01 tháng 1, 2023

Hải Thượng Lãn Ông & Chuyện Tình Buồn_BS Đỗ Hồng Ngọc





Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720–1791) quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Mỹ Văn, Hưng Yên) nhưng ông về quê mẹ là làng Tình Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sinh sống bằng nghề bốc thuốc ngay từ khi còn trẻ. Ông lấy hiệu là Lãn Ông, tức ông già lười.

Tuy nhiên, ông chỉ lười công danh, lười đua chen ở chốn quan trường, còn sự nghiệp y học thì ông rất chăm chỉ nghiên cứu và trở thành danh y bậc nhất thời bấy giờ. Ông có bộ sách y học đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 65 quyển đúc kết kinh nghiệm 40 năm bốc thuốc chữa bệnh cứu người, một bộ sách y học lớn nhất nước ta từ trước tới nay.

Cũng vì tiếng tăm của ông vang dội đến tận Kinh đô mà năm 1781 chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Ông đã ghi chép lại toàn bộ chuyến đi này trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự (Ký sự lên Kinh). Đây là một tác phẩm văn chương đặc sắc, đề cập đến đời sống sinh hoạt của tầng lớp vua chúa, quan lại và thị dân ở chốn Kinh thành vào cuối thế kỷ XVIII.

Trong chuyến lên Kinh lần này, Hải Thượng Lãn Ông tình cờ gặp lại người xưa, trong một trường hợp rất đặc biệt. Nguyên do là, khi còn nhỏ ở nhà, Lê Hữu Trác đã được bố mẹ hỏi cho một cô gái con nhà quan làm vợ. Các thủ tục dạm hỏi đã hoàn tất, chỉ chờ ngày cưới. Nhưng sau đó do gặp trắc trở, ông từ hôn rồi vào quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) sinh sống.

Hải Thượng Lãn Ông nào có biết rằng, cô gái đó sau này không lấy ai nữa, vì cho rằng mình đã có nơi gá nghĩa rồi. Cô ở nhà chăm sóc cha mẹ. Khi cha mẹ mất, cô gửi thân vào chốn cửa thiền. Hơn 40 năm sau, bây giờ cô gái năm xưa đã trở thành một nhà sư già. Bà đi khuyến giáo thập phương để về đúc chuông chùa làng và rồi gặp ông trong một nhà trọ ở Kinh thành.

Chuyện đó được Hải Thượng Lãn Ông ghi lại trong Thượng Kinh ký sự…

Người xưa tìm lại

Đến Kinh thành rồi, một ngày nọ, có hai lão ni đến chỗ Hải Thượng Lãn Ông ngụ, nói rằng:
“Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá.”

Thế rồi một lão ni tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam, quê ở Huê Cầu.

“Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ”, Lãn Ông viết. Sau đó ông tìm cách “hỏi nhỏ một tiểu cô trong bọn tòng hành mới biết đây là người cũ của mình”.

Rõ ràng một lão ni tìm đến một quan nhân (lúc này Lãn Ông đang làm quan thầy thuốc ở trong triều) để khuyến hoá mà lại xưng cái gốc tích của mình ra như thế, phải có lý do gì chứ. Vì người xuất gia vốn đã phải xa lánh bụi trần, đâu còn vấn vương đến gốc tích của mình. Và đúng vậy, chỉ mới nghe qua địa danh Sơn Nam, Huê Cầu thôi, đã đủ làm cho Lãn Ông choáng váng, “giật mình như tỉnh giấc mơ”.

Chuyện đúc chuông, khuyến hoá chẳng qua là cái cớ để cho người xưa có dịp gặp lại ông. Tưởng tượng mà xem, lão ni đã phải trần tình năn nỉ, thuyết phục sư bà ra sao để sư bà động lòng chịu cùng xuống núi một phen.

Tuy biết khá rõ rồi, nhưng vốn thận trọng, Lãn Ông mới “trắc nghiệm” lại lần nữa, vì biết đâu chỉ là một sự tình cờ, ông bèn kể rõ họ tên quê quán…

Lãn Ông viết tiếp: “Lúc đó chỉ thấy ni cô chùa Huê Cầu mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng, bảo sư bà trụ trì rằng: Thôi, chúng ta đi đi thôi”. Một lão ni nghiêm trang cẩn mật, tuổi tác già nua mà “mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng” rồi phải hối thúc sư bà “đi đi thôi” trong một tâm trạng như là dỗi hờn thì thật là đáng kinh ngạc.

Lãn Ông rất lúng túng, tìm cách “lưu họ lại không được, mới mang ra một ít hương tiền để cúng” rồi hỏi: “Hai lão ni trọ tại nơi nào?”

Họ đáp: “Chưa có nơi nào”, rồi vội vàng từ biệt ra đi.

Lãn Ông đâu dễ chịu ngồi yên, ông “vội gọi một tên người nhà linh lợi bảo đi theo sau họ, mà không cho họ biết…”

Thế rồi Lãn Ông nhớ lại mối tình xưa. Lỗi tại ông. Ông đã nộp đủ lễ vấn danh, lễ nạp thái, vậy mà rồi vì một lý do riêng, ông hồi cư về Hương Sơn quê mẹ và xa luôn người vợ sắp cưới của mình để bà phải mỏi mòn trông đợi đến hôm nay mới bất ngờ gặp lại.

Rồi người thiếu phụ đó ra sao? Lãn Ông có dò hỏi thì biết bà “thề chung thân ở vậy”. Nhiều người đi hỏi cưới, bà cương quyết từ chối. Sau cùng, bà vào chùa tu.

Lãn Ông viết:
“Tôi nghe biết vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: Vì ta bất cẩn trong việc này. Có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận, mà ta mang tiếng là người bạc bẽo. Ta bối rối không biết cách nào để gỡ cái mối ra, mới vội vàng đến Huê Cầu mà tìm hiểu sự việc”.

Quả thật, bà đã từ hôn nhiều người chỉ vì lòng bà chỉ có Lãn Ông thôi. Bà thà đi tu chớ không lấy ai khác nữa! Bà nói:
“Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ…”

Trách chi Lãn Ông không tan nát cõi lòng, “tâm thần kinh loạn”.

Tha thứ

Để chuộc lỗi mình, và cũng là kính ngưỡng sự tu hành của người xuất gia, ông chỉ xin bà cho ông được coi bà như “cô em gái nhỏ”, bảo dưỡng bà suốt đời từ đây. Vì bà đã đi tu nên ông đề nghị cất cho bà cái chùa nhỏ, trong một cảnh vườn vằng vẻ yên tĩnh: “Mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo ân, hai là để chuộc lỗi…”

Bà cố cầm giọt lệ: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu có dám trách ai… Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh linh lạc vậy”. Và bà đã từ chối.

Rồi Lãn Ông làm thơ. Phải, bởi vì đâu có thứ thuốc nào sắc ba chén còn bảy phân mà chữa được cái bệnh của ông bây giờ! Ông viết: “Tôi lấy làm thương tình, mới giải lòng trong một bài thơ.” Bài thơ đó như sau:

Hán Việt:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,
Kim nhật tương khán khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,
Song mâu xuân tận kiến hình hoa.
Thử sinh nguyện tác can huynh muội,
Tái thế ứng đồ tốn thất gia.
Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,
Túng nhiên như thử nại chi hà?

Bản Ngô Tất Tố dịch:

Vô tâm nên nỗi luỵ người ta,
Trông mặt nhau đây luống xót xa.
Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ,
Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa.
Kiếp này hãy kết làm huynh muội,
Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia.
Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ,
Dở dang, dang dở biết ru mà?

Bản Bùi Hạnh Cẩn dịch:

Vô tâm nên nỗi lỡ người ta,
Nay lại nhìn nhau luống thẫn thờ.
Một nụ cười tình, châu lệ lạnh,
Đôi tròng xuân cạn nét tài hoa.
Đời nay xin kết anh em ngãi,
Kiếp tới nên tròn phận thất gia.
Ta chẳng phụ người, người nỡ phụ,
Đành thôi như thế, biết sao mà!

Cảm động vì bài thơ “giải lòng” đó mà bà đã tha thứ cho ông. Lãn Ông viết: “Từ đó thời thường qua lại hỏi thăm nhau”.

Chuyện rồi kết thúc ra sao?

Tuổi hạc ngày càng cao, bà chỉ xin ông mua gỗ ở Nghệ An đóng cho bà một cỗ quan tài. Vâng, phải đúng gỗ ở Nghệ An bà mới chịu, vì đây là vùng Hương Sơn quê mẹ Lãn Ông (Lãn Ông quê gốc Hải Dương, nhưng sống và thành danh ở Hương Sơn). Có lẽ bà nghĩ lúc sống đã không được nên duyên vợ chồng thì lúc chết ít ra cũng được âu yếm nằm trong một cổ quan tài do ông đóng cho bà từ thứ gỗ của quê hương ông.

Đó, chuyện buồn của Hải Thượng Lãn Ông, “Ông Làm Biếng” làng Hải Thượng, một chuyện thuỷ chung, nhân hậu của một thầy thuốc, ông Tổ của ngành Y, làm ta thấy càng gần gũi với ông hơn, càng quý trọng ông hơn.

 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc 


Chú thích của Phát Trần-Lâm:

Bài thơ chữ Hán Ngộ Cố Nhân đăng trong Nam Phong Tạp Chí số 83, tháng 5 năm 1924. 

Bài này nằm trong Thượng Kinh Ký Sự, chương 14 "Nghĩa cũ tình ghi: "



遇故人

Ngộ cố nhân

無心事出誤人多,

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,

今日相看苦自嗟。

Kim nhật tương khán khổ tự ta.

一笑情多流冷淚,

Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,

雙眸春盡見形花。

Song mâu xuân tận kiến hình hoa.

此生願作乾兄妹,

Thử sanh nguyện tác can huynh muội,

再世應圖巽室家。

Tái thế ứng đồ tốn thất gia.

我不負人人負我

Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,

縱然如此奈之何?

Túng nhiên như thử nại chi hà?

Nghĩa là:

Vì vô tâm thành huyện làm nhầm lỡ cho người,
Ngày nay nhìn nhau đắng cay than thở.
Mót nụ cười bao tình cảm, lệ tuôn chảy,
Hai tròng mắt đã hết xuân bổng hiẹn hình hoa.
Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa,
Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng.
Ta không phụ người mà người phụ ta,
Nếu phỏng như thế thì thì làm thế nào đây ?


Nguyễn Trọng Thuật ( 阮仲述 1983-1940) , tác giả quyển Quả dưa đỏ,  dịch:

Vô-tâm mà hóa lỡ người ta,

Trông mặt nhau nay những xót-xa.

Cảm-tình cười gượng rơi hàng lụy,

Bừng mắt trông mờ thấy bóng hoa.

Kiếp này hãy kết tình huynh-muội,

Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất-gia.

Ai nỡ phụ ai ai nỡ phụ,

Vì đâu nên nỗi biết sao mà



                                                            Nghệ sĩ: Trúc Ny

Giọt Men Tình

Tác giả: Lý Bông Dừa 

Lý Bông Dừa tên thật là Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1981, giáo viên trường tiểu học Hàm rồng ở Bến tre . Cô cũng là tác giả bài Đêm mưa nhớ Mẹ  và khoảng 200 bài vọng cổ khác.

Vọng Kim Lang:

Nâng chén men cay, ta chuốc say đêm này.
Phiêu lãng theo canh dài lòng sầu nhớ thương ai.
Xác xơ dấu yêu đâu còn mà ảnh hình mãi không mờ phai.

Người đành chôn vùi bao ngày xưa ấy.
Để ta hao gầy, niềm ngang trái chua cay.
Ngã nghiêng bước chân lê dài
tìm quên càng nhớ thêm người ơi.
Ngâm câu túy ca riêng mình
mà giọt tình uống cho cạn vơi.

Vì đâu xa cách đôi nơi
thấm say cơn sầu buông lơi.
Mưa buồn bên ngoài đang rơi
hay nỗi đau âm thầm chưa vơi...

Câu
1:

Biết trách ai đây gieo cảnh đắng cay bao tháng ngày đeo đẳng.
Hoài niệm xa xưa mượn men sầu làm bạn, mượn khúc tương tư trút cạn khối u... hoài.(
Hò 16)

Lem luốc đời ta số phận đã an bài.
(Hò 20)

Giam lỏng con tim mặc tháng ngày rạng rỡ,
xé nát nụ cười ta bỏ lỡ niềm vui.
(Xê 24)

Rượu cạn nguồn sao nỗi nhớ khôn nguôi,
chát đắng bờ môi thêm ngậm ngùi câu dang dở.
(Xang 28)

Ta chẳng quên người sao người nỡ quên ta,
dĩ vãng trôi xa hay chỉ là chôn
.... dấu. (Cống 32)

Câu
2:

Ta chuốc say để đêm dài ngất ngưởng,
một khối tình si chết lịm với thương sầu.
(Hò 16)

Trăng oán hờn mây nên rụng xuống chân cầu.
(Hò 20)

Ai hứa chờ nhau đến bạc đầu chung thủy,
sao nỡ thay lòng đành cất bước ra đi.
(Xê 24)

Chưa một lần ta thốt tiếng từ ly,
mà lối cũ chỉ mình ta đếm bước.
(Xê 28)

Bão tố đêm nay cho thời gian quay ngược,
mượn chén men sầu ta muốn được tìm quên.
(Xang 32)

Nói
lối:

Tỉnh giấc mơ buồn lặng lẽ với niềm đau.
Thôi quá khứ đủ nghẹn ngào hận tuổi.
Khiến xui chi trên đường đời gió bụi.
Ta vô tình lầm lũi bước ngang nhau.

Câu
5:

Bạc áo phong sương bởi dặm trường ta nếm trải, mỗi bước chân đi tình xưa vương vấn mãi ôm khối tương tư khắc khoải đến bây.... giờ. (Hò16)
Gặp gỡ hôm nay dù ai quá hững hờ.
(Hò 20)

Như gió gặp mây là tình cờ bất chợt,
sao trái tim này hời hợt phút dại si.
(Xê 24)

Gặp để làm gì rồi kẻ ở người đi,
nước mắt chia ly tình chỉ là vô vọng.
(Xê 28)

Ngược hướng nhìn nhau nghe tâm hồn bão động,
cúi mặt chào nhau nghe lạc lõng bước chân về.
(Xề 32)

 Sâm Thương:

Ta đã say hay chưa?
Sao lòng ta, còn chưa nguôi nhớ.

Mưa trách ai mưa rơi,
cho màn đêm lạnh lẽo chơi vơi.

Ngàn năm mình đôi nơi,
tình vô duyên viễn cách xa trọn đời.

Thuyền căng buồm ra khơi,
thì ai ơi có thấu chăng cho bờ.

Câu
6:

Ta đợi chờ ai thẫn thờ nơi bến vắng,
dẫu biết người đi đằng đẵng không
 về. (Xề 24)

Người ta sai hẹn lỗi thề,
để bao ký ức não nề vương mang.
(Xê 28)

Càng say, càng thấy bẽ bàng,
muốn quên dạ lại trăm ngàn nhớ thương.
 (Liu 32)