24 tháng 3, 2023

Mơ Về Bến Mộng_Trầm Hữu Tình

Đọc giả VTM họa bài Biển đời của Nguyễn Cang 


Mơ Về Bến Mộng

Biển khơi sóng vỗ dập dồn
Màn đêm tĩnh mịch đưa hồn đi xa
Rong chơi trời nước bao la
Thong dong thơ túi có mà lo âu
Mặc cho gió lắc con tàu
Lòng son lữ khách một màu tình xưa
Nhớ ngày em nép giậu thưa
Tay nâng nón lá tóc vừa chấm vai
Nét son gói trọn gót hài
Vụng về anh viết một bài vu vơ
Qua bao năm tháng đợi chờ
Nguyện thuyền đỗ bến đúng giờ ước mong
Trầm Hữu Tình

23 tháng 3, 2023

VTM 118_Biển đời_Nguyễn Cang

 


Xướng:

Biển Đời
Trùng khơi biển cả sóng dồn
Ngàn xưa con nước gọi hồn phương xa
Chân trời góc bể bao la
Bay theo thuyền cá la đà hải âu
Nhấp nhô nặng trĩu con tàu
Nghìn năm bến đỗ in màu dấu xưa
Giọt buồn gọi nắng lưa thưa
Nghe tâm tư nặng chất thừa hai vai
Rong rêu phủ kín hình hài
Biển đời khép chặt lạc loài bơ vơ!
Bến xưa còn đợi còn chờ ?!!
Ai người tâm sự cho vừa nhớ mong?!!
Nguyễn Cang

Họa 1:

 Biển Chiều

Chiều nay biển động dập dồn,
Từng con sóng bạc hùng hồn tự xa.
Xô bờ ầm ĩ gào la,
Xua đàn chim biển điệu đà cánh âu.
Ngoài khơi còn mấy chuyến tàu,
Cánh buồn căng gió rõ màu nâu xưa.
Nắng chiều còn mấy sợi thưa,
Nhuộm hồng mặt biển còn thừa vắt vai.
In trên cát mịn gót hài,
Sóng xô xóa hết mọi loài vẩn vơ.
Lang thang một bóng đứng chờ,
Thuyền về cập bến mới vừa đợi mong.
Mỹ Ngọc

Mar. 16, 2023.

Họa 2:

Đời người
 
Đời người mưa gió dập dồn
Ước mơ lôi cuốn tâm hồn bay xa
Quê người xứ lạ bao la
Ngắm nhìn liễu rũ là đà trời âu
Bổng nghe có tiếng còi tàu
Giựt mình tỉnh thức nhớ màu áo xưa
Ngoài hiên giọt nắng lưa thưa
Tuổi đời như đã chất thừa đôi vai
Hao gầy bóng nhỏ hình hài
Chợt nhìn cánh hạc lạc loài bơ vơ
Thời gian ngắn ngủi mong chờ
Tâm tư khép kín đủ vừa chẳng mong
Hương Lệ Oanh VA

Mar. 17, 2023

Họa 3:

Ra Khơi
 
Đêm khuya sóng vỗ dập dồn
Nhìn ra biển cả hết hồn lo xa
Đàn chim vọng tiếng kêu la
Trẻ già lớn bé trên đà lo âu
Âm thanh vọng lại từ tàu
Bầu trời u ám đậm màu quá xưa
Người chờ đứng đón dần thưa
Lệ rơi nghĩ đến gia thừa đôi vai
Đôi chân lê bước không hài
Từ nay là kẻ lạc loài chơ
Ra khơi ngày ngóng trong chờ
Bóng hình Tô Thị mắt mờ đợi mong
PTL
Gia thừa: đảo ngữ của từ thừa gia: kế tiếp việc nhà

Họa 4:

Dòng Đời
 
Tháng ba nô nức dập dồn
Nối nhau ra biển thả hồn ngàn xa
Lảng quên bỉ cực thiên la 
Tung tăng thích ứng điệu đà á âu
Sóng mơn trớn vỗ mạn tàu
Mấy ai còn nhớ sắc màu ngày xưa
Mây giăng che khuất sao thưa
Gió lùa ngược gió mưa thừa trĩu vai.
Trải qua bao nỗi bi hài
Gốc nam ngọn bắc khác loài chơ vơ.
Thương ai chín đợi mười chờ!?!
Khúc Nam Huân* trổi có vừa ước mong!?!
Tâm Quã
 
*/-Khúc Nam Huân: khúc đàn ca ngợi ngọn gió ấm phương nam.
Trong Án sử ký vân 按史記云 của Trung quốc ghi rằng:
Xưa vua Thuấn đánh đàn năm dây ca lời:
Nam phong chi huân hề…, khả dĩ giãi ngô dân chi uấn hề.
之薰兮,可以解吾民之愠兮
Nam phong chi thì hề…, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề.” 
兮,可以阜吾民之

Nghĩa
“Gió ấm phương nam chừ, có giải được nỗi oán giận của dân ta!
Gió phương nam chừ, có thể làm thêm nhiều của cải cho dân ta!”

Muốn thêm chi tiết xin vào link:
https://so.gushiwen.cn/mingju/juv_135a27bcd5d2.aspx

Họa 5:

Biển Đời

Biển khơi sóng vỗ dập dồn,
Mạn thuyền nghiêng ngả, thả hồn chốn xa.
Đàn chim chao liệng lân la,
Gió trao hương biển mặn mà, lo âu.
Bọt tung trắng xoá mạn tàu,
Khuất xa tầm mắt nơi nào quê xưa?
Mênh mông trời biếc mây thưa,
Phận người bé bỏng gió lùa buốt vai.
Trần gian lắm nỗi bi hài,
Trời cao biển rộng, đêm ngày trơ vơ.
Bờ xa thăm thẳm ngóng chờ,
Bao cơn mộng mị dật dờ mãi mong…
Minh Tâm

Họa 6:

Quê Nghèo Nhớ Bạn
 
Cuộc đời biến đổi dập dồn
Phương trời lạc lối- gởi hồn mộng xa
Quê nghèo vắng bạn lân la
Thuyền xuôi giỡn sóng là đà cánh âu
ngày nao chung một chuyến tàu
Giờ đây cách bóng tím màu trăng xưa 
Bên thềm quạnh quẻ song thưa
Chim khua gọi bạn canh thừa buốt vai
Còn duyên thêu nắng gót hài
Chiều nghiêng dáng liễu- cảm loài thương vơ
Chương sầu vội mở tin chờ
Trái tim đồng điệu cũng vừa hồi mong  
Kim Trân

07 tháng 3, 2023

Mưa Cali_Song Lam

Song Lam là 1 cựu sinh viên ĐHSP Sài Gón  năm 1970; tác giả tập truyện ngắn Chỉ Là Mơ Thôi

Mưa Cali.



Rời Cali cả tuần nay rồi mà tâm trí tôi vẫn bềnh bồng với những sinh hoạt ngày Tết trôi qua vội vã – Gần bốn tuần lễ vui chơi ở Orange County, ngày nối tiếp ngày, đêm trôi qua đêm với những náo nức rộn rã như những ngày xưa tuổi nhỏ mỗi lần Tết đến. Tôi thật sự chưa tỉnh thức với chính mình. Cái gì làm tôi u mê đến vậy? Xin đừng hỏi tôi, tôi không trả lời được đâu.

Không dấu được nỗi buồn còn đọng lại sau chuyến đi, tôi bỗng giật mình thảng thốt với chính mình. Vui chơi với bè bạn tuổi không còn trẻ nữa tuổi bảy lăm mà cứ tưởng mười lăm nên trận mưa đêm rã rít hiếm có ở Cali làm tôi có chút ngỡ ngàng.

Tưởng là trốn được cái lạnh của New Jersey, nhưng ai có ngờ đâu, cái lạnh theo chân tôi đến cái nơi có tiếng nắng ấm này. Sự đột biến của thời tiết làm tâm lý tôi xáo trộn. Tuần lễ đầu tiên, mưa cứ tuôn ngày đêm, khi lê thê, khi chóng vánh mang theo cái lạnh ít có ở vùng Little Saigon. Mùa Đông Cali đâu thấm gì với mùa Đông miền North-East mà sao tôi thấy rét run người?

Những ngày áp Tết Âm lịch tôi thích lắm. Làm sao không vui cho được khi hàng quán đông nghịt người người sắm sửa ăn Tết, chơi Tết. Chợ Cosco nắm bắt được tâm lý người Việt khi mang hàng trăm chậu hoa Cúc Đại Đóa vàng ở đâu đó về bán. Người Việt ở đâu mà đông quá vậy? Họ mua hoa Cúc xếp đầy ắp shopping cart. Chỉ là hoa Cúc mà thôi. Tôi mê mẩn “quơ” sáu chậu hoa, trịnh trọng đem đến ba gia đình thân thuộc. Còn hoa Lan nữa chi? Hoa Địa Lan bày bán trước chợ ABC, hoa Lan đủ mầu, đủ sắc, lớn nhỏ chật cả lối đi. Và còn trái cây nữa chứ? Ôi thôi lê, táo, bưởi bòng tràn ngập các chợ, tràn ra lề đường, tràn luôn khu chợ hoa Phước Lộc Thọ. Tiếng đàn tiếng hát rộn rã từ hồi nào vậy ta? Khu chợ đêm với mùi thịt nướng, bắp nướng kích thích vị giác mọi người.. Bây giờ, ngồi đây trên trang viết này, tôi vẫn còn thòm thèm bắp nướng mỡ hành, chuối bọc nếp nướng chan nước dừa bột báng. Ôi sao thèm quá chừng.!

Bốn tuần lễ vẫn còn chưa đủ với bè bạn, với người thân, với học trò cũ quanh vùng Little Saigon. Hình như có điều gì trói buộc tôi không ra khỏi Orange County vì sự hấp dẫn của ẩm thực, hay vì sự nồng ấm của tình người?

Những ngày trước Tết dù đi chợ mỗi ngày tôi vẫn thấy còn thiếu. Hoa, quả mua rồi, thức ăn đầy ắp trong tủ lạnh nhà chị tôi, nhưng khi ra chợ vẫn muốn mua thêm. Kiêng khem đủ thứ vì bệnh cao đường. Ở New Jersey, check blood test mỗi ngày, không ăn cơm, không ăn tinh bột nhiều, tôi cố gắng giữ đường huyết ổn định, và không cho phép mình tăng cân. Nhưng tôi quên hết khi đến Cali. Ôi! ăn Tết cái đã. Bánh chưng mỡ màng, bánh giò mềm mại, chả lụa Phú Hương, chả cốm nhà hàng Vân, bánh mì thịt Sài Gòn, bánh mì BBQ Thanh Tâm, cháo lòng Tam Biên, cơm tấm Đào Viên extra chả hấp. Rồi còn phở Hollic nữa chi? Bánh cuốn Thanh Trì, bánh canh Trảng Bàng, Quê Anh-Quê Em. Trời đất! tôi còn là tôi nữa không?

Rồi ngày Tết cũng ào ào đến không kịp chờ đợi. Cả nhà tôi cứ chiều tan sở là rủ các cháu ra chợ, ra Phước Lộc Thọ “hưởng thụ” cảnh Tết. Trời ơi, rộn ràng háo hức quá: Nào bánh mứt, nào hoa lá rực rỡ, nào tiếng đàn tiếng hát rộn ràng. Tiếng hát thanh xuân cũng có, tiếng hát “bô lão” tám chục cũng có luôn ; không ai phê phán gì hết. Vui mà! Cứ vui đi! Ngày mai giao thừa, mọi thứ sẽ fini. Còn có “đãng xê” minh họa nữa chứ! Cặp vợ chồng già đi “Slow mùi” xong, lại chộp giựt điệu Cha cha coi được quá!

“Ngày ba mươi Tết ta còn gì cho nhau”? Nhóm Việt Báo ơi ới gọi nhau họp mặt ăn Tết ở nhà cô nương chủ “Khách sạn ngàn sao” ở San Jose mới dọn về Santa Ana hai năm nay. Cũng nụ cười tỏa nắng, cũng nét đẹp của “cô em Bắc kỳ nho nhỏ” ngày nào, cũng vườn cây trái xum xuê dù mới bắt đầu tạo dựng. “Chị nghiêng qua phải tí, cười lên nha, em chụp đây”. Trời ơi, vui không khép được miệng cười. Mọi người cũng veston chỉnh chu, cũng áo lụa khăn quàng đúng nghĩa thanh cao tao nhã của Saigon, của Hà Nội năm mươi năm trước:

Bảy mươi ai bảo là già?

Tám mươi ta cứ mặn mà vui Xuân.!

Mà đúng như thế. Bọn tôi, trẻ nhất cũng sáu mươi lăm già nhất cũng hơn tám mươi, mà riu ríu như trẻ con ngày Tết. Tôi đã nói rồi : bảy mươi lăm mà cứ tưởng như mười lăm. Vội vàng lắm, vì như cậu em trai út của tôi hay nói : “Không còn bao lâu nữa đâu, chị ơi!”

Phải, không còn bao lâu nữa. Xuân đến, Xuân tàn, thời gian sẽ không chờ đợi một ai, cuộc vui sẽ qua đi, chỉ còn nỗi buồn còn ở lại.

Tôi đã dặn lòng không còn phải nghĩ ngợi gì, phải buông bỏ như chiếc lá khô xuống dòng nước chảy xiết, quanh co. Đêm Giao thừa ở chùa Điếu Ngự, đứng trước tượng đài Quán Thế Âm, tôi đã cầu nguyện như thế. Cho tôi quên những tháng năm chìm nổi gian truân, cho tôi quên cuộc sống cam khổ nhục nhằn từ trong nước sau 1975 nghèo đói, cơ hàn. Tôi đã quên một đất nước tươi đẹp, hào hùng mà tôi đã sống, ăn học, và lớn lên ở đó hơn bốn mươi năm sao?

Đêm Giao thừa ở chùa Điếu Ngự ghi lại trong tôi nhiều xúc cảm. Ngoài việc lễ Phật cầu cho bá tánh an khang, tôi được xem văn nghệ trên sân khấu với các nghệ sĩ quen thuộc. Lâm Nhật Tiến với bài hát : “Anh Đến Thăm Em Đêm 30” thật hay, và đúng “thời vụ” người Việt tha hương ngồi lại với nhau, chìm đắm trong lời ca, tiếng nhạc, nhớ về một Saigon đằm thắm xa xưa.

Nói như nhạc sĩ Nam Lộc “Saigon ơi! tôi xin hứa rằng tôi trở về”. Đối với tôi, lời hứa đó, hình như tôi đã thất hứa vì tuổi già lãng đãng, vì động lực không còn, và hơn hết là niềm đau tuyệt vọng.

Sáng Mồng Một, nhìn ra sân nắng lóe, tôi vui mừng vì trời đã dứt cơn mưa mấy ngày nay, cho đồng bào ăn Tết chứ. Nắng đẹp, nhưng vẫn se lạnh, giống mùa Thu ở Đông-Bắc, ra đường mọi người phải mặc thêm jacket. Cái lạnh Cali không làm tôi phải co ro, nhưng trong lòng mình vẫn phơn phớt nhớ cái lạnh khủng khiếp ở các tiểu bang Trung Mỹ như Colorado, Minesota, Michigan khi tuyết đổ ngày đêm trong những ngày đầu Xuân mới.

Ngày Mồng Một chạy show không kịp thở, vì nhiều cái hẹn với bạn bè, phải đến Los Angeles thăm gặp gia tiên, trưởng lão. Tối về, phải dự bữa dinner mừng sinh nhật đứa cháu. Sang Mồng Hai chúng nó phải trở lại chỗ làm, tôi có thì giờ nấu ăn vài món cho gia đình.

“Ngày Mồng Hai chúc cho lứa đôi mình”. Câu viết trên Face Book được anh bạn ở Santa Ana thêm “..ít cãi nhau”, làm tôi tức cười quá. Ông này chắc suy bụng ta ra bụng người đây. Sao ông nói đúng quá vậy?

Tiếp nối những ngày sau Tết là thăm gặp các bạn từ xa về, như ở San Jose, San Francisco, Arizonia. Rồi tay bắt mặt mừng, ríu rít ăn uống hàn huyên, chuyện vui nổ như bắp rang, không ai nói chuyện riêng của gia đình mình, nếu có gì không vui,..giấu biệt. Loáng một cái, vài giờ khắc qua đi, chúng tôi giơ tay chào nhau từ biệt, hay họa hoằn lắm siết chặt tình thân bằng cái ôm từ biệt, hẹn hò năm sau.

Năm sau, có, không, ai mà biết được? Tuổi già như bóng mây, gặp nhau lần nào biết lần nấy, No body knows tomorrow, mà.! Nếu cuộc vui làm chật nức lòng tôi trong chuyến “du Xuân” Cali lần này, thì cơn mưa đột biến rã rít vài đêm cũng làm tôi nghĩ ngợi. Ôi những đêm mưa ở Saigon lộp độp trên mái tôn ngày tôi còn thơ ấu, hay cơn mưa bất chợt lúc tan trường áo dài đồng phục ướt mem lật đật quay xe đạp tìm nơi trú ẩn. Đến đây, các bạn, có lẽ, sẽ thêu dệt mối tình trú mưa xảy ra nhan nhản trong các tiểu thuyết diễm tình ngày xưa phải không? Chuyện đó, có mà, ai cũng có, ít ra một lần.

Ngoài những lúc vui chơi với các bạn Việt Báo, tôi còn phải chạy show thăm gặp những người bệnh có họ hàng với gia đình chồng ở San Diego, thành phố Cypress cách Little Saigon nửa giờ lái xe. Tôi bắt gặp chính mình ở thành phố đẹp Cypress, nhưng lặng lẻ quá, không đông vui như ở Orange County. Người anh họ tuổi tám mươi sáu, ngày xưa là giáo sư trường con gái Trưng Vương Saigon, kế bên Sở Thú, gọi văn hoa là Thảo Cầm Viên. Ai cũng một thời. Thời khắc qua đi không bao giờ trở lại.

Chồng tám mươi sáu, vợ tám mươi ba đã có một “dĩ vãng vàng son” ở Saigon. Bây giờ họ cũng sống bình an ở Cali không phải lo gì cơm áo gạo tiền nữa, nhưng họ đang ở trong bệnh tật khó lòng chữa trị. Chồng bị parkinson’s, và vợ alzheimer’s. Người vợ không hề nhớ tên chồng, và khách đến thăm nhà không biết họ là ai. Nếu lỡ con gái vô ý không cài cửa ra vào, bà lẻn ra, đi mất không nhớ đường về nhà. Người chồng tay run bần bật, không tự ăn được, đi đứng xiêu vẹo. Cũng may, An sinh xã hội tiểu bang chu đáo lo cho người già, nên cả hai vợ chồng có người đến giúp mỗi ngày tám tiếng, kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật. Thật cám ơn nước Mỹ với chương trình nhân đạo này thật nhiều, thật nhiều.

“Ngày vui qua mau, chỉ có nỗi buồn còn ở lại”. Tôi nói thầm với lòng mình như thế mỗi ngày. Đâu có gì tuyệt đối trên cõi đời này? Đêm Ba Mươi Tết, án mạng lãng nhách xảy ra ở Montery Park (Los Angeles) cướp đi mười một mạng sống giữa trời Xuân đầm ấm. Hung thủ là một người Việt gốc Hoa.. mới não nề.! Và hắn đã bảy mươi hai tuổi rồi sao lòng chẳng được bình an? Có lẽ vì cơn giận với người phụ nữ nào đó, hay ghen tuông bất chợt?

Rồi, các bạn có cùng tôi ghé mắt đến người homeless rải rác nằm ngủ giữa trời Xuân giá lạnh, giữa những ngày đầu năm truyền thống của dân tộc mình? Họ là ai? Từ đâu tới? Họ là di dân Mexico, hay kẻ không nhà kia chính là người cùng chung dòng máu Việt với mình? Duy nhất một người Mỹ ngồi xin tiền trước cửa Grocery Dalat làm tôi ngạc nhiên. Cộng đồng người Việt Cali ở Orange County hiếm thấy bóng dáng người Mỹ. Tôi có nghe nói rằng ở Phước Lộc Thọ, đôi khi có vài người Mỹ vào tham quan, cả chợ dòm ngó, reo hò..!!?? Cái gì hiếm là quí, chắc chắn là như vậy.

Ngày Xuân, vui Xuân, dầm dề niềm vui, tràn trề nụ cười. Nhưng bên cạnh đó, nhóm bạn Việt Báo chúng tôi cũng lợn cợn một nỗi xót xa về sự ra đi của anh David, và nỗi u buồn của chị Ba Xưng – người bạn quí của chúng tôi. Nói sao cho vừa để an ủi chị, khi việc tử sinh ai cũng nằm lòng. Chị không nói gì với ai hết về  mình, vì : -Song Lam à! Nếu là chuyện vui thì tui chia sẻ với bạn bè, còn nỗi buồn thì tui một mình giữ lấy mà thôi!

Thương quá Cali, thương quá bạn mình, nhưng Cali hôm nay với tôi, quá nhiều đổi thay dù tình cảm bạn bè hơn mười năm nay chưa hề thay đổi. Có thể, Cali thay đổi nhiều về kiến trúc hạ tầng, hàng quán mọc lên nhiều thêm, và dân số tăng vọt chóng mặt bởi chương trình di dân của chính phủ. Do vậy, Cali có chút bất an, ai cũng nơm nớp lo sợ khi ra đường, nhất là phải di chuyển ở những khu vực vắng người qua lại. Cali vẫn an bình dù có khách “không mời mà tới” thiếu vắng nụ cười. Họ là kẻ thắng cuộc, sao lại theo chân người thua cuộc như chúng ta mà đến đây? Tôi hơi băn khoăn vì chuyện này. Vẫn còn những tai ương về chiến tranh ở Ukraine, ở Turkey mới đây, hàng chục nghìn người chết chóc, đói lạnh trong những ngày Xuân mới. Tôi nghĩ mình rã rời thân xác khi không còn cơ hội để giúp ích gì cho họ, ngay cả những đồng bạc nhỏ nhoi. Chúng ta đã già, già thật rồi.

Ở trên đời này, ai ai cũng mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Là Có, hay Không?

Có nhà, có xe, có tiền, có quyền lực..Nhưng những thứ ấy không bằng cái Không. Không lo lắng, muộn phiền, không bệnh tật, không tai họa.

Quí bạn nghĩ sao? Chúng ta chọn Có, hay Không?

Trong chừng mực tự trấn an mình, tôi muốn chọn giải pháp thứ hai, vì giải pháp thứ nhất tôi không có được…

…Bên ngoài, cảnh trời buồn thiu, không nắng ấm rực rỡ như trời Cali. Chắc là trời sẽ mưa chiều nay.

Tháng Hai Dương lịch ở đây hãy còn lạnh giá dù không có tuyết. Mưa cũng không sao, không có tuyết đổ là hạnh phúc lắm rồi. Đời sống của tôi khi về hưu hai năm nay cũng an nhàn, hạnh phúc. Biết đủ là đủ. Tôi đã bằng lòng với những gì mình có.

Chiều nay, ắt hẳn trời sẽ mưa. Tôi sẽ nhớ nhiều về bạn bè, về người thân ở Cali trong gần bốn tuần lễ thâm nhập vừa qua, gặp gỡ, yêu mến, cười vui với các bô lão bà-bà, và các em trai như Lãng tử, Wờ-Wạng.

Cho tôi thêm một lần thương nhớ Cali, dù mười năm nay tôi vẫn lui tới nơi này. Đặc biệt năm nay, cho tôi yêu thương nhiều hơn với những ngày MƯA CALI.

Song Lam.

Mùa Đông, Cherry Hill,

Tháng 02/2023. 





06 tháng 3, 2023

Những Ký Ức Về Cuộc Sống Sài Gòn Xưa Trước 75 _Trịnh Anh Khôi

 

Những Ký Ức Về Cuộc Sống Sài Gòn Xưa Trước 75 - Cho Tôi Lại Ngày Nào…
Trịnh Anh Khôi 


Trước 1975 tại Sài Gòn (và cả miền Nam), nếu tôi nhớ không nhầm, có thời gian mà tất cả các loại xe hơi đều bị bắt buộc phải phết sơn màu vàng lên 1/3 phía trên của mặt kính 2 đèn trước, với dụng ý ngăn các bác tài khi pha đèn ban đêm sẽ làm bớt chói mắt người hay xe chạy ngược chiều. Lại nữa, nơi các ngã tư gần mọi bệnh viện đều có treo bảng “Cấm nhấn còi” để giúp các bệnh nhân ở đó được nghỉ ngơi thực sự. Rồi các xe đỗ trên các phố cũng đều phải tuân theo bảng “Ngày chẵn lẻ”.



Một chiếc taxi với 1/3 đèn trước được sơn vàng


Tất cả xe taxi – Lúc đó là loại 4 chevaux – đều sơn tuyền một màu xanh hoặc nửa vàng nửa xanh, nhằm giúp khách nhận biết từ xa để gọi mà không nhầm với mọi thứ xe chạy “dù” khác. Của đáng tội, thời ấy còn lạc hậu, tôi còn nhớ mỗi khi ngồi trong xe mà muốn mở cửa bước xuống, thì người ta đã không tìm thấy tay nắm đâu cả mà phải cầm vào một sợi dây thép căng hết bề ngang cánh cửa để kéo thật mạnh. Ấy thế mà những chiếc taxi cũ kỹ ấy vẫn đã làm nên một phần chân dung Sài Gòn thuở ấy. Chúng phải có phần đèn hộp bắt chết trên mui xe, mà về đêm, hộp đó sẽ sáng lên.





Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc trưng để dễ phân biệt với các loại xe đò chạy tuyến dài. Ví dụ như khi đó, tại gần khu Bà Quẹo, vẫn có bến xe buýt vàng (Gọi là tô-buýt vàng) mà nếu muốn cầm lái, tức là khi họ rong ruổi mà ngồi sau lưng họ sẽ là sinh mệnh của mấy chục người vô tội, các bác tài phải trải qua bao nhiêu năm mướt mồ hôi mới giật được bằng chuyên dụng. Từ 18 – 20, anh đã có thể học và thi lấy bằng xe 4 chỗ; sau đó vài ba năm, mới lên được một hạng, rồi cày vô-lăng thêm vài năm nữa, mới cho sờ tới xe tải nhẹ dưới 1 tấn, lại phải thêm vài niên, mới đủ sức lên xe tải lớn hơn chứ chưa nói là cho phép lái xe chở khách. Còn muốn lấy dấu “khửa” để lái xe đò thứ thật, tài xế ít nhất cũng đã trên dưới 40, tức là vào độ tuổi hết “máu” mất rồi, chả còn mấy hứng thú gì trong chuyện nhấn ga vượt ẩu.

Chuyện đó cũng rõ ràng hệt như chuyện nơi các ngã tư, mọi loại xe đều phải dừng sau “đường đinh”, là phần kẻ vạch sơn trắng dành cho người đi bộ. Anh cứ thử đỗ sai làn, hay vượt vạch kẻ xem?




Ngày ấy, người ta còn nhớ vẫn có chữ “Nhà Thuốc Gác” để chỉ các pharmacie bán thường trực, khác với “nhà thuốc Tây” chỉ mở cửa vào một số giờ cố định trong ngày và dù là “gác” hay không, trước tiệm nào cũng phải có một hộp đèn vuông có in hình một chữ thập treo lồi hẳn ra ngoài mặt tiền – Chữ thập này không nhất thiết phải nguyên màu sơn đỏ khi đèn tắt, mà có thể là màu xanh lá cây sẫm nữa, nhưng dứt khoát khi thành phố lên đèn, từng hộp đèn mang ký hiệu quy định ấy cũng phải sáng lên, cho khách đi từ xa biết chỗ mà tìm tới. Tôi nhớ, khi ấy gần như tất cả đều là nhà thuốc tư, mà hình như tiệm nào cũng đều có cửa sắt kéo cả. Còn tiệm nào bán thuốc Bắc thì đều có chữ “Đường” ở cuối tên (Vĩnh Sanh Đường, Thiên Hòa Đường, Thông Tán Đường, Tín Nhân Đường) rất đặc trưng kiểu người Hoa như trong các phim quyền cước, với các ô ngăn kéo đựng thuốc đã sấy khô nằm sau quầy, từ sát đất chất lên tới trần nhà, còn trên mặt quầy thì nào là cân, là bàn dao cầu, là các vuông giấy dầu hay giấy bản màu vàng có in sẵn chữ Nho trên đó. Nó cũng đặc trưng như khi người ta đi trên phố, thấy nhà nào có treo trước cửa kính của mình một cái ống đèn hình trụ đứng với hai màu trắng đỏ, mà khi cắm điện vào, thấy các vạch hai màu ấy quay theo hình trôn ốc vĩnh cửu, là biết nhà ấy mở tiệm uốn tóc cho phái đẹp.

Người ta khi rủ nhau mở tiệm vàng là phải có chữ “Kim” đứng đằng trước tên tiệm (Kim Hưng, Kim Xuyến, Kim Hoàng, Kim Thẩm, Kim Ngân, Kim Hoa…) giống như mở tiệm vải là phải có chữ “Tân” (Tân Hòa, Tân Hương, Tân Mỹ…) hoặc các tiệm hủ tíu mì, qua mấy chục năm đánh chết cũng phải có chữ “Ký” ở đuôi (Phát Ký, Huỳnh Ký, Sanh Ký, Nguyên Ký…) trước khi kết bằng hai từ “mì gia” mà nếu gọi đủ, phải là “X ký mì gia” gì đấy thì nghe mới ra mùi “trú khách”.

Những cái tên làm người ta nhớ nôn nao, như Trưng Vương hay Gia Long là giúp nghĩ ngay tới những tà áo dài trắng (và tím) tinh khôi trước mọi cổng trường nữ sinh. Như Võ Trường Toản hay Pétrus Ký là quần xanh áo trắng quanh các cánh cổng thép nan hoa, che từng khuôn viên mấy trường nam sinh luôn rợp bóng phượng đỏ ối cả mùa Hè. Còn Colette hay Saint-Exupéry là phải nhớ ra, các bức tường dài quét vôi màu đỏ không thể lẫn vào đâu được của mấy ngôi trường Tây chắc chắn là dành cho con nhà giàu, mà số thầy cô người Pháp dạy ở đó chiếm đến một nửa. Họ sống ở mấy tòa nhà sơn màu cà-phê sữa thanh nhã, mặt tiền có kẻ ô, cao 4-5 tầng, gọi là “khu chuyên gia” nằm quanh khu sân quần trên đường Bà Huyện Thanh Quan, gần ngã tư Phan Đình Phùng thuở ấy.

Kỷ niệm với bản thân tôi ở trường Saint Ex là thầy Alain Pesqué cao tới 1,85m, rất đẹp trai, dạy Math Moderne ngày xưa, tức là dạy Tân Toán học, khác với Math Classique, là Toán Cổ điển. Còn là thầy Albert Moreau dạy Sử Địa thế giới (Khi đó học sinh học cả Sử Địa Việt Nam, do thầy cô người Việt dạy, và Sử Địa năm châu do thầy người Pháp dạy), ông có biệt tài xuất chúng là không cần dùng compas, mà vẽ Quả đất bằng phấn ngay trên bảng, trăm cái đều tròn xoe như nhau hệt đúc khuôn. Còn là thầy Jean Baud chỉ cao có 1,68m mà tát rất đau, khi học trò quên vở Science Naturelle (Vạn Vật Học). Còn là cô Stéphanie Meyer dạy Français cũng khẻ tay đau điếng người khi trò không thuộc bài, trong khi phía Văn chương Việt lại có một cô giáo khác. Phải đi qua tất cả những thầy cô ấy tại Saint Exupéry suốt 2 năm 6ème hay 5ème trước khi sang Marie Curie, vào 4ème.

Ký ức không hề mờ nhạt nơi những gì chính mình biết, hoặc chỉ biết loáng thoáng nơi các trường Tây khác, dù chính cống hay chỉ “giả cầy”, như Fraternité (Gọi là trường Bác Ái) trên đường An Dương Vương ngày đó, như Aurore (Rạng Đông) mà tôi đi hết tiểu học trên phố Phan Đình Phùng, như Couvent Des Oiseaux hay Jean Jacques Rousseau. Ký ức càng không mờ nhạt đi khi mình đi qua thời tiểu học vào những năm 1950 – 1960, học chung với hai anh em nhà Tạ Thạch và Tạ Thái, con ông Tạ Ký lúc đó là thầy giáo dạy Việt Văn tại trường Pétrus Ký, mà cũng là một nhà thơ, cùng trong làng cầm bút và là bạn với bố tôi. Nếu để đo về độ khá giả của gia đình bạn bè học cùng trường, tôi sẽ không quên mất Lê Thị Đạt, vẽ rất đẹp mà học cũng rất giỏi, con bà chủ tiệm bánh mì Hà Nội nức tiếng phố Nguyễn Thiện Thuật; hay Trần Thu Trang, con bà chủ tiệm bánh mứt Bảo Hiên Rồng Vàng khét tiếng nơi phố Gia Long – Cửa Bắc.

Những kỷ niệm ấy đến giờ vẫn nồng nàn như tên các rạp hát, cứ nhớ đến Rex là phải nhớ Omar Sharif, Julie Christie hay Géraldine Chaplin trong Docteur Zhivago; nhớ tới Eden là nhớ Đại Sát Tinh với Vương Vũ, Tiêu Dao và Điền Phong; nhớ Việt Long là nhớ Django không cầu nguyện của Franco Nero; hay nhớ Victorama Quốc tế là nhớ Liz Taylor, Richard Burton cùng Rex Harrison trong Cléopâtre. Nhớ từng lần ngồi xe taxi cùng ông bô mình ra khu trung tâm, ăn bò kho ở tiệm bà Phạm Thị Trước hay nhai nhồm nhoàm bánh pâté-chaud ở nhà hàng Xinh Xinh, rồi khi lớn hơn, chạy xe đạp ra phố Lê Lợi, ngồi chơi cùng thằng bạn nghèo để bán giúp nó từng tờ nhạc Tinh Hoa Miền Nam hay từng quyển nhạc in ronéo lem nhem, bày trên cái sạp bằng tre gấp, dựng trước cửa rạp Mini Rex hay trước cửa tiệm bán đồ lưu niệm Vân Anh khét tiếng thuở nào. Nhớ rằng mình vẫn sướng hơn bao bạn bè cùng trường, còn có cha mẹ đầy đủ, được ăn học tử tế, biết chút ít ngoại ngữ dắt lưng, trong khi chúng nó phải từ trường tốt, lui về trường nghèo vì cha mẹ hết tiền. Và chúng nó phải kiếm sống hàng ngày, bán nhạc, bán sách cũ quanh khu Khai Trí, bán thuốc lá trước cửa rạp Casino mà không ít lần, mình đi xem phim lại thấy chúng vất vả đứng đó, chìa tay thu tiền từ từng điếu thuốc thơm bán lẻ.




Nhớ từng ngày ngồi nhìn thành phố lên đèn trong tuổi thanh niên, qua ô kính cửa La Pagode hay Givral, nhất định lắc đầu khi mấy thằng bạn lớn hơn, huých khuỷu tay vào cạnh sườn mình, chìa cho mình từng điếu More màu nâu thon dài. Mà cũng không cưỡng mãi được, tuổi 22 là biết cầm điếu thuốc Bastos Luxe đầu đời.

Nhớ cả tiệm Cảnh Hưng cho thuê sách nằm đối diện trường Rạng Đông mà bà chủ tiệm, và nhất là ông chồng bà ấy, thuộc vanh vách từng tựa sách nằm ở đâu, ngăn kéo nào, tầng kệ nào trong bát ngát cả chục nghìn quyển chất chật cứng cả mặt tiền tiệm. Nhớ những tối thầm đọc Duyên Anh và Kim Dung trong màn, nhớ cả lần ngu ngốc hỏi ông già nghĩa của từ “Đốn mạt” là gì khi đọc trộm quyển Anh hùng đốn mạt của Nguyên Vũ để bị xơi đòn quắn đít. Nhớ cả những bạn văn lẫy lừng của ông già mình ghé nhà chơi, như Nguyên Sa, Vũ Hạnh, Minh Quân, Võ Phiến và cả Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn.

Nhớ cả những cây xăng có vòi bơm bánh xe, gắn đứng giữa hai trụ xăng, phải lấy tay mình quay cây kim hơi về số theo ý muốn rồi từ tốn ngồi xuống, mở nắp vòi, lắp đầu bơm vào săm để cho nó tự bơm, khi nào nghe kêu cái “keng”, đủ hơi, là máy tự động ngừng. Rồi nhớ cả chiếc Vélo Solex của ông già mình, do đi nhiều quá, bị xóc trên yên cũng quá nhiều qua các ổ gà, ông đã bị sai cột sống.




Nhớ những château d’eau (Tháp nước xây bằng bê-tông) là đặc trưng của Sài Gòn thuở đó mà theo thời gian, chúng biến mất theo các ngôi nhà cao tầng. Nhớ các vòi nước phun, người ta ra đó giặt quần áo hay gánh nước vào từng đôi thùng tôn vuông mà quẩy về nhà. Rồi nhớ cả mùi thuốc phiện mà ông Tư thợ mộc, làm liên gia trưởng hồi ấy, đêm đêm vẫn thầm đốt bên bàn đèn, loang qua cửa sổ nhà bên mà vào nhà mình. Nhớ những mầu áo cũ, cặp kính cũ của vài cô bạn trẻ đầu đời. Nhớ cả làn lông măng sẫm mầu nằm trên mép của Khánh Ly, mặc áo dài, đi chân đất, hát nhạc Trịnh tại sân trường Đại Học.

Bà Mai Liên đọc chương trình thời sự trên màn hình chiếc TV National 19 inch; bà Túy Hồng với các vở kịch trồi lên từ ngày cũ; bà Kiều Hạnh với chương trình Tuổi xanh; ông Lê Văn Khoa với chương trình Thế giới của em; ba bốn anh em nhà họ Phạm với ban Hợp ca Thăng Long; tòa soạn tờ Bách Khoa của ông Lê Ngộ Châu trên phố Phan Đình Phùng; các bức minh họa kiệt xuất của họa sĩ Phạm Tăng, rồi các bức vẽ chân dung tuyệt tác theo kiểu cubisme của họa sĩ Tạ Tỵ; vở kịch Khói lửa Kinh thành của Lâm Ngữ Đường qua bản dịch của Vi Huyền Đắc. Nhớ cả dáng gầy của nhà văn Nguiễn Ngu Í khi ngồi uống cà-phê với bố tôi để cùng tranh luận không bao giờ có hồi kết về một thứ tiếng Việt kiểu mới do ông ấy sáng tác. Nhớ từng nốt nhạc mà ông bác Phạm Duy đàn lên từ bài Giọt mưa trên lá… Và nhiều nữa. Nhiều nữa như từng chữ quá tuyệt trong bài Back To Soriento mà ông ấy đã chuyển lời. Nhớ cả từng bức ảnh đen trắng của 2 bậc thầy Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh.




Nhớ từng chiếc bánh tôm trong tiệm kem Mai Hương trên phố Lê Lợi, từng ly nước mía Viễn Đông nơi góc phố Pasteur, từng trang báo Salut Les Copains với Stone và Éric Charden hay Sylvie Vartan trên đó. Nhớ bài Le seul bébé qui ne pleure pas hay Laisse aller la musique thấm đầy tính tự sự trên từng cuộn băng cassette Anna quen gọi nôm na cho dễ nhớ. Nhớ cả cái bóng ma đi lang thang trong nghĩa địa mà người ta dàn dựng trên TV với giọng đọc rền rĩ “Tôi chết vì ma túy” nghe rợn cả tóc gáy ngày ấy. Nhớ bộ ria mép của Trần Quang dẫu nó không dày và trứ danh như của Omar Sharif… Nhớ cái đầu trọc của Yul Brynner trong The Magnificent Seven (Bảy tay súng oai hùng), và nhớ dáng gầy không giống ai của Audrey Hepburn cùng cái cằm nổi tiếng với hố lõm vào của Kirk Douglas… Nhớ mang máng cả những người thực ra chẳng cần nhớ làm gì như Hoàng Đức Nhã, người đã tìm đủ cách để rũ sổ bố tôi từ Nha Báo chí Phủ Tổng Thống.

Tại sao tôi đang ở trong những ngày này, mà lại không nhớ gì mấy về chúng cả, để cứ phải ăn mày vào một thời từng quá cũ và xa? Tại sao bây giờ, mình cứ nhớ chỉ về những bức bối thực tại, mà lại phải bấu rất đau vào chuỗi ngày cứ ngỡ đã phôi pha rất lâu?… Tại sao?

Đâm ra lại như nghe loáng thoáng đâu đây, giai điệu buồn bâng khuâng từ bài Kỷ niệm:

“Cho tôi lại ngày nào,
Trăng lên bằng ngọn cau,
Me tôi ngồi khâu áo,
Bên cây đèn dầu hao…

Cha tôi ngồi xem báo,
Phố xá vắng hiu hiu,
Trong đêm mùa khô ráo,
Tôi nghe tiếng còi tàu…”.


Để thấy mình hệt như một con ốc bò thầm trên đường trăng.

Trịnh Anh Khôi

03 tháng 3, 2023

VTM 117_Xuân Đến Xuân Đi_ Minh Tâm

 


Xướng:

Xuân Đến Xuân Đi

Vào hạ, cây khô dáng cọc còi,
Xuân về hoa cỏ lại sinh sôi.
Trời chiều, chớp mắt liền đêm đến,
Tóc bạc, soi gương đã lão rồi.
Chớ trách trăm năm là mấy chốc,
Bởi vì muôn kiếp thế mà thôi.
Cành mai trước ngõ dầu trơ trụi,
Thì cũng từng khoe sắc với đời.
Minh Tâm

Chú thích:

Bài thơ lấy ý từ một bài thơ cổ phong nổi tiếng của Thiền Sư Mãn Giác :

告疾示眾

Cáo tật thị chúng

Có bịnh báo mọi người

春去百花落

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đi trăm hoa rụng

春到百花開

Xuân đáo bách hoa khai

Xuân đến trăm hoa cười

事逐眼前過

Sự trục nhãn tiền quá

Trước mắt việc đi mãi

老從頭上來

Lão tòng đầu thượng lai

Trên đầu, già đến rồi

莫謂春殘花落

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

庭前昨夜一枝梅

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Đêm qua sân trước một cành mai

Mãn Giác Thiền sư   滿覺禪師 (1052-1096)

Trần-Lâm Phát phiên âm

Ngô Tất Tố dịch

 Muốn biết thêm chi tiết xin vào link:

https://vtttus.blogspot.com/2023/03/cao-tat-thi-chungthien-su-man-giac.html

Họa 1:

Hoa Tàn Lại Nở

Đông sang lá đổ nhánh trơ còi

Xuân đến trăm hoa sực nức sôi

Hạt nắng đong đưa chiều vội tắt

Mây trời thoi thóp khuất thôn rồi

Nhân sinh một kiếp toàn hư ảo

Trần thế trăm năm cũng thế thôi

Hoa nở hoa tàn xong một kiếp

Sớm mai búp nở tái sinh  đời.

Nguyễn Cang

Mar. 2, 2023

Họa 2: 

Kỳ Tích 

Xuân đi mai rụng bỏ cành còi,

Xuân đến hồi sinh nở sục sôi.
Vó ngựa qua song thời vận lỡ,
Đầu người điểm tuyết tuổi già rồi.
Vô thường cõi tạm đành như thế,
Vĩnh cửu gian trần chỉ ước thôi.
Hãy cố gồng mình khi nghịch cảnh,
Đôi khi kỳ tích đến trong đời.
Mỹ Ngọc
Mar. 2, 2023

Họa 3:

Suy Ngẫm!

Inh ỏi đường xa tiếng hú còi
Xe nhanh cứu bệnh tợ dầu sôi
Thời gian Covid buồn lo rối
Xuân Quí năm nay thấy đỡ rồi
Ngẫm lại kiếp người sao thống khổ
Hiểu rằng định luật phải đành thôi!
Hoa xinh lộng lẫy tàn nhanh chóng
Danh lợi phù du rộn một đời
Kim Trân

Họa 4:


Giống Mai Vàng


Nghịch cảnh mai già luống cỗi còi
Thuận mưa vừa nắng  nụ xinh sôi
Đương Xuân rực cánh vàng đua sắc
Cuối Hạ đài ươm trái chín rồi
Tiết lạnh ẩn mình nương đất ấm
Phải thời hạt nẫy nhú mầm thôi
Không là cổ thụ vươn thân lớn
Gốc nhỏ khiêm cung trước mắt đời.
TQ
Mar. 6, 2023


Họa 5:

Tuần Hoàn

Thu tàn đông đến thấy cây còi
Xuân tới hoa cành rất nẩy sôi
Khoảng cách ngày đêm dần biến đổi
Thời gian tuổi hạc đến nơi rồi
Tháng ngày vạn vật đều luân chuyển
Cuộc sống con người cũng đổi thôi
Mai nở trước nhà năm mới đến
An vui thư thả mới yêu đời
PTL
nẩy sôi:sinh sôi nẩy nở



Cáo Tật Thị Chúng do Trần Thiện Tùng thực hiện



Cáo Tật Thị Chúng do Giới Trẻ Mây Từ thực hiện