ĐSLV , Văn , Vương Trùng Dương
Vương Trùng Dương
Câu thơ
“Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du (1766-1820) vào bối
cảnh chia tay “Người lên ngựa, kẻ chia bào” giữa Thúc Sinh và Vương Thúy Kiều khi còn học ở lớp Đệ
Tứ chỉ hiểu mơ hồ qua lời giảng dạy…
Vào
thời điểm đó, ở Việt Nam và Tàu không thấy đề cập đến cây phong, chỉ
mường tượng qua Truyện Thúy Kiều do cụ Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim chú
giải, ấn hành năm 1927 và Truyện Kiều
Chú Giải của cụ Lê Văn Hòe, ấn hành năm 1953.
Hình
ảnh cây phong dẫn câu thơ trong vở kịch Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ
vào cuối thế kỷ XIII bên Tàu về mối tình ngang trái giữa chàng thư sinh
Trương Quân Thụy và người
đẹp Thôi Oanh Oanh.
Trong đoạn khúc Trường Đình Tống Biệt của Tây Sương Ký:
“Bích vân thiên
hoàng hoa địa
tây phong khẩn
bắc nhạn nam phi
hiểu lai thùy nhiễm sương lâm túy
tổng thị ly nhân lệ” (1)
Nhà văn Nhượng Tống (1906-1949, trong quyển Vương Thực Phủ, Mái Tây (Tây sương ký), ấn hành năm 1944, dịch thành thơ:
“Bầu trời thăm thẳm xanh lơ
Đìu hiu mặt đất lơ thơ hoa vàng
Gió Tây thổi buốt can tràng
Về Nam nhạn Bắc kêu thương lạc loài!
Rừng phong ai nhuộm đỏ tươi
Đều là nước mắt những người biệt ly”.
Hai chữ “sương lâm” là “sương diệp” ám chỉ lá cây phong… Trong bài thơ Đỗ Mục có hai câu mô tả hình ảnh của rừng phong:
“Đình xa tọa ái phong lâm vãn
Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa”
dịch nghĩa:
"Dừng xe bởi vì thích ngắm rừng phong dưới ánh chiều,
Sương đọng trên lá thu rực đỏ (đẹp) hơn cả hoa tháng hai (lúc mùa xuân)."
Theo
chú giải của cụ Lê Văn Hòe thì phong là một giống cây lá to mọc thành
tán, xưa đời Hán hay trồng ở sân nhà vua. Vì thế điện vua gọi là phong
đình, phong điện hoặc đền phong.
Cây phong ngờ là cây bàng bên ta. (?) Sang mùa thu, thì lá bàng vàng và
đổ dần sang màu đỏ sẫm. Màu ấy đặt vào đám rừng cây xanh thì nổi bật
lên, rất dễ nhận. (Không hiểu các cụ ngày xưa đã dựa vào đâu để gọi như
vậy). Ngay trong Hán Việt Tự Điển của cụ Đào
Duy Anh, ấn hành năm 1932, cũng gọi “cây phong = cây bàng”.
Với “màu quan san”
không có trong hội họa mà có tính cách tượng hình, “quan san” là cửa ải và núi non, ý chỉ nơi chốn
xa xôi, cách trở, màu gây nhớ thương, u hoài trong lòng người… (2)
Khi ở trong quân ngũ mới biết trên Quốc Kỳ của Canada có lá phong, hình ảnh cây phong (maple) để tìm hiểu thêm…
Thời
gian trôi qua! Sau thời gian dài 15 năm (1975-1990) không có đầu óc
lãng mạn, tháng 8/1990 khi đến phi trường Pattaya, Bangkok, Thái Lan
theo diện H.O… và, những ngày tạm
trú nơi nầy, tâm hồn lãng mạn bay xa đến phương trời trên xứ sở Cờ Hoa.
Khi
biết được định cư ở thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee, đây là
thành phố được gọi là Country Music, cái nôi của nhạc đồng quê. Mùa thu
sắp đến, cũng là nơi lá phong
nhuộm màu.
Thế nhưng cuộc sống tha hương ở nơi chốn mà ngày xưa trong bài Cảnh Nhàn của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng: “Ta
dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao” khi “treo ấn từ quan”
để vui thú điền viên… Nhưng với tôi cảm thấy nơi vắng vẻ nầy không thích hợp nên sau hai tháng, từ Đông sang Tây nơi “gió tanh mưa máu”
bằng xe bus Greyhound xuyên qua các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ.
Những
ngày vào thu ở Nashville đẹp tuyệt vời với những hàng phong nhuộm đó
hai ven đường. Đẹp tuyệt vời, đẹp ngây ngây ngây nhưng trong trong tâm
hồn kẻ “chân
ướt chân ráo” xa xứ, có lẽ đến lúc “màu quan san”
chia tay!
Tuy
thời gian ngắn ngủi ở nơi đó nhưng tôi gặp được vài người bạn trẻ, tốt
bụng và chân tình, thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau. Nay đã về hưu,
vào dịp nầy lạc chốn rừng phong.
Những ngày cuối cùng nơi nầy, anh Cảnh chở tôi đi khắp nơi để nhìn phong cảnh lá phong chuyển màu như một sự chia ly.
Khi ở Little Saigon, tôi ra Home Depot mua chậu phong về trồng để nhớ lại hình ảnh ban đầu nhưng có lẽ nó không thích hợp nên
“thấy mà thương”!
Khi
làm báo, hàng tuần nhận bài viết của Công Tử Hà Đông (Hoàng Hải Thủy)
"Viết Ở Rừng Phong"… Và tác giả đã vĩnh biệt nơi đây, thấm thoát đã hai
năm rồi.
Little Saigon vào thu, không còn hình ảnh nơi tôi đã một thời gắn bó với Đà Lạt từ thời quân ngũ đến lúc chia ly:
“Hôm nay trời vào thu,
Đà Lạt lắm sương mù”
(Trong ca khúc Tình Người Hậu Tuyến của Thục Vũ)
Hình ảnh ban đầu nơi xứ người với rừng phong ở Nashville đã 32 năm nhưng vẫn nhớ.
Hơn 3 thập niên khi ở trong nơi chốn “bùn lầy nước đọng”
được chú Sam “bốc” đi diện H.O mà diện “đầu trọc” gọi là “con
bà Phước”
nên không biết nơi nào, dù có biết nơi khỉ ho cò gáy nào trên xứ Cờ Huê
cũng là ước mơ vì vậy khi ở Thái Lan biết định cư xứ có rừng phong,
thành phố của nhạc đồng quê… thế mà chia tay!
Nhà
văn Đức Hermann Hesse (1877-1962) với những tác phẩm nổi tiếng của ông
khi được giải Nobel Văn Chương năm 1946 nên được dịch ra tiếng Việt,
quen thuộc với độc giả ở miền
Nam VN. Ông là người uyên bác triết lý Đông Phương qua hai tác phẩm
Siddartha (Câu Chuyện Dòng Sông do Phúng Khánh & Phùng Thăng dịch)
và Die Morgenlandfahrt (Le Voyage du Matin, dịch sang tiếng Việt là Hành
Trình Về Phương Đông), tác phẩm nầy trùng tên bộ
sách của nhà văn Mỹ Baird Thomas Spalding, Nguyên Phong dịch Hành Trình
Về Phương Đông. Với câu nói của Hermann Hesse:
“Bạn
phải tìm được giấc mơ của mình…
nhưng không giấc mơ nào tồn tại vĩnh viễn, mỗi giấc mơ lại có giấc mơ
khác theo sau, và người ta không nên bấu víu lấy một giấc mơ nhất định
(You must
find your dream...but no dream lasts forever, each dream is followed by
another, and one should not cling to any particular dream). Và với tôi, có giấc mơ nầy cũng mong giấc mơ khác
“tha hương ngộ cố tri” (3) cũng là lẽ thường tình của con người tỵ nạn.
Điều ngoài ước mơ khi ở trong nước với
“nghiệp báo” thế mà từ lúc
“về chốn lao xao” gắn bó đến nay, “nghiệp” chưa trả hết nên không biết khi nào mới “rửa
tay gác kiếm” vì
“không giấc mơ nào tồn tại vĩnh viễn (no dream lasts forever)”!
Little Saigon, Oct 2022
Vương Trùng Dương
Chú thích (ĐSLV):
(1)
"Tây Sương Ký" là một vở kịch, trong đó có cả văn xuôi và văn vần
(thơ). Bài thơ này, có lẽ, đã dựa theo bài hát "Tô Mạc Già " của Phạm
Trọng Yêm từ thời Bắc Tống, hơn 200
năm về trước:
Bích vân thiên,
Hoàng diệp địa.
Hoàng diệp địa.
Thu sắc liên ba,
Ba thượng hàn yên thuý.
Sơn ám tà dương thiên tiếp thuỷ.
Phương thảo vô tình,
Cánh tại tà dương ngoại.
Ảm hương hồn,
Truy lữ tứ,
Dạ dạ trừ phi hảo mộng lưu nhân thuỵ.
Minh nguyệt lâu cao hưu độc ỷ.
Tửu nhập sầu trường,
Hoá tác tương tư lệ.
Dịch nghĩa:
Trời đầy mây biếc,
Đất phủ lá vàng.
Cảnh sắc mùa thu lẫn với nước hồ,
Trên sóng là khói lạnh màu biếc.
Trời chiều phủ bóng núi non, trời xanh nối tiếp với mặt nước.
Cỏ thơm không hiểu nỗi lòng người,
Lại mọc tới tận nơi cuối chân trời.
Nỗi nhớ nhà rầu rĩ,
Tìm theo nỗi lòng đất khách,
Hằng đêm chỉ khi mộng đẹp (về quê) mới có thể ngủ được.
Trăng sáng, lầu cao, người vẫn lẻ bóng tựa trông.
Rượu vào trong dạ sầu,
Hoá thành giọt lệ nhớ nhung.
(3) "Tha hương ngộ cố tri (Xa quê gặp bạn cũ)" là một câu trong bài thơ "Tứ Hỷ (Bốn niềm vui)" trong sách "Phong Tục Biên":
四喜
久旱逢甘雨
他鄉遇故知
洞房花燭夜
金榜掛名時
Phiên âm:
Cửu hạn phùng cam vũ,
Tha hương ngộ cố tri,
Động phòng hoa chúc dạ,
Kim bảng quải danh thì.
Dịch thơ:
Hạn hán được cơn mưa,
Xa quê gặp bạn cũ,
Đêm động phòng hoa chúc,
Tên trên bảng thi đỗ.
(BPT)
Chú thích:
Bài chữ Hán Tô Mạc Già do Trần-Lâm Phát ghi thêm, không phải là phần biên soạn của tác giả Vương Trùng Dương