01 tháng 3, 2023

Mơ ước làm Thầy giáo_Trần-Lâm Phát

 

Bài này trích từ website của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đăng năm 2009 & 2018



Trần Lâm Phát là cựu sinh viên Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1969-1972.
Năm 1980 ông sang định cư tại Hoa kỳ, tốt nghiệp Kỹ sư điện tử năm 1987. Hiện ông đang làm việc ở Trung tâm Huấn luyện thuộc Nhà máy phát điện Nguyên tử tại tiểu bang Virginia - USA.
Ái hữu ĐHSP Sàigòn hân hạnh gởi đến độc giả một bài văn tự thuật rất chân thành và cảm động của Trần Lâm Phát.


Năm tôi lên tám, dân chúng trong làng tôi nhộn nhịp với thời hòa bình. Những đêm trăng sáng, tiếng chày giả gạo hòa âm cùng những câu ca điệu “lý con sáo” (một điệu ca cổ nhạc Nam phần) làm cho sức sống tăng thêm gấp bội phần. Sáng nào các bà, các bác, các cô cũng nối tiếp gánh hàng ra chợ Trảng Bàng trong tiếng cười rộn rã.
Một hôm bổng dưng mọi người dồn cục trên đường làng. Nơi cổng làng, các vị làng xã và thầy giáo bắt các người phải đọc được hai câu viết bằng phấn trắng trên nền bảng xanh rồi mới được đi chợ. Nếu ai không đọc được thì phải quay trở về. Đó là phong trào chống nạn mù chữ của làng tôi. Hai câu thơ ấy không bao giờ tôi quên được vì tôi hướng dẫn má tôi đánh vần hàng ngày để má có thể gánh hàng ra chợ bán.
Cô kia má đỏ hồng hồng
Vì không biết chữ nên chồng cô chê.

Một hôm tôi hỏi má tôi sao bà con không học thuộc lòng rồi có thể đi chợ được. Má tôi bảo rằng chính phủ đang diệt trừ nạn mù chữ mà các thầy ngoài xóm nói là “giặc dốt”, hơn nữa Khổng Tử dạy rằng “ Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết” ("Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã 知之为知之,不知为不知,是知也")
Tên học trò lớp ba nào có hiểu “có biết, không biết” là cái gì, rồi cũng gật đầu dạ dạ...
Một hôm ngồi bên cạnh mẹ, mẹ tôi chẻ nan còn tôi thì đan rổ, mẹ tôi khẽ nói: “ Con à! con phải học cho giỏi rồi về chỉ má đánh vần và đọc, không thì cả nhà sẽ đói vì má không ra chợ được.”
Tôi thoáng nghe qua cả nhà sẽ đói thì tôi hốt sợ lên, tay chân như cái đuôi của con thằn lằn bị chặt đứt. Từ đó ngày nào hai mẹ con cũng tập đánh vần và tôi cũng khám phá ra cách mới để mẹ tôi dễ nhận dạng ra chữ cái.

Năm tôi lên mười, mẹ tôi đã nhận dạng ra được mặt chữ, đánh vần và phát âm , đọc những bài trong sách giáo khoa như “nạn lụt”, “hạn hán” v.v. nhưng không thể viết thành câu được. Tôi thì thầm lẩm bẩm: “Ước gì mình là thầy giáo thì sẽ có cách chỉ cho mẹ viết”. Mẹ tôi nghe được, bèn ôm tôi vào lòng, rồi mặt tôi có hai giọt nước nóng, thì ra mẹ tôi đã khóc. Tôi an ủi mẹ và hứa rằng tôi sẽ làm thầy giáo để hướng dẫn bà con trong làng biết chữ . Rồi từ đó trở đi mẹ bắt tôi ra đồng làm việc cực nhọc hơn, những khi rảnh rổi phải theo ba đi xây nhà cho thiên hạ. Ba tôi giao cho tôi chuốt viết chì, mài đục và giũa lưỡi cưa. Tất cả cái tôi phải làm, tôi đều ghét cả. Tôi có cái tính nói lẩm bẩm một mình khi tôi không vui “con nhất định không làm thợ mộc và cũng không làm ruộng hay đan thúng đan rổ như ba má”. Ba tôi ngước đầu lên nhìn tôi và mỉm cười rồi nói: “nhất sĩ nhì nông”. Tôi tự nhủ: đúng vậy! phải đi học, phải làm thầy giáo để không phải đan thúng, giũa cưa. Sau này khi tôi 16 tuổi thì tôi hiểu được lý do ba mẹ bắt tôi phải làm những việc cực nhọc và việc tôi không thích: song thân tôi chỉ muốn tôi nên người, có học vấn. Đó là cách dạy con của song thân tôi. Năm tôi 17 tuổi,  bắt đầu biết ơn cha mẹ thì mẹ tôi vội vã lìa đời theo ông bà tôi.

Một hôm một nhóm chúng tôi bị thầy hiệu trưởng Ẩn kêu lên văn phòng và biểu chúng tôi về nhà vì chúng tôi không có giấy khai sinh. Chúng tôi quì, lạy lục nhưng ông hiệu trưởng từ tốn bảo chúng tôi về nhà thưa với cha mẹ, đi làm giấy khai sanh rồi mới trở lại trường được. Trên đường về nhà, giữa buổi trưa hè oi bức, nỗi lo âu hòa cùng cơn nắng chói chang làm cho tôi cảm thấy mất đi cả sức lực. Tôi vừa đi vừa lẩm bẩm “cả làng mình sẽ không được đi chợ vì mình không có cơ hội làm thầy giáo”. Trong lúc tôi trầm ngâm suy nghĩ thì có tiếng ai ru con văng vẳng từ xa:
Ầu …… ơ ……ơ
Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ ầu… ơ… ơ...
Trở về làng cũ, cấy cày cho xong

"Hứ! tôi không đi cày, tôi không làm rẫy, tôi không đan thúng chẻ tre nữa. Tôi không thích làm những việc ấy" Tôi hét lên.
Nhìn xung quanh, chỉ có một mình tôi dưới hàng tre làng, tôi vội vã bước nhanh để về mét mẹ nhưng tôi lại đổi ý và ghé qua chổ ba tôi cất nhà cho bà Năm. Vừa chợt thấy tôi, ba tôi ngừng tay và hỏi: “có chuyện gì mà con về sớm vậy.” Tôi bổng òa lên khóc và kể chuyện bị đuổi học. Bác sáu Đỉnh, người cùng làm nhà với ba tôi, cũng ngừng tay, nhăn trán một chút rồi nói với ba tôi: “chú Hai à! hay là cả xóm mình rủ nhau lên tòa xin giấy khai sinh cho các cháu, tôi sẽ đi theo làm chứng!” Ba tôi khe khẽ nói: “tiền đâu mà mướn xe lên tỉnh, thêm nữa các nhân chứng đều không biết chữ thì làm sao mà nhớ ngày sinh tháng đẻ của tụi nó”.
Ba tôi kêu tôi về nhà phụ giúp mẹ và chờ đến chiều ba tôi về sẽ bàn với mẹ. Tôi lê bước về nhà với bộ mặt đưa đám ma.
Mẹ tôi đang ngồi chẻ nan bèn đứng dậy, lật đật đến bên tôi và hỏi: “Con sao vậy ? Con bị trúng gió hả ? Để má cạo gió rồi nấu nước cho con xông”. Tôi ôm ghì lấy mẹ và nức nở thút thít: “ con phải đi chăn bò và không làm thầy giáo được vì con bị đuổi ra khỏi trường”.

Tối hôm ấy các cha mẹ có con bị đuổi học đến nhà tôi và yêu cầu ba tôi lên nhà ông út Nhiển để nhờ xin cho các cháu được trở lại lớp học. Ba tôi buồn bả trả lời “ông hiệu trưởng đuổi chứ không phải thầy cô giáo!” Mọi người bàn tán xôn xao rồi bổng dưng ba tôi đưa ý kiến: “ cứ chọn ngày dễ nhớ, đừng lấy ngày thiệt vì không ai nhớ hết các cháu đâu”. Vậy là ai nấy bắt đầu chọn ngày sinh cho con mình. Ba tôi và cậu Tư tôi chọn cho anh họ tôi ngày 9 tháng 9 năm 1949, anh tôi ngày 7 tháng 7 năm 1947 và tôi ngày 10 tháng 10 năm 1950 (mặc dù tôi sanh ngày 18 tháng 8 năm 1950). Rồi cứ hàng đêm các nhân chứng đến nhà tôi để học nhớ ngày sinh tháng đẻ. Ông út Nhiển giả làm quan tòa (Ông út là thầy giáo) và chỉ tay về phía chúng tôi và hỏi nhân chứng ngày sinh nhật của chúng tôi. Hàng ngày mẹ tôi và tôi cứ hỏi nhau ngày sinh của anh tôi và của tôi.

Một tháng trôi qua, tôi và các bạn hàng xóm vẫn đến trường nhưng không được vào lớp. Tôi đứng ngoài hàng hiên nhìn qua cửa sổ để chép bài và nghe cô Khéo giảng bài với cây thước trong tay nhịp lên nhịp xuống. Đến giờ chơi, các bạn ùa ra ôm chầm lấy tôi và chúng tôi nô đùa như không có chuyện gì.

Rồi một hôm xóm tôi nhận được trát hầu tòa và ai nấy sửa soạn lên tòa án Tây Ninh. Đêm hôm đó khi nghe tiếng gà gáy canh ba (nhà ba má tôi không có đồng hồ), mẹ tôi đánh thức mọi người, thay quần áo và đi bộ đến chổ tập trung để ngồi xe lên tỉnh. Xe vừa đến ngã tư cầu cống ở chợ Trảng Bàng thì anh Bảy tôi đã đứng chờ với chú Tám Lộc (thầy giáo Lộc).
Sau hơn hai tiếng đồng hồ, xe đã lên đến tỉnh. Chú Tám Lộc dẫn mọi người đi vô khu tòa án. Khi cảnh sát mở hai cánh cửa và đọc tên từng người để vào hầu tòa, lúc đó tim tôi đập thình thịch. Nhìn ông tòa với bộ quần áo đen chễm chệ ngồi trên ghế trông giống như một ông vua trong hình bìa của cuốn tuồng cải lương, tôi thầm nghĩ chắc ông tòa rất minh mẫn và khó tính. Quan tòa chậm rãi gọi tên từng đứa bé rồi hỏi cha mẹ và nhân chứng ngày sinh nhật của đứa bé. Mọi người đều trả lời đúng nhưng quan tòa chỉ cho một miếng giấy tạm để về đi học chứ chưa có giấy khai sinh. Trên đường về , ai ai cũng mừng rở và huyên thuyên chuyện trò.

Từ đó tôi sáng đi học, chiều về chăn bò, kéo nước tưới trầu cau và phụ mẹ tôi đan giỏ xách. Khi tôi trở lại lớp học, đến cuối tháng trong buổi lễ chào cờ và phát bảng danh dự, cô Khéo kêu tên tôi, tôi cứ tưởng mình đang mơ vì tôi học rất kém so với các bạn. Thầy hiệu trưởng Ẩn đọc tên tôi và giải thích rằng tôi được ban khen về hạnh kiểm tốt và siêng học. Tôi vui mừng khôn xiết, mừng hơn những ngày hạn hán gặp mưa dầm.

Năm lên lớp nhất, tôi không đủ điểm về luận văn để được miễn thi tiểu học cho nên tôi phải đi thi để lấy bằng tiểu học. Đề thi về luận tôi vẫn còn ghi nhớ: “Miền Nam ta có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Em thích mùa nào nhất và giải thích tại sao?” Tôi chọn mùa mưa với lý do gia đình tôi được trồng trọt, làm ruộng, cây cối sum sê, khí hậu không có nóng và tôi khỏi phải kéo nước tưới trầu cau cho mẹ tôi. Chú Tám Lộc nghe tôi kể về bài luận thì chú bảo rằng cháu có nhiều hy vọng lên lớp đệ thất. Không ai hỏi tôi một câu về bài toán đố để tôi có dịp khoe cái tài khoa học của mình vì ai cũng biết tôi rất giỏi về toán.

Thời gian trôi qua tôi vào lớp đệ thất, đệ lục của tư thục Minh-Đức. Mỗi ngày có giờ Hán văn là tôi toát mồ hôi vì giáo sư Nguyễn Ngọc An (nguyên là Tổng trưởng bộ chiêu hồi thời VNCH) sẽ đánh sưng đít nếu không thuộc bài hay viết chữ Hán không đúng qui luật: từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong.
Năm lên đệ ngũ, tôi chuyển lên trường bán công Đặng Văn Trước vì học phí rẻ hơn. Nơi đây tôi học văn chương với nhà văn Thẩm Thệ Hà. Thầy Hà hay khen tôi có tư tưởng hay nhưng không biết cách diễn đạt cho nên tôi không hề có bài luận nào được 10/20 điểm. Tôi bắt đầu ghét luận văn và tôi chỉ thích giờ cổ văn và kim văn. Tôi thuộc lòng bài văn hay bài thơ như cơm bửa. Tôi luôn luôn dùng lý luận của khoa học mà phân tích văn chương, nó tuy lạ, không giống các bạn trong lớp nhưng không hiểu sao mà nhà văn Thẩm Thệ Hà lại thích đọc bài của tôi cho cả lớp nghe.
Năm 1963 trên đường từ trường về nhà, tôi thấy anh cán bộ Việt cộng cầm loa rêu rao “Ngô đình Diệm bị giết rồi!” Sau đó không bao lâu, nhiều nữ cán bộ đến nhà nhỏ to với mẹ tôi. Từ đó mẹ tôi không cho tôi ra đồng nữa, chỉ làm việc lẩn quẩn bên mẹ. Một buổi sáng đẹp trời, tôi háo hức để đi bắn bi với bạn hàng xóm nhưng mẹ tôi bảo tôi đi ra ngoài chợ để gặp anh Bảy tôi. Anh tôi đưa tôi đến tiệm may quần áo để sắm quần tây và áo sơ mi. Tôi tò mò hỏi anh thì anh bảo rằng mẹ quyết định gởi hai anh em mình đi Sài gòn ở với anh Năm. Đi Sài gòn à? Có gì vui ở dưới đâu, em thích ở nhà với bạn hàng xóm. Anh tôi chẳng buồn để ý đến câu kêu nài của tôi. Sau khi thợ may đo ni xong, anh tôi dẫn tôi lên nhà bà Út (em của ông nội tôi). Chú Tám Lộc nói với tôi rằng đây là cơ hội cho cháu làm thầy giáo. Tôi bán tín bán nghi nhưng không dám hỏi và chỉ cúi đầu im lặng.
Hai tuần trôi qua, tôi len lén thỏ thẻ với mẹ về việc đi Sài gòn nhưng mẹ tôi chỉ ứa nước mắt mà không nói gì cả.
Việc gì đến rồi sẽ đến. Hôm đó tôi theo mẹ đi ra chợ bán gà và đó cũng là lần sau cùng tôi sống bên mẹ tôi hàng ngày. Sau buổi chợ sớm, ba tôi đưa hai anh em tôi đi Sài gòn để sống với anh Năm của chúng tôi. Tôi ở nhà đôi ba ngày rồi theo chị Thu Ba (sau này là vợ của anh Năm tôi) đến trường trung học Nguyễn Bá Tòng để thi vào lớp đệ tứ.
Lần đầu tiên tôi thấy ngôi trường dài đồ sộ và ông cha trong bộ y phục màu đen. Tôi sợ quá ôm lấy chị Thu Ba như nam châm hút sắt. Chị Thu Ba giảng nghĩa cho tôi đó là linh mục Đỗ đình Tiệm, ông hiệu trưởng của trường này. Tôi khoanh tay và gật đầu chào ông hiệu trưởng nhưng cái lưỡi của tôi như con sáo mới vừa học nói “ con ki … ính cha.. ào thầy hiệu trưởng.” Cha Tiệm mỉm cười rất khoan hậu và đưa hai chị em tôi vào phòng khách. Tôi lại thấy một ông khác cũng mặc y phục dài đen, tôi chưa kịp mở mồm thì chị Thu Ba nói rằng “em à! Đây là cha Hà, giám học của trường”. Tôi tự hỏi “Giám học là ai?” Ở nhà quê tôi, tôi chưa hề nghe qua, chỉ biết có ông giám thị cầm cây củ mây để đánh đít chúng tôi mà thôi. Tôi không biết chị Thu Ba nói gì với cha Hà mà Cha bảo tôi “con đừng sợ, chậm rãi mà làm”.
Trước mặt tôi là mảnh giấy trắng với cây viết chì. Tôi bắt đầu viết lý do tôi muốn đi học. Tôi không nhớ tôi trả lời bao nhiêu lần vì tôi muốn làm thầy giáo, để bà con trong xóm biết đọc và đi chợ. Khi qua bài toán, tôi làm rất nhanh vì những bài này tôi đã làm qua biết bao lần trong bộ sách anh Năm gởi về quê cho tôi. Khi còn ở nhà quê, Ba tôi đóng tấm bảng đen treo trong nhà và tôi dùng phấn viết bài toán rồi giải bài trên bảng như giáo sư Thuần dạy toán cho chúng tôi. Tôi nhớ rất rõ: mấy tuần lễ đầu, tôi không tài nào viết cho ngay hàng. Tôi hình dung cách viết của các giáo sư rồi bắt chước nhưng sao nó khó khăn quá. Tôi kêu nài với mẹ thì chỉ nghe câu “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Tôi đâu có mài sắt, tôi chỉ viết phấn lên bảng mà thôi. Dần dà tôi viết rất thẳng hàng, tôi không hiểu phép nhiệm mầu từ đâu mà đến. Tôi ơi ới kêu mẹ vô xem, mẹ xoa đầu tôi và nói “má biết, con của má sẽ viết được ngay hàng!”

Tôi vào lớp đệ tứ 4 của trường Nguyễn bá Tòng chậm hơn các bạn một tháng, tôi thích nhất là giờ Pháp văn của giáo sư Trần Thừa Dụ , người mà tôi hằng ao ước được làm học trò của ông ta. Anh Năm có gởi về nhà quê cho tôi quyển sách “Văn phạm Pháp văn” của Trần Thừa Dụ và cuốn L’art De Conjuguer của Le Bescherelle do nhà sách Hatier bên Pháp ấn hành. Tôi nằm lòng tất cả qui tắc trong sách của giáo sư Dụ và cách chia động từ.
Khi theo học với thầy Dụ, thầy hay gọi tôi là Gramarcien chứ không có kêu tên tôi. Trong những giờ học hình học, tôi hay phát biểu và hay hỏi những câu mà cha Cử không trả lời được. Những bài toán mà cha Cử cho trong lớp tôi đã làm ở nhà. Anh Bảy bảo tôi phải giải hết tất cả bài toán trong sách, không thể bỏ sót một bài. Nếu bị bắt được sự thiếu sót thì không cho về quê gặp má tôi. Tôi thương mẹ lắm cho nên tôi làm đi làm lại nát nhừ cuốn sách toán; do đó, khi cha Cử vừa viết đầu đề, tôi lẻo mép đọc luôn câu hỏi của bài toán. Tháng nào tôi cũng lãnh bảng danh dự hạng nhất và cất rất kỹ để đem về quê khoe mẹ.
Sau vài tháng ở trường Nguyễn Bá Tòng anh Năm bị cha Cử kêu vào mắng vốn về tội lẻo mép và câu hỏi hơi cố chấp của tôi. Cha Cử sau này là người thân tôi nhất khi tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm.
Anh Năm dạy tôi về sự kính trọng thầy giáo “kính thầy mới được làm thầy, em đừng bắt bí giáo sư nữa.” Anh Năm sao mà rành tâm lý quá “Kính thầy mới được làm thầy” cho nên tôi cũng không dám làm khó dễ giáo sư Toán nữa.

Nơi đây tôi gặp người bạn cùng xóm tên là Hùng. Anh ta là Bắc kỳ đặc cho nên lúc đầu tôi cũng ngại không dám làm thân. Anh Năm nói rằng người Bắc cũng tốt như người dưới quê mình vậy nên sau đó tôi mới dám gần gũi với Hùng. Hai chúng tôi học tập thể, làm hết những bài toán đại số của giáo sư Nguyễn Tá trước khi đến trường. Dần dà hai đứa chúng tôi là kỳ phùng địch thủ về Toán và Pháp văn trong lớp.
Thời gian trôi qua những cây phượng vĩ bắt đầu đơm bông đỏ thắm, chúng tôi từ giã nhà trường để về luyện tập cho kỳ thi Trung học đệ nhất cấp.
Sau kỳ thi Hùng và tôi vẫn la cà với nhau từ chợ Nguyễn Tri Phương đến khu cư xá sĩ quan quân đội (bố Hùng là Trung Úy). Hùng dẫn tôi vào lòng chợ, tôi thấy nhiều sập bán đủ thứ, lung tung. Tôi cố nhớ để về quê kể cho mẹ nghe nhưng không tài nào nhớ hết. Ngày đăng kết quả kỳ thi, Hùng chở tôi trên chiếc xe đạp đến trường Hùng Vương, hai đứa tôi chen vào để dò tên. Hùng la lên “Phét ơi! Mày tìm được tên mày chưa, tao đỗ rồi!” Hùng họ Đinh nên tên nằm ở phía trên, còn tôi họ Trần cho nên nằm ở trang khác và gần cuối cùng. Hai đứa tiếp tục dò từng hàng và cuối cùng tôi thấy tên mình trên bảng. Hai đứa tôi mừng rỡ và quay về nhà. Anh Bảy nghe tin hai chúng tôi đều đậu thì mừng lắm nhưng anh ấy vẫn đạp xe đi xem kết quả lại cho chắc.
Hai hôm sau Hùng và tôi về quê thăm gia đình tôi. Khi ra đồng Hùng rất vui thú và tò mò bắt cá, đùa giỡn với nước trong ruộng lúa. Tôi luôn luôn nhớ thân hình của Hùng đưa qua đưa lại khi đi trên bờ ruộng. Hùng ở thành phố, chưa bao giờ làm ruộng rẫy; do đó, chưa quen đi trên con đê ruộng, trơn trợt, nhỏ hẹp và đầy cỏ. Ngày vui qua mau, hai chúng tôi trở lại Sài gòn mang theo nhiều thổ sản để biếu mợ (mẹ của Hùng).

Hè đã qua, Hùng và tôi trở lại Nguyễn bá Tòng. Sau một tháng ở Nguyễn bá Tòng , tôi được giấy vào lớp đệ tam B2 của trường công lập Mạc Đỉnh Chi ở Phú Lâm. Hai đứa tôi vẫn khắn khít bên nhau, tranh tài giải toán. Ba tôi có đóng cho hai anh em tôi tấm bảng đen và treo ở nhà anh Năm, cho nên ban ngày chúng tôi ở nhà anh Năm; cuối tuần thì tôi được phép ngủ lại ở nhà Hùng.
Năm chúng tôi lên lớp đệ nhị, chúng tôi học rất chăm chỉ vì thi rớt tú tài 1 thì chỉ có chờ ngày đi lính và không lên được lớp 12. Chúng tôi học chung, hỏi bài cho nhau và cuối cùng cả hai chúng tôi đều đậu tú tài 1. Hình như đó là năm Ba của Hùng - mà tôi gọi là Bố - mở tiệm ăn ở 114 đường Gia Long, gần chợ Bến thành.
Bố mợ Hùng xem tôi như là con ruột. Bố bị giải ngũ cho nên phải dọn ra khỏi căn nhà lớn dành cho sĩ quan. Bố mợ mua một căn nhà nhỏ hẹp trong cư xá. Sáu anh em chúng tôi (Hùng có 4 đứa em trai) ngủ trên một cái phản. Những đêm mưa dột, chúng tôi đều thức giấc để tát nước ra khỏi nhà. Cuối tuần tôi theo Hùng lên tiệm ăn vào buổi trưa để đi bỏ cơm tháng, xong việc chúng tôi về nhà và học chung với nhau.
Chúng tôi hỏi nhau những bài thơ, tiểu sử tác giả trên đường đi bỏ cơm cho khách. Hùng ghét thơ, nhất là các bài hát ả đào. Tôi thì ngược lại nhớ nó rất dễ, nó tương tự các câu hò cấy lúa ở quê tôi.

Cuối hè hai chúng tôi đều thi đậu tú tài 1, bà con trong cư xá tấm tắc khen bố mợ có hai đứa con học hành rất giỏi, đỗ tú tài ban B mà còn đỗ Bình thứ nữa.
Năm chúng tôi lên đệ nhất, tôi hầu như thường trực ở nhà của Hùng. Anh Năm đã vào quân ngũ còn anh Bảy thì học đại học khoa học, anh Ba và anh Sáu còn ở nhà quê chăm lo ruộng vườn với ba mẹ.

Tết Mậu thân năm 1968, tôi về quê ăn Tết với mẹ và bị kẹt ở quê nhà vì Việt cộng tấn công Sài gòn. Các phương tiện di chuyển từ Trảng Bàng đến Sài gòn đều bế tắc. Ba mẹ tôi buộc tôi phải rời nhà quê ra chợ Trảng Bàng ở nhà chú Tám Lộc để chờ ngày về lại Sài gòn. Tôi rất nôn nóng về Sài gòn để học thi với Hùng nhưng đành bó tay chịu trận.
Hai tuần lễ trôi qua tôi trở lại Sài gòn, anh Bảy dẫn tôi ra ty cảnh sát để làm giấy khai báo sự vắng mặt của tôi trong lúc bị VC tấn công. Cả khu nhà đường Nguyễn Kim bị cháy rụi, tôi và Hùng nôn nóng đi tìm tin tức của Trần văn Đức và cuối cùng biết được bạn tôi may mắn thoát chết. Thấm thoát năm tháng trôi qua, Hùng và tôi miệt mài học tập. Chúng tôi học ngoài hàng hiên của cư xá dưới ánh đèn dầu vì nhà Hùng rất eo hẹp. Mồi lần gió lướt qua, hai đứa tôi cầu nguyện cây đèn thần đừng có tắt. Hai chúng tôi rất tự tin nơi sự chăm chỉ và nhất quyết sẽ làm rạng danh cho bố mợ và ba má tôi.

Một chủ nhật tôi và Hùng đi bỏ cơm tháng cho khách về, khi chúng tôi đang ăn cơm trưa với gia đình Hùng thì anh Bảy đạp xe lên tiệm ăn với nét mặt thảm sầu. Mợ vội hỏi: “Anh Bảy có chuyện gì mà buồn thế ? Hãy vào đây dùng cơm với các em”.
Hai dòng lệ tuôn tràn trên mặt anh tôi, anh ôm tôi vào lòng và nói “ Em ơi! Má đã mất rồi!”. Tôi chết đứng giữa trời, còn Hùng thì gào lên “Trời ơi ! má mất thật sao? Sao anh biết?”. Cả nhà Hùng như gặp tai nạn, thương cho thân phận mồ côi của tôi. Tôi và Hùng đạp xe về lại nhà anh Năm. Tôi ủ rũ và nức nở. Anh Bảy thì gào lên như con hổ bị tên. Anh tôi kể lể “Má ơi! má bán từng miếng trầu, miếng cau cho con ăn học. Chưa được báo hiếu thì má không còn…” Hùng luôn luôn bên cạnh và nắm lấy tay tôi.
Tối hôm ấy bố mợ kêu Hùng và tôi về cư xá. Mợ vỗ về an ủi trong khi bố cố gắng khích lệ tôi đừng thối chí mà thi rớt vì ngày thi chỉ còn khoảng 50 ngày. Hùng và tôi không có đi học hơn cả một tuần. Hai đứa bên nhau, đứa thì khóc lóc, đứa thì vuốt ve an ủi. Một hôm tôi nói với Hùng: “chúng ta phải thi đậu, đó là cách báo hiếu cho người mẹ tảo tần, dãi nắng dầm sương, che chở và bảo bọc con mình.” Tôi không thể nào quên được hình ảnh má tôi ngồi trên chiếc xe đò ở ngã tư Bảy hiền để về Trảng Bàng sau chuyến thăm ba anh em tôi. Sáng hôm ấy Hùng và tôi đưa má tôi lên xe. Hai đứa tôi đứng đó và nhìn theo cái đuôi của chiếc xe đò cho đến khi mất dạng rồi mới trở về nhà . Đó là lần cuối cùng tôi thấy mặt má tôi.
Trong lớp 12B2 của Mạc Đỉnh Chi, ai cũng chia xẻ nỗi mất mát của tôi và cổ động tôi trở lại nề nếp. Thầy dạy toán, rất hãnh diện về năng khiếu toán của tôi và hy vọng đem lại thành quả vẻ vang cho trường cũng chịu sự buồn lây vì không biết tôi có vượt qua nỗi khổ đau hay không. Không một ai tin rằng tôi sẽ thi đậu vì biến cố xảy ra rất gần ngày thi Tú tài 2.
Dưới sự dìu dắt của hai anh tôi, sự chăm sóc và an ủi của bố mợ, Hùng và tôi bắt đầu tập trung vào bài vở và cương quyết lập thành tích vẻ vang.

Tháng bảy đến, Hùng và tôi chuẩn bị rất cẩn thận để đi thi. Hai hôm trước ngày thi tôi cảm thấy buồn vô hạn vì thương nhớ mẹ. Ngày thi đã đến, anh Bảy dẫn tôi đi ăn sáng, và đưa tôi đến trường thi. Anh Bảy ngồi ngoài cổng và chờ đợi. Tôi làm bài xong trước giờ ấn định nhưng anh tôi dặn Hùng và tôi phải dò lại bài cho kỹ, đừng có nộp bài ra sớm. Tôi ra cửa đúng giờ ấn định và đi ăn trưa với anh tôi. Buổi chiều cũng vậy tôi chăm chú làm bài, quên cả anh Bảy đang thấp thỏm đợi chờ. Mỗi lần thấy tôi, anh Bảy luôn luôn khích lệ và khen thưởng. Chiều về Hùng và tôi trao đổi kết quả cho nhau trong khoảnh khắc rồi lại ôn bài vở cho ngày hôm sau. Ngày thi thứ nhì là môn chính, Toán buổi sáng, Lý Hóa buổi chiều. Hùng và tôi đều làm rất tốt. Ngày thứ ba là những môn phụ: vạn vật và sinh ngữ 2.
Sau những ngày vất vả tôi và Hùng tiếp tục đi bỏ cơm tháng và chờ kết quả. Mỗi ngày chúng tôi đến trường Petrus Ký để lén nghe ban giám khảo đọc tên và ráp phách. Chúng tôi đã biết được kết quả qua những lỗ tai đặt vào vách tường nhưng anh Bảy bảo phải chờ kết quả chính thức.
Tôi hơi thất vọng khi nghe tên mình chỉ đỗ Bình thứ. Kết quả cuộc thi đã thông báo. Hùng và tôi đều đổ Tú tài 2. Bố mợ làm tiệc ăn mừng. Hai anh tôi thì vui mừng khôn xiết, nhắn tin về nhà quê cho ba tôi và hai anh. Sau một tuần vui chơi, tôi và Hùng bàn kế hoạch lên Đại học. Tôi thi vào trường Sư phạm Sài gòn để làm thầy giáo, còn Hùng thì đi ban kinh tế ở trường Đại học Vạn Hạnh. Tôi được tuyển vào trường Sư phạm Quốc gia.

Trong khi học năm thứ nhất ở Sư phạm, tôi ghi tên học dự bị Văn khoa. Cuối năm tôi đậu dự bị và trúng tuyển vào ban Toán cho giáo sư Đệ Nhất cấp cấp tốc, các thầy cô ở trường Sư phạm khuyên tôi thi vào khóa 11 Đại học Sư phạm. Tôi rất phân vân vì chỉ có một năm nữa thôi, tôi sẽ thành thầy giáo, còn vào Đại học sư phạm thì phải ba năm nữa. Vả lại tôi không có khiếu về văn chương. Cô giám thị Lê Thị Quan la rầy tôi vì tôi không chịu đi nộp đơn và cuối cùng thầy Minh (dạy Pháp văn) dắt tôi qua trường Đại Học Sư Phạm để nộp đơn. Tôi không ngờ tôi đậu vào ban Việt Hán Đại Học Sư phạm. Gia đình tôi ai cũng hớn hở vui mừng. Bố mợ và Hùng cũng vui khôn xiết vì tôi còn ở lại Sài gòn 3 năm nữa.
Tôi bắt đầu vào học lớp huấn luyện cho giáo sư Toán cấp tốc.  Giáo sư Lý Công Cẩn gọi tôi vào văn phòng và ra lịnh cho tôi qua bên Việt-Hán. Tôi van xin được ở lại nhưng bị khước từ.

Năm đầu tiên ở Đại Học Sư Phạm, tôi tham gia biểu tình chống tham nhũng và yêu cầu bộ giáo dục tách rời chính trị ra khỏi học đường. Lúc bấy giờ ông Nguyễn cao Kỳ đã sáng lập chương trình huấn luyện quân sự học đường và đã có những tai tiếng tham nhũng trong việc xử dụng tiền viện trợ của Mỹ. Tôi và 71 sinh viên bị bắt giam ở quận Nhất. Chúng tôi tuyệt thực đòi hỏi công lý. Sau một tuần bị giam, anh Năm lảnh tôi ra. Hành động này đã gây khó khăn về sau khi tôi tốt nghiệp.

Ba năm ở Đại Học Sư phạm, tôi đưọc sự khuyến khích và giúp đỡ của nhiều thầy cô như giáo sư Lê Hữu Mục và giáo sư Khưu Sĩ Huệ, tôi được dạy tư cho trường Trung Học Thánh Gioan ở đường Nguyễn Trãi, trung học Lĩnh Nam ở đường Trần Hoàng Quân trong vùng Chợ lớn và tình nguyện dạy cho trường nữ sinh mù ở đường Minh Mạng, ngã sáu Chợ lớn. Ban đêm tôi đi dạy toán luyện thi tú tài miễn phí cho những học sinh nghèo và hiếu học Trung học Nghĩa Việt ở trung tâm Nghĩa sinh nơi đường Hùng vương.

Khoảng năm 1969-1970 quân đội Cao miên tiêu diệt ngườì Việt định cư trên lãnh thổ của họ. Dân Việt lìa bỏ xứ Chùa Tháp để hồi cư. Hàng ngàn dân ta từ già cho đến sơ sinh, tay bồng tay bế dắt nhau chạy loạn, vượt qua biên giới về tỉnh Tây ninh. Nhìn cảnh màn trời chiếu đất của dân ta trên quê nhà, sinh viên Đại học Sư phạm Sài gòn, đoàn Nghĩa sinh Việt nam và học sinh, giáo chức tỉnh Tây ninh thành lập Ủy ban cứu trợ Việt kiều.



Trên đường từ Sài gòn lên Tây ninh, tôi và anh em đoàn Nghĩa sinh dừng chân nơi Tha la xóm đạo, một địa danh lẫy lừng trong thời kỳ kháng Pháp.Tha La xưa thuộc làng An hòa, quận Trảng Bàng, cũng có tên Phú Đức (là quê hương của tôi), sau thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, hiện nay thuộc tỉnh Tây Ninh. Tha La nằm ven quốc lộ số 1, cách thị trấn Trảng bàng khoảng 6 km về phía Tây. Tha La nguyên thủy là tên của người Khmer Schla, thuộc dất Chân Lạp. Vào thời Minh Mạng (1840), linh mục Cosimo đưa một số con chiên lánh nạn đến Tha la để khai thác và trốn tránh triều đình tiêu diệt Thiên Chúa giáo. Sau khi Pháp xâm chiếm miền Nam thì Thiên chúa giáo được nâng đỡ và khuyến khích. Tha La trở nên một địa điểm có qui củ, nhà thờ được dưng lên chánh thức. Vào khoảng 1945, thanh niên xứ đạo Tha La đã tích cực tham gia phong trào chống Pháp và Vũ Anh Khanh đã viết lên cảm nghĩ của ông khi về lại Tha la.
Dưới bóng mát của hai lũy tầm vông dẫn đường vào nhà thờ, không ai không ngậm ngùi với phong cảnh nên thơ, trìu mến và oai nghiêm. Trước khi rời Trảng bàng anh em Nghĩa sinh chúng tôi cũng không quên thưởng thức hương vị bánh canh Trảng bàng và bánh tráng phơi sương. Khi tới Phước điền, Nghĩa sinh chúng tôi bắt tay ngay vào việc giáo huấn trẻ em và vệ sinh công cộng.
Sinh viên Đại học sư phạm Sài gòn dưới sự hướng dẫn của Nguyễn vạn Thắng cùng giáo chức và học sinh Tây ninh dựng lều và cung cấp thực phẩm, thuốc men cho đồng bào. Dưới ánh nắng của trưa hè nơi xứ được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn muối” mọi người đều mệt lả. Anh em Nghĩa sinh chúng tôi cố đào giếng để lấy nước cho đồng bào nhưng công việc này rất gay go và cần nhiều nhẫn nại vì Tây ninh mực nước giếng rất sâu:
Lấy chồng về miệt Tây ninh
Xách nước giếng ba mươi sải, thất kinh ông bà!

Chúng tôi cũng cố xoa dịu vết thương của đồng bào tị nạn và tạo cho đồng bào không khí, tập quán dân miền Nam, chúng tôi dạy trẻ em ca những bài lý con sáo. Bài hát đó càng tăng thêm nỗi bi thương của dân mình:
Ai xui nó giết dân ta
Để... cho, để .... cho cô bác, ơi người ơi!
Bỏ... nhà , bỏ... nhà ơi người ơi, mà sang đây!

Ban đêm chúng tôi thay phiên nhau về nhà anh Tiên và chị Sương để nghỉ ngơi. Anh giáo viên Tiên với cuộc sống thanh đạm nhưng vòng tay của gia đình anh rất lớn, ôm ấp chúng tôi trong những ngày cứu trợ và làm cho chúng tôi thêm hăng say trong công việc. Trước khi về Sài gòn tiếp tục con đường học vấn, anh em chúng tôi đi thăm tòa thánh Tây ninh, dịa phận của giáo phái Cao đài. Nhìn vào kiến trúc từ ngoài bách hoa viên cho đến trong cung điện của Tòa Thánh, không ai không bái phục.
Năm thứ hai tôi bị đánh rớt khóa 1, phải đi học quân sự ở trung tâm huấn luyện Quang Trung và vừa phải ôn bài để thi khóa hai. Năm thứ ba tôi cứ ngờ rằng tôi sẽ bị đánh rớt nhưng không hiểu tại sao tôi cũng ra trường.

Ngày đi nhận nhiệm sở là ngày hồi hộp nhất cho tân giáo sư nhưng tôi không hề bận tâm vì tôi tình nguyện và quyết chọn trường trung học Đất Đỏ, nằm trong vùng hẻo lánh tỉnh Phước Tuy, nơi bãi chiến trường vừa kết thúc và trường học bị đổ tan. Tôi lớn lên ở nhà quê, đã từng thấy bãi chiến trường, từng thấy nhiều trẻ em bị thất học, cho nên Đất Đỏ là nơi tôi muốn dạy, dạy cho những trẻ em khốn khó như lúc tôi còn bé.

Trong những năm ở Đất đỏ, tôi rất nghiêm khắc với học sinh, nhất là nữ sinh, tôi cương quyết và đề phòng “Vòng tay học trò của Nguyễn thị Hoàng” hay “ Cánh hoa chùm gửi của Quỳnh Giao”, “Ngựa chứng trong sân trường của Duyên Anh” hoặc chủ thuyết "lấy thầy mới được làm cô"; do đó, tôi tạo khoảng cách với các em nữ sinh từ lớp 9 cho đến lớp 12 bằng cách áp dụng phương pháp “khổ hạnh” của chủ thuyết giáo dục thuộc trường phái Thiền Tông. Các em Đất đỏ là máu huyết của tôi, là niềm an ủi của đời tôi làm thầy giáo. Tôi không muốn các em Đất đỏ phải sống cuộc sống hẩm hiu như thời thơ ấu của tôi. Tôi tìm mọi cách, ép buộc các em phải học, phải đậu tú tài 2 và tốt nghiệp đại học như tôi. Một nhóm em Đất đỏ tạm trú ở nhà tôi để học luyện thi tú tài.

Năm 1975 miền Nam sụp đổ, tôi cũng như các giáo chức ở Phước Tuy phải đi cải huấn 7 ngày (Cộng sản gọi là cải tạo. Tôi muốn nêu ra ở đây là chữ “cải huấn”
改訓 dùng cho con người, còn chữ “cải tạo”改造 dùng cho đồ vô tri vô giác).
Trong lúc tôi còn ở Đất Đỏ, một buổi chiều trên đường từ trường về nhà trọ, một em bé du kích đã bắt tôi đứng giữa chợ Đất đỏ và hăm dọa bắn bể đầu tôi vì tôi thuộc thành phần cải tạo, cải lịnh chính quyền đi ra đường sau 5 giờ chiều. Mỗi lần em ấy đưa cây AK 47 lên mặt tôi là mỗi lần tôi té tiểu trong quần. Dân làng xin hắn tha tôi nhưng hắn cương quyết không buông. Sau đó có người báo cho ông Tư Thanh, trưởng ban tuyên huấn Bà Rịa Long Khánh, cậu ruột của Nguyễn ngọc Phương. Ông Tư Thanh từ Bà rịa chạy Honda xuống Đất đỏ và ra lịnh hắn cho tôi đi về nhà trọ.
Sau lần thoát chết đó, tôi như con chim bị tên, lúc nào cũng sợ sệt và lo âu. Tôi không hề thù hằn hay oán hận em du kích, tôi chỉ tội nghiệp cho em ấy, một đứa bé vô giáo dục, không có cơ hội được tôi dạy dỗ. Tôi tâm sự với Phương, cùng dạy chung trước 1975, và sau đó tôi bị đưa đi Rừng lá.

Ngày cuối cùng ở Đất đỏ thầy trò đều đỏ mắt. Tôi bước vào lớp như người đã quá chén, đầu óc quay cuồng. Tôi gượng tỉnh và nói lời giã từ, khuyên các em tiếp tục con đường học vấn và làm tốt mọi việc như khi tôi còn ở nơi này. Trong lúc tôi còn loay hoay dẫn giải thì cuối lớp tiếng nức nở òa lên rồi sau đó lan tràn như vết dầu loang, cả lớp đều sụt sùi. Tôi không thể tự chủ được nữa và cũng ứa lệ với các em. Ngày tôi về Đất đỏ với bao niềm vui, với tràn đầy hy vọng thì ngày tôi ra đi hoàn toàn trái ngược. Có lẽ định mệnh đã sắp xếp cho cuộc hành trình làm thầy giáo của tôi phải trải qua thử thách như giai thoại ni cô biến thành chim bìm bịp. Ni cô vì bội ước mà thành chim, còn tôi nào có lỗi ước gì với các em Đất đỏ mà lại bị lưu đày?
Chiều hôm ấy tôi giã từ hai phụ huynh nơi nhà trọ rồi đón xe về lại Sài gòn. Ngồi trong căn nhà nhiều kỷ niệm, thân phụ tôi cũng buồn lây và hỏi thăm về các em học sinh của những năm về trước. Tôi cũng chẳng biết các em ấy đi đâu và không có câu trả lời cho thân phụ. Nhìn xung quanh, tôi có cảm giác như các em vẫn thì thầm đọc sách, học phát âm tiếng bạch thoại và hỏi tôi giải những bài toán như xưa. Bổng nhiên tôi cảm thấy căn nhà lạnh tanh như một nơi hoang vắng mà đã lâu ngày không ai lui tới. Tôi nghe tiếng thở dài của ba tôi vì ba tôi hiểu được tâm trạng của tôi với học sinh Đất đỏ. Tôi bèn đứng lên cố gượng vui để ba tôi an lòng và nói với ba tôi những hy vọng một Đất đỏ thứ nhì nơi Rừng lá.

Rừng lá là nơi rừng thiêng nước độc và là chổ định cư của đồng bào di tản từ Bình long. Nơi đây không có đầy đủ nước uống hay đèn điện như ở Đất đỏ. Cuối tuần hiệu trưởng Học cùng thày giáo đi tắm suối và giặt giũ. Theo lời anh Nguyễn văn Học, anh là giáo viên bị đưa vào Nam. Anh Học rất nghèo và thương vợ con. Anh ấy thông cảm cho sự mất mát của chúng tôi. Những ngày Tết chúng tôi mời anh Học về Sài gòn để cho anh ta quên đi nỗi cô đơn.
Một hôm anh Học quá nhớ nhà, anh em chúng tôi góp tiền mua cho anh vé xe lửa để lén về quê thăm gia đình. Không may chuyện bị lộ và anh Học bị khiển trách khi anh trở lại. Ở Rừng lá anh chị em giáo chức đều thuộc thành phần lý lịch xấu đối với chính quyền. Trường chỉ có 4 lớp (lớp 6-9) nhưng có nhiều giáo sư có cử nhân và cao học (3 giáo sư văn chương, 1 giáo sư Sử Địa, 1 giáo sư Lý Hóa.) Đa số cha của các em học sinh đều ở trong các trại cải tạo. Mỗi buổi chiều tôi hay ngồi một mình trên bực thềm của trường, nhìn những hàng mây bay lơ lửng hoặc ôm quanh đỉnh núi Mây tào, tôi buồn thúi ruột và bắt đầu suy nghĩ lung tung; tôi nhớ gia đình, nhớ mẹ, nhớ bạn bè, nhớ người yêu và ứa lệ khi nhìn về Đất đỏ qua dãy núi Mây tào. Sau một năm, dân chúng bắt đầu biết tôi và giúp đỡ thì tôi lại bị đổi đi Nhơn Trạch ở Cát lái vào mùa hè năm 1976.

Trước khi về Nhơn trạch, tôi lập gia đình. Các em học sinh người Hoa thuộc trường trung học Thánh Gioan trợ giúp tôi về tài chính và phương tiện di chuyển trong ngày tiểu đăng khoa. Nhà tôi ở Phú Lâm, mỗi ngày, tôi thức giấc vào 4 giờ sáng, chia tay với vợ rồi đạp xe từ Phú Lâm đến Nhơn trạch để dạy học. Thường xuyên tôi chỉ về nhà cuối tuần; đôi lúc tôi cũng về nhà thăm vợ giữa tuần. Từ nhà tôi đến Nhơn trạch phải qua phà Thủ thiêm và phà Cát lái. Nếu trể giờ thì phải đợi chuyến phà kế. Đứng trên phà Cát lái, nhìn những căn nhà nhô nhúc bên sông, tôi cảm thấy buồn ray rứt. Tôi nhớ quê tôi có con sông Vàm Cỏ Đông nhưng bà con đều ở xa bờ sông, còn ở Long Xuyên, nơi nhà bạn gái tôi thì nhà chen chúc như bờ sông Cát lái. Từ nơi phà cập bến tôi phải đạp qua Phước Lý, một con dốc rất dài và cao rồi mới tới trường Nhơn trạch.
Theo qui chế mới, thầy cô phải tập trung ở trong trường và phải đi thăm viếng từng phụ huynh của lớp do mình làm chủ nhiệm. Có em ở xa lắc xa lơ, đạp xe hằng giờ mới tới nơi. Đôi khi tôi ngủ đêm ở nhà học trò, cùng phụ huynh bàn chuyện ruộng rẫy, cuốc đất trồng khoai. Tôi cũng ra ruộng, cấy lúa với phụ huynh, uống rượu đế, ca vọng cổ và quên đi sự đày ải của thể chế giáo dục mới. Những ngày giỗ ở nhà phụ huynh, tôi đều tham dự. Phụ huynh ở đây rất quí và thương tôi vì tôi là hiện thân cho giai cấp nhà quê, cố gắng học tập để thành thầy giáo. Phụ huynh hay khuyên con bắt chước tôi mà cố học.

Ở Nhơn trạch tôi dạy cả toán và văn chương vì người bạn dạy toán, giáo sư Đường nhà ở Biên hòa, bị bịnh suyển cho nên thường xuyên vắng mặt. Ban đầu tôi từ chối dạy toán và bị Hiệu trưởng khiển trách. Hiệu trưởng Nam là đảng viên từ Bắc vào, ông ta rất hiền và hòa đồng với giáo chức miền Nam. Ông ta đưa ra nhiều lý lẽ bắt tôi dạy toán vì có người dạy chung, anh ta là anh của cô bạn cùng ban Việt Hán với tôi, báo cáo với anh Nam là tôi từng mở lớp luyện thi Toán miễn phí ở trung tâm Nghĩa sinh cho những học sinh nghèo trong lúc tôi học Đại học Sư phạm Sài gòn.
Nhơn trạch để lại cho tôi nhiều kỷ niệm; học sinh hiền hậu, dễ thương như các em Đất đỏ và có cơ hội quấn quít bên tôi nhiều hơn các em Đất đỏ. Các em thông cảm cho sự lên voi xuống chó của tôi. Trong những ngày nghỉ, tôi thường đạp xe đưa vợ về Cát lái để gặp phụ huynh và các em.

Ngày tháng qua nhanh, năm học chấm dứt, tôi đi học tập chính trị như những đồng nghiệp. Trong một buổi học tôi bị anh cán bộ kêu ra ngoài, tôi tưởng rằng tôi sẽ bị đi tù vì lý lịch của gia dình. Vừa đi vừa thương cho vợ nếu chẳng may tôi có bị đi tù hay bị giết chết. Vợ tôi còn quá trẻ mà chịu cảnh góa bụa hay sao? Tôi run run bước chân vào văn phòng và hồi hộp chờ phán quyết. Với gương mặt lạnh như đồng, anh ta nói rằng “đồng chí được chỉ thị về trường Thống Nhất B ở Gia kiệm”. Tôi càng run lên vì Hiệu trưởng tên Sáu ở Gia kiệm nổi danh rất độc tài. Tôi van nài anh ta cho tôi về trường Thống Nhất A ở Hố nai. Anh hỏi gặn tôi lý do. Tôi thong thả trả lời “tôi sẽ học hỏi nhiều kinh nghiệm nơi đồng chí hiệu trưởng Thuần, người đã vang danh vô tư và hết lòng cho giáo dục.” Anh ta cắn cây bút và ký tên vào giấy thuyên chuyển. Tôi vừa mừng vừa sợ.
Khóa học chính trị đã xong, tôi về lại Sài gòn, báo tin cho vợ biết. Từ đó hai vợ chồng tôi sống như thời chiến tranh; thỉnh thoảng tôi mới có dịp về nhà. Vợ tôi vừa đi làm vừa chăm sóc cha chồng.

Năm 1978 vợ tôi mang thai, nhạc phụ tôi chuẩn bị vượt biên. Vợ tôi chạy đôn chạy đáo và xin được cho tôi một chân thợ điện trong công ty cấp nước nơi đường Lữ gia ở Sài gòn. Tôi âm thầm từ bỏ nghề dạy học một cách đau thương để về gần vợ. Những ngày cắt vỏ xe hơi làm niềng cho xe đổ rác hay làm dép râu cho các ông lớn, tôi cứ tự hỏi sao ông trời không có công bằng. Trong sở vợ tôi, ai cũng biết tôi nguyên là giáo sư đệ nhị cấp cho nên họ tìm cách giúp đỡ tôi học những công việc mới. Anh Thuận hay bảo tôi:
" Lao động là vinh quang
Lang thang là chết đói
Hay nói thì ở tù
Lù khù thì vẫn sống "
Tôi chăm chỉ lao động để khỏi bị quấy rầy. Thỉnh thoảng tôi đi bắt điện cho những văn phòng ở Gò vấp hay sở thú Sài gòn.

Một hôm một nhóm học sinh Hố nai bất ngờ thăm viếng tôi ở Phú Lâm, các em ngủ trọ một đêm và yêu cầu tôi dắt các em đi sở thú. Sau khi đưa vợ đi làm và xin phép nghỉ nửa ngày, tôi đưa các em đi thăm sở thú. Thầy trò dạo quanh vườn bách thảo và tôi khuyên các em hãy quên tôi đi mà tiếp tục học với thầy cô mới. Các em phẩn nộ rồi òa lên khóc. Tôi cố an ủi và vỗ về vì tôi không muốn rơi vào cảnh Đất đỏ 4 năm trước. Tôi mãi loay hoay với các em và quên đi trách nhiệm của người chồng; tôi không về ăn cơm trưa với vợ và để vợ tôi trông đứng, trông ngồi nơi bàn làm việc. Tôi rất hối hận về việc này nhưng tôi không hiểu được chính mình. Tôi đứng trước ngã ba đường và rẻ sang phía học sinh để cho vợ tôi phải buồn trong lúc mang thai.

Năm 1979 khi con chúng tôi chào đời được hai tháng, tôi theo gia đình vợ vượt biên theo diện bán chính thức dành cho người Hoa. Nhạc phụ và nhạc mẫu mua giấy người Hoa cho tôi để tôi được di. Lần ra di đầu tiên, chiếc ghe chết máy trôi dạt 14 ngày từ Mỹ Tho đến Bình Tuy, tưởng chừng đã chết nhưng được tàu Liên sô cứu và kéo về Vũng Tàu. Cuộc hành trình thứ hai bị hải quân Việt nam kéo vô Côn đảo 1 tuần. Sau khi vơ vét hết những gì họ có thể làm rồi thả ra đi. Trải qua hai lần thập tử nhất sinh, cuối cùng gia đình tôi định cư ở Mỹ vào ngày 19 tháng 1 năm 1980.



Trong những năm đầu định cư ở Mỹ, vợ tôi là hình bóng của bà Tú Xương, quán xuyến mọi việc từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Những việc thông dịch đều do vợ tôi đảm trách. Sau một năm làm cho xưởng gổ, gia đình tôi dọn lên Richmond, thủ đô của tiểu bang Virginia, để tôi đi học lại. Trong những ngày mới ở Richmond, từ nhạc phụ, nhạc mẫu cho đến các cô cậu em vợ đều chung tay giúp gia đình tôi phương tiện di chuyển. Hàng ngày cậu em chở tôi đi học.

Năm 1983 , sau khi tôi tốt nghiệp cán sự điện tử với hạng Summa Cum Laude, không nơi nào chịu mướn vì tôi không nói được tiếng Anh. Trường đại học cộng đồng nơi tôi theo học, mướn tôi dạy lớp thí nghiệm. Một năm sau (1984) công ty điện lực mướn tôi làm cán sự cho nhà máy chạy bằng than. Ngoài giờ làm việc, họ trả tiền và chi phí cho tôi đi học kỹ sư. Đây là giai đọan khổ cực nhất của vợ tôi vì tôi vừa làm, vừa học và không có thời gian với gia đình. Ba năm sau (1987) tôi được tuyển dụng vào trung tâm huấn luyện năng lực của công ty.

Cũng năm 1987 tôi nhận được thư của Hùng báo hung tin ba tôi đã qua đời trong nổi nhớ thương con. Tôi nghỉ làm 3 ngày và ân hận đã bỏ cha già nơi chôn nhau cắt rún. Vợ tôi cũng rất buồn nhưng gượng gạo vui tươi để an ủi tôi . Tôi chợt nhớ lời Trung tá Quốc “ số tôi cô độc, tha phương cầu thực, may mắn trên đường công danh và không thấy mặt cha mẹ lúc qua đời.”

Năm 1998 tôi được biệt phái qua trung tâm huấn luyện của nhà máy phát điện chạy bằng nguyên tử. Những tháng năm tôi làm việc cho trung tâm huấn luyện nhân viên điều hành nhà máy phát điện chạy bằng nguyên tử, tôi rất đau buồn khi nhìn thấy những xe chuyên chở học sinh. Tôi nhớ lại thời dĩ vãng, những giờ giảng dạy dưới thời VNCH. Tôi luôn luôn buồn bã và không sao chữa lành được. Tôi rất quạu quọ và nóng nảy. Một hôm tôi đi khám bác sĩ tâm lý, ông ta khuyên tôi đi học lại mà phải học về giáo dục. Trong sở tôi, họ ủng hộ và cổ vỏ tôi đi học lại. Họ trả tất cả chi phí, từ thông dịch giấy tờ cho đến học phí để tôi trở lại học đường.

Ngày đầu tiên trong lớp học, ai cũng giới thiệu trường lớp của mình; tôi là người duy nhất “mất dạy”. Giáo sư hỏi qua vì lý do gì mà anh là kỹ sư lại chọn cao học giáo dục. Tôi tự hào và thao thao bất tuyệt nói qua về trường Đại Học Sư phạm Sài gòn và những tháng ngày tôi đi dạy học. Ngày nào tôi cũng ứa lệ khi tan trường. Sau hai khóa học tôi phải tạm dừng vì công việc quá nhiều trong sở. Tôi chọn giờ đi làm về khác biệt với giờ xe chuyên chở học sinh để tôi không phải rơi lệ. Tuy nhiên sau hai khóa học, bạn cùng lớp và giáo sư cũng đã giúp tôi vượt qua được nỗi nhớ nhung trường cũ cùng nỗi cảm xúc trước chiếc xe buýt màu vàng đưa học sinh đi học.

Hầu hết đời tôi luôn gắn bó với ngành giáo dục. Hiện nay tôi không có trường, có lớp nhưng tôi luôn luôn chia sẻ những kỹ thuật mới cho những huấn luyện viên thuộc trung tâm huấn luyện chuyên viên cho nhà máy phát diện chạy bằng nguyên tử ở tiểu bang Virginia, USA để họ có phương tiện dạy dỗ tốt và hiệu quả hơn.
" Nếu tôi tái thế làm người
Nguyện làm thầy giáo trọn đời kiếp sau "

Trần Lâm Phát
Virgina, ngày 22 tháng 6 năm 2009

Đăng ngày 25 tháng 6 năm 2009
Chỉnh sửa ngày 14 tháng 2 năm 2018


English version:


Dream to be a teacher


When I was eight years old, the people in my village were happy during peacetime. Under the moonlight, the husking sound mixed with their singing seemed to increase their energy. Every morning, girls and women followed each other’s carried merchandises to the market in the city. They walked, and laughed in happiness.
One day, everyone stopped on the road as traffic jammed. At the village gate, officials and teachers required everyone to read two sentences on the black board. Those who could not read must return home. It was the anti-illiteracy campaign. These two sentences were always in my mind because I had to guide my mother to spell and read so she could go to the market to sell our agricultural produces.
A young woman looks pretty!
Because of her illiteracy, her husband let her down.
 
(Cô kia má đỏ hồng hồng
Vì không biết chữ nên chồng cô chê)
 
Why is it people do not memorize these two sentences? One day I asked my Mom.
My Mom said it was a program from the government to eliminate illiteracy and the teacher called it an “anti-illiteracy war.” Confucius said “If you know, you say you know; if you don’t know, you say you don’t know..知之为知之,不知为不知,是知也".” she answered.

 I did not understand but I still said yes Mom! One day I sat beside my Mom.  She split bamboos and I wove baskets. Suddenly my Mom said, “You must study very well and then come home to guide me on how to read; otherwise, our family will be hungry, because I cannot come to the market.”
I just heard the word hungry; my hands trembled, as a tail of a lizard would have been cut.  From that day, I guided my Mother on how to spell, and I discovered a new method to help my Mom to read. When I was ten years old, my Mom recognized all alphabets; spelled out words and read lessons from the textbook as flood days, drought days, etc., but she could not write a sentence correctly. I mumbled, “If I am a teacher, I know how to guide her how to write.”  My Mom heard my wish, she embraced me in her chest and then hot tears fell on my cheeks. My Mom really cried. I comforted my Mom and promised that I would be a teacher so I could guide people in my village on how to read and write.
Since that day, my Mom asked me to work harder on our farm and take care of our cows every day. When I had time, I followed my father to build houses. My father asked me to sharpen pencils, saws, chisels and make lumber. I hated what I had to do. I had a bad habit; I talked to myself when I was not happy. I whispered, “I will not be a farmer, carpenter, or cowboy.” My father looked at me and smiled.  An educator is always better than a farmer is. I was determined that I would be a teacher, not a farmer, carpenter, or a cowboy.
One day, the principal dismissed some students from their classes. He said that we could not return to school because we did not have a birth certificate. We lived in the countryside and our parents were illiterate; therefore, we did not have a birth certificate. We bent our knees and begged Mr. Principal to allow us to remain in class, but Mr. Principal explained that it was the law and he could not help us. On the way home, the summer weather was too hot.  I felt that I lost all my strength. I walked, and I thought and I spoke to myself.  “In the future, people in my village will not be able to go to the market because I could not become a teacher.” While I was thinking, I heard somebody’s voice who tried to lull a child to sleep from far away echo in my ears:
Oh….oh….oh….If you do not study well,  Oh …oh…oh, If you do not study well, you may come back to become a farmer ….
No! No! I will not be a farmer.  I will not weave baskets anymore. I hate this type of work. I screamed so loud.
I looked around and I was lonely as I walked under bamboo shadows. I tried to walk rapidly to go home and report to my Mom. In one second, I changed my mind and I walked to a place where my father was building a house for a woman in our village. My father saw me, he stopped working, and then asked, “What is going on and why did you go home too early?” I burst out crying and let my father know the reason I was dismissed from class. My uncle also stopped working and gave my father advice.
-  We need to talk to parents who have a child dismissed from school today to come to the court to become an eyewitness for their birthday. I will be one witness. My uncle said.
-  Where is the money to rent a car? People in our village are illiterate. My father softly responded.
My father asked me to go home to help my Mom and wait until evening when he returned home. I went home with sadness as a person just went to a funeral. My Mom was splitting a bamboo and she was frightened and asked, “Why did you come home early?” I embraced my Mom and cried out “Mommy! From now on, I am a cowboy and will never become a teacher”
That night, parents who had a child dismissed from school came to my house and requested my father to ask my grand uncle for help. My father sadly told them that we were dismissed because of the law, not by teachers and my grand uncle could not solve our problem. Everyone made a noise and suddenly my father suggested that parents should choose a birthday that was easy to remember and not use a real birthday.
The room was very quiet and every parent started to select a birthday for their child. My father selected my brother’s birthday (7-7-1947) and my birthday (10-10-1950). My uncle selected my cousin’s birthday (9-9-1949). Since that night, every night parents came to my house to practice memorizing their child’s birthday. My grand uncle acted as a judge and pointed his finger to us, and then asked our birthday. After many weeks of practice, everyone remembered what to do when we went to the court. One month passed by, and we still went to our class but we were not allowed to go inside. We stood outside the class and looked at the black board through a window to record the lesson. My teacher held a long ruler to teach us how to pronounce correctly. When break time came, our friends ran quickly outside and embraced me and we played as if nothing happened. One day, our village received a court order and everybody prepared to go to town to see a judge. That night when roosters crowed[1] at the third time, my Mom woke us up, changed clothes and walked to a place to meet other parents and kids, and then we took a bus to the capital of our province.
 When the bus came to the city, my eighth[2] uncle and my brother waited for us. My eighth uncle guided us into the courtroom. When a police officer opened the door and called every name, my heart beat rapidly as a sound of a drum. I looked at the judge who wore a black gown and sat on the chair. I imagined him as a king on the cover of the country drama book. I thought that the judge was probably intelligent and hard to get alone. The judge slowly called the name of each child, and then asked the parents and three witness about his/her birthday. Everyone answered correctly but the judge only issued a temporary birth certificate to go to school. On the way home, everyone was happy and talked as birds.
Since that day, I went to school in the morning and afternoon. In the evening, I took care of our cows, pulled water from a well to feed our plants, and helped my Mom weaving baskets. One day, after we saluted our country flag, my teacher called my name and gave me an honor roll award. I thought that I had a problem with my hearing because I did not learn as well as my friends. Mr. Principal emphasized that I had good manners and was a hard working student. I was very happy, happier than a rain on the drought days.
When I got into 5th grade, I did not have enough points to pass a literature composition; therefore, I had to retake a national exam. I still remember that test: “our country has two seasons: sunny and rainy; what season do you like and explain it.” I chose the rainy season because my family would grow products and plant rice. The weather was not hot, trees were green, and I did not have to pull water to feed our plants. My eighth uncle, who was a teacher, told me that I had a good chance to pass this exam and I then go to the 6th grade. Nobody asked me about math so I had a chance to brag it.
Time passed by.  I was sixth grader then 7th grader of a private middle high school (at this time our district did not have public middle and high school). Every day I had an old Chinese language lesson.  I was sweating it, because the teacher would beat our butt if we did not know how to write correctly (A Chinese word has many characters and must be written from top to bottom, from left to right and from inside to outside). When I was an eighth grader, I had to transfer to a semi-public middle school because the tuition was cheaper. At this school, I learned literature with a famous writer. He admired my thinking but I did not know how to write to attract readers; therefore, every composition of mine was less than 10 points (we used a 20-point scale). I started to hate composition. I loved poems and I remembered them very well. The teacher always read my composition in class.  He explained that the way I analyzed literature, not like other students, was unusual but it was very logical.
On November 11, 1963, I walked home from school.  I met a VC (Vietnamese communist) who broadcasted the news of the sound Vietnam President‘s assassination[3]. By the end of that month, many female VC’s came to my house and secretly discussed something with my Mom. Since that day, my Mom did not allow me to go to our farm anymore, and I had to stay close by her at all times. One beautiful day, I enthusiastically prepared to go to play marbles with my friends but my Mom asked me to go the city to meet my seventh brother. My brother took me to a tailor for sewing some new clothes. I curiously asked him the reason. He said he did what our Mom said, period. I begged him and cried. He comforted me and let me know that my Mom planned to send him and me to Saigon for studying and live in my fifth brother’s rental house. Go to Saigon! Nothing is fun down there; I wanted to stay home with Mom and my friends, I answered. My seventh brother did not bother answering. When the tailor measured my pant and shirt size, I went to visit my grandma’s cousin. She was the youngest sister of my grandfather. My eighth uncle explained to me the reason we had to go to Saigon. It was a chance for me to become a teacher. I was a half believing and half doubting, but I was quiet. Two weeks passed by.  I softly asked my Mom about moving. She did not answer but her eyes turned red with tears. Things happen; it will happen! One morning, I followed my mom to carry chicken to the city and it was the last time I was side by side with my Mom. When the market started to scatter, my father took my seventh brother and me to go to Saigon.
I stayed home a couple of days then I followed MS Thu Ba, my 5th brother’s fiancé, to go to Nguyen Ba Tong High School. It was a private catholic school. It was the first time I saw a high school and a father in a black long dress. I was scared and I grabbed my future sister-in-law as a magnet attracted to a piece of iron. To be able to get in the 9th grade of this school, I had to pass an exam. My sister introduced him to me: this is father Do Dinh Tiem, Mr. Principal. I bowed to him and said hello but my tongue seemed to be stuck as a bird learned how to speak. Father Tiem generously smiled and invited us to come in in his office. I just walked in his office and I saw another father. I could not say hello in time and Ms. Thu Ba explained to me. This is father Vu Viet Ha, assistant principal on studying. I asked myself “who is assistant principal on studying?” At my hometown, we only had an assistant principal on discipline. He always used a long bamboo stick to beat on our butt. I did not know what MS. Thu Ba discussed with father Ha. Father Ha gave me a pencil and papers to write a composition to describe the reason I wanted to go to school. I could not remember how many times I emphasized that I would like to be a teacher so I could guide people in my village how to read and write. One hour passed by.  Father Ha gave me a geometry problem and advised me not to do it in a hurry. He said that if I could not solve this math problem, I could not get in. I just quickly looked at the problem. I knew the answer. I solved this type problem many times at my hometown. My fifth brother sent me a math book and I solved all problems in that book. I practiced so many times and I knew all the tricks to solve this type problem.
When I lived at home, my father built for me a blackboard. I used chop to write math problems then solve them. I tried to replicate the way my math teacher did in class. I could not forget the first couple of weeks. I tried and tried very hard, but I could not write a straight line. My handwriting looked like the shape of mountains, up and down. I complained with my Mom and she said, “If you have enough patience, you can make a piece of metal into a needle!” I cried and said I could not make a needle; I only wanted to write a straight line.” Day in and day out, I aligned my writing. I called my Mom “Mommy! Mommy! Come in and see.” My Mom rubbed my hairs and rewarded my innovation.
The class had already started one month before I joined with them. The first day I learned French with Mr. Tran Thua Du who I dreamed to be his loyal student. My fifth brother sent me his Grammar textbook. I studied so many times and I could pinpoint what lesson in the book very easily. My brother also sent me the book “L’art De Conjuguer.” This book configured the rules of regular and irregular verbs and Le Bescherelle published it. Mr. Du never called me by name; instead, he called me grammarian.
In our geometry class, I often asked questions that our teacher could not answer. I solved all problems in the textbook before I came to the class. My seventh brother asked me to do it; if I forgot to do one problem, he subtracted one trip home to see my Mom. I only made four trips per year and I could not afford to lose any trips. I memorized all of these style problems. When our teacher started to write problems on the blackboard, I jumped to the solution and I made him uncomfortable. My bad manner did not last long, as the principal called my fifth brother and discussed my behavior. My fifth brother did not punish me but he gently explained to me “if you want to be a teacher, you must respect your teacher”. From that day on, I was quiet in our geometry class and helped our teacher tutor other students.
In this 9th grade class, I met my neighbor, Hung. Hung came from North Vietnam during 1954 refugee. Hung is North Vietnamese  and I am South Vietnamese; therefore, I had a long distance to go to play with him. My 5th brother said that many North people have a good heart, like people in our village. You could be his friend. Hung became my near and dear friend . We studied toghether, and we solved all Algebra problems in the text book. Day in and day out we were the top competitors on Math and French in our 9th grade class.
Time passed by and poinciana[4]’s started to bloom.  We said goodbye to each other then went home to study for the national exam of middle high school.[5] After the exam, Hung and I walked around our neighborhood.  He took me inside the Market place. The first time, I saw many things.  I tried to memorize them so I could tell my Mom when I went to see her but there were too many.  I could not remember all of them. On the day the goverment posted the the results of our exam, Hung rode me on his bicycle to go the posting place. Hung and I concontrated to find our name. He suddendly yelled “ Oh Phet! I passed it”. I was happy for him but I was nervous because I did not see my name yet.  I was still looking for my name, and he screamed “Phet! I saw your name, you passed with cum laude”. We were very happy and then went home to let my 7th brother know the good news. My 7th brother was happy for us, and then biked to that place to see with his own eyes.
Two days later, Hung and I left Saigon to go to my hometown. When we went to the rice field, Hung was happy to catch fish with his hands and played with water waves. Hung lived in the city. He never did a farmer’s job; therefore, he was unbalanced when he walked on the tiny and wet bunch with grass. I remembered his body swung left then right to keep balanced, but after a few minutes he fell down in the rice field. The happy days passed by quickly. Hung and I had to return to Saigon. We brought a lot of produce from my family as a gift for Hung’s Family.
Summer passed by, and Hung and I returned to Nguyen Ba Tong High School. After one month, I received a letter notifying me that I had been accepted into Mac Dinh Chi Public High School in Phu lam, 10 km south of Saigon. Both of us still were good friends. We studied together and challenged each other on math problems. My father built for us a black board and hung it up at my 5th brother’s house. During daytime, Hung and I studied at my brother’s house. On the weekend, my brother gave me a permission to stay at Hung’s house. When we entered the 11 grade, we studied very, very hard because we would be made to join the South Vietnam Army if we could not pass a national exam for baccalaureate, part 1 and we could not enter 12 grade.
That year, Hung’s parents started their own restaurant at 114 Gia Long Street in Saigon, which was close by the main Saigon market. Hung’s parents treated me as their own child. That year Hung’s father was discharged from the Army; therefore, Hung’s family had to move out of the current house. They moved into a very tiny house (4 x 8 meter). Hung had four young brothers. Six of us slept on a small wooden bed. During rainy nights, water dropped through a hole from the roof. We woke up at the same time and tried to scoop water out of the house. On the weekend, I followed Hung to his parents’ restaurant to deliver meals to people who paid monthly for their meals. In the afternoon, we came back to my brother’s house to study. We cross-examined each other on poems and authors on the way to deliver meals for our clients. Hung hated poems, especially folk songs. In contrast, I remembered poems easily; they were the same tone as country songs in my hometown.
We always studied together and the school year ended.  Both of us passed a national exam and earned the baccalaureate, part 1 with cum laude. When we got in the 12 grade, I stayed at Hung’s house most of the time. My fifth brother was drafted into the military and my 7th brother enrolled into the University of Science. My third and sixth brothers stayed in the countryside to help my parents maintain our farm.
In lunar calendar new year (year of Monkey, 1968), I came home to my parents and communists attacked all cities in South Vietnam. All transportation was disrupted. My parents were worried about me and sent me off to the countryside. I went to my great aunt’s home in the city. I was eager to go back Saigon to study with Hung, but my hands were tied and I had to stay with my great aunt. Two weeks passed by, and I returned to Saigon. My seventh brother took me to go to the police station because of my absence during the communist attack. All houses in our neighborhood were destroyed. Hung and I tried to locate my friend Tran Van Duc and found out he was safe. Four months passed by.  Hung and I focused on studying. We studied on the walkway because there was no place in Hung’s house for us to study. Every time a wind blew by, we praised Buddha “please do not shut off our oil lamp.” We believed in our efforts and had to do everything to make Hung’s parents and my parents happy and proud of us on our exam.
One Sunday noon in the summer 1968, after Hung and I delivered meals for clients, we sat down for lunch. My seventh brother suddenly stopped by to see us with sadness. Just saw my brother; Hung’s Mom asked, “What happened? Why are you so sad? Please sit down and have lunch with them.”  Tears fell down my brother’s face. He embraced me and choked “Mom passed away.”
I was frozen and Hung screamed “Oh my God!  Is it true? How do you know?”
Hung’s family seemed to have a bad accident. They felt sorry for me.  A child lost his mom at an early age. Hung and I biked back to my fifth brother’s house. I was mournful and could not stop crying. My seventh brother screamed as a tiger shot by an arrow. He cried and mumbled: “Oh Mom! Mommy! You worked very hard to collect money for us to go study; you sold every piece betel, every areca nut from early morning until mid-day despite sunny or raining. We did not finish school and worked to make you happy, now you left us ….” Hung and I embraced each other, one cried, and the other tried to comfort.
I wanted to go home to visit my mom’s grave but my brother did not allow me to go. At this time, Vietcong (Communist origination in the South Vietnam) controlled my hometown. If I went home, I may not have a chance to return to Saigon.
One day I told Hung, we must study harder and pass the national baccalaureate, part 2 in July. This is the only way we can show gratitude to Mom, who sacrificed her life for us and always protected us.
 I ever never forgot my Mom’s picture who sat on the bus at seven corners to return to my hometown in Trang bang district after 2 weeks visiting us. In that early morning, Hung and I guided her to the bus stop. Both of us stayed there until the bus started to roll and slowly disappear before we went home. That time was the last time I saw my Mother.
In 12th grade class of Mac Dinh Chi High School, everyone comforted me and encouraged me to return to normal life. A math teacher who was always proud of my math skills and hoped that I would make a record for my school also felt sad. He did not know how I could cope with this loss. Only two more months, and all graduated high school students would take a national baccalaureate (part 2) exam in July. Nobody in my class thought that I could pass the exam. Under the leadership of my brothers and Hung’s parents, Hung and I focused on studying and tried to make a great record.
July came. Hung and I prepared very well for the exam. Two days before the exam, I suddenly felt very sad. I did not want to eat and tears fell down continuously with no reason. I missed my Mom! Exam days started on Monday July 16, 1968. My seventh brother took me to go to Pho (rice noodle with beef) place for breakfast and drove me to the exam place. My brother sat outside the gate and carefully reminded me to concentrate on the exam. Read the exam twice before starting to answer the questions or solve math problems. He also told me to review my work and only turn in the paperwork at the end of the exam period. My brother stayed outside and waited for me. The first day’s exam was Philosophy and French. I got out of the exam room on time and went to lunch with my brother. In the afternoon, I concentrated on doing my work and forgot my brother who stood outside. Each time he saw me he always encouraged me and gave good comments. Each evening, Hung and I shortly discussed the answers then reviewed the materials for the next exam. The second day’s exam was our core exam: Math in the morning and Physics, Chemistry in the afternoon; Hung and I did very well. The third day’s exam was Biology, English, International History and Geography. After these exam days, Hung and I continued to deliver meals for his restaurant clients and wait for the results of exam. Each day we stopped by at the Petrusky High School and used a stick against the wall where examiners recorded the results to listen to them sound out the results. After one week, we heard our name. Hung and I passed with cum laude. I was very disappointed. A month later, the results were posted. My brothers were happy and wrote a letter to notify my father and my two other brothers at home. Hung’s parents organized a party for us. After one week of running around with friends, we planned to go to the university. Hung would enter the economic school from Van Hanh University; I would take an exam to try to get into the school of Pedagogy to become an elementary school teacher. In September of 1968, I was selected and became the freshmen of school of pedagogy. While I studied at this school of pedagogy, I enrolled to the school of literature from the University of Saigon. That summer, I passed the final exam of the literature school; I also passed an exam to enter the school of pedagogy for the middle high school teacher in the Math department. My friends challenged me one case of beer to take an exam and get in the school of pedagogy in Vietnamese and Chinese for high school teacher. Besides that reason, my French professor and administrator pushed me to take an exam to enter the pedagogy for high school teacher. I did not know how or why I was selected.  On the first round, the school selected fifty students over 500 candidates and I was ranked of the fiftieth. The second round was practical teaching. I was ranked in the top 50 students and finally I was one of 40 students that was accepted to the school of pedagogy with a major in Vietnamese and Chinese literature. I loved mathematics so much, and I wanted to stay in Math class but the assistant Dean demanded me to transfer to the department of literature. I was not happy and cried, begging him to let me stay in the Math department. Finally, I enrolled into Vietnamese and Chinese literature class.
On the first year of Vietnamese and Chinese literature class, I participated in the protest requesting a separation between education and politics. At that time, vice president Nguyen Cao Ky established military academics for college students (College students must joint army training for 3 months each summer) and he corrupted financial aid from the USA. During the protest, police arrested me and 71 other students then jailed us at the first district police station. We were on hunger strike and demanded justice. After one week of jail time, my fifth brother bailed me out. This action generated a criminal record on my profile and the government prohibited me from teaching when I graduated in July of 1972.
During 3 years in this evil class, I failed in the second year and I had to retake the exam when I returned from Army training academy. Every night during training camp, I called my Mom and asked her to pray to Buddha for me to pass the exam. (If I failed again, school would dismiss me and I would be drafted to the army automatically).
During the hard time in class, Professors: Mr. Le Huu Muc and Mrs. Khuu Si Hue encouraged me to continue. Professor Hue introduced me to teach part time at Saint John and LinhNam High School in Cholon district. I also was a volunteer teacher at the blind school for females. Each night, I voluntarily taught math for 11 and 12 grades at Nghia Viet High School for the poor on Hung Vuong Avenue.
In 1969 and 1970, the Kampuchea army killed the Vietnamese who settled in their country. The Vietnamese had to leave Kampuchea to return home. Many thousands of citizens, from babies to elders, hand by hand walked across the border to Tay ninh province. Look at our people, who used the sky for a curtain, the ground for the bed, students of the school of pedagogy and Nghia sinh organization established a rescue camp at Tay ninh



On the trip from Saigon to Tay ninh, Nghia Sinh group stopped at Trang bang to enjoy Trang bang noodle soup and rice paper before we visited Tha la village, the only Catholic Church in Trang bang. Tha la was famous during the war between Vietnam and France. Tha la is located on the west of Trang bang town. We walked under shadows of bamboos running from the road to the church. Every one admired the beautiful, quiet and solemn natural landscape.
When we came to Phuoc dien, Nghia sinh group started to teach children about hygiene in the public area and about singing together. Students from the School of Pedagogy worked with local teachers, and students established the camps and provided waters, medicine and food. Under the hazy sunshine of a place that had the nickname “dog ate rock and chicken ate salt” (means have nothing to survive), everyone became tired. Nghia sinh group dug the well water but this job was a challenge and required much more patience. Tay ninh is the place having the highest water table level that is described in our proverb:
Marry to a man in the Tay ninh province
Pull water from 32 meters depth, scare to death!
(Lấy chồng về miệt Tây ninh
Xách nước giếng ba mươi sảy, thất kinh ông bà !)
We tried to heal our people and create a healthy atmosphere. We taught children how to play together, how to sing our folk songs . One folk song inreased suffering for homeless people:
Who incites Kampuchia to kill our people
Let.. for ....let... for... people... oh! Oh... oh! Left home to come here!
At night we took turns to come to Mr. Tien, a local teacher, to relax . Mr. Tien was very poor but his arm was big enough to embrace us during these services. His care was a medicine that made us enjoy our services more.
Before leaving town to go back our college, we visisted Cao dai pagoda. We looked at the architecture from outside into inside, and no one could not admire it.
The day a new teacher was selected to the school to teach was exciting but it did not bother me. I made up my mind to go to Dat do High School, where the battlefield just finished and school was destroyed. I grew up in the countryside.  I saw many battlefields in my village and many children were illiterate. Therefore, Dat do High School was the place I wanted to serve. I wanted to teach students who were poor and needed help.
The time I taught at Dat do High School, I was very strict with students, especially the female students. I determined that the teacher could not marry a student and I prepared for it. I did not want a student being a character on the roman book “ Arm of student” from Nguyen Thi Hoang, “ Trouble horse in the school yard”  from Duyen Anh.
I applied corporate punishment from Zenth education at that time. I did not recognoze that it was wrong.
Dat do students became a part of my life. They were the consolation of my job. I did not want them to encounter a rough life, as it was in my childhood. I found ways to encourage them to study. They needed to earn a college degree like I did. Some students temporarily lived in my house at Saigon to go to private school during 3 months in the summer. I provided them room and food.
Under the  leadership of Senator Ted Kennedy, the Democratic Party in the US voided the promise of President Nixon to aid the President of South Vietnam. They cut financial aid to South Vietnam. The South Vietnam goverment surrendered to the communists of North Vietnam on April 30, 1975.  Officials and teachers of South Vietnam were sent to re-education camp and I was one of them. Atfer I finished the re-education camp, the communists temporarily hired me back for teaching.
One day after teaching the last class, I walked from school to the lodging house. A Vietcong guerilla stopped me and charged me for going out of the house after 5 PM. He asked me to stand under the flag pole on the market. Each time he raised his AK47 to my face, I urinated in my pants. People around the village begged him to let me go but he decided to keep me. One person notified Mr. Thanh, a province leader of education. He was the fourth uncle of Mr. Nguyen Ngoc Phuong (Phuong was my friend). Mr Thanh drove his motorcycle from Ba ria city to see him and demanded him to release me. After that incident, I was as a bird that was shot by an arrow. I always worried and was frightened. I was not only angry at that guerilla but I felt sorry for him, a child without education, and did not have the chance to be my student. I discussed that incident with Phuong and after that summer, I was exiled to a middle high school at Rung la village.
On my last day at Dat do High School, students and I had a red eyes. I entered class like a drunk man, my brain turned in circles. I tried to remain calm and encouraged my students to continue to learn well and do good things during the time I was at this school. At the time I tried to explain to them my wishes, I heard a sound of sobbing from the end of class and then that sound quickly started to spread as a drop of oil spilled in the water.  Students in class cried together. I could not control it anymore and my tears also started to roll down my face. If the day I came to Datdo High School was with high hopes, then today I left Datdo with deep suffering. It may be that God had already made the decision for my journey of teaching and I had to encounter rough roads as a Buddhist nun became a boucal. A Buddhist nun did not keep her promise; therefore she became a boucal. What fault I did to my students and I had to pay for this exile?
At that evening, I said good bye to my student’s parents and took a bus to return to Saigon. I sat down in my house with a lot of memories. My father tried to comfort me and asked me about Dat do High School students. I did not know where they were going and I had no answer for my dad. Looking around the house, I felt that I heard their low tones reading a book, learning to pronounce Beijing luanguage and asking me to guide them in solving math problems. I suddenly felt that this house was like an uncultivated home for a long time and nobody stepped in. I heard my dad breathe deeply because he knew how bonded I was with the Dat do High School students and he felt sorry for me, his youngest son. I tried to stand up and smile so my dad would not be worried. I hoped that I would find another Datdo High School character in “Rung la” (forest of leaves) middle high school.
Rung la was a dangerous village with malaria. It was temporay living for people who were misplaced at Phuoc long province during the war. This place had no water and electricity. On the weekend, Mr. Principal and teachers walked to a creek to take a shower and do laundry. Mr. Principal was forced to move temporarily from North to the South Vietnam. He loved his family. He was very, very poor. He sympathized with us who had lost everything. During our lunar New year, I invited him to come to my house because he did not have enough money to buy a train ticket to go home to see his wife and children. One day we collected enough money to offer him a round trip train ticket to visit his family in North Vietnam. He secretly returned home for a couple of days but bad luck already waited for him. After he left Rungla school, the head of district education suddenly visited our school and he found out our principal had left town without permission. Every teacher at Rung la middle high school had member(s) of family who were involved with the South Vietnam goverment; therefore, communists tried to punish us as hard as they could. Rung la middle High School had ony 4 classes: 6th, 7th, 8th and 9th grade but they had 3 literature teachers with a BA degree, 1 geography and history teacher with a BA degree, 1 physic and chemistry teacher with a MS degree. (In Vietnam, middle high school teachers only required an AAS degree.) Major student’s father was in communist jail. Each evening, I was lonely as I sat down at the school step and looked at the clouds surrounding the top of “May tao” mountain. I cried and wanted to kill myself. I missed my Datdo ‘students, my family, my friends and my lover. After 1 year, people recongized me and tried to help me. I transferred to Nhon trach High School in the summer of 1976.
Before I reported to Nhon trach High School, I got married. Former students at Chinese high school helped me with finances and transportation. My house was located at Phu lam, a south suburb of 6 miles from Saigon. I woke up at 4:00 AM, said goodbye to my wife, and then biked 20 miles to Nhon trach High School. I only went home on the weekend. From my house to Nhon trach High School, I had to ride two ferries (Thu thiem and Cat lai). If I missed the ferry, I had to wait for the next trip. I stood on the Cat lai ferry. I observed many small houses huddled on the river shore. I felt sad.
My hometown has “Vam co dong” (East side) river while at my female friend at Long xuyen province had houses similar as Cat lai. While I did a comparison, the ferry landed and people tried to leave the ferry in a hurry. From the ferry to my school, I had to bike 3 miles with a steep slope.
By communist rules, teachers had to live in the school and had to visit every student’s home. Some students lived far away from school and I biked several hours to get there. Many nights I slept at student homes and discussed agriculture. I also went to the rice field and worked with parents. I joined them to drink rice alcohol and sang Southern Vietnamese country music. When a student’s family celebrated the dead day of their relative, I always was there with them. Parents at this school loved me very much. They said I represented the country people class and I worked hard to become a teacher. Parents always asked their children to follow my role model.
At Nhon trach High School, I taught math and literature. The principal asked me to travel to a middle high school to teach literature and a   teacher at this middle school would come to high school to teach math because the math teacher had suddenly resigned. The distance from Nhon trach High School to middle high school was very far, about 2 hours to bike. Therefore, my classmate‘s brother (he was a history teacher) recommended me to teach Math and literature for 10th grade. The first time I refused, but then Mr. Principal threatened to lay me off and finally I had to accept it.
Students at Nhon trach were very nice, lovely students. They had more of a chance to work closely with me than students did at Dat do. They showed compassion to me. During the holidays or on the weekend, I rode with my wife to see them and their parents.
Time passed very quickly.  The students had 3 months off during the summer. During that time, I rejoined re-education class with other teachers. One day a communist officer pulled me out of the class. I thought that he would kill me because of my family’s background. I walked and thought about my wife, a young woman who would become a widow. My body shook when I entered his office and waited for his decision. I looked at his cool blood face, and I was scared for my life. After few minutes of silence, he said I would be transferred to “Thong Nhat B” High School. At this moment, my hand was shaking as a tail of lizard was cutting off. I begged him to transfer  me to “Thong Nhat A” High School.  He jerked up his chin and asked me why. I slowly defended my reason to go to Thong Nhat A to learn more about the communists under principal leadership.  A person always put education as the top priority. He bit his pen and signed the paper for me to transfer. I was happy and worried.
When re-education class ended, I went home and let my wife know about the transfer. Since that day, my wife and I lived as during the wartime. I rarely went home. My wife went to work and took care of my father.
In 1978, my wife got pregnant. My father-in-law’s family prepared to leave the country. My wife solicited to apply for me an electrical technician position in her company, a public water company. I silently quit my teaching job in pain. From that day, I always lived beside my wife. In the morning, I rode her to work and in the evening, I rode her back home by bicycle.
My first job at this place was to cut old car tires to made shoes for the leaders or cut old tires to install into the metal wheels of trash cars. (People pulled trash cars in Vietnam at this time.)  When I cut tires, I always asked why God put me in this situation. Everyone in this working place knew my teaching background; therefore, they helped me any way they couldc. My supervisor told me:
Manual labor is the glory
No job will be hungry
Talking too much will be in jail
Act dump will survive
I concentrated to work on manual labor so communist leaders would leave me alone. Sometimes I traveled to another district to repair electrical systems.
One day, one group of students of “Thong nhat A” High School suddenly came to my house. They stayed overnight and requested me to take them to visit the Saigon zoo.  After I rode my wife to work, I asked my supervisor to take off 1/2 day. My students and I walked around the zoo. I asked them to forget me and continue their education with a new teacher. They were angry and cried loudly. I comforted them because I did not want to see a situation when I left Dat do High School. I tried to comfort my students and forgot the time to return to work. I let my wife eat lunch by herself. My wife waited for me to return to eat lunch. I felt guilty about my actions on that day with my wife. I stood at the fork: I turned to my student’s path and let my wife down during her pregnant time.
In May of 1979, our son saluted the word for two months. I escaped Viet Nam by a fishing boat with my in law family. My mother and father-in-law bought a fake Chinese citizenship for me so I could go with them. The first time we left My tho harbor at the south, the engine of our fishing boat suddenly stopped. We drifted for 14 days to Binh Tuy province at the central. A Soviet boat saved us and pulled us back to Vung tau (Not too far from Datdo High School). After one week in a retention area, the communists let us go back home, but we did not have a home anymore because they occupied our house. We returned to My tho and tried to go the second time. During the second journey, the communist navy stopped our boat and pulled us over to an island to investigate our journey. After they took all of our money, jewelry, gasoline, and a compass, they pulled our boat to the ocean and let us stay there. At midnight, we broke the floor to get our reserve gasoline, and then continued to find freedom. We rode about 1 day.  Pirates shot bullets toward us and demanded we stop.  The Captain increased speed and we ran into international water. On the second day, a Soviet boat saw us, stopped and asked where we wanted to go. They gave us water and food and showed us the direction to Indonesia. When we landed in Indonesia, the local government demanded each person pay fifty dollars before they allowed us to board. At midnight, my father-in-law asked us to sink our boat and we landed. Our family stayed at Jago camp for 7 months then we settled in Lynchburg, Virginia on January 19, 1980.
 



During the years we settled in the US, my wife was our interpreter. After one year I worked at the carpentry factory, and my family moved to Richmond so I could go back to college. At this time, our in law’s helped us with transportation. Sisters-in-law took turns driving us to get groceries; my brother-in-law drove me back and forth to college.
In May 1983, I graduated from John Tyler Community College with Summa Cum Laude in Electronics and Electrical Engineering Technologies. No company wanted to hire me because of my English. John Tyler Community College offered me a part time teaching job on electronics and electrical labs. One year later, Virginia Power was looking for a good electronic technician and I got a job as an Assistant Instrument Technician at Chesterfield Power station on March 20, 1984. I started to enroll in college via the assistant employee education program. During this period, my wife took care of our children. I worked during the days and went to college at nights. I had little time for my family. In January 1987, I transferred to the Power Training Center and received a Bachelor of Science Degree with major in Electronic Engineer Technologies in July 1987.
At this time, I received a letter from my best friend, Hung, who notified my father had followed my Mom (passed away) because of missing me too much. I stayed home 3 days and felt guilty I had left my father to come to the US.  I remembered a police lieutenant colonel stated in my horoscope: “I am always a lonely person, left home land to find a new life in another country. I will be success in education but I will not see my parents at the time their passed away.”
In 1988, I transferred to Nuclear Training Center. For many years I worked at Surry and North Anna Training Centers; I got depressed when I saw a yellow school bus. I repented of my teaching time. I always had sadness and had no way to control it; I was glum and hot tempered.
One day I went to seek assistance from psychologist. She asked me about my childhood, my education and teaching in Vietnam. A week later, she advised me to return to a college in the education field. I enrolled in a master of Education program; Dominion paid for the translation of my diploma and other fees. The first day in class, everyone talked about her or his school and students. I was the only one who did not have a teaching job. My professor asked the reason an Engineer was attending Master of Education.  I was very eloquent to describe the education system in Vietnam before the downfall of Saigon on April 30, 1975. I also described how much I cared about my former students and how I missed them very much. I cried each day when class was over. I also selected the time to go to work and return home to avoid the school bus. After two semesters, my professors and classmates helped me to overcome my sadness and I did not cry when I saw school bus anymore.
My life has always been involved with the education field. At the present time, I do not have school, classes or students but I always help and share my knowledge on technologies for instructors so they can train more effectively.
If I become a human on next cycle
I will become a teacher again

 (Nếu tôi tái thế làm người

Nguyện làm thầy giáo trọn đời kiếp sau)

Virginia August 18, 2016



[1] We did not have alarm clock

[2] In the South Vietnam, people do not called a person by name. They call people by ordinary in family. The first child shall call a second brother/sister; the second child shall call a third brother/ sister and so on…. In the North Vietnam, people call by first name.

[3] J.F. Kennedy commanded to kill him because he did not allow American troops entering Vietnam

[4] Poinciana only bloom on the summer

[5] In the South Vietnam, it is a national exam for 9th grader. Who passed, can continue to 10th grade, who fails could repeat the 9th grade or no longer become a student.