16 tháng 10, 2022

Nguyễn Ngọc Ngạn và Thơ Đường_ Huỳnh Hữu Đức

 

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Thơ Đường

Tuy rất thích nhạc, nhưng thời gian sau này tôi không còn nghe các chương trình của Paris By Night nữa. Gần đây, nghe được những bàn tán về chương trình Xuân Với Đời Sống Mới Paris By Night 132, tôi liền mở lên theo dõi. Đây là chương trình ca nhạc có thời lượng là 5 giờ 43 phút, ở thời điểm 4 giờ 22 phút, hai MC có màn Vấn Đáp (những dòng chữ viết nghiêng là nguyên văn câu nói của hai MC) :

         MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên hỏi MC Nguyễn Ngọc Ngạn:

Trong bài hát Mùa Xuân Trong Thư Em của nhạc sĩ Viễn Chinh có câu “Tôi viết vội câu thơ thất niêm” . Vậy thất niêm có nghĩa là gì?”.

          MC Nguyễn Ngọc Ngạn trả lời:

- “Lúc chúng ta học Trung học thì trong môn Việt văn chúng ta học về thơ Đường. Thơ Đường tức là thơ của thời nhà Đường, là thời cực thịnh về thơ, đó là thời của Đường Huyền Tôn, tức Đường Minh Hoàng. Về sau thơ Đường nó trở thành tiêu chuẩn để chúng ta làm thơ, nhưng dĩ nhiên là thơ đó gò bó cho nên nó gọi là niêm với luật. Niêm luật tức là chữ nào phải Bằng, chữ nào Trắc, và đối nhau."

Thí dụ như:

           Lom khom dưới núi tiều vài chú

           Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Hai câu đó của Bà Huyện Thanh Quan nó rất là đối từng chữ, từng câu, từng vần. Thì cái đó chúng ta gọi là niêm luật của thơ Đường …"

           Sau đó Kỳ Duyên hỏi:
-"Những câu đối như ngày xưa, bây giờ mình còn làm nhiều không anh? Tết em đọc không thấy nữa. Hay là cái đó đã thất truyện rồi?"

            Nguyễn Ngọc Ngạn trả lời:  

-"Nó không thất truyền, nhưng mà nó chỉ còn trong sách giáo khoa, nó chỉ còn trong lớp học mà thôi..."

(nghe câu này, không biết các nhà thơ, các diễn đàn Thơ Đường Luật  ngày nay nghĩ thế nào!?)

Qua đoạn vấn đáp bên trên của Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên, chúng ta thấy những câu trả lời của Nguyễn Ngọc Ngạn có 3 ý chính:

1- Thơ Đường là thơ thời Đường Huyền Tôn.

2- Thơ gò bó nên gọi là Niêm Luật. Niêm tức là chữ nào phải Bằng, chữ nào Trắc và Luật là đối nhau.

3- Thơ Đường ngày nay chỉ còn trong sách giáo khoa, chỉ còn trong lớp học mà thôi.

Những câu trả lời trên của Nguyễn Ngạc Ngạn đúng, sai thế nào mà nảy sinh những ý kiến không đồng tình.

Thơ ca Trung Hoa xuất hiện rất lâu. Có lẽ từ thời nhà Thương. Sau đó được Khổng Tử sưu tầm, chọn lọc, chỉnh sửa và sắp xếp lại để viết quyển Kinh Thi. Kinh Thi cũng giống như văn chương truyền khẩu của Việt Nam. Bao gồm các câu ca dao, bài hát trong dân gian và được bổ sung thêm các bài nhạc tao nhã của cung đình. Hình thức thơ trong Kinh Thi đa dạng, biến đổi từ câu 4 chữ cho đến 5, 6,7 hay nhiều chữ hơn. Nói chung mỗi bài có số câu, cũng như số chữ trong câu không nhất định.

Ðến đời Tấn (265-420), thơ bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng bài thơ thì dài ngắn tùy hứng, tùy thích. Sang thời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một dạng nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu.

Từ thời nhà Tùy, thể Văn Biền Ngẫu (hai câu song song đối nhau) được giới làm thơ ưa chuộng, nên đã đưa vào các dạng thơ 5 chữ và 7 chữ.

Đây cũng là tiền đề để phát triển và hoàn chỉnh Cận Thể Thi giai đoạn từ cuối đời Nhà Tùy đến đầu Nhà Đường. Luật thơ bắt đầu manh nha từ đó. Thẩm Ước xướng thuyết Tứ Thanh (4 quy luật Thanh, Âm là Bằng, Trắc, Trầm và Bổng), Bát Thể (8 bệnh về trầm bổng bằng trắc của Tứ Thanh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ đấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh, về đối ngẫu, nhưng quy tắc vẫn chưa chặt chẽ, vẫn tung hoành phóng túng tự do. Người đời sau gọi các dạng thơ trên đây là Cổ Thể Thi để phân biệt với Cận Thể Thi xuất hiện vào thời Đường. Với người Hoa, chỉ có Thơ Cổ Thể và Thơ Cận Thể (Thơ Luật).

Thi sĩ đời Ðường (618-907) phát huy phép đối ngẫu và thuyết Thanh Bệnh của Thẩm Ước. Âm vận và các luật được tinh tường, gạn lọc. Thi Luật được sáng chế và được phần đông thi nhân hoan nghênh. Người có công lớn trong việc chỉnh đốn Thi Luật là Tống Chi Vấn và Thẩm Thuyên Kỳ thời Sơ Ðường .

Triều đại nhà Đường (618-907) kéo dài 290 năm, bắt đầu từ Đường Thái Tổ Lý Uyên, đến vị vua cuối cùng là Đường Ai Đế Lý Chúc. Đây là triều đại được đời sau công nhận là thời kỳ huy hoàng nhất của thi ca Trung Hoa. Các nhà nghiên cứu đã dựa vào tình hình thực tiễn của xã hội bấy giờ, tạm chia thi ca thời Đường ra làm 4 thời kỳ: Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường.

1/ Sơ Đường 618 - 713
- Giai đoạn 1 từ 618 đến 673: Đây là giai đoạn chuyển hóa từ thể thơ Cổ Thể Thi ( Cổ Phong) sang Cận Thể Thi (Đường Luật Thi).
- Giai đoạn 2 từ 673 đến 713: Khoảng thời gian này, Luật thơ đã hoàn chỉnh.
Các nhà thơ được biết nhiều trong thời kỳ này là Vương Bột, Trần Tử Ngang, Tống Chi Vấn, Thẩm Thuyên Kỳ...

2/ Thịnh Đường 713 - 766
Đây là giai đoạn cực thịnh của Đường Thi và Đường Luật Thi. Có rất nhiều nhà Thơ nổi tiếng như Vương Hoán Chi, Vương Duy, Cao Thích, Vương xương Linh...nhất là Lý Bạch và Đỗ Phủ.

3/ Trung Đường 766 - 835
Giai đoạn này Thơ mang sắc thái cảm thương, u uất...Đại diện có Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên...

4/ Vãn Đường 835 - 907
Lời đẹp ý hay nhưng kém phần hùng hồn, đôi khi ủy mỵ. Nổi bật có Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục...

Trở lại 3 nội dung giải thích liên quan đến Thơ Đường của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, chúng ta thấy tất cả đều không đúng:

1/ Thơ Đường là tất cả các thể thơ được các nhà thơ thời Đường sáng tác kể cả Cổ Thể Thi và Cận Thể Thi. Trong khi đó Thơ Đường Luật là tất cả thơ được làm theo luật của Đường Luật Thi, bất kể làm vào thời đại nào, quốc gia nào. Nhưng nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn lại nhập chung Thơ Đường và Thơ Đường Luật làm một.

Thơ Đường Luật bắt đầu hình thành vào cuối triều Tùy và hoàn chỉnh vào giai đoạn 2 của thời Sơ Đường, không phải như Nguyễn Ngọc Ngạn cho rằng thơ Đường là thơ thời Đường Huyền Tôn (Đường Minh Hoàng).

2/ Không thể vì gò bó mà gọi là Niêm Luật như MC Nguyễn Ngọc Ngạn nói, đó là quy luật riêng của mỗi loại thơ, như thơ Lục Bát... cũng có luật riêng.

Niêm không phải là Bằng Trắc, Luật không phải là đối nhau như ông Ngạn giảng giải. Trong thơ Đường Luật, Niêm là giữ vững, là kết dính giữa các câu có chữ thứ hai  mang Thanh (Bằng Trắc)  giống nhau. Luật là những quy định mà người làm thơ phải tôn trọng. Thơ Đường Luật có 5 luật phải tuyệt đối tuân theo: Thanh, Đối, Niêm, Vận và Bố Cục.

3/ Ngày nay, Thơ Đường Luật phát triển khắp nơi từ trong nước đến hải ngoại, rất được nhiều người ưa chuộng, không hề thất truyền như MC Nguyễn Ngọc Ngạn phát biểu.

Nếu điều gì chưa rõ ràng, biết còn nông cạn thì nên tìm hiểu học hỏi thêm, không thể như nhà văn Nguyễn ngọc Ngạn thật thiếu trách nhiệm, khi phát biểu, phổ biến những điều sai trái lệch lạc khắp nơi, qua chương trình Paris By Night như thế. Thật coi thường mọi người và bôi lọ nền văn học nước nhà.
  

Rất tai hại, khi sẽ có không biết bao nhiêu người học lấy cái sai của MC Nguyễn Ngọc Ngạn.

 Nhớ câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe" của Ông Bà lưu lại, cũng rất đáng cho chúng ta và con cháu suy gẫm.


Huỳnh Hữu Đức

https://huynhhuuduc.blogspot.com/search/label/V%C4%83n-Bi%C3%AAn%20Kh%E1%BA%A3o