh nhân trên 60 tuổi nằm VDL tại thành phố Rochester, New York. Kết qủa là có trên 27.3% trả lời là họ bị bệnh lo lắng, từ vừa đến nặng. Nếu không được chữa trị sẽ đưa đến bệnh trầm cảm (depression). Nên nhớ là 378 bệnh nhân này là người Mỹ chính cống, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Chúng ta hãy tưởng tượng người Việt mình không biết rành tiếng Anh, không hợp phong tục, tập quán thì sự khó khăn sẽ nhiều như thế nào! Còn một vấn đề nữa là thức ăn, chúng ta quen "nước mắm, thịt kho"..., làm sao mà có thể nuốt hamburger, sandwich… ngày này qua ngày khác! Các vấn đề này càng làm bệnh lo lắng, trầm cảm nặng thêm! 
  
        2- Phản ứng của thuốc (adverse drug reactions): Trong tháng 1/2012 ngưòi ta theo dõi các bệnh nhân tại VDL, kết qủa là ít nhất 40% các bệnh nhân dùng trên 9 loại thuốc khác nhau. Uống càng nhiều thuốc thì phản ứng càng nhiều. Có ba loại phản ứng khác nhau: 
  
               a- Phản ứng phụ (side effects): thí dụ như uống aspirin làm bao tử khó chịu, thuốc cao máu làm táo bón... Loại này thường xảy ra, không cần phải ngưng thuốc. 
  
                b- Drug interference: (tạm dịch là thuốc đối tác với nhau): có nhiều loại thuốc uống chung với nhau sẽ làm tăng hoặc giảm sức tác dụng. Thí dụ thuốc loãng máu coumadin mà uống chung với thuốc tim như amiodarone sẽ làm dễ chảy máu. Có những thức ăn hay nước uống dùng chung với thuốc cũng ảnh hưởng đến thuốc. Thí dụ uống nước bưởi hay nho với một vài loại thuốc cũng sẽ tăng sức tác dụng của thuốc, dễ gây ngộ độc. 
  
              c- Dị ứng với thuốc (allergic reaction): Loại này nguy hiểm hơn, thường làm da nổi mề đay, đỏ, ngứa. Nếu nặng thì có thể chết được như phản ứng với penicillin chẳng hạn. Nếu bị dị ứng thì phải ngưng thuốc ngay. 
  
         3- Ngã té (fall): Người già rất dễ bị té ngã gây nên nhiều biến chứng quan trọng như chảy máu trong đầu (intracranial bleeding), gãy xương (như gãy cổ xương đùi, tay...). Khi già quá hoặc có những bệnh ảnh hưởng đến sự di chuyển, không còn đi lại vững vàng, nhanh nhẹn như lúc trẻ nên dễ vấp, té ngã. 
  
       4- Da bị lở loét (decubitus ulcers): Những người bị liệt giường, không đủ sức để tự mình xoay trở trên giường, rất dễ bị lở loét da gây nên nhiều biến chứng tai hại. 
  
        5- Nhiễm trùng (infection): như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu...nhất là những người cần phải dùng máy móc như máy thở (respirator), ống thông tiểu (Folley catheter)… 
  
    6- Thiếu dinh dưỡng, thiếu nước (malnutrition, dehydration): Ở các cụ già thì trung tâm khát (thirst center) trong não không còn nhạy cảm nữa, nên nhiều khi cơ thể cần nước mà không thấy khát không uống nên bị thiếu nước. Cái cảm giác "ngon miệng (appetite) cũng giảm đi nên không muốn ăn nhiều gây nên tình trạng thiếu dinh dưỡng.
  
VẬY CÓ NÊN VÀO VDL KHÔNG? Việc này thì tùy trường hợp. Theo tôi: 
  
         1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người "bán thời gian" (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ... 
         2- Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những assisted living facilities. Ở đây thường họ chỉ nhận tiền (personal funds) chứ không nhận medicare & medicaid. Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn. 
  
         3- Group homes (nhà tư): Có những người nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà. Họ cũng lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ...Thường thì rẻ hơn tùy từng group. 
  
        4- Nếu "chẳng đặng đừng" phải vào VDL thì phải làm sao để có được sự săn sóc "tốt nhất"? 
  
                a- Làm sao để lựa chọn VDL:
 
* Vào internet để xem ranking của VDL (tương tự như các tiệm ăn có xếp loại A, B, C....) 
  
* Mỗi VDL đều phải có cuốn sổ phúc trình về các cuộc kiểm tra (survey) do bộ y tế làm hàng năm. Trong đó bộ y tế sẽ nêu lên những khuyết điểm mà họ đã tìm thấy. Cuốn sổ này được để ở khu công cộng (public area) trong khuôn viên của VDL. Hỏi receptionist thì họ sẽ chỉ cho. 
  
* Hỏi ý kiến thân nhân những người có thân nhân đang nằm tại đó. 
  
* Quan sát bên trong và ngoài của VDL: xem có sạch sẽ, không mùi hôi, nước tiểu. Theo dõi cách đối xử, săn sóc của nhân viên với bệnh nhân. 
  
* Nếu có thể thì tìm một VDL có nhiều người Việt đang ở để có nhân viên nói tiếng Việt, có thức ăn Việt, có chương trình giải trí theo kiểu Việt. 
  
                b- Nếu đã quyết định chọn VDL cho người thân rồi thì phải làm gì sau đó?
 
* Chuẩn bị tư tưởng không những cho bệnh nhân mà con cho cả chính mình và mọi người trong gia đình để có được sự chấp nhận (acceptance) càng nhiều càng tốt. 
  
* Thăm viếng thường xuyên: Nếu nhà đông con cháu thì không nên đến thật đông một lần rồi sau đó nhiều ngày không có ai đến. Nếu được, nhất là trong vài tháng đầu, luân phiên nhau tới, mỗi ngày một lần một vài người. Làm lịch trình ai đi thăm ngày nào, giờ nào... 
  
* Nên làm một cuốn sổ "thông tin" (communication book) để cạnh giường. Trong cuốn sổ này mỗi khi ai đến thăm thì viết ngày giờ, tên người đến thăm, và nhận xét xem bệnh nhân có vấn đề gì cần lưu ý, giải quyết. Nếu không có vấn đề gì thì cũng nên viết vào là không có hoặc cho nhận xét về vui, buồn, than thở của bệnh nhân... 
* Cuối tuần hay ngày lễ: nên có người vào hoặc mang bệnh nhân về nhà nửa buổi để được sống với không khí gia đình dù ngắn ngủi, hay đưa ra khỏi VDL để làm đầu, tóc hoặc tới tiệm ăn cho khuây khỏa... 
  
* Nên sắp xếp để bệnh nhân có sách báo, băng nhạc bằng tiếng Việt cho bệnh nhân giải trí. 
  
* Cho dù có những bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh lâu dài, nhưng khi đến thăm hãy cứ thì thầm bên tai họ những lời yêu thương, những kỷ niệm cũ. Nắm tay, xoa dầu để tỏ tình thương yêu. Tuy họ không có thể cảm thấy được 100% nhưng chắc chắn họ vẫn còn một chút nhận thức, làm họ hạnh phúc hơn, mặc dù mình không nhận thấy. Để bên đầu giường những băng nhạc, câu kinh mà khi còn khỏe họ đã thích nghe. 
  
* Một điều chót mà theo kinh nghiệm của tôi, rất có hiệu quả: đối xử tốt nhưng nghiêm túc với nhân viên của VDL: 
  
             - Đối xử tốt: lịch sự, nhẹ nhàng, không thiếu những lời cám ơn cho những nhân viên phục vụ tốt. Thỉnh thoảng mua một vài món quà nhỏ cho họ (tôi xin nhấn mạnh “nhỏ thôi”– đừng nên coi đây là hối lộ) như đồ ăn, thức uống ...  để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Mình tốt với họ thì họ sẽ quan tâm đến mình nhiều hơn. Người mình vẫn nói: "Có qua có lại mới toại lòng nhau"). 
  
            - Tuy nhiên đối xử tốt không có nghĩa là mình chấp nhận những sai trái của họ. Thí dụ mình đã báo cáo những thay đổi về sức khỏe của bệnh nhân cho họ mà không ai quan tâm giải quyết thì mình phải lịch sự nêu ra liền. Nếu cần thì gặp ngay những người có trách nhiệm như charge nurse, nursing director và ngay cả giám đốc của VDL để được giải quyết. Nên nhớ là phải lịch sự, nhã nhặn nhưng cương quyết thì họ sẽ nể phục mình. Tôi đã thấy nhiều trường hợp đạt yêu cầu một cách rất khả quan. 
  
Trên đây là những kinh nghiệm của tôi xin chia sẻ với quý bạn. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đầy đủ tất cả những gì quý bạn mong muốn, nhưng hy vọng cũng đáp ứng được phần nào những ưu tư, lo lắng cho người thân của quý bạn.